Thứ Ba, 4 tháng 12, 2012

MỘT BÀI VIẾT XÚC ĐỘNG VỀ LƯU QUANG VŨ

TSYG: Mình rất yêu thơ Lưu Quang Vũ, nhưng là ngoại đạo nên chẳng dám nói nhiều. Hôm nay trên trang blog của bác Nguyễn Tường Thụy có bài viết của tác giả Đỗ Trường từ bên Đức, viết về Lưu Quang Vũ làm mình xúc động quá. Dường như nghe đâu đây vẫn là âm thanh ngọt ngào và đắng lịm của những câu thơ:

...Mảnh vườn em vẫn là mảnh vườn xanh
Nơi ban đầu lòng ta ươm cỏ mật
Nơi ta hái những chùm thơ thứ nhất
Nơi thu sang mây trắng vẫn bay về...

Xin phép bác Thụy cho em đăng lại :


LƯU QUANG VŨ – VỞ KỊCH CHƯA THỂ HẠ MÀN
Tôi có ông bạn, quen nhau từ cái thuở làm chung trong cái lò giết mổ heo của thành phố Leipzig. Sát sinh nhiều nên bị ám ảnh, sau khi nhà máy giải thể, hắn đã chuồn về quê gõ mõ tụng kinh, tầm sư học nghề. Năm sau quay lại Đức, hắn giở trò bói toán, tử vi lá số. Đến chơi, thấy tôi viết về nhà thơ Lưu Quang Vũ, hắn chép miệng, tiếc cho một tài năng lớn đang ở độ chín thì phải ra đi. Rồi hắn quả quyết, nếu như Lưu Quang Vũ lấy vợ muộn hơn một chút thôi, số phận chắc chắn sẽ đổi khác. Không hiểu hắn móc đâu ra ngày giờ sinh của Lưu Quang Vũ và phán kiểu vuốt đuôi: Tuổi Mậu Tý, sinh vào giờ này chắc chắn là người có tài, tâm hồn trong sáng, nhưng lại có trái tim yếu đuối dễ vỡ… Tôi không tin cái thằng thầy bói thiến heo này. Nhưng không hiểu sao, chỉ được tiếp xúc với Lưu Quang Vũ một lần và đọc thơ của ông, tôi cũng có cảm giác như vậy.
Chú Phạm Quang Nhuận, phụ trách phòng hộ khẩu thành phố Hà Nội từ sau năm 1954, thân thiết với gia đình tôi từ mấy chục năm trước. Chú Nhuận bị bệnh hen, nên tôi thường xuyên mua thuốc mang đến cho chú. Tôi đã gặp nhà thơ Lưu Quang Vũ cũng trong một lần đến thăm chú như vậy, ở khu tập thể Thành Công. Chú Nhuận giới thiệu tôi cho anh và chỉ vào anh bảo, đây cũng là ông cháu, nhà thơ Lưu Quang Vũ. Tôi đã nghe những câu chuyện đâu đó về chất lãng tử trong anh. Cứ tưởng anh phải ngầu ngầu, phủi phủi nhưng nhìn anh thấy rất thư sinh, nói năng nhỏ nhẹ với cái cười hiền khô. Tôi chưa đọc nhiều thơ của Lưu Quang Vũ, nhưng lúc đó anh đã bắt đầu nổi danh trên sân khấu kịch. Khi nhà thơ Lưu Quang Vũ về rồi, chú Nhuận kể, Lưu Quang Vũ khổ từ ngày còn ở bộ đội đến khi xuất ngũ về địa phương lại rắc rối vấn đề nhập lại hộ khẩu. Cuối cùng chú Nhuận phải làm lại từ đầu cho anh.
Quả thật, ngày đó hộ khẩu gắn liền với việc làm, tem phiếu lương thực thực phẩm. Mất nó chẳng khác gì bị tuyên án tử hình.
Có thể nói so với thế hệ các nhà thơ  nhà văn cùng thời, Lưu Quang Vũ là người có nhiều thuận lợi nhất để tiếp cận và bước chân vào làng văn nghệ. Nếu không sinh ra trong một gia đình có truyền thống làm nghệ thuật và lớn lên trong cái (nôi) tập thể của các văn nghệ sỹ ngay giữa lòng Thủ Đô, chưa chắc Lưu Quang Vũ đã có tập thơ Hương Cây – Bếp Lửa in chung với Bằng Việt sớm như vậy.
Cùng thế hệ Lưu Quang Vũ cũng có nhiều người làm thơ khi còn ngồi trên nghế nhà trường rất hay như Nguyễn Trọng Tạo, Trần Mạnh Hảo … Nhưng do hoàn cảnh xuất thân từ gia đình nông dân ở những miền quê xa ngái nên họ bước vào làng văn muộn hơn mà thôi. Cho nên việc in ấn, bước chân vào làng văn sớm hay muộn chỉ là tài liệu tham khảo, chứ không nhất thiết là cơ sở đánh giá tài năng của người nghệ sỹ.
Với Lưu Quang Vũ, tôi đánh giá cao cái Tôi trong thơ ca của anh. Ngay trong lúc nghệ thuật vị nhân sinh phục vụ, minh họa đường lối lãnh đạo của Đảng được phát động rầm rộ thì Lưu Quang Vũ chỉ viết cho riêng mình trong cái nghệ thuật vị nghệ thuật đang bị bài bác. Do vậy kể từ khi xuất ngũ, thơ văn của ông ít xuất hiện trên truyền thông báo chí. Nhưng ông vẫn miệt mài viết, miệt mài sáng tác tặng và đọc cho bạn bè nghe trên những quán cóc vỉa hè. Lưu Quang Vũ có lẽ là hình ảnh, bằng chứng tiêu biểu nhất bác bỏ những ý kiến mang tính ngụy biện cho rằng các nhà văn lớn bị trói buộc nên chỉ còn đẻ ra được những tác phẩm mang tính xã luận, minh họa, khi ý trí và tài năng họ thật sự đã cạn.
Trong khi các nhà thơ cùng thời đang cùng nhau thi vị hóa chiến tranh, thì Lưu Quang Vũ viết rất thật về sự mịt mùng, tàn nhẫn của nó với tâm trạng của một người lính trẻ. Dẫu biết rằng cái thật đó mang đến cho anh nhiều hệ lụy:
“Chúng ta ra đi chiến tranh mùa đông 
Ta kịp biết gì đâu 
Vừa hết trẻ con đã thành người lính 
Cô bạn gái cánh tay trần rám nắng 
Ngực phập phồng thở mạnh đến lo âu 
Đừng nói với ta những lời hào nhoáng về chiến 
Tuổi trẻ ta đã qua, bạn bè ta đã chết 
Ta vượt qua bao đèo cao chót vót 
Bao điều nhà trường chẳng dạy ta 
Nghĩ lại giễu cười những giấc mộng tuổi thơ 
Giờ trong ta vui buồn đều nín lặng 
Một thế hệ cứng đi như thỏi sắt 
Nhưng xoáy ngầm vẫn cuộn ở lòng sông…”

          (Những Bông Hoa Không Chết)
Là người rất trẻ, nhưng Lưu Quang Vũ đã có cái nhìn sâu sắc về chiến tranh. Với ông, cuộc chiến này không có kẻ thắng người thua, mà nó chỉ là tang thương và chết chóc:
“Bây giờ 
Hai đạo quân đã giết hết nhau 
Tiếng trống cuối cùng đã bặt 
Người ngựa đều ngã gục 
Chỉ còn con quạ xám đậu trên bờ..”
        (Tưởng Tượng Về Một Bài Hát)
Cái nhìn nhân bản xuyên suốt trong thơ và đời Lưu Quang Vũ. Ngoài những cái cao thượng, cảm thông trong tình yêu, gia đình, bạn bè đã được nhiều người viết và nói đến. Ta còn thấy được sự đồng cảm yêu thương con người và sức mạnh vĩ đại của nhân dân nghèo cùng khổ bật lên qua bài Người Cùng Tôi:
“… Người mài mực cho Nguyễn Trãi viết Bình Ngô 
Quang Trung trên bành voi, Người cầm giáo xông lên phía trước 
Quang Trung lên làm vua, Người về nhà cày ruộng 
Bị lão Trương tuần bắt nạt cũng run…”
Và Lưu Quang Vũ cũng không ngần ngại xuống bút, vạch trần những nhân cách bẩn thỉu, đê tiện của những kẻ tưởng như là cao đạo:
“… Nhà văn xưa tôi yêu mến mê say 
Nay già lão được chính quyền sủng ái 
Lưng còng xuống quên cả lời mình hứa 
Phản bội những điều trong cuốn sách thiêng liêng…”
                           (Hoa Ti Gôn)
Có người cho rằng, Lưu Quang Vũ có trái tim thủy tinh trong sáng đa cảm, nhưng mong manh rất dễ vỡ. Vâng đúng như vậy! Những cái mong manh, trong sáng đa cảm ấy của ông đã hòa trộn vào nhau dệt lên những câu thơ làm rung hồn người. Cùng thời cũng có nhiều thi sỹ viết về tình yêu rất hay, nhưng thơ tình Lưu Quang Vũ có một nét riêng khá độc đáo. Cái nét mang mang hoài cổ ấy như những vết mực của tiền nhân còn rớt lại. Nó khó có thể lẫn lộn với những thi sỹ cùng thời. Lưu Quang Vũ viết và tặng thơ tình cho nhiều người, nhưng phải nói những bài thơ tình viết về nghệ sỹ Tố Uyên là hay nhất của ông. Bài thơ Vườn Trong Phố là một trong những bài hay đó, đã được nhiều người nói đến. Đến nay Hà Nội vẫn còn lưu truyền mối tình đẹp từ thuở học trò của hai người nghệ sỹ Tố Uyên, Lưu Quang Vũ. Họ cũng tiếc cho mối tình đó sớm phải ly tan. Nhưng sự đàm luận về nguyên nhân tan vỡ của hai người nghệ sỹ này, ở ngoài đời cũng như trên truyền thông báo chí dường như chưa có hồi kết. ..
Có lẽ bước chân chập chững vào đời của tôi có một chút hao hao giống Lưu Quang Vũ nên dễ đồng cảm hơn chăng? Cái thời quản lý con người bằng tem phiếu thực phẩm thông qua hộ tịch hộ khẩu, ai không có việc làm, dưới con mắt người đời chẳng khác gì những con ghẻ của xã hội. Trong hoàn cảnh như vậy, tôi bỏ dạy học, rồi sau đó bỏ trường đại học ngoại ngữ (hay bị đuổi khỏi trường – cũng vậy thôi). Lang thang, vật vờ đến nỗi người thân ruột thịt còn cảm thấy chán mình, thì làm sao tình yêu còn ở lại với ta. Từ trong tăm tối, bùn lầy ấy, thời gian sau ta tự mình đứng dậy, tiền đầy túi, cưỡi trên chiếc xe CD 90 hoàng tử đen, Hà Nội thời đó chỉ có mấy chiếc. Chắc chắn người đời sẽ nhìn ta bằng những ánh mắt khác. Nhà thơ Lưu Quang Vũ cũng vậy, vật vờ đói rách (vô công rồi nghề) làm sao mà giữ được tình yêu to lớn của Tố Uyên đang hừng hực trên sàn diễn, được người đời săn đón, khi cơm áo gạo tiền đang đè nặng trên vai? Trong hoàn cảnh này, không có bức tường ngăn, tình yêu còn ở lại mới là chuyện lạ.
Bài thơ Có Những Lúc, thể hiện đậm nét nhất cái chán chường bi quan, nếu như không muốn nói có một chút yếu đuối của con người nghệ sỹ Lưu Quang Vũ. Ông muốn thoát ra khỏi cái lồng chật chội kia, nhưng không đủ nghị lực, can đảm phá bỏ nó. Để rồi một mình ông cô đơn đau đớn, lang thang trong đêm vắng:
“Có những lúc tâm hồn tôi rách nát 
Như một chiếc lá khô, như một chồng gạch vụn 
Một tấm gương chẳng biết soi gì 
Một đáy giếng cạn khô, một hốc mắt đen sì 
Trời chật chội như chiếc lồng trống rỗng.. 
..Tôi biết làm gì, tôi biết đi đâu 
Tôi chẳng còn điếu thuốc nào 
Đốt lên cho đỡ sợ 
Yếu đuối đến cộc cằn thô lỗ 
Tôi xấu xí mù lòa như đứa trẻ mồ côi… 
…Tôi chán cả bạn bè 
Mấy năm rồi họ chẳng nói được câu gì mới 
Tôi bỏ đi họ ngồi lại 
Tôi đi một mình trong phố vắng ban đêm 
Tôi chẳng dám về trong căn phòng nhỏ của em…”
Anh Tùng (Nga) người Huế tập kết ra Hà Nội, nhà trong xóm Hạ Hồi, làm ở Viện Thủy Lợi, nghe kể, anh là hàng xóm và là bạn thuở thiếu thời của nhạc sỹ Trịnh Công Sơn. Anh cũng hành thêm nghề buôn bán máy khâu cùng tôi. Anh Tùng thỉnh thoảng đưa tôi đến nghệ sỹ Tú Uyên nhà ở trong con ngõ nhỏ, phố Tô Hiến Thành chơi. Chúng tôi hay tụ tập hàng café chị Liễu góc phố Quang Trung – Hạ Hồi. Tôi có xe gắn máy, nên chiều tối chị Tố Uyên thường nhờ, chở chị xuống đón cháu nhỏ gửi ở Đồng Tâm (khu trường đại học kinh tế kế hoạch). Có lần chị cho tôi xem tấm ảnh đám cưới của chị và nhà thơ Lưu Quang Vũ chụp chung với chú Phạm Quang Nhuận. Chị hỏi tôi có hay gặp chú Nhuận không? Tôi trả lời, tuần nào cũng đến thăm chú. Chị bảo, gặp chú Nhuận nói với chú bảo ông Vũ bỏ cái…con…
Chị nói một thôi một hồi. Lúc này nhà thơ Lưu Quang Vũ đang nổi tiếng với những vở kịch về cuộc sống xã hội đầy gai góc. Điều này có thể cảm thông, chị tuy là một nghệ sỹ tên tuổi, nhưng cũng không thoát ra khỏi những suy nghĩ của phụ nữ bình thường khác. Nếu như nhà thơ Lưu Quang Vũ vẫn còn lang thang, đói rách có lẽ không có câu nói này của chị.
Những bài thơ của Lưu Quang Vũ được viết bởi những lúc ngẫu hứng. Hay nó chảy (ộc) ra trong cái bế tắc của cuộc sống, quằn quại đau đớn của tâm hồn. Cho nên thơ của ông ta bắt gặp nhiều hình tượng, tượng trưng đôi khi là siêu thực đến khó hiểu:
“… Những ban mai xanh biếc đàn bầu
Bà hiền hậu têm trầu bên chõng nước
Em đi gặt trên cánh đồng cổ tích
Lúa bàng hoàng chín rực cả triền sông”

Gần đây lại thấy một số nhà phê bình đè nghiến thơ Lưu Quang Vũ ra, dùng đại đao lý luận để mổ xẻ. Khổ lắm, thơ nó bất chợt chảy ra như thế nào, ông Lưu Quang Vũ cứ làm nhiệm vụ ghi lại một cách tự nhiên như thế. Chứ nào ông có kịp nghĩ (không nghĩ hoặc không biết) phải thi pháp này phương pháp luận kia. Thôi thì cứ việc cho nó vào khuôn khổ thi pháp lý luận sáng tác của các bác. Nhưng xin bạn đọc sau đó, cứ cảm thụ thơ của Lưu Quang Vũ bằng những xúc cảm tự nhiên của mình, chứ đừng mang phương pháp sáng tác để soi rọi, nó không còn hay nữa. Có ba ông nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo, Trần Mạnh Hảo, Lưu Quang Vũ, chạc tuổi, mới làng nhàng trung học, không riêng tôi mà có rất nhiều người yêu thích những bài thơ viết ra từ những cảm xúc tự nhiên của họ. Cũng may, các bác này chưa hay không được tu luyện. Chứ nếu ba bác nhà thơ trên được đào tạo bài bản ở các trường đại học, khi sáng tác các bác cứ đem ba rem lý luận đã học ra, đọc chán chết.
Bài Nhà Chật của Lưu Quang Vũ là một trong những bài thơ tiêu biểu về cái ngẫu hứng tự nhiên nhưng rất thật, rất hay về những ước mơ xa vời ấy. Bên cửa sổ của gian phòng nhỏ/ Mắt em xanh thăm thẳm những chân trời :
“Nhà chỉ mấy thước vuông, sách vở xếp cạnh nồi
Nếu nằm mơ, em quờ tay là chạm vào thùng gạo
Ô tường nhỏ treo tranh và phơi áo
Ta chỉ có mấy thước vuông cho hạnh phúc của mình.
Nhà chật như khoang thuyền hẹp nhỏ giữa sông
Vừa căng buồm để đi, vừa nấu cơm để sống
Phải bỏ hết những gì không cần thiết
Ta chỉ có mấy thước vuông cho hành lý của mình.
Khoảng không gian của anh và em
Khi buồn bã em không thể quay mặt đi nơi khác
Anh không giấu em một nghĩ lo nào được
Ta chỉ có mấy thước vuông để cùng khổ cùng vui.
Anh ngẩng lên là ở cạnh em rồi
Bạn thuyền ơi, ngoài kia chiều lộng gió
Bên cửa sổ của gian phòng nhỏ
Mắt em xanh thăm thẳm những chân trời”
Mỗi lần đọc bài thơ Nhà Chật của Lưu Quang Vũ làm tôi lại nhớ. Khoảng tháng 10 năm 1988 Thứ trưởng Nguyễn Thiện Luân và Tiến sỹ Kính vụ trưởng kỹ thuật của bộ nông nghiệp sang làm việc ở thành phố Leipzig. Chiều tối buồn buồn các bác hay đến chỗ tôi chơi. Các bác báo tin buồn mấy ông quan, họ bên mẹ tôi vừa từ trần. Trong đó có ông anh trong họ, Đặng Hồi Xuân Bộ trưởng y tế bị rớt máy bay ở Thái Lan. Và vợ chồng nhà thơ Lưu Quang Vũ, Xuân Quỳnh cũng tử nạn ở Hải Dương. Nghe nói vợ chồng nhà thơ vừa được cấp căn hộ lắp ghép. Không biết vợ chồng thi sỹ đã kịp dọn đến ở, để thỏa mãn ước vọng thăm thẳm những chân trời hay chưa? Nhưng nghệ sỹ Tố Uyên đã sảy ra tranh chấp căn hộ này? Nghĩ  tội cho cái số lận đận, chẳng những trong thơ, trong cuộc sống hàng ngày mà cả sau khi đã mất của nhà thơ Lưu Quang Vũ.
Có thể nói giai đoạn sau khi kết hôn với nữ sỹ Xuân Quỳnh, thơ của Lưu Quang Vũ nói như các nhà phê bình văn học là có lối thoát, có khát vọng cuộc sống. Thật vậy, bài Nói Với Con Cuối Năm, Lưu Quang Vũ đã dùng hình ảnh thật chuyện trò với con để nói lên cái khát khao của cuộc sống. Từ trong những tối tăm, đói nghèo ấy ông đã mơ và hy vọng về một cuộc sống yên bình ở một nơi xa nào đó:
“…Tết hòa bình đầu tiên
đất nước nghèo xơ xác
cha cũng chẳng đủ tiền
mua cho con áo đẹp
chiều bên sông gió rét
con lặng nhìn tít tắp bãi ngô xa
- Bên kia sông là gì hở cha?
- Bên kia sông có đường đất đỏ
có ruộng mía trổ cờ trắng xoá
những vườn đầy quả ngọt những đồng hoa.
- Có bươm bướm không cha?
- Có, có rất nhiều bươm bướm
Con thì thầm trong hơi thở mạnh
- Sông rộng thế làm sao sang được?
Cha ôm con vào lòng, con bé bỏng của cha
- Bên kia sông có nhiều bướm nhiều hoa
rồi cha con ta sẽ tìm được con đò
đi sang bên ấy”
Những nhà thơ viết nhanh bằng những cảm xúc bất chợt, thường ngẫu hứng thăng hoa có những bài rất hay và ngược lại có nhiều bài dở. Lưu Quang Vũ cũng không nằm ngoài qui luật đó. Bài Lá Bưởi Lá Chanh được viết năm ông mười bảy tuổi. Tôi cho rằng, đây là bài thơ dở của ông. Nếu như bài này không có hai câu kết/ Từng viên đạn lắp vào nòng pháo/ Bồi hồi nghe hương lá bưởi lá chanh. Thì ngay cái tựa đề bài thơ cũng trôi tuột mất. Bài thơ Sông Hồng, không biết Lưu Quang Vũ viết vào năm nào? Bài thơ không chắt lọc, như kể chuyện nhưng thiếu hình ảnh và cảm xúc:
“…trăm đứa con xuống biển lên rừng
ở lại Phong Châu, người con thứ nhất
vua Hùng Vương thứ nhất nước Văn Lang
sóng và phù sa – khái niệm đầu tiên
nước và đất để nay thành Đất Nước…”
Từ trước đến nay đã nhiều người viết về Sông Hồng, nhưng bài thơ Sông Hồng Chiều Đông của Hoàng Cát, mang mang hoài cổ là bức tranh toàn bích, tôi tâm đắc nhất.
Nhà một nhà thơ nhưng nhiều người chỉ biết Lưu Quang Vũ là người viết, biên kịch. Bởi vì ông quá nổi tiếng với những vở kịch mang tính xã hội đầy gai góc, còn thơ ông kén người đọc. Trong một thời gian không dài, ông đã viết, biên soạn gần 50 vở kịch, quả thật một công việc chưa ai làm được. Đời chỉ cần để lại cho đời được vài ba tác phẩm như Lưu Quang Vũ đã là ước mơ của nhiều nghệ sỹ rồi. Có người cho rằng, nhà viết kịch Lưu Quang Thuận (cha của LQV) và Xuân Quỳnh đóng góp vào những tác phẩm trên không nhỏ, nếu như không muốn nói là đồng tác giả. Đây  là ý kiến có cơ sở cần tôn trọng và nghiên cứu.
Gần đây có một số bài báo viết ca ngợi mối tình Lưu Quang Vũ, Xuân Quỳnh, đọc thấy buồn. Tác giả bê nguyên bài thơ Lưu Quang Vũ viết cho Tú Uyên khi còn đang yêu, tặng nghiến cho Xuân Quỳnh. Những bài thơ tình của Xuân Quỳnh viết từ thuở xa lắc gán tặng cho Lưu Quang Vũ khi đó còn là một cậu bé. Đành rằng không ai phủ nhận tình cảm vợ chồng của Lưu Quang Vũ và Xuân Quỳnh qua những bài thơ họ đã viết cho nhau. Nhưng thi vị hóa quá mức, nó sẽ ở cõi trên mất rồi.
Cho đến hôm nay, sau 24 năm ngày mất, bi kịch của vợ chồng thi sỹ Lưu Quang Vũ vẫn chưa có hồi kết. Từ trong nước cho đến hải ngoại còn nhiều người xì xào bàn tán. Họ cho rằng, có bàn tay nào đó đứng sau cái chết của ông. Nhưng tôi cứ dứt khoát không tin. Con người độ lượng đáng yêu như ông, dù có bàn tay lạnh tanh, lông lá như thế nào đi chăng nữa cũng không đủ can đảm làm cái công việc man rợ đó.
Viết xong, định đọc lại, nhưng trước mắt tôi chỉ còn một tấm màn nhung rách, chưa thể hạ xuống, bay phần phật.
Leipzig ngày 3-12- 2012
Đ.T.
Tác giả gửi cho blog NTT


Không có nhận xét nào: