Thứ Tư, 24 tháng 7, 2013

NHÂN MỘT NĂM NỖI ĐAU 'TAM SA' , 24-7-2012!


Ngày 24-7-2012, Trung Quốc chính thức thành lập cái gọi là “thành phố Tam Sa”, đến hôm nay là tròn 1 năm. Đó là một nỗi đau, chồng chất thêm sau bao nhiêu nỗi đau khác do Bắc Kinh gây ra trong lòng mỗi người dân Việt, chưa biết khi nào mới bình thường trở lại.
Ai cũng nhận thấy rằng Bắc Kinh đã và đang dùng đủ mọi phương cách, kể cả những chiêu hèn hạ và bẩn thỉu nhất để “khẳng định chủ quyền thực tế” đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, nhắm tới mục đích cuối cùng là thôn tính toàn bộ Biển Đông của Việt Nam.
Rất nhiều người dân Việt Nam vô cùng bức xúc trước hiểm họa giặc Tàu chiếm trọn Biển Đông, và vô vàn hiểm họa khác từ phương Bắc.
Điều hết sức lạ lùng là chưa bao giờ thấy giới chức có trách nhiệm lên tiếng một cách chính thức, đòi Trung Quốc phải trao trả quần đảo Hoàng Sa và một phần quần đảo Trường Sa mà Bắc Kinh đang chiếm giữ trái phép, về cho Việt Nam.
Lâu nay chỉ nghe người phát ngôn Bộ Ngoại giao VN lặp đi lặp lại không biết bao nhiêu lần “Việt Nam có đầy đủ chứng cứ pháp lý và lịch sử để khẳng định chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa”.
Quần đảo Hoàng Sa bị Trung Quốc đánh chiếm đến nay đã 39 năm, một thời gian quá dài. Nếu đã có “đầy đủ chứng cứ” thì sao không tiến hành các động thái thiết thực và cụ thể, mềm dẻo và kiên quyết để chính thức đòi lại chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, mà chỉ nói, nói và nói?
Những lời nói cho có, nói lấy lệ kiểu như thế chẳng khác nào sự im lặng cúi đầu, mặc cho Bắc Kinh muốn làm gì thì làm trên Biển Đông.
Im lặng càng lâu thì cơ hội để đòi lại chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và một phần quần đảo Trường Sa càng xa vời.
Nếu Việt Nam không bao giờ đòi lại được chủ quyền đối với hai quần đảo này từ tay Trung Quốc, thì những ai sẽ phải chịu cái tội tày đình này trước lịch sử?

Thứ Ba, 23 tháng 7, 2013

Một năm ‘Tam Sa’, TQ liên tục hành động phi pháp

Báo Inquirer, Philippines mới đăng tải bài viết “24/7 - ngày đen tối trong lịch sử Philippines”, nhắc tới việc năm ngoái Trung Quốc tuyên bố thành lập cái gọi là "thành phố Tam Sa" phi lý và phi pháp hòng "quản lý" gần như toàn bộ Biển Đông.


Nháy mắt mọc ra "thành phố"
Cái gọi là Tam Sa trên đảo Vĩnh Hưng (tức đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam), cách đất liền Trung Quốc tới 350km được Bắc Kinh rốt ráo xúc tiến thành lập cuối tháng 6 năm ngoái. Đây là thành phố thứ 658 theo phân loại của Trung Quốc, có 45 quan chức chính quyền để điều hành, có thị trưởng và bí thư thành ủy tên là Phù Tráng - phó tham mưu trưởng quân khu tỉnh Hải Nam. Từ Tam Sa, Trung Quốc muốn quản lý hầu như toàn bộ Biển Đông, bao gồm cả quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. 
Trung Quốc, Tam Sa, phi pháp, Biển Đông
Trung Quốc ngang nhiên đưa khách du lịch ra đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.Ảnh: Chinadaily
  

Thay cho cuộc xung đột nặng nề, từng chút, từng chút một, Trung Quốc toan tính đưa nguồn lực của họ vào việc xây dựng, tạo lập sự hiện diện ở những hòn đảo nhỏ, vắng vẻ hay thậm chí không có người ở. Ngay sau khi xúc tiến lập thành phố phi pháp này, Trung Quốc lại nhanh chóng thông báo kế hoạch lập đơn vị đồn trú mà họ gọi là để bảo vệ một "thành phố" trước đó chưa từng tồn tại.

Giới phân tích quân sự chỉ ra rằng, lập thành phố mới là dấu hiệu đáng lo ngại của sự quả quyết ngày càng lớn mà Trung Quốc áp dụng trong tranh chấp chủ quyền với khu vực. Người Trung Quốc còn được vỗ về với những kế hoạch phát triển du lịch biển của chính quyền. Quan chức Trung Quốc từng không ngại ngần tán dương quần đảo Hoàng Sa (mà họ gọi là Tây Sa) sánh ngang vẻ đẹp của những bãi biển Thái Lan và hứa hẹn sẽ mở các tuyến du lịch, triển khai những du thuyền xa hoa tới nơi đây.

Và Trung Quốc đã lên kế hoạch tận dụng ưu thế kinh tế để dần dần xây dựng sự hiện diện trên các đảo ở Biển Đông. Họ trông đợi rằng Philippines, Việt Nam hay những nước tuyên bố chủ quyền khác sẽ bị đẩy vào thế bị động, khó khăn trong việc khẳng định chủ quyền với các đảo đã đầy rẫy binh lính, các tòa nhà và cả dân thường Trung Quốc. Họ ngang nhiên theo đuổi chiến thuật “tạo dựng nguyên trạng mới” có lợi cho yêu sách chủ quyền của mình.

Biến biển quốc tế thành ao nhà

Được sự vỗ về từ nhà hữu trách, nhiều người dân Trung Quốc giờ đang nuôi ước mơ được tới cái gọi là Tam Sa - mà họ coi như Maldive của Trung Quốc. Ngày 22/7, Nhật báo Trung Quốc dẫn lời Mo Qun - quản lý hãng hàng không Meiya Air cho hay, hãng này đã tậu 5 chiếc thuỷ phi cơ để hiện thực hoá giấc mơ du lịch biển của người Trung Quốc. Theo ông này, hai chếc Cessna, có thể mang 19 du khách/chiếc đã có sẵn ở Tam Á, số còn lại sẽ sớm được cung cấp.

Meiya Air dự kiến khởi động đường bay từ Tam Á đến "Tam Sa” - Mo cũng không ngại ngần đưa ra lời giải thích, du lịch hàng không sẽ phát triển vì chỉ mất 70 phút thay vì 10 giờ đi tàu. Sau đó, các chuyến bay giữa các đảo thuộc "Tam Sa" sẽ là mục tiêu kế tiếp.

Meiya Air là hãng hàng không đầu tiên được cấp phép sử dụng dịch vụ thuỷ phi cơ. Công ty này với mong muốn “đón đầu cơ hội kinh doanh” sẽ thiết lập chi nhánh ở cái gọi là Tam Sa.

Theo Nhật báo Trung Quốc, giai đoạn 1 xây dựng cầu cảng sử dụng mục đích dân sự ở đảo Vĩnh Hưng (tức đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam) đã hoàn tất với 9 cầu cảng, tổng giá trị đầu tư khoảng 55 triệu USD.

Trong khi đó, một tàu hậu cần mới mang tên Tam Sa 1 sẽ hoàn tất đầu năm 2014 để vận chuyển nguyên vật liệu cần thiết ra đảo. Vị thị trưởng của “Tam Sa” Tiêu Kiệt tiết lộ, chính quyền nơi đây đã bắt đầu đưa ra kế hoạch vận chuyển, phát triển các đảo và mới hoàn tất gần đây.

Gần đây, Trung Quốc dùng hai tàu Yexiang Princess và Qionghai 3 để đưa dân du lịch ra “Tam Sa”. Năm qua, Qionghai 3 ra “Tam Sa” 70 lần trong khi Yexiang Princess thực hiện khoảng 16 hành trình, vận chuyển tổng cộng 40.000 hành khách và 7.000 tấn hàng hoá.

Cùng với Nhật báo Trung Quốc, Tân hoa xã hôm nay đưa thêm tin, “Tam Sa” sẽ đón nhận 13 chuyên gia có bằng tiến sĩ làm việc tại thành phố để thúc đẩy phát triển kinh tế và xã hội. Những người này chủ yếu đến từ cơ quan Quản lý Đại dương, các trường đại học, viện nghiên cứu nổi tiếng, sẽ làm việc ở “Tam Sa” trong một năm ở những lĩnh vực chủ yếu gồm nghiên cứu Biển Đông, sinh thái hàng hải, bảo vệ môi trường, kế hoạch đất đai và ngư nghiệp.

Trước đó, hôm 17/7, chính quyền Trung Quốc tổ chức lễ cấp phát giấy chứng minh nhân dân và giấy cư trú đợt đầu cho người dân ở cái gọi là thành phố Tam Sa. Trong đợt cấp phát lần này có 10 giấy chứng minh cho cư dân sống tại đây và 68 giấy cư trú dành cho nhân khẩu lưu động. Phó thị trưởng thành phố Phùng Văn Hải ngang ngược tuyên bố sau đợt cấp phát này sẽ đẩy nhanh tiến độ, từng bước tiến tới cấp phát cho các điểm dân cư khác trên quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.

Như vậy, bất chấp sự phản đối của các nước trong khu vực, chỉ trong vòng một năm, Trung Quốc đã đầu tư rất mạnh tay vào "Tam Sa" theo đúng kiểu mà tờ Thời báo Hoàn cầu nước này từng ngang nhiên nhấn mạnh: “Là một thành phố cấp địa khu lớn nhất ở Trung Quốc, "Tam Sa" có vị trí địa lý và chiến lược đặc biệt. Do đó, cần các phương pháp quản lý hoàn toàn khác biệt so với các thành phố khác”.

Thứ Sáu, 19 tháng 7, 2013

IMF cảnh báo: Kinh tế Trung Quốc đang trong tình trạng rất nguy kịch!


Ngày 17/7, Qũy Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã đưa ra cảnh báo nghiêm trọng đối với nền kinh tế Trung Quốc: cải cách sớm hoặc đối mặt với sụp đổ kinh hoàng.
Trong một báo cáo được phát hành hôm 17/7, IMF khẳng định Trung Quốc đang phải đối mặt với nguy cơ ngày càng lớn về việc tăng trưởng GDP sẽ còn tiếp tục sụt giảm trong những tháng cuối năm nay.
 
Theo đó, IMF chỉ ra rằng các nguồn tín dụng phi truyền thống hay còn gọi là hệ thống ngân hàng bóng tối đang khiến nền kinh tế Trung Quốc phải đối mặt với nhiều rủi ro, trong đó có bong bóng bất động sản và gánh nặng nợ công tăng cao của chính quyền địa phương.
 
“Kể từ khi cuộc khủng hoảng toàn cầu xảy ra, các biện pháp tài chính nhằm kích thích đầu tư và tín dụng đã được Trung Quốc sử dụng rất tích cực. Tuy nhiên, mô hình phát triển không bền vững này đã ngày càng tạo ra nhiều lỗ hổng nghiêm trọng cho nền kinh tế Trung Quốc. Dù Trung Quốc có đang sở hữu những “tấm đệm” quan trọng để chống đỡ các cú sốc kinh tế thì tỷ suất lợi nhuận an toàn vẫn đang sụt giảm mạnh”, IMF nhấn mạnh.
 
Thực tế, trong khi lượng dự trữ ngoại tệ khổng lồ của Bắc Kinh có thể giúp nền kinh tế thứ 2 thế giới chống đỡ với những sự thay đổi đột ngột thì nó không thể xoa dịu sự bất mãn trong lòng người dân trước tệ nạn tham nhũng, thực trạng ô nhiễm trầm trọng và khoảng cách giàu nghèo ngày càng mở rộng.
 
Trong nhiều thập kỷ qua, Trung Quốc chủ yếu dựa vào đồng tiền và nhân công giá rẻ cùng lượng lớn chi tiêu chính phủ đầu tư cho cở sở hạ tầng để đạt được mức tăng trưởng “nóng” 2 con số. Chính Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường cũng thừa nhận sự tăng trưởng trên là không bền vững và cần thiết phải chuyển hướng nền kinh tế sang tập trung vào người tiêu dùng. Hiện nhu cầu tiêu dùng trong nước đang chiếm 30% tổng sản phẩm quốc nội của Trung Quốc. Trong khi đó, con số này tại Mỹ là 70%.
 
Tỷ lệ tiêu dùng trong nước của Trung Quốc quý II/2013 đang ở mức tương đương với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, chi tiêu cho các tài sản hữu hình như đường xá, sân bay và các tòa nhà thương mại lại tăng lên đáng kể. Điều đáng nói là nhu cầu sử dụng đối với những mặt hàng này ở Trung Quốc lại không hề tăng lên. Hệ quả là rất nhiều con đường bị bỏ dở “không biết sẽ đi về đâu”, cùng với đó là vô vàn tòa trung tâm thương mại bị bỏ hoang vì khủng hoảng thừa.
 
Theo CBS News, đa phần các khoản vay của chính quyền địa phương ở Trung Quốc để phục vụ cho thanh toán các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng mới. “Sự gia tăng chóng mặt của các khoản nợ này sẽ làm tăng nguy cơ mất cân đối ngân sách của các chính quyền địa phương”, IMF cảnh báo. Đầu tháng này, tờ Tân Hoa Xã đưa tin Ordos (Ngạc Nhĩ Đa Tư)- thành phố nổi tiếng của những tòa nhà chọc trời và các chung cư “ma”- đã phải vay tiền từ các công ty tư nhân để trả lương cho các quan chức địa phương.
 
Rõ ràng, chính lãnh đạo Trung Quốc cũng nhận thức được việc cần thiết phải tiến hành cải cách để giúp nền kinh tế nước này “né” được nguy cơ sụp đổ. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là liệu các nhà chức trách Bắc Kinh sẽ thực hiện chính sách cải cách ngay bây giờ hay vẫn còn mải mê lập những kế hoạch cho dài hạn. Đến khi đó, e rằng đã là quá muộn để cứu vãn nền kinh tế thứ 2 thế giới vốn đang tiềm ẩn quá nhiều bất ổn.
 
Theo hãng tin Bloomberg, trong những tuần gần đây, Bắc Kinh dường như đã chuẩn bị sẵn sàng cho kịch bản tăng trưởng kinh tế chậm hơn và sẽ không có chuyện chính phủ đưa ra các gói kích thích kinh tế giống như đã từng làm tại thời kỳ khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2008. “Điều chỉnh cơ cấu kinh tế là một quá trình hết sức “đau đớn” và suy thoái là cần thiết để đạt được mục tiêu chuyển đổi cơ cấu”, ông Lâu Kế Vĩ, Bộ trưởng Tài chính Trung Quốc khẳng định.
 
Tở The Street hôm 17/7 dẫn kết quả nghiên cứu mới nhất của BofA Merrill Lynch cho thấy các nhà quản lý tiền tệ trên toàn cầu đang ngày càng tỏ ra quan ngại về tình hình kinh tế Trung Quốc và rất ít nhà đầu tư dám mạo hiểm đặt cược vào trái phiếu nước này. Theo đó, 65% người được hỏi khẳng định nền kinh tế Trung Quốc đang ngày càng suy yếu, trong khi đó 56% ý kiến cho rằng kinh tế nước này sẽ vấp phải kịch bản “hạ cánh cứng”, cao hơn so với mức 30% của tháng 5/2013. Trái ngược với sự bi quan về kinh tế Trung Quốc, các nhà đầu tư toàn cầu tỏ ra khá lạc quan trước triển vọng phát triển của kinh tế Mỹ và Nhật Bản (chiếm khoảng 52% người được hỏi). Trong khi đó, phần lớn những người tham gia cuộc điều tra (83% người được hỏi) bày tỏ sự ủng hộ đồng đô la Mỹ so với các tiền tệ khác- mức ủng hộ cao nhất từ trước đến nay trong các cuộc điều tra của BofA Merrill Lynch.
Theo SM

Thứ Hai, 15 tháng 7, 2013

DƯ LUẬN VIÊN VO VĂN VE: HOAN HÔ KIỂU YÊU NƯỚC CỦA THIẾU TÁ NGUYỄN VĂN MINH !


Mây lâu nay Dư luận viên Vo Văn Ve tôi đã chuyển sang nghề chạy Honda ôm, phần thì lương không đủ cà phê bia bọt, phần thì bị bạn bè chửi bới om sòm, lại thêm mụ vợ lắm điều cứ suốt ngày đòi li dị. Nhưng hôm nay đọc được bài của thiếu táNguyễn Văn Minh trên báo QĐND, bỗng dưng Vo Văn Ve tôi cảm thấy sáng mắt sáng lòng trở lại, bấm nút, phản ứng nhanh, viết mấy dòng để ủng hộ và ca tụng thiếu tá Nguyễn Văn Minh cùng với lòng yêu nước theo kiểu của anh í.
Nói thật, mình là mình ngưỡng mộ anh Minh lắm lắm. Anh í tuổi trẻ mà tài cao. Không biết ngày xưa học có giỏi không nhưng chỉ cần biết anh Minh là phóng viên của chính thức của tờ báo lớn QĐND là mình nể phục vô cùng. Mỗi khi đọc những bài viết của anh Minh trong mục “Chống diễn biến hòa bình”, lòng mình cứ xốn xang lạ thường, lại cứ muốn cầm dao, cầm súng xông thẳng vào các thế lực thù địch mà đâm mà bắn cho hạ hỏa, dẫu rằng mình không biết cái bọn thế lực thù địch là cái bọn nào. Nhưng dù gì thì cứ đọc bài của anh Minh là mình căm tức cái bọn thế lực thù địch lắm, tức lắm!
Trở lại bài báo nói trên của anh Minh, mình xin được ca tụng hai phần nội dung và nghệ thuật của bài viết sâu sắc và nhiều cảm xúc này, tức là ca tụng tài nghệ viết lách của anh Minh, một tài năng có một không hai.
Về mặt nội dung, anh Minh chỉ rõ cho các thế lực thù địch hiểu được thế nào là yêu nước – tất nhiên là theo kiểu của anh. Để bà con đỡ mất thời gian, mình trích lại đoạn anh Minh giảng giải về lòng yêu nước:
Nói đến lòng yêu nước, nhiều người trong chúng ta sẽ nhớ ngay đến tác phẩm của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được đưa vào sách giáo khoa, như một áng hùng văn khái quát và đúc kết nét đặc trưng của truyền thống dân tộc.  Đó là tác phẩm "Tinh thần yêu nước của nhân dân ta", có đoạn: "Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quý báu của ta. Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng, thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước".
Sự khái quát ấy, ở một góc độ nào đó còn giống như di huấn tinh thần để chúng ta vững tâm hơn, cùng nhau bình tĩnh trước nguy nan và cùng nhau hun đúc, trau chuốt thêm chiếc “nỏ thần vô hình” có sức mạnh vạn năng trong bảo vệ Tổ quốc: Lòng yêu nước. Đó mới là thái độ tinh thần đúng đắn chứ không phải yêu nước theo kiểu hồ đồ đi kèm với những hành động sai trái, bất chấp kỷ cương và luật pháp!
Cũng cần nhắc lại lòng yêu nước là gì và những biểu hiện cụ thể của nó ra sao để khu biệt, nhìn nhận những nhân vật và hành động đang được nhiều trang mạng và tổ chức phản động tung hô? Trong sách giáo khoa Giáo dục công dân của học sinh phổ thông đã đề cập tương đối ngắn gọn, dễ hiểu và đầy đủ. Theo đó, lòng yêu nước là tình cảm yêu quý, gắn bó, tự hào về quê hương, đất nước và tinh thần sẵn sàng đem hết tài năng, trí tuệ của mình phục vụ lợi ích của Tổ quốc. Các biểu hiện cụ thể của lòng yêu nước của dân tộc Việt Nam ta bao gồm: Tình cảm gắn bó với quê hương đất nước; tình thương yêu đối với đồng bào, giống nòi, dân tộc; niềm tự hào dân tộc chính đáng; đoàn kết, kiên cường, bất khuất chống giặc ngoại xâm, để bảo vệ chủ quyền dân tộc và nền độc lập tự do của Tổ quốc; cần cù và sáng tạo trong lao động để xây dựng, phát triển nền văn hóa dân tộc và xây dựng đất nước ngày càng giàu đẹp.
Nói một cách đơn giản và cụ thể hơn như nhà văn I. Ê-ren-bua thì yêu nước là "yêu những vật tầm thường nhất, yêu người thân, yêu Tổ quốc" và tình cảm ấy có những cung bậc, những cách thể hiện khác nhau trong hai thời kỳ khác nhau: Thời bình và thời chiến. Đây cũng là một chủ đề được bàn luận khá sôi nổi trên internet gần đây.
Chúng tôi xin trích ý kiến của một bạn trẻ về lòng yêu nước, có thể chưa đầy đủ nhưng rất đáng suy ngẫm về những giá trị đích thực của lòng yêu nước: “Thực tế, đã có không ít thanh niên nghĩ rằng phải làm một việc gì thật to lớn cho Tổ quốc mới là yêu nước. Nhưng họ đâu hiểu rằng lòng yêu nước biểu hiện qua từng hành động, việc làm hằng ngày của mỗi chúng ta. Bạn cố gắng học tập tốt, rèn luyện tốt, hoàn thành nhiệm vụ học tập của mình, đó là yêu nước. Lựa chọn được một nghề nghiệp phù hợp với bản thân mình, gắn bó và cống hiến hết mình vì công việc, đó là yêu nước. Lao động tích cực, hăng hái, làm giàu chính đáng, đó là yêu nước. Có khi lại là việc nhỏ như không vứt rác bừa bãi, không tàn phá môi trường, không hủy diệt muông thú. Và thậm chí, nói một câu tiếng Việt đúng ngữ pháp, văn cảnh, thể hiện sự tự tôn với ngôn ngữ, văn hóa của dân tộc mình, cũng là biểu hiện của lòng yêu nước… Lòng yêu nước chân chính không nhất thiết phải hô, hét thật lớn để cho tất cả mọi người biết mà quan trọng là tính tự giác trong mọi hành động, việc làm của mỗi chúng ta.
Có những thanh niên nhận thức lệch lạc, ngồi một chỗ kêu ca, oán thán với nhau rằng, sao Việt Nam lại nghèo nàn, lạc hậu so với các quốc gia khác vậy; một số thì chạy theo lối sống thực dụng, ăn chơi sa đọa, lãng phí, tự do cá nhân, vô tổ chức. Những người đó tự cho mình cái quyền phán xét nhưng lại không có tí trách nhiệm nào với cộng đồng, xã hội…”.
Một bạn trẻ khác là Hoàng Thắng đã bày tỏ quan điểm trước những quan niệm lệch lạc về yêu nước trong một bài viết khá dài. Anh viết: “Những người gác biển không cần những người “đứng” sau lưng bằng những bài viết răn dạy về tình yêu nước trên facebook. Đừng để con em nhân dân đổ máu để cho các bạn lên internet hô hào mình là yêu nước”.
Còn một cựu chiến binh thì cho rằng, Việt Nam đang có một thế hệ gồm nhiều bạn trẻ ngồi trong phòng lạnh, uống nước ngọt, ăn gà rán và luôn miệng kêu gào trên facebook rằng “Chính phủ không nên nhu nhược, phải chứng minh bằng hành động". Ông tha thiết mong các bạn trẻ hãy thôi sống ảo và đừng yêu nước bằng máu của kẻ khác! 
Nhà báo Vũ Duy Thông trong một bài viết gần đây đã có lý khi cho rằng, yêu nước là tình cảm và tư tưởng phổ biến, vốn có ở tất cả các dân tộc trên thế giới chứ không riêng gì của dân tộc Việt Nam. Nhưng một trong những đặc trưng nổi bật nhất của lòng yêu nước mang bản sắc Việt Nam chính là yêu nước gắn liền với yêu hòa bình, hòa hiếu. Chỉ đến khi kẻ thù hung bạo quyết phá vỡ nền hòa bình, hòa hiếu ấy thì cả dân tộc mới buộc phải đứng lên cầm súng, cầm dáo, mác, tầm vông… Yêu nước của dân tộc Việt Nam còn có đặc trưng là tình yêu lặng thầm, kìm nén vì những bước đi chiến lược. Bài học lịch sử cho ta thấy, nhiều khi tình cảm ấy cần được phô trương như viên ngọc quý nhưng nhiều lúc nó lại cần phải lặn vào trong, cần kìm nén vì những nước cờ chiến lược.
Nếu chúng ta kiên trì hòa bình mà đối phương vẫn cố tình gây chiến xâm lược thì cũng như những cuộc chiến tranh khác, chúng ta sẽ đứng lên, như câu thơ của Chế Lan Viên: “Ôi Tổ quốc ta, ta yêu như máu thịt/ Như mẹ cha ta, như vợ, như chồng/ Ôi Tổ quốc, nếu cần, ta chết/ Cho mỗi căn nhà, ngọn núi, con sông!”. Nhưng thời điểm đó chưa đến, nhiệm vụ lúc này chưa phải như thế.
Trong các biểu hiện rất cụ tỉ (tức là cụ thể và tỉ mỉ) về lòng yêu nước mà anh Minh nêu ở trên, tiếc rằng vẫn còn thiếu một số cách thể hiện hết sức cơ bản. Chẳng hạn: yêu nước là yêu chủ nghĩa xã hội, yêu nước là phải tham gia tích cực vào việc nộp lệ phí giao thông, yêu nước là phải đội mũ bảo hiểm khi đi xe máy, yêu nước là tổ chức đám cưới không quá 300 khách, đám ma không quá 7 vòng hoa, là phải ủng hộ chủ trương cộng 2 điểm cho bà mẹ Việt Nam anh hùng khi thi đại học… Giá như anh Minh bổ sung thêm những điều này vào luận điệu, ấy quên, luận điểm của anh thì hay biết mấy!
Về những biểu hiện lòng yêu nước của anh Minh, các thế lực thù địch cần ghi nhớ nắm chắc ba vấn đề:
Một là, không được yêu nước theo kiểu hồ đồ đi kèm với những hành động sai trái, bất chấp kỷ cương và luật pháp!
Hai là, yêu nước của dân tộc Việt Nam còn có đặc trưng là tình yêu lặng thầm, kìm nén vì những bước đi chiến lược.
Ba là, nếu chúng ta kiên trì hòa bình mà đối phương vẫn cố tình gây chiến xâm lược thì cũng như những cuộc chiến tranh khác, chúng ta sẽ đứng lên. Nhưng thời điểm đó chưa đến, nhiệm vụ lúc này chưa phải như thế.
Từ đây, các thế lực thù địch nếu có thể hiện ta đây cũng yêu nước thì phải thể hiện ra một tình yêu lặng thầm và kìm nén nhá, cứ như tình yêu trai gái qua mặt bí thư chi bộ trong thời chiến tranh khốc liệt chứ không được hồ đồ, nhá!
Từ đây, các thế lực thù địch hãy tuân theo lời hiệu triệu của anh Minh như là của vị tổng tư lệnh tối cao: thời điểm đó chưa đến, nhiệm vụ lúc này chưa phải như thế, nhá !
Ái chà chà, gay go thật ! Đó là nói sơ qua về nội dung.
Về nghệ thuật, chỉ qua đoạn viết trên, anh Minh cho thấy anh đã đạt đến trình độ siêu đẳng trong nghệ thuật trích dẫn. Anh đã trích dẫn từ những nhân vật có thật như Bác Hồ, Chế Lan Viên, Ê-ren-bua cho đến những nhân vật bí hiểm mà chẳng ai biết là có thật hay không, là người hay là ma, như: một bạn trẻ, một bạn trẻ khác là Hoàng Thắng, một cựu chiến binh. Với nghệ thuật trích dẫn cực kỳ cao tay như trên thì các thế lực thù địch lúng túng là cái chắc, thậm chí có thể nói là vô phương đối phó và đáp trả các luận điệu của anh Minh. Nói không ngoa, đích thị đây là một thứ nghệ thuật đầy huyền ảo, ma mị, ma thuật và ma quái, mà chưa có nhà báo chân chính nào dám dùng đến.
Anh Minh còn làm cho các thế lực thù địch hoang mang khi dùng từ “khu biệt”, một từ dễ gợi cho người ta nhớ tới “khu vực đặc biệt” thậm chí là “cái khu đặc biệt”, trong khi nghĩa của nó đơn giản chỉ là “phân biệt cho nó rành mạch”. Tu từ đến mức ấy là quá tài tình.
Qua sự phân tích kỹ lưỡng ở trên, mình buộc phải hô to lên rằng: Hoan hô anh Minh và sự yêu nước theo kiểu của anh!
Và mình cũng phải bắt chước nhà văn Nam Cao, vỗ đùi đánh đét một cái: Anh này tài thật! Tài thật! Tài đến thế là cùng! Tiên sư anh … Tào Tháo!

Dư luận viên VO VĂN VE



NGHE TẬP CẬN BÌNH "THAN THỞ" VỀ CÁI ĐẢNG CỦA ÔNG TA !



TẬP CẬN BÌNH: “TÔI BIẾT LÀM THẾ NÀO?”


Tạp chí “Tiền Tiêu” ở Hồng Công số ra tháng 4/2013 đăng ghi âm phát biểu nội bộ vừa qua với cán bộ cấp cao Trung Quốc của Tập Cận Bình với nhan đề “Tôi biết làm thế nào?”, trong đó đề cập tới nhiều vấn đề nội bộ cũng như chính sách đối ngoại hiện nay của Trung Quốc mà ông cảm thấy nhiều khi rất khó xử trên cương vị này.

          Chúng tôi xin dịch nguyên văn làm tài liệu tham khảo.


Ngồi ghế Tổng Bí Thư, Chủ tịch nước thực không dễ dàng

            Hôm nay tôi nói chuyện nội bộ, trao đổi, tâm sự với các đông chí chứ không phải phát biểu chính thức công bố ra bên ngoài. Tuy nhiên, thời đại thông tin nhanh nhạy hiện nay thì nhiều văn bản tài liệu nội bộ vẫn bị báo giới bên ngoài tiết lộ. Chẳng hạn trên mạng tin vừa qua đã đăng toàn văn cuộc trao đổi riêng của tôi với anh Đức Bình (Hồ Đức Bình, con trai Hồ Diệu Bang – ND).
           Tôi xin nói luôn không vòng vo rào trước đón sau. Chức Tổng Bí Thư (TBT) này không phải tôi cố ý giành giật lấy mà toàn đảng giao phó cho tôi trách nhiệm này. Một lần, Đồng chí Hồ Cẩm Đào trước khi lên đường thăm Nhật Bản cũng từng nói: “Không phải tôi cố ý giành lấy chức Chủ Tịch Nước mà do toàn thể nhân dân cả nước bầu tôi”. Thực ra chức TBT cũng không phải tôi tự mình muốn làm mà cán bộ toàn đảng và quần chúng nhân dân bầu tôi làm, muốn để tôi làm. Nhận gánh trách nhiệm thực sự nặng nề, không dễ dàng. Thời thanh niên khi tôi về nông thôn sản xuất nông nghiệp ở Thiểm Tây đã thể nghiệm sâu sắc điều này. Gánh bằng đòn gánh trên vai thực sự không dễ dàng. Một bên nhẹ, một bên nặng đi không cân, nếu không giữ được thăng bằng thì bị ngã xuống mương nước. Chính vì vậy mà các đồng chí thông cảm với tôi, nên hiểu tôi.
Vì sao tôi một mặt phải nói làm việc theo pháp luật, pháp luật là trên hết, phải giữ sự tôn nghiêm của luật pháp. Nhưng mặt khác tôi vẫn phải nhấn mạnh  tinh thần cách mạng của Đ/C Mao Trạch Đông.  Lẽ nào tôi lại không hiểu cái đạo lý, sự mâu thuẫn giữa lý luận chuyên chính với trị nước bằng pháp luật. Hiểu đấy, biết đấy, nhưng vẫn phải làm như vậy. Bởi vì tôi phải giữ sự cân bằng trong nội bộ Đảng, sự cân bằng giữa các tầng lớp cũng như các luồng tư tưởng khác nhau trong nước. Hiện nay tôi phải quan tâm và chiếu cố tất cả các nơi, nếu không sẽ đắc tội với họ. Các đồng chí đừng cho rằng chức TBT của tôi nói gì cũng được, trên thực tế phải lấy lòng các bên. Họ thích gì tôi nói thế, vào miếu nào phải cúng thần miếu đó. Hịện nay có một số mâu thuẫn, một số điều gây cấn tạm thời chưa giải quyết nổi là điều dễ hiểu. Tôi phải làm vừa lòng các thế hệ lão thành, tầng lớp trung niên và thanh niên. Tôi phải nhìn trước, nhìn sau, nhìn trái nhìn phải để làm việc. Bởi vì, nó liên quan tới đại cục ổn định của toàn Đảng và đại cục ổn định ở trong nước.


Xử lý mối quan hệ giữa các Nhóm lợi ích rất khó khăn

           Mọi người đều biết, hiện nay tác phong của Đảng Cộng sản chúng ta có một số không tốt. Một số cán bộ lãnh đạo hình thành Nhóm lợi ích, nó ảnh hưởng tới quan hệ giữa Đảng với quân chúng nhân dân. Là người lãnh đạo của Đảng, đã được cán bộ đảng viên các cấp bầu lên, tôi không thể ăn nơi này, rào  nơi khác mà phải đồng đều. Nhưng nếu xâm phạm quá mức tới lợi ích của quần chúng nhân dân, rõ ràng tác động không tốt tới lợi ích lâu dài của Đảng. Bởi vậy, tôi cũng phải như vậy để vừa chiếu cố cái riêng vừa chiếu cố cái chung.
         Nói về “đánh con hổ tham nhũng” thì các đồng chí trong đảng yên tâm, đại bộ phận các đồng chí trong đảng không sao cả, nhưng chúng ta vẫn phải tuyên truyền sâu rộng, chỉ cần quần chúng nhân dân đồng lòng vỗ tay hưởng ứng, đánh giá tốt là được. Điều này có thể một số đồng chí cán bộ đảng viên cấp cơ sở không thông lắm.
         Hiện nay dư luận ngoài Đảng cho rằng Tập Cận Bình là Gorbachov của Trung Quốc. Điều này tôi có thể khẳng định với mọi người rằng, toàn Đảng bầu tôi vào chức vụ này đã giải thích và hiểu tôi, nên có thể yên tâm. Tôi không bao giờ là Gorbachov của Trung Quốc. Tuy nhiên, một số khác lại hoài nghi tôi về con đường cũ theo đường lối cực tả trước đây. Đây cũng là sự hiểu lầm. Đồng chí Đức Bình là ông anh của tôi. Cha tôi và cựu Tổng bí thư Hồ Diệu Bang là bạn thân thiết với nhau. Cựu TBT Hồ Diệu Bang trước đây chẳng đã từng tham gia cuộc vạn lý trường chinh đó sao? Tôi nghĩ, mình cần phải ôn lại lịch sử và tinh thần chiến đấu của Đảng ta trong những năm tháng đấu tranh gian khổ giành chính quyền. Chẳng lẽ cho đây là sự hoài cố hay sao? Một số người soi mói, cho rằng làm như vậy chúng ta đang có ý đồ quay về con đường cũ. Nhưng chúng ta không cần để ý tới những lời nói đó.
         Đảng chúng ta đã hơn 80 tuổi rồi, người già hay hoài cổ, nhớ lại những năm tháng trai trẻ hào hùng trước đây. Như bản thân tôi, nhiều khi vẫn nghĩ tới thời kỳ mình lao động ở vùng nông thôn Thiểm Tây trước đây. Suốt đời cha tôi không bao giờ dùng “phong trào cực tả” để chính cán bộ và tôi cũng sẽ như vậy. Hiện nay trong Đảng ta vẫn còn nhiều đồng chí sủng bái Chủ tịch Mao Trạch Đông, vì vậy tôi phải tôn trọng và thông cảm với các đồng chí đó.


Về công tác đối ngoại

         Hiện nay tình hình trong và ngoài nước mà chúng ta đang gặp phải không mấy lạc quan. Những người bạn tốt, đồng chí tốt của chúng ta trên thế giới ngày càng ít dần. Những người như Khadaphi, Chavet càng ngày càng ít.  Tình hình bán dảo Triều Tiên hiện cũng thành vấn đề. Bắc Triều Tiên đang chơi con bài thử nghiệm vũ khí hạt nhân, nhưng lại “liếc mắt đưa tình” có ý đồ bắt tay chơi với Mỹ. Trong thời đại Chủ Tịch Mao Trạch Đông trước đây, chúng ta từng có quan hệ tốt với ông anh cả Liên Xô, nhưng rồi hai bên lật mặt nhau. Trong khi đó chúng ta tiến hành ngoại giao bóng bàn với Mỹ. Kết quả chẳng bao lâu Liên Xô sụp đổ.
        Đối với Triều Tiên hiện nay, chúng ta vẫn viện trợ như trước đây, nhưng điều chúng ta lo ngại là họ bắt cá hai tay, ăn cả hai đầu. Hơn mười năm qua, chúng ta tiêu tốn rất nhiều tiền cho tuyên truyền đối ngoại, nhưng kết quả không mấy khả quan, dự luận các nước thờ ơ và chỉ trích ngày càng nhiều hơn. Về tuyên truyền đối nội,chúng ta có một đội ngũ tuyên truyền để hướng dẫn dư luận trên các trang mạng, nhưng rốt cuộc hiện nay cũng đưa lại không ít kết quả tiêu cực.
         Đối với quần đảo Điếu Ngư, như mọi người đều biết những biện pháp chúng ta áp dụng hiện nay trong tình hình không có biện pháp nào nữa. Tôi cũng muốn dựa vào tư thế sức mạnh để xác lập uy tín cho mình ở trong nước. Nhưng quân đội của chúng ta hiện có thực sự đáp ứng được không, chiến tranh nổ ra liệu có thích ứng với được với kỹ thuật và cường độ cao của chiến tranh hiện đại? Điều này không chắc chắn, nhất là cuộc chiến tranh quy mô lớn trong điều kiện kỹ thuật cao phức tạp có Mỹ tham chiến. Chúng ta làm thế nào để đối phó với sức ép và nguy cơ ở trong và ngoài nước? Điều này xin các đồng chí toàn đảng toàn quân cần nghiên cứu nghiêm túc và tính toán kỹ.


Cải cách thể chế chính trị không đơn giản

        Đối với công cuộc cải cách, nhất là cải cách thể chế chính trị rất phức tạp. Trên thực tế khái niệm này tương đối trừu tượng, không ở trong vị trí này thì khó có thể tính toán hết được. Ở mỗi vị trí khác nhau, việc xem xét vấn đề cũng khác nhau. Tôi cho rằng mọi người chúng ta cần học hỏi và rút ra bài học kinh nghiệm lịch sử đánh mất chính quyền của ĐCS Liên Xô.
         Sau khi Khơrupsốp lên nắm quyền, trên các diễn đàn ông ta ra sức phê phán Stalin chuyên chế và tàn bạo. Một lần khi diễn thuyết trên diễn đàn, có người ở dưới chất vấn: “Đồng chí khi ấy đã làm gì?”. Khơrupsốp liền nghiêm nét mặt nói: “Ai vừa hỏi tôi đấy, xin mời lên trên này”. Người vừa hỏi im bặt. Lúc sau, Khơrupsốp điềm tĩnh nói: “Khi đó tôi cũng như đồng chí vừa chất vấn”.
        Người lãnh đạo cấp cao phải quan tâm toàn diện mọi mặt, vì vậy các đồng chí cần thông cảm với tôi. Ở trên vị trí lãnh đạo này tôi phải quan tâm toàn diện các mặt. Lệch sang trái một chút, lệch sang phải một chút là lập tức thành vấn đề. Sự kiện Bạc Hy Lai ở Trùng Khánh là một ví dụ. Có một số người công kích, phê phán thủ tướng Ôn Gia Bảo. Thực ra ở cương vị này của Đ/c Ôn Gia Bảo có nhiều điều khó xử. Ở cương vị của Đ/c trong thể chế của chúng ta hiện nay, thì Thủ tướng Ôn Gia Bảo cũng chỉ làm được như vậy thôi. Có phải chúng ta định biến Đ/c thành một “Triệu Tử Dương thứ hai” không? Vì làm như vậy thì trước tiên sẽ dẫn tới sự chia rẽ về tổ chức và ý thức hệ trong Đảng. Là một đảng viên lão thành, là người lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, Đ/c Ôn Gia Bảo chỉ có thể làm được như vậy. Tôi cho rằng làm được như Đ/c Ôn Gia Bảo là quá tốt rồi.
         Nếu như tôi từ bỏ Chủ Nghĩa Mác, từ bỏ tư tưởng Mao Trạch Đông sẽ dẫn tới Đảng ta mất đi quyền phát ngôn lãnh đạo các mặt. Nếu như tôi hiện nay không công khai nói Đảng phải dựa vào luật pháp trị nước, phải tôn trọng tính quyền uy của luật pháp, thì trong con mắt nhiều người tôi đã có vấn đề. Điều này cũng không tốt đối với địa vị lãnh đạo của Đảng ta. Vậy các đồng chí nói tôi phải làm thế nào? Ở địa vị này, tôi chỉ có thể làm như vậy.
          Trước tiên chúng ta cần phải duy trì được cục diện hiện nay. Tương lai diễn biến như thế nào, hiện chúng ta chưa có sự chuẩn bị, chúng ta cũng chưa nhìn thấy cục diện thay đổi rõ rệt nào. Các đồng chí không nên cho rằng ở cương vị TBT như tôi là nói gì mọi người nghe răm rắp, có thể nắm chắc càn khôn trong tay. Kỳ thực, tôi chỉ là người duy trì sự cân bằng, quyền lực của nhóm lợi ích. Tôi chỉ là người giữ chìa khóa tủ, người chủ quầy hàng. Nếu tôi đi ngược lợi ích của Đảng, thì tôi sẽ bị hạ bệ. Hôm nay giao cho quyền lực, ngày mai có thể tước bỏ. Đảng ta từng có các đồng chí lãnh đạo tiền bối rất lý tưởng như Trần Độc Tú, Trương Văn Thiện, nhưng rồi kết cục họ trong Đảng đều không tốt, còn Đ/c Triệu Tử Dương không cần phải nói. Đ/c như một Đông Ki-Sốt dám thách thức thể chế hiện hành. Tôi sẽ không làm như vậy, toàn Đảng cũng không để tôi làm như vậy. Tôi phải làm thế nào đây?




Không biết làm thế nào..., thì cứ làm thế này cho nó an toàn!

         Bởi vậy, cải cách thể chế chính trị là vấn đề lớn, như rút giây động rừng, đụng vào tác động tới tất cả các lĩnh vực. Vì sao tôi lại nói như vậy? Chúng ta muốn uốn nắn, chấn chỉnh tác phong không tốt của Đảng thì phải điều chỉnh lại thế giới quan và quan niệm giá trị của chúng ta. Trong khi đó thuyết duy vật đã làm cho con người mất đi niềm tin chân chính, chạy theo chủ nghĩa vật chất hưởng thụ và vụ lợi. Như vậy nó sẽ tác động tới ý thức hệ và tư tưởng của Đoàn viên. Mọi người đều biết Tập Cận Bình tôi thường hay trích dẫn lời nói của Chủ tịch Mao Trạch Đông. Trước đây tôi đọc thuộc làu ba bài luận văn của Mao chủ tịch,[1] trong đó có bài về “Ngu công dời núi” mà Chủ tịch Mao rất sùng bái tinh thần của ông già Ngu Công. Đảng ta đã dựa vào tinh thần “Ngu Công dời núi” thực ra không có gì cần nghiên cứu sâu. Đảng ta là chính đảng theo chủ nghĩa duy vật. Lý luận của chúng ta từ các nước phương tây dựa về, học hỏi từ người Nga, còn câu chuyện “Ngu Công dời núi” là sản phẩm văn hóa tinh thần truyền thống của Trung Quốc, nhưng nó mang tính chất duy tâm và thần thoại. Câu chuyện về “Ngu Công dời núi” thực ra không phải bản thân Ngu Công có thể dời được núi. Theo nguyên bản của câu chuyện thì tinh thần dám làm của Ngu Công đã làm động lòng Ngọc Hoàng, vì vậy Ngọc Hoàng đã sai những thần lực sĩ xuống giúp và chỉ một đêm di dời xong quả núi. Rõ ràng là duy tâm, là thần thoại. Mao Trạch Đông khi đó như một đấng cứu nhân độ thế như Ngọc Hoàng. Bây giờ chúng ta không có đấng cứu thế như vậy.
         Điều này cho thấy, bản thân lý luận của chúng ta có mâu thuẫn. Một mặt chúng ta hát quốc tế ca, chủ trương không có đấng cứu thế trên thế gian này, nhưng mặt khác chúng ta lại sùng bái Chủ tịch Mao là đấng cứu thế. Chúng ta một mặt dựa vào tinh thần “Ngu Công dời núi” để nổi dậy làm cách mạng cướp chính quyền, nhưng mặt khác chúng ta lại phủ định văn hóa và tín ngưỡng dân tộc, rõ ràng bản thân chúng ta đã mâu thuẫn hoặc là có những vấn đề mà chúng ta không hiểu biết. Chúng ta phải làm thế nào để kiên trì không mệt mỏi sự nghiệp của Đảng ta, củng cố được chính quyền mà Đảng chúng ta phải chịu bao gian khổ hy sinh mới giành được. Trong khi đó, chúng ta lại đang mất đi niềm tin vào chính lý luận và chính thể chế đang tồn tại hiện nay do chúng ta lập ra. Nhưng chúng ta hiện nay vẫn chưa tìm ra được lý luận và thể chế tốt hơn trong khi chúng ta không thể manh động thay đổi thế chế hiện nay.
Bài học kinh nghiệm về Liên Xô sụp đổ vẫn còn đó. Gorbachov đầu tiên tiến hành cải cách ý thức hệ và lý luận của Đảng, kết quả đã đụng chạm tới toàn cục và nó bung ra không thể kiểm soát nổi. Vừa rồi Đ/c Vương Kỳ Sơn có giới thiệu mọi người cuốn sách Đại cách mạng nước Pháp về những bài học lịch sử. Về cải cách thể chế chính trị, nếu chúng ta để sơ sểnh ra một chút thì sẽ sai một ly đi một dặm, rất khó kiểm soát được. Tới khi đó, chức TBT của tôi cũng như địa vị lãnh đạo của Đảng sẽ không còn nữa. Bởi vậy, không phải là tôi không muốn cải cách thể chế chính trị hiện nay, mà thực sự tôi không thể cải cách và cũng không dám nhẹ dạ cải cách. Hiện nay ai dám đứng ra đảm lãnh trách nhiệm này? Trong thời đại Đặng Tiểu Bình, Đ/c cũng đã có ý đồ cải cách thể chế chính trị, rốt cuộc đã để xảy ra vấn đề lớn. Phong trào dân chủ Thiên An Môn ngày 4/6/1989 cho tới nay vẫn là cái cớ để các thế lực phản động trong và ngoài nước công kích đảng ta. Đ/c Triệu Tử Dương cũng do đó mà bị hạ bệ và đưa lại hậu quả nghiêm trọng.
        Tình hình hiện nay của đất nước ta không bằng Thời Kỳ Đặng Tiểu Bình, chúng ta không nói tới nhân tố dư luận và sự giác ngộ của quần chúng nhân dân trong nước mà chúng ta nói tới đảng phong trong nôi bộ Đảng hiện nay không bằng trước đây. Ngay trong thời đại của mình, hai vị tổng bí thư là Giang Trạch Dân và Hồ Cẩm Đào cũng đã phải gác lại vấn đề này. Tôi cho rằng điều kiện hiện nay cũng giống trước kia, thời cơ vẫn chưa chín muồi. Tình hình trong và ngoài nước hiện nay chỉ cho phép chúng ta dùng “liệu pháp giữ nguyên”, hơn nữa duy trì được hiện trạng cũng là tốt lắm rồi, thực ra duy trì được cũng không phải dễ dàng. Bởi vậy, tôi chỉ có thể nhắc lại “ba tin tưởng”,[2] mà thực sự không thể đụng tới cải cách thể chế chính trị hoặc ít nhất hiện nay không được đụng tới.
         
Về lý luận và ý thức hệ của Đảng

          Lý luận và ý thức hệ của Đảng liên quan tới đường lối và chế độ của chúng ta. Chúng ta phải quản lý thông tin đại chúng, chủ trương này hiện nay không được giao động lung lay. Vừa qua dư luận cho rằng “Sự kiện thay đổi nhân sự” của tập đoàn báo chí Nam Phương[3] là do Đ/c Lưu Vân Sơn và sở báo chí tuyên truyền tỉnh Quảng Đông tiến hành, thực ra có sự chỉ đạo của bản thân tôi về cái tổ nhân sự này. Nếu chúng ta dao động, không tin tưởng vào ba vấn đề quan trọng là Ý thức hệ, Đường lối và Chế độ thì bị rối loạn và không còn làm được việc gì. Chính vì vậy mà chúng ta vẫn phải tiếp tục tuyên truyền sâu rộng về Lý luận ý thức hệ. Chủ nghĩa Mác và Tư tưởng Mao Trạch Đông. Nếu không, một khi vỡ lở thì sẽ bị động toàn cục và rối loạn.
         Bản thân tôi không muốn để xảy ra tình trạng này, toàn Đảng cũng không cho phép tôi để xảy ra như vậy. Vừa qua, chúng ta tuyên truyền, làm phim về một đại biểu nữa lão thành ở tỉnh Sơn Tây ca ngợi tinh thần hy sinh cống hiến đối với sự nghiệp, bất chấp một số dư luận nước ngoài và một số người ngoài Đảng chỉ trích, phê phán. Đảng Cộng sản chúng ta làm gì đều xuất phát từ lợi ích căn bản và logic của (Đảng) chúng ta. Chúng ta tiếp tục tuyên truyền và học tập Lôi Phong để tăng cường chủ nghĩa tập thể, đấu tranh chống chủ nghĩa tự do. Đ/c Đặng Tiểu Bình đưa ra lý luận “Mèo trắng, Mèo Đen”. Trên thực tế, từ trước tới nay chúng ta không phải nhất nhất làm theo sách vở mà dựa vào thực tiễn và chủ nghĩa hiện thực. Đương nhiên, không vì thế mà chúng ta đánh mất tầm nhìn lịch sử lâu dài, mất đi địa vị và giá trị đích thực của chúng ta.

Chống tham nhũng chưa thể trị tận gốc

        Hiện nay rất nhiều người phê phán những căn bệnh trong mô thức phát triển của chúng ta, nhất là chống tham nhũng. Trên thực tế đấu tranh chống “con Hổ tham nhũng” hiện nay chỉ là biện pháp xì hơi khi quả bóng quá căng, giống như lấy đũa khuấy nồi canh đang sôi để nước không tràn ra ngoài. Điều này có liên quan tới thể chế, ý thức hệ, lý luận và quyền lãnh đạo của Đảng. Vì vậy, chúng ta không thể nơi lỏng, không thỏa hiệp. Do các vấn đề lý luận, Đường lối, Chế độ không thay đổi, thì thế giới quan, quan niệm giá trị của cán bộ Đảng viên cũng không hề thay đổi. Vì vậy, tôi và Đ/c Trưởng ban kiểm tra kỷ luật trung ương Vương Kỳ Sơn đều cho rằng dù đánh “con Hổ tham nhũng nào” cũng chỉ là xì bớt hơi khi quả bóng quá căng, hay cũng giống như lấy đũa khuấy nồi canh đang sôi để nước không tràn ra ngoài. Đồng chí Vương Kỳ Sơn cũng nói hiện nay chỉ là trị ngọn chứ không trị tận gốc.
Khi nào chúng ta mới trị được tận gốc nạn tham nhũng? Có lẽ phải đợi tới khi mà lý luận, Đường lối, chế độ bắt đầu đứng trước sự điều chỉnh thực sự. Có người hỏi tới khi đó liệu có quá muộn không? Tôi cho rằng có lẽ chúng ta phải tìm câu trả lời trong cuốn sách “Chế độ cũ và Đại cách mạng” mà Đ/c Vương Kỳ Sơn giới thiệu với chúng ta. Đảng Cộng sản chúng ta kiên trì theo duy vật lịch sử, nhưng bản thân thuyết mang tính duy tâm, mang tính định mệnh. Chính vì vậy, nên ai dám chắc rằng nếu cứ tiếp tục đi theo thì liệu có phải là một quá trình thực hiện theo số mệnh không? Liệu chúng ta có vô tình lặp lại vết xe đổ diệt vong của ĐCS Liên Xô và Nhà Mãn Thanh hay không?
         Bởi vậy, vấn đề hiện nay không phải là vấn đề giữ cho lá cờ hồng bay được bao lâu mà là vấn đề bảo vệ non sông đất nước này được bao lâu. Vì vậy, quan điểm và lập trường của tôi là nhất quán. Tôi hy vọng, các đồng chí trong và ngoài đảng, các đoàn thể xã hội không nên hiểu lầm, hiểu sai, nếu không thì nguyên nhân chính là ở các đồng chí, chứ không phải do Tập Cận Bình tôi cố ý cản trở, bày đặt ra mê hồn trận.
        Liệu sau này có thay đổi không? Liệu có thách thức mới nảy sinh không? Để phòng ngừa, chúng ta cần đổi mới, sáng tạo kể cả đổi mới và sáng tạo về lý luận như Đ/c cựu TBT Hồ Cẩm Đào nói phải sáng tạo phương pháp quản lý xã hội. Tuy nhiên, một số dư luận lại cho rằng đây chỉ là chủ nghĩa kỹ trị để tăng cường tính chuyên chế, độc đoán của một Đảng. Có người nói cải cách kiểu này cũng chẳng khác gì kiểu cải cách thời Mãn Thanh. Nhưng nếu họ ở vào vị trí của chúng ta thì liệu họ có dám phê phán như vậy không? Một lần tới thăm Trường Đảng, tôi có nói, Các đồng chí không nên đưa ra các mục tiêu đốt cháy giai đoạn mà nên đưa ra mục tiêu sát thực.
Bởi lẽ, chúng ta hiện đang đứng trước rất nhiều vấn đề thực tế mới mẻ. Tôi sẽ không giống như các học giả, các nhà lý luận xem xét vấn đề sự việc một cách lý luận thuần túy. Vì vậy gần đây lớp học tập tập thể của Bộ Chính trị có đổi mới. Chúng tôi không chỉ mời các học giả, các nhà lý luận thuần túy mà chủ yếu mời các chuyên gia, các đồng chí lãnh đạo cấp cao ở các ban ngành, những người đã từng trải nghiệm qua nhiều công tác thức tế, có kinh nghiệm phong phú tới giới thiệu và giảng bài cho các đồng chí trong Bộ Chính trị.
         Hôm nay tới trao đổi với các đồng chí một số vấn đề liên quan tới quan điểm, lập trường và cách nhìn nhận của tôi như vậy, mong các đồng chí hiểu và thông cảm./             

Kiều Tỉnh dịch

Chú giải:

Tạp chí “Tiền Tiêu” là nguyệt san xuất bản ở Hồng Công. TBT của tạp chí này hiện nay là Lưu Đạt Văn. Các phóng viên và biên tập viên trong tòa soạn của tạp chí chủ yếu là những trí thức bất đồng chính kiến ở nước ngoài, một số là cán bộ của Trung Quốc đại lục chạy sang Hồng Công. Vì vậy, tạp chí này mang tính chống đối Trung Quốc mạnh mẽ, vì vậy Tạp chí này thuộc ấn phẩm cấm lưu hành ở Đại lục. Nội dung các bài viết trong Tạp chí này chủ yếu đề cập tới các vấn đề mâu thuẫn nội bộ trong lãnh đạo, tố cáo nạn tham nhũng của quan chức Trung Quốc. Tạp chí này lưu hành ở Hồng Công, nhưng giữ bí mật trụ sở và địa chỉ mạng.


[1] Ba bài luận văn của Mao Trạch Đông khi đó làm tài liệu học tập cho cán bộ đảng viên là: 1- Vì nhân dân phục vụ. 2- Ngu công rời núi. 3- Kỉ niệm bác sĩ Bethune.
          Henry Norman Bethune.(1890 – 1939), đảng viên ĐCS Canada. Năm 1916 tốt nghiệp Địa học y Toronto. Khi chiến tranh bùng nổ ở Tây Ban Nha ông tới giúp Tây Ban Nha, sau đó được ĐCS Canada và ĐCS Mỹ cử sang giúp Trung Quốc ở Khu căn cứ cách mạng vào tháng 1 năm 1938. Ông hy sinh trong lúc cứu chữa thương binh của Trung Quốc trên mặt trận.

[2]  “Ba tin tưởng” (Tin vào đường lối, tin vào lý luận, tin vào chế độ - ND).
Ba tin tưởng được Hồ Cẩm Đào đưa vào “Báo cáo chính trị” tại Đại hội 18 họp tháng 11/2012.

[3]  “Sự kiện tập đoàn báo chí truyền thông Nam Phương” chỉ Đảng tăng cường quản lý đối với báo chí. Theo truyền thống, nhân sự lãnh đạo do Tập đoàn này quyết định, nhưng ngày 9/4/2013 Tỉnh ủy Quảng Đông đã đột nhiên bãi chức Chủ Tịch Tập Đoàn của Dương Hưng Phong, người do Tập đoàn này đưa lên, thay vào đó đưa Dương Kiện, Phó Giám Đốc Sở báo chí tuyên truyền của tỉnh thay thế, nên đã gây chấn động dư luận báo chí Trung Quốc. Một số dư luận lên án Đảng đã can thiệp quá sâu vào nghiệp vụ báo chí.

Lên trang viet-studies ngày 14-7-13

Chủ Nhật, 14 tháng 7, 2013

KHI CÁC LÃNH TỤ BIẾT CƯỜI MÌNH

Tôi nghĩ nếu có một học giả nào tìm sự liên quan giữa chỉ số hạnh phúc của người dân và khả năng biết “cười” của các lãnh tụ xứ họ, kết quả sẽ là một tỷ lệ thuận minh chứng qua suốt bao thời đại. Và ngược lại (Alan Phan)

“Tôi nghĩ mình khôn ngoan quá nên đôi khi tôi không hiểu một lời nào mình nói ra” (I am so clever that sometimes I don’t understand a single word of what I am saying.) Oscar Wilde

Khi đứa con trai thứ hai của tôi ra đời tại California vào giữa thập niên 70s, các bạn bè chia mừng đây là đứa đầu tiên của gia đình có điều kiện ứng cử vào chức vụ Tổng thống Mỹ. Hiến pháp đòi hỏi ứng viên Tổng Thống Mỹ phải là một công dân Hoa Kỳ thực thụ ngay khi sinh ra. Thực tình, tôi luôn luôn nghĩ làm Tổng Thống Mỹ là một “cực hình” như bị một lời nguyền đen tối; hơn là một hãnh diện may mắn.

Nhìn tất cả những ông Tổng Thống Mỹ tương đối trẻ và sung sức gần đây của Hoa Kỳ, như Obama, Bush, Clinton, Carter… người ta thấy rõ ràng là những áp lực lớn lao không ngừng nghĩ từ mọi phía đã làm các ông này “già rất sớm”. Sau vài năm đầu của nhiệm kỳ, dù chỉ ở lứa tuổi trên dưới 50s, mái tóc các ông bạc phơ, vết nhăn đầy trên khuôn mặt nhiều phần đã teo tóp… mặc dù những con người nhiều quyền lực nhất thế giới đang được những vị bác sĩ giỏi chăm sóc thật chu đáo, 24 giờ một ngày.


Đây chắc chắn không phải là dấu hiệu của một đời sống hạnh phúc, sung mãn và hài hòa.
Có lẽ vì những âu lo, dằn vặt, suy tư… từng giây phút, đã khiến các Tổng Thống Mỹ phải tìm cách ứng phó để sống sót, nên họ đều chia sẽ một thói quen rất đáng yêu: họ biết tự “diễu” mình, đem cá nhân mình ra cười đùa trước công chúng, cho thấy một khía cạnh rất “con người” của họ. Nhiều bài diễn vẫn ở những bữa tiệc cho cổ động viên, bạn bè, thân hữu, đồng nghiệp… luôn luôn bắt đầu bằng những câu chuyện khôi hài (jokes) về chính bản thân mình hay những chuyện đã được các chuyên gia “cười” của các mạng truyền thông rỉ tai.


Obama thích cười về nguồn gốc da đen của mình, có lần ông hỏi người nghe là bây giờ người ta có sử dụng đúng từ ngữ khi gọi Tòa Bạch Ốc là White House? Một lần khác, ông nói về một cái joke đang thịnh hành trên mạng… Trong một buổi sáng chạy bộ ở Alabama, ông Obama chẳng may bị rớt xuống con sông sâu, đang cuồn cuộn chảy. May sao, có ba đứa trẻ đang câu cá dưới giòng, nhanh trí dùng cành cây vớt ông lên được. Obama hỏi tôi làm được gì cho các ân nhân đã cứu mạng tôi đây? Đứa trẻ đầu mong được thăm Tòa Bạch Ốc và ngủ đêm tại đó. Đứa thứ nhì mong ông Obama đến lớp học mình, bắt tay các bạn đồng lớp. Obama nói quá dễ dàng, ông sẽ làm như vậy. Còn đứa thứ ba thì lại xin ông 1 chiếc xe lăn, có gắn IPod, IPad và TV 3-D để cậu ta giải trí. Obama nói ông không hiểu, em đang khỏe mạnh thế này, sao lại muốn ngồi xe lăn? Cậu ta đáp, “Bây giờ thì khỏe, nhưng sau khi cha tôi biết tôi là người đã cứu sống ông, thì chắc chắn ông ta sẽ bẻ gãy giò của tôi.”


Ông Bush thì luôn bị chế giễu về trí tuệ cũng như kiến thức của mình về thế giới. Sự kiện ông bị ghét bỏ vì các chính sách tại Iraq, Afghanistan… cũng là một đề tài thường trực cho các jokes về cá nhân mình. Nhưng thú vị nhất là câu chuyện khi ông đi thăm một lớp tiểu học và cô giáo hỏi các học trò, “Mình đang học về thảm kịch (tragedy). Em nào cho tôi một thí dụ.” Một em nhanh nhảu  ”Em chạy ra đường chơi và bị xe đụng?” “Không, đó là một tai nạn, không phải thảm kịch” Một em khác” Xe buýt của trường rơi xuống hố và nhiều học sinh bị tử nạn?” Đó là một mất mát lớn lao (great loss) nhưng chưa là thảm kịch”. Đứa thứ ba giơ tay ” Khi Tống Thống Bush rớt máy bay chết?” “Đúng rồi, nhưng đâu là lý do sao em nghĩ đây là thảm kịch?” ” Vì chắc chắn nó không phải là một tai nạn, hay là một mất mát lớn lao.”


Ông Clinton thì mỗi đêm bị các danh hài trên TV đem ra chế giễu về tật xấu thích lăng nhăng với các phụ nữ ngoài luồng, như cô trợ tá Lewinsky. Trước mặt ông, nhà phỏng vấn Jay Leno kể lại một khảo sát của viện thống kể Gallup, về câu hỏi đặt ra cho các phụ nữ, “Cô có chịu ngủ với Tổng Thống Clinton?” Kết quả là 1% nói “yes”, 2% nói “no” và 97% nói “không thể có lần khác (never again)”. Một chuyện khác là khi bà Clinton đi khám sức khỏe, bác sĩ báo cho biết là bà vừa có bầu. Bà giận quá, vì tuổi đã lớn, còn đang làm vợ Tổng Thống mà có bầu không kế hoạch, chắc thiên hạ nhạo bang thường trực. Bà bốc phone kêu Clinton, “Quỷ râu xanh, ông có biết là vừa làm cho bà có bầu hay không?” Điện thoại im bặt một lúc lâu, mới nghe Tổng Thống nhỏ nhẹ hỏi ,”Bà là ai vậy?”.


Tổng Thống thích cười và kể chuyện cười nhiều nhất là ông Reagan. Vốn là một diễn viên điện ảnh, nên ông rất thuyết phục trong các bài diễn văn, tranh luận. Nhưng điều làm dân chúng ái mộ ông nhất là khả năng tự cười rất duyên dáng trong mọi trường hợp. Sau khi tỉnh dậy trong một cuộc mưu sát, người ta hỏi ông cảm thấy thế nào? Ông nói, “ít nhất là tôi không phải sống ở Cleveland.” Sau ông phải xin lỗi người dân Cleveland về lời diễu này.


Một lần khác, khi hỏi về nạn lạm phát vừa thừa hưởng từ Tổng Thống Carter, ông ví von về câu chuyện một Trung Sĩ đang làm trắc nghiệm về khả năng ứng phó của các tân binh. Anh Trung Sĩ hỏi người lính,” Anh đang điều khiển hệ thống xe hỏa ở nhà ga Arlington. Một con tàu từ phía Bắc khoảng 15 km đang chạy đến nhà ga với tốc độ 60 km một giờ. Trên cùng một đường sắt, một con tàu từ phía Nam chỉ cách ga có 10km, đang chạy ngược đường trên cùng đường ray, với tốc độ 50km một giờ. Anh se phải làm gì?” “Tôi phone về nhà kêu thằng em trai Billy chạy ra nhà ga gấp.” “Tại sao? Billy là một thần đồng về toán học và quản lý tình thế?””Không, hắn chỉ mới 14 tuổi, nhưng hắn chưa bao giờ thấy hai xe lửa đụng nhau cả.”


Ông Kennedy xuất thân từ một gia đình giàu có, quyền lực nên ông luôn phải đối phó với lời phê bình là gia đình ông đang cố gắng mua cho ông chiếc ghế Tổng Thống. Trong cuộc tranh cử ở West Virginia, ông bắt đầu bài diễn văn bằng cách móc trong túi ra một điện tin ông nói vừa nhận được từ ông cha,” Con chỉ nên mua vừa đủ phiếu để thắng thôi. Cha sẽ rất bực nếu phải trả tiền cho một landslide (một kết quả mà ứng viên thắng đối thủ quá đậm).”


Trong suốt lịch sử chỉ 200 năm của Mỹ, những chuyện cười về Tổng Thống hay chuyện cười do các ông kể có thể chứa đầy cả ngàn trang sách. Tôi cho đây là nét đặc thù quý báu nhất của nền dân chủ Mỹ. Ngay cả một khai quốc công thần như Washington cũng đầy những chuyện vui buồn về lỗi lầm, hối tiếc hay ngu xuẩn của cá nhân cũng như của chánh phủ do ông lãnh đạo. Đây mới thực sự là những công bộc của dân, vì dân và cho dân (of the people, by the people, for the people). Không ai có một ảo tưởng mình là thần thánh phải được tôn vinh và thờ phụng. Mọi thành tựu cũng như thất bại, lầm lẫn… đều được mổ xẻ chi tiết bởi nhiều học giả, bây giờ và tương lai, ngay cả trong những chuyện riêng tư của đời sống cá nhân. Khả năng biết tự diễu mình được đánh giá cao vì nó tạo sự gần gủi giữa nhà lãnh đạo và các người dân thường.


Tôi rất sợ những người lãnh tụ nghiêm nghị, khắc khổ và không biết cười. Như một đứa bé sợ những ác thần trong các truyện cổ tích. Trong các câu chuyện lịch sử, tôi để ý là những nhân vật như Tần Thủy Hoàng, Hitler, Kim Il Sung, Pol Pot… không bao giờ biết cười. Có lẽ vì họ quá bận rộn với sứ mạng thiêng liêng là phải biến cả dân tộc thành những cỗ người máy (robots) để phục vụ cho lý tưởng cao vời vợi của họ (cao quá nên ít người thấy hay hiểu).


Cho nên, mỗi khi đi vào phòng phiếu bầu cử ở Mỹ, nếu không biết rõ về các ứng cử viên, tôi sẽ chọn một khuôn mặt tươi cười, dễ chịu, thư giãn và thú vị. Những khuôn mặt táo bón, làm dáng quan trọng và ăn mặc đúng thời trang… là những lá phiếu thấy nhiều trong sọt rác, vì các cử tri khác cũng thường có đồng quan điểm như tôi.


Tôi nghĩ nếu có một học giả nào tìm sự liên quan giữa chỉ số hạnh phúc của người dân và khả năng biết “cười” của các lãnh tụ xứ họ, kết quả sẽ là một tỷ lệ thuận minh chứng qua suốt bao thời đại. Và ngược lại.


Thứ Bảy, 6 tháng 7, 2013

CHƠI VỚI KẺ CÔN ĐỒ KHU VỰC


Theo ANHBASAM
Theo Mỹ mất Đảng; theo Tàu mất nước. Câu nói phổ biến này ở Việt Nam đã cô đọng lại nan đề địa chính trị mà Đảng Cộng sản đang phải đối mặt. Bốn mươi năm sau khi những người lính Mỹ cuối cùng rời khỏi Việt Nam, cái Đảng đã giành được độc lập và thống nhất cho đất nước đang mất đi phần lớn tính chính danh của mình. Dường như có quay ra đề cao đạo đức của Hồ Chí Minh và các đồng chí của ông đến mấy cũng không thể khôi phục lại lòng nhiệt huyết của Đảng cũng như loại bỏ được nạn tham nhũng đã bắt rễ tràn lan trong guồng máy. Trách nhiệm lớn nhất của chế độ là đã thất bại trong việc chỉnh đốn nền kinh tế sút kém. Nhưng ngoài ra, dư luận cũng xem thường sự bất lực của Đảng trong việc bảo vệ các lợi ích của Việt Nam trước Trung Quốc.
Theo cách nhìn nhận của những người dân thường ở Hà Nội hoặc TP Hồ Chí Minh, Bắc Kinh đã rũ bỏ vỏ bọc “trỗi dậy hòa bình” và quay lại với vai trò lịch sử của mình là kẻ côn đồ trong khu vực. Tuyên bố nực cười của họ đối với tài nguyên khoáng sản biển trên toàn bộ biển Đông chỉ là một ví dụ nổi trội nhất. Việc Trung Quốc xây dựng một chuỗi các con đập trên thượng nguồn sông Mê Kông ở tỉnh Vân Nam và hậu thuẫn cho kế hoạch xây dựng thêm mười một con đập phía hạ lưu ở Lào đe dọa làm mất đi đợt lũ lụt hàng năm vốn mang lại sự màu mỡ cho vùng đồng bằng sông Cửu Long. Các doanh nghiệp Trung Quốc cũng đang săn đón các nguồn tài nguyên khoáng sản và lâm sản của Lào, thách thức quyền bá chủ của Việt Nam ngay tại sân sau của họ. Còn ở ngay tại Việt Nam, sự gia tăng đầu tư của các công ty kỹ thuật, xây dựng và khai thác mỏ Trung Quốc — đáng chú ý nhất là dự án bauxite nhiều tỷ đô la của Chinalco ở Tây Nguyên — đã thu hút sự chỉ trích nặng nề. Hàng hóa giá rẻ và thường là kém chất lượng của Trung Quốc đã tràn ngập thị trường Việt Nam, đè bẹp các nhà sản xuất nội địa.
Những người dân thường ở Việt Nam muốn trả đũa. Họ không nghĩ đến việc lực lượng vũ trang của Việt Nam không sánh được với Trung Quốc hay Việt Nam rất dễ bị tổn hại trước các cuộc trả đũa kinh tế. Các nhà phân tích phương Tây thường lý giải “sự lấn lướt” của Trung Quốc bắt nguồn từ sự trỗi dậy mạnh mẽ của chủ nghĩa dân tộc trong dân chúng và sự tận tụy thái quá của các cơ quan an ninh Trung Quốc. Thế nhưng đối với những người dân Việt Nam bình thường thì rõ ràng là sự gây hấn của Trung Quốc có sự điều phối từ Bắc Kinh. Điều đó không có gì mới: chủ đề lớn xuyên suốt lịch sử đất nước này, điều mà mọi người đều được học ở trường, là sự chống trả ngoan cường và cuối cùng giành thắng lợi trước những kẻ xâm lược. Và hầu hết các đạo quân tràn qua biên giới Việt Nam trong 2.000 năm qua đều là quân Trung Quốc. Chẳng có lý gì để tin rằng lần này sẽ khác.
Quan hệ đối tác gai góc
Việt Nam và Trung Quốc có chung 1.350 km đường biên giới và nhiều thứ khác. Cả hai nước đều là những nước theo chế độ cộng sản kiểu Lenin với một nền văn hóa chính trị được định hình bởi các khái niệm tân Nho giáo về hệ thống thứ bậc sắp xếp theo tài năng và các mối quan hệ xã hội. Đảng cộng sản cầm quyền ở mỗi nước đã trụ lại được bằng cách rũ bỏ nền kinh tế kiểu Mác-xít trong khi vẫn dung dưỡng một bộ máy an ninh nhà nước rộng khắp. “Nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” của họ cho phép các thị trường tự do, năng động cùng tồn tại với hàng ngàn doanh nghiệp nhà nước, trong đó doanh nghiệp nhà nước thống trị lĩnh vực công nghiệp nặng. Cả Bắc Kinh lẫn Hà Nội đều đang bị công kích không ngớt bởi những lời chỉ trích mạnh bạo của những người bất đồng chính kiến trên mạng Internet. Những yếu tố văn hóa và chính trị chung này là nền tảng cho một mạng lưới các mối quan hệ tham vấn giữa hai Đảng và hai Nhà nước nhằm vào việc duy trì sự hợp tác giữa hai chế độ.
Tuy nhiên, quan hệ song phương thường là gai góc. Sự chênh lệch quá lớn về tầm quan trọng về địa chính trị và kinh tế giữa Trung Quốc và Việt Nam nói lên một điều rằng mối quan hệ này về cơ bản là không bình đẳng. Họa hoằn có khi nào đó người Trung Quốc chú ý đến Việt Nam, thì họ thường chỉ coi đó như là một tỉnh lị ngang ngạnh mà bằng cách nào đó đã vuột khỏi tầm tay của mình. Ngược lại, 90 triệu dân Việt Nam luôn thường trực thái độ dè chừng trước những người hàng xóm phương bắc, vốn đông hơn họ gấp 15 lần và có nền kinh tế lớn gấp 50 lần. Tuy nhiên, Việt Nam sẽ không cúi đầu khuất phục Bắc Kinh khi sự toàn vẹn lãnh thổ bị đe dọa. Ngoại trừ Hồ Chí Minh, những vị anh hùng vĩ đại nhất của họ đều là những viên tướng đã làm quân xâm lược Trung Quốc từ triều đại này đến triều đại khác phải thoái lui. Gần đây nhất là năm 1979, khoảng 20.000 binh sĩ Trung Quốc đã phải thiệt mạng khi Đặng Tiểu Bình tìm cách “dạy cho Việt Nam một bài học” vì đã cả gan lật đổ chế độ Pol Pot do Bắc Kinh bảo trợ ở Campuchia và trở thành đồng minh của Liên Xô.
Vào giữa thập niên 1990, quan hệ Trung Quốc và Việt Nam đã trở lại êm dịu hơn. Cả hai nước đều bận rộn với cải cách kinh tế trong nước, Liên Xô đã giải thể, và Trung Quốc thì quảng bá việc “trỗi dậy hòa bình” của họ với Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN), giờ đây bao gồm cả thành viên mới là Việt Nam. Thương mại song phương dần mở rộng, hai nước thảo luận về việc nâng cấp các “hành lang thương mại” từ vùng tây nam Trung Quốc không tiếp giáp biển tới các cảng biển của Việt Nam, và đàm phán về việc phân định biên giới trên đất liền. Thậm chí những tuyên bố xung khắc về quyền sở hữu các rặng san hô, bãi đá và bãi ngầm ở biển Đông dường như đang được xử lý một cách hài hòa, nếu không nói là gần đạt tới giải pháp cuối cùng.
Tuy nhiên, mọi thứ đã thay đổi trong năm 2009. Dù là do tính toán hay sự cố ngoại giao, Trung Quốc không còn bằng lòng với việc gác lại các yêu sách chồng lấn. Tháng 5 năm đó, Trung Quốc đã đưa ra trước Liên Hiệp Quốc một tấm bản đồ mập mờ tuyên bố “chủ quyền không thể tranh cãi” đối với trên 80% diện tích biển Đông. Sau đó căng thẳng leo thang nhanh chóng, thách thức mức độ gắn kết của ASEAN, và lôi kéo các nước ngoài khu vực – gồm cả Hoa Kỳ — vào cuộc. Việt Nam và Philippines phải gánh chịu phần lớn áp lực từ bước tiến này của Trung Quốc muốn ngụy tạo các “bằng chứng” mà, cho dù không phù hợp với luật pháp quốc tế, rất khó để bác bỏ. Tinh thần dân tộc chủ nghĩa đang sục sôi ở cả ba nước, đe doạ gây ra xung đột vũ trang trên biển. Chính sách phục tùng trước Trung Quốc của Hà Nội bị phá sản.
Nhiều nhân sĩ, trí thức ngoài Đảng, cũng như một số bên trong Đảng, tin rằng giải pháp là tìm kiếm một liên minh kinh tế và quân sự trên thực tế (de facto) với Mỹ. Tuy nhiên, những thành viên cao cấp trong Đảng còn rất hoài nghi về ý định của Mỹ, họ vẫn tự coi mình như còn bị trói chặt trong cuộc xung đột một mất một còn với chủ nghĩa tự do, chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa đế quốc phương Tây. Họ chỉ miễn cưỡng thực hiện những cải cách nhắm tới việc xây dựng khả năng cạnh tranh kinh tế toàn cầu của đất nước và lôi kéo Hoa Kỳ vào làm đối trọng lại với Trung Quốc. Nhóm “bảo thủ” trong Đảng ngậm miệng trước các đòi hỏi của Hoa Kỳ muốn Việt Nam tôn trọng các quyền tự do dân chủ, vì sợ rằng mục tiêu thực sự của Washington là lật đổ chế độ cộng sản. Bất chấp tất cả những xích mích gần đây, họ vẫn không tin rằng các nhà lãnh đạo Trung Quốc sẽ phản bội lại một đảng cộng sản cầm quyền rất giống với chính Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Vẫn đang trông ngóng miếng bánh từ trên trời rơi xuống
Thật ra, hiện nay Trung Quốc chẳng mấy quan tâm tới việc giúp các anh bạn cộng sản bám lấy quyền lực so với việc khai thác tài nguyên trong khu vực và vươn vòi bạch tuộc kinh tế ra xa. Với nguồn tín dụng xuất khẩu dồi dào và khả năng vay vốn ưu đãi từ các ngân hàng nhà nước, các công ty Trung Quốc đã trở thành những đối thủ đáng gờm trong việc phát triển cơ sở hạ tầng tại Việt Nam, đặc biệt là xây dựng các nhà máy nhiệt điện. Nói chung, các công ty Trung Quốc không chèn ép các nhà thầu Việt Nam, mà thay vào đó họ giật lấy các hợp đồng từ tay các đối thủ cạnh tranh từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa Kỳ hoặc châu Âu bằng cách chào thầu với giá thấp. Thế nhưng các nhà phê bình cáo buộc các doanh nghiệp Trung Quốc về việc sử dụng lao động đồng hương, hoàn thành công việc với chất lượng thấp, thường xuyên chậm tiến độ và vượt dự toán tổng kinh phí. Phe diều hâu ở Việt Nam còn khẳng định thêm rằng sự phụ thuộc vào các nhà thầu Trung Quốc trong các lĩnh vực chiến lược như năng lượng sẽ gây nguy hại đến an ninh quốc gia.
Một chủ đề tranh cãi khác là thâm hụt thương mại tăng cao của Việt Nam với Trung Quốc, đối tác thương mại lớn nhất của họ mà nhà kinh tế Trần Văn Thọ gọi là “cơn sóng thần công nghiệp”. Cán cân thương mại của Việt Nam với các nước ASEAN khác và với Nhật Bản là tương đối cân bằng, và có thặng dư lớn với Liên minh châu Âu và Mỹ. Nhưng với Trung Quốc lại bị thâm hụt 16,4 tỷ USD vào năm 2012, giúp cho Trung Quốc có thặng dư thương mại song phương là 40%. Phần lớn hàng xuất khẩu của Trung Quốc đều ở dạng bán thành phẩm để gia công tiếp trong các nhà máy chế biến xuất khẩu của Việt Nam: vải vóc, khóa kéo, khuy, dây điện, bảng mạch và đủ loại vật tư khác. Nhưng Trung Quốc cũng cung cấp các loại máy móc thiết bị để trang bị cho các nhà máy và xây dựng cơ sở hạ tầng của Việt Nam. Cấu phần thứ ba và rất dễ thấy là hàng tiêu dùng, được bán với giá rẻ hơn các đối thủ nội địa. Báo chí Việt Nam thường xuyên đăng các bài cáo buộc Trung Quốc tuồn hàng độc hại hoặc chất lượng kém vào Việt Nam, còn bất cứ động thái khiêu khích nào của Bắc Kinh ở biển Đông cũng lập tức dẫn đến việc kêu gọi tẩy chay hàng hóa Trung Quốc.
Lẽ ra mọi việc phải diễn ra theo chiều hướng khác. Theo dự đoán của các nhà kinh tế, tới lúc này đáng ra Việt Nam đã phải giành trọn miếng bánh khỏi tay Quảng Đông. Với chi phí lao động thấp hơn đáng kể, Việt Nam là một lựa chọn hợp lý cho các nhà máy từ trung tâm chế xuất của Trung Quốc khi cần di dời tới nơi rẻ hơn. Các ngành công nghiệp may mặc và giày dép cần nhiều lao động từ lâu đã chiếm khoảng 20% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam; các ngành này đã có được bước khởi đầu trong thâp niên 1990 khi hàng may mặc và giày dép xuất khẩu của Trung Quốc bị EU và Mỹ áp hạn ngạch. Tuy nhiên, năng suất lao động vẫn còn thấp, tiền lương thực tế tăng ở mức 10% một năm trong giai đoạn 2006-11, và Việt Nam nhìn chung là đã thất bại trong việc thu hút các nhà sản xuất vốn dĩ đóng cơ sở tại Trung Quốc. Do chi phí lao động tiếp tục tăng ở cả Trung Quốc lẫn Việt Nam, các nhà máy đang chuyển sang Campuchia, Bangladesh, hay thậm chí Myanmar thay vì Việt Nam.
Tình hình kinh tế Việt Nam không phải là hoàn toàn xấu. Cùng với việc kinh tế toàn cầu dần phục hồi, khu vực đầu tư nước ngoài của Việt Nam lại đi lên một lần nữa. Thay vì chuyển nhà máy khỏi Trung Quốc, một số công ty đa quốc gia và các nhà thầu của họ đã đa dạng hóa bộ phận sản xuất bằng cách mở thêm các nhà xưởng tại Việt Nam. Theo những chứng cứ chưa đầy đủ hiện có, dường như đang hình thành một xu hướng đầu tư rõ rệt vào các dự án có chất lượng cao hơn mà có thể được hưởng lợi từ các ưu đãi thuế hào phóng. Các hãng thiết lập hoặc mở rộng nhà máy lắp ráp bao gồm những cái tên nổi tiếng như Canon, Samsung, Intel và IBM, Hitachi, Panasonic và Nokia. Tuy nhiên, gần như tất cả các vật tư đầu vào để sản xuất hàng xuất khẩu của Việt Nam đều là nhập khẩu, một phần từ Trung Quốc. Những gì được thêm vào ở Việt Nam chủ yếu chỉ là sức lao động chân tay – điều Trung Quốc có thể làm hiệu quả hơn và trên một quy mô lớn hơn nhiều.
Sai lầm chiến lược toàn diện
Năm 2008, khép lại một giai đoạn nồng ấm trong quan hệ song phương, hai tổng bí thư Hồ Cẩm Đào và Nông Đức Mạnh tuyên bố xây dựng một “quan hệ hợp tác chiến lược toàn diện”. Và nếu Trung Quốc thực sự quan tâm đến việc vun vén một mối quan hệ đặc biệt với chế độ cộng sản duy nhất khác trên thế giới theo đuổi “kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” — và qua đó củng cố ảnh hưởng ngoại giao ở Đông Nam Á — thì Bắc Kinh hoàn toàn có khả năng giúp đỡ. Mặc dù các nhà cầm quyền Việt Nam thừa nhận không lo lắng về sự mất cân bằng thương mại song phương, đó vẫn là một trách nhiệm chính trị kinh niên. Trung Quốc nhập khẩu lượng lớn cao su, than, dầu, gỗ, nông sản, và thậm chí các loài động vật đang bị đe dọa tuyệt chủng, nhưng lại chẳng màng tới hàng công nghiệp của Việt Nam. Một động thái thân thiện như gia tăng nhập khẩu hàng công nghiệp sẽ không gây tốn kém nhiều cho Trung Quốc, mà lại là tin rất tốt lành cho Hà Nội. Trên hết, một đề nghị chân thành về việc cùng khai thác tài nguyên khoáng sản và cùng quản lý nguồn hải sản trong khu vực tranh chấp song phương ở biển Đông có thể trở thành một bước đi làm thay đổi cục diện – cho quan hệ của nước này với Việt Nam và cả với ASEAN.
Tuy nhiên, thực tế là quan hệ giữa Bắc Kinh và Hà Nội đã trở nên bất ổn một cách nguy hiểm kể từ thỏa thuận năm 2008. Sức ép của Trung Quốc về các vấn đề chính trị và chiến lược đã o bế các nhà lãnh đạo Việt Nam có lẽ đến mức đe dọa sự sống còn của họ. Chế độ Bắc Kinh đã tăng cường được vị thế của mình trước những người theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan tại Trung Quốc bằng cách phô trương sức mạnh của họ ở biển Đông. Trong khi đó những nỗ lực kháng cự lại một cách thiếu hiệu quả của Hà Nội trước các hành động khiêu khích của Trung Quốc đã dần làm xói mòn vị thế của nhà cầm quyền Hà Nội trước công chúng Việt Nam. Ngoại trừ xung đột vũ trang, rất khó hình dung ra Trung Quốc còn có thể làm điều gì nữa để đẩy nhanh sự thất bại của những người lẽ ra đã vừa là bạn bè, vừa là đồng minh về mặt ý thức hệ của họ ở Việt Nam. Rất có thể, nếu các lãnh đạo Việt Nam hiện nay mất vị trí của mình, lớp lãnh đạo thay thế họ sẽ tìm cách hâm nóng quan hệ với Hoa Kỳ – một kết cục thất bại hoàn toàn do Trung Quốc tự chuốc lấy.
Đáng lo ngại hơn, một cuộc xung đột vũ trang không phải là điều viễn tưởng. Trung Quốc có hỏa lực áp đảo so với Việt Nam, nhưng Hà Nội đang nhanh chóng gia tăng khả năng răn đe trên không và trên biển. Nếu bị dồn vào chân tường, lịch sử cho thấy rằng người Việt Nam sẽ đánh trả. Một tính toán sai lầm của bên này hay bên kia đều có thể dẫn đến đụng độ vũ trang. Nó sẽ diễn ra gay gắt và đẫm máu, với những hậu quả không thể lường trước. Trung Quốc có thể tiếp tục thủ vai kẻ bắt nạt – nhưng cũng có nghĩa họ đang tiếp tục đùa với lửa.
Tác giả: David Brown
Người dịch: Huỳnh Phan, THA
Hiệu đính: David Brown, THA
06-07-2013
David Brown là một nhà báo tự do đã từng sống ở cả miền Nam và Bắc Việt Nam, từng là nhà ngoại giao Mỹ (từ thời chế độ Sài Gòn), và trong những năm gần đây đã quản lý dự án bảo tồn môi trường, biên tập báo chí và dạy học ở Việt Nam. Hiện nay ông Brown đang sinh sống ở California, Hoa Kỳ.
Bài viết này được đăng tải lần đầu tiên trên số tháng 6, 2013 của tạp chí điện tử China Economic Quarterly, do công ty Gavekal Dragonomics (Hương Cảng) xuất bản.
(Tựa đề do TSYG đặt)