Theo ANHBASAM
Theo
Mỹ mất Đảng; theo Tàu mất nước. Câu
nói phổ biến này ở Việt Nam
đã cô đọng lại nan đề địa chính trị mà Đảng Cộng sản đang phải đối mặt. Bốn
mươi năm sau khi những người lính Mỹ cuối cùng rời khỏi Việt Nam , cái Đảng
đã giành được độc lập và thống nhất cho đất nước đang mất đi phần lớn tính
chính danh của mình. Dường như có quay ra đề cao đạo đức của Hồ Chí Minh và các
đồng chí của ông đến mấy cũng không thể khôi phục lại lòng nhiệt huyết của Đảng
cũng như loại bỏ được nạn tham nhũng đã bắt rễ tràn lan trong guồng máy. Trách
nhiệm lớn nhất của chế độ là đã thất bại trong việc chỉnh đốn nền kinh tế sút
kém. Nhưng ngoài ra, dư luận cũng xem thường sự bất lực của Đảng trong việc bảo
vệ các lợi ích của Việt Nam
trước Trung Quốc.
Theo cách nhìn nhận của những
người dân thường ở Hà Nội hoặc TP Hồ Chí Minh, Bắc Kinh đã rũ bỏ vỏ bọc “trỗi
dậy hòa bình” và quay lại với vai trò lịch sử của mình là kẻ côn đồ trong khu vực. Tuyên bố nực cười của họ đối với tài
nguyên khoáng sản biển trên toàn bộ biển Đông chỉ là một ví dụ nổi trội nhất.
Việc Trung Quốc xây dựng một chuỗi các con đập trên thượng nguồn sông Mê Kông ở
tỉnh Vân Nam và hậu thuẫn cho kế hoạch xây dựng thêm mười một con đập phía hạ
lưu ở Lào đe dọa làm mất đi đợt lũ lụt hàng năm vốn mang lại sự màu mỡ cho vùng
đồng bằng sông Cửu Long. Các doanh nghiệp Trung Quốc cũng đang săn đón các
nguồn tài nguyên khoáng sản và lâm sản của Lào, thách thức quyền bá chủ của
Việt Nam
ngay tại sân sau của họ. Còn ở ngay tại Việt Nam , sự gia tăng đầu tư của các
công ty kỹ thuật, xây dựng và khai thác mỏ Trung Quốc — đáng chú ý nhất là dự
án bauxite nhiều tỷ đô la của Chinalco ở Tây Nguyên — đã thu hút sự chỉ trích
nặng nề. Hàng hóa giá rẻ và thường là kém chất lượng của Trung Quốc đã tràn
ngập thị trường Việt Nam ,
đè bẹp các nhà sản xuất nội địa.
Những người dân thường ở Việt Nam muốn trả
đũa. Họ không nghĩ đến việc lực lượng vũ trang của Việt Nam không sánh được với Trung Quốc hay Việt Nam rất dễ bị
tổn hại trước các cuộc trả đũa kinh tế. Các nhà phân tích phương Tây thường lý
giải “sự lấn lướt” của Trung Quốc bắt nguồn từ sự trỗi dậy mạnh mẽ của chủ
nghĩa dân tộc trong dân chúng và sự tận tụy thái quá của các cơ quan an ninh
Trung Quốc. Thế nhưng đối với những người dân Việt Nam bình thường thì rõ ràng là sự
gây hấn của Trung Quốc có sự điều phối từ Bắc Kinh. Điều đó không có gì mới:
chủ đề lớn xuyên suốt lịch sử đất nước này, điều mà mọi người đều được học ở
trường, là sự chống trả ngoan cường và cuối cùng giành thắng lợi trước những kẻ
xâm lược. Và hầu hết các đạo quân tràn qua biên giới Việt Nam trong 2.000
năm qua đều là quân Trung Quốc. Chẳng có lý gì để tin rằng lần này sẽ khác.
Quan hệ đối tác gai góc
Việt Nam và Trung
Quốc có chung 1.350 km đường biên giới và nhiều thứ khác. Cả hai nước đều là
những nước theo chế độ cộng sản kiểu Lenin với một nền văn hóa chính trị được
định hình bởi các khái niệm tân Nho giáo về hệ thống thứ bậc sắp xếp theo tài
năng và các mối quan hệ xã hội. Đảng cộng sản cầm quyền ở mỗi nước đã trụ lại
được bằng cách rũ bỏ nền kinh tế kiểu Mác-xít trong khi vẫn dung dưỡng một bộ
máy an ninh nhà nước rộng khắp. “Nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ
nghĩa” của họ cho phép các thị trường tự do, năng động cùng tồn tại với hàng
ngàn doanh nghiệp nhà nước, trong đó doanh nghiệp nhà nước thống trị lĩnh vực
công nghiệp nặng. Cả Bắc Kinh lẫn Hà Nội đều đang bị công kích không ngớt bởi
những lời chỉ trích mạnh bạo của những người bất đồng chính kiến trên mạng
Internet. Những yếu tố văn hóa và chính trị chung này là nền tảng cho một mạng
lưới các mối quan hệ tham vấn giữa hai Đảng và hai Nhà nước nhằm vào việc duy
trì sự hợp tác giữa hai chế độ.
Tuy nhiên, quan hệ song phương
thường là gai góc. Sự chênh lệch quá lớn về tầm quan trọng về địa chính trị và
kinh tế giữa Trung Quốc và Việt Nam
nói lên một điều rằng mối quan hệ này về cơ bản là không bình đẳng. Họa hoằn có
khi nào đó người Trung Quốc chú ý đến Việt Nam , thì họ thường chỉ coi đó như
là một tỉnh lị ngang ngạnh mà bằng cách nào đó đã vuột khỏi tầm tay của mình.
Ngược lại, 90 triệu dân Việt Nam luôn thường trực thái độ dè chừng trước những
người hàng xóm phương bắc, vốn đông hơn họ gấp 15 lần và có nền kinh tế lớn gấp
50 lần. Tuy nhiên, Việt Nam
sẽ không cúi đầu khuất phục Bắc Kinh khi sự toàn vẹn lãnh thổ bị đe dọa. Ngoại
trừ Hồ Chí Minh, những vị anh hùng vĩ đại nhất của họ đều là những viên tướng
đã làm quân xâm lược Trung Quốc từ triều đại này đến triều đại khác phải thoái
lui. Gần đây nhất là năm 1979, khoảng 20.000 binh sĩ Trung Quốc đã phải thiệt
mạng khi Đặng Tiểu Bình tìm cách “dạy cho Việt Nam một bài học” vì đã cả gan
lật đổ chế độ Pol Pot do Bắc Kinh bảo trợ ở Campuchia và trở thành đồng minh
của Liên Xô.
Vào giữa thập niên 1990, quan
hệ Trung Quốc và Việt Nam
đã trở lại êm dịu hơn. Cả hai nước đều bận rộn với cải cách kinh tế trong nước,
Liên Xô đã giải thể, và Trung Quốc thì quảng bá việc “trỗi dậy hòa bình” của họ
với Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN), giờ đây bao gồm cả thành viên mới là
Việt Nam. Thương mại song phương dần mở rộng, hai nước thảo luận về việc nâng
cấp các “hành lang thương mại” từ vùng tây nam Trung Quốc không tiếp giáp biển
tới các cảng biển của Việt Nam ,
và đàm phán về việc phân định biên giới trên đất liền. Thậm chí những tuyên bố
xung khắc về quyền sở hữu các rặng san hô, bãi đá và bãi ngầm ở biển Đông dường
như đang được xử lý một cách hài hòa, nếu không nói là gần đạt tới giải pháp
cuối cùng.
Tuy nhiên, mọi thứ đã thay đổi
trong năm 2009. Dù là do tính toán hay sự cố ngoại giao, Trung Quốc không còn
bằng lòng với việc gác lại các yêu sách chồng lấn. Tháng 5 năm đó, Trung Quốc
đã đưa ra trước Liên Hiệp Quốc một tấm bản đồ mập mờ tuyên bố “chủ quyền không
thể tranh cãi” đối với trên 80% diện tích biển Đông. Sau đó căng thẳng leo thang
nhanh chóng, thách thức mức độ gắn kết của ASEAN, và lôi kéo các nước ngoài khu
vực – gồm cả Hoa Kỳ — vào cuộc. Việt Nam và Philippines phải gánh chịu phần lớn
áp lực từ bước tiến này của Trung Quốc muốn ngụy tạo các “bằng chứng” mà, cho
dù không phù hợp với luật pháp quốc tế, rất khó để bác bỏ. Tinh thần dân tộc
chủ nghĩa đang sục sôi ở cả ba nước, đe doạ gây ra xung đột vũ trang trên biển.
Chính sách phục tùng trước Trung Quốc của Hà Nội bị phá sản.
Nhiều nhân sĩ, trí thức ngoài
Đảng, cũng như một số bên trong Đảng, tin rằng giải pháp là tìm kiếm một liên
minh kinh tế và quân sự trên thực tế (de facto) với Mỹ. Tuy nhiên, những thành
viên cao cấp trong Đảng còn rất hoài nghi về ý định của Mỹ, họ vẫn tự coi mình
như còn bị trói chặt trong cuộc xung đột một mất một còn với chủ nghĩa tự do,
chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa đế quốc phương Tây. Họ chỉ miễn cưỡng thực hiện
những cải cách nhắm tới việc xây dựng khả năng cạnh tranh kinh tế toàn cầu của
đất nước và lôi kéo Hoa Kỳ vào làm đối trọng lại với Trung Quốc. Nhóm “bảo thủ”
trong Đảng ngậm miệng trước các đòi hỏi của Hoa Kỳ muốn Việt Nam tôn trọng các quyền tự do dân chủ, vì sợ
rằng mục tiêu thực sự của Washington
là lật đổ chế độ cộng sản. Bất chấp tất cả những xích mích gần đây, họ vẫn
không tin rằng các nhà lãnh đạo Trung Quốc sẽ phản bội lại một đảng cộng sản
cầm quyền rất giống với chính Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Vẫn đang trông ngóng miếng
bánh từ trên trời rơi xuống
Thật ra, hiện nay Trung Quốc
chẳng mấy quan tâm tới việc giúp các anh bạn cộng sản bám lấy quyền lực so với
việc khai thác tài nguyên trong khu vực và vươn vòi bạch tuộc kinh tế ra xa.
Với nguồn tín dụng xuất khẩu dồi dào và khả năng vay vốn ưu đãi từ các ngân
hàng nhà nước, các công ty Trung Quốc đã trở thành những đối thủ đáng gờm trong
việc phát triển cơ sở hạ tầng tại Việt Nam, đặc biệt là xây dựng các nhà máy
nhiệt điện. Nói chung, các công ty Trung Quốc không chèn ép các nhà thầu Việt
Nam, mà thay vào đó họ giật lấy các hợp đồng từ tay các đối thủ cạnh tranh từ
Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa Kỳ hoặc châu Âu bằng cách chào thầu với giá thấp. Thế
nhưng các nhà phê bình cáo buộc các doanh nghiệp Trung Quốc về việc sử dụng lao
động đồng hương, hoàn thành công việc với chất lượng thấp, thường xuyên chậm
tiến độ và vượt dự toán tổng kinh phí. Phe diều hâu ở Việt Nam còn khẳng
định thêm rằng sự phụ thuộc vào các nhà thầu Trung Quốc trong các lĩnh vực
chiến lược như năng lượng sẽ gây nguy hại đến an ninh quốc gia.
Một chủ đề tranh cãi khác là
thâm hụt thương mại tăng cao của Việt Nam với Trung Quốc, đối tác thương
mại lớn nhất của họ mà nhà kinh tế Trần Văn Thọ gọi là “cơn sóng thần công
nghiệp”. Cán cân thương mại của Việt Nam với các nước ASEAN khác và với Nhật
Bản là tương đối cân bằng, và có thặng dư lớn với Liên minh châu Âu và Mỹ.
Nhưng với Trung Quốc lại bị thâm hụt 16,4 tỷ USD vào năm 2012, giúp cho Trung
Quốc có thặng dư thương mại song phương là 40%. Phần lớn hàng xuất khẩu của
Trung Quốc đều ở dạng bán thành phẩm để gia công tiếp trong các nhà máy chế
biến xuất khẩu của Việt Nam :
vải vóc, khóa kéo, khuy, dây điện, bảng mạch và đủ loại vật tư khác. Nhưng
Trung Quốc cũng cung cấp các loại máy móc thiết bị để trang bị cho các nhà máy
và xây dựng cơ sở hạ tầng của Việt Nam . Cấu phần thứ ba và rất dễ thấy
là hàng tiêu dùng, được bán với giá rẻ hơn các đối thủ nội địa. Báo chí Việt
Nam thường xuyên đăng các bài cáo buộc Trung Quốc tuồn hàng độc hại hoặc chất
lượng kém vào Việt Nam, còn bất cứ động thái khiêu khích nào của Bắc Kinh ở
biển Đông cũng lập tức dẫn đến việc kêu gọi tẩy chay hàng hóa Trung Quốc.
Lẽ ra mọi việc phải diễn ra
theo chiều hướng khác. Theo dự đoán của các nhà kinh tế, tới lúc này đáng ra
Việt Nam
đã phải giành trọn miếng bánh khỏi tay Quảng Đông. Với chi phí lao động thấp
hơn đáng kể, Việt Nam
là một lựa chọn hợp lý cho các nhà máy từ trung tâm chế xuất của Trung Quốc khi
cần di dời tới nơi rẻ hơn. Các ngành công nghiệp may mặc và giày dép cần nhiều
lao động từ lâu đã chiếm khoảng 20% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam; các ngành
này đã có được bước khởi đầu trong thâp niên 1990 khi hàng may mặc và giày dép
xuất khẩu của Trung Quốc bị EU và Mỹ áp hạn ngạch. Tuy nhiên, năng suất lao
động vẫn còn thấp, tiền lương thực tế tăng ở mức 10% một năm trong giai đoạn
2006-11, và Việt Nam nhìn chung là đã thất bại trong việc thu hút các nhà sản
xuất vốn dĩ đóng cơ sở tại Trung Quốc. Do chi phí lao động tiếp tục tăng ở cả
Trung Quốc lẫn Việt Nam , các
nhà máy đang chuyển sang Campuchia , Bangladesh , hay thậm chí Myanmar thay vì Việt Nam .
Tình hình kinh tế Việt Nam không phải
là hoàn toàn xấu. Cùng với việc kinh tế toàn cầu dần phục hồi, khu vực đầu tư
nước ngoài của Việt Nam
lại đi lên một lần nữa. Thay vì chuyển nhà máy khỏi Trung Quốc, một số công ty
đa quốc gia và các nhà thầu của họ đã đa dạng hóa bộ phận sản xuất bằng cách mở
thêm các nhà xưởng tại Việt Nam .
Theo những chứng cứ chưa đầy đủ hiện có, dường như đang hình thành một xu hướng
đầu tư rõ rệt vào các dự án có chất lượng cao hơn mà có thể được hưởng lợi từ
các ưu đãi thuế hào phóng. Các hãng thiết lập hoặc mở rộng nhà máy lắp ráp bao
gồm những cái tên nổi tiếng như Canon, Samsung, Intel và IBM, Hitachi , Panasonic và Nokia. Tuy nhiên, gần
như tất cả các vật tư đầu vào để sản xuất hàng xuất khẩu của Việt Nam đều là nhập
khẩu, một phần từ Trung Quốc. Những gì được thêm vào ở Việt Nam chủ yếu chỉ
là sức lao động chân tay – điều Trung Quốc có thể làm hiệu quả hơn và trên một
quy mô lớn hơn nhiều.
Sai lầm chiến lược toàn diện
Năm 2008, khép lại một giai
đoạn nồng ấm trong quan hệ song phương, hai tổng bí thư Hồ Cẩm Đào và Nông Đức
Mạnh tuyên bố xây dựng một “quan hệ hợp tác chiến lược toàn diện”. Và nếu Trung
Quốc thực sự quan tâm đến việc vun vén một mối quan hệ đặc biệt với chế độ cộng
sản duy nhất khác trên thế giới theo đuổi “kinh tế thị trường định hướng xã hội
chủ nghĩa” — và qua đó củng cố ảnh hưởng ngoại giao ở Đông Nam Á — thì Bắc Kinh
hoàn toàn có khả năng giúp đỡ. Mặc dù các nhà cầm quyền Việt Nam thừa nhận
không lo lắng về sự mất cân bằng thương mại song phương, đó vẫn là một trách
nhiệm chính trị kinh niên. Trung Quốc nhập khẩu lượng lớn cao su, than, dầu,
gỗ, nông sản, và thậm chí các loài động vật đang bị đe dọa tuyệt chủng, nhưng
lại chẳng màng tới hàng công nghiệp của Việt Nam . Một động thái thân thiện như
gia tăng nhập khẩu hàng công nghiệp sẽ không gây tốn kém nhiều cho Trung Quốc,
mà lại là tin rất tốt lành cho Hà Nội. Trên hết, một đề nghị chân thành về việc
cùng khai thác tài nguyên khoáng sản và cùng quản lý nguồn hải sản trong khu
vực tranh chấp song phương ở biển Đông có thể trở thành một bước đi làm thay
đổi cục diện – cho quan hệ của nước này với Việt Nam và cả với ASEAN.
Tuy nhiên, thực tế là quan hệ
giữa Bắc Kinh và Hà Nội đã trở nên bất ổn một cách nguy hiểm kể từ thỏa thuận
năm 2008. Sức ép của Trung Quốc về các vấn đề chính trị và chiến lược đã o bế
các nhà lãnh đạo Việt Nam
có lẽ đến mức đe dọa sự sống còn của họ. Chế độ Bắc Kinh đã tăng cường được vị
thế của mình trước những người theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan tại Trung Quốc
bằng cách phô trương sức mạnh của họ ở biển Đông. Trong khi đó những nỗ lực
kháng cự lại một cách thiếu hiệu quả của Hà Nội trước các hành động khiêu khích
của Trung Quốc đã dần làm xói mòn vị thế của nhà cầm quyền Hà Nội trước công
chúng Việt Nam. Ngoại trừ xung đột vũ trang, rất khó hình dung ra Trung Quốc
còn có thể làm điều gì nữa để đẩy nhanh sự thất bại của những người lẽ ra đã
vừa là bạn bè, vừa là đồng minh về mặt ý thức hệ của họ ở Việt Nam . Rất có
thể, nếu các lãnh đạo Việt Nam hiện nay mất vị trí của mình, lớp lãnh đạo thay
thế họ sẽ tìm cách hâm nóng quan hệ với Hoa Kỳ – một kết cục thất bại hoàn toàn
do Trung Quốc tự chuốc lấy.
Đáng lo ngại hơn, một cuộc
xung đột vũ trang không phải là điều viễn tưởng. Trung Quốc có hỏa lực áp đảo
so với Việt Nam ,
nhưng Hà Nội đang nhanh chóng gia tăng khả năng răn đe trên không và trên biển.
Nếu bị dồn vào chân tường, lịch sử cho thấy rằng người Việt Nam sẽ đánh
trả. Một tính toán sai lầm của bên này hay bên kia đều có thể dẫn đến đụng độ
vũ trang. Nó sẽ diễn ra gay gắt và đẫm máu, với những hậu quả không thể lường
trước. Trung Quốc có thể tiếp tục thủ vai kẻ bắt nạt – nhưng cũng có nghĩa họ
đang tiếp tục đùa với lửa.
Tác giả: David Brown
Người dịch: Huỳnh Phan, THA
Hiệu đính: David Brown, THA
06-07-2013
David
Brown là một nhà báo tự do đã từng sống ở cả miền Nam và Bắc Việt Nam, từng là
nhà ngoại giao Mỹ (từ thời chế độ Sài Gòn), và trong những năm gần đây đã quản
lý dự án bảo tồn môi trường, biên tập báo chí và dạy học ở Việt Nam . Hiện nay
ông Brown đang sinh sống ở California, Hoa Kỳ.
Bài viết này được đăng tải
lần đầu tiên trên số tháng 6, 2013 của tạp chí điện tử China Economic
Quarterly, do công ty Gavekal Dragonomics (Hương Cảng) xuất bản.
(Tựa đề do TSYG đặt)
Khi băn khoăn: Đi với Mỹ e mất Đảng, đi với Tàu e mất nước, sao người ta lại không chịu nghĩ sâu hơn nhỉ: Một khi nước đã mất thì liệu Đảng có tồn tại được không, hay nó sẽ bị tan biến vào trong Đảng của Tàu?! Càng nực cười mấy anh "còn Đảng còn mình"; đúng là có thể "còn mình", nhưng vấn đề là ở chỗ: "mình" nào, tổ tiên ông bà cha mẹ có còn nhìn ra cái "mình" đó hay không?!!!
Trả lờiXóaCám ơn người viết, người dịch đã cung cấp một cái nhìn hết sức tỉnh táo, sáng suốt; cám ơn TSYG đã giúp tiếp cận bài viết.
Khi băn khoăn "Đi với Mỹ mất Đảng, đi với Tàu mất nước", sao người ta không chịu nghĩ sâu hơn: Nước mất thì liệu Đảng có còn không, hay sẽ tan biến vào một đảng nào khác, và cái đảng đó, thực chất của nó là gì, "lý tưởng" của nó là gì nếu không phải là hiện thưc hóa giấc mơ Tranh bá đồ vương?! Liệu khi đó có "còn Đảng còn mình" được không?!!!
Trả lờiXóaRất cám ơn tác giả, người dịch và TSYG về bài viết này.