Thứ Năm, 19 tháng 7, 2012

ĂN KIÊNG QUÁ MỨC LÀ ... TỰ ĂN THỊT MÌNH

(Theo SKĐS) - Có một thực tế hiện nay là rất nhiều bệnh nhân đái tháo đường coi việc ăn kiêng là “cứu cánh” trong việc làm giảm đường huyết mà quên rằng việc giúp cơ thể sử dụng được đường mới là cách làm giảm đường huyết tối ưu nhất.
Ăn kiêng đơn thuần, trong nhiều trường hợp có thể góp phần làm giảm đường huyết nhưng khi đó, coi chừng những hệ lụy khi nhịn ăn quá mức...
Nguồn đường cung cấp cho cơ thể từ đâu?
Đường là nguyên liệu chính trong việc cung cấp năng lượng cho cơ thể con người hoạt động. Nguồn đường cung cấp cho cơ thể chủ yếu dựa vào chế độ ăn (200 - 250g/ngày), qua truyền đường trực tiếp ở các bệnh nhân nằm viện, ngoài ra, đường cũng được sản xuất từ các nguồn chất béo (mỡ), protein và từ việc thoái giáng glycogen ở gan và cơ vân. Hormon duy nhất trong cơ thể giúp cho tế bào có thể sử dụng được đường đó là insulin của tế bào beta tuyến tụy.
 Tế bào beta tuyến tụy tiết ra insulin điều hòa đường huyết.
Tăng đường huyết, vẫn thiếu đường…
Bệnh nhân đái tháo đường bao gồm hai typ, typ 1 thường ở người trẻ do thiếu tuyệt đối insulin, typ 2 xảy ra ở tuổi trung niên và người già thường do tình trạng kháng insulin hoặc do sản suất insulin không đầy đủ, do bất thường trong cấu trúc và hoạt động của insulin. Thiếu insulin, đường không được đưa vào tế bào, không chuyển thành glycogen dự trữ tại gan và cơ vân cũng như không chuyển được thành một số sản phẩm chuyển hóa trung gian khác nên đường huyết tăng cao. Như vậy, đường huyết tăng cao trong bệnh đái tháo đường chủ yếu là do cơ thể không sử dụng được đường chứ không phải hoàn toàn là do là thừa đường, do ăn đường quá nhiều. Nói một cách khác, đường huyết tăng cao mà tế bào trong cơ thể vẫn “đói”.
Điều gì sẽ xảy ra khi ăn kiêng quá mức?
Ở một người lớn khỏe mạnh bình thường, lượng đường sẵn có chỉ đảm bảo cung cấp cho cơ thể  trong vòng khoảng từ 4 - 10 giờ nếu cơ thể hạn chế sử dùng đường như hạn chế các hoạt động trí tuệ và thể chất. Nếu bệnh nhân nhịn ăn hoặc ăn kiêng quá mức, sau 24 giờ, lượng đường trong máu sẽ bị giảm xuống, lượng glycogen dự trữ để chuyển thành đường sẽ bị cạn kiệt. Khi đó, cơ thể bắt buộc phải sử dụng các con đường khác để duy trì lượng đường trong máu bằng cách tạo đường mới từ pyruvat, từ mỡ và từ protein của cơ thể. Như vậy, khi lượng thức ăn đưa vào không đủ thì cơ thể bắt buộc phải tự “ăn thịt mình” để đảm bảo đủ năng lượng cho các tế bào hoạt động.
 Chế độ ăn khoa học sẽ giúp bệnh nhân duy trì đường huyết và đảm bảo sức khỏe.
Những hệ lụy của việc ăn kiêng quá mức
Ăn kiêng quá mức dẫn đến việc thiếu các chất quan trọng cung cấp năng lượng cho cơ thể hoạt động như đường, mỡ, protein cũng như các vitamin, các yếu tố vi lượng cần thiết khác. Ăn kiêng quá mức kéo dài dẫn đến cơ thể gầy mòn suy kiệt, chức năng của các cơ quan trong cơ thể như thần kinh, tim mạch, hô hấp, miễn dịch, huyết học... bị suy yếu. Điều này sẽ dẫn tới các biến chứng nguy hiểm như hôn mê hạ đường huyết (rất hay gặp ở bệnh nhân đái tháo đường nhịn ăn quá mức), suy giảm các hoạt động trí tuệ và thể chất, thiếu máu dinh dưỡng, dễ nhiễm khuẩn... Nhiều bệnh nhân ăn kiêng quá lâu dẫn đến hội chứng sợ thức ăn hoặc khi ăn quá một chút thức ăn là bị rối loạn tiêu hóa do lớp niêm mạc ruột đã bị suy giảm chức năng nên kém hấp thu.
Nên quan niệm cho đúng về chế độ ăn ở bệnh nhân đái tháo đường
Như đã được đề cập ở trên, mục tiêu của điều trị bệnh đái tháo đường không chỉ đơn thuần là đưa trị số đường huyết về bình thường (bằng cách nhịn ăn) mà còn phải giúp cho các tế bào của cơ thể sử dụng được đường để có năng lượng hoạt động. Một chế độ ăn khoa học sẽ vừa đảm bảo không đưa một lượng đường thừa vào cơ thể (tránh làm tăng đường huyết và gây thừa cân) cũng như cung cấp đủ một, lượng chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể hoạt động để tránh hiện tượng sụt cân quá mức cần thiết.
Bên cạnh đó, phải giúp các tế bào trong cơ thể có thể sử dụng được đường bằng cách dùng các thuốc điều trị như insulin theo hướng dẫn của các thầy thuốc chuyên khoa. Việc tăng cường các hoạt động thể lực cũng giúp cho cơ thể “thanh lọc” lượng đường thừa bằng cách tăng sử dụng đường lên gấp nhiều lần tại mô cơ và các cơ quan khác trong cơ thể.     
  Tiến sĩ - Bác sĩ Vũ Đức Định

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét