Chủ Nhật, 31 tháng 3, 2013

Hy vọng gì vào "sáu bài toán cho tư lệnh ngành giáo dục" ?

TSYG: Bài gốc Sáu bài toán cho tư lệnh ngành của VietnamNet ( http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/114948/sau-bai-toan-cho--tu-lenh--nganh.html ) không hiểu vì lý do gì rất khó truy cập. TSYG tìm được bản 'copy' dưới đây đưa lên để bà con chú ý xem ông bộ trưởng giáo dục sẽ làm được những gì so với những lời hứa 'vĩ đại' của ông ta.

Bà con nhớ lại cách đây không lâu, ông bộ trường GD đã từng được báo chí ca tụng và âu yếm gọi là bộ trưởng 'chân đất', và đang làm 'cuộc cách mạng giáo dục' . Ông này từng trả lời rất ấm ớ hội tề và vô trách nhiệm về việc hàng ngàn em bị điểm 0 môn Lịch sử là bình thường, cũng như vụ vi phạm nghiêm trọng qui chế thi cử ở Đồi Ngô. Rồi chỉ một việc có cho đưa các thiết bị ghi hình ghi âm vào phòng thi hay không mà ông cứ loay hoay loay hoay, khi thì cho, sau thì không cho, rồi lại cho nhưng cấm phát tán..., hệt như chuyện đùa, chuyện tào lao. Mới đây lại thêm việc các cháu mầm non vùng cao không được hỗ trợ tiền ăn trưa theo qui định của Thủ tướng suốt 14 tháng trời...

Bây giờ lại là chuyện '6 bài toán', mà toàn là những 'bài toán thế kỷ'. Có nên hy vọng vào lời hứa của cái ông 'chân đất' này không? Nếu lần này ông thất hứa thì chúng tôi sẽ gọi ông là ... 'gì đất' đấy, ông ạ.



Cập nhật: 03:00 | 31/03/201
 - Văn phòng Quốc hội vừa có thông báo số 597 truyền đạt kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về chất vấn và trả lời chất vấn tại phiên họp thứ 16. Trong đó yêu cầu Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận thời gian tới gấp rút giải 6 "bài toán" đã hứa giải.
Các tin liên quan
giáo dục, bài toán, đổi mới, đề án, sư phạm
Ảnh minh họa: Lê Anh Dũng
6 "bài toán" được Ủy ban Thường vụ Quốc hội đúc kết đặt lên bàn "tư lệnh" ngành như sau:
Một là, Bộ GD-ĐT khẩn trương hoàn thiện Đề án đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, sớm áp dụng vào thực tiễn, tạo chuyển biến tích cực nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo ở nước ta.
Hai là, tập trung quản lý chất lượng sách giáo khoa, sách tham khảo phục vụ học sinh các cấp học phổ thông, bảo đảm chất lượng, sự chuẩn mực về ngôn ngữ và lịch sử.
Ba là, tổng kết công tác đào tạo sư phạm và mạng lưới đào tạo ngành sư phạm trong cả nước, chú trọng nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, kịp thời chấn chỉnh, hạn chế tình trạng thừa giáo viên khá phổ biến ở nhiều địa phương hiện nay.
Bốn là, tiếp tục thực hiện cuộc đấu tranh chống tiêu cực trong thi cử, bệnh thành tích bằng các giải pháp đổi mới công tác đề thi, công tác thi đua khen thưởng, việc đánh giá kết quả học tập. Xác định rõ trách nhiệm, quyền hạn của Giám đốc Sở GD-ĐT và lãnh đạo các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trong vấn đề này.
Năm là, tiếp tục rà soát, điều chỉnh nội dung dạy và học theo hướng tinh giảm; thực hiện mục tiêu giáo dục toàn diện; tập trung đổi mới phương pháp dạy và học, tăng cường tổ chức dạy học 2 buổi/ngày; khắc phục tình trạng dạy thêm, học thêm các môn học chính; gắn giáo dục, đào tạo với dạy nghề và nhu cầu sử dụng nhân lực của các ngành, các địa phương; nâng cao hiệu quả sử dụng ngân sách, cơ sở vật chất của ngành giáo dục.
Cuối cùng cần phối hợp với các cơ quan liên quan, cơ quan đại diện và cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài trong việc mở rộng tổ chức việc giảng dạy tiếng Việt cho con em người Việt Nam định cư ở nước ngoài, để cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài ngày càng đóng góp tích cực hơn nữa cho phát triển đất nước, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế trong thời gian tới.
Ủy ban thường vụ Quốc hội đề nghị Bộ trưởng có chương trình, kế hoạch, biện pháp thiết thực để thực hiện những vấn đề đã hứa trước Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, trước đồng bào, cử tri cả nước.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét