Thứ Năm, 20 tháng 2, 2014

KHI TRUNG QUỐC HẠ CÁNH

Theo RFA

Những dấu hiệu khó khăn của nền kinh tế Trung Quốc ngày càng rõ rệt hơn. Nhưng khi nền kinh tế đứng hạng thứ nhì thế giới mà bị suy trầm, hoặc thậm chí hạ cánh nặng nề thì kinh tế thế giới sẽ bị ảnh hưởng ra sao? Diễn đàn Kinh tế nêu câu hỏi với chuyên gia Nguyễn-Xuân Nghĩa về kịch bản này.
Vũ Hoàng: Xin kính chào ông Nghĩa. Thưa ông, từ đã lâu trên diễn đàn này, ông nói đến nhiều dự báo không lạc quan về tình hình kinh tế Trung Quốc và nhắc tới những thử thách hay cơ hội cho các nền kinh tế khác. Vừa qua, tập đoàn ngân hàng Société Générale của Pháp lại có một báo cáo công bố tuần trước về kịch bản hạ cánh nặng nề của Trung Quốc với hậu quả bất lợi cho kinh tế toàn cầu, thí dụ như nếu đà tăng trưởng kinh tế xứ này từ hơn 10% mà giảm tới mức 2% thì tốc độ tăng trưởng của kinh tế thế giới sẽ mất 1,5 điểm bách phân. Vì sao lại như vậy?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Tôi nghĩ điều đầu tiên mà chúng ta cần mường tượng ra về Trung Quốc thì phải thấy được nhiều mâu thuẫn quan trọng. Trước hết, đấy là một quốc gia lớn mà lại rất nghèo. Thứ hai, sau hơn ba chục năm tăng trưởng khá ngoạn mục, xứ này đang phải đổi hướng vì những bất toàn trong mô hình phát triển của họ. Thứ ba, vì hệ thống chính trị bên trong, xứ này khó chuyển hướng êm thấm mà có thể sẽ gặp nhiều khó khăn, thậm chí rủi ro khủng hoảng và trong giả thuyết ấy, thế giới sẽ lại bị hiệu ứng, cũng đáng ngại như vụ khủng hoảng tại Mỹ năm 2008 hay của khối Euro năm 2010. Chúng ta sẽ lần lượt tìm hiểu về những mâu thuẫn này.
Vũ Hoàng: Vâng thưa ông, đầu tiên thì tại sao Trung Quốc có nền kinh tế đứng hạng nhì thế giới về sản lượng mà lại là một nước cực nghèo?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Trung Quốc là một nước lớn, có lãnh thổ bằng diện tích của Hoa Kỳ mà là một lãnh thổ thiếu hai phương tiện sinh sống căn bản cho con người là đất và nước. Diện tích khả canh của họ chỉ bằng một phần ba của trung bình toàn cầu. Nếu tính theo đầu người của xứ này thì lượng nước ngọt, từ sông hồ đến giếng sâu và nước mưa thì thuộc loại thấp nhất Á Châu, và Á Châu thiếu nước nhất trong các lục địa của thế giới. về địa dư hình thể thì lãnh thổ xứ này là một bao lơn hiểm trở khắc nghiệt vây quanh và nhìn xuống vùng đất tương đối phì nhiêu hơn ở vùng duyên hải. Xưa nay, biển người từ bao lơn ba phía đổ xuống vùng Trung Nguyên đã làm nên lịch sử hợp tan của Trung Quốc.

Với thực tế ấy, lần đầu tiên trong lịch sử, Trung Quốc có hơn 30 năm tăng trưởng từ 1979 đến 2009, trung bình là tăng 10% một năm. Từ một xứ có một tỷ 350 triệu người, đà gia tăng ấy quả là đáng kể khiến cho xứ này có sản lượng kinh tế thứ nhì thế giới sau Hoa Kỳ và trước Nhật Bản kể từ năm 2010. Nhưng sự thật thì Trung Quốc vẫn là một nước cực nghèo. Theo thống kê của Bắc Kinh thì chỉ có 60 triệu dân kiếm ra hơn hai vạn đô la một năm; 60 triệu người thì đông thật, mà vẫn chỉ là thiểu số hơn 4% giữa một tỷ 350 triệu. Trong khi ấy, có khoảng 600 triệu người không kiếm ra hai đồng một ngày để sống và có 400 triệu người giàu gấp đôi vì kiếm được từ hai đến bốn đô la một ngày. Vị chi, có một tỷ người Tầu chưa đạt mức lợi tức là bốn đô la một ngày! Thế giới chỉ nói đến một số đại gia tỷ phú ở chung quanh đảng mà quên cả tỷ người bần cùng ấy của Trung Quốc.
Vũ Hoàng: Mâu thuẫn thứ hai mà ông nhắc tới là những bất toàn trong mô hình phát triển của Trung Quốc. Thưa ông, đấy là gì?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Trung Quốc đã có 30 năm tăng trưởng ngoạn mục, chủ yếu là nhờ sức đầu tư rất cao, có lúc lên tới phân nửa của Tổng sản lượng, còn thì thường xuyên cao hơn 40%. Với sức đẩy lớn lao này thì quả nhiên là người ta đạt tốc độ hơn 10%. Nhưng nếu mà xét về phẩm chất hay nội dung thật của tài nguyên được đưa vào sản xuất thì phải nói đến hiện tượng gọi là "sản nhập" vì nhập lượng ở đầu vào lại có giá trị cao hơn xuất lượng ở đầu ra. Lý do của sự thể ngược ngạo ấy là người ta đếm sản lượng ở đầu ra theo trị giá hay giá cả mà cái giá ấy không phản ảnh giá trị hay những hy sinh ở đầu vào. Đây là một khái niệm khá rắc rối về kế toán mà những người làm công tác tuyên truyền hay quảng cáo thường bỏ qua một bên.
Vũ Hoàng: Cũng vì khái niệm kế toán rắc rối ấy, xin ông nhắc lại hoặc đơn cử một thí dụ.
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Tôi xin trước tiên nhắc lại vài phạm trù kế toán với Anh ngữ để thành phần thính giả trẻ đã có kiến thức về kế toán tài chính nắm vững được vấn đề. Sau đó là thí dụ.
Thế giới bên ngoài Trung Quốc chỉ đếm phương tiện đưa vào sản xuất theo mệnh giá hay face value. Người ta đã lầm trị giá (price) với giá trị (value) của nhập lượng (input) rồi kiểm kê xuất lượng (output) để gọi đó là sản lượng (production) mà không khấu trừ nhiều phí tổn (cost) của nhập lượng này. Trong đó có những phí tổn ngầm mà ta phải gọi là "ẩn phí", shadow cost, như phí tổn về môi sinh bị hủy hoại, hoặc phí tổn về thời cơ của tư bản là opportunity cost vì dùng tiền vào chỗ này thì không có cơ hội dùng vào chỗ khác có giá trị hơn.
Thí dụ dễ hiểu ở đây là nhà nước huy động sức tiết kiệm rất cao của dân chúng và trả tiền lời ký thác rất thấp, gần như số âm nếu kể thêm mức lạm phát. Đấy là một hình thái trưng thu hay bóc lột từ gốc. Nguồn tiết kiệm rẻ này lại được hệ thống ngân hàng của nhà nước đưa vào khu vực là doanh nghiệp của nhà nước hay công ty đầu tư của nhà nước ở cấp địa phương, để thực hiện các dự án sau này được kể là sản lượng kinh tế. Một cây cầu hay một nhà máy thép hình thành như vậy và được tính là sản lượng dù có giá trị kinh tế rất thấp. Cầu có hư phải sửa lại và thép có ế mà nằm chất đống thì vẫn cứ được coi là sản xuất. Chả ai tính ra cái mất mát của hiện tượng này.
Vũ Hoàng: Bây giờ bước qua mâu thuẫn thứ ba là vì sao Trung Quốc khó chuyển hướng một cách êm thắm mà lại bị rủi ro hạ cánh nặng nề?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Từ cả chục năm nay, lãnh đạo của Trung Quốc đã thấy vấn đề này, cụ thể nhất là thấy mức đầu tư quá cao so với sức tiêu thụ quá thấp của nền kinh tế, vì vậy, họ đã muốn cải sửa. Thí dụ như trong Kế hoạch Năm năm thứ 11, từ 2006 đến 2011, lãnh đạo đảng đã đề ra yêu cầu nâng cao sức tiêu thụ nội địa, vậy là kết quả lại trái ngược. Năm 2000 thì sức tiêu thụ của tư nhân Trung Quốc ở mức 46% Tổng sản lượng, dù có thấp so với các nước cùng trình độ phát triển thì cũng chưa đến nỗi nào. Nhưng kết quả thì năm 2012, sức tiêu thụ ấy lại sụt tới mức 36% của Tổng sản lượng. sau Đại hội 18 vào cuối năm 2012, việc chuyển hướng lại được Hội nghị kỳ ba nêu ra vào cuối năm ngoái mà chưa biết là có thực hiện được hay chăng?
Vũ Hoàng: Thưa ông, đâu là những lý do cản trở việc cải cách này?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Tôi xin lấy một thí dụ khác liên hệ đến chuyện tiêu thụ lẫn hậu quả cho quốc tế là tỷ giá đồng Nguyên mà họ gọi là Nhân dân tệ Renminbi.
Trung Quốc đầu tư mạnh, sản xuất nhiều và phải xuất khẩu sản phẩm đó cho thế giới. Chế độ duy trì hệ thống ngoại hối có kiểm soát, là ghìm giá đồng bạc thật thấp nếu so với các ngoại tệ mạnh của thế giới như Mỹ kim hay Euro chẳng hạn. Họ muốn là nhờ tỷ giá thấp mà hàng rẻ và dễ bán hơn. Khi bán hàng rồi thì nhà nước thu về ngoại tệ, thí dụ như đồng đô la, và lập được một kho dự trữ ngoại tệ lớn nhất thế giới, nay lên tới con số tương đương là ba ngàn 800 tỷ đô la. Bối cảnh ấy che giấu sự thật là đồng Nguyên được định giá thấp hơn thực tế, hãy tạm lấy một mức thấp là bằng 10%. Nếu muốn chuyển hướng thì một trong các biện pháp họ nên áp dụng chính là nâng hối suất đồng bạc thêm 10% so với Mỹ kim chẳng hạn. Hậu quả sẽ ra sao?
Công nhân Trung Quốc trong một công xưởng sản xuất máy lạnh.
Công nhân Trung Quốc trong một công xưởng sản xuất máy lạnh.
Hậu quả là công nhân và doanh nghiệp mà góp phần xuất khẩu được một đô la thì sẽ có lợi tức gia tăng được 10% và nhờ đó nâng cao được sức tiêu thụ. Đấy là cái "được" của thành phần sản xuất và sẽ tiếp tay điều chỉnh cơ chế kinh tế lệch lạc hiện nay. Nhưng cái "mất" của biện pháp này là nhà nước bị mất 10% nguồn thu từ ngoại tệ đem về. Thí dụ cho dễ nhớ là mất 10% của khối dự trữ ngoại tệ 3.800 tỷ đô la, tức là mất 380 tỷ đô la. Sự thật thì khi duy trì tỷ giá thấp, Trung Quốc đã mất hàng ngày vì những chênh lệch về xuất nhập khẩu mà chưa bút ghi khoản mất đó. Bây giờ, với biện pháp điều chính tỷ giá thì người dân được 10%, nhà nước hợp thức hoá khoản mất đó. Dù thế giới đã khuyến cáo, lãnh đạo Bắc Kinh vẫn không muốn như vậy nên người dân không được khoản 10% này và việc điều chỉnh vẫn chưa tiến hành. Lý do ở đây là nhà nước sợ mất tiền bạc và thế lực của mình, dù rằng cái mất đó lại là cái được của người dân.
Vũ Hoàng: Đây mới chỉ là một thí dụ cụ thể về lý do cản trở việc chuyển hướng, hẳn là ông còn thấy nhiều lý do khác nữa chứ?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Một thí dụ khác là Hội nghị Trung ương kỳ ba vào Tháng 11 năm ngoái có để ra việc chuyển 20% dân số từ thôn quê ra các tỉnh thành trong kế hoạch đô thị hóa. Sự chuyển dịch ấy có nghĩa là lương bổng và phúc lợi của người dân từ quê ra tỉnh sẽ được cải tiến và lợi tức gia tăng sẽ nâng mức tiêu thụ của tư nhân trong thị trường nội địa. Nhưng chính quyền tại các thành phố ở địa phương lại không muốn gánh chịu khoản tốn kém ấy mà còn lo gia tăng nguồn thu về thuế khóa nên dồn phương tiện cho các dự án đầu cơ địa ốc. Họ vừa lấy đất của dân vừa lập công ty đầu tư tài chính để vay tiền làm ăn. Khi bị hạn chế và kiểm soát thì họ vay ngoại ngạch, ngoài ngân hàng, trong hệ thống tài chính chui có mức rủi ro rất cao.
Vũ Hoàng: Như vậy, vì rất nhiều nguyên do phức tạp trong nội bộ, Trung Quốc sẽ khó chuyển hướng và nguy cơ hạ cánh nặng nề mới khiến thế giới quan tâm. Khi đó, ta mới tìm hiểu về hiệu ứng Trung Quốc khi nền kinh tế này bị suy thoái trong những năm tới.
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Trung Quốc là một thị trường nhập khẩu lớn của thế giới, trị giá đến 30% của Tổng sản lượng với rất nhiều nguyên nhiên vật liệu nuôi sống các nước xuất khẩu. Khi kinh tế xứ này bị trì trệ, với tốc độ tăng trưởng dưới 7%, hoặc suy trầm hay suy thoái mạnh, thì lượng hàng nhập khẩu sẽ giảm mạnh và gây thiệt hại cho các nước bán thương phẩm, từ Úc đến Indonesia hay Malaysia và các nước Trung Đông bán dầu khí. Đấy là một lẽ. Nhưng giá thương phẩm sút giảm lại là điều có lợi cho xứ khác vì sẽ giảm phí tổn sản xuất.
Song song, có một khía cạnh còn đáng ngại hơn vậy là Trung Quốc đang có một núi nợ rất lớn và dễ sụp đổ sau khi đã ào ạt bơm tín dụng để kích thích kinh tế. Núi nợ lên tới mười mấy ngàn tỷ dô la, trong đó có nhiều khoản khó đòi và sẽ mất khi sản xuất bị đình trệ. Nếu mà núi nợ này sụp đổ thì nhiều ngân hàng vỡ nợ dây chuyền và hậu quả toàn cầu sẽ còn kinh hoàng hơn những gì đã thấy sau vụ khủng hoảng tại Hoa Kỳ năm 2008 hay tại Âu Châu năm 2010. Người ta nói rằng đây là "đợt sóng thần thứ ba" có thể xảy ra trong những năm tới. Qua một kỳ khác, ta sẽ tìm hiểu thêm về đợt sóng này.
Vũ Hoàng: Xin cảm tạ ông Nghĩa và hẹn lại một kỳ sau.


Thứ Hai, 17 tháng 2, 2014

CA NGỢI CÁC 'KHIÊU VŨ VIÊN'

Dư luận viên VO VĂN VE

Mấy hôm rày, nhờ sự lan tỏa của internet mà Vo Văn Ve mới biết rằng vào giờ này, ngày này cách đây đúng 35 năm đã có một cuộc chiến. Thực hư thế nào thì nhà em sẽ tiếp tục tìm hiểu cho nó tỏ tường, chỉ biết đại thể là Việt Nam và Trung Quốc có đánh nhau. Các bác đừng vội trách móc la mắng rằng nhà em vô tình, nhưng em thề với các bác suốt 35 năm qua, có ai nói về cuộc chiến ấy cho nhà em biết đâu mà bắt em phải biết?

Lại cũng nhờ có internet mà những hình ảnh về « Lễ tưởng niệm » trước tượng đài Cụ Lý Thái Tổ được đăng lên rầm rộ trên các trang mạng, cùng với những lời bình luận ném đá không mấy hay ho thiện cảm về màn khiêu vũ trước tượng đài, cho rằng phá thối, em rất nấy nàm bức xúc.

Về việc khiêu vũ sáng 16-2-2014, để bảo vệ và ca ngợi các 'khiêu vũ viên thì quan điểm của Vo Văn Ve nhà em dư lày:

Một là, khiêu vũ là quyền lợi của mọi người, không ai có thể tự cho mình cái quyền được can thiệp, bình luận chủi bới về quyền lợi ấy. Mọi người có quyền được khiêu vũ bất cứ nơi nào và khi nào, miễn là họ cảm thấy vui sướng và … cần thiết.

Hai là, khiêu vũ là một nét đẹp thể thao và  văn hóa cần phải được phổ biến, nhân ra thành một phong trào rộng khắp các tỉnh thành. Phải tạo ra và duy trì được sinh hoạt đều đặn của một đội ngũ ‘khiêu vũ viên’ hùng hậu, có lập trường tư tưởng vững vàng, sẵn sàng tham gia ứng chiến bất kỳ lúc nào khi cấp trên yêu cầu.

Ba là, khiêu vũ là một bộ môn thể thao mang tính nghệ thuật, trong đó đòi hỏi rất nhiều ở yếu tố năng khiếu. Không thể vội vàng mắng nhiếc những vũ công đã tham dự vào buổi khiêu vũ sáng 16-2-2014 ấy, rằng họ đã phá thối Lễ tưởng niệm cuộc chiến chống quân Trung Quốc xâm lược, ấy quên, cuộc chiến Biên giới phía Bắc 1979. Bời lẽ khiêu vũ không những là năng khiếu mà còn là lẽ sống, là hơi thở, là nhịp đập con tim của họ. Cũng không loại trừ khả năng sổ hưu của các vũ công có liên quan đến vấn đề khiêu vũ! Nếu khiêu vũ mà thêm nhiều thu nhập thì há chẳng là điều rất tốt đó sao?

Bốn là, những vũ công này nhờ vào tài năng bẩm sinh mà đã trốn tránh được, không phải tham gia vào các cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, chống …, ấy lại quên, cuộc chiến Biên giới phía Bắc và Biên giới Tây Nam. Khả năng khiêu vũ của họ đã trưởng thành và thử thách qua những năm tháng gian nan nằm hầm vất vả, trốn chui trốn nhủi ấy. Họ mới biểu diễn cho thỏa chí, bù lại khoảng thời gian đã mất, có vài tiếng đồng hồ buổi sáng Chủ nhật dưới chân Cụ Lý Thái Tổ mà các thế lực thiếu thiện chí đã nhao nhao lên trách mắng. Thật là vội vã đến mức có thể nói là cực thiếu suy nghĩ.

Năm là, những hình ảnh khiêu vũ đã được các báo quốc tế đồng loạt đăng tải, cho thấy một đời sống bình yên và no ấm của nhân dân. Cứ nhìn vào gương mặt rất viên mãn sung túc, sống chết mặc bay của các anh chị cũng thấy nổi bật lên sự giàu có và vô công rồi nghề, không phải làm gì cũng sống nhăn, chỉ cần khiêu vũ, khiêu vũ và khiêu vũ! Nó cũng thể hiện rất rõ bản lĩnh kiên cường, ý chí sắt thép của các ‘khiêu vũ viên’, dẫu phải biểu diễn dưới thời tiết giá lạnh chỉ với sơ mi thậm chí áo hai dây mà nét mặt các anh chị vẫn trơ lì gan dạ, dẫu phải nhảy nhót trong tiếng phản đối của những người dự Lễ Tưởng niệm, các ‘khiêu vũ viên’ vẫn điếc không sợ súng, mà lúc thì tưng bừng, lúc thì rất chi là khoan thai dìu dặt. Trong dzụ này, công lao của các 'khiêu vũ viên' đối với thiên triều là hết sức to lớn! Quả thật, Vo Văn Ve nhà em ngưỡng mộ các anh chị ‘khiêu vũ viên’ vô cùng.



Phá thối Lễ Tưởng niệm cuộc chiến 1979 - Biểu tượng của sự lì lợm và trơ tráo (Nguồn: AP)









































Một võ sư, vũ công với áo hai dây đang khiêu khích cụ Lê Hiền Đức

(Nguồn: Tễu Blog)

Sáu là, và đây cũng là điều cuối cùng, điều này nhà em muốn nói với các bác tham dự Lễ Tưởng niệm sáng 16-2-2014. Rằng thì là, phàm chuyện gì, người ta không khuyến khích thì các bác cũng đừng hăng hái mà tham gia. Mọi việc đã có người khác lo. Quan hệ hữu nghị Việt Trung là trên hết, là môi răng, tuân theo 4 tốt và 16 chữ vàng của Chủ tịch Giang Trạch Dân kính yêu! Phải thấm nhuần rằng tất cả vì đại cục, không để bất cứ điều gì ảnh hưởng tới cái đại cục này! Nếu thật sự cần tưởng niệm thì đã có những buổi tượng niệm công khai hoành tráng, chứ đâu đến mức xảy ra tình trạng: người thì tường niệm thâm trầm nghiêm trang, kẻ thì nhảy nhót quay cuồng bên cạnh, trông chã ra nàm thao!

VO VĂN VE
5g30 sáng 17 tháng 2 năm 2014


Thứ Bảy, 15 tháng 2, 2014

NHÀ THƠ DƯƠNG SOÁI VÀ ‘GỬI EM Ở CUỐI SÔNG HỒNG’


Dương Soái vừa tự hào lại vừa chạnh lòng với cái việc lúc nào người ta cũng chỉ biết tới anh như là tác giả có duy nhất một bài thơ hay Gửi em ở cuối sông Hồng.
Dẫu cái tên Dương Soái rất… tướng soái, lại thêm việc anh làm thơ với hình ảnh anh lính trận mạc nhớ người yêu ở đầu ngọn sông Hồng, thế cho nên ai cũng tưởng Dương Soái một đời là lính chiến.
Thật ra thì Dương Soái - hiện là Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật Yên Bái - vốn là công nhân địa chất, 11 năm mưa đi tìm quặng ở Hoàng Liên Sơn (cũ). 11 năm ấy, anh “cũng kiếm được khoảng 30 bài thơ”.
Sau 11 năm trò chuyện với từng vỉa tầng quả đất vừa già nua vừa tươi mới, Dương Soái làm phóng viên chiến trường trên mặt trận biên giới Lào Cai, hồi tháng 2/1979. Anh đi gần như trọn vẹn cuộc chiến tranh biên giới vùng Lào Cai, tận mắt nhìn thấy sự khốc liệt của chiến tranh. Bài thơ Gửi em ở cuối sông Hồng đã bật ra từ hoàn cảnh đó.
Giữa hai trận đánh, anh ngồi trong căn nhà lá ở Phố Lu (là nhà khách của huyện) và làm… thơ. Anh viết trong tâm trạng của một người mong manh sinh tử ngoài mặt trận, muốn gửi tình yêu thương tha thiết ấy về với người hậu phương.
Trong tâm trạng của một người yêu gửi một người yêu (thực tế, lúc bấy giờ, người vợ trẻ và gia đình Dương Soái cũng đang ở Duy Tiên, Hà Nam - cuối sông Hồng). Anh viết, khi anh nhớ tới những lá thư viết vội, viết dở, hoặc không kịp viết gì của những người lính trẻ ngoài mặt trận bỏng rát kia.
Dương Soái trăn trở nhiều với thơ. Cho nên, cái buổi sáng nghe cô bạn bên trường Sư phạm nói: “Bài thơ Gửi em ở cuối sông Hồng của anh được nhạc sỹ Thuận Yến phổ nhạc, Đài Tiếng nói Việt Nam vừa phát hay lắm”, Dương Soái rất phấn chấn. Đó là vào năm 1980.
Từ đó, tên Dương Soái đã thêm một lần đóng đinh với Gửi em ở cuối sông Hồng, nhất là trong cái góc làng văn nghệ vốn vẫn lặng lặng với mây núi Hoàng Liên Sơn, nơi anh sống và công tác. Độ ấy, liên tục thính giả yêu cầu nhà đài phát lại bài Gửi em ở cuối sông Hồng.
Không ngờ khoảng một năm sau, anh Sum - Người Mường, Giám đốc Nhà máy Thủy điện Thác Bà (Yên Bái) gọi điện mời Dương Soái tới nhà uống rượu. Dương Soái đến, mới ngã ngửa ra, khách là vợ chồng nhạc sỹ Thuận Yến.
Vừa lên nghỉ mát ở hồ Thác Bà, nhạc sỹ Thuận Yến nóng lòng hỏi ngay địa chỉ thi sĩ Dương Soái để cảm ơn và nói lời tri kỷ. Lần đầu tiên hai tác giả Gửi em ở cuối sông Hồng gặp nhau và uống rượu. Nhạc sỹ trân trọng và chu đáo vô cùng với tác giả bài thơ Gửi em ở cuối sông Hồng.
Bây giờ ngồi bàn lại câu chuyện Gửi em ở cuối sông Hồng, Dương Soái thầm cảm ơn nhạc sỹ Thuận Yến, người đã nhuận sắc cho bài thơ được đi vào lòng người yêu thơ, yêu nhạc.
Rằng, thơ Dương Soái viết “Anh ở Lào Cai, nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt”,đấy là cái tình rất cụ thể của người chiến sỹ ở mặt trận Lào Cai bỏng lửa năm 1979, nhưng khi ông Thuận Yến phổ nhạc: “Anh ở biên cương, nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt”, tự dưng bài thơ phổ quát hơn, thơ bay rộng hơn trên khắp dải biên cương từ địa đầu Lũng Cú tới cực mũi Cà Mau.
Hình như có những nhiều “hạt sạn” vui vui, và tính cục bộ trong một cuộc chiến ở một vùng phên giậu trong bài thơ đã được Thuận Yến “sửa sang” rất kỹ.
Đến những đoạn như sau trong bài hát thì hoàn toàn không phải là của Dương Soái: “Em ở phương xa/ nơi con sông Hồng chảy về với biển/ ở trên anh đầu nguồn biên giới/ Cuối dòng sông nơi ấy em chờ./ Em ở phương xa/ cách mười sông ba núi bốn đèo”.
Nhưng, cũng có những câu thơ hay nguyên bản của Dương Soái mà những người chỉ nghe nhạc thôi sẽ chưa có dịp được thưởng thức, khi người lính từ trên chốt chiến đấu xuống mặt nước nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt, chàng ước ao: “Giá chúng mình còn cái thuở dung dăng…/ Anh thả lá thuyền xuôi về dưới ấy/ Em ra sông chắc là em sẽ thấy/ Chỉ nỗi nhớ chúng mình đủ ấm mọi mùa đông”.
Những câu thơ ấy đẹp và da diết đến day dứt lòng.

                              ĐỖ DOÃN HOÀNG – Tiền Phong 27/4/2006


Nhà thơ Dương Soái


GỦI EM Ở CUỐI SÔNG HỒNG

Anh ở Lào Cai
Nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt
Tháng Hai, mùa này con nước
Lắng phù sa in bóng đôi bờ

Biết em năm ngóng, tháng chờ
Cứ chiều chiều ra sông gánh nước
Nên ngày ngày cùng bạn bè lên chốt
Anh lại xuống sông Hồng cho thoả nỗi em mong

Đài báo gió mùa, em thương ở đầu sông
Đỉnh đồi cao chiến hào anh gặp rét
Biết màu màng đồng quê chưa cấy hết
Tay em ngập dưới bùn, lúa có thẳng hàng không?

Giá chúng mình còn cái thuở dung dăng...
Anh thả lá thuyền xuôi về dưới ấy
Em ra sông chắc em sẽ thấy
Chỉ nỗi nhớ chúng mình đủ ấm mọi mùa Đông.

Nhưng thơ ngây đâu còn ở chúng mình
Khi Tổ quốc trao anh lên tuyến đầu chặn giặc
Khi biên cương trong anh đã trở thành máu thịt
Đạn lên nòng anh giữ trọn nguồn sông

Nỗi nhớ cho em chưa viết được đôi dòng
Đạn quân thù bỗng cuồng điên vào thị xã
Xe tăng thù nghiến mặt sông êm ả
Nhịp cầu thù chặt đứt chờ mong

Bão lửa này mang sức mạnh hờn căm
Phá cầu thù, xé vụn xe tăng giặc
Giữa dòng sông nghìn xác thù ngã gục
Máu giặc loang ố cả một vùng

Thì hỡi em yêu ở cuối sông Hồng
Nếu gặp dòng sông ngàu lên sắc đỏ
Là niềm thương anh gửi về em đó
Qua màu nước sông Hồng, em hiểu chiến công anh.



Thứ Hai, 10 tháng 2, 2014

ĐỒNG CHÍ HỒNG LỖI ĐÃ CHỈ RÕ

Dư luận viên VO VĂN VE
 Suốt mấy ngày Tết, Vo Văn Ve nhà em buồn thê thảm. Công việc chẳng có, lương bổng cũng không, tất nhiên là tiền thưởng Tết cũng không nốt. Tất cả vợ con đều cho về tá túc bên ngoại vì nuôi hổng nổi. Đang đói và rầu thúi ruột, bỗng nhiên được biết đồng chí Hồng Lỗi của Trung Quốc đã lên tiếng chính thức phản đối chỉ trích của Mỹ về cái gọi là ‘đường lưỡi bò’, Vo Văn Ve nhà em gượng ngồi dậy post mấy dòng dưới đây biểu thị thái độ ủng hộ và hoan nghênh tuyên bố của đồng chí Hồng Lỗi, và dĩ nhiên là phản đối Mỹ đã ngang ngược can thiệp vào vấn đề nội bộ giữa Trung Quốc với một số nước Đông Nam Á.
Hy vọng sau bài này, các cấp bề trên sẽ lại chú ý mà tiếp tục đặt bài, giúp cho gia đình dư luận viên Vo Văn Ve qua cơn nghèo đói. Cho dù có thể ai đó xấu mồm độc miệng mà ví nhà em như  Trần Ích Tắc hay Lê Chiêu Thống thì cũng chả sao, miễn là Vo Văn Ve nhà em tiếp tục được bấm nút, phản ứng nhanh để kiếm ít tiền.
Đội ơn các cấp bề trên lắm lắm ạ.


Đồng chí Hồng Lỗi
Theo bản tin của Tân Hoa Xã ngày 9-2-2014, đồng chí Hồng Lỗi, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã khẳng định chủ quyền của Trung Quốc đối với Biển Nam Trung Hoa (Việt Nam gọi là Biển Đông) được hình thành từ lịch sử và được luật pháp quốc tế bảo vệ.
Khẳng định đanh thép của đồng chí Hồng Lỗi là sự đáp trả đích đáng đối với tuyên bố của Trợ lý Ngoại trưởng Hoa Kỳ phụ trách Đông Á và Thái Bình Dương, ông Danny Russel, về chủ quyền của Trung Quốc đối với Biển Nam Trung Hoa.
Phát biểu trước một Ủy ban của Quốc hội Hoa Kỳ hôm thứ Tư 5-2-2014, ông Russel nói rằng yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Nam Trung Hoa không tuân thủ luật pháp quốc tế, cần phải được làm rõ hoặc điều chỉnh. Ông này còn ngang nhiên tuyên bố: ‘Việc Trung Quốc sử dụng đường chín đoạn (còn gọi là đường lưỡi bò) để đòi các quyền hàng hải mà không dựa trên những đặc điểm địa hình đều không phù hợp với luật pháp quốc tế.
Đáp lại những phát biểu vô trách nhiệm nói trên, đồng chí Hồng Lỗi khẳng định: Trung Quốc đã cam kết sẽ giải quyết các tranh chấp trên biển với các bên có liên quan trực tiếp thông qua đàm phán và trao đổi ý kiến.
Đồng chí Hồng Lỗi chỉ rõ: Trung Quốc coi trọng việc thực hiện Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Nam Trung Hoa (DOC), trong một nỗ lực để cùng nhau bảo vệ hòa bình và ổn định trên vùng biển này.
Đồng chí Hồng Lỗi mạnh mẽ khẳng định: Lập trường của Trung Quốc là rõ ràng và nhất quán. Việc bịa ra các chủ đề nóng và tạo ra tình hình căng thẳng là không có lợi cho việc duy trì hòa bình và ổn định ở Đông Nam Á.
Đồng chí Hồng Lỗi nghiêm khắc phê bình: Nhận xét của một số quan chức Mỹ trước Quốc hội là không mang tính xây dựng. Mỹ cần phải có một thái độ hợp lý và công bằng đối với vấn đề Biển Nam Trung Hoa nhằm đóng một vai trò xây dựng trong việc thúc đẩy hòa bình, ổn định và thịnh vượng trong khu vực, thay vì những phương thức quanh co rắc rối.