Thứ Sáu, 24 tháng 8, 2012

David Matas: Phát hiện việc mổ cắp nội tạng ở Trung Quốc

(Theo Tin180.com) Vancouver, Canada – Vào một buổi tối thanh bình ở Vancouver, một đoàn khán giả đông đúc khoảng 70 người đã đến Thư viện Công cộng Vancouver để tham dự buổi giới thiệu một cuốn sách của người được đề cử giải Nobel Hòa bình, ông David Matas.

Người được đề cử giải Nobel Hòa bình, ông David Matas phát biểu tại một buổi giới thiệu cuốn sách ở Thư viện Công cộng Vancouver.
Quá trình nghiên cứu không hề dễ dàng. Mặc dù nhiều người biết rằng cuộc đàn ápcác học viên Pháp Luân Công ở Trung Quốc đã bắt đầu từ năm 1999, nhưng không ai biết rõ liệu việc mổ cắp nội tạng như là một phương thức bức hại có thực sự được sử dụng hay không.
“Cơ sở chính của câu chuyện thật khó để đánh giá bằng cách này hay cách khác”, ông Matas, luật sư kỳ cựu của B’nai Brith Canada (Tổ chức Tình nguyện Phục vụ Cộng đồng và Ủng hộ người Do Thái ở Canada) và là người được trao tặng Huân chương Canada (Order of Canada) nói.
“Vì những gì chúng tôi được kể lại là các nạn nhân bị giết chết và thi thể của họ bị hỏa táng … Không hề có bất cứ ghi chép nào trong hồ sơ của các bệnh viện Trung Quốc – chúng tôi hay bất cứ nhà nghiên cứu nào cũng đều không thể có được. Hiện trường nơi xảy ra tội ác và phòng mổ trong bệnh viện đã được dọn sạch sau khi mổ, vì vậy không để lại hiện trường”.
Mặc dù họ không muốn tin vào “điều tồi tệ nhất của nhân loại”, theo như lời nói của ông Matas, ông Matas và người cộng sự của mình, ngài David Kilgour, nguyên bộ trưởng nội các và công tố viên hoàng gia của Canada, vào năm 2001 hai ông đã bắt đầu những nghiên cứu độc lập của mình với vai trò là các tình nguyện viên trong thời gian rảnh rỗi để xem liệu việc mổ cắp nội tạng có thực sự đang xảy ra ở phía bên kia địa cầu hay không.
Trong số các phương pháp nghiên cứu của mình, hai ông đã nhờ nhiều người gọi điện đến các bệnh viện trên khắp Trung Quốc, giả vờ là họ hàng của các bệnh nhân đang cần ghép tạng.
“Chúng tôi bị cúp máy và bị từ chối”, ông Matas nói, nhưng một số bệnh viện đã thừa nhận rằng họ có nội tạng của học viên Pháp Luân Công để bán.
Một chứng cứ nữa là việc xét nghiệm máu của các học viên Pháp Luân Công bị cầm tù.
“Rõ ràng là chúng tôi không phỏng vấn bất kỳ một người nào bị lấy nội tạng”, ông Matas nói. “Nhưng chúng tôi đã phỏng vấn những người đã ra khỏi tù và những gì họ nói với chúng tôi là các học viên Pháp Luân Công trong tù bị thử máu và kiểm tra nội tạng một cách có hệ thống, còn những người không phải là học viên Pháp Luân Công thì không bị. Chúng tôi nghe được điều này từ các học viên Pháp Luân Công và cả những người không phải là học viên Pháp Luân Công”.
Theo thống kê, Trung Quốc là trung tâm cấy ghép đứng đầu thế giới chỉ sau Mỹ về số lượng. Vậy mà không hề có hệ thống quản lý việc hiến tạng nào cho đến tận năm ngoái.
“Lời giải thích không chính thức mà sau đó lại trở thành chính thức là nội tạng được lấy từ các tù nhân bị kết án tử hình”, ông nói.
Tuy nhiên, con số thi hành án tử hình ở Trung Quốc theo Tổ chức Ân xá Quốc tế là thấp hơn nhiều so với con số các ca cấy ghép – 10.000 ca mỗi năm, theo ông Matas. Thậm chí sau khi chính quyền Trung Quốc thay đổi hệ thống hình phạt tử hình của họ, khiến cho hình phạt tử hình ít đi, nhưng số lượng các ca cấy ghép vẫn không thay đổi.
Sau khi ấn hành các bản báo cáo đầy đủ vào các năm trước, ông Matas nói rằng cuốn sách mới của hai ông “Thu hoạch đẫm máu” (Bloody Harvest) có bao gồm các thông tin cập nhật kể từ năm 2006 được thêm vào nội dung của các bản báo cáo ban đầu.
“Toàn bộ hoàn cảnh đã thay đổi, vì vậy chúng tôi phải đối phó với hoàn cảnh mới”, ông Matas nói.
Kể từ khi ấn hành bản báo cáo đầu tiên của mình, hai ông Matas và Kilgour đã được mời đến 80 thành phố trên 40 quốc gia để trình bày nghiên cứu của họ, trong khi vẫn thu thập thêm các bằng chứng dọc đường.
“Mọi người trên khắp thế giới, trong các tổ chức cũng như cộng đồng học thuật, hội sinh viên và các tổ chức nhân quyền sẽ phẫn nộ khi nghe thấy điều này”, một khán giả, anh Edward, người mới gần đây chuyển từ Texas để đến Vancouver học tập nói. “Đây là một điều gì đó trước hết gây phẫn nộ cho bất cứ con người nào còn có ý thức liên hệ với người khác. … Câu hỏi đặt ra là làm thế nào để nói lên và tạo ra nhận thức về vấn đề này”.
Một khán giả khác, ông Jim, là một nhà nghiên cứu và một giảng viên bán nghỉ hưu, người ban đầu đến từ Trung Quốc.
“Tôi không bị sốc như những người khác, vì tôi hiểu về chính trị … và bởi vì tôi đã sống ở Trung Quốc trong rất nhiều năm”, ông Jim nói. “Ngay cả một số nhân vật Trung Quốc nổi tiếng ở Vancouver, họ vẫn nghĩ 50/50 rằng Đảng Cộng sản Trung Quốc đã làm một điều gì đó tốt cho Trung Quốc, nhưng tôi nghĩ là họ đã bị lừa … Đảng Cộng sản Trung Quốc đã rải rộng tuyên truyền trong rất nhiều năm qua”

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét