Theo ANH BA SÀM
Ngày 19/1, tại tp Đà Nẵng có Hội thảo khoa học nhân sự kiện 40 năm
Trung Quốc cưỡng chiếm Hoàng Sa. Dưới đây là phát biểu của TS Đinh Hoàng Thắng,
nguyên Đại sứ Việt Nam tại Hà Lan, nguyên Trưởng Nhóm Tư vấn Lãnh đạo Bộ Ngoại
giao tại buổi Hội thảo đó:
Trận hải chiến
bi hùng xẩy ra cách đây 40 năm nhắn nhủ chúng ta điều gì, nhìn từ hôm
nay? Có thể có ba thông điệp. Thông
điệp đầu tiên, đó là lợi ích
của quốc gia – dân tộc bao giờ cũng là tối thượng! Một khi biết đặt chủ quyền
quốc gia và độc lập dân tộc lên trên hết, mọi trở ngại khác đều có thể tìm ra
phương hướng giải quyết. Thông
điệp thứ hai, lợi ích quốc
gia, quyền lợi dân tộc không phải là điều gì trừu tượng, ngược lại nó mang nội
dung rất cụ thể và sát sườn đối với mọi người Việt yêu nước. Lợi ích này còn
gắn bó chặt chẽ với lợi ích của khu vực và quốc tế.Thông điệp thứ ba, 40 năm trôi qua, nay là lúc mỗi
chúng ta, nên tự vấn lương tâm, đã làm gì để “đưa Hoàng Sa gần với đất liền”,
để trở thành “công dân danh dự của Hoàng Sa”, làm gì để giành lại Hoàng Sa và
bảo vệ Trường Sa?
Mất Hoàng Sa,
không giữ được Trường Sa sẽ mất Biển Đông. Mà mất Biển Đông là sẽ mất con đường
sống, mất một hải lộ giao thương huyết mạch của quốc gia, của các nước trong
khu vực và trên thế giới. Tuyên bố của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam và tuyên bố
của nhiều nước trong những ngày qua đang cho thấy tính nghiêm trọng của vấn đề.
Ở thời khắc hiện tại, khi chúng ta tưởng niệm ngày quần đảo Hoàng Sa bị chiếm
đóng, dù chỉ rộng có 8 cây số vuông, nhưng những thông điệp từ Hoàng Sa ngày ấy
đã xuyên suốt không gian và thời gian, giờ đây đang trở nên bức bách và đáng
báo động. Trên thực tế, những thông điệp ấy đang vượt ra khỏi mọi khuôn khổ
tưởng niệm hay hội thảo khoa học trong những ngày này. Sau đây, tôi xin trình
bày sâu hơn từng nội dung của mỗi thông điệp:
I. Chủ quyền quốc gia, độc lập dân tộc là
tài sản quý nhất
Các chuyên gia sẽ
còn mất nhiều thời gian nghiên cứu các sự kiện 19/1/1974 và 14/3/1988 để tiếp
tục rút ra bài học cho những người Việt hôm nay và các thế hệ mai sau. Chủ
quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ không thuộc sở hữu của riêng ai. Đó là tài
sản lớn nhất, quý giá và quan trọng nhất của cả dân tộc. Tổng Bí thư Nguyễn Phú
Trọng tại phiên bế mạc Hội nghị Trung ương 6 Đảng Cộng sản Việt Nam ngày
16/10/2012 đã cam kết: “Bộ Chính trị, Ban Bí thư là một tập thể lãnh đạo kiên
quyết bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ, bảo vệ độc lập dân tộc và chủ quyền quốc
gia”. Nhưng chủ quyền quốc gia và độc lập dân tộc không chỉ là vấn đề của lãnh
đạo đất nước, đó còn là vấn đề của toàn dân. Hơn thế nữa, đó từng là khát vọng
ngàn đời của những người con đất Việt từ khắp mọi góc bể chân trời.
Lấy chủ quyền quốc gia/độc lập dân tộc làm
hệ quy chiếu sẽ thêm điều kiện cho khối đoàn kết toàn dân vững mạnh. Bởi vì, cả
ba lần Trung Quốc đem quân thôn tính Hoàng Sa vào các năm 1909, 1956 và 1974
đều trùng vào thời điểm Việt Nam phải đối mặt với chiến tranh và chia cắt. Do
hoàn cảnh ấy, tiềm lực quốc gia và đồng thuận xã hội bị suy giảm. Nay công nhận
74 chiến binh Việt Nam CH như đã từng công nhận 64 chiến sĩ hải quân Việt Nam
trong vụ thảm sát Gạc Ma là liệt sĩ, là cắm một cột mốc quan trọng trên con
đường hòa hợp-hòa giải. Thống nhất giang sơn đã khó, thống nhất lòng người còn
khó hơn. Một dân tộc sẽ không thể trưởng thành nếu lòng dân ly tán. Không có
hòa hợp-hòa giải, sẽ không có dân chủ-pháp quyền. Thiếu dân chủ-pháp quyền sẽ
không có phát triển-thịnh vượng.
Nhìn từ lợi ích quốc gia, chúng ta càng
thấm thía hơn bài học cảnh giác. Trong quan hệ quốc tế, không thể “thật dạ tin người”. Mọi thứ đều có thể thay đổi,
chỉ có bảo vệ chủ quyền lãnh thổ và thống nhất quốc gia là không bao giờ thay
đổi. Chính sách ngoại giao của ta, được công bố ngay từ những ngày nền cộng hòa
dân chủ còn trong trứng nước, đó là chính sách ngoại giao có tính dân tộc và
dân chủ. Chính sách ấy lấy tư tưởng Hồ Chí Minh “dĩ bất biến, ứng vạn biến” làm
điểm xuất phát. Qua những năm Đổi mới, chính sách ấy nhấn mạnh chủ trương “đa
dạng hóa, đa phương hóa”. Đa phương hóa các quan hệ quốc tế là bất biến, tạo ra
và duy trì thế “cân bằng động” là bất biến để tùy cơ ứng biến với những điều
đang và sẽ thay đổi của các đối tác, trong đó hàng đầu là của các cường quốc.
Một điều “bất
biến” nữa giữa Việt Nam
và Trung Quốc là hai nước láng giềng cùng chung biên giới/biển đảo. Hai nước
phải sống chung với nhau là điều vĩnh viễn và không thay đổi. Tuy nhiên, cuộc
sống chung ấy cần được xây dựng trên sự tôn trọng lẫn nhau về nhiều mặt, đặc
biệt là trong tương quan “bất biến” với chủ quyền quốc gia và lợi ích dân tộc.
Không tỉnh táo nhận thức ra điều này, lệ
thuộc vào những yếu tố “vạn biến” như “mười sáu chữ”, hay “bốn tốt” đều có thể
dẫn đến những bước đi sai lầm mang lại hậu họa khôn lường cho đất nước! Chỉ
cần hữu hảo ở mức tối thiểu với nước ta, thì Trung Quốc đã không thể công bố
lệnh cấm đánh cá trên Biển Đông trong những ngày này khi khắp cả nước ta đang
tưởng niệm 40 năm ngày Hoàng Sa bị cưỡng chiếm.
II. Phải gắn tài sản nói trên với người
dân, với khu vực và quốc tế
Lợi ích quốc gia,
quyền lợi dân tộc không phải là điều gì trừu tượng, ngược lại đó là những điều
rất cụ thể, rất sát sườn đối với mọi người Việt Nam . Lợi ích quốc gia – dân tộc gắn
với đời sống mưu sinh hàng ngày của mọi người dân. Đất nước ta ba phần
là biển, một phần là đất. Vậy mà trong số nhiều bộ, nhiều ngành đang quản lý
“một phần là đất” kia, vẫn chưa hề có Bộ Kinh tế Biển. Tưởng niệm 40 năm Hoàng
Sa thất thủ là dịp chúng ta nên ngẫm lại về “tư duy biển”, về “triết lý phát
triển biển”. Tư duy đó, triết lý đó đang phát triển hay tụt hậu? Những ngày
Trung Quốc ban bố lệnh cấm đánh cá trên hầu hết 2/3 diện tích Biển Đông này,
chúng ta yêu cầu gì, nếu như không phải là yêu cầu chính đáng, ngư dân ta mỗi
lần ra khơi đánh bắt xa bờ phải được tự vệ và cần được bảo vệ.
Tình cảm của những ngư dân có cuộc sống cheo leo giữa biển khơi sóng dữ
trong những ngày này không phải là thứ chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi, vị kỷ. Quyền
lợi của Việt Nam gắn bó với quyền lợi của cả khu vực và quốc tế. ASEAN, Mỹ,
Nhật và nhiều nước châu Á khác đều hiểu rất rõ: Trung Quốc đâu chỉ bắt nạt hay
bắt bí một mình dân Việt Nam. “Chuông nguyện hồn ai?” Các nước trong khu vực và
trên thế giới nhận thức từ rất sớm, chuông nguyện chính cả bản thân mình. Đài
Loan, Philippines, Mỹ và Nhật Bản đều đã lên án Trung Quốc. Hy vọng lần lượt sẽ
có phản kháng từ các nước khác. Trung Quốc không thể biến một hải lộ vận tải
quốc tế có ý nghĩa sống còn đối với nhiều nước thành cái ao nhà của mình. “Những
kẻ bắt cóc trên biển” không thể tự tung tự tác, múa gậy vườn hoang như thế.
Chủ nghĩa khu vực “mở” sẽ là nguồn sức mạnh. Các quốc gia trong vùng không
thể “khấu đầu” trước một Trung Quốc hung bạo, hành động trái với đạo lý và luật
pháp quốc tế. Nếu cứ chấp nhận như vậy, sau lệnh cấm đánh bắt cá và các tàu
thuyền lưu thông trên Biển Đông phải xin phép nhà đương cục Hải Nam thì tới
đây, Trung Quốc có thể sẽ thiết lập ADIZ trên Biển Đông và cứ thế tiếp tục leo
thang. Kết quả là DOC bị Trung Quốc chà đạp, COC sẽ không đi đến kết cục như đa
số thành viên ASEAN mong đợi. Biển Đông sẽ căng thẳng hơn và hỗn loạn. Các nước
trong vùng buộc phải chạy đua vũ trang. Khu vực giống như một thùng thuốc súng.
Tình trạng “bên miệng hố chiến tranh” sẽ lấn át viễn cảnh hòa bình. An ninh và
an toàn hàng hải trên Biển Đông sẽ bị đe dọa từng phần và toàn cục.
III. Chúng ta
làm gì vì Hoàng Sa và Trường Sa?
Không một quốc gia nào đón đợi viễn cảnh nói trên, trừ những kẻ rắp tâm gây
ra trạng huống ấy. Vì vậy, thông điệp thứ ba từ Hoàng Sa chính là trách nhiệm
chúng ta đối với sự nghiệp bảo vệ biển đảo của Tổ quốc. Trong những ngày này,
một lần nữa, xin đề nghị nhà nước CHXHCN Việt Nam chính thức công nhận 74 chiến
binh của Việt Nam Cộng hòa đã hy sinh để bảo vệ Hoàng Sa cách đây 40 năm là những
liệt sĩ. Vẫn biết, sự tôn vinh trong trái tim nhân dân là sự tôn vinh cao nhất
và vĩnh hằng. Nhưng như đã nói ở trên, sự công nhận chính thức của nhà nước
cũng là “nhất cử lưỡng tiện”. Nhân đây xin đề xuất: đưa các cuộc chiến đấu bảo
vệ Hoàng Sa, Trường Sa, đưa các cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam năm 1978 và
biên giới phía Bắc năm 1979 vào sách giáo khoa lịch sử.
Đảo bị chiếm không đồng nghĩa với đảo bị mất! Để giành lại Hoàng Sa và một phần Trường Sa,
phải coi trọng cuộc đấu tranh chính trị và pháp lý. Trung Quốc đem quân đánh
chiếm các đảo của một quốc gia láng giềng là hoàn toàn đi ngược lại những
nguyên tắc sơ đẳng trong quan hệ quốc tế. Dù Trung Quốc không đồng ý, Việt Nam
vẫn phải thu thập, hoàn chỉnh hồ sơ trên cả hai mặt: tranh chấp lãnh thổ và
tranh chấp hàng hải. Phải dầy công nghiên cứu và học hỏi kinh nghiệm để Việt
Nam đưa Trung Quốc ra Tòa án quốc tế. Hành vi này, trước hết, nhằm duy trì tính
liên tục trong các tuyên bố về chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo và các
đảo bị chiếm đóng. Một vụ kiện Trung Quốc ở thời điểm hiện nay sẽ giúp Việt Nam
thoát được cái bẫy “nguyên tắc đồng thuận” được quy định tại Tòa quốc tế.
Trung Quốc thường biện bạch về những “cơ sở lịch sử”, vì nhìn chung, Trung
Quốc là quốc gia có truyền thống làm sử được xếp hạng trên thế giới. Tuy nhiên,
tư liệu lịch sử thật của họ về biển đảo lại đuối lý hơn so với chúng ta. Trên
thực tế, Trung Quốc là một “quốc gia lục địa” chứ không đủ điều kiện để được
coi là quốc gia biển (do tỷ lệ đường bờ biển trên tổng diện tích lãnh thổ là
một tỷ lệ thấp). Triết lý phát triển của họ xưa nay là “tư duy lục địa”. Não
trạng người Trung Quốc là não trạng của cư dân bình nguyên và thảo nguyên chứ
không phải là não trạng của ngư dân. Họ từng quay lưng ra biển từ hàng mấy ngàn
năm trước. Có vô số chứng cớ về việc các triều đại phương Bắc đã giao phó trách
nhiệm về Biển Đông cho các vua chúa Việt Nam, còn Trung Quốc chủ yếu “ngồi chờ
báo cáo”.
Ngày nay cần gắn bảo vệ chủ quyền biển đảo với Nghị quyết 22 của Bộ Chính
trị (10/4/2013) về việc tích cực và chủ động hội nhập
toàn diện. Nghị quyết chỉ rõ, đường lối của nhà nước trong vấn đề biên giới
lãnh thổ giúp ta tranh thủ được sự ủng hộ quốc tế đối với chính sách đúng đắn
và lập trường chính nghĩa của Việt Nam. Trong khi nỗ lực phát huy sức mạnh nội
tại, hội nhập quốc tế sẽ giúp chúng ta nâng cao tiềm lực mọi mặt, trong đó có
tiềm lực quốc phòng để bảo vệ Tổ quốc. Hội nhập toàn diện kiến tạo nên hệ thống
đối tác chiến lược và đối tác toàn diện, giúp ta cộng hưởng chặt chẽ hơn với
khu vực và quốc tế trong việc thúc đẩy thực thi các hiệp định, hiệp ước ký kết
với láng giềng, trong đó có các văn kiện liên quan đến biên giới, biển đảo, góp
phần duy trì hòa bình và an ninh khu vực.
*
Tưởng niệm ngày
Hoàng Sa bị chiếm đóng, chúng ta nhận thức rằng, biển đảo chỉ là một trong
nhiều vấn đề hiện nay của bang giao Việt-Trung. Giới học thuật Trung Quốc gần
đây đã tiết lộ một số quan điểm khá thực tiễn về tổng thể quan hệ Trung-Việt.
Trong một bài viết của mình, tác giả Kha Tiểu Trại cho rằng không có cơ sở để
tìm được “sự đột phá” trong quan hệ với Việt Nam. Quan hệ Trung-Việt chỉ có thể
xếp trên quan hệ của Trung Quốc với Philippines . Theo tác giả, sự tương
đồng ý thức hệ không phải là cơ sở cho “sự đột phá”. Thực tiễn lịch sử bang
giao hàng ngàn năm nay đã chứng minh xu thế không mấy tích cực trong quan hệ
giữa hai nước sau khi đã được bình thường hóa. Vẫn theo nghiên cứu gia này,
điều cần làm hiện nay là phải “tái bình thường hóa” bang giao Trung-Việt.
Để kết thúc tham
luận, xin nhắc lại ý kiến của nhiều chuyên gia: Hoàng Sa và Trường Sa từ nay là
chất men mới để giáo dục lòng yêu nước. Hãy cổ võ trên cả nước các chương trình “Nhịp cầu Hoàng Sa”, “Ngàn thanh
niên thế kỷ 21”, “Giấc mơ Việt Nam”, “Chương trình Minh triết về Biển Đông”,
“Nuôi chí giành lại Hoàng Sa”. Từng
cá nhân hãy xây dựng cho mình kế hoạch nâng cao năng lực bản thân để tăng sức
mạnh cộng đồng. Hãy tích cực góp phần thực hiện tốt hòa giải, hòa hợp dân tộc,
dân chủ hóa và hội nhập quốc tế toàn diện, xây dựng đất nước trong ấm ngoài êm.
Đó mới là nền tảng lâu bền để giữ vững Trường Sa và đòi lại Hoàng Sa. Chỉ một
chút thờ ơ với bảo vệ chủ quyền biển đảo, lãnh thổ đất nước, nơi bao máu xương
cha ông đã đổ xuống để gìn giữ, cũng là đắc tội với tổ tiên.
Hà
Nội, ngày 11 tháng 1 năm 2014
(Tên bài do TSYG đặt)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét