Thứ Sáu, 28 tháng 6, 2013

SỰ SUY THOÁI VĨ ĐẠI

Hay là: HÓA RA ĐẢNG NHÂN DÂN CAMPUCHIA CỦA ÔNG HUN SEN KHÔNG THEO CHỦ NGHĨA NÀO CẢ!
Hôm nay 28-6-2013 là ngày kỷ niệm lần thứ 62 ngày thành lập Đảng Nhân dân Campuchia, có tiền thân là Đảng Nhân dân cách mạng Campuchia. Tình cờ mình đọc một bức điện mừng nên mới biết điều này.
Tìm hiểu thông tin trên wikipedia, được biết thêm rằng Đảng Nhân dân cách mạng Campuchia tách ra từ Đảng Cộng sản Đông dương năm 1951, sau các biến cố lịch sử và vài ba lần đổi tên, đến năm 1991 mới có tên như ngày nay.
Hiện tại, những người lãnh đạo cũ vốn là những người cộng sản thứ thiệt của Đảng Nhân dân cách mạng Campuchia vẫn tiếp tục lãnh đạo Đảng Nhân dân Campuchia từ năm 1991 và là các lãnh đạo tối cao của nhà nước . Đó là các ông Chea Sim – Chủ tịch Đảng kiêm Chủ tịch Thượng viện, Heng Samrin – Chủ tịch danh dự Đảng kiêm Chủ tịch Quốc hội, Hun Sen – Phó Chủ tịch kiêm Thủ tướng Chính phủ. Hiện nay, ông Hun Sen được coi là người nắm quyền lực số 1 ở Campuchia.
Thực sự, Đảng Nhân dân Campuchia xứng đáng là một đảng cầm quyền, có uy tín ngày càng cao đối với người dân CPC. Trong tổng số 123 ghế của Quốc hội, Đảng Nhân dân CPC giành được 64 ghế trong tổng tuyển cử năm 1998, 73 ghế trong tổng tuyển cử năm 2003 và 90 ghế trong tổng tuyển cử năm 2008.
Đảng Nhân dân Campuchia lãnh đạo đất nước, đưa nền kinh tế từ chỗ hoang tàn bởi chế độ Pol Pot và bởi cuộc chiến tranh 78-88, đến một nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng vào loại tốt nhất châu Á, từ 6% đến 14% mỗi năm. Theo tổ chức Tiền tệ Thế giới IMF, dự báo năm 2013 và 2014, kinh tế Campuchia sẽ đạt mức tăng trưởng lần lượt 6,7% và 7,4% (theo Wikipedia).
Ngày 28/7/2013 tới đây, Campuchia sẽ tổ chức tổng tuyển cử bầu Quốc hội. Các nhà phân tích cho rằng khả năng chiến thắng của Đảng Nhân dân Campuchia là chắc chắn, thậm chí còn vang dội hơn năm 2008. Và rồi ông Hun Sen sẽ tiếp tục làm Thủ tướng sau 28 năm cầm quyền.
Đối với người dân, uy tín của Đảng Nhân dân CPC cũng như của các ông Hun Sen, Chea Sim, Heng Samrin được khẳng định là điều dễ hiểu, tựa như là những “tất yếu khách quan” rất có tính”biện chứng”!
Điều đáng nói là cùng với việc Nhà nước CPC quay trở lại chế độ quân chủ, thì từ khi đổi tên năm 1991, Đảng Nhân dân CPC cũng từ bỏ luôn lý tưởng cộng sản chủ nghĩa, bỏ luôn hệ tư tưởng Mác – Lênin. Bằng chứng là trong Điều lệ và Cươnglĩnh chính trị của Đảng, tuyệt nhiên không thấy bóng dáng của những cụm từ “xã hội chủ nghĩa”, “cộng sản chủ nghĩa”, “Mác – Lênin”, “chuyên chính vô sản”, “trung thành với lý tưởng của Đảng”, “diễn biến hòa bình”, “các thế lực thù địch”…
Có một số điểm rất đáng chú ý trong Cương lĩnh chính trị của Đảng Nhân dân Campuchia mà mình thấy cần ghi ra đây:
- Từ khi ra đời, Đảng NDCPC đã thực sự hy sinh vì lợi ích cao cả của dân tộc và của nhân dân, để xây dựng một nước Campuchia độc lập, hòa bình, tự do, dân chủ, trung lập và tiến bộ xã hội.
- Đảng đã làm nòng cốt trong quá trình hòa giải dân tộc và mang lại hòa bình cho đất nước và nhân dân, vì hòa giải dân tộc, đa nguyên dân chủ và sự phát triển là những nguyện vọng cao quí của nhân dân.
- Đảng NDCPC quyết tâm bảo vệ Hiến pháp, nhằm duy trì sự ổn định và hiệu quả của Chính phủ Hoàng gia, mở rộng tự do dân chủ đa nguyên và sự tôn trọng các quyền của con người, đề cao việc xây dựng một nhà nước pháp quyền.
- Đảng NDCPC chấp nhận hệ thống dân chủ đa đảng và tự do làm nền tảng cơ bản cho chính sách và hoạt động của Đảng.
- Đảng NDCPC ủng hộ chế độ quân chủ lập hiến, bảo tồn và phát triển hệ thống chính trị đa đảng và tự do dân chủ, một hệ thống bảo đảm được việc thực thi quyền chủ sở hữu của người dân đối với đất nước, bảo đảm cho sự phát triển của dân chủ, tự do và công lý xã hội.
- Đảng NDCPC có nguyên tắc cơ bản về một nhà nước tiên tiến, là xây dựng Vương quốc Campuchia thành một Nhà nước pháp quyền trên tinh thần tam quyền phân lập, đó là lập pháp, hành pháp và tư pháp.
- Tất cả công dân Campuchia, đồng bào của tất cả các dân tộc, cho dù họ có bất kỳ khác  biệt nào trong quá khứ lịch sử hoặc trong vị trí xã hội, phải được bình đẳng về quyền và nghĩa vụ trước pháp luật, được bình đẳng các lợi ích về xã hội, văn hóa, giáo dục, y tế và các lĩnh vực khác.
- Đảng NDCPC, đã hy sinh rất nhiều cho quá trình hòa bình của đất nước,sẽ tiếp tục chân thành thực hiện chính sách hòa giải dân tộc, đoàn kết với tất cả các lực lượng yêu nước, bất kể họ có sự khác biệt nào trong quá khứ, trong xu hướng chính trị và vị trí trong xã hội, nhằm đoàn kết tất cả để bảo vệ và xây dựng quê hương trong không khí hòa bình, anh em và hiểu biết lẫn nhau.
- Đảng NDCPC sẽ tiếp tục cải cách, xây dựng và củng cố Lực lượng vũ trang Hoàng gia là một quân đội quốc gia thống nhất, được trang bị kỹ thuật hiện đại và có đầy đủ khả năng hoàng thành nghĩa vụ bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ của Vương quốc Campuchia, bảo vệ chính quyền và bảo vệ nhân dân theo qui định của Hiến pháp.
- Đảng NDCPC tiếp tục củng cố lực lượng cảnh sát có đầy đủ tinh thần yêu nước, lòng trung thành, trình độ chuyên môn cao và kỹ thuật hiện đại nhẳm đảm bảo thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ an ninh và trật tự công cộng.









Bên trái: Logo của Đảng NDCPC, không còn chút dấu vết của Đảng Nhân dân cách mạng khi xưa.
Bên phải: Các Đại ca mắc trọng bệnh suy thoái đạo đức tư tưởng chính trị cao độ: Heng Samrin (79 tuổi), Chea Sim (81 tuổi), Hun Sen (62 tuổi). Ảnh: cppparty.blogspot.com


Ôi chao, còn nhiều lắm. Nhưng bấy nhiêu thôi cũng đủ để thấy rằng Đảng NDCPC đã không còn đi theo “lý tưởng cao đẹp” của ông Mác, ông Lenin nữa rồi. Điều mà mình “vô cùng đau khổ” là hiện thời cũng chưa thấy nói Đảng này theo chủ nghĩa gì.
Còn những ông Hun Sen, Chea Sim, Heng Samrin … cũng đã “nhắm mắt đưa chân”, trở thành những con người khác hẳn, không còn chút “phẩm chất khí tiết khí phách” nào của "người chiến sĩ năm xưa".
Nếu ở nước khác thì hẳn là mấy ông này sẽ bị gán cho cái tội suy thoái về tư tưởng, về phẩm chất đạo đức chính trị. Và bị khai trừ khỏi chi bộ là cái chắc.
Nhưng nếu mấy ông suy thoái mà làm cho đất nước Campuchia ngày càng thịnh vượng và giàu đẹp, người dân CPC ngày càng hạnh phúc sung sướng trong không khí tự do dân chủ, thì cũng đáng để “suy thoái” lắm, mấy ông nhẩy?

“Suy thoái” mà như thế, xứng đáng được gọi là “sự suy thoái vĩ đại”!

PUTIN HẾT "PHÉP LẠ"

Tại diễn đàn kinh tế Saint Petersbourg ngày 21/06/2013, Tổng thống Vladimir Putin cố gắng giới thiệu nước Nga như nơi « đất lành chim đậu », mời gọi doanh nhân nước ngoài. Nhưng chính phủ Nga phải nhìn nhận thực tế kinh tế mất đà : 2,4%, không bằng phân nửa chỉ tiêu hứa hẹn. Nội tình căng thẳng, và cán bộ tham ô làm cựu trung tá mật vụ mất uy tín, phải thành lập một tổ chức chính trị mới để làm điểm tựa.
Nhìn từ xa, Tổng thống Nga Vladimir Putin có hình ảnh của một người hùng cương quyết, sắt thép, một mẫu người lãnh đạo cần thiết để đưa nước Nga phục hồi uy tín đại cường. Nhưng chính sách độc đoán của ông, bị đối lập lên án là hoài vọng thời Stalin, đã đưa nước Nga đến một tình trạng đáng lo ngại.
Một năm sau ngày nhậm chức nhiệm kỳ ba qua thủ đoạn diễn giải Hiến pháp và bầu cử bị tai tiếng gian lận, Vladimir Putin lúng túng rõ rệt. Tỷ lệ tăng trưởng của Nga chỉ còn 2,4% thay vì phải từ 4% lên 5% như Putin cam kết. Tài sản quốc gia tiếp tục bị tẩu tán hàng chục tỷ đôla mỗi tháng.
Không chỉ có đối lập, blogger bị truy bức mà giới doanh nghiệp cũng bị lao đao : Gần 240.000 doanh nhân bị bỏ tù vì tội gian lận có thật hay ngụy tạo trong đó có nhà tỷ phú dầu hỏa Mikhail Khodorkovski, người mà Putin xem là địch thủ chính trị.
Thành phần đồng tính cũng là đối tượng bị đàn áp.Tại nước Nga, cho đến năm 1999, người đồng tính còn bị xem là bị bệnh tâm thần. Năm nay 2013, Quốc hội Nga do phe thân Putin kiểm soát vừa thông qua đạo luật chống giới đồng tính, không cho xin con nuôi, cấm « tuyên truyền trước trẻ vị thành niên ».
Trong lãnh vực chính trị nội bộ, một nhân vật được xem là lý thuyết gia của chế độ là Vladislav Sourkov « từ chức » hồi tháng Tư. Tình trạng tham ô, bê bối của thành phần quan chức làm cho đảng Nước Nga Thống Nhất mất uy tín, bị đối lập chế diễu là «đảng của bọn lừa đảo và ăn cướp ». Để tạo điểm tựa chính trị, ông Putin đã thành lập một tổ chức mới lấy tên là Mặt Trận Nhân Dân
Về kinh tế, ông thay đổi Bộ trưởng kinh tế và Thống đốc Ngân hàng Trung ương. Tuy nhiên, dường như sau 12 năm cầm quyền, ông Putin không còn kế khả thi nào khác ngoài biện pháp đổ ngân sách vào các đại công trình để làm tăng tỷ lệ tăng trưởng. Tổng thống Nga thông báo một loạt kế hoạch xây dựng hạ tầng cơ sở tốn kém khoảng 450 tỷ rub (14 tỷ đô la) bất chấp nợ công và thiếu hụt ngân sách.
Tình hình kinh tế, xã hội hiện nay khá bi quan. Từ Máxtcơva, nhà báo Nguyễn Minh Cần phân tích :


«… Đầu tháng Sáu, ông Putin mở rộng cái « mặt trận » này và hứa hẹn sẽ thu hút những quần chúng ở đường phố để tiếp cận quá trình soạn thảo chính sách của Nhà nước….Nhưng theo các nhà phân tích chính trị Nga thì tình hình khó khăn không có lối thoát rõ rệt, chẳng bao lâu thì người ta sẽ quên cái « mặt trận » này đi…. »

Theo RFI- Tú Anh

Thứ Hai, 17 tháng 6, 2013

HAI LẦN THỀ THỐT VỚI BẮC KINH


Hôm nay, TTXVN đăng bản tin Tiếp tục đưa quan hệ Việt Nam – Trung Quốc phát triển, nói về việc Chủ tịch Trương Tấn Sang sắp sang thăm Trung Quốc.
Sau khi  “kê khai một số thành tích” đạt được trong quan hệ Việt Trung trong thời gian qua, bản tin đã tiết lộ rằng trong năm 2012, tổng kim ngạch thương mại Việt Trung đạt 41,18 tỉ USD, trong đó Việt Nam xuất gần 12,4 tỉ USD, nhập gần 28,8 tỉ USD; trong 4 tháng đầu năm 2013, kim ngạch thương mại song phương đạt hơn 14,3 tỉ USD, trong đó Việt Nam xuất gần 3,9 tỉ USD, nhập hơn 10,4 tỉ USD. Như vậy trong năm 2012, Việt Nam đã phải nhập siêu từ Trung Quốc hơn 16 tỉ USD, và chỉ trong 4 tháng đầu năm 2013, Việt Nam phải nhập siêu từ Trung Quốc 5,5 tỉ USD. Ngược thời gian về một số năm trước, được biết Việt Nam nhập siêu từ Trung Quốc năm 2011 khoảng 13,5 tỉ USD, năm 2010 là 12,7 tỉ USD, năm 2009 là 11,5 tỉ USD.
Những con số nói trên cho thấy sự bất bình đẳng ghê gớm trong quan hệ kinh tế Việt Nam – Trung Quốc như thế nào. Ấy thế nhưng bản tin rất “sung sướng tự hào” thông báo: “Trong những năm qua, Trung Quốc đã không ngừng tăng quy mô tín dụng ưu đãi dành cho Việt Nam. Đến nay, Trung Quốc đã cho ta vay 1,6 tỉ USD ưu đãi, tập trung vào những lĩnh vực công nghiệp, khai khoáng, đường sắt, năng lượng, dệt may, hóa chất… Ngoài tín dụng ưu đãi, Chính phủ Trung Quốc còn hỗ trợ Việt Nam nhiều khoản viện trợ không hoàn lại”. Thật lạ, 1,6 tỉ USD tín dụng ưu đãi (cho đến nay, không biết từ khi nào) chỉ bằng 1/10 lượng nhập siêu từ Trung Quốc trong một năm 2012, mà sao giọng điệu của bản tin lại có vẻ “mang ơn bạn vàng” đến thế? Sao không kể ra những “nỗi thống khổ” mà nền kinh tế nước ta phải chịu đựng từ phía Trung Quốc như nạn lao động chui ở nhiều nơi, hàng nhập lậu, hàng dởm, hàng nhái, hàng độc hại của Trung Quốc tràn ngập thị trường Việt Nam. Gần như ngày nào cũng có hàng tấn thực phẩm bao gồm thịt, nội tạng thối, trái cây rau quả độc hại, gà nhập lậu... từ Trung Quốc tràn sang mà đến nay vẫn chưa có cách gì đối phó hiệu quả. Hàng ngày,chúng ta vẫn phải chống chọi với những âm mưu phá hoại kinh tế VN vô cùng thâm hiểm, ác độc như những đợt thu mua lá điều khô, mua rễ tiêu, mua hạt nhãn, râu ngô, móng trâu, ốc bươu vàng, khoai lang… Nhiều ngành sản xuất của Việt Nam đang bị điêu đứng bởi hàng hóa Trung Quốc tràn ngập…
Đó là nói về kinh tế.
Nhưng bản tin này lại là một bản tin chính trị. Điều đáng kinh hãi là trong bản tin có một đoạn nói về chuyến đi thăm Trung Quốc sắp đến của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang:
“Chuyến thăm lần này của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tới Trung Quốc nhằm khẳng định chính sách nhất quán của Đảng và Nhà nước Việt Nam trong quan hệ với Đảng và Nhà nước Trung Quốc”.
Sao lại như thế nhỉ? Để khẳng định chính sách nhất quán của ta thì đâu có nhất thiết Chủ tịch nước phải sang Trung Quốc mới khẳng định được? Quan hệ giữa hai nước phải thực sự là quan hệ bình đẳng như báo đài vẫn thường hay nói, thế thì hà cớ gì tôi phải sang nhà anh để khẳng định sự nhất quán trong chính sách của tôi đối với anh? Nghe nó yếm thế vô cùng, chưa gì đã thể hiện thái độ thần phục không thể chấp nhận đối với kẻ láng giềng phương Bắc.
Dường như điều này là do TTXVN tự viết ra, như ngầm thể hiện một lời hứa, một lời thề thốt của ai đó với Bắc Kinh. Và Chủ tịch nước đọc thấy câu này của TTXVN chắc cũng cảm thấy buồn.
Nhưng vẫn chưa hết. Gần cuối bản tin, TTXVN còn viết lại nguyên xi câu “thề thốt với Bắc Kinh” một lần nữa, sừng sững, chắc nịch:
“Chuyến thăm lần này của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tới Trung Quốc nhằm khẳng định chính sách nhất quán của Đảng và Nhà nước Việt Nam trong quan hệ với Đảng và Nhà nước Trung Quốc”.




 Không rõ điều này là nhằm nhắc lại, nhấn mạnh hay là để chính quyền Bắc Kinh nhìn thấy và tin ở sự chân thành trong câu thế thốt kia?
Chưa bao giờ trong một bản tin lại có hai câu giống hệt nhau một cách quái dị cả về nội dung lẫn hình thức như thế.
Và thật khó để có thể nghĩ rằng đây chỉ đơn thuần là lỗi copy – past hoặc là lỗi của “cậu đánh máy".
Đích thị đây là một “thông điệp mờ ám”? Mời bà con đọc kỹ bản tin dưới đây thì sẽ rõ:


Tiếp tục đưa quan  hệ Việt Nam – Trung Quốc phát triển
(TTXVN)

Nhận lời mời của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam Trương Tấn Sang sẽ thăm cấp Nhà nước tới Trung Quốc từ ngày 19-21/6.

Ðây là chuyến thăm cấp Nhà nước đầu tiên của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tới Trung Quốc và cũng là chuyến thăm cấp Nhà nước đầu tiên tới Trung Quốc của lãnh đạo cấp cao Việt Nam sau khi Trung Quốc có Ban lãnh đạo mới.

Chuyến thăm lần này của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tới Trung Quốc nhằm khẳng định chính sách nhất quán của Ðảng và Nhà nước Việt Nam trong quan hệ với Ðảng và Nhà nước Trung Quốc.

Là hai nước láng giềng kề cận, quan hệ hợp tác hữu nghị Việt Nam-Trung Quốc đã phát triển sâu rộng trên tất cả các lĩnh vực, đem lại lợi ích thiết thực cho cả hai bên. 

Ðến nay, hai nước đã ký nhiều hiệp định cấp Chính phủ và các văn kiện hợp tác, đặt cơ sở pháp lý cho quan hệ hợp tác lâu dài giữa hai nước. Trao đổi đoàn ở Trung ương và địa phương ngày càng tăng, hàng năm hai bên trao đổi trên 200 đoàn ở cấp lãnh đạo các bộ, ngành và địa phương, đoàn thể quần chúng, góp phần tăng cường hiểu biết và mở rộng hợp tác giữa hai nước. 

Trong năm 2012 và từ đầu năm 2013 tới nay, các hoạt động trao đổi đoàn và tiếp xúc các cấp tiếp tục được duy trì. Đặc biệt là ngày 21/3/2013, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình lần đầu tiên đã có cuộc điện đàm trao đổi về quan hệ hai nước qua đường dây nóng giữa Lãnh đạo cấp cao hai nước.

Hợp tác giữa hai Đảng được đẩy mạnh, hai bên duy trì trao đổi đoàn và thiết lập cơ chế hợp tác, giao lưu giữa các Ban Ðảng. Quan hệ giữa các ngành quan trọng như ngoại giao, an ninh, quốc phòng được đẩy mạnh và tiếp tục triển khai hiệu quả các văn bản thỏa thuận hợp tác.

Các địa phương hai bên cũng tăng cường quan hệ với nhiều hình thức đa dạng và thiết thực như trao đổi đoàn các cấp, ký kết các văn bản hợp tác, cùng nhau tổ chức hội thảo, triển lãm, tăng cường xúc tiến thương mại, đầu tư…

Giao lưu giữa nhân dân và thế hệ trẻ hai nước được tăng cường. Hai bên đã tổ chức Liên hoan Thanh niên Việt Nam-Trung Quốc tại Quảng Tây (8/2010), Liên hoan hữu nghị nhân dân biên giới Việt-Trung (11/2010), Liên hoan hữu nghị nhân dân Việt Nam-Trung Quốc lần thứ nhất (12/2010), Diễn đàn nhân dân Việt-Trung lần thứ 4 tại Trung Quốc (9/2012), Gặp gỡ hữu nghị thanh niên Việt- Trung lần thứ 13 (8/2012).

Về quan hệ kinh tế, thương mại, từ năm 2004 đến nay, Trung Quốc liên tục là bạn hàng thương mại hàng đầu của Việt Nam. Năm 2012, tổng kim ngạch thương mại Việt-Trung đạt 41,18 tỷ USD, trong đó Việt Nam xuất gần 12,4 tỷ USD, nhập gần 28,8 tỷ USD. Cơ cấu hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc đã và đang có những chuyển biến tích cực nhất định.

Từ năm 2011 đến nay, tỷ trọng nhóm hàng công nghiệp trong tổng kim ngạch hàng hóa xuất khẩu sang Trung Quốc đang có xu hướng tăng dần (trên 30% trong khi trước đây chỉ 10%), vượt qua cả nhóm hàng truyền thống là nông, lâm, thủy sản. Tuy vậy, trong năm 2012, các mặt hàng nông sản có ưu thế, đặc biệt là xuất khẩu gạo tăng đột biến, gấp gần 3 lần, đạt 898 triệu USD. Kim ngạch thương mại song phương 4 tháng đầu năm 2013 đạt hơn 14,3 tỷ USD, trong đó Việt Nam xuất gần 3,9 tỷ USD, nhập hơn 10,4 tỷ USD.

Quan hệ hợp tác đầu tư có bước phát triển mới, tính đến hết tháng 3/2013, Trung Quốc có 899 dự án đầu tư tại Việt Nam, tổng vốn đăng ký hơn 4,7 tỷ USD, vươn lên vị trí thứ 13/94 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam. 

Trong những năm qua, Trung Quốc đã không ngừng tăng quy mô tín dụng ưu đãi dành cho Việt Nam. Đến nay, Trung Quốc đã cho ta vay 1,6 tỷ USD ưu đãi, tập trung vào những lĩnh vực công nghiệp, khai khoáng, đường sắt, năng lượng, dệt may, hóa chất… Ngoài tín dụng ưu đãi, Chính phủ Trung Quốc còn hỗ trợ Việt Nam nhiều khoản viện trợ không hoàn lại.

Nhiều năm qua, quan hệ trao đổi, hợp tác giữa Việt Nam với Trung Quốc trong các lĩnh vực giáo dục đào tạo, văn hóa, thể thao được đẩy mạnh. Hiện có gần 13.500 lưu học sinh Việt Nam đang học tại các trường đại học của Trung Quốc và khoảng hơn 3.500 học sinh Trung Quốc đang du học tại Việt Nam, chủ yếu tập trung vào các ngành ngôn ngữ (học tiếng Việt), du lịch và kinh doanh.

Hàng năm, hai bên trao đổi nhiều đoàn biểu diễn nghệ thuật, tổ chức nhiều cuộc giao lưu văn hóa, thể thao, góp phần tăng cường tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước. Về hợp tác du lịch, Trung Quốc là thị trường nguồn du lịch của Việt Nam . Năm 2012, Việt Nam đón 1,42 triệu lượt khách du lịch Trung Quốc, tăng 0,9% so với cùng kỳ năm 2011 và hàng năm có khoảng 1 triệu du khách Việt Nam thăm Trung Quốc.

Chuyến thăm lần này của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tới Trung Quốc nhằm khẳng định chính sách nhất quán của Ðảng và Nhà nước Việt Nam trong quan hệ với Ðảng và Nhà nước Trung Quốc.

Hai bên duy trì đà phát triển quan hệ, nhất là các chuyến thăm và tiếp xúc giữa lãnh đạo cấp cao với trọng tâm là tăng cường sự tin cậy giữa hai Đảng, hai Nhà nước, đưa quan hệ hai bên có bước phát triển thực chất theo khuôn khổ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện, thúc đẩy hợp tác cùng có lợi trên các lĩnh vực ngày càng đi vào chiều sâu, nhất là về hợp tác kinh tế-thương mại./.

Thứ Tư, 12 tháng 6, 2013

ĐÔI ĐIỀU VỀ ĐỀ TÀI KHOA HỌC CẤP NHÀ NƯỚC: “CHỦ THUYẾT PHÁT TRIỂN CỦA VIỆT NAM TRONG THỜI ĐẠI HỒ CHÍ MINH”

Ngày 9-6-2013, mục Khoa học của báo Nhân dân đăng bài Nghiệm thu đề tài khoa học về Chủ thuyết phát triển của Việt nam trong thời đại Hồ Chí Minh.
Qua bài báo, được biết tên đầy đủ của đề tài cấp nhà nước này là: “Chủ thuyết phát triển của Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh và vận dụng chủ thuyết đó trong những năm thập kỷ đầu thế kỷ XXI (hướng tầm nhìn tới năm 2020 và 2045)”.
Đề tài này được triển khai từ năm 2008, do PGS, TS Tô Huy Rứa, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng Ban Tổ chức T.Ư làm chủ nhiệm; GS, TS Hoàng Chí Bảo là phó chủ nhiệm chuyên trách; Hội đồng lý luận trung ương là cơ quan thường trực.
Đề tài đã được Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức nghiệm thu ngày 9-6 vừa qua tại Hà Nội. Hội đồng khoa học nghiệm thu đề tài do GS, TS Tạ Ngọc Tấn, Ủy viên T.Ư Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh làm Chủ tịch, đã bỏ phiếu đánh giá đề tài đạt mức xuất sắc.
Vì không rõ nội dung cụ thể của đề tài cấp nhà nước này là gì, nên nhà em chỉ dám chia sẻ với bà con vài điều suy nghĩ nho nhỏ sau đây:
Về tên của đề tài
Hiển nhiên tên của đề tài nói về chủ thuyết phát triển của Việt Nam trong giai đoạn tương lai mà các tác giả gọi là “thời đại Hồ Chí Minh”.
Sự lấn cấn ở đây chính là cụm từ chỉ thời gian: “thời đại Hồ Chí Minh”. Từ trước đến nay chưa thấy ai khẳng định thời đại Hồ Chí Minh bắt đầu từ đâu và sẽ kết thúc vào thời gian nào. Vì vậy yếu tố thời gian trong tên của đề tài thực sự không rõ ràng. Một đề tài khoa học bắt đầu bởi tên của nó, mà đã có sự không rõ ràng như thế thì có đảm bảo tính khoa học không?
Nhưng điều quan trọng hơn lại là bản chất của khái niệm “thời đại”. Thông thường, một giai đoạn lịch sử của một quốc gia có những biến cố quan trọng được gọi là thời kỳ mang tên vị lãnh tụ của quốc gia trong giai đoạn đó, còn “thời đại” là thuật ngữ chỉ một giai đoạn quan trọng nào đó mang tính toàn cầu. Ví dụ: thời đại đồ đá, thời đại đồ đồng, thời đại đồ sắt, thời đại nguyên tử, thời đại công nghệ thông tin, thời đại internet…
Nếu lấy tên lãnh tụ một nước để đặt tên cho cả một thời đại thì e rằng hơi … quá sức. Ta như thế thì Trung Quốc phải có thời đại Tần Thủy Hoàng, thời đại Thành Cát Tư Hãn, thời đại Mao Trạch Đông; Liên Xô thì phải có thời đại Lenin, thời đại Gorbachov; Lào phải có thời đại Xu-pha-nu-vông; Cam pu chia phải có thời đại Xi-ha-núc; Ấn độ phải có thời đại Nê-ru, Đức phải có thời đại Hitler; Libya phải có thời đại Gaddafi; Iraq phải có thời đại Hussein… Nếu vậy, tình hình có vẻ … hơi loạn về thời đại!
Về sự phổ biến đề tài
Điều làm cho nhà em hết sức bất ngờ là việc nghiệm thu một đề tài có nội dung cực kỳ quan trọng, ảnh hưởng tới sự phát triển hay thụt lùi của cả một đất nước, một dân tộc, ảnh hưởng tới mọi người dân Việt Nam như thế, lại chỉ được mỗi một mình báo Nhân dân đăng tải. Thật vô lý quá! Các báo lớn của Nhà nước đâu cả rồi? Vì sao không đăng bản tin quan trọng như vậy? 
Đây là đề tài cấp nhà nước, kéo dài suốt 5 năm trời với đội ngũ các nhà lý luận hùng hậu như thế chắc phải tốn tiền tỉ, thậm chí rất nhiều tỉ đồng.
Đề tài nghiên cứu về chủ thuyết phát triển của Việt Nam, được nghiệm thu với kết quả đánh giá là xuất sắc. Thế thì khả năng đề tài này được đưa vào ứng dụng trong cuộc sống là rất cao.
Vì vậy mọi người dân, với tư cách là những người đóng thuế cho Nhà nước và một phần không nhỏ tiền thuế đó được chi cho việc thực hiện đề tài này, với tư cách là những người trong tương lai sẽ được (hay là bị?) ảnh hưởng bởi đề tài này, có quyền được biết và dứt khoát phải được biết nội dung cụ thể của đề tài.
Do vậy đề nghị các cơ quan chức năng cần phổ biến nội dung của đề tài này đến từng người dân, giống như đã làm trong đợt góp ý hiến pháp vừa qua.
Dưới góc độ khoa học, đề nghị các cơ quan chức năng cho dịch nội dung đề tài này ra làm 5 thứ tiếng Anh, Pháp, Nga, Đức, Trung, nếu cần thì thêm cả Tây Ban Nha nữa, rồi cho đăng lên internet, để các nhà khoa học xã hội trên toàn thế giới hiểu và chia sẻ về kiến thức khoa học, tầm nhìn và điều kiện làm việc của nhóm tác giả. Điều quan trọng nhất là để họ biết được những nhà lý luận hàng đầu của Việt Nam hiện nay đang nghiên cứu cái gì, có khác người lắm không? Qua đó thế giới mới có sự thông cảm cho những nét “đặc thù” trong con đường "đi lên" của Việt Nam.
Những suy nghĩ của nhà em trên đây là để giao lưu học hỏi và rút kinh nghiệm, rất mong nhận được sự chỉ giáo của bà con gần xa. Nhà em rất chi là cảm ơn!




Thứ Hai, 10 tháng 6, 2013

KHÔNG CỚ GÌ … THAY ĐỔI: TẦM VÓC NÝ NUẬN CỦA BÍ THƯ HUYỆN ỦY, ĐBQH NGUYỄN BẮC VIỆT!


TSYG: Ngày 4-6-2013, ông Nguyễn Bắc Việt – đại biểu Quốc hội của tỉnh Ninh Thuận đăng đàn, được VietnamNet tường thuật lại trong bài Không lý gì bàn thay đổi con đường đã chọn. Trước Quốc hội, ông Việt đã đọc bài phát biểu với một lập trường hết sức "kiên định và cứng rắn" của một Bí thư huyện ủy, trong đó có những đoạn đáng lưu ý:
Mê sảng như người cõi trên: “Các nước XHCN trên thế giới, các đảng cánh tả trên thế giới vẫn có bước phát triển tích cực. Trong khi đó mô hình kinh tế tư bản chủ nghĩa đang gặp khủng hoảng thể hiện những bất cập không thể tránh khỏi”.
Kịch liệt lên án "kẻ thù" Mỹ và phương Tây với thái độ hằn học quen thuộc: “Mỹ và các nước phương Tây đã thể hiện rõ tính hai mặt, chưa lúc nào từ bỏ âm mưu chống phá  phong trào cộng sản và công nhân quốc tế. Mỹ vẫn đang luôn muốn bá chủ thế giới. Nơi nào Mỹ và các nước phương Tây nhúng tay vào là nơi đó bất ổn”.
Chỉ một lời dịu nhẹ với bạn vàng Trung Quốc: “Khó thứ hai, đó là quan hệ Việt Nam – Trung Quốc qua vấn đề Biển Đông”.
Kết luận cái rụp, khẳng định ý Đảng là trên tất cả, là tuyệt đối: “Cần phải tuyệt đối tin vào sự lãnh đạo của Đảng. Các nội dung Đảng đã cho ý kiến trong Nghị quyết trung ương 2, trong Kết luận Hội nghị trung ương 5 là bất biến. Các vấn đề đang là thí điểm, chưa có tổng kết đánh giá (của Đảng) thì chưa đưa vào trong dự thảo lần này”...
Được biết ông Nguyễn Bắc Việt đang là Ủy viên thường vụ Tỉnh ủy Ninh Thuận, Phó trưởng đoàn ĐBQH Ninh Thuận, Bí thư huyện ủy Thuận Bắc. Rất có thể qua bài đọc của ông Việt trước Quốc hội, “một số bí mật của Đảng và Nhà nước” đã bị ông này làm lộ ra. Để bà con có dịp chiêm ngưỡng thêm tầm vóc ný nuận của vị Bí thư huyện ủy này, TSYG xin đăng lại bài đọc nói trên của ông:











Ông Nguyễn Bắc Việt đang đọc bản góp ý

Kính thưa chủ tọa kỳ họp,
Kính thưa Quốc hội,
Tôi xin được tham gia phát biểu một số nội dung sau đây:
Về vấn đề chung, theo tôi thì thứ nhất, việc xây dựng sửa đổi bổ sung Hiến pháp, cần phải thấy Hiến pháp là một cái bộ luật gốc, một công trình khoa học. Vì vậy việc góp ý tiếp thu phải thực sư khoa học. Phải xem đây thực sự là một công trình khoa học của toàn dân, với sự đóng góp của toàn dân! Bản dự thảo Hiến pháp sửa đổi do Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp trình Quốc hội trong kỳ họp thứ 5 lần này theo tôi đã cơ bản thể hiện được điều đó. Bởi vì đã thể hiện đây là một công trình khoa học về chính trị học, về khoa học lịch sử, về khoa học ngôn ngữ, về loric (ý nói là logic) học, về luật học, về tâm lý học, về khoa học quản lý, và đặc biệt là không xa rời chủ nghĩa Mác Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, bởi vì đây là khoa học về sự giải phóng con người khỏi mọi sự bất công của xã hội, và theo tôi, dự thảo Hiến pháp lần này đã thể hiện được tính khoa học, tính nhân dân, tính dân tộc, tính nhân loại và đặc biệt là tính Đảng (!!).
Trong góp ý xây dựng Hiến pháp lần này đã có một số ý kiến lẻ loi phủ nhận sự lãnh đạo của Đảng, đòi xóa bỏ điều 4 trong dự thảo, đòi tư nhân hóa đất đai, đòi phi chính trị hóa quân đội, công an, đòi cắt bỏ các từ định hướng XHCN trong kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và một số nội dung khác.
Cần phải thấy rằng từ ngày thành lập đến nay, Đảng CSVN đã dẫn dắt nhân dân ta, dân tộc ta giành được từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Có được thắng lợi đó bởi vì chúng ta có nhân dân anh hùng, có lực lượng vũ trang anh hùng một lòng một dạ trung thành với Đảng, với Bác.
Chính vì vậy không cớ gì lại phải đề nghị bỏ điều 4, đòi xa rời CNXH, đòi ngăn cách quân đội, công an ra khỏi Đảng, ra khỏi dân!
Thứ hai, về vấn đề chung, theo tôi cần phải đánh giá đúng bối cảnh tình hình khi chúng ta tiến hành sửa đổi bồ sung Hiến pháp năm 92 để thấy được thuận lợi khó khăn, những vấn đề cần khẳng định để “dĩ bất biến ứng vạn biến” trong tình hình hiện nay. Theo tôi:
Về thuận lợi, chúng ta có thuận lợi, đó là tình hình thế giới bất ổn khó lường… (ngừng một lát, rồi ông Việt lật sang trang, kiểu ngừng câu này rất nguy hiểm), nhưng Việt Nam vẫn là bến cảng bình yên, đời sống nhân dân ngày càng được nâng lên. Các nước XHCN trên thế giới, các đảng cánh tả trên thế giới vẫn có bước phát triển tích cực. Trong khi đó mô hình kinh tế tư bản chủ nghĩa đang gặp khủng hoảng thể hiện những bất cập không thể tránh khỏi.
Mỹ và các nước phương Tây đã thể hiện rõ tính hai mặt, chưa lúc nào từ bỏ âm mưu chống phá  phong trào cộng sản và công nhân quốc tế. Mỹ vẫn đang luôn muốn bá chủ thế giới. Nơi nào Mỹ và các nước phương Tây nhúng tay vào là nơi đó bất ổn.
Chính vì vậy, không cớ gì phải bàn đến việc thay đổi thể chế chính trị, mục tiêu con đường đã chọn, không cớ gì phải bàn đến chuyện đổi tên nước!
 XHCN là một xã hội mà trong đó nhân dân có cuộc sống ấm no hạnh phúc. XHCN là như vậy, đẹp như vậy, mà ai lại nghĩ đến chuyện muốn thay đổi?
Cái thuận lợi thứ hai, ở trong nước chúng ta có những thuận lợi cơ bản. Đó là việc thực thi Hiến pháp năm 92, sửa đổi năm 2001 và đường lối chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước cùng với sự đồng thuận của nhân dân là yếu tố để đất nước ta phát triển vượt qua những khó khăn thách thức. Điều đó chứng tỏ đường lối chủ trương của Đảng đề ra là đúng đắn, là phù hợp, và đặc biệt qua đợt sinh hoạt chính trị pháp lý lần này, chúng ta thể hiện cài sự đồng lòng của nhân dân. Ngay ở Ninh Thuận, qua lấy ý kiến, không có ý kiến nào đòi bỏ điều 4, đề cập đến vấn đề đổi tên Đảng.
Thú hai, cái thuận lợi thứ hai trong nước, đó là trong quá trình phát triển, qua thực tiễn chúng ta đã có những nội dung cần sửa đổi thì Đảng đã kịp thời chỉ đạo. Từ việc xây dựng nhà nước pháp quyền Việt Nam XHCN đến kinh tế thị trường định hướng XHCN, đến tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân, và có thể nói những điều này đã được thể hiện, cụ thể hóa qua các nghị quyết của Đảng.
Thứ ba, chúng ta có thuận lợi, đó là cả nước đang tiếp tục thực hiện học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.
Tuy nhiên bên cạnh thuận lợi, theo chúng tôi thì có những khó khăn:
Đó là sự chống phá của các thế lực thù địch trong và ngoài nước, là âm mưu diễn biến hòa bình, là việc sử dụng tiền của các tổ chức phi chính phủ nhằm tác động đến việc xây dựng thể chế chính trị, thể chế kinh tế ở đất nước ta. Chúng ta không thể xem thường.
Khó thứ hai, đó là quan hệ Việt Nam – Trung Quốc qua vấn đề Biển Đông.
Khó nữa đó là đang có tình hình thông tin một chiều, chỉ nói cái khó của đất nước, nói cái không hay của các nước XHCN … còn lại. Cho nên đã tác động đến niềm tin của một bộ phận không nhỏ nhân dân, kể cả cán bộ đảng viên đối với CNXH, với các nước XHCN và phong trào cộng sản, phong trào cánh tả trên thế giới.
Cái khó thứ ba, trong nước đang có tình hình phai nhạt mục tiêu tiến lên con đường CNXH, vào sự lãnh đạo của Đảng, sự điều hành của Nhà nước trước thực trạng đạo đức xã hội xuống cấp, đấu tranh chống tham nhũng chưa có hiệu quả, trước những yếu kém trong quản lý đất đai, trong hoạt động của một số tập đoàn kinh tế, sự cồng kềnh của bộ máy nhà nước và đặc biệt là trước những bất cập trong công tác cán bộ, sử dụng người tài, người hiền.
Thì với thuận lợi và khó khăn đó, theo chúng tôi, trong sửa đổi Hiến pháp lần này, cần phải tuyệt đối tin vào sự lãnh đạo của Đảng!
Các nội dung Đảng đã cho ý kiến trong Nghị quyết trung ương 2, trong Kết luận Hội nghị trung ương 5 là bất biến!
Các vấn đề đang là thí điểm, chưa có tổng kết đánh giá (của Đảng) thì chưa đưa vào trong dự thảo lần này.
!!!


Chủ Nhật, 9 tháng 6, 2013

KINH TẾ THỊ TRƯỜNG ĐỊNH HƯỚNG XÃ HỘI CHỦ NGHĨA: SỰ KHÓ HIỂU QUA MỘT BẢN TIN CỦA TTXVN

Ngày 8-6-2013, TTXVN đăng bản tin, cho biết: Hội đồng Lý luận Trung ương tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia về chủ đề”Định hướng xã hội chủ nghĩa trong phát triển kinh tế thị trường ở Việt Nam: một số vấn đề lý luận – thực tiễn mới đang đặt ra”.
Bản tin này khá đặc biệt, cho thấy sự rắc rối, phức tạp và khó hiểu của khái niệm “kinh tế thị trường định hướng XHCN ở Việt Nam”.
PGS-TSNguyễn Viết Thông*, Tổng Thư ký Hội đồng Lý luận Trung ương nêu rõ: “Định hướng Xã hội chủ nghĩa trong phát triển kinh tế thị trường là một trong những vấn đề lý luận – thực tiễn trọng yếu, có tính chất nền tảng của toàn bộ quá trình đổi mới và phát triển ở Việt Nam. Đây là vấn đề mới, rất phức tạp nhìn từ cả hai chiều cạnh lý luận và thực tiễn”.
Một khi ông Tổng thư ký của Hội đồng Lý luận Trung ương đã phải thốt lên đây là vấn đề mới, rất phức tạp, thì cũng có nghĩa ông thừa nhận rằng ông và các đồng sự của ông trong Hội đồng cũng chưa biết rõ nó là cái gì.
Bản tin còn cho biết: “Đến nay, sau gần 27 năm đổi mới, nhận thức của cán bộ, đảng viên, của giới nghiên cứu lý luận trong nước còn rất khác nhau”. Điều đó cũng có nghĩa trong nhận thức của cán bộ, đảng viên  và các nhà ný nuận, chẳng ai rõ nó là cái gì.
Và rồi: “các nhà nghiên cứu, nhà khoa học tập trung đề xuất những quan niệm mới về định hướng xã hội chủ nghĩa trong phát triển kinh tế thị trường ở Việt Nam và những quan điểm mới có tác dụng thúc đẩy nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa phát triển nhanh và bền vững hơn”. Đành phải bó tay với các nhà ný nuận. Chưa biết nó là cái gì, lại tiếp tục đề xuất những quan điểm mới, những quan niệm mới.
Mọi thứ xem ra rất tù mù, mờ mịt, chẳng biết nó là cái gì, nhưng bản tin vẫn hùng hồn khẳng định: “Giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa trong phát triển kinh tế thị trường không chỉ là cần thiết, mà còn là yêu cầu cốt tử. Kiên trì giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa trong phát triển kinh tế thị trường là một trong những nguyên tắc căn bản, có tính nền tảng của toàn bộ quá trình đổi mới đang và sẽ được tiếp tục ở Việt Nam”.
Bản tin kết thúc bằng một câu mà đọc mãi mình cũng không thể hiểu nó muốn nói gì: “Các nhà khoa học đề xuất được những quan niệm, quan điểm và các cơ chế chính sách mới bảo đảm đề nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa chuyển sang phát triển theo chiều sâu, với chất lượng tổng thể thực sự cao hơn trong giai đoạn từ nay đến năm 2020 và 2030”.
Đưa đất nước đi lên, dựa trên một nền tảng lý luận “là vấn đề mới, rất phức tạp”, mà “nhận thức của cán bộ, đảng viên và giới lý luận còn rất khác nhau”, nhưng lại coi “giữ vững định hướng XHCN trong phát triển kinh tế thị trường không chỉ là cần thiết mà còn là yêu cầu cốt tử “. Quả là lý luận “mớ bòng bong”.

Rõ ràng các nhà ný nuận của chúng ta đang rất lúng túng và bế tắc. Họ đã như thế thì người dân thường làm sao có thể hiểu và tin được về kinh tế thị trường định hướng XHCN? Cuộc thử nghiệm của mấy ông ný nuận tào nao còn kéo dài đến bao giờ?
----------------------