Chân lý ở nơi này hay ở nơi kia
Giống nhau hai giọt nước
Không thể nhân danh ai mặc định
Điều này…
TSYG xin trân trọng giới thiệu với bà con chùm thơ chưa in, gửi gắm nhiều suy tư của nhà thơ Lương Định.
LỜI NGƯỜI CHA LŨNG NÚI
Con ơi con
Làm con trai Lũng Núi
Khi đi rừng
Nhớ mang theo dao
Lối trong rừng chưa ai mở sẵn
Bằng con dao sắc của mình con tự mở lối đi
Thay lời ru bao đời trong kinh kệ
Cha ru con bằng bài hát người Tày
Mở ra một con đường vực đá chênh vênh
Con ơi con chớ vội giật mình
Hãy lên đường bằng đôi chân đạp xô đá núi
Đừng ngồi trên mình ngựa
Dong dong theo lối mòn
Cha không thích những bài ca xưa cũ
Nghe họa mi hót mãi cũng nhàm
Nhìn con nhện giăng tơ sẽ làm con rối mắt
Bỏ con dao vào bao
Nhớ mài thật sắc
Khi cần rút ra tự mở một con đường.
1984
GIÀ Y K'RANG
Những nếp nhăn trên gương mặt già Y K’Rang
Sự tồn tại dai dẳng của ký ức
Chuỗi ký ức buồn, vui già đã muốn đem chon
Nhưng nó luôn sống dậy
Ký ức chồng chất
Ký ức trĩu nặng
Chồng chất thời gian
Trĩu nặng thời gian
Già không nhớ nổi tuổi mình
Bấm đốt ngón tay đã ngoài trăm mùa rẫy
Không nhớ hết mùa no
Nhưng nhớ hoài mùa đói
Dân bon Pi Nao ai mất ai còn
Gìa nhớ từng gương mặt
Những lễ hội đâm trâu tạ ơn trời đất
Gìa nhớ mãi cái thời trắng đêm múa hát
Trắng đêm thổi kèn M’Buăt , sáo N’hôm cho người con gái M’Nông theo về làm vợ sinh con
Tiếng sáo Ta rah rling* rộn ràng như chim hót
Nau chă nghêt ** vui lời mời uống rượu
Nau tăp rưng phan *** da diết nỗi buồn
Ký ức ùa về lồng lộng gió cao nguyên
Già Y K'rang buồn bã và bất lực
trước "Tiếng nói khác và lòng người cũng khác"
Chiều nay già ngồi lặng
Ngắm le lói hoàng hôn
Đôi mắt đầy âu lo thảng thốt
Bao cánh rừng đại ngàn thẳm xanh ngày xưa giờ biến mất
Những đêm trăng con mễn con nai không về tác
Có con suối đã chết
Có dòng sông đang chết
Cây K’nia và chim Ch’rao chỉ còn trong câu hát…
Trên cao nguyên M’Nông khô khát
Người tứ xứ tụ về đông không đếm hết
Tiếng nói khác
Lòng người cũng khác
Khắp cao nguyên M,Nông xám màu bô- xít
Ơi cao nguyên rồi sẽ ra sao?
Ơi Pi Nao rồi sẽ ra sao? Gìa lặng lẽ thổi kèn M’buăt, sáo N’ hôm
Cho vợi đi nỗi niềm…
Đắc Nông những ngày tháng 5/2012.
*- ** - *** là tên các loại sáo M’Nông
MỘT LẦN TRƯỚC MỘ NGUYỄN DU
(Thăm khu tưởng niệm đại thi hào Nguyễn Du)
***
Thời gian phủ bụi cuộc đời
Ba trăm năm nữa ai người tới đây
Có còn nguyên những hàng cây?
Có còn nguyên nữa tường này, nhà kia?
Có còn nguyên nữa tượng bia?
Có bao người khóc sẻ chia kiếp người?
Tiên Điền đêm sắp xuống rồi
Tâm nhang một nén khấn Người rồi xa
Một lần thỏa một đời ta
Bỗng như linh nghiệm sáng lòa ý thơ
Đêm Kiều ẩn, hiện trong mơ
Chợt đâu xa vẳng tiếng tơ nguyệt cầm
Nàng về từ cõi xa xăm
Đàn than oán mấy trăm năm xé lòng
Trời như chớp biển, mưa going
Sông Lam nổi sóng oằn dòng trong đêm
Mấy ai thấu nổi nỗi niềm
Ba trăm năm, sóng cuồng điên bao lần?
Phận Kiều chịu kiếp đa truân
Phận ta chịu kiếp phong trần lãng du…
Một lần trước mộ Nguyễn Du
Thấy ta hạt bụi đến từ hư không.
* Làng Tiên Điền 23/7 – Sài Gòn 29/7/2011
NGHE NHẠC TRỊNH NGÀY MƯA
(Tưởng nhớ cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn)
Sài Gòn rây rắc bụi mưa
Trời hiu hiu gió cho vừa lạnh se
Cô đơn nhạc Trịnh lặng nghe
Đi về một cõi suối khe cội nguồn
Đêm mơ thác đổ mưa tuôn
Vô thường một đóa hoa buồn ướt mi
Nhẹ tênh cánh hạc mang đi
Đời trần quán trọ có gì đâu em
Bốn mùa anh mãi gọi tên
Chợt vui nhớ, chợt buồn quên ngậm ngùi
Một đời hiếm khúc nhạc vui
Tự ru mình
với ru người...
ngàn năm.
(Bài thơ có sử dụng một số ca từ trong các ca khúc của cố NS Trịnh Công Sơn).
GÕ CỬA THIỀN
Lòng chưa sáng
Còn rối bời trắc ẩn
Trí u mê chưa thức ngộ cõi Thiền
Làm sao ta gõ cửa?
Đêm giông bão mịt mù
Chòng chành con thuyền mỏng
Nhận đường đi trí, tim mình mách bảo
Bờ bãi là đâu?
Chân lý
Kiếm tìm…
Chân lý ở nơi này hay ở nơi kia
Giống nhau hai giọt nước
Không thể nhân danh ai mặc định
Điều này…
Gõ cửa Thiền
Tìm chân lý sống
Dễ gì ta ngộ được
Dễ gì ta thanh thản
Nhưng không gõ thì làm sao cửa mở
Không thương người, sao được người yêu?
Không rộng lòng cho, sao nhận về hạnh phúc?
Đến với Thiền buông xả hết ưu tư…
An nhiên bước qua bao điều khổ nạn
Nhẹ tênh đời
Trên đôi cánh vô vi…
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét