Thứ Ba, 16 tháng 10, 2012

PHƯƠNG CHÂM “TRỊ BỆNH CỨU NGƯỜI, GIÚP NHAU CÙNG TIẾN BỘ”

Mình mới được biết đến cái phương châm này qua bài phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương lần thứ 6 ngày 15/10/2012.
Nhờ phương châm ấy mà một đồng chí đã thoát khỏi án kỷ luật.
Nhớ lại, thấy buồn và thương cho các bác Trần Xuân Bách, Nguyễn Hà Phan, Lê Khả Phiêu, Hồ Đức Việt …
vì không gặp được cái phương châm cao quí và bí hiểm như một câu thần chú này mà đã phải nhận kết cục “death penalty” cho sự nghiệp chính trị của mình trong tức tưởi và uất hận. Các bác đã không được một tập thể sáng suốt giang tay “trị bệnh cứu người” trên tinh thần “giúp nhau cùng tiến bộ”. Họ đã không "trị bệnh", "cứu người" và không giúp các bác “tiến bộ”, chẳng những thế lại còn không thương tiếc tặng cho các bác, những người suốt đời dấn thân và cống hiến cho lý tưởng và sự nghiệp, “một nhát gươm đưa, bỏ mẹ đời” (Chú thích: đời ở đây là sự nghiệp chính trị).
Mình sẽ cố gắng ghi nhớ và vận dụng cái phương châm tuyệt vời, có sức mạnh siêu năng có thể biến không thành có này vào cuộc sống. Nếu trên đường đời có gặp một con bệnh “tham nhũng” trầm trọng, bệnh từ đầu đến chân, bệnh từ trong ra ngoài, các cơ quan pháp luật đều bó tay, mình chỉ cần ôn tồn nói với hắn: Mày hãy yên tâm để tao “trị bệnh cứu người” cho. Nếu chẳng may gặp một thằng kẻ cướp bặm trợn đang kề dao chĩa súng vào mình, mình sẽ chỉ trao đổi nhẹ nhàng với hắn: Mày và tao hãy “giúp nhau cùng tiến bộ” nhé.
Và rồi đây, đoạn “Để giữ nghiêm kỷ luật trong Cơ quan, góp phần giữ gìn uy tín, hình ảnh thiêng liêng của Cơ quan và làm gương trong toàn Cơ quan, ABC thống nhất 100% đề nghị Ban Chấp hành Cơ quan XYZ cho được nhận một hình thức kỷ luật… Ban Chấp hành Cơ quan XYZ đã thảo luận rất kỹ, cân nhắc toàn diện các mặt hiện nay và đi đến quyết định không thi hành kỷ luật đối với ABC và yêu cầu ABC có biện pháp tích cực khắc phục, sửa chữa khuyết điểm; không để các thế lực thù địch xuyên tạc, chống phá” sẽ trở thành một điệp khúc, một đoạn văn mẫu cho vô vàn các cuộc kiểm điểm, dưới hình thức này hay hình thức khác.
Chẳng biết nói gì thêm, xin nhại lời một bài hát:
Sâu nào cũng là sâu
Sâu to cũng là sâu
Sâu nhỏ cũng là sâu
Sâu xanh cũng là sâu
Sâu đỏ cũng là sâu…
Chúng ở đâu, chúng ở đâu ?
...
(Nghẹn ngào) :
Chẳng thể nào, chẳng thể nào, ... tìm được đâu !





1 nhận xét:

  1. Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn viết :

    "Giết một người mà ba quân sợ, giết một người mà vạn người mừng thì cứ giết. Giết cốt ở giết người có tội lớn, thưởng cốt ở thưởng người có công nhỏ. Đáng giết thì dẫu người quý trọng cũng giết, đó là hình thì xét ngược lên trên ; thưởng thì thưởng cả cho những kẻ chăn trâu, người giữ ngựa, đó là thưởng thì trôi cả xuống vậy. Kể ra có thể hình xét ngược lên trên, thưởng trôi xuống dưới, thì đó là oai võ của người làm tướng"

    Nhớ xưa, Tôn Vũ cầm binh, giết hai ái thiếp của Ngô vương Hạp Lư là chính được quân lệnh ; Hàn Tín cầm binh, giết một cận thần thân thích của Hán Vương Lưu Bang là nghiêm được quân kỷ ...

    Pháp lệnh thời phong kiến "phản động" là thế, "giết người như ngóe" ...

    Pháp lệnh thời nay "tiến bộ" chỉ cần "phê và tự phê", rồi “trị bệnh cứu người” trên tinh thần “giúp nhau cùng tiến bộ” là đủ, rất "nhân văn nhân veo" ( chữ của Bọ Lập ). ( Nhưng với "dân đen" như Đoàn Văn Vươn, "dân oan" Văn Giang, Mê Linh, Vĩnh Phúc ... thì sao nhỉ ... !? ... )

    Trả lờiXóa