Chủ Nhật, 19 tháng 8, 2012

Bệnh nha chu và sức khỏe toàn thân


(Theo SKĐS) - Sách Guiness toàn cầu năm 2001 đã ghi nhận bệnh nha chu là bệnh phổ biến nhất của loài người, là nguyên nhân hàng đầu gây mất răng ở người trưởng thành.
Bệnh nha chu bao gồm viêm lợi và viêm nha chu là bệnh đa nguyên nhân do các yếu tố vi khuẩn, di truyền, tiểu đường và thuốc lá, biến chứng của bệnh là phá hủy các cấu trúc nâng đỡ răng và xương ổ răng.
Từ đầu thế kỷ 21, Tổ chức Y tế Thế giới cũng như nhiều cơ quan có thẩm quyền về sức khỏe răng miệng quốc gia chính thức kêu gọi cảnh giác về ảnh hưởng của tình trạng viêm nhiễm mô nha chu đối với một số bệnh hệ thống như bệnh tim mạch và bệnh mạch máu não làm tăng nguy cơ đột quỵ; bệnh đường hô hấp như viêm phổi, hen suyễn, bệnh phổi nghẽn tắc mạn tính và nguy cơ sinh non, nhẹ cân ở phụ nữ có thai.
Bệnh nha chu không chỉ dừng lại ở những tổn thương trong miệng mà còn ảnh hưởng và gây nên một số bệnh toàn thân. Vi khuẩn, phản ứng viêm và phản ứng miễn dịch trong bệnh nha chu có thể trực tiếp hay gián tiếp gây nên các rối loạn lưu thông máu, hình thành mảng xơ vữa, gây phản ứng viêm khởi phát hoặc thứ phát…, làm nặng thêm các bệnh toàn thân, phổ biến là bệnh tim mạch, tiểu đường, hô hấp và biến chứng trong thai kỳ.
 Đánh răng đúng cách là một biện pháp phòng bệnh nha chu.
Bệnh tim mạch
Đối với bệnh tim mạch, bệnh nha chu tham gia vào quá trình hình thành mảng xơ vữa, tăng nguy cơ tạo huyết khối dẫn đến nhồi máu cơ tim và tai biến mạch não.
Bệnh đái tháo đường

Một trong những mối quan tâm hàng đầu về ảnh hưởng của bệnh nha chu là các biến chứng trong thai kỳ, đặc biệt là tình trạng sinh non và sinh trẻ nhẹ cân. Các vi khuẩn trong mô nha chu có thể gây tình trạng vãng khuẩn huyết gây giảm lưu lượng tuần hoàn rau- thai nhi gây nên tình trạng trẻ nhẹ cân và kích thích co cơ tử cung gây sinh non.
Giữa bệnh đái tháo đường và bệnh nha chu có mối tương tác hai chiều. Bệnh nha chu dễ xảy ra và nặng hơn ở người bị bệnh tiểu đường và ngược lại tình trạng đường huyết khó kiểm soát hơn khi có bệnh nha chu tiến triển. Kiểm soát tốt bệnh nha chu trên bệnh nhân đái tháo đường là một phương pháp hiệu quả làm giảm các nguy cơ tai biến của bệnh đái tháo đường. Tình trạng bệnh nha chu nặng trên bệnh nhân trẻ tuổi cũng có thể là một biểu hiện gợi ý đến bệnh đái tháo đường.
Bệnh hô hấp
Viêm nhiễm mô nha chu có liên quan đến bệnh hô hấp đặc biệt là bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và viêm phổi, đặc biệt ở những bệnh nhân nằm viện lâu ngày, thở máy hoặc đặt nội khí quản do hít phải các vi khuẩn trong mô nha chu. Chế độ chăm sóc đặc biệt cho những bệnh nhân này được khuyến cáo bao gồm vệ sinh răng miệng nhằm hạn chế tối đa các biến chứng phổi do bệnh nha chu.
Các biến chứng trong thai kỳ
Một trong những mối quan tâm hàng đầu về ảnh hưởng của bệnh nha chu là các biến chứng trong thai kỳ, đặc biệt là tình trạng sinh non và sinh trẻ nhẹ cân. Các vi khuẩn trong mô nha chu có thể gây tình trạng vãng khuẩn huyết gây giảm lưu lượng tuần hoàn rau- thai nhi gây nên tình trạng trẻ nhẹ cân và kích thích co cơ tử cung gây sinh non. Do đó, chăm sóc răng miệng cho phụ nữ có thai là một trong những điều cần biết cho phụ nữ để sinh được những đứa con khỏe mạnh.
Những đối tượng có vấn đề răng miệng và bệnh toàn thân mạn tính chiếm một tỉ lệ rất đáng kể trong dân số. Để chăm sóc sức khỏe toàn diện cho những đối tượng này, cần nâng cao ý thức và hiểu biết về mối liên quan giữa bệnh răng miệng và bệnh toàn thân trong ngành Răng Hàm Mặt và ngành y, thực hiện những quy trình khám và điều trị toàn diện hơn và quan trọng nhất là phổ biến kiến thức đến công chúng để tự chăm sóc tốt sức khỏe răng miệng, đồng thời phòng ngừa và kiểm soát bệnh toàn thân hiệu quả hơn.
 BS.Lê Hồng Vân

Không có nhận xét nào: