Thứ Bảy, 28 tháng 12, 2013

MỜI ÔNG ĐẠI SỨ LÊ QUẢNG BA ĐỌC LẠI THƯ CỦA ROBERT MUGABE GỬI CHÁU KIM JONG UN YÊU QUÍ

TSYG: Mấy hôm nay mình 'được' đọc hai bài trả lời phỏng vấn của báo Lao động, theo phong cách "nâng bi" của ông Đại sứ Việt Nam tại Triều tiên mà chưa có thời gian để "nói lại cho rõ". Chợt nhớ vào năm 2012 sau khi Kim Jong Un lên ngôi, mình có post một loạt bài về Bắc Triều tiên, trong đó có THƯ CỦA ROBERT MUGABE GỬI KIM JONG UN, thôi thì xin ngài đại sứ dùng tạm, dù có thể không ngon miệng lắm. Nhân thể mời ngài đọc qua loạt bài nói trên, để ngài chia sẻ tâm tư với chúng tôi rằng: nâng bi một người như Kim Jong Un cũng như ông nội, rồi bố của anh ta, và cả cái chế độ quái dị ở Bắc Triều tiên cũng như nhiều chế độ độc tài khác là một việc rất chi là "bốc mùi", do vậy không nên làm trước báo giới và người dân Việt Nam, ngài đại sứ ạ.
Đây, mời ngài:



Phần 1: Ký ức về ông nội của Kim Jong-un

Cháu Kim Jong-un yêu quí,
Bác mới vượt qua cơn bạo bệnh và trở về từ Singapore được một tuần nay. Căn bệnh ung thư tiền liệt tuyến quái ác làm cho những năm tháng cuối của đời bác vô cùng khó chịu và bức bối. Nhân cơ hội này, một số phe nhóm trong nước bắt đầu tính chuyện đấu đá phân chia quyền lực. Bên ngoài, bọn đế quốc thực dân cũng thừa nước đục thả câu, tung tin đồn xằng bậy rằng bác sắp chết, làm cho bộ máy thông tin của bác cứ phải suốt ngày chạy theo chúng nó để ngăn chặn, sửa chữa, cải chính … nên bác đang mệt lại càng mệt thêm.
Cháu Un yêu quí,
Đây là lần đầu tiên bác gửi thư cho cháu đấy. Cháu biết không, trước đây bác đã từng nghĩ cha cháu, ông Kim Jong-il vĩ đại sẽ chọn người khác kế nghiệp, cầu Chúa luôn phù hộ cho ông ấy ở bên kia thế giới. Cháu là con út, ngoại hình của cháu lại giống như cái thằng “Em Chả” bên xứ Việt nam nên bác chẳng có chút mảy may nào cho rằng cháu sẽ được chọn thừa kế ngai vàng. Nhưng bác đã nhầm, và cả thế giới bao la rộng lớn này cũng đã nhầm, cái sự nhầm lẫn cũng là chuyện thường tình thôi, điều cơ bản là bác đã biết mình nhầm. Đến bây giờ bác mới hiểu một người cẩn trọng và bí hiểm như ông Kim Jong-un vĩ đại cha cháu đã chọn ai thì hẳn phải có lý do của nó. Chỉ có điều không ai hiểu được một cách cụ tỉ (nghĩa là cụ thể và tỉ mỉ) lý do đó là gì, ngoài việc ông ấy không muốn để lọt ngôi báu vào tay dòng họ khác, gia tộc khác. Bác có lời chúc mừng đến cháu, chúc cháu cầm quyền được lâu để có thể phá vỡ kỷ lục mà bác đã tốn bao thời gian công sức của bác và tốn bao xương máu của người khác mới tạo ra. Nếu ông Trời phù hộ cho cháu không bị ung thư, đột quị, tai nạn giao thông, hoặc bị bọn đế quốc thù địch tham tàn ám sát bằng thuốc nổ hoặc thuốc độc, mà cháu cầm quyền được đến 88 tuổi như bác bây giờ thì vị chi cháu sẽ ngồi ngai vàng được đúng 60 năm, một con số kỷ lục của mọi thời đại đấy cháu ạ.
Cháu Un yêu quí của bác,
Ông nội của cháu hơn bác đúng một con giáp nghĩa là hơn bác12 tuổi. Còn bác lại hơn cha cháu 21 tuổi. Về tính cách thì bác và cha cháu gần giống nhau hơn, nhưng còn về kỷ niệm trong cuộc đời thì ông nội cháu và bác lại có phần sâu sắc hơn. Giờ đây tuy bác đã 88 tuổi, nhưng bác vẫn có thể ưỡn thẳng bộ ngực còm, tự hào mà nói với cháu rằng : không có ông nội cháu thì không có bác như ngày hôm nay. Nói một cách vắn tắt là : không có Kim thì chẳng có Mu. Thi thoảng nhớ tới ân nhân của bác khi xưa là ông nội cháu, bác hay bật xem lại cái video dưới đây, tự nhiên nước mắt cứ chảy dài trên má, ướt hết cả áo của bác, rồi ướt lây xuống cả một số khu vực khác nữa. Ôi, bác nhớ và biết ơn ông nội cháu biết chừng nào.

Cháu có biết không, vào những năm 1970, Liên minh quốc gia châu Phi Zimbabwe (ZANU) do bác lãnh đạo được sự cho phép của ông nội thân yêu của cháu, đã lập một căn cứ bí mật trong một khu vực rộng lớn cách thủ đô Bình Nhưỡng khoảng 15 km. Đã có hàng ngàn chiến sĩ của ZANU được huấn luyện kỹ chiến thuật du kích siêu đẳng tại nơi đây dưới sự dạy dỗ của các chuyên gia Trung quốc, Triều tiên. Một căn cứ tương tự như vậy cũng đã được ông nội cháu giúp bác lập ra trên đất láng giềng Mozambique. Ôi nhớ lại, cái thời chiến tranh du kích ấy mới hào hùng làm sao. Bọn da trắng bị lực lượng của bác phục kích, cài mìn, đặt bom liên tu bất tận, không cách gì chống đỡ nổi, và mỗi khi chúng chuẩn bị phản công, càn quét là các chiến sĩ của bác lại mau chóng rút về bên kia biên giới, vừa chạy vừa vỗ vỗ vào mông lêu lêu chúng nó. Các đoàn xe, trại lính, công binh xưởng kỹ thuật và hậu cần của bọn da trắng bị phá hủy tan tành. Chúng chịu hết xiết và đã phải ký với bác Hiệp định công nhận nền độc lập của Zimbabwe năm 1979, và năm 1980 bác lên làm Thủ tướng đấy cháu ạ.
Nhưng đó mới chỉ là bắt đầu. Khi đã giành được độc lập, có những thế lực phản động người da đen lại muốn giành lấy quyền lực và cả quyền lợi nữa, từ tay bác. Điển hình nhất trong đám này là Liên minh Nhân dân châu Phi Zimbabwe (ZAPU) do Liên xô hậu thuẫn. Đã đành là cùng nhau kề vai sát cánh kháng chiến chống thực dân cho đến khi độc lập, nhưng đến khi có quyền lợi thì làm sao bác lại để dễ dàng lọt vào tay kẻ khác? Một lần nữa, ông nội cháu lại ra tay cứu giúp bác. Năm 1981, hàng trăm chuyên gia cố vấn Triều tiên đến Zimbabwe giúp trang bị và huấn luyện cho một đội quân tinh nhuệ của bác có biệt danh là Lữ đoàn Zimbabwe thứ Năm. Đội quân này được huấn luyện một cách tuyệt vời, từ kỹ chiến thuật vây ráp tra tấn giết chóc khủng bố cho đến lòng trung thành vô bờ bến với lãnh tụ của họ - là bác. Nhờ Lữ đoàn thứ Năm này, trong năm 1982-1983, bác đã tiến hành các chiến dịch thanh trừng, và có khoảng 20.000 tên phản động chủ yếu là ZAPU đã bị tiêu diệt, chết như ngả rạ.

Kim giảng, Mu phải cúi đầu,
Thấm nhuần "Tự chủ", (để) bước vào lầm than.


À, mà cháu sinh ra vào năm nào nhỉ ? Hình như là 1984 phải không cháu. Cũng vào khoảng thời gian đó, sau khi chiến dịch thanh trừng kết thúc, bác đã sang Triều tiên thăm và đền đáp công ơn trời biển của ông nội cháu đấy. Đấy là một chuyến đi trên cả tuyệt vời, có một không hai trong cuộc đời dài ngoằng ngoẵng của bác. Càng sống lâu sống dai, bác lại càng thấy nó tuyệt vời, vì qua chuyến đi đó bác đã được ông nội cháu chỉ cho những tuyệt chiêu làm thế nào trở thành lãnh tụ của một dân tộc đó cháu ạ. Bây giở ở đất nước Zimbabwe yêu dấu của bác, mọi người ngay cả những người từng bị bác tra tấn cũng đã phải thuộc và thường xuyên hát những bài ca ngợi Robert Mugabe. Các tượng đài ở Zimbabwe mọc lên như nấm, tất nhiên cũng chưa là gì so với 34.000 tượng đài của riêng ông nội cháu trên khắp Triều tiên. Nhưng cái lớn nhất, cái vĩ đại nhất mà bác đã thọ giáo được từ ông nội cháu chính là  học thuyết, là tư tưởng cháu ạ. Cháu phải nhớ thật kỹ, là học thuyết, là tư tưởng cháu nhé. Học thuyết, tư tưởng là chính trị, mà chính trị bao giờ cũng là thống thoái. Nhờ học thuyết « Tự chủ » mà bác cho rằng ông nội cháu có thể sánh vai cùng những nhà tư tưởng vĩ đại nhất của mọi thời đại, còn sau ông nội cháu thì dĩ nhiên là đến bác rồi. Ấy là điều tự nhiên như hơi thở mà thôi cháu ạ.


Tượng đài Heroes ở Harare do Triều tiên xây dựng,
lấy cảm hứng từ tượng đài Juche (Tự chủ) ở Bình nhưỡng.

Tượng đài Juche ở Bình nhưỡng

Bác nay già lắm rồi nên cũng không còn nhớ câu này của ai nữa : Hạnh phúc thay cho những nhà độc tài được cầm quyền ở những quốc gia mà trình độ dân trí còn thấp. Về khía cạnh này thì bác tin chắc rằng bác đang hạnh phúc hơn rất nhiều so với ông nội cháu. Nhưng về truyền thông thông tin thì ông nội cháu, cha cháu và bây giờ là cháu đã làm tốt hơn bác rất nhiều. Thế giới không thể hiểu những chuyện gì xảy ra bên trong nước Triều tiên, kể cả chuyện trên 2 triệu người Triều tiên chết đói những năm 1995-1996. Còn bên Zimbabwe thì mọi chuyện lộ ra tùm lum, bác bực quá cháu ạ. Từ chuyện lạm phát lên tới 231 triệu% đến chuyện tỷ lệ mắc bệnh AIDS vào loại cao nhất châu Phi còn tuổi thọ thì vào hàng thấp nhất thế giới. Từ tỷ lệ thất nghiệp của Zimbabwe là 70% cho đến hơn 80% dân số sống dưới ngưỡng nghèo đói. Lại còn thêm mức lạm phát của Zimbabwe tăng tới 993,6% mỗi năm, thuộc hàng cao nhất thế giới nữa chứ. Bác là bác đã thề với lòng mình  sẽ tìm bắt bỏ tù bằng hết những kẻ tung tin « rất thiệt » về nhà nước Zimbabwe.

Hai bên hai lá quốc kỳ
Ngủ say còn có nghe gì nữa đâu!

Ưu điểm: ngủ nhưng không ngáy!

Cái ly chổng đít lên trời
Ghế Liên hợp quốc, ông ngồi ông thăng!

Những năm gần đây, bác có phần mệt mỏi. Bác rất bực mình là cứ mỗi lần tham dự cuộc họp quốc tế là bác cứ buồn ngủ. Mà đến đó bác lại ngủ ngon nữa mới chết chứ. Cứ đến đó là bác ngủ như chưa bao giờ được ngủ. Mà biết đâu đấy, có khi nhờ vô tâm vô tính như thế nên bác mới sống và cầm quyền dẻo dai cho tới tận hôm nay. Cháu còn trẻ, đừng ngủ nhiều như bác kẻo gương mặt cháu không còn giống « Em Chả » mà lại giống bác Trư thì bất tiện lắm. Tuy sức khỏe có phần yếu đi, nhưng như bao lần bác đã hứa với đồng bào châu Phi, lần này bác cũng hứa với cháu trai yêu quí của bác rằng: Bác sẽ còn tiếp tục cầm quyền cho đến khi giải phóng được người châu Phi cuối cùng.
Thôi thư đã dài, vả lại đã đến giờ bác phải thở oxy và ngậm sâm đây nên bác tạm dừng bút. Sâm Triều tiên chính gốc do ông nội cháu tặng đấy cháu ạ, củ nào củ nấy đều to như quả cà dái dê, ngậm đã lắm. Hẹn cháu thư sau sẽ nói về chuyện giữa bác và cha của cháu cùng vài chuyện khác.

PSBác nghe nói vừa rồi cháu phóng tên lửa, mới bay được hơn trăm cây số thì bị rớt ùm xuống biển à cháu? Cháu phải xem lại thế nào chứ cứ phóng, phóng nữa, phóng mãi thế này thì còn gì sức lực nữa?



Thứ Tư, 25 tháng 12, 2013

MỘT DỰ ĐOÁN BẤT NGỜ NHƯNG CÓ THỂ XẢY RA VỀ VỤ "THẨM MỸ VIỆN CÁT TƯỜNG"


Chiều nay 25-12-2013 trong buổi gặp nhân dịp Noel và tất niên, tình cờ tôi được ngồi với rất nhiều bác sĩ của các bệnh viện hàng đầu ở Sài Gòn.
Các bác sĩ trong buổi gặp đều nhất trí cho rằng trong vụ thẩm mỹ viện Cát Tường, có thể không có chuyện “ném xác” chị Huyền xuống sông Hồng như lời khai của bs Nguyễn Mạnh Tường.
Theo các bác sĩ, một khả năng rất có thể xảy ra là thi thể của nạn nhân đã bị hóa thành nhiều mảnh nhỏ và đưa vào các thùng rác y tế rồi bị đem đi xử lý ngay vào rạng sáng hôm sau một cách tình cờ, không để lại dấu vết.
Theo yêu cầu của các bác sĩ trong buổi gặp mặt tối nay, tôi đăng mấy dòng này, kính đề nghị các cơ quan chức năng quan tâm thêm hướng điều tra mới nói trên. 
Cầu mong hương hồn chị Lê Thị Thanh Huyền sớm được siêu thoát và mong sao vụ việc đau lòng này nhanh được khép lại.
Tâm Sự Y Giáo.



Thứ Ba, 10 tháng 12, 2013

KHOẢNH KHẮC ĐAU THƯƠNG CỦA BỨC TƯỢNG LENIN Ở THỦ ĐÔ KIEV



Đau lòng quá, thật là đau lòng quá!

Thế là bức tượng to nhất, đẹp nhất và là bức tượng cuối cùng của Lenin ở Kiev, thủ đô của Ukraina đã bị người ta kéo ngã lộn nhào và đập phá tan tành!

Ôi! Đâu còn hình ảnh của vị lãnh tụ sừng sững hiên ngang ở Quảng trường Độc lập, ngay giữa trung tâm thủ đô của nước cộng hòa Ukraina một thời trong Liên bang xô viết? 

Ôi! Đâu còn biểu tượng của sức mạnh đến rợn người của chuyên chính vô sản, của chính quyền xô viết, của Treka, của KGB… ở một nước thuộc khối đông Âu cũ?

Không đau lòng sao được, khi chứng kiến (qua video) tượng của Người, bị người ta tròng dây vào cổ rồi hò reo kéo ngã nhào, đầu cắm xuống đất vỡ tan, đúng như câu của Nguyễn Du :”dẫu là đá cũng nát gan lọ người”.

Không đau lòng sao được khi thấy (qua màn hình) cảnh hàng chục người lực lưỡng thuộc "thế lực thù địch" lao vào dùng búa nện những nhát chí mạng, rồi phân phát cho nhau những mảnh vỡ của bức tượng của Người. Rõ ràng là cảnh “xả thịt lột da, nuốt gan uống máu quân thù”!

Buồn hơn nữa khi mà các tờ báo chính thống, không báo nào dám đưa tin và ảnh về vụ kéo đổ nhào và đập tan bức tượng của Người. Có báo mới đưa lên thì đã vội rút xuống, chỉ còn lại vài dòng báo lỗi đơn sơ.

Hu Hu! Quả thật là đau lòng quá!

Dưới đây là một số hình ảnh TSYG cóp-pi từ trên internet nhằm “cực lực phản đối” vụ việc “cực kỳ phản động” này:



















Tròng dây, bắt đầu kéo...


...ngã...

...rơi...


...cắm đầu xuống đất!

Một nhát...




Hai nhát...


... và n nhát...


























... rồi chia "chiến lợi phẩm"


















Ôi báo của tao, chứ đâu phải báo của mày
Mà đòi phải lên tiếng ngay!*

* Xin chân thành cáo lỗi Nhạc sĩ Trương Truyết Mai vì đã "nhại" một câu trong bài Huế tình yêu của tôi.







Thứ Hai, 2 tháng 12, 2013

KHÔNG NHỊN ĐƯỢC CƯỜI KHI NGHE GS VỀ LÝ LUẬN ĐỖ QUANG HƯNG TRẢ LỜI PHỎNG VẤN TRÊN BBC

TSYG: Nghe ông GS lý luận chính trị Đỗ Quang Hưng (ĐQH), Ủy viên Hội đồng lý luận TW, trả lời phỏng vấn đài BBC mà mình không nhịn được cười. Giáo sư gì mà ngộ quá: ăn nói ngô nghê, câu cú thì lộn xộn vô nghĩa, lý luận rặt theo kiểu lý sự cùn, thi thoảng lại còn cà cà...cà lăm Với những ông như thế này tham gia vào Hội đồng lý luận TW mà đất nước không đi xuống thì mới là lạ.
Nguồn: BBC
ĐQH: Đương nhiên cũng như số đông người Việt Nam, tôi nghĩ về một bản hiến pháp như vậy đấy, tất nhiên là tôi tán thành. Hiện nay thì những ý niệm, những vấn đề lớn trong toàn dân như thế này, trong tình hình như thế này thì sự, những cái sự đồng thuận, những cái sự tỉ lệ mà nó cao như vậy đấy thì tôi cho nó cũng phản ánh khách quan về cách suy nghĩ trong Quốc hội và trong các đại biểu Quốc hội thì tôi nghĩ việc ấy cũng là bình thường, và cũng dễ hiểu. Tôi thì tôi thấy như vậy.
PV: Thưa ông, xét trên những nét lớn, những nét cơ bản mang tính chiến lược, hoặc là từ góc độ mang tính cải tổ có ý nghĩa lớn thì bản Hiến pháp sửa đổi lần này so với phiên bản cũ thì theo ông có những thay đổi thật là lớn, thật là chiến lược, thật là cơ bản không ạ?
ĐQH: Đương nhiên là trong quá trình trao đổi, thì tôi có được tham gia một phần nào đấy trong công việc cũng như mọi người dân cũng như là một số tổ chức ở trong tham gia thì chúng tôi thấy rằng là trong những cái bước tiến của ngày hôm nay thì trong cái Hiến pháp, theo tôi cũng có được hai điểm, nếu thuộc vào loại cơ bản thì tôi thấy đúng là những cái cơ bản. Đó là cái vấn đề thứ nhất ấy, thì có lẽ trong cái ngôn ngữ chính trị của một văn bản Hiến pháp như thế này đấy thì những qui định về quyền con người thì tôi thấy là nó có khá hơn trước, có bước tiến tương đối rõ nét.Đấy là vấn đề thứ nhất. Còn vấn đề thứ hai thì tức là các cái vận hành của bộ máy chính trị, mối quan hệ giữa các cái của hệ thống chính trị với người dân v.v… thì tôi cho là cái điểm này cũng là điểm thứ hai mà tự tôi thì tôi ghi nhận là cái điểm, những bước tiến có khá hơn chút (trước?). Đó là hai cái điểm mà tôi ghi nhận được rõ nhất.
PV: Cái phiên bản sửa đổi HP được thông qua lần này đó, thì theo ông có điều gì mang tính cải tổ, và mang tính chất căn bản chiến lược đấy, thì theo ông, nó còn thiếu sót, nó cần phải được thay đổi hoặc tiếp tục nghiên cứu thay đổi trong thời gian tới đây?
ĐQH: Những điều mà nó còn tiếp tục, cần tiếp tục nữa, đúng hơn là một cái mong muốn của những người dân, ít nhất là ở một góc độ nào đó mà người dân như trường hợp như tôi là một người dân chẳng hạn mà tôi đứng nhìn về phương diện xã hội, những phương diện cái bộ luật cao nhất của đất nước thì tôi thấy cũng có những cái mặt cần phải tiếp tục. Thí dụ, như việc đối với tôi thì tôi thấy rằng những cái điều khoản của Hiến pháp ấy, thì những cái phương diện của những cái quan hệ của xã hội, thậm chí của những con người trong cái tương quan đối với xã hội, thì có lẽ đó là cái cần phải tiếp tục đẩy mạnh rõ nhất. Tôi nói một cái thí dụ, như là thí dụ các cái quyền, các cái quyền hạn ấy của các tổ chức xã hội, các cái kể cả của các tổ chức tôn giáo, của các tổ chức nhân dân v.v… thì tôi nghĩ là cũng cần phải có một cái, cái đó là cái cần phải tiếp tục suy nghĩ để mà có thể trong một tương lai nào đó thì sẽ có các tiếp tục, các bổ khuyết và các tăng cường nữa để phản ánh rõ các bước tiến của cái xã hội cũng như là cái yêu cầu của cái dân chủ hóa nó cao hơn nữa, và thích ứng hơn nữa, và nó nó … nó đồng thuận hơn nữa, nó nó … nó hội nhập hơn nữa, thì tôi nghĩ như vậy.
PV: Thưa GS, có cần thiết không và có đúng đắn hay không khi đưa hẳn tên của một cái chủ thuyết vào một cái bản Hiến pháp và coi đó như là một cái kim chỉ nam, một cái gọi là nguyên tắc để là lãnh đạo Nhà nước và xã hội và đưa vào trong Hiến pháp, thì cái bình luận của GS thế nào ạ?
ĐQH: Đây là một trong những cái điều quen, một cái thói quen cũng có và nó đã thành một cái nề nếp suy nghĩ, của một cái diễn ngôn chính trị của một văn bản Hiến pháp kiểu như của Việt Nam. Trong cuộc trao đổi trong quá trình thời gian vừa qua mà sửa đổi thì tôi biết các tầng lớp nhân dân cũng đã trao đi đổi lại rất nhiều, ở góc độ truyền thông cũng phản ánh cái đó. Riêng tôi thì tôi thấy là cái cái cái … cái trong cái tình hình hiện nay ở Việt Nam ấy thì cũng có thể chắc chắn đấy là một cái đã được thông qua và có lẽ cái số đông kể cả trong Quốc hội, người ta cũng thấy là nó vẫn phản ánh một cái gì đó của cái cái … cái thói quen chính trị của cái cái … cái suy tư chính trị của đất nước này là như vậy. Thì tôi nghĩ điều đó cũng có thê nó là như vậy. Thực tế cái khách quan nó là như vậy. Bản thân Quốc hội là cái đại diện của quyền lực nhân dân vì đã bỏ phiếu với mức khá khá … khá là dẫn và khá rất là cao, tán đồng với những diễn ngôn chính trị như vậy thì tôi thấy cái điều đó là vẫn chấp nhận thôi.
PV: Dạ thưa ông, để so sánh nó với các hiến pháp của quốc tế đó, thì thói quen này, hay là cách thức suy tư, diễn ngôn này có bình thường không, có như thông lệ không?
ĐQH: Theo tôi, đương nhiên Hiến pháp bao giờ cũng có cái thông lệ và những cái khác biệt. Thí dụ như bây giờ ta đọc các bản hiến pháp của các nước Đông Nam Á chẳng hạn, mà tôi khi làm cái nghiên cứu tôn giáo thì tôi thấy rất là rõ. Cái cái bản nghiên cứu, à cái bản hiến pháp của các nước ĐNA mặc dù họ có những bước tiến triển rất là tiến bộ so với nhiều thập kỷ trước về phương diện xã hội, dân chủ rồi là v.v… nhưng nếu tôi đọc cái hiến pháp của các cái nước ngay gần VN đây, tôi cũng nhận thấy rằng những dấu vết của những nhà nước nửa thế tục nó vẫn rất rõ, thì làm sao? Những nhà nước ở ĐNA này thì nó rất là tôn giáo, các cái hiến pháp của họ cận thế tục và nửa thế tục thôi. Và những yếu tố của tôn giáo nó vẫn thể hiện khá rõ trong hiến pháp thì điều đó cũng … Tôi thì tôi nghĩ đó là vì cái nhân dân ở đấy, cái tôn giáo ở đấy nó có cái vị trí như vậy và người ta qui định như vậy, thì cũng không thể nói rằng là nó nó … nó có vấn đề gì được, bởi vì nó không giống cái số đông của các hiến pháp còn lại, mà nó lại phản ánh được tâm tư nguyện vọng cũng như cái lịch sử, cái văn hóa của dân tộc ấy, thì nó là như thế. Dùng các chữ diễn ngôn chính trị của Việt Nam bởi vì cũng có thể là bởi vì cái đời sống chính trị và tâm lý xã hội của người Việt Nam vẫn chấp nhận những cái cách như vậy. Thì tôi vẫn nghĩ cái đó nó vẫn có một cái khách quan hiện thực nào đó. Cho nên cái gì mà nó có cái hiện thực thì có thể nó vẫn tồn tại được thôi. Nó nó … nó như vậy.
PV: Thưa ông, có người thì họ đặt vấn đề về điều 4, như ông biết điều này rất nhiều người quan tâm. Họ cho rằng Đảng cộng sản thì cũng là một tiểu thiết chế ở trong một cái thiết chế chính trị của nhà nước đương đại, thì không nên đặt cụ thể ĐCS là một đảng phái mà lãnh đạo một nhà nước cụ thể. Trong trường hợp này thì không biết nhận xét của GS như thế nào? Phải chăng nó thể hiện một cái ý thức hệ trong đó người ta vẫn chưa chấp nhận một thể chế đa đảng đối lập và đa nguyên về tư tưởng, thưa ông?
ĐQH: Đây là một trong những câu hỏi mà mà … mà có thể nói được đặt ra rất là nhiều và bình luận cũng rất là là … là lặp đi lặp lại rất là nhiều năm nay, nhiều năm nay chứ không phải chờ đến cái lúc trao đổi để mà đóng góp, để mà sửa đổi cái bản Hiến pháp, cái điều 4 ấy, và tôi nghĩ rằng về cái điểm này mà nói thì người Việt Nam số đông mà người ta vẫn thấy rằng cái điều này nó vẫn có cái hợp lý và nó phù hợp với điều kiện chính trị của Việt Nam. Thì tôi nghĩ rằng trong cái điều kiện như vậy thì nó nó … nó vẫn có cái hợp lý của nó thôi. Mọi người đều thừa nhận như vậy và số đông vẫn thừa nhận như vậy. Và tôi lại trở lại một cái chỉ số hiện nay có thể có được, đó là của Quốc hội. Cái chỉ số có thể có được có cái cái cái … cái giá trị nó là trong Quốc hội. Bỏ phiếu như vậy mà bọn tôi là những, chúng tôi cũng là những người công dân thì mình tin tưởng vào các đại biểu QH của mình, của cái QH của mình. Người ta cũng đã một cái tuyệt đối như vậy, họ như vậy họ thừa nhận cái cái cái … cái điểm đó như tôi vừa nói lại đã trải qua cái tranh luận rất nhiều rồi thì mặc dù nó có thể điều này điều kia, nhưng mà trong điều kiện của Việt Nam thì có thể đấy là cái điều mà vẫn là cái tiếng nói của số đông. Thế thì tôi nghĩ cái điều đó khi đã là số đông mà đã thừa nhận như vậy thì cũng phải nói rằng cái điều này vẫn còn cái cái … cái lý do tồn tại của nó, tức là cái điều 4 đó.
PV: Dạ thưa GS, vẫn tiếp ở điều 4: trong khoản 3 có qui định nói rằng các tổ chức của Đảng, đảng viên ĐCSVN thì hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật. Thế nhưng hiện nay vẫn chưa có luật vể Đảng, thì theo ông, Nhà nước và Quốc hội có nên soạn một cái luật gọi là luật qui định về các hoạt động của Đảng hay là không ạ?
ĐQH: Ở VN thì không phải chỉ có luật Đảng là chưa có mà tôi nghĩ rằng cái luật của các tổ chức xã hội, tứa là các hội, rồi các tổ chức xã hội cũng còn chưa có, thì tôi nói rằng cái điểm này về cái phần luật Đảng cũng như luật hội tôi vừa nói là nó chưa có, cho nên nó cũng là một vấn đề của trước mắt cần phải có. Ý kiến cá nhân tôi thì tôi thấy như vậy. Còn ở thời điểm nào thì có thể tùy điều kiện chính trị xã hội của VN. Còn cái lần này đó, thì nó cũng thấy rõ các điểm đó là một vấn đề mà mà mà … mà báo chí cũng như một bộ phận dư luận xã hội cũng có đặt ra. Thế còn tôi vẫn có một cái luận điểm rằng: cái gì mà nó hiện thực thì nó là hợp lý. Bởi vì hiện nay có thể số đông trong QH vẫn thấy rằng cái điều đó cũng, nó vẫn có thể chấp nhận được cho nên người ta của đại đại biểu của chúng tôi đã bỏ phiếu tán đồng với nó thì chúng tôi nghĩ cũng có thể chấp nhận. Còn về logic chính trị và cái cái có tính của thời đại nữa thì tôi nghĩ rằng đếnmột lúc nào đó, tôi chưa biết là lúc nào, thì chắc chắn là cũng phải nghĩ đến cái điều đó, cũng như luật hội tôi vừa nói ban nãy…
Mời bà con nghe tiếp phần trả lời của GS Đỗ Quang Hưng tại hai băng trong bài của BBC, còn TSYG thì hết chịu nổi rồi…