(Nguồn: ĐẠI ĐOÀN KẾT) Nho Mỹ, táo Newzealand, gà quê… cũng chỉ là một cách gọi để các tiểu thương Việt Nam có thể bán hàng Trung Quốc dễ hơn, kiếm được nhiều tiền lãi hơn. Trong khi đó, hoa quả, thực phẩm Việt cũng không hề thiếu. Đấy là điều bất thường. Phía sau câu chuyên "thực phẩm Trung Quốc đang bị lập lờ đánh lận, cơ quan quản lý không thể làm ngơ?”
|
Trái cây Trung Quốc vào Việt Nam
và công khai trở thành hàng chất lượng cao
Ảnh:HOÀNG LONG
Ăn hàng xứ người
Đã hơn một lần, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT phải yêu cầu các lãnh đạo cục, sở địa phương phải nhanh chóng kiểm soát các loại thực phẩm có nguồn gốc xuất xứ từ Trung Quốc. Vào chiều ngày 14-8, ông Cao Đức Phát tiếp tục nói: Không phải là thiếu cán bộ, mà là làm chưa hết trách nhiệm. Vì vậy mới có việc giá đỗ Việt Nam làm nhưng dùng thuốc Trung Quốc, mới có gà thải Trung Quốc ào vào Việt Nam và mới có nho Trung Quốc phù phép thành nho Mỹ...
Trước đó (ngày 18-6), ông Phát cũng đã yêu cầu Cục Bảo vệ thực vật gia tăng kiểm soát đối với các lô hàng táo đỏ nhập khẩu từ Trung Quốc. Phân tích mẫu táo đỏ đang bán tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh có chứa chất thiram và một chất chứa asen, loại hóa chất gây ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng hay không. "Nhưng chưa hết, thị trường Việt Nam còn tràn ngập cả lê, cam Trung Quốc. Song đập vào mắt người tiêu dùng Việt Nam vẫn là mác ngoại, táo Úc, xoài Thái…”– một kỹ sư thuộc Viện Cây ăn quả miền Nam khẳng định.
Việc trái cây Trung Quốc "chui” vào Việt Nam và công khai trở thành hàng chất lượng cao, hàng châu Âu, châu Mỹ… khiến các cơ quan chức năng khó kiểm soát, xử lý. Một phần vì các tiểu thương "hợp thức hóa” qua các nhãn mác, nhưng cái chính là họ bắt thóp được tâm lý "ngại hàng Trung Quốc” của người tiêu dùng Việt. Vì vậy, các tiểu thương sẵn sàng đổi tên đây là nho Mỹ, táo Nhật để có một mức giá cao hơn đồng thời lại vừa lòng người tiêu dùng.
Sáng ngày 15-8, một tiểu thương tên là Nam, bày bán sọt nho và sầu riêng trên vỉa hè đường Phạm Hùng nói: "Lập lờ nói thành hàng Mỹ, Úc theo đó bán cũng đắt hàng hơn”. Nhiều khách hàng đi xe khách đường dài còn tranh thủ mua về quê biếu. Dọc tuyến đường Phạm Hùng, liên tiếp xuất hiện các xe hàng rong lẫn cửa hàng tạm dựng lên trên vài thùng xốp bán loại nho quả tròn, chín mọng, màu tím nhạt, với bảng niêm yết đề rõ: nho Mỹ, giá 80.000 đồng/kg. Chưa hết, loại nho trên còn xuất hiện tại các cửa hàng hoa quả dọc đường Cầu Giấy giá lên tới 130.000 đồng/kg.
Nhưng câu chuyện "nho Mỹ” bán nhan nhản ở Việt Nam chưa dừng ở đó, ngày 15-8, khi phóng viên vào cửa hàng hoa quả nhập khẩu trên phố Sơn Tây (Hà Nội) mua lê loại quả nhỏ, da xanh, mùi thơm thì được cửa hàng khẳng định lê Úc, giá 120.000 đồng/kg. Trong khi đó, cũng loại quả này được bày bán tại siêu thị bigC với bảng niêm yết: lê Trung Quốc 90.000 đồng/kg.
Điểm khôn khéo của các tiểu thương là để quả Trung Quốc bày lẫn với quả Việt Nam, lẫn hàng nhập khẩu cấp cao từ EU. Như vậy, người tiêu dùng rất dễ bị lừa.
Thiệt hại đủ đường
Theo Trung tá La Trung Kiên, Phó phòng CSĐT tội phạm về môi trường, Công an Hà Nội, thì tình trạng "hoa quả Tàu” vào Việt Nam có hai dạng: Nhập khẩu theo đường chính ngạch và nhập lậu. Ngay cả nhiều loại hoa quả mặc dù được nhập khẩu theo đường chính ngạch nhưng chất lượng không tốt, nhiều chất bảo quản hoặc thừa dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Hoa quả nói riêng và thực phẩm nói chung của Trung Quốc lan tràn vào Việt Nam hàng chục năm nay và ngày càng gia tăng thực sự trở thành mối lo lớn.
Báo cáo của Cục Bảo vệ thực vật, qua kiểm tra 104 mẫu hàng nhập khẩu có nguồn gốc thực vật trong tháng 7, phát hiện có 3 mẫu vi phạm gồm 2 mẫu nho và 1 mẫu khoai tây nhập khẩu từ Trung Quốc có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật cao gấp từ 3 – 5 lần cho phép.
Một con số thống kê cho thấy, năm 2011, Việt Nam nhập khẩu thực phẩm, trái cây từ Trung Quốc hơn 1 tỷ USD. Nhưng con số chính thức này vẫn chưa phản ánh đúng thực tế. Vậy tại sao trong khi người tiêu dùng "e ngại” hàng Trung Quốc nhưng chúng vẫn được bày bán tràn lan? Chắc chắn nó liên quan đến câu chuyện một vốn bốn lời.
Bà chủ quán cửa hàng hoa quả Miền Nam, nhập khẩu (trên đường Đê La Thành) nói: hoa quả nội đắt lắm. Nho đen Ninh Thuận nhập từ vườn cũng lên đến 50.000 – 60.000 đồng/kg. Giới kinh doanh chẳng mất gì mà không tận dụng cách nói mát lòng "nho Mỹ, lê Úc” để bán được hàng nhiều.
Đại diện Cục Quản lý thị trường - Bộ Công thương trao đổi với Đại Đoàn Kết: Hiện nay phổ biến tình trạng tráo hàng Trung Quốc thành hàng Việt Nam và các loại hàng nhập khẩu cao cấp khác. Thậm chí, việc thay nhãn hàng chỉ diễn ra dưới hình thức "lời nói”, chung chung nên rất khó xử lý. Vì vậy, vị này khuyên người tiêu dùng khi mua hàng cần xem cẩn thận.
Rõ ràng, thị trường hoa quả Việt, người nông dân Việt Nam, lẫn người tiêu dùng Việt đang bị đánh lừa bởi hoa quả đến từ Trung Quốc. Các hàng rào kỹ thuật, hải quan nơi cửa khẩu vẫn không thể ngăn được hành Trung Quốc, tỏi Trung Quốc, trái cây Trung Quốc tràn vào nội địa nước ta. "Tôi không hiểu tại sao lại cho nhập tỏi Trung Quốc, hay hoa quả EU trong khi Việt Nam là nước mạnh về nông nghiệp?” - TS Vũ Đình Ánh, Bộ Tài chính thắc mắc. Còn chuyên gia kinh tế, TS Lê Đăng Doanh lại nhìn nhận vấn đề ở khía cạnh tâm lý, khẳng định với Đại Đoàn Kết, khi người dân sợ hàng Trung Quốc, mà tiến tới thích hàng Mỹ, hàng EU thì tâm lý sính ngoại của người dân Việt Nam đã đi lên hẳn một cấp bậc khác. Sức nguy hiểm cũng bội phần hơn. Hàng tồn kho của nhà sản xuất Việt Nam nhiều, nhưng siêu xe từ Mỹ đến hàng thực phẩm có dán mác Mỹ vẫn bán ầm ầm thì cần phải xem xét lại về cơ chế quản lý và tâm lý người mua.
Thúy Hằng
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét