Thứ Ba, 28 tháng 2, 2012

Đái tháo đường týp nào nguy hiểm hơn?

Theo Sức khỏe và Đời sống

Dựa vào nguyên nhân sinh bệnh, theo quan niệm mới, các nhà khoa học phân loại bệnh đái tháo đường (ĐTĐ) thành các týp ĐTĐ như sau:
Ðái tháo đường týp 1
Đặc trưng bởi tế bào β tụy bị phá hủy, có 2 nhóm:
- Qua trung gian miễn dịch hay còn gọi là ĐTĐ týp 1a: Dấu ấn của ĐTĐ qua trung gian miễn dịch bao gồm: các tự kháng thể kháng tế bào tiểu đảo, kháng insulin (IAAs), kháng glutamic acid decarboxylase (GAD), kháng tyrosine phosphatases IA-2 và IA-2ß.
Bệnh thường gặp ở người châu Âu, xuất hiện ở trẻ em và thiếu niên, nhưng có thể xuất hiện ở bất kỳ tuổi nào. Một số bệnh nhân, đặc biệt là trẻ em và thiếu niên, có thể khởi phát bệnh với tình trạng tăng đường huyết nhiễm ceton acid. Bệnh nhân có thể trạng gầy, nhưng đôi khi có thể có béo phì. Những bệnh nhân này có thể cũng có các rối loạn miễn dịch khác như bệnh Basedow, viêm giáp Hashimoto và bệnh Addison.
- Không qua trung gian miễn dịch, còn gọi là ĐTĐ không rõ nguyên nhân, hay ĐTĐ týp 1b. Thường gặp hơn ở người gốc Phi và người gốc châu Á.
 Sự sản xuất insufficien bình thường (trên) - Sự sản xuất insufficien trong bệnh đái tháo đường (dưới).
Ðái tháo đường týp 2
Đặc trưng bởi tình trạng đề kháng insulin và khiếm khuyết bài tiết insulin. Mỗi yếu tố nêu trên, tùy trường hợp có thể đóng vai trò chủ yếu, nổi trội hơn yếu tố còn lại. Cả hai yếu tố này đồng thời hiện diện khi bệnh ĐTĐ được chẩn đoán trên lâm sàng.
Đái tháo đường týp 2 chiếm khoảng 90 - 95% các trường hợp ĐTĐ. Tần suất mắc phải rất khác nhau giữa các nhóm chủng tộc/sắc tộc. Bệnh thường có tính gia đình.
Các yếu tố đã được xác định là yếu tố nguy cơ của ĐTĐ týp 2: tuổi cao, béo phì, ít vận động, rối loạn chuyển hóa lipid, tăng huyết áp, sử dụng lâu dài các loại thuốc corticoid, lợi tiểu…
ĐTĐ týp 2 thường được chẩn đoán muộn hoặc không được chẩn đoán trong nhiều năm vì tình trạng tăng đường huyết phát triển một cách âm thầm. Do đó bệnh nhân thường có biến chứng ngay từ khi mới được chẩn đoán.
Mặc dù ĐTĐ týp 2 ở người da trắng thường xuất hiện sau 50 tuổi, nhưng hiện nay, ở các chủng tộc có tỉ lệ bệnh ĐTĐ týp 2 cao, bệnh có thể khởi phát ở tuổi sớm hơn khoảng 20 - 30 tuổi và thậm chí đã có những trường hợp ĐTĐ týp 2 ở trẻ em đã được báo cáo.
ĐTĐ týp 2 có thể điều trị bằng chế độ ăn, tăng cường vận động đơn thuần hoặc phối hợp với thuốc hạ đường huyết uống. Tuy nhiên người bị ĐTĐ týp 2 có thể cần insulin để điều trị trong một số tình huống.
Một số trường hợp người trưởng thành bị tăng đường huyết giống như ĐTĐ týp 2, nhưng có kết quả xét nghiệm kháng thể kháng tế bào tiểu đảo dương tính, người ta gọi là ĐTĐ thể LADA. Những người này có HLA giống ĐTĐ týp 1a. LADA xuất hiện ban đầu giống như ĐTĐ týp 2, nhưng sẽ diễn tiến nhanh đến giai đoạn cần insulin trong vài tháng hoặc vài năm.
Ở bệnh nhân ĐTĐ týp 2, nhiễm ceton acid không thường gặp, nhưng có thể phát sinh khi bị stress như nhiễm trùng nặng cấp, chấn thương, phẫu thuật...
Ðái tháo đường thai kỳ
Đái tháo đường thai kỳ được định nghĩa như là sự rối loạn dung nạp glucose ở bất kỳ mức độ nào với khởi phát/ghi nhận lần đầu tiên trong thời kỳ có thai. Nó không loại trừ tình trạng rối loạn dung nạp glucose có thể có từ trước khi mang thai nhưng đã không được biết đến. Những phụ nữ đã biết bị ĐTĐ trước khi mang thai thì không phải là ĐTĐ thai kỳ mà là ‘‘ĐTĐ và thai kỳ” hoặc ‘‘ĐTĐ trước khi có thai”.
Việc chẩn đoán và điều trị ĐTĐ thai kỳ và điều trị những phụ nữ bị ĐTĐ có thai là khác nhau. Để ổn định đường huyết trong thai kỳ, cần phải được điều trị bằng chế độ ăn và /hoặc insulin.
Các tình trạng tăng đường huyết đặc biệt khác:
Giảm hoạt tính insulin do khiếm khuyết gen, bao gồm: đề kháng insulin loại A; Leprechaunism; Hội chứng Rabson - Mendenhall; ĐTĐ thể teo mỡ...
Bệnh lý tụy ngoại tiết: viêm tụy; chấn thương/cắt bỏ tụy; ung thư tụy; xơ kén tụy; bệnh nhiễm sắc tố sắt; bệnh tụy sơ sỏi...
Bệnh nội tiết: to đầu chi; hội chứng Cushing; u tiết glucagon; u tủy thượng thận tăng tiết catecholamin; cường giáp; u tiết somatostatin; u tiết aldosteron...
Tăng đường huyết do các loại thuốc, hóa chất: vacor; pentamidin; acid nicotinic; corticoid; hormon tuyến giáp; diazoxid; thuốc đồng vận giao cảm ß; thiazid; dilantin; interferon alpha...
Nhiễm khuẩn: Rubella bẩm sinh; Cytomegalovirus …
Các thể không thường gặp của ĐTĐ qua trung gian miễn dịch: hội chứng người cứng; kháng thể kháng thụ thể insulin …
Một số bệnh gen đôi khi kết hợp với ĐTĐ: hội chứng Down; hội chứng Klinefelter; hội chứng Turner; hội chứng Wolfram; thất điều vận động Friedreich; múa vờn Huntington; hội chứng Lawrence-Moon - Beidel; loạn dưỡng cơ; porphyria; hội chứng Prader Willi...
Dự án quốc gia phòng chống bệnh đái tháo đường

Chủ Nhật, 26 tháng 2, 2012

Tâm lý không bị trừng phạt

 

Theo BauxiteVietnam

Hôm nay tình cờ được đọc bài của Cụ Phạm Toàn, một nhà giáo lão thành và tâm huyết với các v/đ  của nước nhà, TSYG cảm nhận đây là bài viết chứa đựng nhiều ý nghĩa rất sâu sắc. Xin mời bà con.

Phạm Toàn

Mở đầu chủ nhật lan man
Suốt năm ngoái cho tới hôm nay, mình hiệu đính cả thảy 8 hoặc 10 cuốn gì đó trong bộ sách Triết học cho trẻ em của nhà xuất bản Tri thức.
Bản thảo mới xong vừa gửi lại ban biên tập có chủ đề tính ác và cái ác của con người (không phải tính ác của con vật) – con vật không ác, ai không tin, xin cứ coi lại đoạn băng cưỡng chế đầm của anh hùng nông dân hiện đại Đoàn Văn Vươn. Trong đoạn băng này, có cảnh một người mấy lần đùn đẩy chú cảnh khuyển, nhưng chú không chịu tiến lên.
… sang một câu hỏi triết học
Trong cuốn sách mới hiệu đính, nhan đề Cả ngàn lý do để mà ác, có đoạn đối thoại dài của Platon trong cuốn Nền Cộng hòa, một trong những người đối thoại nêu quan điểm riêng về việc con người ta làm điều thiện và làm điều ác.
Người đối thoại này kể câu chuyện về một anh chăn cừu tên là Gygès, vốn là một người tốt bụng. Tình cờ Gygès nhặt được một chiếc nhẫn thần giúp anh trở nên vô hình. Khi đó anh ta làm gì? Anh ta không cưỡng được: anh ta vào trong cung điện, lên giường của hoàng hậu, rồi giết vua để thế chỗ ông ta. Khả năng vô hình tạo cho anh ta tình trạng không bị trừng phạt; và với tình trạng không bị trừng phạt, tất cả đức hạnh, tất cả thiện ý đều tan biến.
Tác giả viết như người vừa bắt được vàng, chỉ vì đã có vũ khí cho luận điểm mới của mình – tác giả nêu câu hỏi : “Nào, bây giờ giả dụ là chắc chắn bạn sẽ không bao giờ bị bắt quả tang, sẽ không bao giờ bị trừng phạt, liệu bạn sẽ không bao giờ làm điều ác chứ?
Lập luận của người đối thoại là như sau : khả năng tàng hình là gì? Đó là cách diễn đạt đồng nghĩa của khả năng không bị bắt quả tang làm điều ác, như vậy là khả năng không thể bị trừng phạt.
Một khi kẻ thủ ác có được cơ chế thần linh hoặc chính trị để không bị trừng phạt thì … thì chuyện gì sẽ xảy ra? Khi đó, chắc chắn là chỉ có chú cảnh khuyển của Công an Hải Phòng là còn có… tính người.  
… và một lời kính thưa
Kính thưa một ông nào đó vẫn đang thực lòng tin tưởng hoặc giả vờ tin tưởng vào nền đạo lý dựa trên phê bình và tự phê bình để sửa chữa cái xấu, cái ác trong xã hội.
Liệu đó là kết quả của một trình độ lý luận hay đây chỉ là việc thuận miệng ghép phê bình và tự phê bình vào với nhau, rồi coi như đó là một chân lý hiển nhiên?
Phê bình và tự phê bình là hai phạm trù không gắn được với nhau.
Cơ chế của phê bình là công khai và ngoại hướng, khéo tổ chức sẽ dấn đến những thiết chế dân chủ hóa xã hội con người. Các thiết chế dân chủ đó bao gồm ba thành phần tham gia vào “công tác phê bình” (nhại thế cho vui): có một thành tố A phạm lỗi một thành tố B vạch lỗi và một thành tố C kiểm soát. Các thành tố A, B và C có thể là cá nhân hoặc tổ chức. Các sai phạm có thể là lỗi (mang tính dân sự) hoặc tội (mang tính hình sự). Công thức hoạt động của mô hình này là công khai – minh bạch – hiệu quả. Công khai, đó là không dấm dúi. Minh bạch, đó là làm cho mọi ý đồ dấm dúi thành mất khả năng dấm dúi, thành công khai. Hiệu quả, đó là không ai bịp được ai, không có một thằng dẻo mỏ nào chiếm diễn đàn nói nhăng nói cuội rồi cả hệ thống cứ nói một đằng làm một nẻo.
Còn tự phê bình? Tự phê bình thuộc cơ chế riêng tư và nội hướng. Tự phê bình là hành vi cao cả của con người có văn hóa. Văn hóa cao tới đâu thì khả năng tự phê bình cao tương ứng tới đó. Thơ của Trần Việt Phương tự phê bình về sự ngây thơ chính trị của mình và thế hệ mình. Và thơ Chế Lan Viên tự phê bình về sự dính líu vô trách nhiệm về chính trị của cá nhân ông. Đó là hai dẫn chứng cho tự phê bình và cái tầm suy tưởng triết học hoặc xã hội học của chủ thể tự phê bình. Trình độ cao có thể là sám hối, là tỉnh ngộ, là chia sẻ. Không ai có quyền bắt người khác tự phê bình – đó là cơ chế của tự phê bình. Tự phê bình kiểu Mao Trạch Đông làm nhục con người vì lý do nào đó và lừa cho chủ thể bộc bạch tâm tư ra cho cả lũ Hồng vệ binh đấu đá dưới cái vỏ “phân tích đúng sai”, vờ vịt “giúp đỡ” nhau, thực chất là xúi giục đấu đá. Có lúc việc khuyên nhủ diễn ra theo cung cách “lưu manh chân tình” như thế này: “người nói (đấu đá) không có tội người nghe (phân tích sau khi tự phê bình) phải sửa mình”.
Liệu ông chủ xướng biện pháp phê bình và tự phê bình có nghĩ rằng cả cái khối cường hào ác bá ở Tiên Lãng và Hải Phòng sẵn lòng công khai tâm điạ của chúng ra qua tự phê bình? Có tin nổi chúng sẽ thành khẩn tự phê bình và khai ra những tài khoản đang gửi ở nước ngoài để tự nguyện chuyển tiền vào Quỹ giúp đỡ đồng bào nghèo?
Lan man chủ nhật một chút thôi
Bọn người xấu được đặt vào diện phải chỉnh đốn biết rõ hơn ai hết rằng không giải pháp nào (hiện đang dùng) lại đủ sức động chạm tới chúng.
Chúng rất sợ tam quyền phân lập – thì chính cái đó lại không có trên đất nước này. Từ đó mà bọn xấu thấy chúng không bị trừng phạt.
Bọn người xấu cũng rất sợ một xã hội dân sự tham gia vạch mặt chúng. Tự do báo chí là điều chúng rất sợ. Nhưng cái nền tự do ngôn luận này cũng rất mong manh trên đất nước ta.
Bọn người xấu cũng rất sợ các hội đoàn ra tay. Nhưng thử xem đoàn thể thanh niên chẳng hạn đã làm gì để giải pháp phê bình và tự phê bình có tác dụng tốt? Và ta đã thấy cái xã hội dân sự èo uột đã củng cố niềm tin bệnh hoạn của bọn xấu thấy chúng không bị trừng phạt.
Đã đén lúc những ai chủ trương phê bình và tự phê bình để chỉnh đốn những điều hư đốn đủ sức dẫn đến mất nước hãy thực tâm đứng ra phê bình và tự phê bình một chút coi! Các ngài sẽ thấy mình đúng hay sai? Chân tình hay giả dối? Đầu óc lành mạnh hay đang u mê?
Hay chính các ngài cũng thấy mình mang tâm lý không bị trừng phạt?
P. T.

Thứ Năm, 23 tháng 2, 2012

Nụ cười nghề y (st)


+ Con dấu của bác sĩ sản
Một cô gái đến phòng khám sản, bác sĩ khẳng định cô có bầu, rồi lặng thinh đóng lên bụng cô một con dấu gì đó. Về nhà cô bảo chồng đọc xem nội dung con dấu trên bụng cô là gì. Phải dùng kính lúp, anh chồng mới đọc được: "Khi nào có thể đọc được dòng chữ này bằng mắt thường, hãy đưa cô ấy đến nhà hộ sinh"

+ Gặp bác sĩ
- Hôm qua, anh xin nghỉ làm để đi khám bệnh, thế mà sau đó tôi gặp anh ở sân vận động. Sao anh lại nói dối tôi như vậy 
- Tôi không nói dối đâu, thưa sếp. Bác sĩ của tôi chơi ở cánh trái trong trận đó

+ Điều trị đồng bộ
Một bà cụ thấy bụng dạ không ổn, đến bác sĩ.
- Gần đây tôi luôn bị đầy bụng, cứ vài phút lại trung tiện một lần, không biết tại sao, bác sĩ coi giùm. Tuy nhiên, nói nhỏ với bác sĩ điều này, tôi trung tiện không hề có mùi gì cả, cũng không có tiếng, bằng chứng là từ lúc ngồi trước mặt bác sĩ đến giờ, tôi đã đánh cả chục cái rồi đấy
Ông bác sĩ không nói gì, chỉ đưa bà cụ gói thuốc và giấy hẹn tuần sau tới khám lại.
Sau một tuần, bà cụ sấn sổ tới và mắng ông bác sĩ như tát nước vào mặt:
- Ông chữa kiểu gì mà tôi thấy càng trầm trọng hơn, giờ mỗi lần trung tiện tôi thấy mùi không chịu nổi.
Ông bác sĩ đáp lại nhã nhặn
- Điều trị vậy là tiến triển tốt đó cụ. Sau một tuần cái mũi của cụ đã ngửi lại được bình thường, lần này tôi sẽ chữa cái tai để cụ nghe được nữa là ổn cả


+ Chữ bác sĩ
Một bác sĩ kê toa cho bệnh nhân nọ. Chữ bác sĩ viết khó đọc đến mức bệnh nhân này đã dung toa thuốc đó để đi xe buýt miễn phí trong hai năm, đi xem hát ba lần, xem bóng đá bảy lần. Thậm chí anh này còn đưa cho sếp xem, sếp tưởng là thư tay của cấp trên nên vội tăng lương cho anh ta. Còn con gái của bệnh nhân đã chơi piano từ toa thuốc và được nhận vào lớp năng khiếu của nhạc viện.  

+ Tiền mặt và bảo hiểm y tế
Để chữa bệnh phát phì, bác sĩ kê đơn cho Tuấn 6 viên thuốc, mỗi tối uống một viên. Đêm đầu, sau khi uống thuốc, Tuấn mơ thấy mình bị đắm tàu và giạt vào một đảo hoang, ở đấy có một cô gái da màu tuyệt đẹp. Anh rượt theo cô ta khắp đảo, nhưng không thể nào bắt kịp. Thức dậy, mồ hôi vã ra như tắm. Cuộc rượt đuổi lại diễn ra trong những đêm kế tiếp. Kết quả anh ta sụt 25 kg.
Bạn của Tuấn là Tú thấy vậy cũng đến chữa bệnh. Nhưng sau khi uống viên thuốc đầu tiên, Tú lại có một giấc mơ khác. Anh ta cũng lạc vào đảo hoang, nhưng không có cô gái da màu nào cả. Thay vào đó là một đám thổ dân hung dữ đuổi anh ta chạy trối chết. Rồi anh ta cũng sụt được 25 kg.
Tú hỏi bác sĩ tại sao Tuấn lại có giấc mơ nhiều hứng thú, chứ không đáng sợ như của mình, ông ta mỉm cười: Có gì đâu, Tuấn đến gặp tôi tại phòng mạch tư và trả bằng tiền mặt. Còn anh thì đến bệnh viện với thẻ bảo hiểm y tế

+ Hơi và bã
Hai sinh viên trường y vừa dự xong lễ tốt nghiệp, ngồi uống cà phê “mừng tốt nghiệp” trước cổng trường, bỗng thấy một cụ già mặt tái mét, mồ hôi đầm đìa, vừa đi vừa ôm bụng đang bước từng bước rất khó nhọc ngang chỗ ngồi. SV thứ nhất vội nhảy ra thăm hỏi: - Cụ ơi cụ bị đau bao tử à, cụ đã uống thuốc gì chưa? Thấy cụ không trả lời, lại có phần nhăn nhó thêm, SV thứ hai chạy ra hỏi tiếp: Hay là cụ bị đau gan hoặc giun chui ống mật? Cụ già bèn ngước nhìn hai tân bác sĩ vẻ nghi ngờ, rồi rặn ra câu trả lời: Ha…ai chú nhầ…ầm, mà tô…ôi cũng nhầ…ầm, tôi tưởng nó ra hơ…ơi, ai ngờ…ờ nó lại ra bã..ã !!


Tuyệt vời Kelly Brook!

Nguồn ảnh: Daily Mail

Kelly Brook là người mẫu lừng danh của nước Anh, sở hữu những chỉ số lý tưởng và cô đã từng được  được mệnh danh là kỳ quan thứ 8. Sự nghiệp của cô rất ấn tượng và ngày càng vững chắc. Cô là người mẫu nội y cho các tạp chí thời trang danh tiếng GQ, Loaded, FHM, Ultimo...Kelly tham gia đóng trong 12 bộ phim, trong đó có vai chính Danni Arslow trong bộ phim nổi tiếng  Piranha 3D. Ngoài ra cô còn diễn trong 3 vở kịch, 9 bộ phim truyền hình  và  và tham gia các chương trình truyền hình với tư cách người dẫn chương trình và nhà sản xuất. Cô còn được khán giả rất yêu mến khi làm giám khảo trong chương trình truyền hình nổi tiếng Britains Got Talent. Đã từ lâu, cô được coi là biểu tượng gợi cảm số 1 của nước Anh.
Đầu tháng 2/2012 cô có chuyến du ngoạn đến bãi biển Bahia - Brasil. Cùng với sự trợ giúp của hướng dẫn viên, cô đã thực hiện một loạt động tác biểu diễn mà ngay đến các vận động viên gymnastics thực thụ cũng phải kính nể. Mời bà con thưởng thức:




















Chủ Nhật, 19 tháng 2, 2012

Ăn nhiều hành, tỏi phòng tránh ung thư

Theo Sức khỏe và Đời sống
Viện Nghiên cứu dược lý Mario Negri (Italy) khẳng định: tỷ lệ mắc ung thư thực quản, tử cung và vòm họng ở những người cao tuổi có thói quen ăn hành thường xuyên thấp hơn nhiều so với mức trung bình của toàn xã hội. Các nghiên cứu trước đây cũng đã đưa ra kết luận tương tự, nhưng nhiều người vẫn tỏ ra hoài nghi vì cho rằng đối tượng tham gia nghiên cứu là người Trung Quốc nên không thể chắc chắn rằng hành, tỏi có thể giúp ngăn ngừa ung thư ở người phương Tây.
Nhưng với phát hiện này, có thể khẳng định: người phương Tây cũng phòng tránh được ung thư nhờ ăn nhiều hành, tỏi. TS.Carlotta Galeone, Trưởng nhóm nghiên cứu, cho biết: Tuy chưa thể khẳng định rằng hành, tỏi trực tiếp ngăn chặn ung thư, nhưng ông cho rằng, có thể những người thích hành, tỏi theo đuổi chế độ ăn nhiều rau quả và chính điều đó giúp họ giảm được nguy cơ mắc ung thư.
Những nghiên cứu trên động vật và trong phòng thí nghiệm với tế bào ung thư cho thấy: các hợp chất có trong hành, tỏi có thể kìm hãm sự phát triển của các khối u. Những hợp chất của sulfur trong tỏi và flavonoid - tác nhân chống ôxy hóa trong hành, là một trong những chất có khả năng bảo vệ tế bào khỏi sự xâm nhập của ung thư. Galeone và các cộng sự phân tích các công trình nghiên cứu về tác dụng của tỏi, hành được tiến hành ở Italy và Thụy Sĩ. Đối với ung thư thực quản, Galeone phát hiện ra rằng, phụ nữ và nam giới ăn hành 7 lần trở lên trong tuần giảm được một nửa nguy cơ mắc bệnh so với những người không ăn.
Tương tự, những người ăn tỏi ít nhất 7 lần trong tuần có nguy cơ mắc ung thư thấp hơn những người không bao giờ dùng tỏi trong khẩu phần khoảng 25%. Những người thích tỏi và hành cũng ít nguy cơ mắc ung thư vòm họng, miệng, thận nhất. Galeone khuyên: Nếu bạn thêm hành, tỏi vào khẩu phần ăn hằng ngày, hoặc trộn chúng với nhiều loại rau khác thì thật là một điều lý tưởng để tránh bệnh ung thư. Nói chung, các chuyên gia đều khuyên mọi người ăn nhiều loại rau quả khác nhau trong khẩu phần ăn hằng ngày để có một cơ thể khỏe mạnh.         
BS. Ninh Hồng


Thứ Hai, 13 tháng 2, 2012

XUÂN VỀ LẠI GỌI: BÁC HỒ ƠI!


                                             Đặng Quang Quỳnh (CCB TP.HCM)
                                                        Tác giả gửi cho TÂM SỰ Y GIÁO

Bác Hồ ơi! Có thấu không?
“Quan sai”, dân chống máu hồng tuôn rơi
Nhớ xưa lời dạy của Người
Lợi dân, ích nước một thời vàng son.
Thương dân như thể thương con
Dân còn nghèo đói Bác còn chưa yên.
Khi xưa ít bạc ít tiền
Giàu lòng nhân ái mọi miền an vui
Ngày nay có mấy ông Bùi
Cậy quyền cậy thế sặc mùi quan liêu,
 Dốt luật pháp, thích làm liều
Đạp lên dư luận, gây điều bất nhân
Làm sai đổ vạ cho dân
Cào nhà lấy đất bội phần đớn đau
Huyện sai trước, Thành sai sau
Đồ Sơn, Tiên lãng một màu quan hư
Dồn dân vào chỗ ở tù
Bao che nhau, xã – huyện hù Anh Vươn
Râm ran xóm dưới làng trên
Bức dân, dân phản nhãn tiền bấy nay
Bác Hồ ơi! Đau lắm thay!
Không mau chỉnh đốn, có ngày… Bác ơi!

Chủ Nhật, 5 tháng 2, 2012

Góc thư giãn: Lái xe thế này khó thật

TSYG: Đường xá ở xứ giãy chết rộng thoáng, nhưng mấy bác tài ở xứ này lại hay lơ đãng nên có nhiều pha giở khóc giở cười. TSYG đăng lại mấy tình huống để bà con thư giãn sau tuần đầu tiên mệt phờ râu vì chuyện đổi giờ học của con trẻ. Mong rằng sau này (chưa biết khi nào) khi đường xá của ta rộng rãi không còn cảnh ùn tắc thì các bác tài nhà mình cũng đừng bắt chước đồng nghiệp ở xứ giãy chết nhá. (Nguồn: chacha.com)

Bác tài xỉn, tưởng có hai cột điện nên đi vào giữa.


Cũng bày đặt đá hậu.


Hôn phối bất đắc dĩ giữa đường bộ và đường thủy.


Định vào xin tí nước.


Ở bển cũng có múa lân nhưng dành cho bốn bánh.


Xe cảnh sát gì má "ăn đường" dzữ dzậy?


Hôm nay con trở về úp mặt vào sông quê!


Khỏa thân trong bồn tắm.


Đi thăm em gái hàng xóm.


Đi siêu thị.


Cái rờ moọc bất trị


Ghếch đít lên cho nó ...mát.


Quay đít vào hàng xóm phụt mấy phát cho bõ ghét.


Bọn này cũng hay chui cửa hậu, nhể.

Bỗng dưng thấy cần đăng vài tấm ở xứ mình để tăng thêm phần tự hào. Và đââ...ây, đặc sản chỉ có ở VN mà không có ở bất kỳ nơi nào trên thế giới:




Thứ Năm, 2 tháng 2, 2012

Top 10 Kỹ năng “mềm” để sống học tập và làm việc hiệu quả

Theo Dân Trí
 Có một nghịch lý rất khó lý giải: Người VN thi các giải quốc tế (toán, vật lý, cờ vua, robotcom...) đều được đánh giá rất cao, thế nhưng lại chưa thành đạt nhiều trong công việc.
 Năm nào nước ta cũng có rất nhiều giải vàng, giải bạc quốc tế - điều mà nhiều nước trong khu vực phải ghen tị. Nhưng mỗi khi nói về năng lực của lao động VN thì chắc chắn chúng ta dừng ở một vị trí đáng buồn. Tại sao lại thế? Rõ ràng là có một khoảng hẫng hụt lớn giữa cái được dạy và nhu cầu xã hội, thực tế sản xuất kinh doanh.

Trong hội nghị với bộ Đại học, UNESCO đề xướng mục đích học tập: “Học để biết, học để làm, học để chung sống, học để tự khẳng định mình”. Trường học chúng ta hiện đang nặng về học để biết, nghĩa là chỉ đạt được một trong bốn mục tiêu của UNESCO.

Ngân hàng Thế giới gọi thế kỷ 21 là kỷ nguyên của kinh tế dựa vào kỹ năng - Skills Based Economy(http://www.librarything.com/work/5395375). Năng lực của  con người được đánh giá trên cả 3 khía cạnh: kiến thức, kỹ năng và thái độ. Các nhà khoa học thế giới cho rằng: để thành đạt trong cuộc sống thì kỹ năng mềm (trí tuệ cảm xúc) chiếm 85%, kỹ năng cứng (trí tuệ logic) chỉ chiếm 15% (http://www.softskillsinstitution.com/faq.htm).

Chúng ta đã bước vào thế kỷ 21 đã 10 năm, thế mà chương trình đào tạo và việc đánh giá năng lực của học sinh, sinh viên vẫn dựa chủ yếu vào kiến thức. Peter M. Senge nói “Vũ khí cạnh tranh mạnh nhất là học nhanh hơn đối thủ”. Rõ ràng muốn tăng cường năng lực cạnh tranh chúng ta không những phải học nhanh mà phải học đúng.

Ngày xưa, nhà trường là nơi duy nhất để ta có thể tiếp cận với kiến thức. Thế giới ngày càng phẳng hơn, nhờ internet mọi người đều có thể tiếp cận được thông tin, dữ liệu một cách bình đẳng, mọi lúc, mọi nơi. Kiến thức ngày càng nhiều và từ việc có kiến thức đến thực hiện một công việc để có kết quả cụ thể không phải chỉ có kiến thức là được. Từ biết đến hiểu, đến làm việc chuyên nghiệp với năng suất cao là một khoảng cách rất lớn. Vậy câu hỏi đặt ra là: “Kỹ năng nào là cần thiết cho mỗi con người để thành công trong công việc và cuộc sống?”

Tại Mỹ, Bộ Lao động Mỹ (The U.S. Department of Labor) cùng Hiệp hội Đào tạo và Phát triển Mỹ (The American Society of Training and Development) gần đây đã thực hiện một cuộc nghiên cứu về các kỹ năng cơ bản trong công việc. Kết luận được đưa ra là có 13 kỹ năng cơ bản cần thiết để thành công trong công việc:

1.      Kỹ năng học và tự học (learning to learn)
2.      Kỹ năng lắng nghe (Listening skills)
3.      Kỹ năng thuyết trình (Oral communication skills)
4.      Kỹ năng giải quyết vấn đề (Problem solving skills)
5.      Kỹ năng tư duy sáng tạo (Creative thinking skills)
6.      Kỹ năng quản lý bản thân và tinh thần tự tôn (Self esteem)
7.      Kỹ năng đặt mục tiêu/ tạo động lực làm việc (Goal setting/ motivation skills)
8.      Kỹ năng phát triển cá nhân và sự nghiệp (Personal and career development skills)
9.      Kỹ năng giao tiếp ứng xử và tạo lập quan hệ (Interpersonal skills)
10.  Kỹ năng làm việc đồng đội (Teamwork)
11.  Kỹ năng đàm phán (Negotiation skills)
12.  Kỹ năng tổ chức công việc hiệu quả (Organizational effectiveness)
13.  Kỹ năng lãnh đạo bản thân (Leadership skills)

Năm 1989, Bộ Lao động Mỹ cũng đã thành lập một Ủy ban Thư ký về Rèn luyện các Kỹ năng Cần thiết (The Secretary’s Commission on Achieving Necessary Skills - SCANS). Thành viên của ủy ban này đến từ nhiều lĩnh vực khác nhau như giáo dục, kinh doanh, doanh nhân, người lao động, công chức… nhằm mục đích “thúc đẩy nền kinh tế bằng nguồn lao động kỹ năng cao và công việc thu nhập cao”.(http://wdr.doleta.gov/SCANS/)

Tại Úc, Hội đồng Kinh doanh Úc (The Business Council of Australia - BCA) và Phòng thương mại và công nghiệp Úc (the Australian Chamber of Commerce and Industry - ACCI) với sự bảo trợ của Bộ Giáo dục, Đào tạo và Khoa học (the Department of Education, Science and Training - DEST) và Hội đồng giáo dục quốc gia Úc (the Australian NationalTraining Authority - ANTA) đã xuất bản cuốn “Kỹ năng hành nghề cho tương lai” (năm 2002). Cuốn sách cho thấy các kỹ năng và kiến thức mà người sử dụng lao động yêu cầu bắt buộc phải có. Kỹ năng hành nghề (employability skills) là các kỹ năng cần thiết không chỉ để có được việc làm mà còn để tiến bộ trong tổ chức thông qua việc phát huy tiềm năng cá nhân và đóng góp vào định hướng chiến lược của tổ chức. Các kỹ năng hành nghề bao gồm có 8 kỹ năng như sau:

1.      Kỹ năng giao tiếp (Communication skills)
2.      Kỹ năng làm việc đồng đội (Teamwork skills)
3.      Kỹ năng giải quyết vấn đề (Problem solving skills)
4.      Kỹ năng sáng tạo và mạo hiểm (Initiative and enterprise skills)
5.      Kỹ năng lập kế hoạch và tổ chức công việc (Planning and organising skills)
6.      Kỹ năng quản lý bản thân (Self-management skills)
7.      Kỹ năng học tập (Learning skills)
8.      Kỹ năng công nghệ (Technology skills)

Chính phủ Canada cũng có một bộ phụ trách về việc phát triển kỹ năng cho người lao động. Bộ Phát triển Nguồn Nhân lực và Kỹ năng Canada (Human Resources and Skills Development Canada - HRSDC) có nhiệm vụ xây dựng nguồn nhân lực mạnh và có năng lực cạnh tranh, giúp người Canada nâng cao năng lực ra quyết định và năng suất làm việc để nâng cao chất lượng cuộc sống. Bộ này cũng có những nghiên cứu để đưa ra danh sách các kỹ năng cần thiết đối với người lao động. Conference Board of Canada  một tổ chức phi lợi nhuận của Canada dành riêng cho nghiên cứu và phân tích các xu hướng kinh tế, cũng như năng lực hoạt động các tổ chức và các vấn đề chính sách công cộng. Tổ chức này cũng đã có nghiên cứu và đưa ra danh sách các kỹ năng hành nghề cho thế kỷ 21 (Employability Skills 2000+) bao gồm cá kỹ năng như:

1.      Kỹ năng giao tiếp (Communication)
2.      Kỹ năng giải quyết vấn đề (Problem solving)
3.      Kỹ năng tư duy và hành vi tích cực (Positive attitudes and behaviours)
4.      Kỹ năng thích ứng (Adaptability)
5.      Kỹ năng làm việc với con người (Working with others)
6.      Kỹ năng nghiên cứu khoa học, công nghệ và toán (Science, technology and mathematics skills)

Chính phủ Anh cũng có cơ quan chuyên trách về phát triển kỹ năng cho người lao động. Bộ Đổi mới, Đại học và Kỹ năng được chính chủ thành lập từ ngày 28/6/2007, đến tháng 6/2009 thì được ghép với Bộ Kinh tế, Doanh nghiệp và Đổi mới Pháp chế để tạo nên bộ mới là Bộ Kinh tế, Đổi mới và Kỹ năng. Bộ này chịu trách nhiệm về các vấn đề liên quan đến việc học tập của người lớn, một phần của giáo dục nâng cao, kỹ năng, khoa học và đổi mới. (Nguồn: http://www.dius.gov.uk/). Cơ quan chứng nhận chương trình và tiêu chuẩn (Qualification and Curriculum Authority) cũng đưa ra danh sách các kỹ năng quan trọng bao gồm:

1.      Kỹ năng tính toán (Application of number)
2.      Kỹ năng giao tiếp (Communication)
3.      Kỹ năng tự học và nâng cao năng lực cá nhân (Improving own learning and performance)
4.      Kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông (Information and communication technology)
5.      Kỹ năng giải quyết vấn đề (Problem solving)
6.      Kỹ năng làm việc với con người (Working with others)

Chính phủ Singapore có Cục phát triển lao động WDA (Workforce Development Agency) WDA đã thiết lập hệ thống các kỹ năng hành nghề ESS (Singapore Employability Skills System) gồm 10 kỹ năng(http://wsq.wda.gov.sg/GenericSkills/):

1.      Kỹ năng công sở và tính toán (Workplace literacy & numeracy)
2.      Kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông (Information & communications technology)
3.      Kỹ năng giải quyết vấn đề và ra quyết định (Problem solving & decision making)
4.      Kỹ năng sáng tạo và mạo hiểm (Initiative & enterprise)
5.      Kỹ năng giao tiếp và quản lý quan hệ (Communication & relationship management)
6.      Kỹ năng học tập suốt đời (Lifelong learning)
7.      Kỹ năng tư duy mở toàn cầu (Global mindset)
8.      Kỹ năng tự quản lý bản thân (Self-management)
9.      Kỹ năng tổ chức công việc (Workplace-related life skills)
10.  Kỹ năng an toàn lao động và vệ sinh sức khỏe (Health & workplace safety).

Trong WDA còn có Trung tâm kỹ năng hành nghề (The Centre for Employability Skills (CES)) để đánh giá hệ và hỗ trợ đào tạo kỹ năng.

Ở VN, các kỹ năng chưa được chú trọng trong hệ thống giáo dục cũng như trong cuộc sống. Hình như nền giáo dục của chúng ta đang dựa trên một giả định “người ta biết thì người ta sẽ làm được”. Và vì vậy họ cứ cố dạy cho học sinh, sinh viên thật nhiều kiến thức hòng làm được việc khi ra trường. Nhưng thực tế đâu có vậy, từ biết đến hiểu là một khoảng cách rất xa, và từ hiểu đến làm việc chuyên nghiệp với năng suất cao là một khoảng cách còn xa hơn nữa. Điều này dẫn đến một thực trạng là sinh viên khi ra trường  biết nhiều kiến thức nhưng lại không có khả năng làm việc cụ thể. Chỉ vài năm gần đây, các phương tiện thông tin đại chúng mới nhắc nhiều đến cụm từ “kỹ năng” và “kỹ năng mềm”.Kỹ năng là khả năng thực hiện một công việc nhất định, trong một hoàn cảnh, điều kiện nhất định, đạt được một chỉ tiêu nhất định. Các kỹ năng có thể là kỹ năng nghề nghiệp (các kỹ năng kỹ thuật cụ thể như hàn, tiện, đánh máy, lái xe, lãnh đạo, quản lý, giám sát…) và kỹ năng sống (các kỹ năng giao tiếp, ứng xử, tư duy, giải quyết xung đột, hợp tác, chia sẻ…). Mỗi người học nghề khác nhau thì có các kỹ năng khác nhau nhưng các kỹ năng sống là các kỹ năng cơ bản thì bất cứ ai làm nghề gì cũng cần phải có.

Chúng ta tự hào về nguồn lao động dồi dào. Nhưng đó mới chỉ là số lượng. Chất lượng lao động mới là vấn đề đáng bàn. Theo bà Nguyễn Thị Hằng (nguyên Bộ trưởng Bộ LĐ, TB & XH, Chủ tịch hội dạy nghề VN), hiện nay, Việt Nam còn đến hơn 50% lao động trong tổng số hơn 10 triệu lao động chưa qua đào tạo cơ bản chính quy, mà chủ yếu là vừa học vừa làm hoặc làm những công việc đơn giản. Điều đó cho chúng ta thấy bức tranh tổng thể về kỹ năng nghề nghiệp của lực lượng lao động không có gì là sáng sủa cho lắm và còn nhiều việc phải làm để có một bức tranh tươi sáng hơn. Điều tối thiểu phải biết (nhưng lại không phải ai cũng biết), là xã hội bây giờ sử dụng sản phẩm dùng được, chứ không sử dụng khả năng hay bằng cấp của con người. Anh không có kỹ năng đánh máy, thì có thuộc lòng 10 quyển sách về Microsoft Office cũng vô nghĩa. Anh không thiết kế nổi một cái nhà bình thường 3 tầng, thì có tốt nghiệp xuất sắc trường Kiến trúc cũng vô nghĩa.

Tổng hợp các nghiên cứu của các nước và thực tế VN, 10 kỹ năng sau là căn bản và quan trọng hàng đầu cho người lao động trong thời đại ngày nay:

1.      Kỹ năng học và tự học (Learning to learn)
2.      Kỹ năng lãnh đạo bản thân và hình ảnh cá nhân (Self leadership & Personal branding)
3.      Kỹ năng tư duy sáng tạo và mạo hiểm (Initiative and enterprise skills)
4.      Kỹ năng lập kế hoạch và tổ chức công việc (Planning and organising skills)
5.      Kỹ năng lắng nghe (Listening skills)
6.      Kỹ năng thuyết trình (Presentation skills)
7.      Kỹ năng giao tiếp và ứng xử (Interpersonal skills)
8.      Kỹ năng giải quyết vấn đề (Problem solving skills)
9.      Kỹ năng làm việc đồng đội (Teamwork)
10.  Kỹ năng đàm phán (Negotiation skills)

Như vậy ngoài những kiến thức chuyên môn, người lao động cần phải được trang bị thêm các kỹ năng hành nghề để đảm bảo có được việc làm mà còn để tiến bộ trong tổ chức thông qua việc phát huy tiềm năng cá nhân và đóng góp vào định hướng chiến lược của tổ chức góp phần vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Lâu nay chúng ta chỉ nghĩ đến xuất khẩu lao động, nhưng một thực tế mới đang thách đố người lao động VN là trong thời kỳ khủng hoảng người nước ngoài đang đến tranh chỗ làm việc của ta. Chúng ta có thể bị thua ngay trên sân nhà.

Rõ ràng 10 kỹ năng mềm thiết yếu này không những chỉ giúp người lao động nâng cao năng suất, hiệu quả công việc mà thực chất là giúp ích rất nhiều trong mọi khía cạch cuộc sống ở gia đình ngoài xã hội tại công sở, nâng cao đáng kể chất lượng cuộc sống và văn hóa xã hội, góp phần thay đổi diện mạo con người VN.

Học hỏi kinh nghiệm từ các nước công nghiệp tiên tiến, nhà nước cần phải xây dựng một  chương trình quốc gia về kỹ năng mềm, thành lập một cơ quan chuyên trách xây dựng hệ thống kỹ năng, đào tạo và giám sát chất lượng năng lực của lực lượng lao động. Chúng ta đã bước vào kỷ nguyên kinh tế tri thức. Trong kỷ nguyên kinh tế tri thức thì nguồn vốn con người là quan trọng nhất. “Không thể giải quyết vấn đề mới bằng chuẩn mực cũ” Không thể ngồi hô hào về cải cách giáo dục mà phải có biện pháp cụ thể để nâng cao năng lực của mỗi người dân, nâng cao năng lực cạnh tranh của VN.


Phan Quốc Việt