Thứ Năm, 28 tháng 2, 2013

CHỦ NHÀ HÀNG PHÂN BIỆT CHỦNG TỘC Ở BẮC KINH TỪ CHỐI XIN LỖI


Chủ nhà hàng ở Bắc Kinh hôm nay thứ Năm đã từ chối xin lỗi, mặc dù đã tháo gỡ tấm bảng thông báo phân biệt chủng tộc, cấm công dân các nước Nhật Bản, Philippines, Việt Nam và chó vào nhà hàng.

Tấm bảng ghi: Người Nhật, người Philippines, người Việt Nam và chó không được vào cửa hàng này.

Y nói y không cảm thấy hối tiếc và sẽ không xin lỗi vì bất cứ hành vi gì. Y cho rằng “Có lẽ mọi người hiểu nhầm ý của chúng tôi… Nó chỉ muốn nói rằng chúng tôi sẽ không phục vụ khác hàng từ một số nước” (Theo SCMP).

Thật là ngu xuẩn và man rợ hết chỗ nói.

NÀY, TÊN CHỦ QUÁN BẮC KINH VÀ ĐỒNG BỌN HÃY NGHE ĐÂY: CHÚNG BAY SẼ BỊ NGHÌN ĐỜI SAU NGUYỀN RỦA !

Thứ Hai, 25 tháng 2, 2013

ÔNG NGUYỄN BÁ THANH: BÁC HỒ TỪNG LÔI XỀNH XỆCH MAO TRẠCH ĐÔNG QUA MÁT-XCƠ-VA GẶP XÍT-TA-LIN !

Đây là một phần bài nói của ông Nguyễn Bá Thanh trước 4.500 cán bộ các cấp của Đà nẵng (Nguồn:  YOUTUBE ). Mời bà con đọc qua chút xả xì-trét cho đỡ … tức !
30-4-1975 ta giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, giang sơn thu về một mối. Như vậy sau 117 năm kể từ ngày Pháp nổ phát súng xâm lược vào Đà nẵng 1858 mở đầu cho cuộc xâm lược. Như các đ/c biết trong kháng chiến đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh và bộ tham mưu tối cao có đức có tài, những tên tuổi như Lê Duẩn, Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, Nguyễn Văn Linh…, góp phần vào trong chiến thắng chống Mỹ. Phải nói uy tín của Đảng đối với dân gần như tuyệt đối. Đảng gắn bó máu thịt với dân, dân rất tin Đảng.
Nhà tan cửa nát cũng ừ,
Thắng giặc Mỹ, ta sẽ được chừ, sứớng sao !
Có những gia đình như gia đình mẹ Thứ, chồng và con gần cả chục người hy sinh. Có những người mẹ lần lượt tiễn những người con cuối cùng mình rứt ruột đẻ ra để tham gia chiến đấu chiến thắng Mỹ.
Nhưng sau giải phóng miền Nam 1975, phải nói rằng những người cộng sản Việt Nam quá say sưa với chiến thắng, cứ tưởng mình thắng Mỹ là nhất rồi. Không có gì khó hơn thắng Mỹ mà còn làm được thì các thứ khác cũng làm được. Bắt đầu chủ quan, bắt đầu duy ý chí. Các đ/c nhớ lại Quỳnh lưu Nghệ an không? Thay trời đổi đất sắp đặt lại giang sơn. Mo cơm cùng với mắm cà quyết tâm xây dựng chủ nghĩa xã hội. Mắm cà với mo cơm mà xây dựng cái gì?
Rồi bắt đầu nhập các tỉnh lại. Úi chu choa! Nhập các tỉnh Bình Trị Thiên. Dân mà đi ở dưới lên tỉnh phải đi hai ngày đường. À, Bình Trị Thiên hay là Thiên Trị Bình? Rồi các tỉnh trong này, Nghĩa Bình, Phú Khánh… rồi nhập hết. Người ta có câu ca:
Tỉnh dài huyện rộng xã to
Tỉnh lo phần tỉnh, dân lo phần mình.
Rứa cũng không nghe, cứ nhập dzô. Sau này phải chia tách ra như các đ/c biết. Mơ mơ màng màng !
Hồi nớ còn nhớ đ/c Phạm Tuân đi tàu vũ trụ với Go-rơ-bát-cô đó. Tất nhiên mình cũng vinh dự là người Việt Nam đầu tiên lên vũ trụ. Thế nhưng ở Hà nội lập tức xuất hiện câu ca liền:
Nước này còn lắm gian truant,
Việc gì phải phóng Phạm Tuân lên trời?
Vậy là có thơ liền!
Và do say sưa chiến thắng, Đảng bắt đầu buông lỏng sự lãnh đạo, chính quyền bắt đầu buông lỏng sự quản lý nhà nước và cán bộ đảng viên bắt đầu thoái hóa biến chất. Những điều trước kia không bình thường thì dần dần bắt đầu bình thường.
Phải nói cái đường lối ngoại giao của chúng ta chưa thật khéo cho nên ta phải vướng vào hai cuộc chiến tranh : Biên giới phía Bắc, Biên giới Tây Nam. Chúng ta phải đụng độ với ông bạn khổng lồ phương Bắc. Trung Quốc xua hàng mấy chục sư đoàn kể cả xe tăng tràn sang 6 tỉnh phía Bắc, hướng Hà nội mà tiến. Lúc đó những lời hịch của cha ông ngày xưa, của Lý Thường Kiệt lại vang lên. Mở đài phát thanh ra là nghe :
Nam Quốc sơn hà Nam đế cư
Tiệt nhiên định phận tại thiên thư
Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm
Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư !
Rồi những lời hịch của Quang Trung lại vang lên :
Đánh cho nó chích luân bất phản
Đánh cho nó phiến giáp bất hoàn
Đánh cho sử tri Nam Quốc sơn hà chi hữu chủ !
Liên tục trên đài phát thanh ! Và những con em chúng ta lại lên đường ra trận bảo vệ biên cương. Cùng một lúc trị cái đám Pôn Pốt – Iêng Sary, cứu họa diệt chủng Cam-pu-chia , đồng thời bảo vệ nhân dân mình. Cứ tối tối tràn sang giết hàng chục người vứt xuống sông. Đám Pôn Pốt tàn ác như thế nào các đ/c biết rồi. Một mặt phải đối phó với phương Bắc vô cùng vất vả.
Các đ/c nhớ rằng,tất nhiên tôi xét lại lịch sử theo quan điểm cá nhân tôi là như thế. Nếu Bác Hồ còn sống thì chưa chắc xảy ra hai cuộc chiến tranh này đâu. Với cái đường lối ngoại giao khéo léo tài tình, Bác Hồ sẽ tránh được hết !
Có những chi tiết báo chí không nêu đó thôi. Chứ thực chất năm 1951, Bác Hồ từ Việt Nam qua Trung quốc. Ổng nói làm sao, ổng rủ rê làm sao mà Mao Trạch Đông đi cùng Bác Hồ qua tít Mát-xcơ-va để gặp Xít-ta-lin.  Gặp Xít-ta-lin rồi, Xít-ta-lin thì có biết Mao Trạch Đông của cách mạng Trung Quốc, nhưng Việt Nam hồi đó chưa có tên tuổi chi hết. Bác Hồ mới bảo là : ông chưa biết tui, ông này thì ổng biết tui, thôi thì ông viện trợ qua cho ông này rồi giúp cho tui để tui về chiến đấu với thực dân Pháp, tui giành độc lập. Xít-ta-lin đồng ý.
Cho nên giai đoạn một số vũ khí của Liên Xô cộng một số vũ khí Trung Quốc đã giúp ta trong kháng chiến chống Pháp là bắt đầu từ cuộc đi đó. Một nước lớn như thế, Trung Quốc là nước lớn chứ không phải nhỏ. Nhưng mà Bác Hồ qua, ổng thuyết phục sao đó mà ảnh (tức là Mao Trạch Đông) xách cặp đi cùng với Bác. Lôi xềnh xệch nó đi qua tới Mát-xcơ-va ! Giỏi như thế đó !
Còn mình chừ mình nói loạng quạng, loạng quạng...

Chủ Nhật, 24 tháng 2, 2013

TIN ĐƯỢC KHÔNG: NĂM GIỜ “LÀM VIỆC” VỚI HUGO CHAVEZ ?

Từ khi ông Chavez bất ngờ trở về từ Cuba vào lúc 2h30 sáng thứ hai 18-2 đến nay, không ai được nhìn thấy hoặc nghe giọng nói của ông.
Ngày hôm qua, tại tiển sảnh của bệnh viện cùng một số quan chức, Phó tổng thống Venezuela Nicolas Maduro cho biết ông ta đã làm việc trong ba phiên họp khoảng 5 giờ với Tổng thống Hugo Chavez trong phòng làm việc của ông ta ở bệnh viện quân đội, để giải quyết các vấn đề kinh tế, an ninh và chính sách nhà nước. Ông Maduro nói với Đài truyền hình Venezuela: “Tổng thống vẫn đang được điều trị, có vấn đề về hô hấp và đang được điều trị tăng cường. Vẫn được duy trì một ống thở, tổng thống trao đổi với chúng tôi qua văn bản và một số hình thức khác cho thấy sự nhận biết, đây là một sự nỗ lực rất lớn”. Ông ta nói thêm: “Tổng thống duy trì liên lạc với chính phủ bằng một cách thức đặc biệt, mỉm cười, anh mắt đầy nghị lực và một sức mạnh ý chí to lớn”.
Điều này mâu thuẫn với phát biểu của Ngoại trưởng Elias Jaua trước đó nói rằng "tình hình của ông Chavez trở nên tồi tệ hơn bời suy hô hấp. Trọng tâm hiện nay là cuộc sống của tổng thống và sự tiếp tục công việc trước những thay đổi căn bản".
Trong khi đó, tất cả các Viện khoa học: Viện Y khoa quốc gia, Viện Chính trị, Viện Toán – Lý, Viện Khoa học Kinh tế Kỹ thuật đã thống nhất ban hành một thông cáo kêu gọi sự minh bạch về thông tin sức khỏe của tổng thống, vì họ tin rằng “Việc ông Chavez không thực hiện chức năng của mình là tai tiếng và ảnh hưởng đến mọi người”.
Phe đối lập hôm qua cũng đã bắt đầu một chiến dịch yêu cầu Phó tổng thống Nicolas Maduro công bố sự thật về sức khỏe của ông Chavez. Còn ông Jose Miguel Insulza, tổng thư ký Tổ chức các nước châu Mỹ, nói rằng tuần sau sẽ có thông báo về tình hình chính trị ở Venezuela, ngoại trừ những điều đã biết.
Những nội dung trên là theo bản tin của ABC ngày hôm nay. Sau đây là một số phản hồi đáng chú ý:
AndressCr88@:
Dường như kết thúc của Chavez là cái chết, còn kết thúc của các bộ trưởng và các chính khách của Chavez sẽ là trong nhà tù vì đã lừa dối đất nước. Chavez không xuất hiện tại sân bay, không thể di chuyển vì ung thư đã di căn sang tủy sống. Người dân Cuba không cho phép Chavez chết ở Cuba. Nếu Chavez chết ở Cuba thì đây sẽ là đòn giáng rất mạnh vào danh tiếng của nền y học Cuba. Vấn đề là phải chờ sự xác nhận của chính phủ Venezuela.
Pelincritico@
Tôi nghĩ rằng họ đã dùng tín hiệu Morse để liên lạc với nhau. “Trong 5 giờ, ông ấy đã trao đổi với chúng tôi qua văn bản và nhiều cách thức khác nhau” là chuyện khôi hài. Tôi không hiểu vì sao họ lại bận tâm việc phục hồi trong 5 giờ cho một bệnh nhân ung thư, suy hô hấp và di chuyển khó khăn.
OmMt@
5 giờ với Chavez nhưng không phải là 10 giây của một đoạn video để chứng minh rằng ông ta còn sống. Vì sao? Vì đơn giản là ông ta đã chết, đây phòng lạnh, đây tủ đá. Không ai đã nhìn thấy và cũng không ai sẽ thấy Chavez, bởi vì ông ta đã chết. Người dân phải tin vào những gì họ nói, vào những hình ảnh họ cung cấp. Những gì chúng tôi biết là về một cuộc đảo chính, chuẩn bị cho chính quyền Chavez mà không có Chavez…
Abadala1869@
Đây là một màn bi hài kịch, một nhân vật trí tuệ mờ mịt tối tăm lại dẫn dắt dân chúng của một quốc gia. Do khả năng đặc biệt tuyệt vời nên một bệnh nhân được đặt ống khí quản với các vấn đề hô hấp nghiêm trọng và được chăm sóc đặc biệt từ nhiều tuần trước, lại có khả năng chỉ đạo ba phiên làm việc trong hơn 5 giờ và đưa ra các “văn bản” giải quyết các vấn đề của nhà nước…

Thứ Bảy, 23 tháng 2, 2013

ĐỀ NGHỊ BÁO NHÂN DÂN ĐÍNH CHÍNH


Ngày 20-2-2012, báo Nhân Dân cho đăng bài Tính hợp lý của Điều 4 trong Dự thảo Hiến pháp (sửa đổi) của tác giả Nguyễn Viết Thông, Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Tổng thư ký Hội đồng lý luận Trung ương.
Trong bài báo trên có đoạn: “Nhiều nước khác lại chỉ có một đảng chính trị như Cu-ba, Lào, Triều Tiên, Ăng-ti-goa, A-rập Xê-út, Ba-ren, Bê-li-xê, Bô-xni-a, Bốt-xoa-na, Bê-nanh, Phi-gi, Găm-bi-a, Ê-ri-tơ-ri-a, Gha-na, Ghi-nê, Ha-i-ti, Cốt Đi-voa, Li-bi, Cư-rơ-gư-xtan, Ma-đa-ga-ca, Mô-na-cô, Tat-gi-ki-xtan, v.v…” chứa nhiều nội dung sai sự thật. Sự thật là hàng loạt nước trong số các nước nói trên hiện đang theo chế độ đa đảng. Cụ thể là:
Ăng-ti-goa:  tên đầy đủ là Antigua và Barbuda, có 3 đảng: Đảng Lao động Antigua, Đảng Thống nhất Tiến bộ, Phong trào Nhân dân Barbuda.
Ba-ren: tên thật là Bahrain, có 7 đảng : Đảng Al Aslah, Đảng Xã hội Hồi giáo Al-Menbar, Đảng Al Meethaq, Phong trào Tư pháp Quốc gia, Đảng Xã hội Hồi giáo Quốc gia Al Wefaq, Đảng Dân chủ Quốc gia, Đảng Hành động Dân chủ Xã hội Quốc gia.
Bê-li-xê: tên thật là Belize, có 2 đảng lớn là Đảng Dân chủ Thống nhất và Đảng Nhân dân Thống nhất, cùng với 15 đảng khác.
Tương tự:
A-rập Xê-út: tên thật là Saudi Arabia: có 15 đảng
Bốt-xoa-na: tên thật là Botswana, có 8 đảng.
Bô-xni-a: tên thật là BosniaHerzegovina, có 12 đảng.
Găm-bi-a: tên thật là Gambia, có 8 đảng.
Gha-na: tên thật là Ghana, có 23 đảng.
Ghi-nê: tên thật là Guinea, có 9 đảng.
Ha-i-ti: tên thật là Haiti, có 30 đảng.
Cốt Đi-voa : tên thật là Cote d’Ivore, có 5 đảng lớn và 20 đảng nhỏ khác.
Phi-gi : tên thật là Fiji, có 3 đảng.
Li-bi : tên thật là Lybia, có 23 đảng tham gia cuộc bầu Quốc hội tháng 7/2012 sau khi Gaddafi bị lật đổ.
Cư-rơ-gư-xtan : tên thật là Kyrgystan, có 27 đảng.
Ma-đa-ga-ca : tên thật là Madagascar, có 16 đảng.
Mô-na-cô : tên thật là Monaco, có 4 đảng.
Tat-gi-ki-xtan : tên thật là Tajikistan, có 3 đảng lớn và 6 đảng nhỏ khác.
(Nguồn : en.wikipedia.org)
Vì những nội dung quá sai với sự thật như trên, trân trọng đề nghị Báo Nhân Dân cho đăng Lời Đính chính.



Thứ Năm, 21 tháng 2, 2013

PGS-TS NGUYỄN VIẾT THÔNG, KHÔNG ĐƯỢC LỪA DỐI TRẮNG TRỢN NHƯ THẾ !

Gửi Phó Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Viết Thông, Tổng thư ký Hội đồng lý luận trung ương ,
Trong bài Tính hợp lý của Điều 4 trong Dự thảo Hiến pháp (sửa đổi), ông đã dùng nhiều thủ thuật tinh vi nhằm qua mặt, lừa mị người đọc. Do đó tôi thấy cần vạch cho nó rõ ra, để bà con cảnh giác:

Phó Giáo sư Tiến sĩ Ní Nuận Nguyễn Viết Thông
Mạo danh nhân dân
Trong mục 2, ông tỉnh queo viết rằng: “Nhân dân Việt Nam đã thừa nhận Đảng Cộng sản Việt Nam là đảng duy nhất lãnh đạo, không chấp nhận đa nguyên, đa đảng”, rồi thì “Các tầng lớp nhân dân Việt Nam nhận thức rõ hơn ai hết, nếu chấp nhận đa đảng, chế độ XHCN sẽ sụp đổ, đất nước sẽ rối loạn, đời sống nhân dân cả vật chất và tinh thần rơi vào tay các thế lực không trung thành với lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc ta”.
Ông chỉ là PGS, TS, Tổng thư ký hội đồng lý luận trung ương, chứ nếu ông có là ai đi nữa thì cũng không được vội vã nói chắc như vậy. Chỉ có NHÂN DÂN mới có quyền khẳng định hay không khẳng định những điều nói trên. Nếu thế thì phải đi hỏi ý kiến của NHÂN DÂN đã chứ. Thông thường là phải qua một cuộc trưng cầu dân ý thì mới biết được cụ thể như thế nào. Sư việc như vậy đâu có đơn giản, mà ông đã vội mạo danh nhân dân rồi phang bừa, nói lấy được?
Góp ý sửa đổi Hiến pháp hay là góp ý về Xây dựng Đảng ?
Trong mục 4, ông viết:

“So với Hiến pháp năm 1992, quy định về Ðảng trong dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 có ba bổ sung, phát triển quan trọng.
Một là, khẳng định Ðảng Cộng sản Việt Nam không chỉ là đội tiên phong của giai cấp công nhân, mà đồng thời còn là đội tiên phong của nhân dân lao động và dân tộc Việt Nam. Bởi lẽ, Ðảng Cộng sản Việt Nam ra đời là thành quả của sự kết hợp chủ nghĩa Mác - Lê-nin với phong trào công nhân và phong trào yêu nước. Ðây là nét sáng tạo đột phá phù hợp với đặc điểm Việt Nam của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trên thực tế, Ðảng ta ra đời, tồn tại và phát triển là vì lợi ích không chỉ của giai cấp công nhân mà còn vì lợi ích của nhân dân lao động, của toàn dân tộc. Ðảng ta không có lợi ích tự thân.
Hai là, bổ sung quy định: "Ðảng gắn bó mật thiết với nhân dân, phục vụ nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình". Sự bổ sung này quy định bản chất, trách nhiệm của Ðảng đối với nhân dân.
Ba là, khẳng định không chỉ các tổ chức của Ðảng mà còn quy định thêm về việc tuân thủ, thi hành Hiến pháp và pháp luật đối với mọi đảng viên. Ðảng viên phải tự giác, gương mẫu, thực hiện, chấp hành Hiến pháp và pháp luật.
Những bổ sung, phát triển trên càng cần thiết khi hiện nay, bên cạnh kết quả đạt được, công tác xây dựng Ðảng vẫn còn không ít hạn chế, yếu kém, thậm chí có những yếu kém, khuyết điểm kéo dài qua nhiều nhiệm kỳ chậm được khắc phục, làm giảm sút lòng tin của nhân dân đối với Ðảng; nếu không được sửa chữa sẽ là thách thức đối với vai trò lãnh đạo của Ðảng và sự tồn vong của chế độ. Nổi lên một số vấn đề cấp bách sau đây:
Một là, một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống.
Hai là, đội ngũ cán bộ cấp trung ương, cấp chiến lược rất quan trọng, nhưng chưa được xây dựng một cách cơ bản.
Ba là, nguyên tắc "tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách" trên thực tế ở nhiều nơi rơi vào hình thức do không xác định rõ cơ chế trách nhiệm, mối quan hệ giữa tập thể và cá nhân; khi sai sót, khuyết điểm không ai chịu trách nhiệm.
Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI về xây dựng Ðảng đã xác định: "Ðể tạo chuyển biến mạnh mẽ về công tác xây dựng Ðảng trong thời gian tới, cần tiếp tục thực hiện tốt tám nhiệm vụ trong công tác xây dựng Ðảng mà Ðại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Ðảng đã đề ra, coi đó là những nhiệm vụ vừa cơ bản, vừa lâu dài và phải thực hiện thường xuyên, có hiệu quả, đồng thời tập trung cao độ để lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt ba vấn đề cấp bách sau đây:
Một là, kiên quyết đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp để nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Ðảng, củng cố niềm tin của đảng viên và của nhân dân đối với Ðảng.
Hai là, xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, nhất là cấp trung ương, đáp ứng yêu cầu  của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.
Ba là, xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, chính quyền trong mối quan hệ với tập thể cấp ủy, cơ quan, đơn vị; tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Ðảng.
Trong ba vấn đề trên, vấn đề thứ nhất là trọng tâm, xuyên suốt và cấp bách nhất (2)”.
Cứ đụng vào mấy cái một là, hai là, ba là của ông là tôi cảm thấy ù tai hoa mắt, đầu óc quay mòng mòng tít mù khơi.
Bắt đầu từ chỗ Nổi lên những vấn đề cấp bách, ông làm một lèo mấy cái một là, hai là, ba là. Khốn nỗi đây lại là những nội dung thuần túy về Xây dựng Đảng chứ đâu có liên quan gì đến Góp ý sửa đổi Hiến pháp mà ông cứ đưa vào ngang phè phè như thế?
Hơn nữa, hai tài liệu mà ông trích dẫn là những Văn kiện của Đảng: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI và Văn kiện Hội nghị lần thứ thư Ban Chấp hành Trung ương, nghĩa là ông đã lấy văn kiện của Đảng để hướng dẫn cho việc sửa đổi Hiến pháp. Mặc nhiên, ông đã coi văn kiện của Đảng là cao hơn Hiến pháp?
Cố tình lừa dối về các quốc gia còn độc đảng
Nhưng ghê rợn nhất là điều sau đây: Trong mục 2, ông viết: “Nhưng nhiều nước khác lại chỉ có một đảng chính trị như Cu-ba, Lào, Triều Tiên, Ăng-ti-goa, A-rập Xê-út, Ba-ren, Bê-li-xê, Bô-xni-a, Bốt-xoa-na, Bê-nanh, Phi-gi, Găm-bi-a, Ê-ri-tơ-ri-a, Gha-na, Ghi-nê, Ha-i-ti, Cốt Đi-voa, Li-bi, Cư-rơ-gư-xtan, Ma-đa-ga-ca, Mô-na-cô, Tat-gi-ki-xtan, v.v…”
Xin thưa với ông, Lào là nước anh em với Việt Nam thì khỏi nói. Cuba thì đang hết sức chạy chữa cứu sống cho Hugo Chavez, vì Chavez nghoẻo thì khi không còn được cung cấp 110.000 thùng dầu mỗi ngày, Cuba cũng rung rinh. Triều Tiên thì được coi như Chí Phèo của thế giới, thường xuyên dùng hạt nhân để ăn vạ trong khi để người dân đói nhăn răng. Lẽ nào ông lại lấy mấy tấm gương mốc của Cuba và Triều tiên để soi rọi cho con đường đi lên của Việt Nam?
Đối với tất cả những nước còn lại, ông đã cố tình lừa dối người đọc chúng tôi rằng đó là những nước chỉ có một đảng chính trị, trong khi thực tế thì mỗi nước có nhiều, thậm chí tới hàng chục đảng phái.
Ông đừng tưởng rằng với cái lối phiên âm quái dị của ông mà chúng tôi mờ mắt sợ vãi, rồi không tìm ra được sự thật nhé. Chỉ cần vào Google, gõ “list of political parties in+ tên nước”, sẽ ra kết quả sáng giữa ban ngày. Nào, mời ông:
Ăng-ti-goa:  tên đầy đủ là Antigua và Barbuda, có 3 đảng: Đảng Lao động Antigua, Đảng Thống nhất Tiến bộ, Phong trào Nhân dân Barbuda.
Ba-ren: tên thật là Bahrain, có 7 đảng : Đảng Al Aslah, Đảng Xã hội Hồi giáo Al-Menbar, Đảng Al Meethaq, Phong trào Tư pháp Quốc gia, Đảng Xã hội Hồi giáo Quốc gia Al Wefaq, Đảng Dân chủ Quốc gia, Đảng Hành động Dân chủ Xã hội Quốc gia.
Bê-li-xê: tên thật là Belize, có 2 đảng lớn là Đảng Dân chủ Thống nhất và Đảng Nhân dân Thống nhất, cùng với 15 đảng khác.
Bốt-xoa-na: tên thật là Botswana, có 8 đảng.
Bô-xni-a: tên thật là BosniaHerzegovina, có 12 đảng.
Gha-na: tên thật là Ghana, có 23 đảng.
Ghi-nê: tên thật là Guinea, có 9 đảng.
Ha-i-ti: tên thật là Haiti, có 30 đảng.
Cốt Đi-voa : tên thật là Cote d’Ivore, có 5 đảng lớn và 20 đảng nhỏ khác.
Phi-gi : tên thật là Fiji, có 3 đảng.
Li-bi : tên thật là Lybia, có 23 đảng tham gia cuộc bầu Quốc hội tháng 7/2012 sau khi Gaddafi bị lật đổ.
Cư-rơ-gư-xtan : tên thật là Kyrgystan, có 27 đảng.
Ma-đa-ga-ca : tên thật là Madagascar, có 16 đảng.
Mô-na-cô : tên thật là Monaco, có 4 đảng.
Tat-gi-ki-xtan : tên thật là Tajikistan, có 3 đảng lớn và 6 đảng nhỏ khác.
Rõ ràng, ông đã cực kỳ không trung thực khi cố tình nói sai sự thật về các chế độ tại các quốc gia nói trên nhằm đánh lừa độc giả.
Cho dù ông đang làm Tổng thư ký hội đồng lý luận trung ương, hay đang làm chức vụ gì đi nữa thì sự lừa dối này thật là trâng tráo, trắng trợn và trơ trẽn.
Qua đó, người ta có quyền nghi ngờ rằng, học hàm học vị Phó Giáo sư Tiến sĩ của ông cũng chỉ là hàng dỏm mà thôi !
Có thể ông đã phải chịu tai tiếng là « Lú Lẫn », nhưng đừng để người dân phải « lú lẫn » như ông, ông Thông ạ.

Thứ Tư, 20 tháng 2, 2013

HÃY KHẨN CẤP BẢO VỆ PHÓ GIÁO SƯ TIẾN SĨ NHÀ VĂN PHÓ TỔNG BIÊN TẬP NGUYỄN THANH TÚ

 Có rất nhiều dấu hiệu cho thấy một sự thật khó mà chối cãi, rằng Phó giáo sư Tiến sĩ Nhà văn Trung tá Phó tổng biên tập Nguyễn Thanh Tú đang bị ném những hòn đá tảng, bị đánh hội đồng tơi bời không thương tiếc.
Thật là cực kỳ phi lý. Một trí thức tên tuổi với học hàm học vị Phó giáo sư Tiến sĩ lùng danh, một nhà văn nổi tiếng có nhiều tác phẩm xuất sắc như anh (tôi xin gọi ông Tú bằng anh cho nó thân mật) lại bị đánh hội đồng vô cùng đau đớn, mà chưa có cơ hội chống đỡ, chưa có ai lên tiếng bên vực và bảo vệ. Đau xót thay !
Chung qui cũng chỉ vì một câu nói của anh nói về sự tồn vong của dân tộc. Đành rằng một người như anh mà dám nói về sự tồn vong của dân tộc là cả một cái sự bạo phổi, đại ngôn, nhưng xin mọi người hãy nhìn thấy được cái tầm, cái tâm của anh đối với dân tộc, đối với cấp trên nó như thế nào. Mọi người hãy nhìn cho kỹ rồi hãy phán xét.
Có tác giả nói rằng 17 năm về trước, anh đã ăn cắp văn chương. Thật lạ lùng cho cái sự buộc tội này. Chuyện đã qua 17 năm rồi, đủ thời gian để một cậu bé sơ sinh biến thành một chàng thanh niên bẻ gãy được sừng trâu, ấy thế mà sao không quên nó đi mà lại đem ra mà đay nghiến, mà chà xát anh. Một người thanh cảnh, mảnh mai như anh làm sao có thể chịu đựng nổi sự vùi dập oan khiên này ?   Vả lại, bây chừ người ta ăn cắp đủ mọi thứ từ bé đến lớn, từ vật chất đến tinh thần, từ vật thể cho đến phi vật thể... Thế thì một tẹo « văn chương » thì có là cái quái gì đâu mà làm cho to chuyện.  Thật không nhân đạo, nhân văn và nhân dịp một tí nào.
Lại còn có tác giả cho rằng anh, một Phó giáo sư Tiến sĩ ăn học đàng hoàng và là một nhà văn chân chính, lại có những lập luận phí lý, phản động, giang hồ đạo tặc. Đây là một cái điều hết sức vô lý, không thể chấp nhận đối với một trí thức sáng danh như anh Tú. Xin mời hãy đọc đoạn sau đây của anh mới thấy hết được cái lý cái tình, vừa chặt chẽ vừa tha thiết mà anh gửi gắm : «Việc đòi hỏi bò điều 4 Hiến pháp vừa phi lý, vừa chẳng hợp tình. Phi lý ở chỗ với vai trò lịch sử của mình không một ai có thể làm thay Đảng ta công cuộc đưa đất nước phát triển, lớn mạnh ; chẳng hợp tình ở chỗ cố tình quên lịch sử, cố tình quên những hy sinh xương máu của Đảng ta, dân ta trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, cố tình quên công lao, đóng góp, vai trò lãnh đạo tiên phong của Đảng ta trong công cuộc đổi mới đã và đang thắng lợi toàn diện. Thậm chí có thể nói đó là việc làm nguy hiểm bởi nó đe dọa sự tồn vong của cả dân tộc này ».
Cũng cần nói rõ thêm với một số tác giả rằng : thuật ngữ « cướp chính quyền » ngày nay không được sử dụng nữa đâu mà đã được uyển chuyển sửa lại thành ra « giành chính quyền về tay nhân dân». Các thế lực thù địch đã lợi dụng thuật ngữ nói trên để xuyên tạc rằng « thảo nào, từ ruộng đồng, từ bưng biền, từ rừng cao, từ núi sâu », rồi thì « đi tắt đón đầu »... là dành riêng cho « bọn lục lâm thảo khấu », « bọn cướp đường »... Thật đúng là cái bọn phản động, nhàn cư vi bất thiện. Rỗi hơi hay sao mà cứ hay cố tình ví von, suy luận lung tung, làm sai lạc hết bản chất của vấn đề.
Gần đây đang có những câu chuyện lùm xùm quanh ông nghị Phước. Nhiều kẻ xấu mồm gọi ông nghị này là nghị khùng, nghị điên, là mắc bệnh cần đi khám bệnh tâm thần, là loạn ngôn... Riêng đối với một dư luận viên là tôi thì khác. Tôi cho rằng lời xin lỗi mà nghị Phước dành cho ông Dương Trung Quốc đã thể hiện sự can đảm, sự quang minh chính đại tuyệt vời của nghị Phước. Đặc biệt, tôi rất ấn tượng và tâm đắc với lời chia sẻ của nghị Phước : « Trong tình hình đất nước ta hiện nay cần nhất là sự ổn định, các thế lực không thân thiện với chúng ta lợi dụng những phát biểu chính thức từ những vị có danh tiếng ».
Và tôi cũng cho rằng trong câu chuyện của Phó giáo sư Tiến sĩ Nhà văn Phó tổng biên tập Trung tá Nguyễn Thanh Tú, hình như cũng đang có sự « lợi dụng » nào đó đằng sau, rất tinh vi và rất nguy hiểm.
Xin được bày tỏ sự cảm thông, chia sẻ với anh Tú, một người mà tôi luôn ngưỡng mộ về đạo đức tư cách sáng ngời và kiến thức uyên thâm thượng thừa.
Hỡi cộng đồng dư luận viên, hãy khẩn cấp và nhiệt tình lên tiếng, góp phần cụ thể, thiết thực để bảo vệ tiếng nói sáng  ngời chính nghĩa của anh Tú.
Hỡi những ai đã và đang ném đá hội đồng anh Tú, hãy tỉnh ngộ học tập theo nghị Phước và mau mau có lời xin lỗi anh Tú bằng cả hai hình thức : thông cáo báo chí và thư tay.
Tôi tin rằng anh Tú cũng sẽ mau chóng niệm tình tha thứ.

Dư luận viên VO VĂN VE

Chủ Nhật, 17 tháng 2, 2013

PHẢI ĐƯA CUỘC CHIẾN BẢO VỆ TỔ QUỐC 1979 VÀO LỊCH SỬ CHỐNG NGOẠI XÂM CỦA DÂN TỘC

Nhìn lại chiến tranh biên giới 1979

Theo THANH NIÊN

Đúng vào ngày này 34 năm trước (17.2.1979), Trung Quốc bất ngờ tung hơn 60 vạn quân nổ súng xâm lược Việt Nam trên toàn tuyến biên giới phía bắc, nhưng đã phải rút quân sau hơn một tháng gặp sự kháng cự mãnh liệt của quân và dân ta, chịu nhiều tổn thất nặng nề.

Tuy vậy cuộc chiến tranh xâm lược này cũng mở màn cho cuộc xung đột vũ trang tại biên giới giữa VN và Trung Quốc (TQ) kéo dài suốt 10 năm sau đó. Theo thiếu tướng Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược - Bộ Công an, với độ lùi về thời gian, việc nhìn nhận lại cuộc chiến tranh này là hoàn toàn cần thiết.

Nhìn lại chiến tranh biên giới 1979
Thiếu tướng Lê Văn Cương

Kể từ sau khi VN và TQ bình thường hóa quan hệ (1991), hai bên dường như đều không muốn nhắc lại cuộc chiến này. Từ hơn 30 năm qua, cuộc chiến chống quân xâm lược Trung Quốc gần như không được nhắc tới. Theo ông tại sao cuộc chiến lại bị rơi vào lãng quên như vậy?
Để trả lời câu hỏi này có lẽ cần cả một hội thảo khoa học. Tôi chỉ xin lưu ý như sau, vào những năm kỷ niệm chẵn 10, 15... hay gần đây nhất là 30 năm sau cuộc chiến tranh chống TQ xâm lược (2009), báo chí, truyền hình của VN gần như không đưa tin gì về sự kiện này. Đây là một sự thiếu sót lớn trên góc độ Nhà nước. Hơn thế nữa, đó là một sự xúc phạm đến linh hồn của những đồng bào, chiến sĩ đã bỏ mình để bảo vệ Tổ quốc trong cuộc chiến tháng 2.1979 và gần mười năm sau đó. Họ nằm dưới mộ có yên không? Gia đình vợ con bạn bè và những người thân thích của họ sẽ nghĩ gì về chuyện này?  Đã có ý kiến cho rằng nhắc đến những chuyện này cũng có nghĩa là kích động chủ nghĩa dân tộc. Tôi có thể khẳng định rằng nói như vậy là ngụy biện.
Trong khi chúng ta im lặng thì những dịp đó chúng tôi đã thống kê hệ thống phát thanh, truyền hình báo chí của TQ tung ra trung bình từ 600-800 tin, bài với những cái tít gần như có nội dung giống nhau về cái mà họ gọi là “cuộc chiến tranh đánh trả tự vệ trước VN”. Có thông tin cho rằng hiện tại có tới trên 90% người dân TQ vẫn quan niệm rằng năm 1979 Quân đội VN đã vượt biên giới sang tấn công TQ và bắt buộc TQ phải tự vệ đánh trả. Từ hàng chục năm nay, hệ thống tuyên truyền của TQ đã nhồi nhét vào đầu người dân TQ rằng cuộc chiến 1979 chỉ là cuộc phản công trước sự xâm lược của VN.
Theo tôi nghĩ, trong tuyên truyền đối nội và đối ngoại, cả ở kênh nhà nước, nhân dân và trên truyền thông, chúng ta phải làm rõ và góp phần làm cho nhân dân thế giới hiểu rõ bản chất của cuộc chiến tranh Việt - Trung 1979. Đồng thời góp phần làm cho hơn 1,3 tỉ người TQ biết được sự thật rằng vào ngày đó hơn 60 vạn quân TQ đã vượt biên giới xâm lược VN. Việc chúng ta im lặng hàng chục năm qua, theo tôi là  không đúng. Việc nói ra cũng không liên quan gì chuyện kích động chủ nghĩa dân tộc. Hãy thử so sánh chuyện đó với việc TQ tung ra hàng nghìn bài báo xuyên tạc lịch sử từ hàng chục năm qua.

Nhìn lại chiến tranh biên giới 1979
Bộ đội Việt Nam đánh trả quân Trung Quốc xâm lược tại Lạng Sơn năm 1979

Với độ lùi về thời gian, theo ông chúng ta có thể rút ra những điều gì từ cuộc chiến tranh này? Những điều đó có ý nghĩa thế nào trong bối cảnh hiện tại ?
Theo tôi, khoảng thời gian 34 năm đã là khá đủ cho chúng ta nhận thức lại những vấn đề xung quanh cuộc chiến 1979. Thế nhưng đến giờ phút này tôi có cảm giác không phải lúc nào chúng ta cũng có được sự nhận thức thống nhất, nhất quán từ trên xuống dưới.
Vấn đề thứ nhất, phải xác định rõ về mặt khoa học, cuộc chiến 1979 là cuộc chiến tranh chống xâm lược, bảo vệ Tổ quốc. Đây là vấn đề phải nhận thức rõ từ cấp cao nhất. Sự nhận thức ấy cũng phải được thống nhất trong toàn Đảng, toàn quân và toàn dân. Đây là chuyện không được phép mơ hồ.
Không chỉ nhận thức mà Nhà nước có trách nhiệm đưa câu chuyện này vào sách giáo khoa. Thực tế cho thấy phần lớn học sinh tiểu học, trung học và thậm chí đa số trong 1,4 triệu sinh viên hầu như không biết gì về cuộc chiến tranh này. Nếu để tình trạng này kéo dài, trách nhiệm thuộc về Nhà nước. Chắc chắn chúng ta sẽ không tránh được sự phê phán của thế hệ sau này. Hàng vạn người con ưu tú của chúng ta đã bỏ mình để bảo vệ từng tấc đất biên giới phía bắc của Tổ quốc, tại sao không có một dòng nào nhắc đến họ? Bây giờ đã quá muộn. Nhưng không thể để muộn hơn được. Theo quan điểm của tôi, Nhà nước phải yêu cầu đưa phần này vào lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc. Chúng ta không thể mơ hồ được, không thể  lờ đi vấn đề lịch sử này được.

Nhìn lại chiến tranh biên giới 1979
Bệnh viện huyện Trùng Khánh, Cao Bằng bị quân Trung Quốc tàn phá tháng 2.1979 - Ảnh: Tư liệu

Tôi đã nhiều lần trao đổi với các học giả nước ngoài và họ đã thắc mắc khá nhiều chuyện tại sao sự kiện chiến tranh chống quân TQ xâm lược năm 1979 lại không được nhắc đến trong các giáo trình lịch sử của VN. Tôi đã phải chống chế với lý do rằng người VN muốn quên đi quá khứ và hướng đến tương lai. Nhiều học giả Hàn Quốc, Nhật Bản đã phản bác tôi vì “Lịch sử là lịch sử. Quá khứ là quá khứ. Tương lai là tương lai”. Họ nói rằng: Chúng tôi biết người VN rất nhân hậu, muốn hòa hiếu với các dân tộc khác. Nhưng điều này không thể thay thế cho trang sử chống ngoại xâm này được”.
Thứ hai,  trong thế giới hiện đại toàn cầu hóa, các quốc gia đều phụ thuộc lẫn nhau. Không có quốc gia nào hoàn toàn độc lập tuyệt đối. Ngay cả Mỹ nhiều lúc cũng phải nhân nhượng các quốc gia khác. Chúng ta không có quan niệm về độc lập chủ quyền tuyệt đối trong thời đại toàn cầu hóa. Nhưng trong bối cảnh này, phải nhận thức rõ cái gì là trường tồn? Theo tôi có 3 thứ là chủ quyền quốc gia, ý thức dân tộc và lợi ích quốc gia. Ở đây chúng ta phân biệt chủ nghĩa dân tộc vị kỷ, chủ nghĩa dân tộc nước lớn với lòng yêu nước chân chính, ý thức tự tôn tự hào dân tộc. Hai cái đó khác nhau. Người VN có truyền thống yêu nước, có tinh thần chống ngoại xâm bất khuất, đó là điều cần được phát huy trong 92 triệu người VN trong và ngoài nước.
Chủ quyền quốc gia, ý thức dân tộc và lợi ích quốc gia là những cái “dĩ bất biến”, những cái còn lại là “ứng vạn biến”. Những chuyện “16 chữ”, “bốn tốt” trong quan hệ với TQ là “ứng vạn biến”. Bài học từ cuộc chiến chống xâm lược năm 1979 cho thấy nếu không nhận thức được điều này thì rất nguy hiểm.
Thứ ba, trong bối cảnh quốc tế hiện nay, tiêu chí để phân biệt người yêu nước hiện nay là anh có bảo vệ lợi ích quốc gia hay không. Trên thế giới này không có bạn bè vĩnh viễn hay kẻ thù vĩnh viễn, chỉ có lợi ích quốc gia mới là vĩnh viễn. Năm nay chúng ta chuẩn bị tổng kết Nghị quyết T.Ư 8 (7.2003) về chiến lược bảo vệ Tổ quốc. Tôi thấy có một quan điểm bây giờ vẫn đúng, đó là: "Những ai chủ trương tôn trọng độc lập, chủ quyền, thiết lập và mở rộng quan hệ hữu nghị và hợp tác bình đẳng, cùng có lợi với Việt Nam đều là đối tác của chúng ta. Bất kể thế lực nào có âm mưu và hành động chống phá mục tiêu của nước ta trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đều là đối tượng đấu tranh". Đồng thời, cũng phải có cách nhìn biện chứng về đối tượng và đối tác: trong mỗi đối tượng vẫn có thể có mặt cần tranh thủ, hợp tác; trong một số đối tác, có thể có mặt khác biệt, mâu thuẫn với lợi ích của ta, cần phải đấu tranh.

Nhìn lại chiến tranh biên giới 1979
Tù binh Trung Quốc bị bắt tại Cao Bằng

Nhìn lại từ câu chuyện của 34 năm trước đến những căng thẳng hiện tại trong vấn đề biển Đông, theo ông có thể hy vọng gì ở tương lai trong quan hệ giữa VN và TQ ?
Tạo ra lòng tin, sự hữu nghị chân thật giữa hai nước là con đường tất yếu nhưng đòi hỏi thời gian lâu dài và từ cả hai phía. Đây không phải là điều có thể hy vọng có được trong vài ba năm tới đây. Lịch sử mách bảo chúng ta muốn giữ được hòa bình, ổn định, giữ được độc lập tự chủ thì điều quan trọng nhất là giữ được lòng dân. Trên dưới một lòng, có được sự đoàn kết dân tộc thì chắc chắn không có kẻ xâm lược nào dám dại dột động đến chúng ta cả. Lịch sử VN đã cho thấy những lần mất nước đều bắt đầu từ việc chính quyền mất dân. Năm 179 trước CN An Dương Vương để mất nước là do mất dân. Một ông vua đứng đầu quốc gia mà tin vào kẻ thù thì chuyện mất nước là không thể tránh khỏi. Năm 1406, nhà Hồ mất nước cũng vì đã mất dân. Đến mức độ nhà Minh truy bắt cha con Hồ Quý Ly thì chính những người trong nước đã chỉ điểm cho quân Minh. Năm 1788 Lê Chiêu Thống sang cầu viện Mãn Thanh đưa 20 vạn quân sang giày xéo quê cha đất tổ cũng là ông vua đã mất dân. Đó là bài học muôn đời để bảo vệ chủ quyền quốc gia.
Ng.Phong(thực hiện)

Thứ Bảy, 16 tháng 2, 2013

HÌNH ẢNH NHỮNG TÊN GIẶC TRUNG CỘNG BỊ BẮT NĂM 1979


Tưởng nhớ những người con thân yêu của Tổ Quốc đã ngã xuống trong cuộc chiến đấu chống quân xâm lược Trung Quốc tại Biên giới phía Bắc, Biên giới Tây Nam, tại Hoàng Sa và Trường Sa.

Hưởng ứng Lời Kêu Gọi Nhân Ngày 17-2, mình xin đưa lên một số hình ảnh những tên xâm lược Trung Quốc bị ta bắt sống (sưu tầm trên mạng) như là một cách thiết thực kỷ niệm ngày 17-2 cách đây 34 năm, 200.000 quân Trung Quốc (sau đó được tăng cường thêm 400.000 quân) đã tràn sang tất cả các tỉnh biên giới phía Bắc, chính thức bắt đầu cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam năm 1979.
Trời không dung, Đất không tha cho vô vàn tội ác dã man mà bọn bành trướng Trung Quốc đã gây ra cho đất nước và nhân dân ta trong cuộc chiến ấy.
Và Trời Đất cũng sẽ không bao giờ tha thứ cho những kẻ đang cố tình lờ đi sự hy sinh để bảo vệ Tổ Quốc của hàng chục ngàn người con đất Việt, cố tình bưng bít và che giấu những tội ác tày trời của quân bành trướng xâm lược.
















































Thứ Năm, 14 tháng 2, 2013

THƯA PGS TS VŨ DUY THÔNG, SỨC MẠNH MÙA XUÂN LÀ SỨC MẠNH GÌ ?

                                                          
Tối nay, đang tìm đọc những chuyện vui vẻ hài hước thì mình gặp bài Đi tới với sức mạnh mùa xuân của PGS TS Vũ Duy Thông. Đọc xong,  bỗng giật mình tự hỏi: Mùa xuân mà có sức mạnh ư?
Mình đã nghe nói nhiều về sức mạnh của Đảng, sức mạnh của nhà nước, sức mạnh của quân đội, sức mạnh của công an, sức mạnh của nhân dân, sức mạnh của hệ thống chính trị, và cả sức mạnh của … thời đại, có cái hiểu, có cái thì không, nhưng còn sức mạnh mùa xuân thì quả nhiên mình chưa nghe thấy bao giờ.  Mất mấy tiếng đồng hồ, mình cảm thấy thực sự bất lực, thậm chí hoang mang vì cứ loay hoay, loay hoay mà chẳng  thể nào hiểu nổi cái gọi là "Sức mạnh mùa xuân" ấy là sức mạnh gì?  
Càng đọc mình lại càng hoang mang vì không rõ PGS TS Vũ Duy Thông định nói tới điều gì. PGS TS Thông đang say sưa tả cảnh “Miền Bắc lành lạnh, lay phay mưa bụi, thứ mưa rét ngọt ngào điển hình mỗi dịp Tết về, từng nao lòng bao thi sĩ “Mưa Bắc trời trắng sữa. Để lòng Nam chơi vơi”. Tết miền Nam mấy năm nay vẫn mùa khô nắng gắt nhưng đã biết thế nào là cái se lạnh cuối đông để má con gái ửng hồng, áo len mỏng có dịp đua sắc làm đẹp cho người”, thì đùng một cái, đột nhiên cao hứng: “Chưa năm nào chúng ta có quyền tự hào mình đã góp phần vào sự ổn định chung trong bối cảnh hết sức khó khăn và được quyền thực thi quyền dân chủ, tham gia vào công tác xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước một cách trực tiếp như dịp này”. Đang từ những câu tả cảnh rất sến và không thể rẻ tiền hơn, bỗng hết sức bất ngờ, tác giả chuyển sang những niềm tự hào to tát mà những thường dân như chúng tôi không dám “vinh dự” đón nhận, thật chẳng hiểu ra làm sao.
Trong những đoạn tiếp theo, cũng không hiểu cái gọi là sức mạnh mùa xuân là cái chi chi, chỉ thấy tác giả tiếp tục thao thao về những thành tựu, thành tích…, tiếp tục say sưa trong những câu từ dài dòng rỗng tuếch, không có thông tin gì đáng kể, thậm chí có câu chẳng ra câu, cú chẳng ra cú, chẳng hạn “Từ tấm gương sáng lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh là tư tưởng và nhận thức Đảng nào cũng có lúc, có việc mắc sai lầm.”.

Cuối bài, PGS TS Thông nghiêm giọng giao hàng lọat nhiệm vụ vô cùng nặng nề và quan trọng, không rõ là giao cho ai, nhưng mình mạnh dạn đoán có lẽ là ông Thông giao cho nhân dân :”Cần tiếp tục vực dậy nền kinh tế còn nhiều khó khăn. Cần quản lý thật tốt mùa lễ hội. Cần cảnh giác, ngăn chặn những âm mưu đen tối của kẻ thù và những người bất đồng chính kiến, đảm bảo cuộc vận động xây dựng và chỉnh đốn Đảng, cuộc lấy ý kiến xây dựng Hiến pháp bổ sung, sửa đổi thắng lợi. Cần chuẩn bị phòng chống những khả năng xấu nhất về thời tiết, khí hậu để có một vụ nông nghiệp, trồng rừng, nuôi trồng và đánh bắt thủy sản ăn chắc, bội thu. Cần chăm lo bảo đảm và cải thiện mức sống của tòan dân, nhất là những người làm công ăn lương, các đối tượng chính sách và những người nghèo. Những công việc đó rất khó khăn, đòi hỏi cố gắng lớn nhưng nhất định sẽ làm được trong khí thế phấn khởi của mùa xuân”.
Quả tình không thể thấy được “Sức mạnh mùa xuân” là cái gì qua bài báo này của PGS TS Thông. Chỉ thấy một bài viết theo kiểu “thùng rỗng kêu to” đầy những sáo ngữ vô duyên, nhạt thếch trong dịp mùa xuân của một người mang danh PGS TS.

Thứ Hai, 11 tháng 2, 2013

PHẢN ỨNG CỦA MỘT DƯ LUẬN VIÊN VỀ BÀI “NIỀM TIN” CỦA ÔNG HÀ ĐĂNG

 Đúng ngày Mùng 1 Tết, tình cờ tôi được đọc bài Niềm tin của ông Hà Đăng trên Tuần Việt Nam. Trong bài, thấy ông Hà Đăng “khoe” rằng ông đã 65 năm tuổi Đảng, đã từng dự Hội nghị Paris 1973. Có lẽ tác giả Hà Đăng chính là ông Hà Đăng – nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Trưởng ban Văn hóa tư tưởng Trung ương ?
Nhưng, cho dù ông Hà Đăng từng giữ chức vụ to như thế, trong một lĩnh vực rất thiêng liêng là mặt trận tư tưởng văn hóa, thì với tư cách là một dư luận viên, tôi vẫn buộc lòng phải đặt một dấu hỏi cực to về bài viết của ông: Ông viết bài này với mục đích gì?
Tiêu đề bài viết là Niềm tin. Trong bài viết, ông đã chia sẻ với độc giả về niềm tin của ông trong cuộc đời, nếu tôi không nhầm, là niềm tin vào Đảng. Ông khẳng định trong bài viết của mình: “tôi vẫn nghiệm ra rằng chỉ có giữ trọn niềm tin vào Đảng, hành động theo Đảng thì tự mình mới đứng vững được”.
Và để chứng minh cho luận điểm này, ông đã dẫn ra những câu thơ của Tố Hữu, những lời dặn dò của đồng chí Tô (Phạm Văn Đồng) khi ông được kết nạp Đảng năm 1947, câu Kiều mà anh Sáu Lê Đức Thọ đọc trong thời gian Hội nghị Paris 1973…
Ông tin vào Đảng? Ô kê, dư luận viên là tôi rất nhiệt liệt hoan nghênh ông. Tuổi Đảng của tôi chỉ mới được 4 năm, chưa bằng số lẻ của 65 năm tuổi Đảng của ông. Nhưng có lẽ ông không hiểu được rằng tôi đang có một niềm tin vào Đảng mãnh liệt như thế nào đâu. Nói không phải khoe: Trong giới trẻ bây giờ chẳng mấy ai được như tôi đâu ông ạ.
Và cũng chính vì điều ấy, chính vì niềm tin và tình cảm  vô cùng thiêng liêng ấy của tôi, tôi buộc lòng phải thưa với ông rằng trong bài viết của ông có hai chỗ cực kỳ nhạy cảm, nếu không muốn nói rằng đó là những tử huyệt vô cùng nguy hiểm. Cứ đọc đến hai chỗ này là bầu máu nóng trong con người tôi lại dâng lên ngùn ngụt. Bực quá, giận quá, căm thù quá !
Thôi thì để tôi lấy hơi thở, bình tĩnh trở lại để thưa với ông, hai chỗ ấy là hai chỗ như sau:
Thứ nhất, trong bài viết, không biết vô tình hay cố ý, ông đã tiết lộ một sự kiện vô cùng nhạy cảm: “Ngày 27-11-1972, sau những phiên họp mật kéo dài một tuần với Kissinger mà chưa ngã ngũ, nhân ngày nghỉ, cố vấn Lê Đức Thọ và Bộ trưởng Xuân Thủy sao thăm Đoàn miền Nam tại Verie lơ Buy xông”.
Vào thời điểm đó, hiệp định Paris chưa được ký kết. Chính quyền Sài gòn vẫn là kẻ thù của ta. Phái đoàn miền Nam ở đây là phái đoàn nào, Cộng hòa miền Nam Việt Nam hay là Việt Nam Cộng hòa? Sao ông không nói thẳng, viết thẳng cho nó rõ ràng ra, lại viết ỡm ờ hết sức nguy hiểm là “Đoàn miền Nam”?
Nhưng cái điều thứ nhất này cũng mới chỉ là tép riu, không bằng một phần trăm của cái điều thứ hai dưới đây.
Thứ hai, Ông mở đầu một cách rất hấp dẫn, lôi cuốn và cũng rất chi là gây hồi hộp. Ông cũng đã rất công phu trong phần mở đầu, đến nỗi nếu toàn bộ là 7 phần, trọng tâm  là 3 phần thì mở đầu cũng chiếm tới 3 phần, chỉ 1 phần là dành cho kết luận.
Bài viết của ông có thể khẳng định là viết về niềm tin của ông đối với Đảng. Nhưng thật oái oăm, ông lại lai dắt, lại ví dụ để mở đầu bằng “niềm tin của một tên trộm”.
Để tôi dẫn ra những câu ông viết để chứng minh cho ông nhá: “Mỗi khi anh ta (tức là tên trộm) trở về, Hasan đều hỏi: Có trộm được gì không?”, và anh ta đáp: “Hôm nay thì chưa, nhưng ngày mai tôi sẽ cố, có thế lắm chứ” Hasan chưa bao giờ thấy tên trộm ấy trong tình trạng tuyệt vọng, anh ta luôn hạnh phúc. Nhiều năm sau, có lúc Hasan rơi vào tình trạng tuyệt vọng, nghĩ rằng phải chấm dứt tất cả những điều vô nghĩa của cuộc sống. Nhưng sau đó, ông chợt nhớ đến tên trộm, kẻ hằng đêm vẫn quả quyết “Ngày mai tôi sẽ làm được, có thể lắm chứ”. Thông điệp Hasan nhận được từ tên trộm, nói đúng hơn, từ cuộc sống, mà ông rút ra thành triết lý sống là không được đánh mất niềm tin và đừng bao giờ tuyệt vọng”.
Ông viết như thế là có dụng ý, ẩn ý, hàm ý gì ? Ông định ám chỉ ai, ám chỉ điều gì, thưa ông Hà Đăng ? Thật tình tôi cho rằng chỉ có ông Trời mới biết ông có ý định ngầm ví von, so sánh điều gì đó hay không khi dùng niềm tin của một tên trộm để mở đầu cho bài viết vể chủ đề cực kỳ nghiêm túc và vô cùng thiêng liêng là niềm tin về Đảng ?
“Tên trộm luôn hạnh phúc” ư ? Nói thế chẳng khác nào chỉ cho lớp trẻ chúng tôi rằng muốn có hạnh phúc thì cứ việc đi … ăn trộm ?
Niềm tin của tên trộm ở đây là “ngày mai tôi sẽ làm được”, tức là sẽ tiếp tục ăn trộm của thiên hạ một cách thành công. Vậy mà ông dám gọi đó là “thông điệp từ cuộc sống”, rồi lại tôn nó thành “triết lý sống” ư ?
Ông đã mở đầu bài viết về niểm tin vào Đảng bằng niềm tin của một tên trộm . Đây chính là tử huyệt mà các thế lực thù địch rất dễ dàng sử dụng đề chống phá niềm tin chúng ta, ngay cả khi chúng ta chẳng có niềm tin vào bất cứ điều gì. Thật là vô cùng nguy hiểm, cực kỳ nguy hiểm !
Đã từng là Trưởng ban tư tưởng văn hóa trung ương, ông thừa hiều sức mạnh của ngôn ngữ có khi bằng cả đạo quân triệu người chứ? Và hẳn là ông có biết tới bài học nhãn tiền vừa giáng xuống đôi vai gầy và cái đầu xxx của Đại tá Phó Giáo sư Tiến sĩ Nhà giáo ưu tú Trưởng khoa Học viện Quân sự Trần Đăng Thanh ?
Với tinh thần trách nhiệm vô cùng cao cả, ý thức cảnh giác cách mạng hết sức cao độ, với tư cách là một dư luận viên gương mẫu, nhiệt tình, tôi yêu cầu ông Hà Đăng khẩn cấp hạ bài báo này xuống, đưa về làm kỷ niệm.
Và tôi cũng chân thành đề nghị ông hãy nghiêm túc soi lại bản thân mình với tinh thần phê và tự phê một cách thực sự cầu thị, xem đây là một bài học quí giá, cho dù người dạy cho ông bài học này chỉ là một dư luận viên trẻ tuổi chưa ai biết như tôi.
Mong ông bình tĩnh, bình thản, bình ổn và bình tâm !

Dư luận viên VO VĂN VE

HUGO CHAVEZ KHÔNG THỂ TRỞ LẠI LÀM TỔNG THỐNG VENEZUELA

Các bác sĩ chăm sóc cho Hugo Chavez tại Havana đã thông báo cho gia đình của ông Chavez, hai anh em nhà Castro, và chính quyền Caracas rằng ông Chavez không thể trở lại để thực hiện nhiệm kỳ tổng thống.
Một nguồn tin nói đã được tiếp xúc với đội ngũ y tế, cho biết ông Chavez đã bị mất giọng nói hoàn toàn, hậu quả của việc điều trị y tế. Dây thanh quản đã bị hư hại vĩnh viễn và không thể lấy lại được giọng nói. Ông Chavez cũng không thể di chuyển ra khỏi giường bệnh đúng hai tháng nay, một tình trạng “rất đáng thất vọng”.  
Một thông báo công khai của chính phủ đã được chuyển đến Tòa án Tối cao và sẽ được công bố nay mai, rằng ông Chavez không thể tiếp tục nhiệm vụ của mình.
Mặc dù biết ông Chavez bị ung thư giai đoạn cuối, nhưng thông tin của các bác sĩ nói rằng ông không thể phục hối để tiếp tục thực hiện nhiệm kỳ tổng thống vẫn là một cú sốc đối với những người thân của ông. Các phản ứng của những thành viên cốt cán của chính phủ cũng cho thấy họ đang mất tinh thần trong giai đoạn cuối cùng này.
Trong khoảng thời gian hai tháng trên giường bệnh của ông Chavez, không thấy có hình ảnh hoặc tiếng nói của ông. Chính phủ Venezuela thừa nhận trong thông báo công khai nói trên rằng đã có sự phô trương quá mức về sự phục hồi chậm chạp của tổng thống.

Nguồn: ABC

Chủ Nhật, 10 tháng 2, 2013

Bài thơ GÒ ĐỐNG ĐA (Hằng Phương), Xưa và Nay

  
Bài thơ GÒ ĐỐNG ĐA của nhà thơ Hằng Phương, mình được học từ khi đang còn ở cấp 1 cách đây hơn 40 năm, đến giờ vẫn nhớ từng câu từng chữ:

Đống Đa xưa bãi chiến trường
Ngổn ngang giặc chết vùi xương thành gò
Mùng Năm Tết trận thắng to
Gió reo còn vẳng tiếng hò ba quân
Mùng Năm giỗ trận tưng bừng
Nhớ ngày chiến thắng vang lừng núi sông
Nước còn đang chống ngoại xâm
Quang Trung sống mãi trong lòng chúng ta !

Còn bài Gò Đống Đa hiện nay được lưu truyền trên mạng, ghi là Sách Tập đọc lớp 2, quyển 2, trang 47 thì đã bị cắt xén và sửa lại nhiều chỗ quan trọng(sẽ kiểm chứng sau, vì hôm nay là Mùng 1 Tết), thành:

Đống Đa xưa bãi chiến trường
Ngổn ngang xác giặc vùi xương thành gò
Mùng 5 tết trận thắng to
Gió reo còn vẳng tiếng hò ba quân
Noi gương chiến đấu anh hùng
Quang Trung sống mãi trong lòng chúng ta.

Dù sao, Đống Đa vẫn là di tích ghi dấu chiến thắng vang dội của dân tộc ta trước quân xâm lược Mãn Thanh – Trung Quốc mà cho đến bây giờ, bọn bành trướng vẫn còn thấy nhục nhã, xấu hổ. Và ... may thay, bọn chúng vẫn chưa dám xúc phạm tới di tích này !


Thứ Bảy, 9 tháng 2, 2013

TIN QUAN TRỌNG: Hội Đồng Khoa Học Các Cơ Quan Đảng Trung Ương tổng kết năm 2012 và triển khai nhiệm vụ năm 2013

Nguồn: TTXVN

Chiều 6/2, tại Hà Nội, Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương đã tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2012 và triển khai nhiệm vụ năm 2013. 


Đến dự hội nghị có ông Đinh Thế Huynh, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương.

Phát biểu tại hội nghị, thay mặt Bộ Chính trị, Ban Bí thư, ông Đinh Thế Huynh ghi nhận, đánh giá cao những thành tích đạt được của Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương trong năm 2012 và nhấn mạnh trong bối cảnh quốc tế có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường và tình hình trong nước có nhiều khó khăn, nhưng Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương đã triển khai nhiều công việc theo chức năng, nhiệm vụ được giao và đã đạt được kết quả bước đầu quan trọng, góp phần thiết thực vào kết quả chung của các cơ quan Đảng Trung ương. 

Đặc biệt, với quyết tâm đổi mới, nâng cao chất lượng và hiệu quả, nhiều hoạt động của Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương được triển khai bài bản, ngày càng bám sát các nhiệm vụ chính trị của các ban, cơ quan Đảng Trung ương; mối quan hệ và sự phối hợp công tác trong Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ươngvà giữa Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương với các cơ quan hữu quan có bước tiến đáng kể. 

Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương đã phối hợp thường xuyên với Hội đồng Lý luận Trung ương, các bộ, ban, ngành Trung ương nhằm phục vụ hiệu quả hoạt động của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị và Ban Bí thư.

Mặt khác, cùng với mở rộng phạm vi hoạt động, công tác nghiên cứu khoa học của Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương ngày càng chú trọng nâng cao tính ứng dụng và tính khả thi; các đề tài, đề án khoa học hướng vào những vấn đề thiết thực và cấp thiết đang đặt ra, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của công tác tham mưu của các cơ quan Đảng Trung ương.

Ông Đinh Thế Huynh cũng lưu ý rằng năm 2013 là năm bản lề thực hiện Nghị quyết Đại hội XI của Đảng; là năm tiếp tục triển khai mạnh mẽ Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” và nhiều Nghị quyết Trung ương quan trọng khác. Do vậy, Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương cần triển khai thực hiện tốt phương hướng hoạt động mà Hội đồng đã xác định. Trước hết, cần nhận thức sâu hơn và xác định rõ hơn vai trò của công tác nghiên cứu khoa học và của các Hội đồng khoa học các cơ quan ĐảngHội đồng khoa học các cơ quan Đảng Trung ương; tiếp tục triển khai thực hiện tốt các đề tài, đề án khoa học. Hoạt động của Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương phải bám sát hơn nữa, phục vụ tốt hơn các chương trình làm việc của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, góp phần xây dựng các Nghị quyết của Trung ương.

Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương cũng cần rà soát lại toàn bộ hoạt động, tiếp tục đổi mới phương thức, lề lối làm việc, nâng cao tính chuyên nghiệp, phát huy cao vai trò trí tuệ, sáng kiến của các thành viên, sức mạnh tổng hợp của đội ngũ cán bộ nghiên cứu lý luận chính trị của các cơ quan Đảng ở Trung ương; xây dựng cơ chế phối hợp, hợp tác với các cơ quan, các địa phương liên quan một cách chặt chẽ và có nội dung cụ thể để nâng tầm tham mưu, chất lượng tư vấn, giúp Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ được giao.

Bên cạnh đó, cần tiếp tục nâng cao chất lượng, đổi mới phương thức chuyển giao, ứng dụng các kết quả nghiên cứu khoa học nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động, công tác tham mưu của các cơ quan Đảng Trung ương. Đồng thời với việc chỉ đạo, quản lý hoạt động nghiên cứu khoa học, Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương phải tích cực tham gia đào tạo và xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ trẻ của các cơ quan Đảng Trung ương.

Hội nghị đã xác định rõ phương hướng, nhiệm vụ chủ yếu trong năm 2013 của Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương là tiếp tục quán triệt sâu sắc, vận dụng sáng tạo tinh thần Nghị quyết Trung ương 6 (khóa XI) về phát triển khoa học và công nghệ; bám sát chương trình công tác của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, chủ động xây dựng kế hoạch cho các hoạt động chuyên môn như tọa đàm, hội thảo chuyên gia, thông tin khoa học… để có cơ sở xây dựng báo cáo tư vấn trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư, về một số vấn đề cấp bách, quan trọng. 

Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương hướng dẫn các hội đồng khoa học cơ sở đăng ký danh mục công trình nghiên cứu của năm 2014 và định hướng nghiên cứu năm 2015; tích cực đôn đốc nghiệm thu, quyết toán các đề tài, đề án tồn đọng thuộc năm 2011, 2012 và tiến hành kiểm tra các đề tài, đề án của năm 2013 về tình hình triển khai, việc thực hiện chế độ tài chính. Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương cũng sẽ xử lý nghiêm các đề tài, đề án tồn đọng theo hướng dứt điểm qua các năm; nâng cấp chất lượng và hình thức của bản tin nghiên cứu khoa học…

Trong năm qua, các hoạt động của Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương tiếp tục có sự chuyển biến tích cực, hiệu quả và đi sâu vào chuyên môn, bám sát chức năng nhiệm vụ và đặc thù của các cơ quan Đảng Trung ương. Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương đã cải tiến qui trình tổ chức triển khai đề tài, đề án; ứng dụng kết quả nghiên cứu. 

Tính đến hết tháng 1/2013, Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương đã nghiệm thu được 56 đề tài, đề án; tổ chức hơn 10 cuộc hội thảo chuyên gia xoay quanh nhiều chủ đề, nhằm phục vụ cho việc chuẩn bị nội dung các Hội nghị Trung ương 5, Trung ương 6 (Khóa XI). Trong đó, một số cuộc hội thảo đã bàn sâu về các lĩnh vực quan trọng, có tình thời sự như: chính sách an sinh xã hội; công tác dân vận của các cơ quan đảng; chính sách phát triển khoa học và công nghệ; đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo./.