Thứ Sáu, 26 tháng 4, 2013

VỀ CHUYẾN ĐI THĂM TRUNG QUỐC CỦA ÔNG NGÔ VĂN DỤ : HAI BÀI BÁO, HAI THÁI ĐỘ !



Tình cờ mình được biết vừa rồi, ông Ngô Văn Dụ, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng đã dẫn đầu đoàn đại biểu Đảng CSVN sang thăm Trung Quốc. Và cũng tình cờ mình được đọc hai bài, một là của Tân Hoa Xã, và một là của TTXVN, nói về chuyến đi thăm này.
Bài của Tân Hoa Xã – Trung Quốc chỉ có đúng 4 câu, nói một cách cực kỳ vắn tắt về cuộc gặp giữa ông Ngô Văn Dụ và ông Vương Kỳ Sơn. Vắn tắt đến mức không thể vắn tắt hơn, cho thấy một thái độ khinh khỉnh, rất coi thường Việt Nam.
Bài của TTXVN thì ngược lại, tràng giang đại hải, tường thuật một cách trọng thị, tỉ mỉ cuộc gặp của hai ông, y như cuộc gặp giữa hai nguyên thủ quốc gia. Đã thế, TTXVN lại còn trịnh trọng lặp lại lời của Vương Kỳ Sơn nói về phương châm 16 chữ vàngtinh thần 4 tốt, một thứ vòng kim cô ẩn chứa nhiều độc tố nếu không muốn nói là nhiều nguy cơ thảm họa. Thái độ trọng thị của TTXVN đối với Trung Quốc là quá mức, cho thấy một sự nể trọng, nhu nhược, thậm chí là khiếp sợ trước Bắc Kinh.
Biết đến khi nào mới xóa được cái não trạng tệ hại này?
Nói có sách, mách có chứng. Mời bà con đối chiếu hai bài dưới đây thì rõ:

Bài của Tân Hoa Xã (lược dịch):


Bắc Kinh, ngày 24 tháng 4 (Tân Hoa Xã). Trung Quốc sẵn sàng thúc đẩy quan hệ đối tác, chiến lược và hợp tác toàn diện với Việt Nam, một quan chức cao cấp của Trung Quốc đã nói hôm thứ Tư này.
Ông Vương Kỳ Sơn, ủy viên thường vụ Bộ chính trị Đảng cộng sản Trung Quốc đã gặp gỡ phái đoàn Việt Nam do ông Ngô Văn Dụ, Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra Đảng CSVN, dẫn đầu.
Trong cuộc gặp, ông Vương cho biết Đảng CS Trung Quốc sẵn sàng làm việc với Đảng CS Việt Nam nhằm đẩy mạnh trao đổi, hợp tác và học hỏi lẫn nhau, thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược và hợp tác toàn diện Trung Quốc – Việt Nam một cách ổn định và bền vững.
Ông Dụ, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng CSVN, nói Đảng CSVN sẵn sàng tiếp tục tăng cường mối quan hệ với Đảng CS Trung Quốc, học tập kinh nghiệm của nhau về chống tham nhũng và xây dựng một chính phủ minh bạch./.

Bài của TTXVN:


Đoàn đại biểu Đảng CS Việt Nam thăm Trung Quốc


24/04/2013 | 18:02:00
EMAIL PRINT CỠ CHỮ A A
Nhận lời mời của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, đoàn đại biểu Đảng Cộng sản Việt Nam do ông Ngô Văn Dụ, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương, dẫn đầu thăm và làm việc tại Trung Quốc từ ngày 23/4.
Ngày 23 và 24/4 tại Bắc Kinh, đoàn đã có các cuộc hội đàm và làm việc với Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Bí thư Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương Vương Kỳ Sơn và đoàn đại biểu Đảng Cộng sản Trung Quốc do Bí thư Ban Bí thư Trung ương, Phó Bí thư Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương Triệu Hồng Chúc chủ trì.
Hai bên đã thông báo cho nhau tình hình mỗi Đảng, mỗi nước gần đây, trao đổi ý kiến về quan hệ song phương và thảo luận những biện pháp nhằm thúc đẩy quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa hai Đảng, hai nước trong thời gian tới.
Ông Vương Kỳ Sơn bày tỏ vui mừng được đón tiếp đoàn đại biểu Đảng Cộng sản Việt Nam do ông Ngô Văn Dụ dẫn đầu thăm Trung Quốc; cảm ơn các lãnh đạo Đảng và Nhà nước Việt Nam đã sớm gửi điện thăm hỏi, cùng với sự chia sẻ tình cảm sâu sắc của nhân dân Việt Nam tới nhân dân Trung Quốc gặp nạn do trận động đất ở tỉnh Tứ Xuyên gần đây.
 Ông tin tưởng rằng, chuyến thăm lần này của đoàn sẽ có tác dụng thúc đẩy thêm một bước quan hệ đối tác hợp tác toàn diện giữa hai nước trên cơ sở phương châm “Láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai” và tinh thần “láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt” và những nhận thức chung mà hai bên đã đạt được.
 Ông Vương Kỳ Sơn khẳng định Đảng, Chính phủ và nhân dân Trung Quốc luôn coi trọng phát triển quan hệ với Việt Nam, mong muốn cùng Việt Nam phát triển hơn nữa mối quan hệ hữu nghị truyền thống vì lợi ích của nhân dân hai nước.
Ông vui mừng trước những thành tựu quan trọng mà nhân dân Việt Nam đạt được trong công cuộc đổi mới do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo; đánh giá cao những hoạt động quan trọng của Đảng Cộng sản Việt Nam về công tác xây dựng Đảng kể từ sau Đại hội Đảng lần thứ 11 đến nay, cho rằng những kinh nghiệm về xây dựng Đảng của Đảng Cộng sản Việt Nam có giá trị tham khảo đối với Trung Quốc. Đồng chí mong muốn hai Đảng thường xuyên giao lưu, trao đổi kinh nghiệm về công tác xây dựng Đảng và lãnh đạo đất nước.
Ông Vương Kỳ Sơn và ông Triệu Hồng Chúc trong các cuộc hội đàm đã giới thiệu những hoạt động chính của Đảng Cộng sản Trung Quốc từ sau Đại hội 18 đến nay và những nét cơ bản về tình hình kinh tế, xã hội Trung Quốc, đặc biệt là tình hình và một số kinh nghiệm về công tác xây dựng tác phong Đảng, xây dựng liêm chính trong Đảng mà Đảng Cộng sản Trung Quốc đang tiến hành.
Ông Ngô Văn Dụ bày tỏ vui mừng được dẫn đầu đoàn đại biểu Đảng Cộng sản Việt Nam thăm Trung Quốc vào thời điểm Trung Quốc vừa tổ chức thành công nhiều sự kiện chính trị quan trọng như Đại hội Đảng lần thứ 18, kỳ họp thứ nhất Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc và Hội nghị Hiệp thương chính trị nhân dân Trung Quốc khóa 12, Trung Quốc hoàn thành quá trình chuyển giao thế hệ lãnh đạo mới, mở ra giai đoạn phát triển mới trong công cuộc cải cách mở cửa, xây dựng đất nước.
 Ông Ngô Văn Dụ đã chuyển lời thăm hỏi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và các lãnh đạo Đảng và Nhà nước Việt Nam đến Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình và các lãnh đạo Đảng và Nhà nước Trung Quốc. Đặc biệt, ông Ngô Văn Dụ một lần nữa chuyển lời thăm hỏi và bày tỏ sự thông cảm sâu sắc của Đảng và nhân dân Việt Nam đến những người dân bị nạn trong trận động đất tại tỉnh Tứ Xuyên vừa qua; bày tỏ tin tưởng rằng, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc, nhân dân Trung Quốc nhất định sẽ vượt qua khó khăn, khắc phục hậu quả thiên tai, sớm khôi phục cuộc sống bình thường của người dân vùng bị nạn.
Ông Ngô Văn Dụ, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương bày tỏ vui mừng trước những thành tựu to lớn mà nhân dân Trung Quốc đã đạt được trong công cuộc cải cách mở cửa do Đảng Cộng sản Trung Quốc đề xướng và lãnh đạo, đồng thời tin tưởng rằng, với đường lối và chủ trương do Đại hội lần thứ 18 Đảng Cộng sản Trung Quốc xác định, nhân dân Trung Quốc sẽ đạt được mục tiêu hoàn thành xây dựng toàn diện xã hội khá giả vào năm 2020 và tiếp tục giành nhiều thắng lợi to lớn hơn trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc.

Ông Ngô Văn Dụ nhấn mạnh Đảng, Chính phủ và nhân dân Việt Nam trước sau như một coi trọng mối quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện giữa Việt Nam và Trung Quốc, mong muốn cùng với phía Trung Quốc nỗ lực đẩy mạnh hợp tác trên các lĩnh vực, củng cố và phát triển mối quan hệ hữu nghị hợp tác cả chiều rộng và chiều sâu trên cơ sở những nhận thức chung mà lãnh đạo cấp cao hai bên đã đạt được.

Hai bên đã trao đổi ý kiến về những biện pháp cụ thể nhằm thúc đẩy quan hệ hai Đảng, hai nước và thảo luận về kế hoạch hợp tác giữa Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam và Ủy Ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc trong thời gian tới.
Nhân dịp này, đoàn đã thăm một số cơ sở kinh tế, văn hóa và các cơ sở đào tạo cán bộ của Đảng Cộng sản Trung Quốc tại thành phố Bắc Kinh và Thượng Hải./.

Thứ Năm, 25 tháng 4, 2013

BÁO NEW YORK TIMES: MỘT NGHIÊN CỨU NÓI RẰNG LÊ-NIN CHẾT VÌ BỆNH GIANG MAI

  
Những lời đồn đoán được lưu truyền trong nhiều thập kỷ, nói rằng Lê-nin, người sáng lập Đảng Bolshevik và nhà nước Xô viết, đã mắc phải bệnh giang mai trong suốt sự nghiệp của minh.
Trong một bài báo trên tạp chí Thần kinh học châu Âu, ba bác sĩ Israel thông qua các tài liệu lịch sử đã chẩn đoán rằng có thể Lê-nin đã bị nhiễm bệnh qua đường tình dục ở châu Âu trước khi ông lãnh đạo cách mạng tháng 10 năm 1917. Các tác giả viết: không lâu sau thắng lợi của cách mạng XHCN, bệnh tình của ông gia tăng dẫn đến sự suy giảm sức khỏe trong đau đớn và năm 1924 ông qua đời.
Ý tưởng này không hoàn toàn mới. Mặc dù trước đây Liên Xô có những nỗ lực bảo toàn một bức màn bí mật xung quanh nhân vật chính trị trung tâm này, người ta đã đồn đại từ lâu rằng Lê-nin đã phải chống chọi với căn bệnh giang mai.
Các tác giả đặt câu hỏi về tầm quan trọng của vấn đề này đối với đời sống xã hội. Làm thế nào xã hội hiện đại có hiểu biết đầy đủ về sức khỏe của nhà lãnh đạo?
Tác giả của nghiên cứu, TS Vladimir Lerner, người đứng đầu bộ phận tâm thần học tại Trung tâm sức khỏe tâm thần Be’er Sheva ở Israel nói:
- Nếu bạn đưa hồ sơ của Lê-nin, giấu tên Lê-nin, cho một chuyên gia về thần kinh và bệnh truyền nhiễm, vị chuyên gia sẽ nói: đó là giang mai.
Tác giả cũng đề xuất một cách có thể giải quyết vấn đề là tiến hành xét nghiệm bộ mẫu từ bộ não Lê-nin, hiện đang được lưu trữ tại Moscow.
GS-TS Elier Witztum, chuyên gia về tâm thần học tại đại học Ben-Gurion (Israel) nói rằng: “Hoài nghi là lành mạnh, vấn đề là có rất nhiều câu hỏi về y học phải được trả lời”.
Lê-nin được 53 tuổi khi qua đời, sau khi chiến đấu với một căn bệnh bất thường làm cho ông dần dần suy kiệt. Cái chết của ông đã được cho là bởi xuất huyết não, đột quị, giang mai, suy nhược, xơ cứng mạch máu não.

Lê-nin năm 1923. Nguồn ảnh: wikipedia
Điều khó khăn là bệnh giang mai có triệu chứng giống nhiều căn bệnh khác, vì vậy nó được gọi là “kẻ bắt chước hoàn hảo”.
Sự nhiễm trùng được gây ra bởi khuẩn xoắn Treponema, ban đầu như một vết viêm loét, sau đó lây lan khắp cơ thể, kể cả bộ não. Sốt, phát ban sâu rộng, dẫn dến một tình trạng bất thường. Người mắc bệnh giang mai có thể có những thời gian xen kẽ giữa những cơn bệnh và tình trạng sức khỏe bình thường. Khi cơn bệnh xảy ra, các triệu chứng có thể trầm trọng, bao gồm đau đầu, rối loạn thần kinh, rối loạn tiêu hóa, đau cơ, đau khớp.
Trong giai đoạn cuối của bệnh giang mai, thường khoảng 20 năm sau khi nhiễm bệnh, nạn nhân có biểu hiện tính khí thất thường, trầm cảm, mất trí nhớ, hôn mê xen lẫn những cơn bùng nổ sáng tạo. Tim mạch bị tổn hại, dẫn đến tê liệt, phình động mạch hoặc đột quị.
Cho đến khi penicillin ra đời trong Thế chiến II, căn bệnh này là không thể chữa khỏi.
Bệnh của Lê-nin có tiến triển giống bệnh giang mai, ông bị động kinh thường xuyên, đau đầu dữ dội, kèm những cơn buồn nôn, mất ngủ và tê liệt một phần cơ thể. Trong khi Stalin đang âm mưu nắm quyền kiểm soát Đảng cộng sản thì Lê-nin trong tình trạng đan xen giữa sáng suốt và bất lực. Nhiều khi, ông không thể đi bộ hoặc nói chuyện mà không có sự giúp đỡ.
Theo TS Robert J. Service, giáo sư về Lịch sử Nga ở trường Cao đẳng St Anthony, Oxford, thì Lê-nin đã hai lần yêu cầu thuốc độc để kết thúc cuộc sống, một yêu cầu đáng chú ý đối với một người đàn ông mà tên tuổi đồng nghĩa với đấu tranh.
Dưới sự kiểm soát của Đảng CSLX, nhiểu chi tiết được giữ bí mật. Nhưng thời gian đã hé lộ nhiều vấn đề, và các tác giả đã thu được nhiều bằng chứng khác nhau, trong đó nhiều tài liệu có được từ sau khi nhà nước cộng sản sụp đổ, để làm căn cứ cho nghiên cứu của họ.
Bà Deborah Hayden, tác giả cuốn sách “Thiên tài, sự điên rồ và những bí ẩn của bệnh giang mai” (2003) cho biết: “Theo một số người viết tiểu sử của Lê-nin thì các bác sĩ chứng kiến cái chết của ông cho rằng ông bị giang mai”.
Bà Hayden cho biết bà rất ấn tượng về các bằng chứng của các chuyên gia bệnh giang mai nổi tiếng nghiên cứu về trường hợp Lê-nin. Bà lưu ý rằng một số tài liệu cho thấy Lê-nin đã được điều trị với thuốc salvarsan, một loại thuốc đặc trị đối với căn bệnh này. Bà cho rằng chẳng có lý do nào ngoài bệnh giang mai để dùng loại thuốc đặc trị đó.
TS Frances Berstein, trợ lý giáo sư tại Đại học Drew, chuyên về tình dục và sức khỏe cộng đồng trong thời kỳ Xô viết cho biết: bệnh hoa liễu là một vấn đề gai góc dưới chế độ Nga hoàng. Sau cách mạng, Bộ Y tế Liên xô đã đặt ra việc giáo dục giới tính, mở chiến dịch điều trị giang mai và giảm bớt kỳ thị đối với bệnh này. Trong bối cảnh đó, thật là mỉa mai cao độ khi nói rằng Lê-nin chết vì bệnh giang mai.
Bà Hayden nói rằng nhiều người bị giang mai đã không rơi vào tình trạng tê liệt toàn bộ hoặc mất trí nhớ, ngược lại còn có thể có sự sáng tạo mãnh liệt trước khi chết.
Hiện nay, mô não của Lê-nin vẫn còn được lưu giữ tại Viện Não Moscow, nơi mà trong thời kỳ đầu tiên của Xô viết, nó được cắt lớp trong nỗ lực tìm lời giải thích về “giải phẫu học” cho thiên tài.
Các tác giả kết thúc bài báo bằng cách cho rằng việc xét nghiệm các mô có thể tìm thấy AND của bệnh giang mai và mang lại một câu trả lời dứt khoát.
Tuy nhiên, đã có những bất đồng. Một giáo sư của Viện Não Moscow nói: “ Chúng tôi không có bất kỳ mong muốn và cũng chẳng có thời gian để thảo luận việc này. Đơn giản là chúng tôi không muốn đào xới lại quá khứ”.
 Nguồn: The New York Times

Thứ Sáu, 19 tháng 4, 2013

Cô giáo bắt làm văn tả Bà Ngọai


Bà ngoại em vẫn chưa già
Chiều chiều bà cưỡi xe ga ra đường
Mắt bà vẫn rất tinh tường
Tóc nhuộm ánh tím soi gương mỗi ngày
Nhưng Bà em vẫn rất hay
Bà chăm con cháu luôn tay luôn mồm
Công việc bà vẫn ôm đồm
Chăm lo con cháu sớm hôm không nề
Hôm nay cô giáo ra đề
Bắt em phải tả viết về Bà em
Em tả giống hệt bên trên
Cô bắt viết lại - mắng thêm em rằng:
Đã Bà là phải rụng răng
Tóc phải bạc trắng như trăng trên trời
Bà cũng không được ăn chơi
Vì mắt phải kém và môi nhai trầu
Đã Bà là phải ngồi khâu
Không được ngồi hát Ka - Râu - Ô - Kề
Nhất là không được ghi đề
Tuyệt đối không được phóng xe ào ào
Em nghe chẳng hiểu thế nào
Em phải hỏi mẹ xem sao vụ này
Tả sai thì lại không hay
Tả đúng thì lại có ngày ăn roi
Kiểu này phải bảo mẹ thôi
Hay đổi Bà khác đúng lời của cô???”

Người Trung quốc đang sống trong hoảng loạn bất an cao độ


Báo chí trên các Blog mấy tuần nay ở Trung quốc đã chuyền tay nhau đăng tải tình trạng báo động đỏ, đó là khách du lịch vào Trung quốc giảm 30 % so với giữa năm 2012. Nguyên nhân chính là do 3 yếu tố không thể hóa giải nổi đó là:

1, Nguồn nước tại Trung quốc cho người ăn và uống nhiễm độc ghê gớm đặc biệt là nhiễm chì, a-xít va các hóa chất độc hại suốt hơn mấy chục năm qua của sự phát triển nóng thị trường làm ăn kinh tế do các nhà máy, các xí nghiệp thải ra đã ngấm nặng trong lòng đất và trên các sông hồ, các nguồn nước trên phạm vi cả nước. Người ta tính rằng nay chỉ còn có Tây tạng đã đỡ chút ít mà thôi, nhưng với tình trạng này cứ kéo dài thì cũng không thể là nơi con người có thể sống được.
Sau khi báo chí đăng tải về lợn chết đổ vứt ra sông, rồi vịt và sau cùng là hình ảnh hàng loạt cá chết đặc trên các hồ thì những lời cảnh cáo này trên các Blog càng lan nhanh hơn bao giờ hết. Chính quyền Trung quốc đang lúng túng không biết sẽ làm gì để trấn an dân, hầu như là bất lực.

2, Lý do thứ hai là ô nhiễm khí thở của con người từ hai phía:
Đó là từ khí thải ở các nhà máy, các công trường xí nghiệp thải ra. Người ta đo lượng các-bon-nic và các chất độc trong không khí đã đến mức báo động đỏ, nồng độ đông đặc khiến cho những người khỏe biến thành người bệnh, nhiều người bị bệnh như hen suyễn hay viêm phổi, nhất là trẻ em và người có tuổi bị tử vong nhiều trong những năm gần đây. Những thảm họa khác nữa là do các trận bão cát bởi sự sa mạc hóa đang tràn đến các thành phố.

3. Vấn đề chính trị, xã hội thiếu minh bạch, công bằng đã khiến đa số người dân Trung quốc sống cảm thấy bất an, càng ngày càng nhiều người giầu có mức tiền triệu đô-la trở lên đã đăng ký ồ ạt bỏ nước ra đi định cư tại các nước như Mỹ, Canada, Anh, Úc và nay khi có dấu hiệu các quốc gia này thấy không thể nhận thêm người vào nữa thì họ và nhiều người lưng vốn ít hơn đã đổ vào các nước Nam Mỹ, Capuchia, Lào và có xu hướng cả Việt nam nhưng trên danh nghĩa các nhà đầu tư làm ăn. Họ mang theo cả gia đình, anh em họ hàng thậm chí cả dòng họ.
Như báo chí Trung quốc đã phải nói đây thực sự là cuộc chạy tỵ nạn khỏi Trung quốc chứ không phải là đi định cư như vẫn xẩy ra lâu nay. Người ta thấy phổ biến cảnh ngày ngày tại các đại sứ quán các nước tại Trung quốc, số người xếp hàng ghi tên làm thủ tục ngày càng đông, có người đã thuê phòng trọ gần đó để chờ cho bằng được đến lượt mình. Trung quốc không chỉ lo số ngoại tệ sẽ biến khỏi đất nước này mà lo rằng đây sẽ là hiệu ứng tai hại: sẽ đến ngày khách nước ngoài không dám vào Trung quốc. Như báo chí đăng tải khuyên người đi du lịch rằng bạn không thể đến du lịch Trung quốc nếu cứ đeo mặt nạ cả ngày và đeo bên mình hàng can nước lọc mang theo đi khắp nơi trên đất nước này.

4, Không còn ai ở Trung quốc dám ăn các loại hoa quả và sữa, thịt từ chính Trung quốc làm ra vì các thứ đó độc hại va nguy hiểm cho con người.
Như báo chí châu Âu và Mỹ , Úc v.v…mấy tuần qua liên tục đăng bài cảnh báo việc người Trung quốc ra sức gom sữa trên khắp các cửa hàng ở châu Âu và các quốc gia phương Tây để đưa về Trung quốc, và nay là cả quả tươi vì những người có chút tiền ở Trung quốc không dám ăn quả tươi, thị lợn, gà, vịt và uống sữa, sản phảm làm ra tại chính quốc gia mình. Người ta cho rằng những sản phẩm sữa Trung Quốc vẫn chưa khôi phục được niềm tin người tiêu dùng sau vụ tai tiếng năm 2008, nay chẳng những chưa ngưng mà có khả năng kém phẩm chất và độc hại cao hơn vì không tin vào sự minh bạch của các thông tin nhà nước đưa ra.
“Các siêu thị hay những nơi bán lẻ mặt hàng sữa trẻ em đang hạn chế bán,” ông Richard Dodd cho biết. Họ phải làm điều này vì xuất hiện một số khách hàng mua với số lượng lớn bất thường. Xu hướng không bình thường này được cho là kết quả của việc xuất khẩu sữa không chính thức sang Trung Quốc.”
Những tuần qua, các siêu thị tại Anh quốc đã phải dán thông cáo yêu cầu khách hàng không mua nhiều hơn hai hộp sữa một lúc để đảm bảo nguồn cung cấp cho những người khác.Nhiều người tiêu dùng tại Anh cho biết họ để ý thấy có tình trạng khan hiếm sữa tại các siêu thị và phải đi nhiều nơi mới mua được nhãn hiệu mình thường dùng.
“Vào Chủ Nhật, chúng tôi đã không thể tìm được sản phẩm nào từ Asda hay Tesco, chúng tôi đã phải tới Sainsbury’s,” bà Lyn Patterson nói với Reuters.
Hãng thực phẩm của Pháp Danone, công ty sản xuất sản phẩm sữa Aptamil nói hiện đang phải tăng cường sản xuất để đáp ứng nhu cầu tăng bất thường này.
“Chúng tôi hiểu nhu cầu tăng cao bắt nguồn từ những đợt xuất khẩu không chính thức sang Trung Quốc nhằm đáp ứng nhu cầu của các phụ huynh muốn tìm kiếm nhãn hiệu sữa phương Tây cho con cái mình,” công ty này nói trong một thông cáo.
Giá quả tươi ở các chợ và siêu thị ở châu Âu tằng cao gấp rưỡi và nhiều hoa quả đặc sản cũng không thấy có để bán nữa. Nhiều người đã kêu gọi chính phủ phải có biện pháp ngăn chặn ngay, nếu không sẽ là vấn nạn. Đến nay cả quả tươi bị người Trung quốc gom mua đóng hòm mang về nước để phục vụ với hơn tỷ người thì khối lượng nhập về sẽ càng ngày càng cao hơn.
Tại Việt nam các lái buôn cá, thịt, gạo, tạp pí lù người Trung quốc đã có mặt trên các thị trường Việt nam để gom hàng mang về bên kia biên giới hay qua các ngả đường biển và hàng không. Đổi lại họ chuyển sang Việt nam các hàng hóa mà người Trung quốc lo sợ độc hại không dám dùng nhưng cho thêm các thuốc hãm độc hại để giữ lâu không héo. Như thế, độc hại lại càng kinh khủng hơn. Như báo chí đăng tải là lòng lợn, chân gà, lạm bò v.v… những thứ khoái khẩu của người Việt ăn hầu như mang đuợc mang vào không những vốn đã độc hại lại đang trong tình trạng bị hối thối và đang bị phân hủy. Phương thức vận chuyển bằng đường bộ, đường thủy và nay cả bằng cả đường hàng không nữa, thật là nguy hiểm hết chỗ nói. Nên tỷ lệ người dân bị bệnh ung thư đang tăng cao ở quốc gia này (VN).

Vơ vét hàng mang về là “Siêu lợi nhuận”
Một sản phẩm sữa chỉ với giá 10 bảng Anh được bán với giá cao gấp ba lần ở thị trường Trung Quốc, Reuters cho biết.

Người TQ gom hàng đặc biệt là sữa
Người TQ gom hàng đặc biệt là sữa


Chính quyền Hong Kong đã phải hạn chế số sữa người dân Trung Quốc được mang về lục địa sau khi tình trạng mua gom đẩy giá và gây khan hiếm sữa tại đây.
Một doanh nhân người Trung Quốc nói với Sky News rằng ông mua sữa từ các siêu thị và sau đó bán qua một trang mua sắm trên mạng Taobao của Trung Quốc.
“Tôi mua với giá 7 đến 9,5 bảng mỗi hộp sữa, và bán với giá từ 16,5-19,5 bảng,” ông này nói.
Ông này cũng cho biết người Trung Quốc gom sữa dưới nhiều hình thức khác nhau:
“Thứ nhất là các sinh viên hay khách du lịch được gia đình hoặc bạn bè nhờ mua một vài hộp sữa. Thứ hai là những công ty nhỏ và vừa như chúng tôi. Và thứ ba là những nhà buôn lớn thường ở London hay Portsmouth. Họ mua trực tiếp từ các nhà phân phối hàng cho siêu thị, với những đơn hàng từ 20.000 bảng.”
Trả lời BBC Tiếng Việt, ông Junqi Yang, người dân tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc cũng cho biết các dịch vụ giao hàng, cho thuê kho tại đây đang rất phát triển nhờ sữa nhập từ nước ngoài. Trung Quốc là nước có ngành công nghiệp sản xuất sữa khá phát triển. Tính đến nay, ngành công nghiệp này có giá trị khoảng 30 tỷ đôla, với mức tăng trưởng thường niên trên 20% kể từ năm 2000. Theo ông: “Nhiều người Trung Quốc ở đây thà trả giá cao còn hơn chấp nhận đánh cược với sức khỏe và tình mạng của con cái mình khi dùng sữa nhãn hiệu Trung Quốc.”
Trung quốc gần đây đã ra sức trấn an người dân rằng các sản phẩm sữa tại Trung Quốc là an toàn và được kiểm nghiệm chặt chẽ. Tuy nhiên, hệ thống luật pháp thiếu hiệu quả tại đây đang vẫn là một vấn đề lớn. Vấn đề là ở chỗ người dân Trung quốc đang thấy bất an và tình trạng nay đã trở nên hoảng loạn khó thể trấn an được nữa. Người ta thấy ngay các quan chức thì gia đình nào cũng đưa con cái ra sống ở nước ngoài và bản thân họ cũng chỉ cần vơ vét thêm khẩn trương chút nữa là cũng biến mất lúc nào nhà nước cũng không thể biết.
Tuơng lai của đất nước này đang đến mức bất ổn, chắc chắn sẽ rất ảm đạm từng ngày và phải tăng lên khi nhìn vào con số tăng trưởng kinh tế. Như chính người Trung quốc nói: “Không thể kiểm soát được nữa, đầu hàng thôi! Nếu tôi có khả năng đi được ra nước ngoài thì tôi cũng đi. Cái cột điện còn muốn dời đi nữa là con người? ”

Nguyễn Hoàng Hà-DCV

Thứ Hai, 15 tháng 4, 2013

TỔ QUỐC VIỆT NAM hay là TỔ QUỐC VIỆT NAM XÃ HỘI CHỦ NGHĨA ?

Chưa khi nào mình đọc xong một bài báo lại có cảm giác bị tra tấn theo kiểu “loa phường” như khi đọc bài Tổ quốc không thể không gắn với chế độ xã hội trên báo QĐND của cặp tác giả Bắc Hà – An Huy. Mấy lâu nay, gặp những bài viết theo phong cách “loa phường” như thế, mình chẳng quan tâm nữa, dù biết rằng có những tờ báo tồn tại bằng tiền thuế của dân nhưng không đem lại điều gì hay ho bổ ích mà chỉ tổ làm cho người đọc “inh tai nhức óc”,  “hoa mắt hoa mũi” mà thôi.
Nhưng đối với bài viết của cặp Bắc Hà – An Huy nói trên thì khó có thể ngồi yên, bởi nó đã đụng đến một khái niệm vô cùng thiêng liêng đối với mọi người, đó là Tổ quốc.
Nhìn chung, bài viết nói trên có đủ các yếu tố để coi như là phần nhai lại, trả bài chính trị của một cậu sinh viên lười biếng: nhạt nhẽo, sống sượng và cả kệch cỡm.
Tuy nhiên, có một đoạn rất “nguy hiểm” mà mình xin trích lại ở đây:
Thực tiễn cho thấy, trong lịch sử nhân loại không hề có Tổ quốc phi lịch sử, không gắn với một chế độ xã hội nào, không gắn với một lực lượng cầm quyền nào. Tổ quốc mà không gắn với xã hội, không gắn với dân cư thì đó chỉ là hoang đảo. Dân tộc mà không gắn với xã hội với truyền thống thì chẳng khác nào nói đến một cộng đồng dân cư còn ở thời kỳ hoang dã hoặc rơi vào chứng mất trí nhớ như trong phim ảnh mà người ta dựng lên nhằm mục đích giải trí. Tương tự như vậy, nói đến Tổ quốc mà không nói đến chế độ xã hội, không nói đến lực lượng cầm quyền chẳng khác nào nói về sở hữu mà không nói đến chủ thể sở hữu là ai.
Đối với dân tộc ta, một dân tộc với hàng ngàn năm lịch sử, Tổ quốc bao giờ cũng gắn với một chế độ xã hội, một lực lượng cầm quyền nhất định nào đó. Chẳng hạn: Thời Lý, Tổ quốc ta là nơi “Vua Nam ở” (Nam quốc sơn hà, Nam đế cư - Thơ Thần - Lý Thường Kiệt); Thời Trần, Tổ quốc trước hết là “thái ấp”, Nhà Trần là “xã tắc tổ tông” (Hịch tướng sĩ của Trần Hưng Đạo)… Tổ quốc Việt Nam ngày nay là đất nước do ông cha để lại, đã là một quốc gia độc lập, thống nhất do nhân dân ta làm chủ
Thật là một kiểu lý luận quàng xiên, lừa mị, đánh tráo khái niệm đến mức lố bịch, chỉ nhằm đạt được mục đích: Tổ quốc phải gắn với thể chế chính trị, gắn với lực lượng cầm quyền.
Theo Từ điển Tiếng Việt 1992 của Viện Khoa học Xã hội Việt Nam, Tổ quốc là “Đất nước, được bao đời trước xây dựng và để lại, trong quan hệ với những người dân có tình cảm gắn bó với nó”.
Như vậy, Tổ quốc Việt Nam từ trước đến nay, và mãi mãi về sau là chỉ có một. Hơn nữa, Tổ quốc và quốc gia là hai khái niệm gần nhau chứ không đồng nhất. Nói Tổ quốc Việt Nam ngày nay đã là một quốc gia độc lập, thống nhất do nhân dân ta làm chủ” là đã cố tình đánh tráo khái niệm nhằm gài vào đó yếu tố chế độ chính trị và lực lượng cầm quyền.
 Bên cạnh đó, không thể nói một cách hồ đồ và hỗn láo rằng có Tổ quốc Việt Nam thời Lý, Tổ quốc Việt Nam thời Trần, Tổ quốc Việt Nam ngày nay… Các chế độ chính trị, các lực lượng cầm quyền chỉ là những miếng ghép bé nhỏ so với sự vĩ đại và thiêng liêng của khái niệm Tổ quốc. Những chế độ chính trị hay lực lượng cầm quyền nào gắn bó với Tổ quốc, coi Tổ quốc là trên hết, coi lợi ích của dân tộc và của nhân dân trên lợi ích của giới cầm quyền thì sẽ được lịch sử trân trọng và ngợi ca. Bằng như ngược lại, chỉ có thể nói về chế độ chính trị và lực lượng cầm quyền đó là của lũ người như Lê Chiêu Thống, Trần Ích Tắc … bị đời đời nguyền rủa mà thôi. Hà cớ gì cặp tác giả Bắc Hà – An Huy lại láo xược đòi hỏi “Tổ quốc phải gắn với chế độ xã hội, phải gắn với lực lượng cầm quyền” ?
Cặp tác giả này đưa cái gọi là "chủ thể sở hữu" ra để ví von rất kệch cỡm và trịch thượng: “Tương tự như vậy, nói đến Tổ quốc mà không nói đến chế độ xã hội, không nói đến lực lượng cầm quyền chẳng khác nào nói về sở hữu mà không nói đến chủ thể sở hữu là ai.” Ở đây, phải nói thẳng với cặp tác giả này rằng: cái kiểu ví von cùng những cái “chẳng khác nào” của quí vị là vô cùng phản cảm, đến mức “không thể nào ngửi được”.   
Đã thế, cặp tác giả BH-AH lại còn hỗn hào trích dẫn từ những áng hùng văn của Lý Thường Kiệt và Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn để minh chứng cho những ý niệm bệnh hoạn có chủ đích về Tổ quốc: Thời Lý, Tổ quốc ta là nơi “Vua Nam ở” (Nam quốc sơn hà, Nam đế cư - Thơ Thần - Lý Thường Kiệt); Thời Trần, Tổ quốc trước hết là “thái ấp”, Nhà Trần là “xã tắc tổ tông” (Hịch tướng sĩ của Trần Hưng Đạo)…
Trong Hịch Tướng sĩ, chỉ có một đoạn nói về thái ấp và xã tắc tổ tông: “Chẳng những thái ấp của ta không còn mà bổng lộc các ngươi cũng thuộc về tay kẻ khác; chẳng những gia quyến của ta bị đuổi mà vợ con các ngươi cũng bị kẻ khác bắt đi; chẳng những xã tắc tổ tông ta bị kẻ khác giày xéo mà phần mộ cha ông các ngươi cũng bị kẻ khác bới đào”.
Cũng theo Từ điển Tiếng Việt nói trên: “Thái ấp là phần ruộng đất của quan lại, quí tộc hay phong thần được nhà vua phong cấp”, còn  “xã tắc tổ tông là đất nước, nhà nước”. Trong ngữ cảnh của Hịch Tướng sĩ thì xã tắc tổ tông chính là đất nước.
Ấy thế mà cặp tác giả này lại nhơn nhơn, coi trời bằng vung khi viết rằng: Tổ quốc trước hết là thái ấp, còn nhà Trần là xã tắc tổ tông ! Coi Tổ quốc chỉ là đám ruộng đất của quan lại quí tộc, còn gì hỗn hào hơn ? Hỗn với tiền nhân, hỗn với Đức Thánh Trần Hưng Đạo, và hơn hết hỗn là với Tổ quốc Việt Nam. Chỉ có những kẻ tâm thần mới có thể viết ra những câu dị hợm, quái đản như vậy mà thôi !
Cứ theo cái tư duy bệnh hoạn nói trên, sẽ không lạ khi một ngày nào đó, cặp tác giả nói trên sẽ tung ra một định nghĩa mới: Tổ quốc trước hết là cái sổ hưu !
Người đọc dễ dàng nhận ra ý đồ của bài viết là: không được nói trống không “Tổ quốc Việt Nam”, mà phải nói rằng “Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa”.
Các văn kiện cũng như các giáo trình chính trị đều thừa nhận nước ta đang ở trong chặng đường đầu tiên của thời kỳ quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội. Mới đây, mình hỏi một ông thầy dạy chính trị kỳ cựu rằng: Bao giờ nước ta kết thúc chặng đường đầu tiên? Khi nào nước ta sẽ hoàn tất thời kỳ quá độ ? Ông này lí nhí trả lời: Tao cũng chẳng biết nữa, mày hỏi vậy tao biết nói sao !
Cặp tác giả này đã cố đem một khái niệm, một tính chất mơ hồ, không rõ ràng và không hiện thực (vì chưa có, và cũng chẳng biết bao giờ mới có) để gắn vào làm cái đuôi cho Tổ quốc Việt Nam, thật là nực cười.
Nực cười giống hệt như bắt buộc công dân Pháp phải gọi Tổ quốc  là Tổ quốc Pháp tư bản chủ nghĩa, bắt công dân Nhật Bản phải gọi Tổ quốc là Tổ quốc Nhật Bản phong kiến chủ nghĩa, rồi thì bắt công dân ở những xứ độc tài như Bắc Triều Tiên phải gọi Tổ quốc là Tổ quốc Bắc Triều Tiên độc tài chủ nghĩa …!
Cứ đem công thức này áp dụng cho mọi nước trên thế gian thì chắc là phải cười đến vỡ bụng mất thôi.
Với mình, chỉ có một Tổ quốc thân yêu vô vàn, một và chỉ một mà thôi. Đó là nơi kết tinh của quá khứ, hiện tại và tương lai, của tình cảm và lý trí, của sự thiêng liêng và sự vĩ đại . Mình xin được gọi là: TỔ QUỐC VIỆT NAM !


Thứ Bảy, 13 tháng 4, 2013

NHỮNG DIỄN BIẾN LẠ LÙNG VỀ GÓP Ý HIẾN PHÁP


Liên tiếp trong hai ngày 11 và 12-4-2013, thông tin về việc góp ý Hiến pháp của Chính phủ và Mặt trận Tổ quốc được công bố một cách dè dặt bởi hai tờ báo là Pháp luật TP HCM và VietnamNet. Có thể nói đã có những diễn biến mới lạ xung quanh chuyện này.
 Chính phủ cho rằng quyền lập hiến là thể hiện cao nhất chủ quyền  nhân dân, gồm quyền sáng kiến lập hiến, quyền tham gia góp ý trong quá trình dự thảo HP và cuối cùng là quyền biểu quyết thông qua trưng cầu dân ý (ở đây).
MTTQ cũng cho rằng quyền lập hiến thuộc về nhân dân, và kiến nghị HP sau khi được Quốc hội thông qua phải được trưng cầu dân ý trước khi có hiệu lực. MTTQ còn có ý kiến động trời là kiến nghị công nhận sở hữu tư nhân hạn chế về đất đai bên cạnh sở hữu toàn dân  (ở đây).
Không thấy có các báo nhớn đã từng tham gia rầm rộ nhiệt tình trong đợt góp ý vừa qua như Nhân Dân, Quân đội Nhân dân, VOV, VTV… lên tiếng gì về hai kiến nghị mới lạ này. Đã thế, hàng tuần nay, mấy tờ báo nhớn này cũng chẳng có một bài mới nào nói về góp ý HP cho khí thế rôm rả, mà toàn bài cũ xì mười mấy ngày trước.
Các vị tướng lĩnh, giáo sư, phó giáo sư tiến sĩ chuyên về ní nuận, chính nuận chống diễn biến hòa bình cũng im lặng một cách vô cùng khó hiểu.
Sự im lặng của các báo nhớn và của các nhà ní nuận kinh điển đã khiến cho cho tâm trạng của dư luận viên là tôi rối bời và hoang mang cao độ.
Phải chăng, việc góp ý HP đang có một bước ngoặt không như mong đợi ban đầu?
Gì chứ cái khoản “trưng cầu dân ý” ở nước ta là một khái niệm hoàn toàn xa lạ. Có thể ở những xứ sở của bọn tư bản giãy chết, trưng cầu dân ý là chuyện bình thường, vì tuy là giãy chết nhưng chúng nó lại có vẻ văn minh. Người dân xứ giãy chết coi trưng cầu dân ý như là không khí hít thở hàng ngày. Bởi vậy mà các chính phủ tư bản cứ phải từ chức, giải tán…, không hề có lấy một chút cái gọi là ổn định chính trị.
Còn ở ta, người dân quanh năm làm lụng kiếm chẳng đủ ăn, không màng tới chính trị chính em, nghe nói trưng cầu dân ý là lọng cọng, luống cuống, thậm chí sợ hãi. Theo thống kê của các cơ quan chức năng, đại đa số nhân dân đã đồng tình với bản dự thảo HP trong đợt góp ý tốn hàng mấy trăm tỉ vừa rồi. Thế thì cần gì phải trưng cầu dân ý chó nó lôi thôi, thêm rách việc và tốn kém.
Ấy là chưa kể trưng cầu dân ý có thể gây tác hại đến nhiều vấn đề khác, làm xáo trộn, rối loạn xã hội và cũng có thể bị các thế lực thù địch lợi dụng chống phá.
Nói túm lại chỗ lày, hãy cứ để bầy cừu ngoan ngoãn cúi đầu gặm cỏ. Tạo điều kiện cho chúng nó ngẩng đầu nghe ngóng rồi kêu be be be, phỏng có ích gì ?
Nói về sở hữu đất đai, ngoài hình thức duy nhất là sở hữu toàn dân- là hình thức đã chứng minh  tình hiệu quả và ưu việt trong suốt các thời kỳ vừa qua, có nên cho tồn tại hình thức sở hữu khác ?
Sở hữu toàn dân bấy lâu đã là lá chắn, là điểm tựa, là bệ phóng cho biết bao nhiêu cán bộ chúng ta đổi đời, từ chỗ ở đợ, làm thuê cuốc mướn, thì nay giàu có, vợ đẹp con khôn, đất đai biệt thự mênh mông, xe xịn gái gú không bao giờ thiếu…
Rõ ràng là cái kiến nghị nửa mùa công nhận sở hữu tư nhân hạn chế là hoàn toàn không phù hợp với tiến trình đi lên của tầng lớp cán bộ của chúng ta. Mà làm sao có thể định lượng nổi hạn chế là hạn chế bao nhiêu? Một mét vuông cũng là hạn chế, mà 49% quĩ đất cũng là hạn chế, vậy thì hạn chế là hạn chế thế lào ?
Với góc nhìn và phẩm chất trung thành cao độ của một dư luận viên, tôi cực lực phản đối những kiến nghị nói trên.
Việc các tờ báo nhớn im thin thít trong vụ này làm cho tôi và các đồng đội dư luận viên cực kỳ bức xúc.
Chưa bao giờ chúng tôi cảm thấy cô độc, cô đơn và trống vắng như lúc này.
Nhân việc này, tôi và một số anh em đang có suy nghĩ về việc xin nghỉ công tác dư luận viên. Lương bổng thì không cao, còn bị nhân dân chửi như chửi chó. Nếu chúng tôi lười biếng thì đã đi một nhẽ. Đằng này, chúng tôi vẫn chém gió liên tục, phản ứng nhanh liền tắp lự, vẫn bấm nút lia lịa. Ấy thế mà ...
Đã vậy, hai tháng nay vẫn chửa có lương, buộc tôi hàng ngày phải xin tiền vợ để đổ xăng và xin thằng con trai chút đỉnh uống cà phê.
Có lẽ phải vĩnh biệt thân phận CM để chuyển sang thân phận con cừu, cho nó lành. Cái câu “Hãy cứu mình trước khi trời cứu” của cái ông lào đó, sao mà nghe có ní thế không biết.
 
Dư luận viên VO VĂN VE.

Thứ Ba, 9 tháng 4, 2013

DIỄN CA VỤ ÁN ĐẦM VƯƠN


 Kính tặng anh Đoàn Văn Vươn, cùng mọi người của Đoàn Gia, chút chân tình đạm bạc của Lão Nông

Trả áo lính chàng về quê gốc
Rồi theo đòi tu học canh nông
Nào mong quan nghiệp hanh thông
Mà duyên gắn bó ruộng đồng bấy lâu

Thứ Hai, 8 tháng 4, 2013

ĐOÀN NGUYÊN ĐỨC VÀ CÂU CHUYỆN “CÓ HỌC”

Hẳn là GS Ngô Bảo Châu sẽ chau mày khi nghe ông Đoàn Nguyên Đức đưa tên mình ra để ví von trong câu chuyện ý kiến của TS Alan Phan về thị trường bất động sản.
Trong bài báo GDVN, ông Đức đã “bắn liên thanh” hết sức hoành tráng, tự tin, và tỏ ra hiểu biết hơn người:
Alan Phan là ai? Trong lịch sử, ông ấy đã làm gì cho đất nước Việt Nam? Đối với thị trường BĐS, ông Alan Phan có dự án nào ở VN không? Câu trả lời là “không có”. Một người không biết gì mà lại đi khuyên những người biết gì, giống như một người không biết đá banh mà lại nói chuyện đá banh hoặc chẳng khác nào một cậu sinh viên lại “lên mặt” dạy toán cho GS Ngô Bảo Châu.”
Ông Đức giống như một vị giám khảo khó tính và khó chịu, tự cho mình là đại diện xứng đáng cho đất nước Việt Nam anh dũng mà gian lao này, truy hỏi đến cùng một trí thức Việt kiều. “Ông đã làm gì cho đất nước Việt Nam”, theo ông Đức,  dường như là điều bắt buộc phải làm rõ trước khi ai đó có ý kiến nhận xét về bất kỳ chuyện gì ở Việt Nam.
Đối với thị trường BDS, ông Alan Phan có dự án nào không? Câu trả lời là: không có”. Giám khảo Đoàn Nguyên Đức tiếp tục đặt câu hỏi một cách nghiêm khắc, và rồi tự trả lời tỉnh rụi: không có! Ai cũng thấy hiển nhiên là TS Alan Phan không có dự án BĐS ở VN. Nếu có thì TS Alan Phan đã là người cùng hội cùng thuyền với ông Đức rồi, và chắc cũng đang mỏi mắt  trông chờ gói 30.000 tỉ của Nhà nước mà ông Đức khăng khăng không phải là “giải cứu”. Té ra ông Đức cũng giỏi ngón dùng “mỹ từ kế” để lừa mị người dân ra phết. Nhà nước bơm tiền, nói rằng hỗ trợ người thu nhập thấp có thêm tiền để mua nhà chứ không giao tiền cho doanh nghiệp BĐS, vậy thỉ đâu có phải là giải cứu? Hay nhỉ ! Nhà nước cho người dân vay tiền (chắc chắn là chẳng cho không bao giờ , nhất là vào lúc kinh tế khó khăn dồn dập như hiện nay) để mua nhà, thị trường BĐS sẽ tan băng đôi chút, một lượng tiền nào đó sẽ được lưu chuyển, và sẽ lại chảy vào túi các doanh nghiệp BĐS đang khát khô bỏng cháy. Từ chết lâm sàng, sức khỏe thị trường BĐS có chút tiến triển (chút chút thôi nhé) và chuyển qua hấp hối, không “giải cứu” thì là cái gì?
Một người không biết gì mà lại đi khuyên những người biết gì” là câu mang tính đánh đố của ông bầu Đức. Chẳng ai hiểu nổi ông Đức muốn nói “những người biết gì” là những người nào, và vì sao lại gọi họ là “những người biết gì”. Trong tiếng Việt, “biết gì” chưa bao giờ là một tính chất, một thuộc tính để chỉ một người hoặc một nhóm người. Người ta chỉ có thể nói: những người thông thái, những người lịch sự, những người có học, những người tham ăn, chứ nếu nói bừa như ông Đức thì lần đầu tiên mình mới nghe thấy. Hay là ông Đức muốn ám chỉ “những người biết gì” là “lũ người quỉ ám”?
Ông Đức ví von việc TS Alan Phan có ý kiến về thị trường BĐS “chẳng khác nào một cậu sinh viên lại lên mặt dạy toán cho GS Ngô Bảo Châu”.  Ái chà, ghê thế kia đấy! Ông Đức tự cho mình giống như GS Ngô Bảo Châu đang phải nghe những lời giảng toán của một cậu sinh viên là TS Alan Phan. Choáng ghê gớm!
Như đã nói ở trên, mình tin là GS Ngô Bảo Châu sẽ chau mày không hài lòng khi nghe ông Đức dùng tên tuổi của GS để ví von bạt mạng như thế. Hơn nữa, ngành Toán có đến hàng mấy trăm chuyên ngành hẹp, mà các nhà toán học nổi tiếng thường chỉ  đủ thời gian nghiên cứu cùng lắm 3 hoặc 4 chuyên ngành mà thôi. Cũng đều là những GS toán, nhiều khi ông này không hiểu gì về chuyên môn của ông kia. Nếu GS Ngô Bảo Châu có tình cờ “được” một cậu sinh viên toán nói /"giảng" về một hướng nghiên cứu mới lạ nào đó của mình thì có lẽ GS sẽ chăm chú lắng nghe và động viên khích lệ mà thôi. Chuyện cũng bình thường, chứ đâu có gì mà phải ầm ĩ. Câu ví von kệch cỡm này cho thấy ông Đức rất "uyên bác" về toán học.
Nhưng choáng nhất là đoạn mở đầu của bài báo, khi ông Đức cho rằng TS Alan Phan là “cực kỳ thiếu văn hóa”. Ông Đức nói thêm: “Chúng ta là những người có học, sao lại nói như thế!
Đang tranh luận về những vấn đề kinh doanh, thị trường, tài chính, bỗng đùng một cái, ông Đức quay sang bỏ bom, chỉ trích người khác là “cực kỳ thiếu văn hóa”, một vấn đề thuộc phạm trù nhân cách mà chẳng có lấy một dòng minh chứng. “Thiếu văn hóa” đã là ghê gớm lắm rồi, ấy thế dường như chưa đủ đô nên ông Đức phải nhấn cho nó mạnh là “cực ký thiếu văn hóa”. Nói như nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên, đây là kiểu chơi xấu, bỏ bóng đá người, không đàng hoàng, không minh bạch.
Có lẽ với ông Đức, đây mới thực sự là kiểu chơi “cực kỳ có văn hóa”?

Trong phần cuối bài, mình cảm thấy ghê ghê khi nghe ông Đức phán rằng: “Dư luận không nên đề cập quá sâu hoặc cuốn vào những lời nói của ông Alan Phan bởi nó chỉ làm rối thị trường, rối xã hội hoặc có động cơ xấu ẩn chứa phía sau”.
Cùng một lúc, ông Đức đóng ba vai trong vở diễn: nhà kinh doanh, sĩ quan an ninh và một dư luận viên cao cấp.
“Động cơ xấu ẩn chứa phía sau” ư? Không có gì dễ bằng, và và dễ gây tai họa cho bằng cái lối vu cáo, chụp mũ mà nhiều kẻ lâu nay vẫn dùng để hãm hại người khác.

 Bài báo cho thấy sự hung hăng, hùng hổ, hiếu thắng,  và cả sự hoảng hốt của một người được gọi là đại gia. Có thể ông Đức có rất nhiều tiền, nhưng dường như ông đã quên một điều sơ đẳng: tiền của ông có thể còn, có thể mất, nhưng giá trị nguồn tri thức trong những bài giảng, bài báo, những cuốn sách  của TS Alan Phan và của nhiều nhà trí thức khác sẽ được nhiều thế hệ coi là kho báu.
 .
Tạm chấp nhận lời tự bạch của ông Đức: “Chúng ta là những người có học”. Chỉ có đề nghị nho nhỏ rằng, ông hãy mau chóng tìm đến thăm nhà một người bạn học nào đó của ông, càng sớm càng tốt. Được bạn học thừa nhận thì mới chúng tỏ được rằng có đi học. Có đi học rồi mới tính sang chuyện có học, ông Đức ạ !


Thứ Sáu, 5 tháng 4, 2013

HÓA RA GIA ĐÌNH ÔNG ĐOÀN VĂN VƯƠN PHẢI MANG ƠN ĐÁM NGƯỜI ĐI CƯỠNG CHẾ TRÁI LUẬT ?


Đồng loạt báo chí đăng tin ông Đòan Văn Vươn bị HĐXX tuyên án 5 năm tù, dưới khung hình phạt  của tội danh giết người, với lý do “tình tiết giảm nhẹ”.

Ngày 10/2/2012, Thủ tướng Chính phủ kết luận các quyết định thu hồi, cưỡng chế 19,3 ha đầm tôm của gia đình ông Đoàn Văn Vươn là trái luật.

Bản tin VnExpress chiều nay nói: Cho rằng năng lực quản lý đất đai của một số cán bộ địa phương còn hạn chế khiến việc thu hồi đất có sai trái, chiều 5/4. TAND Hải Phòng giảm nhẹ hình phạt cho ông Đoàn Văn Vươn và 5 bị cáo tham gia chống đoàn cưỡng chế”.

Còn theo VietnamNet, HDXX khẳng định đoàn công tác (tức người bị hại trong vụ án) có đủ điều kiện để khẳng định là những người thi hành công vụ. Một khẳng định hết sức run rẩy !

Nói theo Thủ tướng, vụ cưỡng chế này là trái luật. Còn dân dã thì cũng nói theo kiểu dân dã: cưỡng chế trái luật là nhân danh công vụ để cướp đất.
Đã đi cướp lại còn được gán cho bao nhiêu mỹ từ: năng lực quản lý đất đai hạn chế, là những người thi hành công vụ…

Cười ra nước mắt ! Không thể nói hết sự trắng trợn, sự khôi hài đến mức lố bịch, sự đắng cay chua xót cho thân phận những người nông dân khốn khổ.

Gia đình ông Đoàn Văn Vươn được hưởng tình tiết giảm nhẹ, không phải do gia đình ông là gia đình thương bình liệt sĩ, hoặc gia đình có công với cách mạng.

Hài hước thay, gia đình ông Đoàn Văn Vươn được hưởng tình tiết giảm nhẹ vì cái đám người đi cướp đất còn bị hạn chế về năng lực quản lý đất đai. Và hóa ra là gia đình ông Đoàn Văn Vươn lại phải mang ơn bọn chúng?

Lẽ nào như thế ?
Mang ơn bọn cướp ư?

Không bao giờ, bác Đoàn Văn Vươn ạ !


THƯ CỦA TS TÔ VĂN TRƯỜNG NÓI VÊ VỤ ĐOÀN VĂN VƯƠN

Thư của TS Tô Văn Trường:
Dear All 
Tôi hỏi trực tiếp một vị quan chức lãnh đạo cấp cao ở Hải Phòng về vai trò của Anh Bá Thanh Trưởng ban nội chính TW, được trả lời vụ án này rất quan trọng, trực tiếp Bộ chính trị chỉ đạo xử lý.
Một đồng nghiệp đang làm việc ở Hải Phòng đã từng nhiều lần đến câu cá ở đầm của Anh Đoàn Văn Vươn nhận xét nguyên văn như sau :
"Đoàn Văn Vươn đúng là nhân vật kỳ tài của đất cảng. Chính quyền phá ủi ngôi nhà của Anh Vươn để phi tang các vết đạn. Nếu tôi bị dồn đến bước đường cùng như thế còn chống đối quyết liệt hơn không phải chỉ có súng hoa cải " vv...
Tô Văn Trường 
 
 
 
Theo blog Tễu

Thứ Năm, 4 tháng 4, 2013

Ba mươi năm "Chỉ thị Z30"- MỘT CHỈ THỊ BÍ HIỂM

 

30 năm trước, tháng 6 năm 1983, một vụ sai phạm nghiêm trọng mang tên “chỉ thị Z30” gây nhiều chuyện bi thảm cho một số gia đình có nhà cao tầng ở Hà Nội, đe dọa lan rộng sang các tỉnh thành khác, đã được chặn đứng. 
Z30 là một “chỉ thị” vô cùng bí hiểm. Bí hiểm từ hình thức ban hành đến nội dung chỉ thị: truyền miệng chứ không có văn bản nên không rõ nội dung chính xác đến đâu. Bí hiểm từ nguồn “phát hành” (không biết tác giả thực cự của chỉ thị Z30 là cơ quan nào) đến “người” chỉ đạo, đôn đốc, điều hành thực hiện. Cuối cùng, sai phạm nghiêm trọng do cái chỉ thị bí hiểm này gây ra, tuy rất may là đã được chặn lại, nhưng “trách nhiệm” thuộc về ai, tổ chức nào, thì không có “địa chỉ”! 
Sau 30 năm, bây giờ thử cùng điểm lại một số diễn biến của vụ việc:
Theo ông nguyên chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An (qua lời kể của nhà báo Bùi Hoàng Tám đăng trên báo Pháp luật TP HCM đầu tháng 3/2008), “… một buổi chiều, ông An (lúc ấy đang làm bí thư tỉnh ủy Hà Nam Ninh) nhận được công văn từ Công an thành phố Nam Định gửi sang trình bí thư tỉnh ủy duyệt phương án kiểm tra hành chính và tịch thu tài sản bất minh. Kèm theo công văn là một bản danh sách gồm hơn 200 gia đình nằm trong diện phải ra quyết định tịch thu tài sản. Tiêu chí để lập danh sách là những đối tượng có nhà từ hai tầng trở lên và được xếp thứ tự ABC”. Bùi Hoàng Tám kể tiếp: “Mới nhìn qua bản danh sách, Bí thư tỉnh ủy Nguyễn Văn An tái mặt”. Ông Nguyễn Văn An tâm sự: “… rất hoang mang không biết xử trí thế nào cho phải. Nếu không ký quyết định triển khai thì biết đâu lại làm trái ý chỉ đạo của trên mà ký thì không có cơ sở pháp luật.”. Sáng sớm hôm sau, ông An lên Hà Nội “ nghe ngóng”, ông kể: “Ông định vào thẳng Văn phòng Trung ương Đảng để hỏi cho ra nhẽ nhưng lại thôi vì nghĩ mình là cán bộ trẻ, mới nhậm chức chưa lâu nên cũng có phần rụt rè, e ngại” (http://bhoangtam.vnweblogs.com/).
Ông Đoàn Duy Thành (nguyên bí thư thành ủy Hải Phòng) nói: “Hồi đó nghe cấp dưới trình bày, lãnh đạo nhiều tỉnh, thành cũng phân vân nhưng là phân vân thế thôi chứ không ông nào dám lên gặp lãnh đạo trung ương hỏi cho ra nhẽ. Thế nên cứ tỉnh này gọi điện thoại dò hỏi tỉnh kia. Ông Thành nhớ là vào tháng 3, tháng 4 gì đó, ông nhận được cuộc điện thoại từ TP.HCM của ông Bảy Dự (Nguyễn Võ Danh) - Phó Bí thư Thành ủy hỏi là “Hải Phòng có làm không?”. Sau đó thì ông Mười Cúc (nguyên Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, lúc đó là Bí thư Thành ủy TP.HCM) cũng không cho TP.HCM làm,” (báo đã dẫn, kì 3).
Hôm sau, ông An cùng ông chủ tịch tỉnh đã bí mật ra Hải Phòng tìm hiểu xem ngoài đó thực hiện thế nào. Nguyên bí thư Hải Phòng kể lại (báo đã dẫn, tác giả Phan Lợi và Lê Kiên): “Lúc đó, tôi phân tích rất kỹ rồi nói với anh An rằng: “Tôi biết chú ra đây hỏi chuyện tôi là chú cũng có ý định không thực hiện nên anh em mình phải quyết tâm, cho dù có mất chức bí thư, mất vị trí ủy viên Trung ương thì tôi cũng không thực hiện “Z30”.”. Ông Đoàn Duy Thành còn kể với hai tác giả nói trên rằng: “Trước hội nghị Trung ương, báo Đảng đăng sáu bài phê phán các tỉnh không thực hiện “Z30” thì một bài phê phán Bắc Giang, năm bài còn lại phê Hải Phòng. Ông Thành gặp tổng biên tập nói thẳng là báo có đăng một trăm bài thì cứ đăng nhưng không có chỉ thị thì Hải Phòng vẫn không thực hiện”.
Quyết tâm không thực hiện chỉ thị Z30 của ông bí thư Hải Phòng còn thể hiện qua tâm sự của ông với bà vợ: “Bữa đó về đến nhà đã đúng nửa đêm. Tôi trằn trọc không ngủ được, đem chuyện kể hết với nhà tôi. Nhà tôi nói: “Anh định đương đầu đến bao giờ?”. Tôi trả lời: “Tôi sẽ đương đầu đến khi còn cái đầu này”. Trước đó, ông Thành sau khi động viên ông An cùng ông quyết không thực hiện chỉ thị Z30, còn nói trước cho ông An biết: “Đến tháng 6 họp hội nghị Trung ương, tôi sẽ phát biểu về vấn đề này”. Và ông Đoàn Duy Thành đã làm đúng như ông đã tự hứa. 
Với tiêu đề “Độc thoại” ở hội nghị Trung ương, hai nhà báo Phan Lợi và Lê Kiên đã viết trên báo Pháp luật Tp. HCM: “Bữa sáng khai mạc hội nghị Trung ương, Phó Thủ tướng Phạm Hùng điều khiển phiên họp. Bao nhiêu trăn trở, suy tư bấy lâu, nay có điều kiện lên tiếng giãi bày trước các đồng chí trong Ban Chấp hành Trung ương, ông Thành đã nói một mạch hai tiếng đồng hồ.
Ông nhớ lại: “Anh Phạm Hùng chỉ định tôi phát biểu đầu tiên. Tôi chỉ dành 15 phút đầu để nói về kế hoạch sáu tháng cuối năm. Sau đó, tôi nói rằng bây giờ tôi phải đề cập ngay đến vấn đề đang sôi nổi và bức xúc của xã hội, đặc biệt là Hải Phòng, là chuyện Z30.
Trong lúc phát biểu, tôi kể tường tận sự việc tôi được chứng kiến tại ba gia đình bị tịch thu ở Hà Nội, họ than khóc thế nào, ai oán ra sao... Sao lại làm thế được? Sao anh không chứng minh được tài sản người ta là bất minh mà vẫn vô cớ tịch thu? Sao anh không giải thích rõ ràng lý do tịch thu đó? Tôi nói thẳng rằng làm như thế là trái đạo lý, làm mất nhân tâm, cản đường xây dựng, phát triển, trái với cả tư tưởng kinh tế của Mác...”.
Nói đến đây, ông Thành trầm ngâm, nhấp một ngụm nước rồi tiếp lời: “Tôi phải nói căng như thế vì hội nghị Trung ương là cơ hội duy nhất. Nếu ở hội nghị Trung ương mà không ngăn được thì coi như muộn mất rồi, người dân sẽ phải gánh chịu một trận “bão táp” mới mà hậu quả chắc chắn là hết sức nặng nề. Tôi nói xong, anh Phạm Hùng đứng bật lên, nói: “Sáng tạo, rất sáng tạo, tôi ủng hộ anh Thành.”.
Ông Đoàn Duy Thành kể tiếp: “không khí hội trường im bặt. Tổng Bí thư Lê Duẩn đứng lên, chậm rãi nói: “Còn đồng chí nào phát biểu nữa không? Còn đồng chí nào nói đạo lý hơn đồng chí Thành nữa thì cứ phát biểu”. Sau gợi ý của Tổng Bí thư, ông Quất (Bí thư Bắc Giang), rồi đến một đồng chí ủy viên Trung ương phía Nam đứng lên nói ngắn gọn, bày tỏ sự ủng hộ đối với ý kiến của tôi”. “Khó hiểu nhất là không có ai đứng lên bảo vệ “Z30”, thành ra ý kiến phản đối trở thành “độc thoại” một chiều” - ông Thành trầm ngâm. Rồi ông kể tiếp: “Lúc anh Ba Duẩn nói xong, tôi nghĩ bụng “Thế là ổng đã ủng hộ mình rồi!”. Tôi rỉ tai anh Nguyễn Văn Linh (nguyên Tổng Bí thư, lúc ấy là Bí thư Thành ủy TP.HCM): “Anh phát biểu đi để góp thêm tiếng nói mạnh mẽ, Nam bộ cũng phản đối “Z30” mà. Anh Linh bảo: “Ông nói thế là đủ lắm rồi!”.”.
Ông Nguyễn Văn An cũng kể với nhà báo Bùi Hoàng Tám (blog đã dẫn): “Lần ấy, ông Thành đã nói liền 2 tiếng đồng hồ về những sai lầm của Chỉ thị Z30. Ông ấy cho rằng Chỉ thị Z30 là sai lầm, là trái pháp luật và phi đạo lý. Việc vô cớ tịch thu nhà cửa của người dân khi họ không vi phạm pháp luật, không bị pháp luật xử mà chỉ bằng một quyết định của chính quyền là xông vào đuổi người ta ra đường là vô lý... Thấy ông ấy càng phát biểu càng hăng, tôi cũng thoáng lo lo. Nhất là những lúc ông ấy thống thiết nói rằng đã trực tiếp xem tịch thu 3 căn nhà ở Hà Nội. Ông ấy tả thảm thiết lắm. Khi đội công tác đẩy họ lên xe chở đi, họ kêu khóc, họ đội khăn tang. Rồi ông ấy đặt câu hỏi: Chúng ta làm cách mạng để làm gì? Người Cộng sản là phải hy sinh suốt đời vì nhân dân, đem lại hạnh phúc cho nhân dân. Những việc chúng ta làm như thế này là trái đạo lý, là vi phạm pháp luật. Ông ấy còn kể thời ông ấy làm Bí thư Quận uỷ Ngô Quyền, đã nói với người dân rằng khi kháng chiến thắng lợi, bà con sẽ hết cảnh nghèo khổ, không còn phải chui rúc trong cái nhà tranh, vách đất, dột nát quanh năm mà sẽ ở nhà xây to đẹp, họ đã vỗ tay hoan hô không ngớt mà giờ đây, hơn 30 năm sau khi thắng Pháp, chúng ta không có tiền xây nhà cho dân, nay dân xây, ta lại tịch thu thử hỏi còn đâu là đạo lý”. Nhà báo Bùi Hoàng Tám hỏi Ông Nguyễn Văn An: “ Khi ông Thành nói thế, bác có lo không ?- Lo chứ. Chuyện này hệ trọng lắm, chỉ cần sơ xảy là hỏng cả một sự nghiệp chứ không đùa nên tôi luôn liếc nhìn sang chỗ Tổng bí thư Lê Duẩn và Phó Thủ tướng Phạm Hùng, thấy cả hai ông đều nghe rất chăm chú và có chiều đăm chiêu lắm. Nhất là đến đoạn ông Thành yêu cầu khi nào có ý kiến chính thức của Bộ Chính trị, Ban bí thư và Thủ tướng Chính phủ sẽ thi hành nghiêm túc còn điện thoại nhắc nhở "theo Hà Nội mà làm" để có phong trào thì ông ấy không làm và xin chịu trách nhiệm trước Đảng, trước nhân dân, tôi thấy Phó Thủ tướng Phạm Hùng hườm hườm vài cái, cười rồi nói: "Sáng tạo, rất sáng tạo. Tôi ủng hộ ý kiến của anh Thành".”.
“Như vậy là câu chuyện về “Z30” đã kết thúc một cách không trống, không kèn. Từ đó về sau này, không ai nhắc lại nữa, không nơi nào thực hiện, cũng không ai nói thêm gì nữa”. Báo Pháp luật Tp.HCM kết luận. 
Như vậy là đã 30 năm trời trôi qua, cái gọi là “chỉ thị Z30”, ra đời đầy bí hiểm, sau khi đã gây điêu đứng cho một số gia đình,
 đã kết thúc trong âm thầm và bí hiểm. MỘT VỤ SAI PHẠM NGHIÊM TRỌNG ĐÃ KHÔNG CÓ “ĐỊA CHỈ CHỊU TRÁCH NHIỆM”.

Thứ Tư, 3 tháng 4, 2013

VÌ SAO TRUY TỐ ĐOÀN VĂN VƯƠN TỘI GIẾT NGƯỜI

Theo Blog AnhBaSam

Nguyễn Quang A *
Dự kiến từ ngày 2-4 đến 5-4-2013 sẽ xử vụ Đoàn Văn Vươn. Ông và 3 người khác bị truy tố về tội giết người theo điều 93 Bộ luật Hình sự.
Về tội danh “giết người” này báo chí đã bàn luận sôi nổi ngay từ khi xảy ra vụ cưỡng chế thu hồi đất ngày 5-1-2012 đến nay (chính xác hơn từ khi khởi tố vụ án ngày 10-1-2012).
Theo Tuổi trẻ ngày 30-12-2012, ông Đinh Văn Quế nguyên chánh tòa hình sự Tòa án nhân dân tối cao cho rằng “khó xử ông Vươn tội giết người” bởi vì anh em ông Vươn chỉ bàn bạc lên kế hoạch chống cưỡng chế thu hồi đất chứ không phải để giết ai đó, như thế nhiều nhất “họ chỉ phạm tội với hình thức lỗi cố ý gián tiếp”, và trong trường hợp đó nhiều nhất họ chỉ bị truy tố về tội “gây thương tích” chứ không phải tội “giết người”. Đấy là ý kiến của một chuyên gia hàng đầu về án hình sự.
Không những thế, mìn tự chế bằng bình gas của anh em ông Vươn được đặt quanh nhà không thuộc diện tích bị cưỡng chế và lực lượng cưỡng chế đã phá rào để vào mà không thông báo, không xin phép là hành vi vi phạm chỗ ở của công dân. Như thế hành động của anh em ông Vươn có thể được coi là sự tự vệ chống lại những kẻ xâm lấn, chứ không phải chống lại những người thi hành công vụ.
Thế nhưng cơ quan Cảnh sát điều tra Hải Phòng đã khởi tố vụ án giết người và chống người thi hành công vụ.
Ngày 10-2-2012 Thủ tướng Chính phủ đã kết luận: việc thu hồi đất và cưỡng chế thu hồi đất của ông Vươn là sai; huyện Tiên Lãng huy động lực lượng quân đội tham gia cưỡng chế là không đúng; “để xảy ra việc này là rất đáng tiếc”. Thế nhưng Thủ tướng cũng yêu cầu lãnh đạo Hải Phòng phải “khẩn trương đưa vụ án “giết người và chống người thi hành công vụ” ra xét xử công khai, bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật”. Cái phần “khẩn trương” này của kết luận của Thủ tướng được ít người chú ý đến. Và đấy có lẽ là lý do vì sao tội danh “giết người” vẫn được duy trì.
Việc chỉ đạo, yêu cầu của nhiều lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam, của lãnh đạo các cơ quan hành pháp hoặc lập pháp đối với việc khởi tố, xét xử các vụ án là một chuyện được coi là “bình thường” ở Việt Nam. Đấy là một tập quán hết sức “không bình thường” trong một nhà nước pháp quyền mà chúng ta phấn đấu xây dựng.
Sự không độc lập của hệ thống tư pháp gây ra nhiều hậu quả tai họa. Nó phá hủy lòng tin vào hệ thống pháp luật. Nó mở đường cho sự lạm dụng quyền lực và tham nhũng. Nó là một “lỗi hệ thống” trầm trọng, cản trở sự phát triển của đất nước và vì thế cần sửa gấp.
Trong thảo luận góp góp ý cho việc sửa đổi hiến pháp cần phải làm rõ tính độc lập của ngành tư pháp để tránh những việc “rất đáng tiếc” như vụ thu hồi đất và cưỡng chế thu hồi đất ngày 5-1-2012 ở Tiên Lãng và rất rất nhiều vụ khác. Những người kiên trì chống sự độc lập của ngành tư pháp, rốt cuộc là những người gây bất ổn xã hội và cản trở sự phát triển của đất nước và như thế phải bị lên án.
N.Q.A.
* Bài viết cho một tờ báo của nhà nước mấy ngày trước, nhưng không được sử dụng và tác giả được trả lời là “lệnh của trên không cho viết về vụ Đoàn văn Vươn cho đến khi xử án xong”.