Theo RFA
Những dấu hiệu khó
khăn của nền kinh tế Trung Quốc ngày càng rõ rệt hơn. Nhưng khi nền kinh tế
đứng hạng thứ nhì thế giới mà bị suy trầm, hoặc thậm chí hạ cánh nặng nề thì
kinh tế thế giới sẽ bị ảnh hưởng ra sao? Diễn đàn Kinh tế nêu câu hỏi với
chuyên gia Nguyễn-Xuân Nghĩa về kịch bản này.
Vũ Hoàng: Xin kính chào ông Nghĩa. Thưa ông, từ đã
lâu trên diễn đàn này, ông nói đến nhiều dự báo không lạc quan về tình hình
kinh tế Trung Quốc và nhắc tới những thử thách hay cơ hội cho các nền kinh tế
khác. Vừa qua, tập đoàn ngân hàng Société Générale của Pháp lại có một báo cáo công bố
tuần trước về kịch bản hạ cánh nặng nề của Trung Quốc với hậu quả bất lợi cho
kinh tế toàn cầu, thí dụ như nếu đà tăng trưởng kinh tế xứ này từ hơn 10% mà
giảm tới mức 2% thì tốc độ tăng trưởng của kinh tế thế giới sẽ mất 1,5 điểm
bách phân. Vì sao lại như vậy?
Nguyễn-Xuân
Nghĩa: Tôi
nghĩ điều đầu tiên mà chúng ta cần mường tượng ra về Trung Quốc thì phải thấy
được nhiều mâu thuẫn quan trọng. Trước hết, đấy là một quốc gia lớn mà lại rất
nghèo. Thứ hai, sau hơn ba chục năm tăng trưởng khá ngoạn mục, xứ này đang phải
đổi hướng vì những bất toàn trong mô hình phát triển
của họ. Thứ ba, vì hệ thống chính trị bên trong, xứ này khó chuyển hướng êm
thấm mà có thể sẽ gặp nhiều khó khăn, thậm chí rủi ro khủng hoảng và trong giả
thuyết ấy, thế giới sẽ lại bị hiệu ứng, cũng đáng ngại như vụ khủng hoảng tại
Mỹ năm 2008 hay của khối Euro năm 2010. Chúng ta sẽ lần lượt tìm
hiểu về những mâu thuẫn này.
Vũ Hoàng: Vâng thưa ông, đầu tiên thì tại sao Trung
Quốc có nền kinh tế đứng hạng nhì thế giới về sản lượng mà lại là một nước cực
nghèo?
Nguyễn-Xuân
Nghĩa: Trung Quốc là một nước lớn, có lãnh thổ
bằng diện tích của Hoa Kỳ mà là một lãnh thổ thiếu hai phương tiện sinh sống
căn bản cho con người là đất và nước. Diện tích khả canh của họ chỉ bằng một
phần ba của trung bình toàn cầu. Nếu tính theo đầu người của xứ này thì lượng
nước ngọt, từ sông hồ đến giếng sâu và nước mưa thì thuộc loại thấp nhất Á
Châu, và Á Châu thiếu nước nhất trong các lục địa của thế giới. về địa dư hình
thể thì lãnh thổ xứ này là một bao lơn hiểm trở khắc nghiệt vây quanh và nhìn
xuống vùng đất tương đối phì nhiêu hơn ở vùng duyên hải. Xưa nay, biển người từ
bao lơn ba phía đổ xuống vùng Trung Nguyên đã làm nên lịch sử hợp tan của Trung
Quốc.
Với thực tế ấy,
lần đầu tiên trong lịch sử, Trung Quốc có hơn 30 năm tăng trưởng từ 1979 đến
2009, trung bình là tăng 10% một năm. Từ một xứ có một tỷ 350 triệu người, đà
gia tăng ấy quả là đáng kể khiến cho xứ này có sản lượng kinh tế thứ nhì thế
giới sau Hoa Kỳ và trước Nhật Bản kể từ năm 2010. Nhưng sự thật thì Trung Quốc
vẫn là một nước cực nghèo. Theo thống kê của Bắc Kinh thì chỉ có 60 triệu dân
kiếm ra hơn hai vạn đô la một năm; 60 triệu người thì đông thật, mà vẫn chỉ là
thiểu số hơn 4% giữa một tỷ 350 triệu. Trong khi ấy, có khoảng 600 triệu người
không kiếm ra hai đồng một ngày để sống và có 400 triệu người giàu gấp đôi vì
kiếm được từ hai đến bốn đô la một ngày. Vị chi, có một tỷ người Tầu chưa đạt
mức lợi tức là bốn đô la một ngày! Thế giới chỉ nói đến một số đại gia tỷ phú ở
chung quanh đảng mà quên cả tỷ người bần cùng ấy của Trung Quốc.
Vũ Hoàng: Mâu thuẫn thứ hai mà ông nhắc tới là những
bất toàn trong mô hình phát triển của Trung Quốc. Thưa ông, đấy là gì?
Nguyễn-Xuân
Nghĩa: Trung
Quốc đã có 30 năm tăng trưởng ngoạn mục, chủ yếu là nhờ sức đầu tư rất cao, có
lúc lên tới phân nửa của Tổng sản lượng, còn thì thường xuyên cao hơn 40%. Với
sức đẩy lớn lao này thì quả nhiên là người ta đạt tốc độ hơn 10%. Nhưng nếu mà
xét về phẩm chất hay nội dung thật của tài nguyên được đưa vào sản xuất thì
phải nói đến hiện tượng gọi là "sản nhập" vì nhập lượng ở đầu vào lại
có giá trị cao hơn xuất lượng ở đầu ra. Lý do của sự thể ngược ngạo ấy là người
ta đếm sản lượng ở đầu ra theo trị giá hay giá cả mà cái giá ấy không phản ảnh
giá trị hay những hy sinh ở đầu vào. Đây là một khái niệm khá rắc rối về kế
toán mà những người làm công tác tuyên truyền hay quảng cáo thường bỏ qua một
bên.
Vũ Hoàng: Cũng vì khái niệm kế toán rắc rối ấy, xin
ông nhắc lại hoặc đơn cử một thí dụ.
Nguyễn-Xuân
Nghĩa: Tôi
xin trước tiên nhắc lại vài phạm trù kế toán với Anh ngữ để thành phần thính
giả trẻ đã có kiến thức về kế toán tài chính nắm vững được vấn đề. Sau đó là
thí dụ.
Thế giới bên ngoài
Trung Quốc chỉ đếm phương tiện đưa vào sản xuất theo mệnh giá hay face value. Người ta đã lầm trị
giá (price) với giá trị (value) của nhập lượng (input) rồi kiểm
kê xuất lượng (output) để gọi đó là sản lượng (production) mà
không khấu trừ nhiều phí tổn (cost) của nhập lượng này. Trong đó có
những phí tổn ngầm mà ta phải gọi là "ẩn phí", shadow cost, như phí tổn về môi sinh bị hủy hoại,
hoặc phí tổn về thời cơ của tư bản là opportunity
cost vì dùng tiền vào chỗ này
thì không có cơ hội dùng vào chỗ khác có giá trị hơn.
Thí dụ dễ hiểu ở
đây là nhà nước huy động sức tiết kiệm rất cao của dân chúng và trả tiền lời ký
thác rất thấp, gần như số âm nếu kể thêm mức lạm phát. Đấy là một hình thái
trưng thu hay bóc lột từ gốc. Nguồn tiết kiệm rẻ này lại được hệ thống ngân
hàng của nhà nước đưa vào khu vực là doanh nghiệp của nhà nước hay công ty đầu
tư của nhà nước ở cấp địa phương, để thực hiện các dự án sau này được kể là sản
lượng kinh tế. Một cây cầu hay một nhà máy thép hình thành như vậy và được tính
là sản lượng dù có giá trị kinh tế rất thấp. Cầu có hư phải sửa lại và thép có
ế mà nằm chất đống thì vẫn cứ được coi là sản xuất. Chả ai tính ra cái mất mát
của hiện tượng này.
Vũ Hoàng: Bây giờ bước qua mâu thuẫn thứ ba là vì
sao Trung Quốc khó chuyển hướng một cách êm thắm mà lại bị rủi ro hạ cánh nặng
nề?
Nguyễn-Xuân
Nghĩa: Từ cả chục năm nay, lãnh đạo của Trung
Quốc đã thấy vấn đề này, cụ thể nhất là thấy mức đầu tư quá cao so với sức tiêu
thụ quá thấp của nền kinh tế, vì vậy, họ đã muốn cải sửa. Thí dụ như trong Kế
hoạch Năm năm thứ 11, từ 2006 đến 2011, lãnh đạo đảng đã đề ra yêu cầu nâng cao
sức tiêu thụ nội địa, vậy là kết quả lại trái ngược. Năm 2000 thì sức tiêu thụ
của tư nhân Trung Quốc ở mức 46% Tổng sản lượng, dù có thấp so với các nước
cùng trình độ phát triển thì cũng chưa đến nỗi nào. Nhưng kết quả thì năm 2012,
sức tiêu thụ ấy lại sụt tới mức 36% của Tổng sản lượng. sau Đại hội 18 vào cuối
năm 2012, việc chuyển hướng lại được Hội nghị kỳ ba nêu ra vào cuối năm ngoái
mà chưa biết là có thực hiện được hay chăng?
Vũ Hoàng: Thưa ông, đâu là những lý do cản trở việc
cải cách này?
Nguyễn-Xuân
Nghĩa: Tôi
xin lấy một thí dụ khác liên hệ đến chuyện tiêu thụ lẫn hậu quả cho quốc tế là
tỷ giá đồng Nguyên mà họ gọi là Nhân dân tệ Renminbi.
Trung Quốc đầu tư
mạnh, sản xuất nhiều và phải xuất khẩu sản phẩm đó cho thế giới. Chế độ duy trì
hệ thống ngoại hối có kiểm soát, là ghìm giá đồng bạc thật thấp nếu so với các
ngoại tệ mạnh của thế giới như Mỹ kim hay Euro chẳng hạn. Họ muốn là nhờ tỷ giá
thấp mà hàng rẻ và dễ bán hơn. Khi bán hàng rồi thì nhà nước thu về ngoại tệ,
thí dụ như đồng đô la, và lập được một kho dự trữ ngoại tệ lớn nhất thế giới,
nay lên tới con số tương đương là ba ngàn 800 tỷ đô la. Bối cảnh ấy che giấu sự
thật là đồng Nguyên được định giá thấp hơn thực tế, hãy tạm lấy một mức thấp là
bằng 10%. Nếu muốn chuyển hướng thì một trong các biện pháp họ nên áp dụng
chính là nâng hối suất đồng bạc thêm 10% so với Mỹ kim chẳng hạn. Hậu quả sẽ ra
sao?
Công nhân Trung Quốc trong một công xưởng sản xuất máy lạnh.
Hậu quả là công
nhân và doanh nghiệp mà góp phần xuất khẩu được một đô la thì sẽ có lợi tức gia
tăng được 10% và nhờ đó nâng cao được sức tiêu thụ. Đấy là cái "được"
của thành phần sản xuất và sẽ tiếp tay điều chỉnh cơ chế kinh tế lệch lạc hiện
nay. Nhưng cái "mất" của biện pháp này là nhà nước bị mất 10% nguồn
thu từ ngoại tệ đem về. Thí dụ cho dễ nhớ là mất 10% của khối dự trữ ngoại tệ
3.800 tỷ đô la, tức là mất 380 tỷ đô la. Sự thật thì khi duy trì tỷ giá thấp,
Trung Quốc đã mất hàng ngày vì những chênh lệch về xuất nhập khẩu mà chưa bút
ghi khoản mất đó. Bây giờ, với biện pháp điều chính tỷ giá thì người dân được
10%, nhà nước hợp thức hoá khoản mất đó. Dù thế giới đã khuyến cáo, lãnh đạo
Bắc Kinh vẫn không muốn như vậy nên người dân không được khoản 10% này và việc
điều chỉnh vẫn chưa tiến hành. Lý do ở đây là nhà nước sợ mất tiền bạc và thế
lực của mình, dù rằng cái mất đó lại là cái được của người dân.
Vũ Hoàng: Đây mới chỉ là một thí dụ cụ thể về lý do
cản trở việc chuyển hướng, hẳn là ông còn thấy nhiều lý do khác nữa chứ?
Nguyễn-Xuân
Nghĩa: Một
thí dụ khác là Hội nghị Trung ương kỳ ba vào Tháng 11 năm ngoái có để ra việc
chuyển 20% dân số từ thôn quê ra các tỉnh thành trong kế hoạch đô thị hóa. Sự
chuyển dịch ấy có nghĩa là lương bổng và phúc lợi của người dân từ quê ra tỉnh
sẽ được cải tiến và lợi tức gia tăng sẽ nâng mức tiêu thụ của tư nhân trong thị
trường nội địa. Nhưng chính quyền tại các thành phố ở địa phương lại không muốn
gánh chịu khoản tốn kém ấy mà còn lo gia tăng nguồn thu về thuế khóa nên dồn
phương tiện cho các dự án đầu cơ địa ốc. Họ vừa lấy đất của dân vừa lập công ty
đầu tư tài chính để vay tiền làm ăn. Khi bị hạn chế và kiểm soát thì họ vay
ngoại ngạch, ngoài ngân hàng, trong hệ thống tài chính chui có mức rủi ro rất
cao.
Vũ Hoàng: Như vậy, vì rất nhiều nguyên do phức tạp
trong nội bộ, Trung Quốc sẽ khó chuyển hướng và nguy cơ hạ cánh nặng nề mới
khiến thế giới quan tâm. Khi đó, ta mới tìm hiểu về hiệu ứng Trung Quốc khi nền
kinh tế này bị suy thoái trong những năm tới.
Nguyễn-Xuân
Nghĩa: Trung
Quốc là một thị trường nhập khẩu lớn của thế giới, trị giá đến 30% của Tổng sản
lượng với rất nhiều nguyên nhiên vật liệu nuôi sống các nước xuất khẩu. Khi
kinh tế xứ này bị trì trệ, với tốc độ tăng trưởng dưới 7%, hoặc suy trầm hay
suy thoái mạnh, thì lượng hàng nhập khẩu sẽ giảm mạnh và gây thiệt hại cho các
nước bán thương phẩm, từ Úc đến Indonesia
hay Malaysia
và các nước Trung Đông bán dầu khí. Đấy là một lẽ. Nhưng giá thương phẩm sút
giảm lại là điều có lợi cho xứ khác vì sẽ giảm phí tổn sản xuất.
Song song, có một
khía cạnh còn đáng ngại hơn vậy là Trung Quốc đang có một núi nợ rất lớn và dễ
sụp đổ sau khi đã ào ạt bơm tín dụng để kích thích kinh tế. Núi nợ lên tới mười
mấy ngàn tỷ dô la, trong đó có nhiều khoản khó đòi và sẽ mất khi sản xuất bị
đình trệ. Nếu mà núi nợ này sụp đổ thì nhiều ngân hàng vỡ nợ dây chuyền và hậu
quả toàn cầu sẽ còn kinh hoàng hơn những gì đã thấy sau vụ khủng hoảng tại Hoa
Kỳ năm 2008 hay tại Âu Châu năm 2010. Người ta nói rằng đây là "đợt sóng
thần thứ ba" có thể xảy ra trong những năm tới. Qua một kỳ khác, ta sẽ tìm
hiểu thêm về đợt sóng này.
Vũ Hoàng: Xin cảm tạ ông Nghĩa và hẹn lại một kỳ sau.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét