Chủ Nhật, 24 tháng 8, 2014

DƯ LUẬN VIÊN VO VĂN VE: HÃY KIÊN QUYẾT BẢO VỆ BÍ MẬT HIỆP NGHỊ THÀNH ĐÔ!


Gần đây, các thế lực thù địch, cận thù địch và kể cả chưa phải là thù địch (sau đây sẽ gộp lại gọi chung là thế lực chống đối cho nó gọn) nhao nhao lên đòi nào là bạch hóa, nào là giải mật, rồi thì làm rõ … Hiệp nghị Thành đô.
Chu choa trời đất ơi! Từ thuở cha sinh mẹ đẻ đến giờ, Vo Văn Ve tôi tuyền chỉ nghe, xem, đọc các ấn phẩm của nền báo chí chính thống, chẳng bao giờ nghe thấy rằng thủ phủ Thành Đô của Trùng Khánh – Trung Quốc có liên can gì đến đường lối cách mạng của nước ta. Có chăng Thành Đô chỉ là nơi một thời cặp vợ chồng Thái tử đỏ Bạc Hy Lai – Cốc Khai Lai tung hoành trong sự nghiệp Cướp – Giết – Hiếp để đến bây giờ chồng bị chung thân, vợ bị tuyên án tử hình.
Vì thế nên phản ứng đầu tiên của Vo Văn Ve tôi là nóng ran cả mặt và cả toàn thân vì cái sự lu loa ấy: Cái bọn chống đối lại định bày trò gì nữa đây?













Thế nhưng khi đã bình tĩnh trở lại, Vo Văn Ve tôi chợt nghĩ: Hay là mình Gu-gồ cái thử xem? Thông qua cái anh Gu-gồ chấm Thành Đô, mình được biết Hội nghị Thành Đô là có thật, hơn nữa lại là một Hội nghị vô cùng đặc biệt nữa kia.
Cũng qua Gu-gồ chấm Thành Đô, mình được đọc thêm nhiều bài vở, trang viết liên quan đến cái hội nghị này như Hồi ký Trần Quang Cơ, Bên Thắng Cuộc, Hồi ký Trương Đức Duy (đại sứ TQ tại VN lúc đó), Nhật ký Thành đô của Lý Bằng (Thủ tướng TQ lúc đó)…
Ái chà, nan giải đây!


Vui cười hể hả, người mua kẻ bán đều hài lòng

Nhưng với truyền thống “Chẳng có gì mà không nói được”, Vo Văn Ve tôi đã nhanh chóng phản ứng nhanh, hội ý chớp nhoáng với các đồng bọn thân tín trong băng Dư Luận Viên “Còn Tiền Còn Mình”, quyết định bấm nút và đưa ra ý kiến chính thức của Hiệp hội Dư Luận Viên như sau:
1) Hội nghị Thành Đô là có thật. Văn bản mà các thế lực chống đối gọi là Hiệp nghị Thành Đô là có thật.
Ấy là vào sáng ngày 3-9-1990 (1 ngày sau dịp kỉ niệm 45 năm Quốc khánh nước CHXHCN Việt Nam, chính vì thế Hiệp nghị Thành Đô càng có ý nghĩa về chính trị và về lịch sử), các đồng chí Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh, Thủ tướng Đỗ Mười và Cố vấn Phạm Văn Đồng đã kín đáo bay sang Trùng Khánh chuẩn bị cho Hội nghị Thành Đô ngày 3, 4-9-1990. Trên máy bay có người dẫn đường là Đại sứ TQ Trương Đức Duy.
Sở dĩ phải nói kín đáo là vì cái gì bí mật mà chả kín đáo, nếu không có mà lộ bem ra hết à? Còn cái bọn chống đối thì cứ khăng khăng không phải ‘kín đáo’ mà phải gọi là ‘lén lút’. Thử hỏi kín đáo và lén lút thì có khác nhau chỗ nào, chẳng qua là do cái tính chất phong phú của ngôn ngữ Việt mà thôi. Đấy, cứ xem cái vụ Lê Chiêu Thống sang cầu viện nhà Thanh đánh Quang Trung Nguyễn Huệ năm xưa, gọi là kín đáo cũng được mà lén lút cũng là xứng đáng hoàn toàn.
2) Hội nghị Thành Đô đến bây giờ không còn bí mật, nhưng Hiệp nghị Thành Đô thì hãy còn bí mật, đặc biệt ở các điều khoản về bình thường hóa quan hệ Việt Nam – Trung Quốc.
Mục đích cao nhất của chuyến đi ‘kín đáo’ của các đồng chí lãnh đạo nhà ta là xin được bình thường hóa quan hệ với Trung Hoa vĩ đại. Muốn vậy thì phải nhất trí với Trung Quốc phương án giải quyết vấn đề Cam pu chia. Và đã nhất trí. Trước thành công rực rỡ của Hội nghị, mọi người trong đoàn ta đều rất vui vẻ hân hoan trên máy bay khi trở về (theo Hồi ký Trương Đức Duy).
3) Cho dù những điều khoản liên quan đến vấn đề bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc chưa được công bố, nhưng những lợi ích của việc bình thường hóa này trong hơn 20 năm đối với nước ta và nhân dân ta đã rõ như ban ngày. Vo Văn Ve xin được tóm lược những lọi ích mấu chốt:
Một là: Việt Nam lại được kề vai sát cánh với Trung Hoa vĩ đại trên con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, được nước bạn bảo bọc che chở bởi kim chỉ nam (mà bọn chống đối xấu mồm độc miệng gọi là vòng kim cô) 4 tốt và 16 chữ vàng của Lãnh tụ Giang Trạch Dân kính yêu.
Hai là: Việt Nam được Trung Hoa vĩ đại hết sức quan tâm về mặt chính trị. Trước mỗi kỳ Đại hội Đảng đều có các đồng chí lãnh đạo Trung Quốc sang để ‘tư vấn giúp đỡ’ về công tác tổ chức nhân sự, đúng y như nguyện vọng của Ban lãnh đạo Trung Quốc. (Đối với các lĩnh vực ngoại giao, quốc phòng và an ninh, xin được bàn vào dịp khác).
Ba là: Về lãnh thổ, chúng ta được nương tựa vào một đất nước to lớn đến mênh mông. Dẫu có bị mất ít đất, ít biển thì có xá gì, miễn là giữ được môi trường hòa bình và ổn định để phát triển, và quan trọng nhất là phải giữ được quan hệ hữu nghị anh em đồng chí Việt-Trung đời đời bền vững.
Vừa qua có xảy ra một số tranh chấp trên Biển Đông. Là anh em trong nhà, xảy ra cãi cọ tranh chấp là chuyện bình thường. Nhưng với tinh thần “Thằng em phải nhịn thằng anh, nhịn đến chết cũng phải nhịn”, chúng ta đã xử lý rất tốt vấn đề này. Chúng ta kiên quyết nhịn cho đến chết!
Bốn là: Chúng ta được Trung Quốc chăm lo đầu tư phát triển kinh tế. Chỉ có những người anh em chí tình chí nghĩa như các đồng chí Trung Quốc mới giúp đỡ nước ta một cách tận tụy và vô tư như thế mà thôi. Cụ thể là: Trung Quốc đã đưa ra những giá rất rẻ, rất hời để trúng thầu và được đảm nhận hàng trăm công trình kinh tế quốc gia trọng điểm của Việt Nam. Nhờ có việc Trung Quốc thuê 400.000 hecta đất và rừng đầu nguồn mà kinh tế nhiều tỉnh nghèo mới có điều kiện tăng thu ngân sách. Nhờ có Trung Quốc đầu tư khai thác bô-xít Tây Nguyên – nóc nhà Đông Dương, nên trong tương lai chắc chắn Việt Nam sẽ là nước xuất khẩu nhôm (dưới dạng quặng) hàng đầu thế giới. Nhờ có quan hệ kinh tế với Trung Quốc mà nhập siêu sang Trung Quốc ngày càng tăng chóng mặt (năm 2013 là 24 tỉ USD, năm 2014 dự báo 26 tỉ USD), góp phần tích cực về tài chính để Trung Quốc củng cố thành trì xã hội chủ nghĩa.
Bên cạnh đó, các bạn Trung Quốc còn tỏ ra vô cùng rộng rãi và hào phóng trong việc cung cấp hàng hóa, lương thực, thực phẩm, thuốc thang sang Việt Nam. Bây giờ ra chợ, đâu đâu cũng thấy tràn ngập hàng Trung Quốc đủ các kiểu loại, đủ màu sắc và mùi vị vô cùng hấp dẫn. Đến lúc nào đó, có lẽ người dân Việt Nam ta chẳng cần phải làm gì mà vẫn có cái ăn, cái mặc, hơn thế, còn ăn ngon mặc đẹp, bởi tất thảy đã có hàng hóa do Trung Hoa vĩ đại cung cấp. Thế là tự nhiên, ta đã có thiên đường cộng sản chủ nghĩa, còn gì đẹp bằng?
Năm là: về mặt xã hội, người Việt Nam ta ngày càng quen thuộc với sự có mặt của người Trung Quốc trong đời sống hàng ngày. Những âm thanh chíu cha chíu chít của ngôn ngữ Hán, Tiều, Quảng … đã không còn xa lạ mà đã dần trở thành thân thuộc yêu thương. Các phố Tàu mọc lên như nấm, các biển hiệu chữ Tàu đua chen cùng biển hiệu Việt làm cho cuộc sống ngày càng có vẻ … Tàu hơn.
Thi thoảng, một bộ phận dân Việt còn trúng đậm nhờ các phi vụ do ‘bạn vàng Trung Quốc’ giúp đỡ mối lái: bán móng trâu, bán râu ngô, thu gom ốc bươu vàng bán lại cho đồng bào anh em mình, bán rắn, bán ong, bán khoai lang, bán hạt nhãn, bán lá điều…, ôi dào kể không hết.
Cũng nhờ công lao của người anh em Trung Quốc mà ý thức vệ sinh an toàn thực phẩm của người dân Việt Nam được tăng lên rõ rệt, dù rằng số trường hợp ngộ độc thức ăn, ngộ độc thuốc, số ca bị ung thư và bệnh hiểm nghèo cũng không ngừng tăng lên. Nhưng cần khẳng định những trường hợp không may nói trên hoàn toàn nằm ngoài tình đồng chí, tình anh em hữu hảo đời đời Việt – Trung một cách biện chứng và khách quan.
Tất tần tật, những lợi ích mà chúng ta có được như trên đều là những kết quả vô cùng tốt đẹp, mang đậm dấu ấn của một thời kỳ lịch sử kể từ khi ký kết Hiệp nghị Thành Đô.
Trung Quốc, người anh lớn, người bạn vĩ đại, đã rỏ ra hết sức 'tốt bụng' với chúng ta như thế, và từ hơn hai ngàn năm nay vẫn thế. Cho dù Hiệp nghị Thành Đô có bí mật thế nào chăng nữa, và bí mật ấy có kéo dài đến đâu chăng nữa thì tấm lòng bao dung của nước Đại Hán chỉ muốn đứa con hoang đàng Việt Nam mau trở về nhà cũng không bao giờ thay đổi. Lá cờ đỏ 6 sao sẽ sớm thành hiện thực.
Hơn thế nữa, những bí mật ấy dược gắn với tấm lòng thiết tha được đứng chung dưới một bóng cờ với người anh Trung Quốc vĩ đại của các lãnh đạo nhà ta. Bạch hóa những bí mật của Hội nghị Thành Đô là có tội lớn đối với các vị quá cố như P.V.Đ, N.V.L*, đặc biệt là với người còn sống như Đ.M. Bạch hóa có mà chết cả nút à?
Vì vậy, hiển hiện một tất yếu khách quan là phải “Kiên quyết giữ bí mật của Hội nghị Thành Đô”.
Kiên quyết! Kiên quyết! Chết cũng Kiên quyết!
VO VĂN VE
 ------------------------
* TSYG: Theo lời cựu Đại sứ Trương Đức Duy, khi về đến Hà nội, ông Nguyễn Văn Linh còn làm mấy câu thơ tiếng Hán (không biết có phải để tiếp tục vuốt ve đàn anh hay không?):
Huynh đệ chi giao sổ đại truyền
Oán hận khuynh khắc hóa vân yên
Tái tương phùng thời tiếu nhan triển
Thiên niên tình nghị hựu trùng kiến.
Dịch giả Quốc Thanh tạm dịch là:
Anh em chơi với nhau đã mấy thế hệ
Oán hận trong khoảnh khắc đã biến thành mây khói
Khi gặp nhau lại cười rạng rỡ
Tình nghĩa ngàn năm xây dựng lại.
Như thế là ông Nguyễn Văn Linh nguyện xây dựng lại “tình nghĩa” từ ngàn năm trước giữa Việt Nam với Trung Quốc, mà "tình nghĩa" từ ngàn năm trước, lúc ấy chẳng qua là thứ “tình nghĩa” giữa người nô lệ và quân đô hộ!
Rõ ràng, điều này báo hiệu “một giai đoạn Bắc thuộc mới vô cùng nguy hiểm đã bắt đầu” – đúng như lời của Cố Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch.





Thứ Bảy, 12 tháng 7, 2014

DƯ LUẬN VIÊN VO VĂN VE: CỰC LỰC PHẢN ĐỐI THƯỢNG NGHỊ VIỆN MỸ CẦM ĐÈN CHẠY TRƯỚC Ô TÔ!


Dư luận viên Vo Văn Ve nhà tôi mấy tháng nay buộc phải im hơi lặng tiếng, mặc dù vụ giàn khoan HD 981 của Trung Quốc có vẻ ồn ào, bởi làm dư luận viên mà lên tiếng lúc này thì rất dễ bị gán cho nhiều tội như Hán tặc, thân Tàu, rồi thì là Trần Ích Tắc, Lê Chiêu Thống …
Sự đời thật là rắc rối. Nhưng theo quan điểm riêng của Vo Văn Ve tôi thì câu chuyện giàn khoan Trung Quốc vừa qua cũng chẳng có gì phải ầm ĩ. Tình hình Biển Đông cũng chưa có gì mới!
Ấy thế nhưng những phần tử quá khích, được sự hỗ trợ từ đằng sau của các thế lực thù địch, đã lớn tiếng đòi hỏi Quốc hội Việt Nam phải ra một Nghị quyết về Biển Đông. Rất may là đa số đại biểu Quốc hội của chúng ta đã rất bản lĩnh và sáng suốt, cương quyết không đồng ý với một nghị quyết có nội dung tai hại, chắc chắn sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến mối quan hệ hữu nghị truyền thống Việt – Tàu. Kết quả là Quốc hội nước ta chỉ ra một Thông Cáo (*) về tình hình Biển Đông mà thôi. Thật đáng đời cho các thế lực thù địch!
Ấy thế nhưng ngày 10/7/2014 vừa qua, chẳng hiểu vì lý do gì, bỗng dưng Thượng nghị viện Hoa kỳ lại ban hành Nghị quyết S.RES.412 (**) nhằm “Khẳng định sự ủng hộ mạnh mẽ của Chính phủ Hoa Kỳ đối với tự do hàng hải và thi hành luật pháp quốc tế về biển và bầu trời trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, và đối với các giải pháp ngoại giao hòa bình để giải quyết các khiếu nại và tranh chấp về lãnh thổ và vùng biển”.
Trong nghị quyết kỳ lạ kia của Thượng nghị viện Mỹ có những lời, những đoạn nói rất chi là không hay về Trung Quốc:
“ Ngày 1 tháng 5 năm 2014, Công ty Năng lượng quốc gia của nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa đặt giàn khoan HD 981 đi kèm 25 tàu Trung Quốc, trong lô 143, cách bờ biển Việt Nam 120 hải lý.
Từ ngày 1 đến ngày 9 tháng 5, số lượng các tàu của Trung Quốc hộ tống giàn khoan HD 981 tăng lên hơn 80 tàu, trong đó có 7 tàu quân sự, tăng cường tuần tra và đe dọa tàu Cảnh sát biển Việt Nam, vi phạm COLREGS, cố tình đâm vào nhiều tàu thuyền Việt Nam, sử dụng máy bay và vòi rồng để ngăn cản tàu thuyền Việt Nam.
Ngày 5 tháng 5 năm 2014, Cục An toàn hàng hải Trung Quốc thành lập một khu vực cấm với bán kính 3 hải lý xung quanh HD 981, ảnh hưởng nghiêm trọng đến an toàn hàng hải trong khu vực, vi phạm nguyên tắc của luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước năm 1982 của Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS).
Yêu sách lãnh thổ của Trung Quốc và hành động hỗ trợ cho hoạt động của giàn khoan HD 981 kể từ ngày 1 tháng 5 năm 2014 đã không tuân thủ luật pháp quốc tế, trong đó các quy tắc của Công ước năm 1982 của Liên hợp quốc về Luận Biển, tạo ra một nỗ lực đơn phương để thay đổi hiện trạng bằng vũ lực, vi phạm Tuyên bố năm 2002 về Cách ứng xử của các bên ở Biển Đông”.
“ Kêu gọi Chính phủ nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa rút giàn khoan HD 981 và các lực lượng hàng hải liên quan ra khỏi vị trí hiện nay, tránh các hoạt động hàng hải trái với COLREGS, ngay lập tức quay về nguyên trạng như đã tồn tại trước ngày 1 tháng 5 năm 2014”
Rõ ràng, những nội dung xa lạ kia, tuy được thể hiện dưới giọng điệu ngang ngược của một kẻ bề trên, thể hiện cao nhất ở 3 từ ‘ngay lập tức’, nhưng chúng đều vô giá trị.
Không bao giờ chúng có một chút mảy may ảnh hưởng tới chính sách cường quốc biển của Trung Quốc, cũng như tới Giấc mơ Trung Hoa của Tập Chủ tịch. Chúng càng không thể lay chuyển được mối quan hệ hữu nghị tốt đẹp giữa Trung Quốc và các nước chư hầu.


Tập Chủ tịch, vị lãnh tụ kính yêu củaTrung Quốc và các nước chư hầu


Hỡi các ngài đang ngồi ở Thượng nghị viện Mỹ! Các ngài đang làm những việc ngốc nghếch, thậm chí điên rồ. Trong khi Quốc hội Việt Nam chỉ ra được có một bảnThông Cáo nhẹ nhàng thì các ngài ngối tại phòng máy lạnh tít bên kia Thái Bình Dương lại giở chứng ban hành hẳn một Nghị quyết về Biển Đông.
Vì sao trong Nghị quyết tào lao kia, các ngài không dám đưa ra một vấn đề mang tính nguyên tắc là “Kiên trì đấu tranh, gìn giữ môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước Hoa Kỳ; kiên trì bảo vệ, giữ vững quan hệ hữu nghị truyền thống giữa nhân dân hai nước Hoa Kỳ - Trung Quốc” ?
Xin báo cho các ngài biết: Nếu thiếu môi trường hòa bình, ổn định thì đất nước Hoa Kỳ của các ngài khó mà phát triển. Còn nếu thiếu quan hệ hữu nghị truyền thống giữa nhân dân hai nước Hoa Kỳ - Trung Quốc thì nhân dân Hoa Kỳ của các ngài khó mà chạm tay được tới hạnh phúc. Không tin, các ngài cứ thử hỏi bất kỳ người dân Việt Nam nào thì sẽ rõ.
Lan man thế hơi nhiều. Điều quan trọng nhất tôi muốn nhắn nhủ đến các ngài là hãy quay về với những vấn đề của nước Mỹ đi, đừng bao giờ  ban hành những nghị quyết tào lao vớ vẩn vô giá trị như thế nữa. Đừng có mà cầm đèn chạy trước ô tô, nhá!
Ngay trong tối hôm nay, Hội Dư Luận Viên chúng tôi sẽ ra một bản Thông Cáo với tiêu đề ‘Cực lực phản đối Thượng Nghị viện Mỹ’. Xin báo để các ngài biết!
Tập Chủ tịch muôn năm!

VO VĂN VE


CHÚ THÍCH:
* THÔNG CÁO CỦA QUỐC HỘI VIỆT NAM:
Quốc hội Việt Nam khẳng định việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam là vi phạm nghiêm trọng chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam; vi phạm luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982; vi phạm Tuyên bố về ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC); trái với thỏa thuận cấp cao giữa hai Đảng, Nhà nước Việt Nam-Trung Quốc. Tình hình biển Đông căng thẳng. Hòa bình và an ninh đang bị đe dọa.
Quốc hội Việt Nam cùng với toàn thể đồng bào, chiến sĩ cả nước và đồng bào Việt Nam ở nước ngoài bày tỏ sự lo ngại và kiên quyết phản đối những vi phạm, sai trái của phía Trung Quốc, yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan Hải Dương 981 ra khỏi vùng biển của Việt Nam. Quốc hội cũng bày tỏ lòng biết ơn đối với các tổ chức, cá nhân, dư luận quốc tế đã đồng tình, ủng hộ Việt Nam.
Quốc hội tin tưởng và nhất trí cao với chủ trương của Đảng, Nhà nước đã lãnh đạo quân dân ta có nhiều biện pháp kiên quyết trong đấu tranh bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ trên cơ sở luật pháp quốc tế. Đồng thời kiên trì đấu tranh, gìn giữ môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước; kiên trì bảo vệ, giữ vững quan hệ hữu nghị truyền thống giữa nhân dân hai nước Việt Nam-Trung Quốc.
Diễn biến tình hình trên biển Đông còn phức tạp và khó lường. Quốc hội đề nghị Chính phủ, các ngành, các cấp cùng đồng bào cả nước đoàn kết, thống nhất và đặc biệt quan tâm giữ vững ổn định chính trị, đảm bảo an ninh, trật tự, an toàn xã hội, tạo môi trường thuận lợi để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, quốc phòng an ninh, đối ngoại của đất nước./.





Chủ Nhật, 15 tháng 6, 2014

NHỮNG CÂU NÓI VỀ HÒA BÌNH CỦA TẬP CẬN BÌNH VÀ ADOLF HITLER SAO GIỐNG NHAU THẾ!


Âm mưu ngông cuồng độc chiếm Biển Đông, mở rộng lãnh thổ Trung Hoa của Tập Cận Bình đã lộ ra như ánh sáng giữa ban ngày.  Mới đây thôi, chẳng mấy ai hiểu “giấc mơ Trung Hoa” do Tập Cận Bình đề xướng là giấc mơ gì. Nhưng chỉ một thời gian ngắn, sau những sự kiện ở Biển Hoa Đông cũng như ở Biển Đông, và nhất là sau vụ giàn khoan HD 981, chắc hẳn nhiều người đã hiều rõ cái gọi là “giấc mơ Trung Hoa” ấy chẳng qua là giấc mơ Đại Hán, giấc mơ bá chủ toàn cầu mà biết bao triều đại phong kiến Trung Hoa trước đây đã từng mơ, nhưng giấc mơ bá quyền ấy chưa bao giờ được thành hiện thực.
Mọi so sánh đều khập khiễng, nhưng dù sao vẫn có thể ví vụ Tập Cận Bình cho đặt giàn khoan HD 981 vào sâu trong vùng biển Việt Nam với hành động quân sự đầu tiên của Hitler là cưỡng chiếm rồi sát nhập nước Áo vào Đế chế Đức năm 1938.
Việc đặt giàn khoan HD 981 là để mở đầu cho chiến dịch của Tập Cận Bình xâm chiếm toàn bộ Biển Đông, tiến đến làm bá chủ thế giới. Còn việc chiếm đóng nước Áo lại mở màn cho cuộc chinh phục châu Âu và cả thế giới của Hitler.
Một điều giống nhau giữa Tập Cận Bình và Hitler là trước khi phát động các cuộc xâm chiếm, cả Tập và Hít đều có những lời nói rất hay về hòa bình, có thể làm cho “kiến trong lỗ cũng phải chui ra”, làm cho đối phương bị ru ngủ, mất cảnh giác, thậm chí tê liệt.
Những câu nói về hòa bình của Tập Cận Bình (TSYG thống kê chưa đầy đủ, theo các tờ báo của nền báo chí cách mạng Việt Nam):
-          Ngày 20-9-2012, trong cuộc gặp các nhà lãnh đạo Đông Nam Á, Tập nhấn mạnh: “Chúng tôi chỉ muốn duy trì mối quan hệ hòa bình với các nước trong khu vực. Trải qua rất nhiều thăng trầm thời hiện đại, chúng tôi nhận thức sâu sắc về tầm quan trọng của sự phát triển và giá trị của hòa bình”.
-          Ngày 5-12-2012, tại cuộc gặp với khoảng 20 chuyên gia nước ngoài tại Bắc Kinh, Tập khẳng định: “Trung Quốc vẫn theo đuổi tiến trình phát triển trong hòa bình, sự phát triển của Trung Quốc không bao giờ thách thức hay đe dọa bất kỳ quốc gia nào khác. Trung quốc không bao giờ tìm kiếm quyền bá chủ hay sự bành trướng”.
-          Ngày 19-6-2013, trong buổi đón Chủ tịch Việt Nam Trương Tấn Sang, Tập Cận bình nói: “Cả hai nước Trung Quốc và Việt Nam phải hành xử trên tinh thần trách nhiệm đối với lịch sử và nhân dân mình, phải đặt tình hữu nghị Việt-Trung và mối quan hệ phát triển song phương lên hàng đầu, cùng nhau thúc đẩy một giải pháp cho vấn đề Biển Đông và không để vấn đề đó ảnh hưởng tới mối quan hệ giữa hai quốc gia”.
-          Ngày 17-3-2014, trong phiên bế mạc kỳ họp thứ nhất Quốc hội Trung Quốc khóa 12, Tập Cận Bình phát biểu: “Trung Quốc không bao giờ ôm mộng bá quyền hay nuôi ý định mở rộng bờ cõi”.
-          Ngày 15-5-2014, trong cuộc mít-tinh kỷ niệm 60 năm Hiệp hội Hữu nghị Trung quốc với nước ngoài, Tập Cận Bình khẳng định: “Trung Quốc luôn yêu chuộng hòa bình, luôn theo đuổi cũng như truyền lại cho thế hệ sau niềm tin vững chắc vào hòa bình, hữu nghị và hòa hợp. Trung Quốc chắc chắn sẽ đi theo con đường phát triển hòa bình. Lịch sử ôn hòa của người Bắc Kinh là minh chứng rõ ràng nhất cho sự yêu chuộng hòa bình của Trung Quốc. Trong máu của người Trung Quốc không có gen xâm lược nước khác hay thồng trị thế giới, cũng như không chấp nhận lập luận cho rằng một nước mạnh phải làm bá chủ”.
-         


Ngài Adolf Tập Cận Bình (Nguồn: Internet)

Còn dưới đây là những lời nói có cánh về hòa bình của Hitler (theo Wikipedia):
-          Ngày 17-5-1033, trong “Diễn văn Hòa bình” đọc trước Nghị viện Đức, Hitler nói: “Nước Đức hoàn toàn sẵn sàng từ bỏ mọi vũ khí tấn công nếu các quốc gia đã vũ trang cũng sẽ phá hủy vũ khí tấn công của họ. Nước Đức cũng rất sẵn sàng giải tán cả quân đội và phá hủy số vũ khí ít ỏi còn lại, nếu các nước láng giềng cũng làm thế. Nước Đức sẵn sàng ký kết bất kỳ hiệp ước bất tương xâm nào, bởi vì Đức không nghĩ đến việc tấn công mà chỉ nghĩ đến việc tìm kiếm an ninh”.
Rồi thì: “Đức khao khát hòa bình, không muốn chiến tranh, chiến tranh là sự điên rồ vô bờ bến… Chiến tranh sẽ làm sụp đổ trật tự xã hội và chính trị hiện nay… Đức Quốc xã không muốn ‘Đức hóa’ những dân tộc khác… Người Pháp, người Ba Lan và những dân tộc khác là những láng giềng của chúng tôi, và chúng tôi biết không biến cố nào có thể thay đổi được thực tế này”.
-          Ngày 21-5-1935, Hitler đọc một bài “Diễn văn Hòa bình” nữa ở Nghị viện. Ông ta nói rằng tất cả những gì ông ta muốn chỉ là hòa bình và sự cảm thông dựa trên sự bình đẳng cho các bên, bác bỏ chiến tranh vì cho rằng chiến tranh là vô nghĩa, vô ích và kinh hoàng: “Những cuộc đổ máu trên lục địa Châu Âu trong ba trăm năm qua không cho thấy có sự thay đổi tương xứng. Chung cuộc Pháp vẫn là Pháp, Đức là Đức, Ba Lan là Ba Lan, Ý vẫn là Ý. Tính tự cao của các vương triều, nỗi đam mê chính trị và sự mù quáng ái quốc chẳng đạt được gì nhiều qua những thay đổi chính trị sâu xa với máu chảy thành sông… Nước Đức Quốc xã mong mỏi hòa bình, cũng vì nhận thức được sự đơn giản nhất là không có cuộc chiến tranh nào có thể làm thay đổi khổ dau ở Châu Âu. Hậu quả chủ yếu của mỗi cuộc chiến tranh là hủy hoại tinh hoa của đất nước. Nước Đức cần hòa bình và đòi hỏi hòa bình!”
Và với các nước láng giềng: “Đức không có ý định và cũng không mong muốn can thiệp vào nội bộ của Áo, sát nhập Áo vào Đức hoặc thống nhất Áo và Đức… Nước Đức đã long trọng nhìn nhận và đảm bảo với Pháp về đường biên giới… Bỏ qua quá khứ, Đức đã ký kết hiệp ước bất tương xâm với Ba Lan, và chúng tôi tôn trọng vô điều kiện hiệp ước này. Chúng tôi nhìn nhận Ba Lan là ngôi nhà của một dân tộc vĩ đại và có lòng yêu nước cao độ”…
Thế nhưng:
-          Ngày 12-3-1938, Hitler phát động cuộc tiến công Áo, biến Áo trở thành một tỉnh của Đức.
-          Ngày 15-3-1939, quân Đức tràn vào Tiệp Khắc, và ngày 16-3-1939 bọn chúng chiếm luôn Slovakia.
-          Ngày 1-9-1939, Hitler ra lệnh tấn công Ba Lan, mở đầu cuộc chiến tranh thế giới lần thứ hai.
-          Tháng 4-1940, Đức đánh chiếm Đan Mạch và Na Uy.
-          Tháng 5-1940, Đức đánh chiếm Hà Lan, Bỉ và Luxembourg.
-          Tháng 6-1940, Pháp đầu hàng Đức.
-          Ngày 22-6-1941, Hitler xé bỏ Hiệp ước không xâm phạm và bắt đầu tấn công  Liên Xô.
So với Hitler, hành động xâm lược Biển Đông của Tập Cận Bình dường như không ồ ạt bằng. Nhưng từ việc đặt giàn khoan ở những địa điểm tùy ý trên Biển Đông đến việc xây sân bay trên bãi đá Gạc Ma với một số lượng khổng lồ tàu và máy bay hỗ trợ, cho thấy rõ tham vọng vô hạn độ của Tập Cận Bình trong việc độc chiếm toàn bộ Biển Đông.
Đối với việc  chiếm lãnh thổ hay lãnh hải của các nước khác, có thể khẳng định lòng tham không đáy của Tập Cận Bình và Hitler là hoàn toàn như nhau, kể cả về độ điên cuồng của chúng.
Vì vậy, có thể gọi Tổng bí thư Trung Quốc một cách thân thương trìu mến là Ngài Adolf Tập Cận Bình!


Thứ Hai, 26 tháng 5, 2014

ĐÃ ĐẾN LÚC VỨT 4 TỐT VÀ 16 CHỮ VÀNG VÀO SỌT RÁC


Đến giờ này, bộ mặt bành trướng Đại Hán của nhà cầm quyền Trung Quốc đã hiện nguyên hình trước mọi người dân Việt Nam.
Chỉ những kẻ thần kinh, ngớ ngẩn mới không nghi ngờ dã tâm bành trướng xâm lược của bọn cầm quyền Bắc Kinh.
Làn sóng biểu tình chống bành trướng Trung Quốc xâm lược biển đảo Việt Nam nổi lên khắp thế giới.
Nhưng ở Việt Nam thì không! Vì vẫn còn đó 4 tốt và 16 chữ vàng.
Hãy nhìn về Đài Loan, đảo nhỏ bé sát nách Trung Quốc, tưởng chừng Bắc Kinh muốn thò bàn tay lông lá bẩn thỉu của chúng để chiếm lấy lúc nào cũng được.
Nhưng không được, và không bao giờ được. Trung Cộng không bao giờ dám đụng đến một cọng lông chân của Đài Loan.
Có nhiều nguyên nhân, trong đó có một nguyên nhân cốt yếu là Đài Loan chưa bao giờ bị Trung Quốc bịt mắt bịt mồm và khống chế bởi 4 tốt và 16 chữ vàng.
Vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã tuyên bố: Không chấp nhận đánh đổi chủ quyền thiêng liêng về lãnh thổ và biển đảo đổi lấy một thứ hòa bình hữu nghị viển vông lệ thuộc nào đó.
Như thế, nói theo ngôn ngữ ngoại giao, Việt Nam cần mạnh mẽ tuyên bố 4 tốt và 16 chữ vàng là vô giá trị.
Còn nói theo kiểu dân dã, đã đến lúc vứt mấy câu quỉ tha ma bắt kia vào sọt rác!



Chủ Nhật, 18 tháng 5, 2014

BIỂU TÌNH CHỐNG SỰ XÂM LƯỢC CỦA TRUNG QUỐC LÀ TRÁI PHÁP LUẬT?


Chiều Thứ Bảy 17/5/2014, mình nhận được liên tiếp 3 tin nhắn từ tổng đài 199. Ban đầu không để ý, nhưng sau đó nhìn kỹ thì cả ba tin nhắn đều mờ đầu bằng cụm từ “Thủ tướng Chính phủ”, vậy là có chuyện nghiêm trọng rồi!
Tin nhắn thứ nhất, lúc 16h có nội dung: “Ngày 17/5/2014, Thủ tướng Chính phủ chỉ thị: Bộ Công an, các cơ quan chức năng và lãnh đạo Tỉnh/Thành phố thực hiện đồng bộ các biện pháp, kiên quyết không để biểu tình trái pháp luật, gây mất an ninh trật tự, an toàn xã hội
Tin nhắn thứ hai, lúc 19h50, có nội dung: “Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các cơ quan chức năng và lãnh đạo các Tỉnh/Thành phố tuyên truyền vận động nhân dân không tham gia biểu tình trái pháp luật, gây mất an ninh trật tự, an toàn xã hội”.
Tin nhắn thứ ba, lúc 20h28, có nội dung: “Thủ tướng Chính phủ đề nghị mọi người dân thể hiện lòng yêu nước, không nghe kích động, không tham gia biểu tình trái pháp luật, góp phần giữ gìn an ninh trật tự và an toàn xã hội”.
Không rõ ba tin nhắn nói trên có phải là của Thủ tướng hay không vì không thấy nói Thủ tướng chỉ thị, yêu cầu, đề nghị các nội dung trên theo văn bản nào?
Chỉ muốn nói về điều đặc biệt, là cả ba tin nhắn đều đề cập đến “biểu tình trái pháp luật”.
Vậy thì thế nào là biểu tình là trái pháp luật? Trong khi quyền biểu tình của công dân đã được ghi rõ tại Điều 25 Hiến pháp 2013 của nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.
Trong bối cảnh Trung Quốc ngang nhiên đưa giàn khoan HD 981 vào sâu trong vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam, một hành động xâm lược công khai nhằm từng bước thực hiện dã tâm chiếm trọn Biển Đông, dùng đến 130 tàu kể cả tàu trang bị vũ khí hiện đại để bảo vệ giàn khoan trái phép với những hành động không thể chấp nhận như phun vòi rồng cực mạnh, ném vật cứng và nhiều lần đâm trực diện vào tàu cảnh sát biển Việt Nam, thì việc xuống đường ôn hòa chống sự xâm lược của Trung Quốc là quyền và nghĩa vụ đương nhiên của mỗi công dân Việt Nam.





















Ngày 13/5/2014, tàu 46001 của Trung Quốc lại cố tình đâm trực diện vào tàu cảnh sát biển Việt Nam.

Điều 44 Hiến pháp 2013 ghi rõ: “Công dân có nghĩa vụ trung thành với Tổ quốc. Phản bội Tổ quốc là tội nặng nhất”.
Điều 45 Hiến pháp 2013 thì nhấn mạnh: “Bảo vệ Tổ quốc là nghĩa vụ thiêng liêng và quyền cao quý của công dân”.
Xuống đường ôn hòa phản đối Trung Quốc xâm lược biển đảo của Việt Nam là thái độ biểu thị sự trung thành với Tổ quốc Việt Nam, thể hiện tinh thần cũng như hành động cực kỳ cấp thiết lúc này là Bảo vệ Tổ quốc.
Như thế, biểu tình ôn hòa chống sự xâm lược của Trung Quốc là hoàn toàn đúng với Hiến pháp. Còn ngược lại, ngăn cấm người dân thể hiện tin thần yêu nước khi kẻ thù đã vào tận sân nhà chính là hành vi đồng lõa với quân xâm lược, là phản bội Tổ quốc!
Không thể đánh đồng biểu tình ôn hòa chống xâm lược của những người công dân yêu nước với những hành vi kích động, bạo lực do “bọn côn đồ xăm mình chằng chịt” gây nên.
Nếu gọi biểu tình ôn hòa chống xâm lược là biểu tình trái pháp luật thì cái pháp luật ấy chỉ có thể là pháp luật của Tập Cận Bình mà thôi!
Hỡi ôi!




Thứ Bảy, 3 tháng 5, 2014

QUÁI ĐẢN: VIETNAMNET QUẢNG CÁO CHO GAME ĐIỆN TỬ CỦA TÀU !

Hai tháng qua, do bận công việc xa nhà nên TSYG không cập nhật bài vở được, kính mong bà con thông cảm.
Nhân mấy ngày nghỉ lễ, được rảnh rỗi, mình vào đọc bản tin (ở địa chỉ  http://vietnamnet.vn/vn/quoc-te/173458/ukraina-mo-chien-dich-tan-cong--nhieu-nguoi-chet.html ) trên VietnamNet, kinh hoàng nhận thấy mấy dòng chữ Tàu ở 2 banner quảng cáo cho một game của Tàu, phía bên phải của trang cùng với tranh vẽ mấy nàng thiếu nữ Tàu rất khêu gợi. Khoảng 10 phút sau, trở lại địa chỉ trên lại thấy ở vị trí ban nãy là  một banner quảng cáo cũng toàn chữ Tàu cho một trò chơi khác. 
Dưới đây là một số hình ảnh chụp màn hình vào lúc 1h40 và 1h52sáng 3/5/2014:







Click vào mấy chỗ khoanh đỏ thì hiện ra trò chơi sau:
12 phút sau:




















Vì sao game Tàu lại đường đường được quảng bá công khai trên một tờ báo lớn thuộc hệ báo chí "chính thống" Việt Nam vậy?
Thật là vô phương cứu chữa !

Thứ Năm, 6 tháng 3, 2014

10 ĐIỀU DỐI TRÁ TRONG CUỘC HỌP BÁO CỦA PUTIN


Một buổi lên lớp tốt của KGB - có thể nói thế sau khi nhìn thấy cái nôi tuyên truyền, đó là "một cuộc trò chuyện với các phóng viên" của Tổng thống Nga. Nói ngắn hơn: một hỗn hợp của sự thật, nửa sự thật và cuối cùng là sự dối trá. Một hỗn hợp đầu cơ sai lạc.

Angela Merkel sau cuộc nói chuyện với Putin cho rằng ông ta sống trong thực tế khác. Còn Anne Applebaum thì bình luận cuộc họp của tổng thống với truyền thông.

"Cuộc họp báo của ông Putin cho thấy rằng, chúng ta có thể đã đạt đến điểm kỳ lạ khi nhà độc tài tin vào tuyên truyền của chính mình".

Thế nhưng, có thực sự Putin tin vào tất cả những gì ông ta nói? Đáng ngờ. Putin là một cựu điệp viên KGB cao cấp, ông ta biết mình nói gì và làm gì. Những lời của ông ta hôm nay - cho thế giới là sự dối trá rõ ràng - nhưng có chủ ý nhắm mục tiêu đến người nhận cụ thể: xã hội Nga và một phần thân Nga của xã hội Ukraina.

Dưới đây là 10 lời nói dối lớn nhất Putin:

1) Trong Ukraine đã diễn ra cuộc đảo chính vi hiến; Tổng thống hợp pháp vẫn là Yanukovich

Trong việc tiếp quản quyền lực tại Kiev đã có một khiếm khuyết về thủ tục, nhưng sự thay đổi này không trái với hiến pháp. Victor Yanukovich tự nguyện trao quyền lực - chạy trốn khỏi Kiev, và sau đó lẩn trốn tại một địa điểm không rõ và im lặng trong vài ngày. Nếu quốc hội vẫn coi ông ta là Tổng thống, đất nước sẽ bị tê liệt, bởi vì tất cả thay đổi - được công nhận bởi Yanukovich và phe đối lập vào ngày 21 tháng Hai - cần đến chữ ký của người đứng đầu nhà nước. Do đó, Quốc hội đã thông qua một nghị quyết rằng, Yanukovich "trong một trường hợp vi hiến đã rút khỏi việc thực hiện các quyền đuợc quy định bởi hiến pháp và do đó không thực thi nghĩa vụ của mình".

Putin nói về những lý do loại bỏ tổng thống (theo Điều 108 của Hiến phápUkraine), rằng không có điểm nào trong số đó đã được thực thi. Nhưng quốc hội đã dựa trên điều cao hơn, Điều 108 Chương 5 của Hiến pháp, nói rằng, chủ quyền thuộc nhân dân Ucraina, cầm quyền hoặc trực tiếp, hoặc thông qua đại diện được bầu. Trong tình huống khẩn cấp xảy ra khi Yanukovich và đa số quan chức quan trọng nhất của nhà nước chạy trốn, để ngăn chặn tình trạng tê liệt của Ukraine, Hội đồng Nhân dân Tối cao đã phải lựa chọn người thực hiện nhiệm vụ của người đứng đầu Nhà nước, ông Oleksandr Turchynov.

- Đây là cuộc đảo chính và tiếp quản quyền lực bằng bạo lực. Không ai có thể phủ nhận. Và ai là người phủ nhận? - Putin nói. Toàn bộ cộng đồng quốc tế phủ nhận. Ngoại trừ Nga.

2) Phe đối lập đã phá vỡ thỏa thuận của 21 tháng 2

Thỏa thuận kết thúc cuộc xung đột đã được ký kết ngày 21 tháng Hai năm 2014, giữa đương kim Tổng thống Yanukovich và Arseniy Yatsenjouk, Vitali Klitschko và Oleg Tiahnybok. Người ta chờ đợi trong vòng 48 giờ sẽ tiếp nhận một đạo luật đặc biệt khôi phục hiến pháp năm 2004, tạo ra một chính phủ đoàn kết dân tộc, bắt đầu việc cải cách hiến pháp và thực hiện bầu cử tổng thống.

Nhưng Yanukovich chỉ vài giờ sau đó đã chạy trốn khỏi Kiev, ngăn chặn việc đưa các thỏa thuận trở thành hiệu lực khi không có người đứng đầu nhà nước. Putin nói rằng ông Yanukovich "đi tham dự các dự án tại Kharkov, nhưng sau khi ông ta đi Kharkov, thay vì rút khỏi các tòa nhà hành chính bị chiếm đóng, ngay lập tức người ta đã chiếm cứ dinh tổng thống và trụ sở của chính phủ". Đó là một sự  dối trá - Yanukovych đã không hề tham dự Đại hội của các đại biểu thân Nga tại Kharkov vào ngày 22 tháng Hai. Hơn nữa, họ không muốn ông ta ở đó, khi thừa nhận rằng ông ta đã là một con bài thừa. Yanukovich trả lời một cuộc phỏng vấn truyền hình và sau đó biến mất trong vài ngày.

3) Can thiệp quân sự của Nga ở Ukraine phù hợp với luật pháp quốc tế

Theo ông Putin một sự can thiệp vũ trang tại Ukraine của Nga sẽ phù hợp với luật pháp quốc tế. - Chúng tôi tin rằng nếu chúng ta đưa ra quyết định, hoặc giả tôi đưa ra quyết định, về việc sử dụng các lực lượng vũ trang, thì nó sẽ hợp pháp, hoàn toàn phù hợp với các quy tắc chung của luật pháp quốc tế, bởi vì chúng tôi có lời kêu gọi của tổng thống hợp pháp - Putin cho biết.

Trớc hết, ông Yanukovich vẫn là tổng thống hợp pháp duy nhất của Nga. Thế giới công nhận chính phủ mới là hợp pháp. Thứ hai, sự can thiệp với lý do "viện trợ nhân đạo", v.v. vi phạm Hiến chương Liên Hợp Quốc, Tuyên bố cuối cùng của Hội đồng an ninh và hợp tác châu Âu CSCE Helsinki và các điều ước song phương giữa Nga và Ukraine.

4) Thiếu thủ tục pháp lý của nhà nước Ukraina

Putin nói rằng Nga xem các sự kiện tại Kiev giành quyền lực bằng bạo lực là do "các đối tác nước ngoài" làm cách mạng. - Nếu là một cuộc cách mạng, thì khó không đồng ý với một số chuyên gia của chúng tôi, khi họ cho rằng, trên lãnh thổ này đã thành lập một nhà nước mới ( ... ). Và với đất nước đó và chúng tôi không ký kết bất kỳ văn bản ràng buộc nào - ông nói.

Đây chỉ là sự giải thích theo cách của Nga - Ukraine không có bối cảnh nào được coi là có cơ sở ngăn chặn việc tiếp tục mang tính pháp lý của nước Cộng hòa Ukraine.

5) Nga không hỗ trợ chủ nghĩa ly khai của Crimea

Putin đảm bảo rằng Nga không xem xét kế hoạch sát nhập Crimea, và không có lý do thúc đẩy phong trào ly khai ở đó. - Chỉ có công dân trong điều kiện an toàn và tự do thể hiện ý chí của họ có thể quyết định tương lai của mình - ông nói.

Hoạt động quân sự của Nga ở Crimea mâu thuẫn với lời nói. Thậm chí không nói về các sự kiện của những ngày gần đây. Moscow đã hỗ trợ sự ly khai Nga ở Crimea, ví dụ bằng cách tài trợ các tổ chức địa phương chống Ukraina.

6) Không có lính Nga ở Crimea

Putin nói rằng các nhóm vũ trang lên nắm quyền ở Crimea là lực lượng tự vệ địa phương, không phải binh lính Nga. Đối với những người mặc đồng phục mà không có phù hiệu, ông nói, đồng phục như vậy "rất nhiều trong thời hậu Xô Viết, và có thể mua chúng ngay cả trong các cửa hàng".

Đây có lẽ là sự dối trá rõ ràng nhất Putin. Hành vi và sự xuất hiện của các "lực lượng tự vệ" cho thấy rõ ràng rằng đây là những binh sĩ được đào tạo. Xe cộ đi lại mang biển số của Nga chỉ là một trong các bằng chứng cho thấy họ là lính Nga từ lực lượng đặc biệt.

7) Lực lượng làm cách mạng được đào tạo ở nước ngoài và Ukraina

Putin nói rằng trong những khu vực khác nhau của Ukraine các chiến binh hoạt động "được chuẩn bị ở nước ngoài, Lithuania, Ba Lan và cả Ukraina". - Các huấn luyện viên đã đạo tạo họ một thời gian dài, hoạt động có tổ chức, liên lạc tốt, làm việc như một chiếc đồng hồ, như lực lượng đặc biệt  - Putin cho biết.

Không có bằng chứng cho một tuyên bố như vậy và các nước liên quan ngay lập tức phủ nhận điều này. Cách nói của Putin là sự tiếp nối tuyên bố rằng các cuộc cách mạng Ukraina được tài trợ bởi phương Tây (cố vấn của Putin là Sergei Glazyev nói chuyện đánh nhau được đào tạo trong sứ quán Mỹ ở Kiev).

8) Khủng bố trụ sở của Đảng Các Khu vực ở Kiev

Nói về khủng bố tại Kiev, ông Putin đề cập đến các sự kiện trong những ngày cuối cùng của cuộc cách mạng, khi người biểu tình ở quảng trường Độc Lập chiếm đóng trụ sở chính của Đảng cầm quyền, Đảng Các Khu vực. - Không có ai trong đảng hết. Có 2-3 nhân viên kỹ thuật tới. Kỹ sư bị bắn chết trước đám đông. Người thứ hai bị dồn vào tầng hầm và bị ném chai "Molotov cocktail" và bị thiêu sống - Thủ tướng Putin cho biết và tỏ ra rất ngạc nhiên qua các chi tiết. Điều thú vị là câu chuyện này không ai  biết và không hề có thông tin rằng đã có hành động tàn bạo như vậy.

9) Cuộc đảo chính vũ trang ở Crimea là sản phẩm của những người "dân tộc" Ukraina

Putin đã trình bày sự ngạc nhiên đối với các sự kiện từ giữa tuần trước, khi một nhóm người có vũ trang vào ban đêm đã chiếm giữ các tòa nhà chính phủ và quốc hội của khu tự trị Crimea. Theo ông, đó là những người ủng hộ chính phủ mới tại Kiev. Nhưng không ai hỏi lý do tại sao cờ Nga được treo ở đó và sau đó trong sự hiện diện của họ đã có cuộc bỏ phiếu trưng cầu dân ý.

- Khi vài ngày trước, một nhóm người có vũ trang đã cố gắng chiếm cứ quốc hội của Crimea, gây ra sự lo lắng cho người dân Crimea. Tạo ra ấn tượng rằng, họ muốn theo đuổi kịch bản Kiev tại Crimea và bắt đầu một loạt các hành động khủng bố và hỗn loạn. Do đó, các cư dân của Crimea thành lập các ủy ban tự vệ và đã kiểm soát của tất cả các lực lượng vũ trang - Putin cho biết.

Ông nói thêm rằng "Nhờ Thiên Chúa", "toàn bộ thiết bị vũ tang đã nằm trong tay người dân Crimea". Đây là một lời nói dối. Thứ nhất, rất nhiều cơ sở và đơn vị quân đội Ukraina đã không đầu hàng. Thứ hai, không có một cái gì đó gọi là "người dân Crimea".

10) Nhà chức trách của Crimea là hợp pháp

Putin lập luận rằng chính phủ khu tự trị hiện nay kêu gọi sự giúp đỡ Moscow và họ muốn làm một cuộc trưng cầu dân ý có thể quyết định sự ly khai của bán đảo với Ukraine, là hoàn toàn hợp pháp và là một đối tác để nói chuyện với điện Kremlin. - Sau khi Thủ tướng Chính phủ trước đó đã từ chức, quốc hội Crimea phù hợp với các thủ tục và pháp luật tại phiên họp của Ban kiểm soát bầu một thủ tướng mới của Crimea. Tất nhiên, đó là một thủ tướng hợp pháp. Không có một thủ tục nào vi phạm  - Putin nói.

Một sự không thật rõ ràng. Khi chọn thủ tướng người ta đã vi phạm pháp luật. Quốc hội Crimea phải trao đổi về các đề cử viên với của Tổng thống Ukraine. Điều này đã không được thực hiện, hơn nữa, Aksyonov là một ứng cử viên thù địch với ekip mới tại Kiev.

Theo RFA

Thứ Năm, 20 tháng 2, 2014

KHI TRUNG QUỐC HẠ CÁNH

Theo RFA

Những dấu hiệu khó khăn của nền kinh tế Trung Quốc ngày càng rõ rệt hơn. Nhưng khi nền kinh tế đứng hạng thứ nhì thế giới mà bị suy trầm, hoặc thậm chí hạ cánh nặng nề thì kinh tế thế giới sẽ bị ảnh hưởng ra sao? Diễn đàn Kinh tế nêu câu hỏi với chuyên gia Nguyễn-Xuân Nghĩa về kịch bản này.
Vũ Hoàng: Xin kính chào ông Nghĩa. Thưa ông, từ đã lâu trên diễn đàn này, ông nói đến nhiều dự báo không lạc quan về tình hình kinh tế Trung Quốc và nhắc tới những thử thách hay cơ hội cho các nền kinh tế khác. Vừa qua, tập đoàn ngân hàng Société Générale của Pháp lại có một báo cáo công bố tuần trước về kịch bản hạ cánh nặng nề của Trung Quốc với hậu quả bất lợi cho kinh tế toàn cầu, thí dụ như nếu đà tăng trưởng kinh tế xứ này từ hơn 10% mà giảm tới mức 2% thì tốc độ tăng trưởng của kinh tế thế giới sẽ mất 1,5 điểm bách phân. Vì sao lại như vậy?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Tôi nghĩ điều đầu tiên mà chúng ta cần mường tượng ra về Trung Quốc thì phải thấy được nhiều mâu thuẫn quan trọng. Trước hết, đấy là một quốc gia lớn mà lại rất nghèo. Thứ hai, sau hơn ba chục năm tăng trưởng khá ngoạn mục, xứ này đang phải đổi hướng vì những bất toàn trong mô hình phát triển của họ. Thứ ba, vì hệ thống chính trị bên trong, xứ này khó chuyển hướng êm thấm mà có thể sẽ gặp nhiều khó khăn, thậm chí rủi ro khủng hoảng và trong giả thuyết ấy, thế giới sẽ lại bị hiệu ứng, cũng đáng ngại như vụ khủng hoảng tại Mỹ năm 2008 hay của khối Euro năm 2010. Chúng ta sẽ lần lượt tìm hiểu về những mâu thuẫn này.
Vũ Hoàng: Vâng thưa ông, đầu tiên thì tại sao Trung Quốc có nền kinh tế đứng hạng nhì thế giới về sản lượng mà lại là một nước cực nghèo?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Trung Quốc là một nước lớn, có lãnh thổ bằng diện tích của Hoa Kỳ mà là một lãnh thổ thiếu hai phương tiện sinh sống căn bản cho con người là đất và nước. Diện tích khả canh của họ chỉ bằng một phần ba của trung bình toàn cầu. Nếu tính theo đầu người của xứ này thì lượng nước ngọt, từ sông hồ đến giếng sâu và nước mưa thì thuộc loại thấp nhất Á Châu, và Á Châu thiếu nước nhất trong các lục địa của thế giới. về địa dư hình thể thì lãnh thổ xứ này là một bao lơn hiểm trở khắc nghiệt vây quanh và nhìn xuống vùng đất tương đối phì nhiêu hơn ở vùng duyên hải. Xưa nay, biển người từ bao lơn ba phía đổ xuống vùng Trung Nguyên đã làm nên lịch sử hợp tan của Trung Quốc.

Với thực tế ấy, lần đầu tiên trong lịch sử, Trung Quốc có hơn 30 năm tăng trưởng từ 1979 đến 2009, trung bình là tăng 10% một năm. Từ một xứ có một tỷ 350 triệu người, đà gia tăng ấy quả là đáng kể khiến cho xứ này có sản lượng kinh tế thứ nhì thế giới sau Hoa Kỳ và trước Nhật Bản kể từ năm 2010. Nhưng sự thật thì Trung Quốc vẫn là một nước cực nghèo. Theo thống kê của Bắc Kinh thì chỉ có 60 triệu dân kiếm ra hơn hai vạn đô la một năm; 60 triệu người thì đông thật, mà vẫn chỉ là thiểu số hơn 4% giữa một tỷ 350 triệu. Trong khi ấy, có khoảng 600 triệu người không kiếm ra hai đồng một ngày để sống và có 400 triệu người giàu gấp đôi vì kiếm được từ hai đến bốn đô la một ngày. Vị chi, có một tỷ người Tầu chưa đạt mức lợi tức là bốn đô la một ngày! Thế giới chỉ nói đến một số đại gia tỷ phú ở chung quanh đảng mà quên cả tỷ người bần cùng ấy của Trung Quốc.
Vũ Hoàng: Mâu thuẫn thứ hai mà ông nhắc tới là những bất toàn trong mô hình phát triển của Trung Quốc. Thưa ông, đấy là gì?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Trung Quốc đã có 30 năm tăng trưởng ngoạn mục, chủ yếu là nhờ sức đầu tư rất cao, có lúc lên tới phân nửa của Tổng sản lượng, còn thì thường xuyên cao hơn 40%. Với sức đẩy lớn lao này thì quả nhiên là người ta đạt tốc độ hơn 10%. Nhưng nếu mà xét về phẩm chất hay nội dung thật của tài nguyên được đưa vào sản xuất thì phải nói đến hiện tượng gọi là "sản nhập" vì nhập lượng ở đầu vào lại có giá trị cao hơn xuất lượng ở đầu ra. Lý do của sự thể ngược ngạo ấy là người ta đếm sản lượng ở đầu ra theo trị giá hay giá cả mà cái giá ấy không phản ảnh giá trị hay những hy sinh ở đầu vào. Đây là một khái niệm khá rắc rối về kế toán mà những người làm công tác tuyên truyền hay quảng cáo thường bỏ qua một bên.
Vũ Hoàng: Cũng vì khái niệm kế toán rắc rối ấy, xin ông nhắc lại hoặc đơn cử một thí dụ.
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Tôi xin trước tiên nhắc lại vài phạm trù kế toán với Anh ngữ để thành phần thính giả trẻ đã có kiến thức về kế toán tài chính nắm vững được vấn đề. Sau đó là thí dụ.
Thế giới bên ngoài Trung Quốc chỉ đếm phương tiện đưa vào sản xuất theo mệnh giá hay face value. Người ta đã lầm trị giá (price) với giá trị (value) của nhập lượng (input) rồi kiểm kê xuất lượng (output) để gọi đó là sản lượng (production) mà không khấu trừ nhiều phí tổn (cost) của nhập lượng này. Trong đó có những phí tổn ngầm mà ta phải gọi là "ẩn phí", shadow cost, như phí tổn về môi sinh bị hủy hoại, hoặc phí tổn về thời cơ của tư bản là opportunity cost vì dùng tiền vào chỗ này thì không có cơ hội dùng vào chỗ khác có giá trị hơn.
Thí dụ dễ hiểu ở đây là nhà nước huy động sức tiết kiệm rất cao của dân chúng và trả tiền lời ký thác rất thấp, gần như số âm nếu kể thêm mức lạm phát. Đấy là một hình thái trưng thu hay bóc lột từ gốc. Nguồn tiết kiệm rẻ này lại được hệ thống ngân hàng của nhà nước đưa vào khu vực là doanh nghiệp của nhà nước hay công ty đầu tư của nhà nước ở cấp địa phương, để thực hiện các dự án sau này được kể là sản lượng kinh tế. Một cây cầu hay một nhà máy thép hình thành như vậy và được tính là sản lượng dù có giá trị kinh tế rất thấp. Cầu có hư phải sửa lại và thép có ế mà nằm chất đống thì vẫn cứ được coi là sản xuất. Chả ai tính ra cái mất mát của hiện tượng này.
Vũ Hoàng: Bây giờ bước qua mâu thuẫn thứ ba là vì sao Trung Quốc khó chuyển hướng một cách êm thắm mà lại bị rủi ro hạ cánh nặng nề?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Từ cả chục năm nay, lãnh đạo của Trung Quốc đã thấy vấn đề này, cụ thể nhất là thấy mức đầu tư quá cao so với sức tiêu thụ quá thấp của nền kinh tế, vì vậy, họ đã muốn cải sửa. Thí dụ như trong Kế hoạch Năm năm thứ 11, từ 2006 đến 2011, lãnh đạo đảng đã đề ra yêu cầu nâng cao sức tiêu thụ nội địa, vậy là kết quả lại trái ngược. Năm 2000 thì sức tiêu thụ của tư nhân Trung Quốc ở mức 46% Tổng sản lượng, dù có thấp so với các nước cùng trình độ phát triển thì cũng chưa đến nỗi nào. Nhưng kết quả thì năm 2012, sức tiêu thụ ấy lại sụt tới mức 36% của Tổng sản lượng. sau Đại hội 18 vào cuối năm 2012, việc chuyển hướng lại được Hội nghị kỳ ba nêu ra vào cuối năm ngoái mà chưa biết là có thực hiện được hay chăng?
Vũ Hoàng: Thưa ông, đâu là những lý do cản trở việc cải cách này?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Tôi xin lấy một thí dụ khác liên hệ đến chuyện tiêu thụ lẫn hậu quả cho quốc tế là tỷ giá đồng Nguyên mà họ gọi là Nhân dân tệ Renminbi.
Trung Quốc đầu tư mạnh, sản xuất nhiều và phải xuất khẩu sản phẩm đó cho thế giới. Chế độ duy trì hệ thống ngoại hối có kiểm soát, là ghìm giá đồng bạc thật thấp nếu so với các ngoại tệ mạnh của thế giới như Mỹ kim hay Euro chẳng hạn. Họ muốn là nhờ tỷ giá thấp mà hàng rẻ và dễ bán hơn. Khi bán hàng rồi thì nhà nước thu về ngoại tệ, thí dụ như đồng đô la, và lập được một kho dự trữ ngoại tệ lớn nhất thế giới, nay lên tới con số tương đương là ba ngàn 800 tỷ đô la. Bối cảnh ấy che giấu sự thật là đồng Nguyên được định giá thấp hơn thực tế, hãy tạm lấy một mức thấp là bằng 10%. Nếu muốn chuyển hướng thì một trong các biện pháp họ nên áp dụng chính là nâng hối suất đồng bạc thêm 10% so với Mỹ kim chẳng hạn. Hậu quả sẽ ra sao?
Công nhân Trung Quốc trong một công xưởng sản xuất máy lạnh.
Công nhân Trung Quốc trong một công xưởng sản xuất máy lạnh.
Hậu quả là công nhân và doanh nghiệp mà góp phần xuất khẩu được một đô la thì sẽ có lợi tức gia tăng được 10% và nhờ đó nâng cao được sức tiêu thụ. Đấy là cái "được" của thành phần sản xuất và sẽ tiếp tay điều chỉnh cơ chế kinh tế lệch lạc hiện nay. Nhưng cái "mất" của biện pháp này là nhà nước bị mất 10% nguồn thu từ ngoại tệ đem về. Thí dụ cho dễ nhớ là mất 10% của khối dự trữ ngoại tệ 3.800 tỷ đô la, tức là mất 380 tỷ đô la. Sự thật thì khi duy trì tỷ giá thấp, Trung Quốc đã mất hàng ngày vì những chênh lệch về xuất nhập khẩu mà chưa bút ghi khoản mất đó. Bây giờ, với biện pháp điều chính tỷ giá thì người dân được 10%, nhà nước hợp thức hoá khoản mất đó. Dù thế giới đã khuyến cáo, lãnh đạo Bắc Kinh vẫn không muốn như vậy nên người dân không được khoản 10% này và việc điều chỉnh vẫn chưa tiến hành. Lý do ở đây là nhà nước sợ mất tiền bạc và thế lực của mình, dù rằng cái mất đó lại là cái được của người dân.
Vũ Hoàng: Đây mới chỉ là một thí dụ cụ thể về lý do cản trở việc chuyển hướng, hẳn là ông còn thấy nhiều lý do khác nữa chứ?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Một thí dụ khác là Hội nghị Trung ương kỳ ba vào Tháng 11 năm ngoái có để ra việc chuyển 20% dân số từ thôn quê ra các tỉnh thành trong kế hoạch đô thị hóa. Sự chuyển dịch ấy có nghĩa là lương bổng và phúc lợi của người dân từ quê ra tỉnh sẽ được cải tiến và lợi tức gia tăng sẽ nâng mức tiêu thụ của tư nhân trong thị trường nội địa. Nhưng chính quyền tại các thành phố ở địa phương lại không muốn gánh chịu khoản tốn kém ấy mà còn lo gia tăng nguồn thu về thuế khóa nên dồn phương tiện cho các dự án đầu cơ địa ốc. Họ vừa lấy đất của dân vừa lập công ty đầu tư tài chính để vay tiền làm ăn. Khi bị hạn chế và kiểm soát thì họ vay ngoại ngạch, ngoài ngân hàng, trong hệ thống tài chính chui có mức rủi ro rất cao.
Vũ Hoàng: Như vậy, vì rất nhiều nguyên do phức tạp trong nội bộ, Trung Quốc sẽ khó chuyển hướng và nguy cơ hạ cánh nặng nề mới khiến thế giới quan tâm. Khi đó, ta mới tìm hiểu về hiệu ứng Trung Quốc khi nền kinh tế này bị suy thoái trong những năm tới.
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Trung Quốc là một thị trường nhập khẩu lớn của thế giới, trị giá đến 30% của Tổng sản lượng với rất nhiều nguyên nhiên vật liệu nuôi sống các nước xuất khẩu. Khi kinh tế xứ này bị trì trệ, với tốc độ tăng trưởng dưới 7%, hoặc suy trầm hay suy thoái mạnh, thì lượng hàng nhập khẩu sẽ giảm mạnh và gây thiệt hại cho các nước bán thương phẩm, từ Úc đến Indonesia hay Malaysia và các nước Trung Đông bán dầu khí. Đấy là một lẽ. Nhưng giá thương phẩm sút giảm lại là điều có lợi cho xứ khác vì sẽ giảm phí tổn sản xuất.
Song song, có một khía cạnh còn đáng ngại hơn vậy là Trung Quốc đang có một núi nợ rất lớn và dễ sụp đổ sau khi đã ào ạt bơm tín dụng để kích thích kinh tế. Núi nợ lên tới mười mấy ngàn tỷ dô la, trong đó có nhiều khoản khó đòi và sẽ mất khi sản xuất bị đình trệ. Nếu mà núi nợ này sụp đổ thì nhiều ngân hàng vỡ nợ dây chuyền và hậu quả toàn cầu sẽ còn kinh hoàng hơn những gì đã thấy sau vụ khủng hoảng tại Hoa Kỳ năm 2008 hay tại Âu Châu năm 2010. Người ta nói rằng đây là "đợt sóng thần thứ ba" có thể xảy ra trong những năm tới. Qua một kỳ khác, ta sẽ tìm hiểu thêm về đợt sóng này.
Vũ Hoàng: Xin cảm tạ ông Nghĩa và hẹn lại một kỳ sau.