Thứ Sáu, 2 tháng 3, 2012

Tại sao từ chức lại khó?

TSYG: Lâu nay từ chức ở xứ ta là một khái niệm xa xỉ. Trong khi đó nhìn ra ngoài thì thấy sập cầu: từ chức, tai nạn: từ chức, hỏa hoạn: từ chức, ngủ gật: từ chức, phát biểu bậy: từ chức, được đại gia bao kỳ nghỉ hè: từ chức ... như thể ở xứ giãy chết, từ chức là văn hóa, là tự trọng, là liêm sỉ, là vì cộng đồng. Đọc bài này trên Hiệu Minh blog, cảm thấy như Bác Hiệu Minh đã nói thay cho bao nhiêu người, mình xin phép đăng lại vào đây.

Vụ cưỡng chế đất ở Tiên Lãng (Hải phòng) có những sai sót động trời mà không ai từ chức, đâu có phải là chuyện lạ trên thế giới. Giả sử bạn ở địa vị ông Nguyễn Văn Thành, liệu bạn có từ chức hay không? Nói dễ làm khó là ở chỗ này.
Từ xa xưa đến bây giờ và cho đến 1000 năm sau, là một người bình thường, đang giữ ghế quyền lực, chẳng ai bỗng nhiên…từ chức.

Tại sao có người ôm ghế đến cùng?
Trong lịch sử, rất nhiều người ngồi vào ghế lãnh đạo với ý định rất tốt từ ban đầu, nhưng với thời gian, bị quyền lực tha hóa, họ tham nhũng, được hối lộ và tội lỗi từ đó mà ra.
Với chiếc ghế, họ làm giầu cho bản thân, gia đình và bạn bè một cách hết sức nhanh chóng. Chỉ cần cái gật đầu, hàng trăm hecta đất của chung biến thành của riêng. Hàng chục triệu đô la chảy vào tài khoản ngân hàng bên Thụy Sỹ do một chữ ký hợp đồng in ấn.
Sau vài năm hay một thập kỷ, gia tài của họ lớn dần, đôi khi đạt hàng chục tỷ đến hàng trăm tỷ đô la, bằng thu nhập của một quốc gia.
Đang ngồi trên ghế quyền lực, có tài sản khổng lồ, quen hưởng thụ và sai bảo cấp dưới, những lãnh đạo này rất sợ sự phản kháng làm ảnh hưởng đến lợi ích đang có. Họ sợ minh bạch như cú  sợ mặt trời.
Lối sống ngồi trên luật pháp đã đẩy họ tới bước đường cùng, ít bạn bè chân thật, xung quanh toàn xu nịnh, nhóm lợi ích, tìm cách kiếm lời. Cùng hội cùng thuyền nên họ rất sợ bị lật đổ vì tiền của kiếm được sẽ mất hết, bị tù tội và thậm chí bị xử tử.
Những kẻ dùng tiền mua ghế, khi tại vị là lúc kiếm tiền trả nợ và thêm lời lãi. Có nhiều tiền lại lo mua chiếc ghế cao hơn. Đôi lúc sửa cả hiến pháp để kéo thêm thời gian. Đó là vòng luẩn quẩn của một xã hội không minh bạch, luật pháp vô thường.
Đòi hỏi những kẻ này từ chức ư. Không thể được, vì quyền lực quá lớn, tài sản quá lớn, kèm theo bàn tay vấy bẩn, không có đường thoái lui. Nhiều kẻ ôm quyền lực và tiền của ăn cắp cho tới lúc bị súng bắn vào đầu.
Tham nhũng thì khó mà có văn hóa từ chức bởi từ chức xong thì làm gì, sống như thế nào với gia đình, bạn bè, hoàn vốn mua ghế sao đây.
Trong lịch sử gần 100 năm gần đây, nhiều kẻ giữ ghế được vài năm tới vài thập kỷ, sống trên mồ hôi nước mắt và máu của người nghèo. Nhưng cuối cùng, hầu hết bị dòng đời cuốn trôi như Marcos, Suharto, Ceauşescu, từ châu Âu sang châu Á, gần đây là Gaddafi và nhiều nhà lãnh đạo trộm cắp của thế giới Ả Rập và Châu Phi.
Cái giá phải trả không phải là cuộc đời của những kẻ tham lam, vì họ xứng đáng bị trừng trị.
Ôm ghế làm cho quốc gia lầm than, ly tao loạn lạc, không thể ổn định để phát triển, hàng trăm triệu tới hàng tỷ người nghèo không có lối thoát, đó mới là cái giá rất lớn.
Người phương Tây từ chức dễ hơn?
Tây hay ta đều không muốn từ chức, chả ai dại gì rời ghế quyền lực. Quyền lực như chất ma túy, đôi người “nghiện ngập” cho đến lúc chết.
Mấy năm trước, Rod R. Blagojevich, Thống đốc bang Illinois, bị FBI sờ gáy vì định bán ghế TNS của Obama khi ông về Nhà Trắng nhận chức Tổng thống. Blagojevich chối đây đẩy cho tới khi ra tòa, trước những chứng cứ, đành vác va li vào tù 14 năm.
Đơn từ chức của Nixon. Ảnh: Wiki
Năm 1972, Tổng thống Nixon dính vụ nghe lén điện thoại của đối thủ ở khách sạn Watergate bị tờ Washington Post lôi ra ánh sáng. Ông ta chày cối đến phút chót. Cho tới khi 15 thượng nghị sỹ ngỏ ý nói rằng tổng thống phạm luật, Nixon hiểu là khó mà thoát án phạt nếu đưa ra luận tội trước Quốc hội, đành tuyên bố từ chức.
Nếu có tội, có thể bị vào tù, mất hết quyền lợi của tổng thống về vườn như hưởng lương suốt đời 200.000$/năm, có vệ sỹ và nhiều lợi lộc khác.
Nhờ Nixon từ chức mà Việt Nam đã kết thúc được cuộc chiến năm 1975. Tầm ảnh hưởng của vụ “từ chức” này vượt khỏi biên giới quốc gia.
Nếu không, luật pháp ra tay, báo chí vào cuộc với vai trò của quyền lực thứ 4, Tổng thống hối hận thì quá muộn, có thể đi thẳng từ Nhà Trắng vào trại giam.
Nhiều chính khách nổi tiếng trên thế giới từ chức vì dính chuyện sex, tham nhũng, lạm quyền và hàng trăm lý do khác nhau. Lo luật pháp sờ gáy, so cái được và mất, rồi nghĩ đến tương lai, họ đành chọn cách bỏ ghế…chạy lấy người.
Lãnh đạo phương Tây thường giỏi và giầu có trước khi thành chính khách. Vì thế, họ không sợ từ chức nghĩa là mất hết, nên cũng không cảm thấy cần phải ôm ghế đến cùng. Nếu về vườn, tiếp tục công việc, đôi khi giầu có và đôi khi nổi tiếng hơn.
Tổng thống Nixon đuổi gà cho vợ, mất hết uy tín, có lúc tài khoản chỉ còn 500$. Nhưng ông đi nói chuyện trên tivi, viết sách, kiếm được kha khá. Ông thăm Gorbachev rồi về viết báo cáo và được Gallup coi là một trong 10 lãnh đạo ảnh hưởng thế giới.
Thể chế minh bạch, tam quyền phân lập, luật pháp rõ ràng, báo chí độc lập, quan trí và dân trí cao, kèm theo cây gậy và củ cà rốt, là những yếu tố đóng vai trò quan trọng cho văn hóa từ chức phương Tây.
Còn ở quốc gia mà thể chế tạo ra quyền lực không bị kiểm soát (thì quyền lực và người nắm giữ quyền lực) dễ bị tha hóa. Bị tha hóa rồi thì chuyện từ chức sẽ rất hiếm và khó xảy ra.
HM. 28-02-2012

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét