Chủ Nhật, 24 tháng 8, 2014

DƯ LUẬN VIÊN VO VĂN VE: HÃY KIÊN QUYẾT BẢO VỆ BÍ MẬT HIỆP NGHỊ THÀNH ĐÔ!


Gần đây, các thế lực thù địch, cận thù địch và kể cả chưa phải là thù địch (sau đây sẽ gộp lại gọi chung là thế lực chống đối cho nó gọn) nhao nhao lên đòi nào là bạch hóa, nào là giải mật, rồi thì làm rõ … Hiệp nghị Thành đô.
Chu choa trời đất ơi! Từ thuở cha sinh mẹ đẻ đến giờ, Vo Văn Ve tôi tuyền chỉ nghe, xem, đọc các ấn phẩm của nền báo chí chính thống, chẳng bao giờ nghe thấy rằng thủ phủ Thành Đô của Trùng Khánh – Trung Quốc có liên can gì đến đường lối cách mạng của nước ta. Có chăng Thành Đô chỉ là nơi một thời cặp vợ chồng Thái tử đỏ Bạc Hy Lai – Cốc Khai Lai tung hoành trong sự nghiệp Cướp – Giết – Hiếp để đến bây giờ chồng bị chung thân, vợ bị tuyên án tử hình.
Vì thế nên phản ứng đầu tiên của Vo Văn Ve tôi là nóng ran cả mặt và cả toàn thân vì cái sự lu loa ấy: Cái bọn chống đối lại định bày trò gì nữa đây?













Thế nhưng khi đã bình tĩnh trở lại, Vo Văn Ve tôi chợt nghĩ: Hay là mình Gu-gồ cái thử xem? Thông qua cái anh Gu-gồ chấm Thành Đô, mình được biết Hội nghị Thành Đô là có thật, hơn nữa lại là một Hội nghị vô cùng đặc biệt nữa kia.
Cũng qua Gu-gồ chấm Thành Đô, mình được đọc thêm nhiều bài vở, trang viết liên quan đến cái hội nghị này như Hồi ký Trần Quang Cơ, Bên Thắng Cuộc, Hồi ký Trương Đức Duy (đại sứ TQ tại VN lúc đó), Nhật ký Thành đô của Lý Bằng (Thủ tướng TQ lúc đó)…
Ái chà, nan giải đây!


Vui cười hể hả, người mua kẻ bán đều hài lòng

Nhưng với truyền thống “Chẳng có gì mà không nói được”, Vo Văn Ve tôi đã nhanh chóng phản ứng nhanh, hội ý chớp nhoáng với các đồng bọn thân tín trong băng Dư Luận Viên “Còn Tiền Còn Mình”, quyết định bấm nút và đưa ra ý kiến chính thức của Hiệp hội Dư Luận Viên như sau:
1) Hội nghị Thành Đô là có thật. Văn bản mà các thế lực chống đối gọi là Hiệp nghị Thành Đô là có thật.
Ấy là vào sáng ngày 3-9-1990 (1 ngày sau dịp kỉ niệm 45 năm Quốc khánh nước CHXHCN Việt Nam, chính vì thế Hiệp nghị Thành Đô càng có ý nghĩa về chính trị và về lịch sử), các đồng chí Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh, Thủ tướng Đỗ Mười và Cố vấn Phạm Văn Đồng đã kín đáo bay sang Trùng Khánh chuẩn bị cho Hội nghị Thành Đô ngày 3, 4-9-1990. Trên máy bay có người dẫn đường là Đại sứ TQ Trương Đức Duy.
Sở dĩ phải nói kín đáo là vì cái gì bí mật mà chả kín đáo, nếu không có mà lộ bem ra hết à? Còn cái bọn chống đối thì cứ khăng khăng không phải ‘kín đáo’ mà phải gọi là ‘lén lút’. Thử hỏi kín đáo và lén lút thì có khác nhau chỗ nào, chẳng qua là do cái tính chất phong phú của ngôn ngữ Việt mà thôi. Đấy, cứ xem cái vụ Lê Chiêu Thống sang cầu viện nhà Thanh đánh Quang Trung Nguyễn Huệ năm xưa, gọi là kín đáo cũng được mà lén lút cũng là xứng đáng hoàn toàn.
2) Hội nghị Thành Đô đến bây giờ không còn bí mật, nhưng Hiệp nghị Thành Đô thì hãy còn bí mật, đặc biệt ở các điều khoản về bình thường hóa quan hệ Việt Nam – Trung Quốc.
Mục đích cao nhất của chuyến đi ‘kín đáo’ của các đồng chí lãnh đạo nhà ta là xin được bình thường hóa quan hệ với Trung Hoa vĩ đại. Muốn vậy thì phải nhất trí với Trung Quốc phương án giải quyết vấn đề Cam pu chia. Và đã nhất trí. Trước thành công rực rỡ của Hội nghị, mọi người trong đoàn ta đều rất vui vẻ hân hoan trên máy bay khi trở về (theo Hồi ký Trương Đức Duy).
3) Cho dù những điều khoản liên quan đến vấn đề bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc chưa được công bố, nhưng những lợi ích của việc bình thường hóa này trong hơn 20 năm đối với nước ta và nhân dân ta đã rõ như ban ngày. Vo Văn Ve xin được tóm lược những lọi ích mấu chốt:
Một là: Việt Nam lại được kề vai sát cánh với Trung Hoa vĩ đại trên con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, được nước bạn bảo bọc che chở bởi kim chỉ nam (mà bọn chống đối xấu mồm độc miệng gọi là vòng kim cô) 4 tốt và 16 chữ vàng của Lãnh tụ Giang Trạch Dân kính yêu.
Hai là: Việt Nam được Trung Hoa vĩ đại hết sức quan tâm về mặt chính trị. Trước mỗi kỳ Đại hội Đảng đều có các đồng chí lãnh đạo Trung Quốc sang để ‘tư vấn giúp đỡ’ về công tác tổ chức nhân sự, đúng y như nguyện vọng của Ban lãnh đạo Trung Quốc. (Đối với các lĩnh vực ngoại giao, quốc phòng và an ninh, xin được bàn vào dịp khác).
Ba là: Về lãnh thổ, chúng ta được nương tựa vào một đất nước to lớn đến mênh mông. Dẫu có bị mất ít đất, ít biển thì có xá gì, miễn là giữ được môi trường hòa bình và ổn định để phát triển, và quan trọng nhất là phải giữ được quan hệ hữu nghị anh em đồng chí Việt-Trung đời đời bền vững.
Vừa qua có xảy ra một số tranh chấp trên Biển Đông. Là anh em trong nhà, xảy ra cãi cọ tranh chấp là chuyện bình thường. Nhưng với tinh thần “Thằng em phải nhịn thằng anh, nhịn đến chết cũng phải nhịn”, chúng ta đã xử lý rất tốt vấn đề này. Chúng ta kiên quyết nhịn cho đến chết!
Bốn là: Chúng ta được Trung Quốc chăm lo đầu tư phát triển kinh tế. Chỉ có những người anh em chí tình chí nghĩa như các đồng chí Trung Quốc mới giúp đỡ nước ta một cách tận tụy và vô tư như thế mà thôi. Cụ thể là: Trung Quốc đã đưa ra những giá rất rẻ, rất hời để trúng thầu và được đảm nhận hàng trăm công trình kinh tế quốc gia trọng điểm của Việt Nam. Nhờ có việc Trung Quốc thuê 400.000 hecta đất và rừng đầu nguồn mà kinh tế nhiều tỉnh nghèo mới có điều kiện tăng thu ngân sách. Nhờ có Trung Quốc đầu tư khai thác bô-xít Tây Nguyên – nóc nhà Đông Dương, nên trong tương lai chắc chắn Việt Nam sẽ là nước xuất khẩu nhôm (dưới dạng quặng) hàng đầu thế giới. Nhờ có quan hệ kinh tế với Trung Quốc mà nhập siêu sang Trung Quốc ngày càng tăng chóng mặt (năm 2013 là 24 tỉ USD, năm 2014 dự báo 26 tỉ USD), góp phần tích cực về tài chính để Trung Quốc củng cố thành trì xã hội chủ nghĩa.
Bên cạnh đó, các bạn Trung Quốc còn tỏ ra vô cùng rộng rãi và hào phóng trong việc cung cấp hàng hóa, lương thực, thực phẩm, thuốc thang sang Việt Nam. Bây giờ ra chợ, đâu đâu cũng thấy tràn ngập hàng Trung Quốc đủ các kiểu loại, đủ màu sắc và mùi vị vô cùng hấp dẫn. Đến lúc nào đó, có lẽ người dân Việt Nam ta chẳng cần phải làm gì mà vẫn có cái ăn, cái mặc, hơn thế, còn ăn ngon mặc đẹp, bởi tất thảy đã có hàng hóa do Trung Hoa vĩ đại cung cấp. Thế là tự nhiên, ta đã có thiên đường cộng sản chủ nghĩa, còn gì đẹp bằng?
Năm là: về mặt xã hội, người Việt Nam ta ngày càng quen thuộc với sự có mặt của người Trung Quốc trong đời sống hàng ngày. Những âm thanh chíu cha chíu chít của ngôn ngữ Hán, Tiều, Quảng … đã không còn xa lạ mà đã dần trở thành thân thuộc yêu thương. Các phố Tàu mọc lên như nấm, các biển hiệu chữ Tàu đua chen cùng biển hiệu Việt làm cho cuộc sống ngày càng có vẻ … Tàu hơn.
Thi thoảng, một bộ phận dân Việt còn trúng đậm nhờ các phi vụ do ‘bạn vàng Trung Quốc’ giúp đỡ mối lái: bán móng trâu, bán râu ngô, thu gom ốc bươu vàng bán lại cho đồng bào anh em mình, bán rắn, bán ong, bán khoai lang, bán hạt nhãn, bán lá điều…, ôi dào kể không hết.
Cũng nhờ công lao của người anh em Trung Quốc mà ý thức vệ sinh an toàn thực phẩm của người dân Việt Nam được tăng lên rõ rệt, dù rằng số trường hợp ngộ độc thức ăn, ngộ độc thuốc, số ca bị ung thư và bệnh hiểm nghèo cũng không ngừng tăng lên. Nhưng cần khẳng định những trường hợp không may nói trên hoàn toàn nằm ngoài tình đồng chí, tình anh em hữu hảo đời đời Việt – Trung một cách biện chứng và khách quan.
Tất tần tật, những lợi ích mà chúng ta có được như trên đều là những kết quả vô cùng tốt đẹp, mang đậm dấu ấn của một thời kỳ lịch sử kể từ khi ký kết Hiệp nghị Thành Đô.
Trung Quốc, người anh lớn, người bạn vĩ đại, đã rỏ ra hết sức 'tốt bụng' với chúng ta như thế, và từ hơn hai ngàn năm nay vẫn thế. Cho dù Hiệp nghị Thành Đô có bí mật thế nào chăng nữa, và bí mật ấy có kéo dài đến đâu chăng nữa thì tấm lòng bao dung của nước Đại Hán chỉ muốn đứa con hoang đàng Việt Nam mau trở về nhà cũng không bao giờ thay đổi. Lá cờ đỏ 6 sao sẽ sớm thành hiện thực.
Hơn thế nữa, những bí mật ấy dược gắn với tấm lòng thiết tha được đứng chung dưới một bóng cờ với người anh Trung Quốc vĩ đại của các lãnh đạo nhà ta. Bạch hóa những bí mật của Hội nghị Thành Đô là có tội lớn đối với các vị quá cố như P.V.Đ, N.V.L*, đặc biệt là với người còn sống như Đ.M. Bạch hóa có mà chết cả nút à?
Vì vậy, hiển hiện một tất yếu khách quan là phải “Kiên quyết giữ bí mật của Hội nghị Thành Đô”.
Kiên quyết! Kiên quyết! Chết cũng Kiên quyết!
VO VĂN VE
 ------------------------
* TSYG: Theo lời cựu Đại sứ Trương Đức Duy, khi về đến Hà nội, ông Nguyễn Văn Linh còn làm mấy câu thơ tiếng Hán (không biết có phải để tiếp tục vuốt ve đàn anh hay không?):
Huynh đệ chi giao sổ đại truyền
Oán hận khuynh khắc hóa vân yên
Tái tương phùng thời tiếu nhan triển
Thiên niên tình nghị hựu trùng kiến.
Dịch giả Quốc Thanh tạm dịch là:
Anh em chơi với nhau đã mấy thế hệ
Oán hận trong khoảnh khắc đã biến thành mây khói
Khi gặp nhau lại cười rạng rỡ
Tình nghĩa ngàn năm xây dựng lại.
Như thế là ông Nguyễn Văn Linh nguyện xây dựng lại “tình nghĩa” từ ngàn năm trước giữa Việt Nam với Trung Quốc, mà "tình nghĩa" từ ngàn năm trước, lúc ấy chẳng qua là thứ “tình nghĩa” giữa người nô lệ và quân đô hộ!
Rõ ràng, điều này báo hiệu “một giai đoạn Bắc thuộc mới vô cùng nguy hiểm đã bắt đầu” – đúng như lời của Cố Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch.