Thứ Hai, 27 tháng 5, 2013

TỪ TRẬN CHUNG KẾT CÚP C1, HỒI TƯỞNG VỀ SỰ KIỆN THỐNG NHẤT NƯỚC ĐỨC


Lần đầu tiên trong lịch sử, hai đội bóng Đức gặp nhau trong trận đấu danh giá nhất hàng năm của các CLB châu Âu (và có lẽ là của cả thế giới): chung kết cúp C1, đó là Bayern Munich và Borussia Dortmund. Quả thực đây là một trận đấu đỉnh cao cực kỳ hấp dẫn với màn trình diễn thứ bóng đá tổng lực rất “Đức” nhưng không hề thiếu tính nghệ thuật và kỹ thuật. Kết quả 2-1 nghiêng về Bayern. Nhưng điều quan trọng hơn là cho dù đội nào thắng thì chức vô địch Champion League 2013 vẫn thuộc về nước Đức, một nước Đức hùng mạnh và thống nhất.
Có hai nhân vật đặc biệt liên quan đến trận đấu này và là nhân chứng của sự kiện thống nhất nước Đức, đó là Angela Merkel và Matthias Sammer. Đáng chú ý, họ đều đã từng là công dân của nước Cộng hòa dân chủ Đức (còn gọi là Đông Đức).
Về đương kim Thủ tướng Đức thì có lẽ chỉ cần vài dòng lướt qua “sơ yếu lý lịch” của bà, vì bà quá giỏi và quá nổi tiếng. Trước khi nước Đức thống nhất, bà đã từng tham gia ban lãnh đạo của Đoàn Thanh niên Tự do Đức (tên gọi của Đoàn thanh niên cộng sản – Đông Đức), rồi làm Phó phát ngôn viên của chính phủ Đông Đức trong một thời gian ngắn. Bà tham gia chính phủ của Thủ tướng Helmut Kohl với chức vụ Bộ trưởng Bộ Phụ nữ và Thanh niên năm 1994, và được bầu làm Thủ tướng từ năm 2005. Hiện nay, bà được coi là người quyền lực số 2 và là người phụ nữ quyền lực nhất trên thế giới.

Bà Angela Merkel đang hào hứng cổ vũ cho 2 đội bóng Bayern và Dortmund (bên trái là Michel Platini, Chủ tịch UEFA)

Không hiểu khi thành đạt đến tột đỉnh như hiện nay, có bao giờ bà Merkel cảm thấy “biết ơn” Đảng và Chính phủ Đông Đức trước đây không?
Người thứ hai mình muốn đề cập là Matthias Sammer, một tượng đài trong bóng đá. Anh là đội trưởng cuối cùng của đội tuyển CHDC Đức, tham dự trận đấu cuối cùng của đội tuyển này với đội Bỉ (thắng 2-0) trước khi nước Đức thống nhất. Sau đó anh tham gia đội tuyển Đức thống nhất (51 lần), giành chức Vô địch châu Âu 1996. Về câu lạc bộ, anh từng là cầu thủ và huấn luyện viên của Borussia Dortmund, và hiện nay anh đang là Giám đốc thể thao của Bayern Munich. Có thể nói, về mặt thể thao, Matthias Sammer là một người cực kỳ thành đạt. Và số phận thật là trớ trêu khi sắp xếp cho đội bóng anh đang làm GĐTT phải thi đấu giành cúp C1 với đội bóng cũ vô cùng gắn bó, nơi đã giúp anh giành Quả bóng vàng 1996.

Matthias Sammer khi còn là cầu thủ của Dortmund với Quả bóng vàng danh giá,


là huấn luyện viên Dortmund,

và bây giờ là ... Giám đốc Thể thao của Bayern Munich!

Chẳng hiểu khi thành đạt đến như vậy, có bao giờ Sammer cảm thấy “biết ơn” Đảng và Chính phủ Đông Đức trước kia không?
Sự kiện hai đội bóng của Đức lọt vào chung kết cúp C1 năm nay cho thấy Đức rất mạnh về bóng đá. Không chỉ thế, nước Đức hiện tại mạnh mẽ về nhiều phương diện.
Nước Đức sẽ không được như ngày nay nếu bức tường Berlin không sụp đổ, và hai nước Đức không được thống nhất vào ngày 3/10/1990.
Khi đó cũng chắc chắn rằng không thể có Bà Thủ tướng quyền lực bậc nhất Angela Merkel và Giám đốc thể thao tài năng Matthias Sammer như ta thấy.

Nhân chiến thắng của Bayern Munich và cũng là của bóng đá Đức, mời bà con hồi tưởng một số câu chuyện về sự kiện “thống nhất nước Đức”, qua 3 bài phỏng vấn của tờ báo danh tiếng Bild với ba “tác giả” của sự kiện này:  


PHỎNG VẤN CỰU TỔNG THỐNG GEORGE H.W. BUSH (CHA)
(Kai Diekmann thực hiện, 1990)

BILD: Thưa ngài tổng thống, ngài đã chứng kiến bức tường Berlin sụp đổ như thế nào và ở đâu?
BUSH: Khi tôi đang ở trong nhà bầu dục thì người ta thông báo cho tôi tin bức tường đổ. Đó là một khoảnh khắc đầy cảm xúc. Một thời điểm tràn đầy niềm vui. Nhưng tôi cũng nhớ lại, báo chí nói tôi không thể hiện sự vui mừng tương xứng. Ngày hôm sau, thậm chí người ta còn khuyên tôi bay sang Đức và nhảy nhót ăn mừng trên bức tường. Đề nghị đó là của Georg Mitchel, lãnh đạo của đảng dân chủ trong nội các. Đó là điều cực kỳ dại dột, vì nó sẽ khiêu khích Gorbachov. Sau này ông ta cũng công nhận, nếu hành xử như thế sẽ dẫn đến những tình huống không hay. Như vậy tôi nghĩ là chúng tôi đã hành động đúng. Tôi rất phấn khởi, rất vui vì đã quyết định đúng trong giờ phút lịch sử này.
BILD: Ngài có cảm nghĩ gì khi thấy biển người reo hò vui mừng ở cả Đông và Tây, họ nhảy nhót trên bức tường và ngã vào lòng nhau?
BUSH: Đó là một hiện tượng rất cảm động. Thật là tuyệt diệu khi những người trong gia đình lại được gặp nhau. Bức tường này đã chia cắt nước Đức mấy chục năm, đột nhiên không còn chia rẽ anh em, mẹ con, bạn bè... Thực sự tôi cảm thấy bàng hoàng.
BILD: Người tiền nhiệm của ngài, tổng thống Reagan, trong một bài diễn thuyết năm 1987 trước cổng thành Berlin đã lớn tiếng: ”Ông Gorbachov, ông hãy dẹp bỏ bức tường này đi!”. Hồi đó ngài có nghĩ một ngày nào đó được chứng kiến không?
BUSH: Không, tôi không nghĩ chuyện đó sẽ tới. Tôi hy vọng một lúc nào đó nó sẽ xảy ra, một lúc nào đó nước Đức sẽ thống nhất. Nhưng cái ngày Reagan diễn thuyết ở Berlin, tôi không tin chút nào, ít nhất không phải trong tương lai gần.
BILD: Trong chiến tranh lạnh, những kỷ niệm nào của ngài là đáng nhớ nhất?
BUSH: Tôi nhớ nhất là sự thù địch giữa các quốc gia, mà thực ra họ là một khối. Tôi nhớ đến những gia đình ở Đức bị chia cắt bởi bức tường này. Một bên hàng rào dây thép gai tôi nhìn thấy cảnh hoà bình và bên kia tôi thấy sự cưỡng bức. Ít nhất đó là cách nhìn của tôi.
Những ấn tượng về bức tường làm tôi xúc động và nó đã cho tôi nhìn tận mắt hậu quả rõ ràng nhất của chiến tranh lạnh.
BILD: Tại sao bức tường không đổ sớm hơn?
BUSH: Nó kéo dài đến khi ở Nga có sự thay đổi quyền lực. Và cuối cùng sự thay đổi ấy đã đến, một sự thay đổi ban lãnh đạo có tầm nhìn ở Maxcơva với tổng thống Gorbachov.
Dưới thời Khrushov hay Brezhnev sự kiện năm 1989 sẽ không có được, đó là theo suy nghĩ của tôi.
BILD: Điều gì là động lực thúc đẩy ngài ủng hộ thống nhất nước Đức trên cương vị là người đứng đầu nhà nước?
BUSH: Ông biết không, chúng tôi hy vọng từ lâu, một ngày nào đó nước Đức sẽ thống nhất. Và sự kiện này đã đến. Chúng tôi đã tận dụng được cơ hội lịch sử này để quá trình thống nhất xảy ra trong hòa bình, tuyệt đối không dùng vũ lực. Điều rõ ràng đối với tôi là, người Mỹ chúng tôi phải đóng một vai trò quyết định trong vấn đề thống nhất nước Đức và kết thúc chiến tranh lạnh. Điều đó sẽ không bao giờ thành sự thực nếu không có người bạn đáng kính, thủ tướng Kohl và tất nhiên cả Gorbachov nữa.
BILD: Quan hệ riêng của ngài và thủ tướng Kohl đóng vai trò như thế nào trong quá trình thống nhất?
BUSH: Điều đó hãy để cho các nhà sử học đánh giá. Nhưng tình cảm cá nhân và sự kính nể ông Kohl đã và vẫn sẽ là vô biên. Từ hồi đó chúng tôi đã rất thân nhau, tin tưởng nhau. Tất nhiên chúng tôi cũng có những lúc không đồng quan điểm, nhưng cả hai đều làm việc cho một mục đích chung.
Chính ông đặt vấn đề muốn chúng tôi giúp người Đức trong việc đàm phán với Nga và tôi rất mừng được làm việc đó. Được làm việc với Kohl về vấn đề thống nhất thực sự là một công việc thú vị.

Nhóm tượng đài “Ba người cha của công cuộc tái thống nhất nước Đức”: G. Bush (trái), H. Kohl và M. Gorbachev tại khu Axel-Springer-Haus ở Berlin (Đức)

BILD: Ông Kohl có nói rằng: ”Ngài là vị cứu tinh của người Đức chúng tôi”. Điều gì đã làm cho ngài tin tưởng rằng, việc thống nhất nước Đức là con đường đúng đắn không những cho nước Đức mà còn cho toàn thế giới?
BUSH: Tôi tin tưởng rằng, nước Đức xứng đáng được ngồi bên chiếc bàn tự do. Ai cũng hiểu sự lo lắng của Pháp và Anh vì Đại chiến thế giới vẫn còn nằm trong tiềm thức của họ. Tôi cũng không thể trách họ được, chính chúng tôi cũng liên quan đến cuộc chiến này, nhưng tôi có cảm giác rất mạnh là nước Đức xứng đáng có quyền quên đi quá khứ để bắt đầu một tương lai mới trong một nước Đức đã thống nhất?
BILD: Ngài làm thế nào để thuyết phục được Margaret Thatcher và Francois Mitterrand (Thủ tướng Anh và Tổng thống Pháp lúc đó - chú thích của BBT)?
BUSH: Tôi cũng không biết mình có gây được ảnh hưởng đến quan niệm của họ hay không. Nhưng người Mỹ chúng tôi tin tưởng chắc chắn rằng, chúng tôi phải đứng về phía người Đức trong quá trình thống nhất.
Vài năm sau đó Mitterrand có nói đùa với tôi: „Tôi rất yêu nước Đức, đến nỗi tôi cho là cần có hai nước Đức...”. Ông nói với tôi điều đó trong một hội nghị ở California.
Thatcher thì khó thuyết phục hơn. Bà rất lo lắng vì quá khứ nước Đức, đặc biệt thời gian sau 1933, và rất lo nó có thể lặp lại. Bà tin tưởng ông Kohl nhưng tôi nghĩ, bà không yên tâm về người Đức khi nhìn lại lịch sử của họ. Chúng tôi có thể giúp để loại bỏ lo nghĩ này.
BILD: Ngài có chia sẻ với lo ngại của ông Kohl không, chẳng hạn ví dụ Gorbachov mất quyền thì quá trình thống nhất sẽ gặp nguy cơ?
BUSH: Hoàn toàn đúng thế. Cả hai chúng tôi đều lo. Đặc biệt có những cảm giác có thể gây tác hại. Dưới tiêu đề: Hey, người Đức chúng tôi và người Mỹ đã thành công và đã bắt bọn Nga quỳ gối. Lúc đó tôi nghĩ lại đến lời đề nghị khiêu vũ ăn mừng trên bức tường. Điều đó sẽ trơ trẽn biết chừng nào. Nó sẽ là một lỗi lầm kinh khủng, nếu tôi làm điều đó trên cương vị là tổng thống Mỹ.
Một thời gian sau, Gorbachov có nói với tôi: Tôi cũng không thể biết được quân đội Nga sẽ hành xử như thế nào khi thấy phương Tây ăn mừng chiến thắng.
Ông cũng cần phải biết, lúc đó Nga có một đội quân rất lớn đóng ở Hung và CHDC Đức và ngay Gorbachov cũng không biết có thể họ sẽ ứng xử thế nào...
BILDNgài có tính đến một cuộc cách mạng xảy ra hoàn toàn hòa bình, không đổ một giọt máu?
BUSH: Không có một tiếng súng, tôi rất mừng. Nhưng những phân tích hồi đó thì hoàn toàn ngược lại. Chúng tôi đã sẵn sàng đưa quân sang Đức, nhưng ơn trời, chúng tôi không phải thực hiện ý định đó. Tôi lại phải khen Gorbachov về những quyết định xứng đáng. Không có ông, chắc chắn không có cuộc cách mạng hòa bình như thế.
BILD: Đầu năm 1990 Gorbachov còn chống lại việc thống nhất. Ngài đã thuyết phục ông ta như thế nào để mở đường cho quá trình thống nhất nước Đức?
BUSH: Tôi nghĩ là ông ta cũng cảm được thời điểm đã chín muồi. Tôi cử ngoại trưởng James Baker sang Maxcơva đàm phán. Mọi chuyện rất trôi chảy. Những việc sau đó chỉ là vấn đề ngoại giao.
BILD: Hai mươi năm sau khi bức tường đổ, ngài có hài lòng với nước Đức thống nhất không?
BUSH: Rất hài lòng. Mặc dù Tây Đức phải tải tổn phí rất lớn, nhưng nó không thể làm lu mờ được sự kiện nước Đức thống nhất. Đó là một đất nước tự do nằm giữa tim châu Âu, là một thành viên của NATO.
Trên cương vị là người đóng vai trò xúc tác để đẩy nhanh quá trình tiến triển, tôi rất tự hào đã cùng ông Kohl và ông Gorbachov dẫn dắt sự kiện lịch sử này. Tôi yêu nước Đức.

PHỎNG VẤN CỰU THỦ TƯỚNG ĐỨC HELMUT KOHL
“Tôi thấy vô cùng biết ơn vì đã được chứng kiến quá trình thống nhất”
BILD: Thưa ngài thủ tướng, sức khoẻ của ngài thế nào?
KOHL: Tôi cảm thấy rất hạnh phúc vì có thể tổ chức kỷ niệm ngày sinh của mình hôm nay.
BILD: Sau khi bị ngã, sức khoẻ của ngài đã bình phục chưa?
KOHL: Bình phục rồi, nhờ trời sức khỏe của tôi đã khá hơn rất nhiều, tôi nói đúng nghĩa của nó đấy. Tôi chưa khoẻ hẳn nhưng có thể lạc quan, ở tuổi tôi quá trình bình phục có chậm hơn và vụ ngã đó không phải là một tai nạn nhỏ, gây nhiều vết thương nặng.
Tôi còn sống cũng là điều khó tưởng tượng. Hôm nay quà sinh nhật quý báu nhất của tôi là tôi được kỷ niệm nó.
BILD: Khi nào chúng tôi lại được gặp ngài công khai?
KOHL: Vào mùa thu. Lúc đó chúng ta kỷ niệm 20 năm ngày bức tường đổ. Đó là một ngày trọng đại, tôi được chính thức trở lại với công chúng. Cho đến khi đó tôi cần phải tĩnh dưỡng. Tôi muốn đẩy nhanh quá trình hồi phục. Như ông thấy đấy, đi bộ còn khó khăn. Tôi sẽ rất vui nếu tự mình đi lại được. Điều đó đòi hỏi sự kiên nhẫn và chăm chỉ luyện tập. Hiện tại tôi ưu tiên cho việc đó.

BILD: Trước đây gần 20 năm ngài đã viết nên lịch sử, trở thành thủ tướng của quá trình thống nhất. Nếu ngài nghĩ lại thời kỳ nó, điều gì ngài muốn nói đầu tiên?
KOHL: Tôi nhận thấy sự biết ơn sâu sắc và vui sướng, vì chính mình được chứng kiến, được góp sức tạo dựng và một điều nữa thường hay bị bỏ quên, chúng ta không hề đổ một giọt máu, không một tiếng súng.
BILD: Ngài nhận ra sự thay đổi của Liên Xô khi nào để mở ra triển vọng cho nước Đức?
KOHL: Muộn nhất là năm 1987 khi Gorbachev lên nắm quyền và thực hiện chính sách mở cửa và cải tổ, điều đó mở ra cho nước Đức những cơ hội mới. Điều này ít người nhận ra. Nhiều người hồi đó còn hài lòng với sự chia cắt, kể cả ở Đức. Theo tôi, Gorbachev là một tín hiệu rõ ràng cho quan hệ Đông Tây tiến triển.
BILD: Ấn tượng đầu tiên của ngài về Gorbachev là gì?
KOHL: Ông là một đối tác đàm phán có thiện cảm, hấp dẫn, rất hấp dẫn. Ngoài ra ông còn có đầu óc hài hước và một chút châm biếm. Điều quan trọng là ông cởi mở với sự thay đổi, cởi mở hơn tất cả những người tiền nhiệm ở Liên Xô.
BILD: Tháng sáu 1989 Gorbachev đến Đức và có một cảnh nổi tiếng bên bờ sông Rhein, cụ thể là thế nào thưa ngài?
KOHL: Vào một buổi tối, chúng tôi đi dạo chơi trong công viên gần Phủ thủ tướng. Chỉ có hai chúng tôi và phiên dịch. Chúng tôi ngồi thoải mái bên bờ sông. Những người đi dạo chơi, đặc biệt là những đôi tình nhân, đi qua và họ thực sự ngạc nhiên khi phát hiện ra chúng tôi.
Một không khí rất cởi mở. Trong khi bàn luận vấn đề liên quan đến dự kiến làm sao xây dựng nền tảng mới cho quan hệ Đức – Nga, tôi đã nói đến vấn đề thống nhất nước Đức. Tôi nhấn mạnh: Sự chia cắt là cái tải nặng nề nhất cho quan hệ hai nước. Ông cự lại. Tôi chỉ xuống dòng sông và nói tóm tắt như thế này: „Việc thống nhất nước Đức chắc chắn một ngày nào đó sẽ đến, giống như dòng sông Rhein này chảy ra biển”.
Tôi còn nói thêm, đa số người Đức không bằng lòng với sự chia cắt. Lúc đó Gorbachev không phản đối gì nữa. Ông im lặng. Đó là cái cơ bản nhất, lần đầu tiên ông không phản đối tôi.
H. Kohl (trái) và M. Gorbachev, hai người bạn đồng hành trên con đường đi đến thống nhất, ngày 10/02/1990

BILD: Đó là một bước ngoặt lịch sử?
KOHL: Đúng rồi, tôi nghĩ hồi đó Gorbachev đang suy nghĩ rất nhiều quá trình cải tổ. Từ cái đêm hôm đó chúng tôi thân thiết nhau hơn và tin tưởng nhau hơn. Điều đó rất có lợi.
BILD: Ngài gặp một sứ mệnh rất khó xử khi đang thăm Ba Lan và nghe tin bức tường đổ ngày 9/11/1989. Ngài đã ưu tiên xử lý công việc như thế nào?
KOHL: Tôi thật sự ngạc nhiên. Tất cả chúng ta đều trông chờ thay đổi cái gì đấy, nhưng sự kiện với tầm cỡ như thế này xảy ra thì không ai tính trước được.
Trước bữa tiệc với tổng thống Ba Lan Mazowiecki tôi được thông báo là Günter Schabowski vừa tuyên bố, ngay lập tức tất cả công dân CHDC Đức có thể sang Tây Đức. Trong bữa tiệc, tôi nhận được tin bức tường đổ và tất cả đại biểu quốc hội Đức tự nguyện không ai bảo ai hát bài quốc ca Đức. Ít phút sau đó tôi đã nói chuyện điện thoại với Eduard Ackermann ở Bonn. Khi tôi nhấc máy, ông nói to trong trạng thái rất sung sướng: „Thưa ông thủ tướng, bức tường đã đổ rồi!”. Tôi bàng hoàng.
BILD: Và ngài đã gián đoạn chuyến thăm Ba Lan...?
KOHL: Vâng, tôi xác định ngay, trong thời điểm kịch tính này, tôi phải có mặt ở Berlin và ngày hôm sau tôi rời Ba Lan. Tôi phải cố gắng lắm để thuyết phục nước chủ nhà. Họ cũng đồng cảm vì tôi hứa sẽ thăm Ba Lan vào một dịp khác, và tôi cũng đã làm điều đó.
Ngày hôm sau tôi chỉ quanh quẩn tính sao để về Berlin nhanh nhất. Nhưng điều đó không hề đơn giản vì không thể bay qua không phận CHDC Đức và cũng không được phép hạ cánh xuống Berlin. Cuối cùng chúng tôi bay đến Hamburg và được ngài đại sứ Mỹ chuẩn bị cho một máy bay đến Berlin.
BILD: Trong khi ngài đang nói chuyện ở Toà thị chính Schöneberger thì Gorbachev tìm cách nói chuyện với ngài...
KOHL: Ngày hôm đó ông ấy đầy lo âu. Ông muốn trực tiếp hỏi tôi để biết cái tin các cơ sở của Nga trên lãnh thổ CHDC Đức bị tấn công có đúng hay không. Sau này mới biết, những người theo trường phái cứng rắn trong ban lãnh đạo CHDC Đức và những cán bộ chủ chốt của KGB (Cục an ninh Nga) ở Moscow đã chủ ý đưa tin sai để gây sức ép cho ông, bắt ông hành động. Họ muốn như năm 1953, sư đoàn xe tăng đóng ở Berlin xuất kích để khoá lại bức tường.
Tôi tìm cách thuyết phục để ông yên lòng và thông báo quần chúng biểu tình rất ôn hòa. Ông đã tin tôi. Sau đó tôi còn được biết, ông còn gọi điện cho cả Willy Brandt và cũng hỏi đúng như thế. Vì vậy xe tăng Xô viết vẫn nằm trong doanh trại.
BILD: Công đóng góp của Gorbachev cho cuộc cách mạng hòa bình ở CHDC Đức như thế nào?
KOHL: Nếu không có Gorbachev, chắc không có cuộc cách mạng này. Gorbachev đã tạo ra nền tảng bằng cách mở cửa và cải tổ để quần chúng có thể biểu tình một cách hòa bình trên đường phố. Khi tường đổ, ông lại quyết định chọn con đường hòa bình.
Tôi cứ thường xuyên tự hỏi: điều gì sẽ xảy ra, nếu... Điều ông quyết định tìm cách giải quyết bằng con đường hòa bình là điều vô giá, không biết đánh giá cao thế nào cho đủ.
BILD: Và còn Bush cha?
KOHL: Người Đức chúng ta cám ơn ông vô cùng. Ông là vị cứu tinh của chúng ta. Ngay từ đầu ông đã ủng hộ chúng ta theo đuổi con đường thống nhất đầy chông gai. Chúng ta cám ơn ông và cám ơn tầm nhìn xa trông rộng của Gorbachev về con đường hòa bình dẫn đến tái thống nhất, làm cho bánh xe lịch sử không thể quay ngược được.

 PHỎNG VẤN GORBACHEV
(Tanit Koch thực hiện năm 2009)
BILD: Thưa Tổng thống, mùa thu năm nay chúng tôi kỷ niệm 20 năm ngày bức tường đổ (tính đến thời điểm năm 2009 - BBT). Lần đầu tiên ngài nghĩ đến chuyện tái thống nhất nước Đức là lúc nào?
GORBACHEV: Ý nghĩ ấy có từ khi tôi lên nhận vị trí lãnh đạo sau thời Brezhnev. Tôi hiểu được rằng, lịch sử có một vấn đề, đó là sự phân chia nước Đức và lịch sử cũng sẽ phải giải quyết vấn đề đó.
BILD: Hồi đó ông có tiên liệu được quá trình ấy diễn ra nhanh như thế nào không?
GORBACHEV: Trong một chuyến thăm nước Đức, thủ tướng Đức Helmut Kohl và tôi đã tuyên bố: „Đó là vấn đề của thế kỷ 21”. Lúc ấy là tháng 6 năm 1989, tháng 11 thì bức tường đổ. Lịch sử đã cho tất cả một bài học (cười).
BILD: Tháng 10 năm 1989 ngài cũng đi thăm chính thức Đông Berlin?
GORBACHEV: Ông đến từ vùng nào của Berlin vậy?
BILD: Đến từ Bonn...
GORBACHEV: Thế thì ông không thuộc “Người Đức của chúng tôi” rồi! (cười). Cụ thể là, ở Liên Xô có “Người Đức của chúng tôi” và “Người Đức không của chúng tôi”.
BILD: Đối với “Người Đức của ngài”, năm 1989 có một câu nổi tiếng: „Ai chậm chân sẽ bị cuộc sống trừng phạt”. Chính ngài nói câu nói đó phải không?
GORBACHEV: Đúng rồi, nhưng không dụng ý chỉ ai, chủ yếu liên quan đến vấn đề cải tổ của chính quyền Xô viết. Cũng có thành công, nhưng chậm quá.
BILD: Honecker đã phản ứng như thế nào?
GORBACHEV: Ông ấy vẫn cứ cương, nhìn nhận không có nhu cầu cấp bách phải hành động, khi đó chúng tôi đứng cạnh nhau trên khán đài...
BILD: ...trong cuộc duyệt binh kỷ niệm 40 năm quốc khánh CHDC Đức...?
GORBACHEV: Đúng đấy. Ở đó có tiếng đồng thanh hô và cả những khẩu hiệu hướng vào tôi, Nhưng Honecker vẫn cứ đứng yên và hát thầm theo nhạc.
BILD: Khi nào thì ngài nhận được tin bức tường đã mở toang?
GORBACHEV: Sáng ngày 10 tháng 11.
BILD: Ngài có vui không?
GORBACHEV: Tôi không thể hiện sự vui mừng, vì tình hình quá căng thẳng. Nhưng tôi không có cảm giác khước từ. Không, tôi đã chấp nhận việc đó. Người Đức không muốn tiếp tục những gì như từ trước đến nay đã diễn ra, và Liên Xô cũng đang đứng trước một sự thay đổi chính trị. Tất cả người Đức đều là những kẻ hủi chăng? Không, những kẻ như thế đã bị kết án ở toà án Nuremberg rồi. Thế hệ mới xứng đáng được kính nể.
BILD: Ngài đánh giá sự ảnh hưởng của ngài như thế nào đối với cuộc cách mạng không đổ máu ở CHDC Đức?
GORBACHEV: Thế nào là ảnh hưởng? Nền tảng là sự hòa giải giữa người Đức và người Nga vì quá khứ đẫm máu. Không bao giờ được phép quên, nhưng phải chủ động tiến đến với nhau. Những người làm được chuyện này sẽ là những người anh hùng. Chẳng thể một mình Gorbachev, Adenauer, Schmidt, Brandt, Kohl hoặc Genscher làm nên chuyện này.
BILD: Nhưng cũng phải đặt vấn đề, liệu quá trình tái thống nhất không có ngài, George Bush (cha) và Helmut Kohl thì có thành công hay không?
GORBACHEV: Tôi cho rằng, không ai cản được người Đức. Và như vậy, chắc ông đang chờ một lời tự khen đây, chúng tôi đã nhận ra và có những phản ứng phù hợp. Ông cứ thử nghĩ mà xem, bao nhiêu quân đóng trên đất Đức, bao nhiêu vũ khí, không thể tưởng tượng được đâu! Điều gì sẽ xảy ra khi có lệnh nổ súng? Một vấn đề to lớn như vấn đề nước Đức mà được giải quyết bằng con đường hoà bình thì chưa có tiền lệ trong lịch sử chính trị thế giới.
BILD: Quá trình thống nhất có nhanh quá không?
GORBACHEV: Cả miền Đông và miền Tây đều mong muốn nhanh chóng thống nhất. Thủ tướng Helmut Kohl đã hành động rất đúng, có suy nghĩ trong tình huống này. Lúc nào tôi cũng phải nhắc nhở ông ta: „Hãy chú ý, không được quá vội vàng!”. Có quá nhiều lựa chọn, và khi ông Kohl đã chọn lá bài trong tay, ông hành động dứt khoát và dấn thân. (cười)
BILD: Mong đợi của ngài về thống nhất có được đáp ứng không?
GORBACHEV: Tôi nghĩ là tốt rồi (trầm tư). Khoảng giữa những năm 90 tôi đã diễn thuyết ở nhạc viện Leipzig. Cuối buổi thuyết trình có nhiều câu hỏi được đặt ra, người ta sợ mất việc làm, cảm thấy mình là công dân Đức hạng hai.
BILD: Ông đã trả lời như thế nào?
GORBACHEV: Tôi lắng nghe rất lâu và sau đó nói: „Tôi có cảm giác, các bạn sẽ hài lòng hơn nếu như không có tái thống nhất”. Tất cả mọi người đồng thanh nói: không, không! Sự chỉ trích đó không nhằm vào tôi mà nhằm vào chính phủ. „Nếu như vậy, tôi đề nghị các bạn thế này”, tôi đáp lại „chúng ta hoán đổi, các bạn trả lại tôi những vấn đề của nước Đức, còn chúng tôi trả lại các bạn vấn đề của nước Nga” - Tất cả cười lớn trong phòng họp.
BILD: Đức có giữ lời hứa với Nga không?
GORBACHEV: Có, người Đức thực hiện rất đúng những thỏa thuận của mình và rất tôn trọng quân đội của chúng tôi. Nhưng vẫn còn một món nợ.
BILD: Món nợ nào?
GORBACHEV: Kohl, ngoại trưởng Mỹ James Baker và những người khác đã hứa với tôi là không bao giờ bành trướng NATO sang phía đông, dù chỉ 1 centimet. Về vấn đề này, người Mỹ không giữ lời, còn người Đức thì làm ngơ. Thậm chí có thể họ đã xoa tay: Người Nga đã trình hết con bài của họ ra rồi. Nó sẽ mang lại điều gì? Chỉ một điều là người Nga không còn tin vào lời hứa của phương Tây nữa.
BILD: Đức và Nga hiện nay có là đối tác không?
GORBACHEV: Có, nhưng người Đức thường không chống lại những xúi giục từ bên ngoài. Đại loại là: nếu người ta không cản chân tiến của Nga, thì càng dễ có những miếng ngon. Nhưng như thế KHÔNG GIẢI QUYẾT ĐƯỢC GÌ . Xin ông hãy viết hoa những chữ này. Thế nhưng ở châu Âu và EU, nước Đức thuộc loại nặng ký, đứng đầu bảng. Tôi có thể cá là sẽ cho tay vào lửa để khẳng định: Nga vấn là một đối tác đáng tin cậy, nhưng cũng là một đối tác bình đẳng.
BILD: Quan hệ của ngài với Vladimir Putin thế nào?
GORBACHEV: Chúng tôi không ngã vào lòng nhau như những người anh em đích thực, nhưng quan hệ của chúng tôi có thể nói là tốt, thường xuyên liên lạc với nhau.
BILD: Ngài, Helmut Kohl và George Bush (cha) đã là những người bạn. Các ngài có hay gặp nhau không?
GORBACHEV: Chúng tôi quan hệ mật thiết. Vì Helmut không được khoẻ lắm nên cũng đôi phần bị hạn chế. Chúng tôi hay gặp nhau, gặp cả Bush (cha) nữa. Quan hệ của chúng tôi không phải lúc nào cũng mặn mà, nhưng đó là quan hệ thành thật và rất hữu nghị.
BILD: Các ngài có hay gửi SMS hay e-mail cho nhau không?
GORBACHEV: (cười) tôi thích gặp nhau trực tiếp hơn...

PHỤ LỤC:

Sơ lược các giai đoạn quá trình thống nhất nước Đức 

(Theo trang web của Lãnh sự quán CHLB Đức tại Tp.HCM)

Ngày 3/10 năm nay là kỷ niệm 17 năm thống nhất nước Đức. Năm 1989, bầu cử gian lận, một làn sóng di dân chưa từng thấy và biểu tình hàng loạt đã làm sụp đổ chính quyền Cộng hoà dân chủ Đức trong vòng vài tháng. Sau khi Chủ tịch nước kiêm Tổng bí thư Erich Honecker từ chức ngày 18/10 và bức tường sụp đổ đầu tháng 11, quá trình thống nhất đã diễn ra nhanh chóng. Dưới đây là những mốc quan trọng nhất:
–Ngày 09.11.1989 trong một buổi họp báo Uỷ viên Bộ chính trị Guenter Schabowski tuyên bố – có vẻ chỉ là thoáng qua – rằng biên giới được mở ngay lập tức. Không lâu sau hàng nghìn người Đông Đức tràn qua biên giới. Sau 28 năm, bức tường sụp đổ.
– Ngày 13.11.1989 lãnh đạo Đảng Hans Modrow ở được Quốc hội Đông Đức trao nhiệm vụ thành lập chính phủ mới. Tại các cuộc biểu tình đã tiếp diễn từ vài tháng trước, xuất hiện các biểu ngữ “Tổ quốc Đức thống nhất”.
– Ngày 17.12.0989 một hội nghị bàn tròn – một diễn đàn của đại diện các đảng và tổ chức cũ và mới – họp dưới dự chủ trì của các đại diện giáo hội để đưa ra các giải pháp cho cuộc khủng hoảng quốc gia.
– Ngày 19.12.1989 thủ tướng Tây Đức Helmut Kohl thăm Đông Đức lần đầu tiên. Ở , ông được chào đón nồng nhiệt với những tiếng hô “Helmut, Helmut” và “Tổ quốc Đức thống nhất”.
– Ngày 15.01.1990 khoảng 2000 người biểu tình chiếm trụ sở của mật vụ Stasi ở Đông trong khi 100.000 người biểu tình trước cửa.
– Ngày 28.01.1990 đại diện các đảng phái chính trị đồng ý thành lập chính phủ lâm thời. Đại diện các nhóm dân quyền được tham dự hội nghị bàn tròn.
– Ngày 01.01.1990 thủ tướng Modrow trình Quốc hội dự thảo thống nhất nước Đức dựa trên nguyên tắc trung lập quân sự và hệ thống liên bang.
– Ngày 07.02.1990 chính phủ Tây Đức đề nghị đàm phán ngay lập tức với Đông Đức về thống nhất tiền tệ.
– Ngày 18.03.1990 cuộc bầu cử tự do đầu tiên diễn ra tại Đông Đức, với chiến thắng rõ ràng về tay liên minh bảo thủ do Liên minh dân chủ Thiên chúa giáo CDU đứng đầu.
 Ngày 12.04.1990 quốc hội đầu tiên được bầu cử tự do tại Đông Đức chọn Lothar de Maiziere (CDU) làm Thủ tướng.
– Ngày 23.04.1990 chính phủ Tây Đức đồng ý về căn bản một hiệp định thống nhất tiền tệ.
_5/5/1990 – Vòng đàm phán đầu tiên của các hội nghị Hai cộng bốn diễn ra tại Bonn giữa ngoại trưởng sáu nước Mỹ, Liên Xô, Anh, Pháp, Tây Đức và Đông Đức. Chủ đề chính của cuộc đàm phán là vấn đề đồng minh.
– 18.05.1990 ký hiệp định thống nhất kinh tế, tiền tệ và xã hội. Helmut Kohl coi đây là “ngày sinh của nước Đức tự do và thống nhất”.
– 01.07.1990 Thi hành thống nhất tiền tệ. Đông Đức đổi sang đồng D-Mark. Người qua lại biên giới giữa hai nước Đức không còn bị kiểm soát.
– Bắt đầu thảo luận ở Đông về hiệp định thứ hai, Hiệp ước thống nhất.
– 16.07.1990 Helmut Kohl và lãnh đạo Liên Xô Mikhail Gorbachev tuyên bố một bước đột phá trong vấn đề đồng minh. Nước Đức sẽ tiếp tục là thành viên NATO sau khi thống nhất.
 22.07.1990 Quốc hội Đông Đức thông qua luật về tái lập các bang trong nước.
– 23.08.1990 Quốc hội Đông Đức thông qua việc sát nhập Cộng hoà dân chủ Đức vào Cộng hoà liên bang Đức (Tây Đức) từ ngày 3/10.
– 31.08.1990 Hiệp ước thống nhất được ký tại Đông . Cả hai quốc hội phê chuẩn hiệp ước này vào 20/9 với đa số trên hai phần ba.
– 24.09.1990 Đông Đức ra khỏi Khối hiệp ước .
– 01.10.1990 Nước Đức trở thành hoàn toàn tự chủ. Các đặc quyền của phe Đồng minh thế chiến II tại bị bãi bỏ kể từ 3/10.
3/10/1990 – Vào nửa đêm, lá quốc kỳ đen-đỏ-vàng của nước Đức được kéo lên trước Nhà quốc hội trong tiếng quốc thiều, trong lúc hàng trăm nghìn người ăn mừng trên các đường phố Berlin và các thành phố khác.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét