Thứ Sáu, 18 tháng 5, 2012

Cảnh giác với hải sản mới “ngất” (mới chết)

Theo Sức khỏe và Đời sống

Đang “giằng xé” tâm trạng có nên mua cho con trai con cua thịt vì lâu cu cậu không được ăn nhưng giá đắt đỏ (450.000 đồng/kg kể cả dây buộc), chị Hạnh Vy (Trương Định, Hà Nội) được người bán hàng giới thiệu con cua vừa “ngất” giá rất mềm, chỉ 200 ngàn/kg.
Hấp dẫn vì giá rẻ
Không biết cua mới “ngất” là như thế nào, chị thật thà hỏi lại thì được người bán hàng cho biết, cua, ghẹ mới “ngất” tức là vừa mới chết, vẫn còn tươi mới. Về hấp luôn, ăn vẫn ngon như thường. “Mà đây là hàng mới, vận chuyển không cẩn thận nên nó bị chèn, yếu, vừa mới ngất thôi. Có phải có nhiều gì đâu, thỉnh thoảng lắm mới có con ngất, ai may gặp mới mua được”, người bán hàng “bồi” thêm để kíchkhách hàng.
Tin lời người bán hàng, chị Vy bỏ 200 ngàn đồng mua con cua nhìn rất ngon mắt, khấp khởi mừng vì mua được rẻ mà con cua cỡ cũng gần 1kg kể cả dây. Về nhà, chị hấp và bóc hai càng cua cho con để tủ lạnh mai nấu cháo. Còn phần thân, mai và càng nhỏ hai vợ chồng cùng ăn.
“Sau ăn nửa tiếng, mình cứ thấy quặn quặn bụng, đau đến vã mồi hôi rồi đi ngoài. Hỏi ông xã liệu có phải do cua, thì lúc này, ông xã vẫn ổn, chưa vấn đề gì nên mình chắc mẩm tại gió máy. Không ngờ, 1 tiếng sau, ông xã mình cũng đau quặn bụng. Có mỗi cái toilet hai người luôn phiên chiếm giữ. Sau cả hai vợ chồng đau tái mặt, 9h tối vội gửi con cho hàng xóm bắt taxi vào Trung tâm chống độc (BV Bạch Mai) khám và buộc phải nhập viện để truyền nước, điều trị vì ngộ độc thực phẩm.
Khi mua hải sản cần chọn hải sản tươi sống và cần chế biến chín kỹ trước khi ăn.
“Vào đây mới biết, những người ngờ nghệch như mình, tiếc một chút tiền mua hải sản mới “ngất” không phải là hiếm. Các bác sĩ nói năm nào vào mùa hè cũng gặp các bệnh nhân tương tự. Người thì đi du lịch gọi hải sản không kiểm tra nên hải sản vừa ngất nhà hàng vẫn bán cho khách. Có người vì tiếc tiền mua hải sản ngất về ăn. Dại dột quá, tiền viện phí quá tội, đủ mua vài cân cua ghẹ cho con. May nhất là cu cậu chưa kịp ăn, chứ con ăn rồi không biết thế nào nữa”, chị Vy kể.
Không chỉ cua nghẹ “ngất” mới hấp dẫn người tiêu dùng, mà các loại cá mới “ngã” (chỉ cá vừa chết) như cá quả, cá điêu hồng cũng hấp dẫn người mua bởi giá thành rẻ bằng một nửa so với giá cũ. Tại chợ Đông Tác (Kim Liên), phóng viên tận mắt chứng kiến một chủ buôn hải sản gọi điện cho các chủ quầy khác huy động 10 con cá điêu hồng mới ngất để bán cho khách hàng,
Dễ gây ngộ độc
BS Nguyễn Trung Nguyên, Trung tâm chống độc, BV Bạch Mai, giải thích, trong các loại hải sản đều tồn tại loại vi khuẩn đặc biệt có khả năng gây bệnh tiêu chảy. Vi khuẩn này sẽ sinh sôi nhanh chóng trong hải sản vừa bắt lên và càng tăng lên nếu để lâu chưa chế biến, ở hải sản đã chết (không còn tươi, hải sản đông lạnh, hải sản khô) vi khuẩn này tăng hoạt động, sản sinh ra một chất có tên là histamin, nói cách khác thịt hải sản bị biến chất do vi khuẩn thành một chất độc. Khi vi khuẩn sinh sôi nảy nở thì lượng histamin cũng tăng lên và tích luỹ trong thịt hải sản. Chất này không bị phân huỷ khi chúng ta đun nấu bằng mọi cách. Khi hải sản có nhiều histamin được ăn vào, chất này được hấp thu nhanh vào trong máu và gây các biểu hiện dị ứng (bản chất không phải là dị ứng mà là ngộ độc).
Biểu hiện ngộ độc là đỏ da, ngứa chủ yếu phần nửa trên của cơ thể, bao gồm đầu mặt cổ, ngực và tay, có thể có khó thở và tụt huyết áp, nôn, đau bụng. Nếu xét nghiệm mẫu hải sản đã ăn sẽ thấy lượng histamin trong đó rất cao.
Trên thực tế, tại Trung tâm chống độc năm nào cũng tiếp nhận nhiều ca bệnh vì ăn hải sản sống, tái. Theo tổng kết của Trung tâm trong năm 2003, thì loại vi khuẩn có trong hải sản này là loại vi khuẩn đứng đầu bảng gây nên các ca ngộ độc thực phẩm phải nhập viện điều trị vì ngộ độc. Vì thế, sau ăn hải sản mà có hiện tượng đau bụng, nôn, tiêu chảy thì chắc chắn đã bị nhiễm vi khuẩn này. “Một điều may mắn là vi khuẩn này chỉ sống trên môi trường hải sản, gây bệnh cho người ăn phải nó rồi chế, chứ không lây từ người này sang người kia như các vi khuẩn gây bệnh đường ruột khác”, BS Nguyên nói.
TS. BS Bế Hồng Thu, Phó giám đốc TT chống độc, cho biết, ngộ độc trong những ngày hè chủ yếu do ăn phải thức ăn nhiễm khuẩn, trong đó các thực phẩm dễ bị nhiễm khuẩn là các thực phẩm có nhiều dầu, đạm, thực phẩm có nguồn gốc từ động vật như thịt, cá, sữa, hải sản…
“Bị ngộ độc thực phẩm không chỉ đơn giản là nôn, đi ngoài mà tình trạng nôn, đi ngoài liên tục khiến người bệnh bị tụt huyếp áp, làm mất nước, mất muối, gây nhiễm trùng, làm người bệnh đau đớn, khó chịu và nguy hiểm đến tính mạng. Vì thế, có dấu hiệu ngộ độc thực phẩm không nên chủ quan mà cần phải đi viện sớm. Riêng với các loại hải sản, tuyệt đối không nên ăn các loại hản sản bị ươn, chết, có mùi khác lạ”, BS Nguyên cảnh báo.
Theo Hồng Hải

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét