Thứ Bảy, 15 tháng 9, 2012

CHIẾN TRANH, HẬU CHIẾN VÀ HÒA HỢP, HÒA GIẢI


Trần Thạch Sa
(Tác giả gửi tới TSYG)

 Thông thường, sau một cuộc phân tranh "thư hùng", thì tinh thần "Mã Thượng" của bên thắng là một yếu tố rất cần thiết, nếu không muốn nói là, "tuyệt đối cần thiết", để hóa giải hận thù, bình ổn cục diện thời "hậu chiến" ...

   Anh hùng trong thần thoại Hy Lạp, Achilles, đã phải nhận lấy một vết nhơ không thể xóa mờ trong huyền thoại anh hùng của mình, khi đã nhẫn tâm kéo xác Hector, một đối thủ cũng anh hùng, đằng sau xe ngựa ... Cuối cuộc chiến thành Troia, Achilles đã phải lãnh lấy cái chết vào gót chân, do sự nổi giận của các vị thần ...

   Thời Chiến Quốc, tướng nước Tần là Vũ An Quân Bạch Khởi, trong một đêm giết chết 40 vạn hàng binh nước Triệu ở ải Trường Bình, sau phải chết vì lưỡi gươm oan nghiệt "tam ban triều điển" do lời gièm pha ... "Tương truyền về sau vào khoảng cuối đời nhà Đường, sấm sét đánh chết một con trâu, dưới bụng trâu có hai chữ “Bạch Khởi”. Người ta nói Bạch Khởi vì giết người nhiều quá, nên mấy trăm năm sau vẫn còn phải chịu cái quả báo làm kiếp trâu bị sét đánh."

   Thời Hán - Sở tranh hùng, Tây Sở Bá Vương Hạng Võ đang đêm sai quân đánh úp, chôn sống 20 vạn hàng binh nước Tần ở thành Tân An, sau phải chịu thất bại, tự sát tại bến Ô Giang, trước Lưu Bang, Hán Cao Tổ.

   Ở Việt Nam, thời Trần, vị vua anh minh Trần Nhân Tông đã cởi ngự bào đắp lên thủ cấp của Toa Đô, và nói : "Người làm tôi phải nên như thế này", rồi sai người khâm liệm chôn cất tử tế.

   Nhưng sau đó, vua tôi nhà Trần lại buộc phải dùng độc kế, cho đục thuyền giết chết Ô Mã Nhi, một danh tướng Nguyên Mông, trên đường trao trả, để "diệt trừ hậu họa". Các Sử Gia đời sau đều phê phán là bất nhân, bất nghĩa.

   Hậu quả của việc làm này đã khiến cho, vào thời Lê Lợi kháng chiến chống quân Minh, việc sắp xếp giảng hòa giữa ta và quân Minh bị cản trở, dọn đường cho bọn Liễu Thăng, Mộc Thạnh mang quân sang tiếp cứu, như sau: 

   “Tháng chạp năm Bính Ngọ [1426] vua [Lê Thái Tổ] thân đốc suất tướng sĩ ngày đêm đánh Đông-Đô. Bọn Vương Thông, Sơn Thọ nhà Minh hễ đánh là thua; chán nản lo sợ, mưu kế đã cùng, viện binh không có, tình thế ngày một khốn bèn sai người đưa thư xin hòa, mong được toàn quân trở về nước. Vua nói: “Câu đó đúng hợp ý ta. Vả lại binh pháp có nói không đánh mà khuất phục được quân của người là kế hay hơn cả.” Bèn bằng lòng cho giảng hòa, hẹn ngày kíp gọi quân sĩ các thành cùng một lúc tập hợp tại thành Đông-Quan để cho về nước. Sai cận thần trao đổi với quân Minh, cho phép họ được đi lại mua bán không khác gì thường dân.” 

   “Bấy giờ bọn ngụy Đô-ty Trần Phong, Tham-chính Lương Nhữ Hốt, Đô-Chỉ-huy Trần An Vinh đã bán nước làm quan to cho giặc, sợ sau khi giặc rút về hắn sẽ hết bề sống sót, bèn ngấm ngầm tâu với nhà Minh rằng: 

   “Trước kia Ô Mã Nhi bị thua ở sông Bạch-Đằng đem quân về hàng. Hưng-Đạo-Vương cho hàng, nhưng mưu lấy thuyền lớn đưa họ về nước, rồi cho người giỏi bơi lặn sung vào phu thuyền. Ra đến ngoài biển, lừa lúc ban đêm mọi người ngủ say, bọn phu thuyền lặn xuống nước dùi thủng đáy thuyền, những người đầu hàng đều bị chết đuối hết, không một ai sống sót trở về được.” 

   “Bọn Vương Thông tin lời, đem lòng ngờ vực, lại nảy ra ý khác. Bèn đắp thêm tầng lũy kép, thả chông để làm kế tạm bợ, ngoài mặt nói hòa hiếu nhưng ngấm ngầm bày mưu tính kế. Chúng bí mật sai mấy chục bọn mang thư bọc sáp, đi lối tắt về xin viện binh.”  ( Đại Việt Sử Ký Toàn Thư )

   Chỉ đến khi Vương Thông nghe tin hai đạo viện binh bị đánh tan, viiêc giảng hòa mới thành công. Lê Lợi cùng Vương Thông tiến hành làm lễ thề trong thành Đông Quan, hẹn đến tháng chạp âm lịch năm Đinh Mùi (1427) rút quân về. Để giữ hòa hiếu, mưu đồ đại cục, triều đình nhà Lê đã cấp thuyền và ngựa cho quân Minh an toàn về nước, hai bên chấm dứt can qua, nhà Lê ổn định được lâu dài ...

   Nhà Tây Sơn với nhiều chiến công hiển hách, nhưng võ công nhiều, văn trị ít, hủy hoại lăng miếu tiền triều, ngoài Bắc san bằng làng Tiên Điền, trong Nam đốt phá Nông Nại đại phố, Mỹ Tho đại phố, ... khiến lòng dân không phục, sự nghiệp không bền, mặc dù về đối ngoại, vua Quang Trung đã cố giữ hòa hiếu ngoài mặt với nhà Thanh, sau khi đánh bại 30 vạn quân xâm lược ...

   Vua Gia Long, sau khi thống nhất đất nước, đối với nhà Tây Sơn thì tìm cách tận diệt, trả thù tàn độc, là một điểm đen trong lịch sử ... Nhưng đối với dòng dõi vua Lê và chúa Trịnh thì khoan dung, xóa bỏ hận thù để cố kết lòng người, nên sự nghiệp cũng được tương đối lâu bền ...

 Sinh thời, Nguyễn Huệ, khi còn là Long Nhương Tướng Quân, dưới quyền Nguyễn Nhạc, do anh em bất hòa, đã từng đem quân vây bức Nguyễn Nhạc tại thành Quy Nhơn ... Cũng cần phải biết, sau khi vua Quang Trung băng, nhà Tây Sơn đã tự suy yếu nhanh chóng : vua Cảnh Thịnh, kế nghiệp vua Quang Trung, còn nhỏ ( do vua Quang Trung "bỏ trưởng lập thứ" ...), Thái Sư Bùi Đắc Thuyên chuyên quyền ( tương tự trường hợp Thái Phó Trương Phúc Loan của chúa Nguyễn ), các tướng tá tranh quyền, nghi kỵ, giết hại lẫn nhau, ... ; Sau đó, vua Thái Đức Nguyễn Nhạc, lúc này đã tự từ bỏ đế hiệu, chỉ xưng là Tây Sơn Vương, bị vua Cảnh Thịnh ( là cháu ruột gọi vua Thái Đức bằng bác) cướp hết cơ nghiệp, uất ức mà băng ... Thời gian đó, lưu truyền những câu ca dao :
- Lạy Trời cho cả gió nồm
Để cho chúa Nguyễn kéo buồm thẳng ra

- Ngó lên ngọn tháp Cánh Tiên
Cảm thương quan Hậu thủ thiềng ( thành ) ba năm

   Quan Hậu là Chưởng Hậu Quân Võ Tánh, phò mã của chúa Nguyễn Ánh. Chứng tỏ dân chúng đã chán ghét nhà Tây Sơn, nên việc nhà Tây Sơn sau khi sụp đổ không có cuộc nổi dậy khôi phục nào, không hẳn chỉ do nguyên nhân vua Gia Long "truy cùng giết tận" ...

   Ở Mỹ, người ta đã hành xử như thế nào sau cuộc nội chiến phân tranh Nam - Bắc Mỹ. đối với những người còn sống, cũng như đối với những người đã chết ... !? ...

   Xin hãy đọc những dòng sau đây, và suy ngẫm :

   BÀI HỌC TỪ CUỘC NỘI CHIẾN HOA KỲ

    Giao Chỉ Vũ Văn Lộc

     Mỗi người khi đến Hoa Kỳ nếu được về miền Nam tiểu bang Virginia, tình cờ tìm hiểu về cuộc nội chiến gần 150 năm về trước có thể chợt thấy một vài thời điểm có ý nghĩa và cần suy tư.

     Tháng 4 của Hoa Kỳ là một ngày tháng đáng lưu ý của lịch sử.

     Cuộc nội chiến Nam Bắc Hoa Kỳ bắt đầu vào ngày 12 tháng 4-1861. Bốn năm sau vào ngày 9 tháng 4-1865, tướng Lee của miền Nam đầu hàng tướng Grant của miền Bắc.

     Cuộc chiến tranh với hàng trăm trận đánh tại miền Ðông Hoa Kỳ trong trọn vẹn 4 năm đã làm cho quân hai bên chết 620 ngàn và hàng triệu người bị thương tích. Miền Bắc thắng trận, thống nhất đất nước, giải phóng nô lệ và hy sinh thêm vị anh hùng Mỹ quốc. Ðó là Tổng Thống Lincoln.

     Trong trận đánh cuối cùng, quân miền Bắc chiếm được Richmond là thủ đô của miền Nam vào ngày 2 tháng 4-1865. Hai ngày sau Tổng Thống Lincoln của Hoa Thịnh Ðốn đến thị sát Richmond, bước vào dinh tổng thống miền Nam đã bỏ chạy. Tiếp theo là Tướng Lee đầu hàng ngày 9 tháng 4 và vào ngày 15 tháng 4-1865, Tổng Thống Lincoln bị ám sát chết.

  Vị tổng thống thứ 16 trở thành vĩ nhân thống nhất đất nước và giải phóng nô lệ nhưng chỉ vui với chiến thắng chưa được một tuần lễ.

     Chúng tôi dù đã mang quốc tịch Mỹ nhưng vẫn nhớ về quốc tổ, về Trưng Nữ Vương và các anh hùng dân tộc Việt Nam. Có lẽ sau 30 năm, di dân Lạc Hồng tại Hoa Kỳ dù mang quốc tịch Mỹ, chúng ta cũng cần biết thêm chút lịch sử của Hiệp Chủng Quốc với các dữ kiện căn bản của chương trình trung học.

     Số là sau chiến tranh dành độc lập, mười ba xứ thuộc địa Bắc Mỹ thắng Anh quốc trở thành Hoa Kỳ với tổng thống Washington thì tiếp theo đến trận nội chiến chia đôi Nam Bắc là một vết thương đau đớn nhất.

     Vào thời kỳ đó, nước Mỹ gồm các tiểu bang Ðông Bắc có thủ đô Hoa Thịnh Ðốn chủ trương giải phóng nô lệ. Tổng thống Hoa Kỳ là Luật Sư Lincoln tuyên bố quốc gia không thể có hai luật, một nửa có nô lệ, một nửa không.

     Quân chính phủ miền Bắc gọi là quân đội Potomac, lấy tên của dòng sông diễm lệ chạy qua thủ đô. Các tiểu bang miền Nam sống về canh nông quyết đòi giữ lại chế độ nô lệ để khai thác cho nông nghiệp. Tổng thống miền Nam là ông Davis. Thủ đô là Richmond và quân đội do tướng Lee chỉ huy được gọi là quân đội Virginia.

     Nội chiến xảy ra trong hai nhiệm kỳ của ông Lincoln từ 1861 đến 1865 với hai vị tướng chỉ huy sau cùng là Tướng Ulysses S. Grant của miền Bắc và Tướng Robert E. Lee của miền Nam. Tuy miền Nam với các tiểu bang ly khai bầu ra một Tổng Thống Jefferson Davis nhưng nhân vật anh hùng miền Nam chính là Tướng Lee.

     Khi cuộc chiến Nam Bắc bùng nổ, nước Mỹ chia đôi. 11 tiểu bang miền Nam ly khai với 9 triệu dân và thêm 4 triệu dân nô lệ da đen. Chính phủ liên bang Hoa Kỳ còn lại 21 tiểu bang miền Bắc với 20 triệu dân.

     Ông Robert Lee nguyên là tướng lãnh của quân đội liên bang Hoa Kỳ nhưng gốc người miền Nam. Ông đã từng là chỉ huy trưởng trường West Point.

     Tháng 4-1861 khởi chiến Nam Bắc, Tướng Lee được đề nghị chỉ huy quân đội miền Bắc nhưng ông không nhận và xin từ nhiệm để về đầu quân miền Nam tại Richmond, tiểu bang Virginia. Ông nói là không thể quay lưng với nơi ông đã sinh ra và trưởng thành.

     Trong chiến tranh, ông lập được nhiều chiến công và là vị tư lệnh sau cùng của miền Nam nhưng sau khi thủ đô Richmond của miền Nam bị thất thủ, ông đã quyết định đầu hàng. 

     Cuộc chiến tranh tương tàn đẫm máu làm tổn hại hàng triệu sinh linh Hoa Kỳ, tan nát các đô thị miền Ðông và vùng Virginia. Tất cả đã thể hiện trong tác phẩm và cuốn phim bất hủ Cuốn Theo Chiều Gió mà chúng ta đã đọc cũng như coi nhiều lần suốt thời niên thiếu.

     Ngay cho đến bây giờ, tác phẩm này vẫn còn là tài liệu được đem dạy ở trường học với sự say mê và hãnh diện của nhiều thế hệ Hoa Kỳ.

     Ðó là những bài học gì mà chiến tranh, giết người, đốt nhà, nồi da nấu thịt đã đem lại cho thế hệ nối tiếp. Chúng tôi xin duyệt lại cùng quý vị câu chuyện hậu chiến Hoa Kỳ để cùng suy ngẫm về việc hòa hợp hòa giải. 

     Trước tiên bắt đầu về câu chuyện đầu hàng. Sau chiến tranh, nước Mỹ sưu tầm và dựng lên khắp miền Ðông hàng trăm viện bảo tàng. Mỗi tiểu bang ít nhất là một viện bảo tàng. Mỗi trận đánh trên chiến trường xưa cũ với các di tích đều có một viện bảo tàng.

     Bằng hội họa, nhiếp ảnh, dữ kiện, thêm vào âm thanh ánh sáng người ta dựng lại lịch sử các cuộc thương thuyết, các cuộc điều binh và các trận chiến. Quân đội hai bên Nam Bắc, quân phục màu xanh, quân phục màu xám, các tướng lãnh, sĩ quan, binh sĩ và dân chúng. Những cái chết đau thương và anh hùng của cả hai bên, những mối tình bất hủ, tràn đầy hình ảnh em hậu phương, anh tiền tuyến.

     Không phải hàng trăm mà có đến hàng ngàn tác phẩm điện ảnh về chiến tranh Nam Bắc. Cả những phim vĩ đại mới ra đời trong vài năm gần đây vẫn còn hình ảnh của cuộc nội chiến ngày xưa.

     Cuộc nội chiến đau thương xưa cũ đã là niềm cảm hứng cho tinh thần nhân bản xây dựng trên tro tàn của một thời nội chiến Hoa Kỳ.

* * *

     Xin nhắc lại một lần nữa, bài học phải bắt đầu từ câu chuyện đầu hàng.

     Ðúng như vậy, trong hàng trăm bảo tàng viện về Civil War của Hoa Kỳ, thì viện bảo tàng Appomattox Court House ở Virginia là nơi nổi tiếng nhất vì dựng lên ngay tại một ngôi nhà mà Tướng Lee đã đến ký văn bản đầu hàng ngày 9 tháng 4-1865.

     Tại đây, câu chuyện về vị tướng phe bại trận miền Nam lại được viết ra và hình ảnh của ông lại được chiêm ngưỡng nhiều hơn cả phe thắng trận.

     Lịch sử ghi lại rằng vào sáng ngày 9 tháng 4 cách đây 140 năm, thủ đô miền NamRichmond thất thủ, kỵ binh của miền Bắc cùng với 3 quân đoàn bộ binh vây hãm quân miền Nam hết đường tháo lui.

     Bộ tham mưu của Tướng Lee đề nghị phân tán để giữ lực lượng đánh du kích, nhưng Tướng Lee quyết định đầu hàng. Vị danh tướng của Hoa Kỳ trải qua bao nhiêu chiến thắng nhưng sau cùng vì quân số và tiếp vận bị giới hạn nên đành bất lực chấp nhận thua cuộc. Với lá thư riêng ông gửi cho Tướng Grant của miền Bắc yêu cầu thu xếp buổi họp mặt.

     Ông Grant nhận được thư hết sức vui mừng và bỗng nhiên thấy hết ngay cơn bệnh nhức đầu ghê gớm hành hạ ông từ nhiều ngày qua.

     Vị tư lệnh miền Bắc ra lệnh nghiêm cấm các sĩ quan và binh sĩ trực thuộc không được tỏ ra bất cứ hành động nào vô lễ với ông tướng tư lệnh miền Nam bại trận.

     Trưa ngày lịch sử 9 tháng 4-1865, Tướng Lee và một đại tá tùy tùng cưỡi ngựa vượt qua phòng tuyến đến nơi hẹn ước. Hình ảnh ghi lại hai người đi qua đoàn quân nhạc của lính miền Bắc thổi kèn chào đón. Các sĩ quan miền Bắc đưa vị tư lệnh miền Nam vào phòng họp. Nửa giờ sau Tướng Grant và đoàn tùy tùng miền Bắc đến.

     Cả hai vị tư lệnh đã biết nhau trong cuộc chiến tranh với Mễ Tây Cơ. Họ đã nhắc lại một thời bên nhau trong quá khứ. Tướng Grant sau này thú nhận là ông rất ngần ngại và thực sự hổ thẹn khi phải hỏi Tướng Lee nói về quyết định đầu hàng.

     Theo quy luật chiến tranh thời đó, quân miền Nam phải giải giới, tước bỏ khí giới và quân dụng. Tự do trở về quê cũ như các dân thường. Tướng Lee đồng ý nhưng chỉ đòi hỏi một điều sau cùng là yêu cầu cho binh sĩ của ông được giữ lại lừa ngựa, vì lính miền Nam đem ngựa từ các nông trại của họ đi chiến đấu. Không phải ngựa của chính phủ cấp như lính miền Bắc.

     Tướng Grant thỏa hiệp là sẽ không sửa chữa chính thức trên văn bản nhưng thực tế sẽ cho lệnh để lính miền Nam đem lừa ngựa về nhà mà xây dựng lại nông trại.

     Sau này khi viết về văn bản đầu hàng, lịch sử ghi rằng đây là thỏa hiệp của những người quân tử (The Gentlemen's Agreement). Trên các bảo tàng viện và đặc biệt là bảo tàng viện ở Appomattox Virginia có tranh sơn dầu hình Tướng Lee hiên ngang quắc thước trong bộ quân phục xanh dương, tóc và râu bạc, thể hiện hình ảnh người Mỹ anh hùng không bị khuất phục dù thua trận. Toàn thể nước Mỹ hiểu rằng khi một người Mỹ bị nhục, thì dù là Mỹ miền Nam hay Mỹ miền Bắc cũng vẫn là một người Mỹ bị sỉ nhục.

     Thực vậy, 140 năm sau, chúng tôi đi thăm viện bảo tàng đầu hàng, cô Mary quản thủ cơ sở đã nói rằng dù hình ảnh của miền Nam hay miền Bắc, lịch sử không muốn ghi lại các hình ảnh xấu xa của bất cứ phe nào.

     Ở đây là nơi lưu giữ hình ảnh của các anh hùng miền Nam lẫn miền Bắc. Ðặc biệt là hình ảnh của phe bại trận lại được lưu ý hơn cả phe chiến thắng. Lá cờ rách của miền Nam thua trận treo tại thủ đô Richmond bây giờ lại là bảo vật hào hùng của bảo tàng viện đầu hàng.

     Và hình Tướng Lee cưỡi ngựa đi đến nơi họp mặt với đoàn quân nhạc miền Bắc chào đón. Hình Tướng Lee ký tên xong ra đi được sĩ quan và binh sĩ miền Bắc tiễn đưa và vẫy tay chào.

Tướng Lee (tóc bạc) đang bắt tay tướng Grant

     Bây giờ hình tượng của tướng Lee tràn ngập ở miền Nam Virginia. Câu lạc bộ Lee, bảo tàng viện Lee, Lee High Way, Fort Lee và các đồn trại của quân đội liên bang mang tên vị tướng thua trận như là một biểu tượng anh hùng. Bởi vì người Mỹ đã thấm nhuần bài học rất Hoa Kỳ. Bài học của người lính dũng cảm cả hai phe trong chiến tranh và người quân tử của thời hậu chiến.

     Trong cuộc nội chiến tại nước Mỹ vào thế kỷ 19, sau cùng được thua thì cũng vẫn là nước Mỹ và người Mỹ.

  Lịch sử của Hoa Kỳ quá ngắn ngủi và đạo lý của người dân tứ chiếng như Hiệp Chủng Quốc thì vốn không thể nào sánh với lịch sử và truyền thống đặc biệt của người Việt Nam.  
     Ðã vậy, câu chuyện vẫn chưa xong. Qua bài học thứ hai, chúng tôi xin kể thêm về vấn đề nghĩa trang và mộ phần của các liệt sĩ phe chiến bại tại Hoa Kỳ.

     Tại nước Mỹ có một nghĩa trang quốc gia nổi tiếng khắp thế giới. Ðó là nghĩa trang Arlington. Ðây là nghĩa trang chính thức của liên bang Hoa Kỳ, của người miền Bắc trong trận chiến Bắc Nam.

     Sau cuộc nội chiến, các tiểu bang miền Nam có hàng ngàn nghĩa trang lớn nhỏ chôn cất tử sĩ của phe bại trận và trên đó luôn luôn có lá cờ gạch chéo đã một thời tung hoành trên chiến trường.

     Ngay sau khi chiến tranh chấm dứt, hoàn toàn không có tù binh, không có cải tạo tập trung, ai về nhà đó, cùng xây dựng lại quê hương.

     Nghĩa trang bên nào bên đó tự lo lấy, xấu đẹp tùy sức. Nhưng điều đáng ngạc nhiên là ngay tại nghĩa trang quốc gia của phe miền Bắc ở thủ đô Hoa Thịnh Ðốn có một khu chôn cất tử sĩ miền Nam với tượng đài gọi là Confederate Memorial.

  Cũng phải nói rằng, thực sự sau nội chiến, dư vị cay đắng giữa Nam Bắc Hoa Kỳ vẫn còn nhiều. Dễ gì mà trút bỏ hận thù ngay sau khi hai bên chết cả gần một triệu người mà một số lớn đã giết nhau khi giáp mặt bằng gươm dao. Hai phe cùng đốt nhà của nhau và cùng tàn phá đô thị và nông trại, đôi khi có cả những hành động dã man như hãm hiếp phụ nữ và tàn sát trẻ em. Cuộc chiến nào mà không có những lần quá độ.

     Năm 1900 tức là gần 40 năm sau cuộc chiến, mở đầu cho giai đoạn hòa giải dân tộc và năm 1991 thì các liệt sĩ miền Nam được cải táng đưa vào một khu đặc biệt trong nghĩa trang Arlington gọi là Confederate Section. Tổng cộng gần 500 mộ phần quây tròn chung quanh một tượng đài do nhà tạc tượng danh tiếng là điêu khắc gia Moses Ezekiel thực hiện.

     Trên đỉnh của chân bệ hình vòng cung như nóc Tòa Quốc Hội là hình tượng cao 32 feet của một thiếu phụ tượng trưng cho miền Nam. Ðây là hình ảnh bà mẹ của phe bại trận đã có con trai hy sinh cho cuộc chiến. Phía dưới là bài thơ đại ý như sau:

     "Ở đây chẳng có vinh quang hay tưởng lệ.
     Ở đây chẳng phải binh đoàn hay cấp bậc.
     Ở đây chẳng có tham vọng hay mưu cầu.
     Ở đây chỉ đơn thuần là nhiệm vụ.
     Những người nằm ở đây đã hiểu rõ
     là họ trải qua gian khổ, đã hy sinh
     đã liều thân và sau cùng đã chết."

     Chúng tôi có một ông bạn làm thông dịch viên cho Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ vẫn có dịp hướng dẫn cho các nhân viên cao cấp ngành ngoại giao các nước đến Thủ Ðô Hoa Thịnh Ðốn. Tôi vẫn thường bảo rằng ông nên dẫn khách lúc rảnh rỗi đi thăm bảo tàng viện "Ðầu hàng" và nghĩa trang phe thua trận ở Arlington.

     Nơi đó thường dạy chúng ta bài học làm người văn minh.

     Xem lại lịch sử, chiến cuộc Nam Bắc Hoa Kỳ trong 4 năm rất khốc liệt, máu lửa và ghê gớm vô cùng.

     Trong một thời gian ngắn các trận đánh dồn dập, các đô thị bốc cháy lửa cao ngút trời. Cũng tản cư, cũng loạn lạc và chiến tranh để lại các cánh đồng toàn xác chết trong các trận giáp lá cà, đâm chém nhau mặt đối mặt.

     Nhưng rồi vết thương nào cũng phải được hàn gắn. Nước Mỹ đã có những bước ngoạn mục đầy màu sắc văn minh ngay từ khi chiến tranh chấm dứt để chấp nhận và tôn trọng người bại trận như những anh hùng.  
     Trong chiến tranh và hậu chiến luôn luôn cần có các nhà lãnh đạo, các tướng lãnh quân tử. Và nhà lãnh đạo quân tử là phải biết xưng tụng các bậc anh hùng trong hàng ngũ kẻ thù, biết nâng người xuống ngựa và biết tôn trọng các tử sĩ của hàng ngũ đối nghịch.

      Trong thời kỳ nội chiến, Tướng Lee của miền Nam Hoa Kỳ đã may mắn gặp được tướng Grant của miền Bắc. Người đã ngần ngại khi phải hỏi ông Lee về việc đầu hàng.  Nước Mỹ ngày nay còn hùng mạnh bởi vì biết tôn trọng giá trị của phe đối nghịch.

     Sống làm người dù ở hoàn cảnh nào, cũng không bao giờ muộn để học làm người quân tử. Trong những mối đau thương của những người bại trận, niềm đau thương nhất là đã bị đánh bại bởi những người không có khả năng và thiếu bản chất quân tử.
  
     Trước khi chết, Tổng Thống Lincoln đã nói: "Người ta có thể từ bỏ mọi thứ, nhưng không ai từ bỏ được lịch sử. Trước sau gì, lịch sử của bậc anh hùng sẽ phải được dựng lại ở chính nơi mà những con người vĩ đại đã ngã xuống."

Đối với dân tộc Việt,  một dân tộc luôn "tự hào" là "Con Rồng Cháu Tiên", "Con Lạc Cháu Hồng", ... mà lại không thể hành xử được như vậy sao ... !? ...

Một dân tộc luôn "tự hào" về hai tiếng "ĐỒNG BÀO", chỉ có duy nhất trên thế giới, ... mà lại không thể hành xử được như vậy sao ... !? ...

Một dân tộc luôn "tự hào" với 4.000 năm Văn Hiến, "thấm nhuần" đạo lý Thánh Hiền, đạo của người Quân Tử, không thể "hạ mình" học hỏi từ một dân tộc "man di" chỉ có 200 năm Văn Hiến chăng ... !?

(TSYG có biên tập lại một số chỗ cần thiết nhưng không ảnh hưởng nhiều đến “cái hồn” của bài viết, mong bác Trần Thạch Sa thông cảm)

4 nhận xét:

Lê Cảnh nói...

Có một chỗ, tôi sắp xếp ý tứ hơi lộn xộn về trật tự thời gian, và chưa rõ ý, mong bác TSYG chịu khó, thông cảm, sửa lại giùm như sau nhé :

"Cũng cần nhớ, sinh thời, Nguyễn Huệ, khi còn là Long Nhương Tướng Quân, dưới quyền Nguyễn Nhạc, do anh em bất hòa, đã từng đem quân vây bức Nguyễn Nhạc tại thành Quy Nhơn ... Cũng cần phải biết, sau khi vua Quang Trung băng, nhà Tây Sơn đã tự suy yếu nhanh chóng : vua Cảnh Thịnh, kế nghiệp vua Quang Trung, còn nhỏ ( do vua Quang Trung "bỏ trưởng lập thứ" ...), Thái Sư Bùi Đắc Thuyên chuyên quyền ( tương tự trường hợp Thái Phó Trương Phúc Loan của chúa Nguyễn ), các tướng tá tranh quyền, nghi kỵ, giết hại lẫn nhau, ... ; Sau đó, vua Thái Đức Nguyễn Nhạc, lúc này đã tự từ bỏ đế hiệu, chỉ xưng là Tây Sơn Vương, bị vua Cảnh Thịnh ( là cháu ruột gọi vua Thái Đức bằng bác) cướp hết cơ nghiệp, uất ức mà băng ... Thời gian đó, lưu truyền những câu ca dao :

- Lạy Trời cho cả gió nồm
Để cho chúa Nguyễn kéo buồm thẳng ra

..."

Những chỗ bác TSYG biên tập là cần thiết trong tình hình hiện nay ... ( Hồi Ký Nguyễn Hiến Lê bị "biên tập" tới mấy chương, ...! ). Tôi hiểu ... ! Cần phải giữ gìn "sức khỏe" để "mần ăn" lâu dài ..., bác ạ !

Chỉ mong, trong vòng 10, 20 năm, càng sớm càng tốt, người Việt Nam ta sớm "văn minh" ... !! ...

Kính !

Lê Cảnh nói...

Những câu hỏi "trung dung" nhưng "nhức nhối", đánh thẳng vào "lương tri" người Việt Nam, có thể được biên tập lại, và đặt vào cuối bài :

"Một dân tộc luôn "tự hào" là "Con Rồng Cháu Tiên", "Con Lạc Cháu Hồng", ... mà lại không thể hành xử được như vậy sao ... !? ...

Một dân tộc luôn "tự hào" về hai tiếng "ĐỒNG BÀO", chỉ có duy nhất trên thế giới, ... mà lại không thể hành xử được như vậy sao ... !? ...

Một dân tộc luôn "tự hào" với 4.000 năm Văn Hiến, "thấm nhuần" đạo lý Thánh Hiền, đạo của người Quân Tử, có lẽ quá "tự phụ" để có thể "hạ mình" học hỏi từ một dân tộc "man di" chỉ có 200 năm Văn Hiến chăng ... !? ..."

Bác TSYG thử "nghiên cứu" xem sao nhé !

Kính !

Tâm Sự Y Giáo nói...

Nhà em đã sửa và bổ sung rồi đó bác Lê Cảnh ạ. Chúc bác mạnh khỏe nhé.

Lê Cảnh nói...

Bác TSYG tìm được tấm tranh rất hay ... ! ...

Tôi có vẽ về đề tài chiến tranh Việt Nam :

http://www.facebook.com/media/set/?set=a.111285015676598.13004.100003852994413&type=3&l=0b5f4a77cb