Thứ Hai, 26 tháng 11, 2012

Nữ họa sĩ và mối tình không năm tháng với Lưu Quang Vũ

Theo Tin Tức

Nữ họa sĩ tài danh của làng hội họa Việt Nam Nguyễn Thị Hiền, trưởng nữ của nhà văn Kim Lân, gọi mối tình với nhà thơ, nhà viết kịch nổi tiếng Lưu Quang Vũ (ảnh) là “mối tình không năm tháng”. Mối tình ấy vượt ra khỏi tình yêu trai gái thông thường, là “tình yêu tinh thần thuần khiết” không chen ngang cuộc sống gia đình, nhưng vì thế luôn ám ảnh suốt cuộc đời chị, dù cho Lưu Quang Vũ ra đi đã 24 năm và đã hơn 40 năm chị giữ trong lòng mối tình ấy.


Lời tỏ tình sau lần gặp thứ hai


Trong quán cafe sáng đầu đông trên đường Lý Thường Kiệt, khi họa sĩ Nguyễn Thị Hiền từ TP.HCM ra Hà Nội nhân triển lãm của con gái, tôi đã gặp chị. Quán cafe này ngày còn ở Hà Nội chị vẫn hay lui tới cùng Lưu Quang Vũ, tất nhiên bây giờ quán đã nhiều lần đổi chủ, cách bày biện trang trí cũng khác xưa. Chị bảo Hà Nội chớm đông rất đẹp, nó khiến lòng người tĩnh lặng nhất, và năm nào cũng vậy dù chẳng có việc gì, chị cũng tìm cách để ra Hà Nội trong những ngày này. Chị bảo rằng, bây giờ chị có thể cởi mở hơn, kể chuyện một cách nhẹ nhàng, điều mà ngày trước chỉ cần nghĩ đến nước mắt đã chảy ra, tim như nghẹn lại, nhói đau; nhưng mắt chị vẫn buồn, đỏ hoe khi nhắc lại mối tình tha thiết, sâu đậm nhưng cũng đầy ngang trái với Lưu Quang Vũ.

Lưu Quang Vũ là một nhà thơ, kịch gia tài hoa, có nhiều người say mê. Nhưng cuộc đời Lưu Quang Vũ gắn với ba người đàn bà: Tố Uyên, người vợ đầu tiên; nhà thơ Xuân Quỳnh, người vợ sau cùng-người đã sát cánh cùng Lưu Quang Vũ trong cả đời sống thường nhật và đời sống nghệ thuật; và Nguyễn Thị Hiền- “nàng thơ” của thi nhân mà sau này nhà nghiên cứu Vương Trí Nhàn đã nói rằng: “Những bài thơ hay nhất của Lưu Quang Vũ chính là những bài thơ viết về họa sĩ Nguyễn Thị Hiền, viết cho họa sĩ Nguyễn Thị Hiền”.

Nhưng “mối tình sét đánh” với Lưu Quang Vũ, như cách gọi của chị, mối tình bền lâu, đẹp đẽ và trong sáng trong cuộc đời chị (chị có thể kể chuyện của mình không giấu diếm cho chồng), ngay từ đầu đã gặp trắc trở, đầy khổ đau buồn tủi.

Chị kể rằng, ngay cuộc gặp gỡ đầu tiên đã làm nên mối tình định mệnh của họ dù cho cuộc gặp ấy chỉ là thoáng qua trong buổi gặp mặt cộng tác viên dịp cuối năm của Tạp chí Thanh Niên (khi ấy chị được giao phụ trách mục mỹ thuật của tạp chí), không thể nói chuyện gì riêng. Chỉ có điều, sau buổi gặp mặt ấy, trong khi chị ở lại lo chuyện dọn dẹp vì là ban tổ chức thì Vũ đã tìm đến nhà chị. Khi về đến nhà ở Hạ Hồi, chị nghe nhà văn Kim Lân, cha mình nói: “Con ơi, Vũ vừa đến tìm con”. Chị ngạc nhiên: Ô, vừa gặp Vũ ở cuộc họp mà.

Bẵng đi một thời gian, một hôm, nhà văn Đỗ Chu đến nhà chị bảo: “Anh có tiền rồi đấy, tối nay Hiền đến 96 Phố Huế anh đưa” (ngày xưa anh em khi bí tiền hay hỏi mượn nhau, khi nào lấy được nhuận bút thì trả, Đỗ Chu khi ấy là cộng tác viên cho Tạp chí Thanh Niên).

Tối ấy chị đạp xe đến khu tập thể 96 phố Huế, khi đó chị mới biết đó là nhà của bác Lưu Quang Thuận, bố của Lưu Quang Vũ, khi ấy nhà bác Thuận đã đi sơ tán hết, còn Vũ ở lại. Khi tới nơi đã thấy Vũ trải một cái chiếu giữa nhà, trên chiếu đặt một cái điếu cày, Đỗ Chu đang ngồi đó cùng Định Nguyễn (làm cùng tạp chí với chị) trong ánh sáng của ngọn đèn dầu, nghe Vũ đọc bài thơ “Đất nước đàn bầu”. Thấy chị đến, Vũ nói: “Bây giờ Hiền đến thì Vũ đọc lại bài thơ này cho Hiền nghe”.

Khi nghe bài thơ ấy, chị đã nghĩ: “Mình yêu Vũ mất rồi”. Nhưng cũng chỉ nghĩ như thế. Nghe xong thơ, chị đạp xe về nhà. Lần này, cũng vừa về đến nhà, vừa kịp khép cánh cửa thì nghe thấy tiếng gõ cửa. Mở ra đã thấy Vũ đứng đó, mặc áo mưa lính màu vàng rêu, hai chân vắt chéo hơi khuỵu xuống, tựa vai vào tường. Vũ nói: “Hiền ơi, Vũ muốn gặp Hiền”.

Hai người đi bộ ra hồ Thiền Quang, lúc ấy Vũ đã nói: “Vũ đã yêu Hiền từ lâu rồi”, rồi tặng chị bài thơ Vũ làm trên đường đến tìm chị ở nhà lần trước nhưng không gặp: “Chiều Xuân nào tôi đến tìm em/Chẳng gặp em chỉ mầu hoa vàng rực/Bức tranh em mới vẽ/Cô gái mặc áo nắng/Cổ rất gầy và mắt rất to”. Rồi Vũ nói: “Vũ sẽ về nói chuyện này với Tố Uyên (khi ấy, Lưu Quang Vũ và Tố Uyên chuẩn bị chia tay). Tố Uyên đã có người khác rồi, bây giờ gặp Hiền, Vũ cũng đã có người yêu là Hiền, Vũ sẽ nói để Tố Uyên mừng”.

Lúc ấy, chị đã nói: “Vũ ơi, nếu Tố Uyên chia sẻ được với Vũ chuyện này thì Vũ sẽ không khi nào bỏ Tố Uyên, vì như thế, Tố Uyên là người quá hay. Nhưng Hiền nghĩ sẽ không đơn giản như Vũ nghĩ đâu”.

Và cuộc tình dang dở…


Và dự cảm của chị đã đúng. Ngay lập tức từ khi lời yêu từ Vũ thốt ra, cũng là lúc sóng gió nổi lên trong cuộc đời họ. Lưu Quang Vũ giải quyết chuyện gia đình không hề dễ dàng. Chị bị Trung ương Đoàn bắt làm kiểm điểm lên xuống, nhà văn Kim Lân cũng không tránh khỏi điều tiếng. Những cuộc gặp gỡ của họ phải trốn chui trốn nhủi: “Quán cafe dưới gầm cầu xe lửa/Hạt mưa đen rơi trên ô kính vỡ/Ngón tay dài trong bóng tối run run/Lá đầu thu xao xác bên đường”.

Nhưng tình yêu có lý lẽ của riêng nó. Tình yêu của họ đặc biệt ngay từ giây phút đầu, họ yêu nhau ngay từ khi mới gặp mặt như thể sinh ra là để yêu nhau vậy; họ cảm nhau ở cái tài, hai người chỉ nói chuyện văn thơ, nghệ thuật. Họ lấy những cuộc gặp gỡ ở nhà Nguyễn Lâm (Lâm “râu”) ở 28 Triệu Việt Vương, nơi nhiều văn nghệ sĩ như: Bằng Việt, Đỗ Chu, Phạm Tiến Duật, Đặng Nhật Minh, Lê Minh Khuê, Vương Trí Nhàn, Đào Trọng Khánh… thường lui tới, làm nơi để thể hiện sự đồng điệu của hai tâm hồn, Vũ làm thơ, chị vẽ tranh.

Nhiều bài thơ Lưu Quang Vũ viết tặng chị, nhất là trong tập “Mây trắng của đời tôi”, “Gió và tình yêu thổi trên đất nước tôi”. Nhiều bài thơ đến bây giờ chị vẫn giữ bản thảo, thậm chí có bài thơ Vũ viết tay, không có đầu đề, viết xong đưa ngay cho chị: “Gương mặt em lo lắng và buồn/Tôi mới gặp đã nghẹn ngào thân thuộc/Gương mặt em xa xôi không nhớ được/Nay đã thành trời rộng của đời tôi” (trích bài thơ không có tựa đề, Lưu Quang Vũ viết ngày 31/8/1973, khi chị chuẩn bị đi học nước ngoài).

Chỉ có điều, cuộc tình ấy bị ngăn trở nhiều quá, nhiều lúc chị đã tự hỏi, sao người ta có thể ác nghiệt với mình đến vậy? Điều tiếng, kiện cáo, đủ các thứ cùng lúc đổ xuống. Cuộc tình của chị cũng vấp phải sự phản đối của bố, nhà văn Kim Lân, người yêu thương chị rất mực, đã có lúc bị áp lực từ nhiều phía, ông đuổi con gái mình đi. Lúc ấy, chị đang được đưa vào diện cử đi nước ngoài học, cùng với Hồng Ngát và Lâm Tới. Muốn đi nước ngoài thì chị phải rời bỏ Vũ, nhưng chị đã chọn ở lại, trong khi Lưu Quang Vũ lúc ấy đang lo chuyện gia đình, không có công ăn việc làm.

Chị lúc ấy cũng chẳng biết gì về cuộc sống gia đình, nội trợ hay cơm áo gạo tiền. Những tai tiếng và sự phản đối từ nhiều phía về cuộc tình của con gái đã khiến nhà văn ngã bệnh. Giữa mùa hè mà ông đi tất, mặc áo bông, quấn khăn len, đội mũ, đắp chăn, rên hừ hừ. Trước tình cảnh đó, chị đành “đầu hàng”, chọn cho mình một kết thúc đau buồn của một mối tình kéo dài chỉ khoảng ba năm. Lưu Quang Vũ cũng chọn cho mình một cuộc sống riêng với Xuân Quỳnh dù trong tim vẫn mang hình bóng của người con gái mà suốt cả quãng đời sau đó cho đến khi mất, nhà thơ tài hoa nhưng đoản mệnh này vẫn dõi theo, kiếm tìm.

Nhiều năm sau đó, Vũ vẫn đến tìm chị, đứng đợi ở đầu phố Quang Trung mỗi sáng chị đi làm. Tìm thì tìm vậy thôi, chỉ là để được nhìn thấy người mình yêu. Khi chị chuyển sang làm ở Cục Xuất bản, có hôm Vũ trèo qua cửa sổ gọi chị. Chị mua nhà ở Trần Quý Cáp, hay tới đây để vẽ, nhiều lúc khi vừa tới đã thấy Vũ đứng chờ từ lúc nào. Kể cả khi chị đã lập gia đình, có con, Vũ khi ấy cũng đã có con với Xuân Quỳnh, vẫn chở cả con đi tìm chị, lặng lẽ đi theo cả quãng đường dài.

Trong thời gian ấy, Vũ vẫn làm thơ tặng chị: “Mái nhà nâu nhấp nhô/Trong khói mờ ẩn hiện/Cây bàng cao lá tím/Ướt nhòa sương ngã ba/Nhìn nhau không thể xa/Đèn mùa đông vụt tắt/Màu áo em đỏ rực/Cháy sau vòm cửa đêm/Giờ anh như con thuyền/Bốn bề lên sóng vỗ/Xô dạt về tựa ngủ/Trên rộng dài bến em/Em chiếm hết anh rồi/Những cánh đồng trắng xóa/Những ngả đường đói lả/Và giấc mơ sau cùng/” (Thơ tình viết về một người đàn bà không có tên (II), 1973). Những bài thơ ấy, khi đọc lại, chị buồn lắm. Sau này khi chị đã vào Sài Gòn, ra Vũng Tàu sáng tác, Vũ cũng tìm ra đó dù không gặp.

Một lần khi chị ra Hà Nội, khi ấy vở kịch “Hồn Trương Ba, da hàng thịt” công diễn, Vũ có nhờ nhà thơ Dương Tường đưa vé mời cho chị, ghế số 1. Kết thúc vở kịch, Vũ gặp chị, hai người đi với nhau một đoạn. Vũ đã nói những điều mà cho đến bây giờ chị vẫn không thể nào quên: “Dù Vũ không sống với Hiền và xa Hiền nhưng Hiền phải biết rằng lúc nào Vũ cũng đau đáu nhớ Hiền. Tất cả những bài thơ hay nhất của Vũ là những bài thơ viết cho Hiền. Từ khi không có Hiền thì thơ Vũ không còn hay như ngày xưa nữa. Dù Vũ viết kịch, có rất nhiều người yêu và Vũ cũng yêu người ta, nhưng tình yêu duy nhất trong cuộc đời Vũ chính là Hiền”.

Khi Vũ vào diễn ở trong Sài Gòn, tìm đến nhà chị để nhắc lại lời hẹn với chị năm xưa cùng nhau ra một tập thơ mà “thơ của Vũ và minh họa của Hiền” và hẹn chị hai tháng sau sẽ vào. Trước đây, chị và Vũ có một quyển sổ màu xanh tím than, trong đó Vũ làm thơ chị vẽ minh họa, nhưng đã bị ai đó lấy mất. Nhưng chị không thể ngờ, cuộc gặp ấy là lần cuối cùng gặp Vũ. Lời hẹn đã không thực hiện được bởi sau đó cả gia đình Lưu Quang Vũ mất vì tai nạn. Khi anh mất, chị không thể tin đó là sự thật. “Chắc chỉ là lời đồn của kẻ ghen ăn tức ở ác miệng nào đó, dù trong đêm khi Vũ và gia đình gặp nạn, tôi đã gặp ác mộng thấy mình đóng mấy cái áo quan. Khi tỉnh dậy người vã hết mồ hôi”, chị kể. Đến khi báo chí đồng loạt đưa tin thì chị mới tin đó là sự thật. Và chị kể, trong những ngày mới mất, đêm nào Vũ cũng trở về trong những giấc mơ của chị. Vũ còn xuất hiện trong giấc mơ của chị thêm nhiều lần nữa. Sau này, đêm trước chị mơ gặp Vũ thì sáng hôm sau Nhà xuất bản Nhã Nam gọi điện nhờ chị vẽ minh họa cho một tập thơ của Lưu Quang Vũ. “Thật khó có thể lý giải nhưng Vũ luôn có mặt trong những giấc mơ của tôi, một cách đầy kỳ lạ”, chị nói.

Bây giờ, đã hơn 40 năm qua đi, nhưng những ký ức về Lưu Quang Vũ chưa khi nào mất đi trong chị. “Chưa có người nào lì lợm, quyết liệt nhưng cũng yếu đuối như Vũ. Nhưng mối tình với Vũ cho tôi biết thế nào là tình yêu thực sự, một “tình yêu tinh thần” giống như hương thơm của những bông hoa, thoắt ẩn thoắt hiện, nhưng lúc nào cũng tinh khiết”, chị nói. Và mắt chị lại đỏ hoe khi đọc thơ anh: “Có lẽ bởi lòng nhiều tan vỡ quá/Gặp em rồi tôi vẫn chẳng dám tin/Sớm mùa đông tôi ra phố tìm em/Vẫn không hiểu vì sao em đã đến/Tôi mong em từ ngày thơ xa lắc/Tôi tìm em trong bao trang sách đọc/Tôi đợi em trên mọi ngã ba đường/Tôi gọi em khản giọng những đêm sương/Tôi lầm lạc ngỡ em không có thực/Em thuở ấy nơi nào, em có biết/Sao ngày xưa ta chẳng đến cùng nhau”.(Gửi Hiền mùa đông).


Xuân Phong

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét