Thứ Ba, 30 tháng 10, 2012

VỤ 2,7 TỈ ĐÔ CỦA GIA ĐÌNH ÔN GIA BẢO: SỰ LỐ BỊCH CỦA TRUYỀN THÔNG

Không hẹn mà gặp, ngày 29-10-2012, đồng loạt nhiều tờ báo Việt nam đã “ra quân”, đăng bài về việc Trung Quốc bác bỏ bài viết trên tờ New York Times (NYT) ngày 25- 10-2012 dưới nhiều tiêu đề có vẻ khác nhau nhưng thực chất chỉ là một: “Bác tin tỉ đô”, “Trung Quốc bác tin Thủ tướng có 2,7 tỉ USD”, “Thủ tướng Trung Quốc bác tin sở hữu 2,7 tỉ USD”, Gia đình Thủ tướng Ôn Gia Bảo bác tin tài sản 2,7 tỉ USD”,v.v…Ôi chao ôi, cứ gọi là hoa hết cả mắt!
Ấy thế nhưng cũng thật là kỳ lạ, kỳ lạ hết chỗ nói khi mà cũng những tờ báo ấy đã đồng loạt “từ chối ra quân”, không chịu đăng bài khi thông tin về gia tài kếch xù 2,7 tỉ đô của gia đình họ Ôn đang “bùng nổ” trên toàn thế giới, sau quả bom “ Billions in Hidden Riches for Family of Chinese Leader” do tờ New York Times tung ra vào ngày 25-10-2012.      

Bài báo nói trên của NYT được viết hết sức công phu với nguồn tài liệu chứng cứ rất phong phú, nói về rất nhiều lĩnh vực kinh tế, tài chính, đầu tư… mà vợ, con, dâu rể và nhiều người thân khác trong gia đình của ông Ôn tham gia. Bài viết chi tiết, cụ thể và dài, đến nỗi phải chia làm 7 phần (trên NYT online). Vậy mà tất cả những bài “bác bỏ” nói trên lại không có lấy một dòng nào được gọi là “bác bỏ” cho đúng nghĩa, tức là chỉ nói chung chung, nói lấy được theo kiểu chụp mũ là “bịa đặt”, “bôi nhọ”, “đen tối”… mà không dám đưa ra và bắt bẻ bất cứ nội dung nào của NYT.
Thông thường, có A thì mới có B. Nhiều sự vật trong cuộc sống đã và đang vận hành theo logic ấy. Thế nhưng trong câu chuyện này, không có A mà vẫn có B, Rõ ràng là có điều gì đó huyền bí, ma mị, thoắt ẩn thoắt hiện. Khi mà bên ngoài, cả thế giới đang nóng ran từng giờ theo dõi các bản tin, bình luận về sự kiện rất đặc biệt này, thì toàn thể báo đài nhà ta im như thóc, lặng như tờ. Thế rồi sau 4 ngày, khi tiếng nói “bác bỏ” từ phía Trung Quốc xuất hiện thì cả làng truyền thông Việt Nam cùng lên tiếng “bác bỏ”, “bác bỏ”…, cứ như thể nói hộ, nói thay cho nhà đài Trung Quốc. Lập luận thì cứ y như “ní nuận” của Trung Quốc, chẳng cần biết lý do “bác bỏ” là gì, chẳng quan tâm tới việc NYT có sai hay không, sai ở chỗ nào, miễn là cứ “bác bỏ”, “bác bỏ”…
Tạm gọi đó là cái lố bịch thứ nhất của truyền thông.
Chiều nay, đi làm về, mình vào mạng thì thấy bài trên VietnamNet có cái tựa rất oách và cũng rất “bịa”: “Báo TQ đánh báo Mỹ vì “bịa” gia tài Thủ tướng”. Thực ra bài này chép lại nguyên xi một phần của bài “China’s People’s Daily launches attack on The New York Times” ngày 29-10-2012 trên tờ Telegraph của Anh. Phần “y sao” là nội dung mà Telegraph thuật lại những lời nói, phản ứng từ luật sư của ông Ôn, của người phát ngôn Bộ ngoại giao TQ, và ý kiến của một giáo sư đại học ở Thượng Hải.
Ngay trong tiêu đề và lời tựa (phần tô đậm đầu bài) của VietnamNet, đã có vấn đề:
Tiêu đề: ”: “Báo TQ đánh báo Mỹ vì “bịa” gia tài Thủ tướng”. Cho dù từ “bịa” được đặt trong ngoặc kép thì cách dùng từ “bịa” theo kiểu giả mà thật, thật mà giả như thế là không nghiêm túc, và có thể từ “bịa” này sẽ “dính chặt “ vào câu chuyện mãi về sau này, bất cần lý lẽ.
Lời tựa: “Tờ Nhân dân Nhật báo, cơ quan ngôn luận của đảng Cộng sản Trung Quốc đã phát động một cuộc tấn công vũ bão nhằm vào tờ The New York Times của Mỹ…” Cụm từ trong nguyên bản là “a blistering attack” mà lại gọi là cuộc tấn công vũ bão ư? Dân báo chí thường gọi đây là “cuộc công kích làm nóng ran mặt báo”, chứ lấy đâu ra cuộc “tấn công vũ bão”, làm như tường thuật chiến tranh không bằng. Vả lại, một mình tờ Nhân dân Nhật báo, cho dù sử dụng ngôn từ gì đi nữa thì nói “tấn công vũ bão” NYT là quá đại ngôn. Cũng chẳng biết VietnamNet nói vống lên như thế  làm gì? Mà sao khi xảy ra sự kiện “2,7 tỉ đô” thì lại im thin thít?
Còn phần nội dung, như đã nói, VietnamNet chép lại nguyên xi phần mà Telegraph tường thuật phản ứng của phía Trung Quốc. Chấm hết! Như thế khác gì lại tiếp tục làm cái loa “tuyên truyền không công” cho Trung Quốc? Phần mà VietnamNet đã bỏ đi, đáng tiếc thay, lại chứa đựng nhiều điều cần suy nghĩ, nhất là về phương cách tuyên truyền của Trung Quốc, theo kiểu nói, nói và nói; nói lấy được, không cần biết người biết ta; chụp mũ, luận tội người khác mà không cần bất cứ lý do nào. Mình chép lại đây phần mà VietnamNet đã bỏ đi ấy (cố tình hay vô ý thì bà con xem xét giùm nhé):
“Tuy nhiên, Nhân dân Nhật báo và các phương tiện truyền thông do nhà nước kiểm soát cũng đã phải vật lộn với nạn đạo văn của chính cơ quan mình trong quá khứ. Trong tháng Tám, một phóng viên của tờ báo đàn em là tờ tiếng Anh Hoàn cầu Thời báo đã bị sa thải sau khi bị phát hiện đã xào nấu và sao chép một số bài báo về Thế vận hội London. Một trong số những chuyện ăn cắp ý tưởng (của phóng viên này) là “cuộc phỏng vấn độc quyền” với thị trưởng London Boris Johnson, được đạo văn từ một cột báo của ông Johnson trên tờ Daily Telegraph.
Trong khi đó, vào chiều thứ Hai, phần lớn bài của Nhân dân Nhật báo nói về New York Time đã ăn cắp ý tưởng từ một loạt các nguồn trực tuyến. Một số phần đã được lấy từ những câu chuyện của Thông tấn xã Trung Quốc (Tân Hoa Xã) rồi lược bỏ đi một số từ ngữ, trong khi những phần khác thì được sao chép lại từ các bài viết trước đây của chính Nhân dân Nhật báo.
Chiều thứ Hai, các cuộc gọi đến lãnh đạo của Nhân dân Nhật báo đều không được trả lời. Những người sử dụng Twitter của Trung Quốc như Weibo microblog đều cảm thấy chẳng thú vị gì (với bài của Nhân dân Nhật báo). Một người đã viết: “Truyền thông trong nước là một trò hề. Đạo văn, giả mạo, tạo dựng scandal…, tất cả là vì (The New York Times) đã báo cáo về một bí mật không thể tưởng tượng nổi”.
Đó là cái lố bịch thứ hai.
Dường như trong truyền thông, tâm  thế nô dịch còn ảnh hưởng nặng nề lắm. Và với cái kiểu “thông tin” như thế, làm sao người dân có thể “THÔNG”  và có thể “TIN” được?


2 nhận xét:

Hai Quả nói...

Một chuyện tiếu lâm:
"Nghị viện X kiện tờ báo Y về tin: Một nửa quốc hội là quân tham nhũng" Tờ báo vợi đính chính: "Một nửa quốc hội không phải là quân tham nhũng"
Trường hợp Ôn gia cũng na ná như vậy, cũng đôi chút "thông cảm" vì cách đưa tin của truyền thông nước ta. Dù sao người dân cũng biết đế vụ ông Ôn, ông Dịch nào đó bên Tàu, tham hay không tham thì dân cũng phải chép miệng, tặc lưỡi: Ở cương vị đó chắc gì lão ta trong sạch...

Tâm Sự Y Giáo nói...

Chính xác,
Bác Hai Quả phát hiện vấn đề chính xác!
Vần đề là bọn sâu mọt nhiều quá, đến mức chúng có khắp nơi, ngay trong cả làn hơi để chúng ta hít thở... bác ạ!