Thứ Hai, 11 tháng 2, 2013

PHẢN ỨNG CỦA MỘT DƯ LUẬN VIÊN VỀ BÀI “NIỀM TIN” CỦA ÔNG HÀ ĐĂNG

 Đúng ngày Mùng 1 Tết, tình cờ tôi được đọc bài Niềm tin của ông Hà Đăng trên Tuần Việt Nam. Trong bài, thấy ông Hà Đăng “khoe” rằng ông đã 65 năm tuổi Đảng, đã từng dự Hội nghị Paris 1973. Có lẽ tác giả Hà Đăng chính là ông Hà Đăng – nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Trưởng ban Văn hóa tư tưởng Trung ương ?
Nhưng, cho dù ông Hà Đăng từng giữ chức vụ to như thế, trong một lĩnh vực rất thiêng liêng là mặt trận tư tưởng văn hóa, thì với tư cách là một dư luận viên, tôi vẫn buộc lòng phải đặt một dấu hỏi cực to về bài viết của ông: Ông viết bài này với mục đích gì?
Tiêu đề bài viết là Niềm tin. Trong bài viết, ông đã chia sẻ với độc giả về niềm tin của ông trong cuộc đời, nếu tôi không nhầm, là niềm tin vào Đảng. Ông khẳng định trong bài viết của mình: “tôi vẫn nghiệm ra rằng chỉ có giữ trọn niềm tin vào Đảng, hành động theo Đảng thì tự mình mới đứng vững được”.
Và để chứng minh cho luận điểm này, ông đã dẫn ra những câu thơ của Tố Hữu, những lời dặn dò của đồng chí Tô (Phạm Văn Đồng) khi ông được kết nạp Đảng năm 1947, câu Kiều mà anh Sáu Lê Đức Thọ đọc trong thời gian Hội nghị Paris 1973…
Ông tin vào Đảng? Ô kê, dư luận viên là tôi rất nhiệt liệt hoan nghênh ông. Tuổi Đảng của tôi chỉ mới được 4 năm, chưa bằng số lẻ của 65 năm tuổi Đảng của ông. Nhưng có lẽ ông không hiểu được rằng tôi đang có một niềm tin vào Đảng mãnh liệt như thế nào đâu. Nói không phải khoe: Trong giới trẻ bây giờ chẳng mấy ai được như tôi đâu ông ạ.
Và cũng chính vì điều ấy, chính vì niềm tin và tình cảm  vô cùng thiêng liêng ấy của tôi, tôi buộc lòng phải thưa với ông rằng trong bài viết của ông có hai chỗ cực kỳ nhạy cảm, nếu không muốn nói rằng đó là những tử huyệt vô cùng nguy hiểm. Cứ đọc đến hai chỗ này là bầu máu nóng trong con người tôi lại dâng lên ngùn ngụt. Bực quá, giận quá, căm thù quá !
Thôi thì để tôi lấy hơi thở, bình tĩnh trở lại để thưa với ông, hai chỗ ấy là hai chỗ như sau:
Thứ nhất, trong bài viết, không biết vô tình hay cố ý, ông đã tiết lộ một sự kiện vô cùng nhạy cảm: “Ngày 27-11-1972, sau những phiên họp mật kéo dài một tuần với Kissinger mà chưa ngã ngũ, nhân ngày nghỉ, cố vấn Lê Đức Thọ và Bộ trưởng Xuân Thủy sao thăm Đoàn miền Nam tại Verie lơ Buy xông”.
Vào thời điểm đó, hiệp định Paris chưa được ký kết. Chính quyền Sài gòn vẫn là kẻ thù của ta. Phái đoàn miền Nam ở đây là phái đoàn nào, Cộng hòa miền Nam Việt Nam hay là Việt Nam Cộng hòa? Sao ông không nói thẳng, viết thẳng cho nó rõ ràng ra, lại viết ỡm ờ hết sức nguy hiểm là “Đoàn miền Nam”?
Nhưng cái điều thứ nhất này cũng mới chỉ là tép riu, không bằng một phần trăm của cái điều thứ hai dưới đây.
Thứ hai, Ông mở đầu một cách rất hấp dẫn, lôi cuốn và cũng rất chi là gây hồi hộp. Ông cũng đã rất công phu trong phần mở đầu, đến nỗi nếu toàn bộ là 7 phần, trọng tâm  là 3 phần thì mở đầu cũng chiếm tới 3 phần, chỉ 1 phần là dành cho kết luận.
Bài viết của ông có thể khẳng định là viết về niềm tin của ông đối với Đảng. Nhưng thật oái oăm, ông lại lai dắt, lại ví dụ để mở đầu bằng “niềm tin của một tên trộm”.
Để tôi dẫn ra những câu ông viết để chứng minh cho ông nhá: “Mỗi khi anh ta (tức là tên trộm) trở về, Hasan đều hỏi: Có trộm được gì không?”, và anh ta đáp: “Hôm nay thì chưa, nhưng ngày mai tôi sẽ cố, có thế lắm chứ” Hasan chưa bao giờ thấy tên trộm ấy trong tình trạng tuyệt vọng, anh ta luôn hạnh phúc. Nhiều năm sau, có lúc Hasan rơi vào tình trạng tuyệt vọng, nghĩ rằng phải chấm dứt tất cả những điều vô nghĩa của cuộc sống. Nhưng sau đó, ông chợt nhớ đến tên trộm, kẻ hằng đêm vẫn quả quyết “Ngày mai tôi sẽ làm được, có thể lắm chứ”. Thông điệp Hasan nhận được từ tên trộm, nói đúng hơn, từ cuộc sống, mà ông rút ra thành triết lý sống là không được đánh mất niềm tin và đừng bao giờ tuyệt vọng”.
Ông viết như thế là có dụng ý, ẩn ý, hàm ý gì ? Ông định ám chỉ ai, ám chỉ điều gì, thưa ông Hà Đăng ? Thật tình tôi cho rằng chỉ có ông Trời mới biết ông có ý định ngầm ví von, so sánh điều gì đó hay không khi dùng niềm tin của một tên trộm để mở đầu cho bài viết vể chủ đề cực kỳ nghiêm túc và vô cùng thiêng liêng là niềm tin về Đảng ?
“Tên trộm luôn hạnh phúc” ư ? Nói thế chẳng khác nào chỉ cho lớp trẻ chúng tôi rằng muốn có hạnh phúc thì cứ việc đi … ăn trộm ?
Niềm tin của tên trộm ở đây là “ngày mai tôi sẽ làm được”, tức là sẽ tiếp tục ăn trộm của thiên hạ một cách thành công. Vậy mà ông dám gọi đó là “thông điệp từ cuộc sống”, rồi lại tôn nó thành “triết lý sống” ư ?
Ông đã mở đầu bài viết về niểm tin vào Đảng bằng niềm tin của một tên trộm . Đây chính là tử huyệt mà các thế lực thù địch rất dễ dàng sử dụng đề chống phá niềm tin chúng ta, ngay cả khi chúng ta chẳng có niềm tin vào bất cứ điều gì. Thật là vô cùng nguy hiểm, cực kỳ nguy hiểm !
Đã từng là Trưởng ban tư tưởng văn hóa trung ương, ông thừa hiều sức mạnh của ngôn ngữ có khi bằng cả đạo quân triệu người chứ? Và hẳn là ông có biết tới bài học nhãn tiền vừa giáng xuống đôi vai gầy và cái đầu xxx của Đại tá Phó Giáo sư Tiến sĩ Nhà giáo ưu tú Trưởng khoa Học viện Quân sự Trần Đăng Thanh ?
Với tinh thần trách nhiệm vô cùng cao cả, ý thức cảnh giác cách mạng hết sức cao độ, với tư cách là một dư luận viên gương mẫu, nhiệt tình, tôi yêu cầu ông Hà Đăng khẩn cấp hạ bài báo này xuống, đưa về làm kỷ niệm.
Và tôi cũng chân thành đề nghị ông hãy nghiêm túc soi lại bản thân mình với tinh thần phê và tự phê một cách thực sự cầu thị, xem đây là một bài học quí giá, cho dù người dạy cho ông bài học này chỉ là một dư luận viên trẻ tuổi chưa ai biết như tôi.
Mong ông bình tĩnh, bình thản, bình ổn và bình tâm !

Dư luận viên VO VĂN VE

3 nhận xét:

Nặc danh nói...

Ông nầy bịnh tâm thần rồi

Nặc danh nói...

Sao không đưa Hà Đăng đi trại tâm thần, mà lại đưa Lê Anh Hùng đi?

Nặc danh nói...

Sao ư? Bạn hỏi tôi, còn tôi biết hỏi ai? Hay cánh mình cùng nhau đi hỏi Đảng kính yêu?