Thứ Năm, 11 tháng 10, 2012

Công trình ngàn năm: 2 năm đã hỏng!

- Chuyên mụcTin tức|Sự kiện hàng ngày |

Hai năm trước, hàng loạt công trình được khánh thành, đưa vào sử dụng nhân dịp Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội nhưng hiện nay, nhiều nơi đã xuống cấp nghiêm trọng Bộ Xây dựng vừa có kết luận thanh tra công tác đầu tư xây dựng của Ban Quản lý dự án đầu tư và xây dựng các công trình văn hóa kỷ niệm Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội. Qua đó, đã phát hiện nhiều thiếu sót, sai phạm trong đầu tư xây dựng, thu chi tài chính tại dự án Bảo tàng Hà Nội và Công viên Hòa Bình.

Có vỏ mà không có ruột
Khánh thành vào tháng 10-2010 với tổng vốn đầu tư hơn 2.300 tỉ đồng, đến nay, Bảo tàng Hà Nội đã trở thành đề tài trong mọi cuộc tranh luận về công trình ngàn tỉ nhưng vắng khách.
Nhìn bề ngoài, Bảo tàng Hà Nội trông rất bề thế, hoành tráng với kiến trúc “kim tự tháp ngược”. Tuy nhiên, có vào bảo tàng mới thấy hết được sự ê chề của nó. Những chiếc màn hình cảm ứng được đặt ở tầng 4 để phục vụ du khách xem ảnh về sự phát triển của Hà Nội hoạt động tậm tịt, nút điều khiển vô hiệu. Khu vực trưng bày một số hiện vật, vật dụng sinh hoạt của người Hà Nội xưa thì luôn trong cảnh tối om vì thiếu sáng… Gặp chúng tôi, nhiều người đã bày tỏ sự thất vọng khi viếng thăm bảo tàng. “Hiện vật được trưng bày quá ít, các thông tin không có sự kết nối khiến người xem rất khó theo dõi” - chị Quỳnh Anh (ngụ quận Thanh Xuân - Hà Nội) nói. Đó là chưa kể cách đây không lâu, cứ mưa lớn là nhiều khu vực trong bảo tàng bị thấm dột, nước ngập lênh láng. 
Công viên Hòa Bình ít người “ghé thăm” nhưng lại mọc lên nhiều quán cà phê _Ảnh: THẾ KHA
Một nhà sử học có tên tuổi cho rằng Bảo tàng Hà Nội có vỏ mà không có ruột vì khi tiến hành xây, cơ quan chức năng đã không lập trình một cách bài bản các bước thực hiện. Sau 2 năm khánh thành, dự án mới xong giai đoạn 1 và chỉ đủ sức trưng bày hơn 4.000 trong tổng số khoảng 60.000 hiện vật. Theo ông Nguyễn Văn Hùng, Giám đốc Bảo tàng Hà Nội, đa số các hiện vật vẫn được lưu giữ trong kho. “Chúng tôi đang chờ quy hoạch chính thức. Sắp tới, bảo tàng sẽ tổ chức nhiều sự kiện phù hợp với văn hóa, cuộc sống người Hà Nội xưa để thu hút khách tới tham quan” - ông Hùng cho biết.
Theo kết luận thanh tra của Bộ Xây dựng, công trình Bảo tàng Hà Nội đã dự toán thiết kế sai số tiền hơn 5,6 tỉ đồng. Ngoài ra, hàng loạt đơn vị tham gia xây dựng bảo tàng cũng bị “điểm mặt” do thanh, quyết toán các khoản tiền không phù hợp hồ sơ hoàn công, lên tới gần 7 tỉ đồng. Ngoài ra, Bộ Xây dựng cũng đã xử phạt hành chính đối với 3 công ty có sai phạm với tổng số tiền 110 triệu đồng.
Nhếch nhác công viên
Bộ Xây dựng vừa yêu cầu chủ đầu tư dỡ bỏ căn nhà cấp 4 (diện tích 75 m2) tại vườn trung tâm Công viên Hòa Bình vì không có trong quy hoạch được duyệt. Theo ghi nhận của chúng tôi, do không được chăm sóc cẩn thận nên rất nhiều cây xanh trong công viên đã chết khô. Nhiều đoạn tường gạch lát nền ở khu vực quảng trường của công viên bị bong tróc, bậc thang lên xuống nứt toác kéo dài nhưng không được đơn vị quản lý sửa chữa...
Dù đưa vào hoạt động 2 năm nay nhưng công viên có vốn đầu tư 300 tỉ đồng, rộng gần 20 ha này được rất ít người dân “ghé thăm”. Do không quản lý tốt nên tại các cửa ra vào công viên đều bị người dân lấn chiếm dựng lều bạt bán hàng quán gây mất an ninh trật tự. “Chúng tôi ở đây nhưng không dám vào chơi vì xung quanh công viên lúc nào cũng có hàng trăm thanh niên tụ tập, gây mất an ninh trật tự” - ông Nguyễn Dần (ngụ xã Xuân Đỉnh, huyện Từ Liêm - Hà Nội) nói.
Sở Xây dựng Hà Nội cho biết đã rà soát các hạng mục hư hỏng trong Công viên Hòa Bình để sửa chữa, thay thế. Đây là lỗi của Công ty TNHH Vườn thú Hà Nội (đơn vị quản lý công viên) vì không phát hiện và khắc phục kịp thời các hạng mục hư hỏng. Bộ Xây dựng cũng yêu cầu Sở Xây dựng, Ban Quản lý dự án 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội và các nhà thầu kiểm điểm, rút kinh nghiệm; đồng thời thu hồi, giảm trừ, truy thu thuế đối với khoản tiền hơn 643 triệu đồng tại dự án này.
Sau đại lễ, đâu lại vào đấy
Người dân Hà Nội có thể cảm nhận rõ ràng nhất cảnh quan đường phố, môi trường TP không thay đổi là mấy so với thời điểm cách đây 2 năm.
Đi dọc đường Vành đai 3 (Phạm Văn Đồng - Phạm Hùng - Nguyễn Xiển) hay các tuyến đường lớn như Lạc Long Quân, Nguyễn Trãi, Giải Phóng, Hồ Tùng Mậu, Đại Cồ Việt…, lúc nào cũng có cảm giác bụi xộc vào mũi. “Nếu ra đường mà không đeo khẩu trang, có thể bị viêm mũi ngay lập tức. Trong khi đó, lòng đường, vỉa hè lồi lõm gây nguy hiểm cho người đi đường nhưng không thấy đơn vị nào tới tu sửa” - một người dân bức xúc.
Kỳ tới: Xót xa công trình ngàn tỉ

Nguồn : nld.com.vn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét