Thứ Ba, 31 tháng 1, 2012

BÁO ABC (TÂY BAN NHA): TỔNG THỐNG HUGO CHAVEZ CHỈ SỐNG THÊM ĐƯỢC NHIỀU NHẤT LÀ 9 THÁNG

 (Tổng hợp từ abc.es)
Theo báo ABC của Tây Ban Nha, qua các hồ sơ y tế được cung cấp bởi các nguồn tin tình báo, ung thư đã lan rộng trong cột sống, đại tràng và xương của Hugo Chavez và vị Tổng thống Venezuela có thể chỉ sống được 9 tháng nữa. Báo này trích dẫn lời của các bác sĩ sau kỳ kiểm tra y tế ngày 30/12/2011.

Ảnh chụp ông Hugo Chavez trên abc.es ngày 24/1/2012
Trong tháng 6/2011, ông Chavez cho biết các bác sĩ ở Cuba đã cắt bỏ một khối u nhưng không nói rõ loại ung thư, và như thế ông đã chữa khỏi bệnh ung thư. Ông nói: “Không còn tế bào ung thư trong cơ thể của tôi. Chúng không tồn tại”.
Theo ABC vào tháng 6/2011, các bác sĩ nói rằng ông Chavez bị ung thư tuyến tiền liệt, đã cắt bỏ một khối u to bằng quả táo ở vùng xương chậu và ông này có thể sống 5 năm trở lên nếu được điều trị tốt.
Vào cuối tháng 10/2011, ABC cho biết: theo đội ngũ y tế của Tổng thống thì lượng tế bào ung thư trong tủy xương của ông đã tăng lên với tốc độ cao.
Cuối tháng 12 cũng theo ABC, các bác sĩ cho biết họ tìm thấy một khối u trong ruột kết của ông và khuyến cáo ông này có thể chỉ sống được thêm 9 tháng.
ABC cho biết theo báo cáo y tế ngày 12/1/2012, ông Chavez đã được “tăng thêm liều thuốc giảm đau và các chất kích thích nhằm giúp ông có cảm giác đã ổn định và thị lực tốt hơn”, tuy nhiên “các chất kích thích này đã làm cho mặt và ngực của ông bị sưng lên”.
Ông Chavez đã cam kết tranh cử tổng thống vào tháng 10/2012. Theo ông Aristobulo Isturiz, Phó chủ tịch Quốc hội Venezuela thì “ông Chavez đang tràn đầy năng lượng để phục vụ đất nước, thể hiện qua bài diễn thuyết mới đây trước quần chúng kéo dài 9 giờ đồng hồ, các đối thủ chính trị của ông Chavez muốn Tổng thống không phải là sống thêm được chín tháng nữa mà chỉ một tháng nữa mà thôi”.
Còn ông Chavez thì bình luận về các thông tin của ABC liên quan đến bệnh ung thư của mình và đã được nhiều hãng thông tin truyền thông của nhiều quốc gia đăng  lại: “bọn họ chỉ muốn tôi chết”. Trong cuộc trao đổi qua điện thoại hôm thứ Sáu 27/1/2012 với ông Rafael Correa, Tổng thống Ecuador, ông Chavez nói: “Các thông tin này là sai, tôi muốn sống hơn bao giờ hết”.  

Thứ Sáu, 20 tháng 1, 2012

Vô địch rượu ngâm

Theo THANH NIÊN

Trên thế giới, chẳng ai hơn nổi Việt Nam về cái khoản rượu ngâm. Ngâm đủ thứ, từ động vật đến thực vật.

Cái này không phải chúng tôi nói hay một người Việt nào nói, mà là chính mấy ông Tây balô đi du lịch Việt Nam về rồi viết trên mạng như thế. Nếu không tin, các bạn cứ vào Google gõ mấy từ “animals in alcohol” (ngâm động vật trong rượu) sẽ thấy vô số bài, hình ảnh về chuyện rượu ngâm của Việt Nam!
Tây xoàng lắm!
Trong một chuyến đi Mỹ, cậu em họ dẫn tôi đến một quán bar để lai rai, trò chuyện.  Chú em bảo: “Quán này có nhiều loại rượu độc đáo của Mexico. Trong đó, Mezcal là loại độc đáo nhất. Phần lớn chỉ có dân Mễ mới dám uống, chứ dân Mỹ toàn nhìn. Mezcal là loại rượu gì mà ghê thế? Chú em của tôi bảo: Người ta ngâm sâu trong ấy!


Cặp hải mã “đại tướng quân” dài 30cm - Ảnh: H.T 

Vốn ưa sưu tầm rượu lạ, tôi lùng mua bằng được Mezcal, loại chai nhỏ để chưng tủ kính. Ba chai nho nhỏ bằng nắm tay, mỗi chai một màu đen, trắng và đỏ. Quả tình trong mỗi chai có một chú sâu! Muốn biết cho rõ ngọn nguồn, tôi tra tìm trên Google và được biết Mezcal chỉ là rượu trắng của Mexico ngâm với những con ấu trùng của loại ngài có tên Hypopta Agavis, sống rất nhiều ở Oaxaca (Mexico). Người Mexico ngâm con ấu trùng này chẳng phải vì bổ béo gì, mà nó chỉ giúp rượu cho mùi thơm nhẹ do ấu trùng tiết ra, đồng thời để rượu có màu vàng nhạt khá đẹp.

 
Rượu ngâm xúc xích của dân Mỹ - Ảnh: egullet.org 

Ôi, chỉ có thế thì quá xoàng.

Nhưng cũng để chắc ăn, tôi lục tung các trang web liên quan đến những loại rượu ngâm lạ. Trên trang web asylum.com chuyên về chuyện ăn nhậu, giải trí của dân Anh có nói khá nhiều về chuyện rượu ngâm. Trong đó, người ta “tôn vinh” Việt Nam là “trùm” về màn ngâm rắn, uống rượu pha tiết rắn. Còn các nước khác thì bèo lắm. Ví dụ dân Mỹ có món rượu ngâm… xúc xích. Ở Seattle (Mỹ) có một hãng rượu sản xuất Vodka Bacon (rượu vodka ngâm thịt heo muối). Nói về khoản ngâm rượu các loài động vật (nguyên con hoặc một bộ phận nào đó), họa may chỉ có Trung Quốc còn hi vọng bén gót dân ta. Tuy nhiên, họ cũng chỉ dừng lại mấy món như tay gấu, cao hổ cốt, hà nàm (bào thai) nai, nhím… Món độc nhất của Trung Quốc là ngâm chuột con ba ngày tuổi để chữa hen suyễn thì theo lương y Võ Hà viết trên Khoa Học & Đời Sống, món này cũng có ở Việt Nam lẫn Hàn Quốc.
Với dân phương Tây, chuyện đem động vật ngâm rượu có vẻ là cấm kỵ. Cấm từ phong tục tập quán, lối sống đến luật pháp. Năm 2008, báo chí ở Mỹ và các nước rần rần đưa tin anh chàng Bob Popplewll ở Texas đã bị Ủy ban đồ uống có cồn phát hiện việc trong nhà có đến 411 hũ rượu rắn. Trong mỗi hũ có chứa một chú rắn chuông! Kết quả cảnh sát đã bắt và tống giam anh vào tù vì tội tàn sát động vật.
Không phải dân Tây không khoái rượu ngâm, có điều họ chỉ ngâm thực vật là chính. Ở Nga, người ta có loại rượu vodka ngâm horseradish (tạm dịch là cải ngựa, có vị cay như wasabi). Hay Pickle vodka là loại rượu ngâm với dưa chuột muối cũng rất được ưa thích. Nhưng nổi tiếng nhất là Chartreuse-Voiron của người Pháp, do các mục sư sáng chế khi ngâm trên 130 loại thảo dược. Loại rượu này đã đoạt nhiều giải thưởng quốc tế.

 
Ấu trùng Hypopta Agavis dùng để ngâm rượu Mezcal - Ảnh: thechobble.com 

Ta là số 1
Vâng, người Việt Nam có vẻ rất khoái ngâm, ngâm đủ thứ từ động vật đến thực vật. Nhưng rắn, bìm bịp, hải mã (cá ngựa), cao hổ cốt, tay gấu, nhung nai… dù quý nhưng quá thường. Thậm chí ở miền núi phía Bắc, nổi tiếng có rượu sâu chít. Viện Y học dân tộc quân đội đã làm hẳn một công trình nghiên cứu về con sâu này và kết luận rượu ngâm sâu chít có lợi cho sức khỏe đàn ông lẫn phụ nữ. Món này vài chục năm trước còn lạ với cánh đàn ông phương Nam, nhưng bây giờ cũng trở nên thường khi vào các quán ăn dân tộc trong khu vực sân bay Tân Sơn Nhất, chỉ vài chục ngàn đồng là có ngay một xị rượu sâu chít. Thậm chí rượu ngán (ngán có hình thù giống con ngao), đặc sản Quảng Ninh, giờ cũng tìm thấy ở Sài Gòn.
Còn thực vật thì vô vàn, từ chuối hột Phú Lễ - đặc sản Bến Tre, sim rừng, mỏ quạ của Kiên Giang đến, ba kích của Quảng Ninh, mơ Hương Tích, táo mèo…

 
Trứng yến ngâm rượu - Ảnh: H.T


Rượu ngâm bổ thật hay không hãy khoan bàn tới, với cánh mày râu việc trước tiên là phải lạ. Tôi cũng trong số đông thích lạ ấy. Tết năm rồi, biết rằng thời buổi này ba ngày tết mọi người thường ngại đi nên không dễ tụ họp anh em bạn bè. Nhưng nếu có hàng độc thì ới một tiếng là đủ quân số ngay. Biết tính bạn bè, gần cuối năm tôi khoe: ”Có một bình hải mã độc đáo, anh em có rảnh xin mời mùng 2 đến nhà”. Lập tức có tiếng xì xà: ”Tưởng gì, hải mã! Bèo như con cá kèo”. Ấy, đừng vội chê. Đố thắp đuốc tìm được cặp hải mã đại tướng quân đấy, tôi nói. Nghe hải mã đại tướng quân, anh em vội nhao nhao hỏi là sao? Thì mỗi con dài ba tấc, to bằng nửa cườm tay. Xưa nay hải mã toàn thấy cỡ bằng ngón tay chứ sao có hàng khủng cỡ đó. Ngay lập tức, mùng 2 tết năm ngoái quân tướng tụ họp đầy đủ để thưởng thức (cả bằng mồm lẫn mắt) cặp hải mã đại tướng quân. Hai vị đại tướng quân này tôi nài nỉ lắm ông anh rể mới cho, khi được một học trò là dân thủy sản tặng, kèm theo lời khoe: ”Hàng này có tiền cũng khó mua ”.
Năm nay mọi người lại hỏi có hàng độc gì không? Độc thì không có, nhưng có lạ. Số là hè vừa rồi, một người quen đang công tác ở Công ty Yến sào Khánh Hòa gửi tặng hũ rượu ngâm trứng chim yến. Xin nói rõ là không ảnh hưởng gì đến sự phát triển của yến. Cái này không có ngoài thị trường, vì nó chưa đủ cho dân trong ngành hưởng, lấy gì ra tới ngoài. Hỏi rượu ngâm trứng chim yến có tác dụng gì thì nghe bảo: rất tốt cho việc ổn định huyết áp. Ối trời, với các ông tầm ngũ tuần nghe thế là mê tít rồi.
Có điều dù khoái lạ đến mấy, tôi cũng như nhiều bạn bè đều không dám rớ đến một thứ: rượu huyết lình của vùng Lai Châu, Hòa Bình, Sơn La. Ắt có người sẽ hỏi huyết lình là gì. Xin trả lời, huyết lình là máu của khỉ cái tới tháng…Ôi thôi, nói tới đó là xin dừng, kẻo ăn tết không ngon miệng! 


Rượu ngâm Việt Nam

Rượu ngâm của Việt Nam rất phong phú. Hầu như gia đình nào cũng có một vài bình rượu ngâm trong nhà. Tạm chia làm hai loại như sau:
Rượu ngâm thảo dược
Trong thực tế, tùy địa phương, vùng miền có nhiều bí quyết ngâm rượu riêng, tuy nhiên người ta thường thấy rượu được ngâm với dâm dương hoắc, sâm các loại, kỷ tử, táo tàu, cùi nhãn, cùi  vải,  củ và rễ đinh lăng, cây mật gấu, thục, ba kích, chuối hột, mơ, tầm gửi (đặc biệt tầm gửi gỗ nghiến), quế chi, xuyên khung, nhục thung dung, hà thủ ô... Một số bài thuốc cổ truyền ngâm rượu trở nên nổi tiếng vì hiệu quả, như rượu Minh Mạng thang.
Rượu ngâm động vật
* Rượu ngâm nguyên con thường gặp là rượu rắn, rượu tắc kè, rượu bìm bịp, rượu chim sẻ, rượu cá ngựa, rượu ong đất, rượu ong vò vẽ, rượu hải long (rồng biển, sao biển), rượu tằm, rượu sâu chít, rượu hải sâm, rượu sò huyết, rượu ngán...
* Rượu ngâm từng phần tạng phủ động vật: ngâm bào thai (dê, bê, hổ, khỉ), tinh hoàn và dương vật (dê, hải cẩu, hổ), tiết động vật (rắn, dê), mật (mật gấu, mật rắn, mật trăn), óc (khỉ), tay (gấu)...
* Rượu ngâm các loại cao động vật: thường thấy rượu cao hổ cốt, rượu cao khỉ, rượu cao trăn, rượu cao sơn dương...
Theo Wikipedia

Thứ Bảy, 14 tháng 1, 2012

Hơn 4200 người được cứu thoát trong vụ lật tàu thủy ở Ý

Theo AP - DailyMail

Tàu du lịch Costa Concordia, dài 290m, chở hơn 4.000 hành khách và thủy thủ đoàn đã bị mắc cạn, lật nghiêng và phần lớn thân tàu bị chìm ngoài khơi nước Ý, vào  tối thứ Sáu 13/1.

Thông tin ban đầu, đã có ít nhất 3 người thiệt mạng và 69 người mất tích trong vụ tai nạn này.

Hãng tin ANSA trích dẫn thông tin từ văn phòng tỉnh trưởng tỉnh Grosseto cho biết 4.165 người đã được đưa lên bờ trong tổng số 4234 người trên tàu.

Tàu du lịch Costa Concordia đang chở khách du lịch vòng quanh Địa Trung Hải thì bị mắc cạn vào một rặng san hô gần Isola del Giglio, ngoài khơi Italia tối thứ Sáu 13/1. 

Sau một tiếng nổ lớn, con tàu nhanh chóng bị nước xâm nhập vào bên trong và bị nghiêng. "Chúng tôi đang bữa ăn tối thì ánh sáng bỗng nhiên phụt tắt, nghe thấy một tiếng nổ và tiếng ầm, và tất cả các thứ trên bàn bị kéo xuống sàn nhà," hành khách Luciano Castro nói với truyền thông địa phương.

Một số hành khách đã vội vã nhảy xuống biển trong thời tiết lạnh giá để cố thoát khỏi con tàu đang chìm. "Nó giống như một cảnh từ Titanic," hành khách Mara Parmegiani cho biết.


Vị trí vụ tai nạn

Tàu du lịch Costa Concordia, tháng 3/2009 tại Roma

Lâu đài trên biển










Sườn bên phải bị vỡ to

Hành khách đang chờ được cứu trên tàu
(Tấm ảnh này do một hành khách chụp bằng ĐTDĐ)


Hành khách đang được đưa sang ca nô cấp cứu






Hành khách được đưa lên bờ








Tương lai vắng bóng đàn ông?

Theo SK&ĐS 

Theo khẳng định của giới di truyền học, giống cái xuất hiện đầu tiên trên trái đất và phải tới 84 ngàn năm sau giống đực mới xuất hiện do “hậu quả” của sự đột biến nhiễm sắc thể giống cái. Vừa nhỏ bé hơn, ít ỏi hơn, lại thêm đặc tính luôn xuất hiện đơn lẻ trong tế bào nên nhiễm sắc thể Y – yếu tố đặc trưng cho “chất đàn ông” đang ngày một thoái hóa và rơi rụng dần. Trong tương lai, có thể sẽ không còn bóng dáng của đàn ông!
Giống đực - Sản phẩm của sự đột biến!
Từ lâu, giới khoa học đã quan tâm đến câu hỏi điều gì quyết định sự khác biệt giới tính và vì sao nhiễm sắc thể (NST) Y không tồn tại ở phụ nữ. Mãi tới năm 1923, các nhà sinh học mới phát hiện ra rằng, chúng ta kế thừa giới tính từ “cuộc chơi” của hai NST: X kép dành cho bé gái, X và Y - trường hợp bé trai. Từ thời gian đó, các nhà khoa học không ngừng săn lùng gen quyết định sự hình thành cơ quan sinh dục của phôi thai từ tuần thứ 5 của thai kỳ. Sau nhiều thất bại, đến đầu thập kỷ 90, tập thể các nhà khoa học thuộc Đại học Stanford, Anh mới nhận dạng được ứng viên quan trọng vốn “đồn trú” trên NST Y. Gen này được đặt tên là sex determing region of Y (SRY) - chính là chìa khóa của đàn ông tính. Nó hoạt động không khác gì ngòi nổ, khởi động vô số sự kiện liên quan đến hormon và kết quả cuối cùng dẫn đến sự hình thành cơ quan sinh dục đàn ông.
Do được “khai sinh” từ sự đột biến NST giống cái nên NST giống đực không còn khả năng tái phối hợp thông qua sự trao đổi gen với NST song sinh. Thêm vào đó, trong tế bào, NST Y luôn xuất hiện đơn lẻ, vì vậy sự rò rỉ thông tin di truyền là không thể tránh khỏi. Một khi có sự sai sót xảy ra trong quá trình sao chép, nếu ở phụ nữ, gen bị hỏng ở một NST của cặp nào đó có thể bị loại ra và được thay bằng gen tốt hơn ở NST “cặp” với nó. Nhưng với cặp NST X-Y ở giống đực, chẳng may một gen nào đó ở NST Y hỏng, coi như “đứt” vì nó không còn NST “anh em” nào để thay thế và tái kết hợp như với giống cái. Vì thế, trải qua một quá trình dài tiến hóa, NST Y ngày càng trở nên nhỏ hơn và cũng ít được dự trữ trong gen hơn.

Theo nghiên cứu của GS. Bryan Sykes, nhà di truyền học thuộc Đại học Stanford, hiện NST Y chỉ chứa số lượng nhỏ hơn 100 gen, trong khi đó có tới hơn 1.000 gen trong NST X. So với kích cỡ NST Y của các cụ tổ cách đây 250.000 năm, NST Y của nam giới ngày nay chỉ còn bằng 1/3 (khi ấy NST Y mang khoảng 1.400 gen nhưng giờ đây chỉ còn 78 gen). Điều đáng sợ hơn là quá trình suy thoái vẫn tiếp tục diễn ra. NST Y ngày một mang thêm nhiều đột biến có hại chưa từng thấy ở các thế hệ cha ông. Mỗi thế hệ đàn ông tiếp theo lại tích thêm một số lỗi về gen. “Cứ cái đà này, đàn ông có thể sẽ bị tuyên án tuyệt chủng trên con đường tiến hóa của giống nòi mình” - GS. Steve Jones - tác giả cuốn sách nổi tiếng Về nguồn gốc đàn ông nhận định. Trong tác phẩm này, GS. Steve Jones cũng đưa ra dự báo rằng, sau 125.000 năm nữa, chúng ta sẽ cạn kiệt nguồn gen trên NST Y, tức khoảng 5.000 thế hệ sau, đàn ông sẽ biến mất.
Phụ nữ sẽ là tương lai của nhân loại?
Trong khi NST Y đang phải đối mặt với nguy cơ suy thoái và biến mất thì NST X lại có tương lai đầy hứa hẹn. Loại NST dùng chung cho cả hai giới này còn mang theo vô số gen được kết nối vào chức năng của não bộ. Cho đến nay, người ta vẫn tin rằng, ở phụ nữ - đối tượng được trang bị hai NST X, chỉ có một hoạt động còn NST thứ hai sẽ bị “ngủ quên”. Thế nhưng, những nghiên cứu gần đây lại phủ nhận kết luận như vậy. Sự thực có tới 25% số gen ở cả hai NST X cùng hoạt động tích cực - yếu tố cho phép tế bào sửa chữa gen hư hỏng. Đặc điểm “co giãn” di truyền này tạo cho phái yếu khả năng tự vệ hữu hiệu hơn cũng như phạm vi mô phỏng rộng lớn hơn. Nó cũng cho phép nữ giới né tránh không ít bệnh tật kế thừa liên quan đến gen di truyền qua NST X, vốn chủ yếu đổ lên phái mày râu - từ hói đầu, đến thiếu máu; từ tự kỷ đến hội chứng rối loạn cơ bắp.
Có một điều chắc chắn là trong suốt thời kỳ dài tiến hóa, nghiễm nhiên nữ giới được ưa chuộng hơn - bao gồm cả khâu sinh nở - công việc ngày nay là một trong những địa hạt cuối cùng, nơi tính biệt lập của hai giới vẫn còn được xác định rõ ràng. Mặc dù cho đến nay, nam giới vẫn góp phần quan trọng trong việc duy trì nòi giống thế nhưng trên thực tế, sự “trượt dốc”, suy thoái của những NST Y cùng với sự tiến bộ của khoa học công nghệ đang khiến cho vị thế của cánh đàn ông ngày một yếu dần đi. Ngay bây giờ, nhà triết học kiêm sinh học Henry Atlan đã tiên đoán rằng: đàn ông sẽ tuyệt chủng.
Nhưng, sự kết thúc của đàn ông không đồng nghĩa với sự kết thúc của loài người. Ngày càng có nhiều bằng chứng chứng tỏ rằng loài người có thể tồn tại mà không cần đến các ông bố. Việc chú cừu Dolly ra đời không cần đến giống đực hay việc các nhà y học sinh sản tuyên bố rằng họ đã “chế tạo” thành công tế bào sinh sản người bằng phương pháp nhân tạo cho thấy vai trò cuối cùng của đàn ông trong thụ tinh có khả năng trở thành không cần thiết. Theo dự báo của các nhà di truyền học, trong tương lai, khoa học sẽ đưa tự nhiên về với trạng thái giống như nguyên thủy của nó, tức là đàn ông sẽ biến mất. Và như vậy, cuộc sống sẽ ra sao?
Kiên Trung(Theo Spiegels)

Thứ Tư, 11 tháng 1, 2012

TRONG QUÝ 1 NĂM 2012 SẼ SÁP NHẬP 5-8 NGÂN HÀNG


Trong một hội nghị kinh tế, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình đã cho biết như trên thông qua một người phiên dịch. Ông nói: ”Tôi nghĩ rằng trong quý đầu của năm 2012 sẽ có từ 5 đến 8 ngân hàng được sáp nhập”. Được biết đây là động thái tiếp theo trong nỗ lực tái cơ cấu ngành ngân hàng.

Nguồn: Reuters

Thứ Ba, 10 tháng 1, 2012

CHAVEZ VÀ AHMADINEJAD BÓNG GIÓ VỀ QUẢ BOM NGUYÊN TỬ DÀNH CHO MỸ

Ngày 9/1/2012, tổng thống Iran Ahmadinejad đến thăm Venezuela nhằm tìm kiếm sự ủng hộ kinh tế khi phương Tây đang thắt chặt sự trừng phạt đối với Iran vì nước này bắt đầu tái làm giàu uranium – một bước phát triển hướng tới việc sản xuất  bom hạt nhân - tại một địa điểm bí mật dưới lòng đất.
Hai ông đã cười nói, ôm hôn, nắm tay nhau và cho ra đời câu chuyện rùng rợn nhằm đe dọa Mỹ, kẻ thù chủ yếu của hai ông.
 Ông Chavez nói rằng có một quả bom nguyên tử nằm trong ngọn đồi phía trước dinh Tổng thống.  Ông nói thêm: "Các người phát ngôn chủ nghĩa đế quốc nói rằng Tổng thống Ahmadinejad và tôi đang đi vào tầng hầm để thiết lập tầm ngắm của chúng tôi tới Washington và khởi động pháo và tên lửa ... Thật là nực cười. "...

TSYG: Không biết hai ông này gặp nhau sung sướng kiểu gì mà nói năng bạt mạng như thế. Mượn câu của người phát ngôn CNĐQ để nói thay cho điều mình muốn nói. Đùa hay là thật? Giỡn hay là hăm dọa đây? Dưới đây là một số hình ảnh cuộc gặp "ghê răng" đầu năm 2012 này:
Vui sướng quên cả ung thư

Huynh đệ lâu ngày mới gặp nhau

Ở ngọn đồi phía trước có một quả bom nguyên tử...

Sắp tới tôi rất khó khăn, anh nên viện trợ cho tôi một ít...

Ok, chuyện nhỏ. - Cám ơn, và... âu yếm xoa lưng
 Nguồn: Daily Mail


GÓC HÀI HƯỚC: NGÀY KHÔNG QUẦN TRÊN TÀU ĐIỆN NGẦM


Ngày Chủ nhật 8/1/2012 vừa qua đã diễn ra “Ngày không quần trên tàu điện ngầm” trên 59 thành phố lớn của 27 quốc gia. Phong trào này do nhóm hài thực tế Improv Everywhere khởi xướng và tổ chức vào tháng 1 hàng năm, ngày càng lan rộng khắp thế giới, đến nay đã được 11 năm. Nhóm này cho biết mục tiêu của họ là gây ra cảnh bất ngờ và tạo ra niềm vui nơi công cộng. Dưới đây là một số hình ảnh :

Ở London


Ở New York


Ở Madrid


Ở Mexico City


Ở Australia

Ở Barcelona

Ở Buenos Aires

Ở Đài loan

Ở Vancouver

Ở Warsaw

Ở Việt nam ta nếu có "Ngày Không Quần" biết đâu bà con khoái, ùn ùn sử dụng phương tiện giao thông công cộng. Từ đó có thể góp phần giảm ùn tắc giao thông, bà con đỡ phải đóng phí lưu hành. Nếu chưa có xe điện ngầm thì ta cứ mạnh dạn tổ chức "Ngày Không Quần trên xe Bus". Mời thử cái coi!

Tham khảo:   Improv Everywhere

Thứ Hai, 9 tháng 1, 2012

Kinh hoàng “công nghệ” xăng dỏm

Khác với hình dung của nhiều người rằng xăng dỏm chỉ có ở những điểm bán nhỏ lẻ bên lề đường, trong nhiều ngày thâm nhập, PV Thanh Niên đã phát hiện sự thật kinh hoàng đằng sau những chuyến xe bồn chở xăng dầu đến các cây xăng lớn của nhà nước lẫn tư nhân để bán cho người tiêu dùng. Nguyên nhân xảy ra những vụ cháy liên tục cũng có thể từ đây.


Bơm chất lỏng vào bồn xăng

 "<EMBED...>" plugin was removed by WebWarper antivirus 
Xem video clip
Theo đúng quy trình vận tải xăng dầu, xe bồn (thường là loại 16.000 lít, 4 hầm chứa) sau khi lấy hàng từ kho phải chở thẳng đến các cây xăng hoặc nhà máy, xí nghiệp để bán cho người tiêu dùng. Thế nhưng, tại TP.HCM, những xe bồn sau khi “ăn hàng” ở Tổng kho xăng dầu Nhà Bè đã rẽ ngang các “trạm pha chế” bí mật.
Những bãi đáp bất thường
Những ngày đầu đeo bám theo các xe bồn xuất phát từ Tổng kho xăng dầu Nhà Bè, chúng tôi đã rất ngạc nhiên không hiểu nhiều khu vực vắng vẻ, thưa thớt dân cư tại các cung đường Hoàng Quốc Việt, Đào Trí, Huỳnh Tấn Phát... (Q.7) “có cái gì” hấp dẫn mà các tài xế đều tranh thủ đưa xe ghé qua với hành tung bí hiểm.
Một đặc điểm chung của những bãi đáp này là rất kín cổng cao tường, phía trước cũng không hề ghi địa chỉ hay tên doanh nghiệp. Trước cổng ra vào luôn có một số thanh niên mặt mày bặm trợn cảnh giới, đi qua đi lại, láo liên quan sát không cho bất cứ người lạ nào có cơ hội tiếp cận. Khi thấy xe bồn quen vừa trờ tới, những người này nhanh chóng mở cổng để xe chạy thẳng vào trong và cánh cổng được đóng lại gần như ngay lập tức.

Điểm mặt những xe bồn “làm bùa”
Chỉ trong một buổi sáng, chúng tôi chứng kiến hàng loạt xe bồn ghé vào “trạm pha chế” với các thủ thuật tương tự. Chẳng hạn các xe 57K-7617, 57H-2316, 51E-003.28, 57M-0456 (trực thuộc Petrolimex), 57K-9343 (thuộc Công ty TNHH thương mại dịch vụ vận tải hàng hóa H.P), các xe 51E-024.90, 57K-5052, 57K-5660...
Trong hơn nửa tháng đeo bám “trạm pha chế” này, chúng tôi ghi nhận trong khi các xe khác cách ngày hoặc vài ngày mới ghé một lần, thì riêng xe 57K-8275 của Công ty cơ khí xăng dầu ngày nào cũng vào đây pha chế.

Thông thường, cứ tầm 8 giờ sáng các ngày trong tuần, trừ chủ nhật, từng đợt xe bồn sau khi nhận hàng từ tổng kho liên tục đổ về đây. Khi còn cách bãi đáp không xa, tài xế điện thoại thông báo cho người canh gác để chuẩn bị mở cổng. Cứ vậy, xe bồn ghé vào các điểm tập kết chỉ trong 15 - 20 phút, lâu nhất là nửa tiếng, rồi những cánh cổng lại nhanh chóng được mở để các xe này tiếp tục hành trình chở xăng dầu đến các cây xăng đại lý. Sau khi xe bồn vừa phóng đi, cũng là lúc xuất hiện một lực lượng khác chở lỉnh kỉnh đủ thứ thùng, can nhựa... và chỉ vài phút sau họ đã nhanh chóng rời khỏi với những can nhựa đầy ắp xăng dầu.
Trong nhiều ngày quan sát bên ngoài, chúng tôi ghi nhận xe bồn của các hãng xăng dầu lớn như Tổng công ty xăng dầu VN (Petrolimex), Công ty cổ phần cơ khí xăng dầu (trực thuộc Petrolimex), lẫn xe bồn của các doanh nghiệp vận tải được thuê để chở xăng dầu cho các cây xăng như H.P, H.N, T.P, N.B... đều ghé các bãi đáp này một cách bất thường.
Vào vai thợ bẫy chim lật tẩy “quy trình pha chế”
Các bãi đáp đều được canh phòng cẩn thận nên chúng tôi mất rất nhiều thời gian để tìm cách tiếp cận. Có lẽ ông chủ của các bãi đáp này đều đã có sự tính toán kỹ lưỡng để tránh mọi sự dòm ngó. Hơn chục địa điểm mà chúng tôi phát hiện không chỉ kín cổng cao tường, lau sậy um tùm che khuất mọi tầm nhìn, mà xung quanh cũng không có công trình cao tầng nào để có thể phóng tầm mắt quan sát các hoạt động bên trong.
Sau nhiều ngày suy tính, chúng tôi quyết định tiếp cận trực tiếp. Để tránh nghi ngờ của đội ngũ cảnh giới, từ 5 giờ sáng, chúng tôi đóng vai thợ bẫy chim, tay xách lồng chim mồi, vai đeo túi đựng thang dây. Kiên nhẫn chờ đến lúc những người canh gác không để ý, chúng tôi lách ra phía sau, men theo bãi lau sậy dọc đầm lầy, tiếp cận bức tường cao gần 3 mét, dùng thang để vượt tường. Toàn bộ khuôn viên bên trong rộng vài trăm mét vuông, chất đầy thùng phuy, bồn chứa, can nhựa, máy bơm nước...
Từ phía cổng, chiếc xe bồn mang biển kiểm soát 57K-8275 (của Công ty cổ phần cơ khí xăng dầu, trực thuộc Petrolimex) vội vã tiến vào khu vực chúng tôi đang quan sát. Xe vừa dừng, rất nhanh chóng, một người đàn ông trong xe trèo lên, cúi xuống một góc của xe cầm lên chiếc kéo. Một cách thuần thục, người này dùng kéo cắt đứt niêm (loại niêm nhựa) của 2 trong số 4 hầm chứa xăng rồi lần lượt mở nắp hầm. Ở bên dưới, 2 người đàn ông chờ sẵn vội vã tháo ống bơm quấn dưới xe ra, xả đầy xăng vào 8 can nhựa loại 50 lít. Sau đó, người bên dưới kéo một ống dây từ máy bơm, đưa lên phía trên nóc xe. Người ở trên nhanh nhẹn cầm lấy ống, bơm vào từng hầm một loại chất lỏng khá trong.
Sau khi áng chừng lượng bơm vào tương đương với lượng xăng vừa rút ra, người ở trên tiếp tục chụp lấy một bình loại 1 lít (hoặc xô) do người bên dưới chuyền lên, rồi đổ chất trong bình vào các hầm xăng trên xe. Sau khi hoàn tất các công đoạn trên, người này đóng nắp hầm lại, dùng kéo cắt bỏ phần dây của niêm nhựa đã bị cắt đứt trước đó, chỉ giữ lại miếng nhựa có ghi số niêm, rồi xâu một sợi dây khác qua và quấn niêm vào nắp hầm như cũ.
Toàn bộ quy trình trên diễn ra rất nhanh, thao tác của những người này cũng hết sức nhuần nhuyễn, kể cả thời gian xe bắt đầu vào đến khi ra khỏi “trạm pha chế” chỉ mất 15 - 20 phút. Xe vừa đi khỏi, người trong bãi liền nhanh chóng trút từng can xăng vào các thùng phuy và bồn chứa lớn, chờ giao lại cho “lực lượng vận chuyển thô sơ” xuất hiện ngay sau đó. (Còn tiếp)


Dùng kéo cắt niêm nhựa trên nắp hầm chứa xăng


Bơm chất lỏng vào hầm để bù cho lượng xăng đã rút bên dưới


Lần lượt đổ vào từng hầm một lượng chất lỏng -  Ảnh: Phương Thanh - Trần Hơn
Phương Thanh - Trần Hơn

Chủ Nhật, 8 tháng 1, 2012

BỘ TRƯỞNG Y TẾ NGUYỄN THỊ KIM TIẾN: 'Xây bệnh viện khó hơn xây chung cư rất nhiều'

TSYG: Dù đã nghe nhiều, đọc nhiều những bài phỏng vấn các quan kiểu như thế này nhưng TSYG vẫn đăng lại với chút... hy vọng năm sau tình hình sẽ khá hơn. 

Buổi phỏng vấn được thực hiện trên website của Chính phủ, xoay quanh các vấn đề nóng của ngành y như quá tải bệnh viện, tăng viện phí, cải thiện y tế tuyến xã, tuyến huyện... VnExpress.net trích đăng một số câu hỏi hay.
- Tình trạng quá tải ở các bệnh viện đang là vấn đề làm cho người dân hết sức lo lắng mỗi khi đến khám, chữa bệnh. Bộ trưởng nhìn nhận như thế nào về vấn đề này và trong những năm vừa qua đã có những hoạt động gì để hạn chế tình trạng đó?
- Quá tải bệnh viện là vấn đề lớn xảy ra nhiều năm nay không chỉ xảy ra ở những nước đang phát triển mà ở cả các nước phát triển. Nhưng quá tải ở các nước phát triển chúng ta không nhìn thấy được bởi họ hẹn bệnh nhân, có nước là tới 6 tháng để đến khám. Ở Anh, họ phấn đấu rút ngắn thời gian chờ đợi khám bệnh thông thường (không phải cấp cứu) xuống 18 tuần.
Ở Việt Nam, tình trạng này khá trầm trọng và cần nỗ lực của nhiều bộ, ngành, địa phương và chính người dân mới giải quyết được.
Tôi xin nói tóm tắt về những giải pháp đã làm như cố gắng tăng số giường bệnh, kê thêm giường, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, làm việc cả thứ 7 và Chủ nhật, có đơn vị làm việc từ 4 giờ sáng.
Ứng dụng công nghệ thông tin để giảm bớt thời gian chờ đợi của bệnh nhân. Giảm bớt thời gian nằm viện để giải phóng giường nhanh.
Tăng cường, khuyến khích xã hội hóa, mở thêm bệnh viện tư. Hiện nay, số giường của bệnh viện tư chiếm 3,5%, phần nào giúp giảm tải số bệnh nhân ngoại trú.
Chúng ta có đề án 1816, chuyển giao công nghệ từ tuyến trên cho tuyến dưới để tuyến dưới có thể chữa bệnh mà không cần chuyển lên tuyến trên.
Tuy nhiên, tình trạng quá tải vẫn tăng do nhiều nguyên nhân trong đó có điều kiện kinh tế- xã hội, tập quán như dân số tăng nhiều, trong khi số bệnh viện mở ra không nhiều. Tỷ lệ số giường bệnh trên 1 vạn dân còn khiêm tốn, hết năm 2011 là 20,5 giường/1 vạn dân. Trong khi đó, theo tiêu chuẩn của WHO thì ít nhất phải là 33 giường/1 vạn dân, còn tại Hàn Quốc là 86 giường/1 vạn dân, Nhật Bản là 140 giường/1 vạn dân.
Thứ 2, mô hình bệnh tật thay đổi nhiều, trước kia chỉ có bệnh nhiễm trùng. Giờ nhiều bệnh cao huyết áp, tiểu đường, ung thư…
Thứ 3, do mức thu nhập tăng, dân trí tăng, giao thông thuận lợi, tỷ lệ bảo hiểm tăng (hiện đạt 60% dân số)… thu hút, làm cho người dân đi khám bệnh nhiều hơn, chăm sóc sức khỏe nhiều hơn, muốn vượt lên tuyến trên nhiều hơn. Điều đó, tạo sự quá tải lớn, nhiều khi không cần thiết, có khi có sự quá tải ảo. Theo nghiên cứu của chúng tôi, có tới 60% bệnh nhân ở tuyến trung ương có thể điều trị ở tuyến dưới…
Nguyên nhân nữa là cơ chế tài chính, giá dịch vụ tuyến trung ương không chênh lệch nhiều so với tuyến dưới.
Luật bảo hiểm y tế được ban hành, giúp bảo hiểm y tế được mở rộng hơn, tạo điều kiện cho bệnh nhân đăng ký khám chữa bệnh bất cứ nơi nào, vượt tuyến được thanh toán 30%.
Về giải pháp căn cơ, lâu dài thì một mình ngành Y tế khó có thể thực hiện mà cần cả hệ thống chính trị, cả người dân phải vào cuộc. Bộ Y tế đang soạn thảo đề án giảm tải bệnh viện trình Chính phủ trong thời gian tới, bao gồm một số giải pháp chính:
1- Tăng số giường bệnh, mở thêm bệnh viện.
2 - Củng cố, tăng cường y tế địa phương, cơ sở. Bộ Y tế mong muốn thành lập Vụ y tế địa phương. Tăng cường năng lực, trang thiết bị cho tuyến dưới, trạm y tế xã.
3 - Đổi mới cơ chế tài chính, để thu đủ bù chi. Bộ Y tế đã trình Chính phủ dự thảo Nghị định đổi mới cơ chế tài chính và đã chuẩn bị khi văn bản được ban hành. Khi đó, hy vọng sẽ có thông tư liên bộ điều chỉnh Thông tư đã ban hành quá lâu về giá dịch vụ y tế.
4 - Giải pháp kỹ thuật- phân tuyến kỹ thuật. Bộ Y tế sẽ đổi mới cách phân tuyến, tùy theo năng lực của đơn vị để phân. Bên cạnh đó là quy chế về chuyển bệnh nhân. Theo nguyên tắc, trong 100 người đến khám bệnh, có 80-90 người mắc bệnh nhẹ, có thể điều trị ngoại trú, có thể điều trị bằng phác đồ thông thường, còn lại 10 – 20 người mắc bệnh nặng mới cần lên tuyến trên cùng. Tăng cường mạng lưới bác sỹ gia đình… Tăng cường đào tạo để bổ sung nhân lực ngành y.
- Ở nước ta có tỉ lệ 20,5 giường bệnh/10.000 dân là quá thấp so với khu vực và quốc tế. Tại nhiều bệnh viện, mỗi ngày, một bác sĩ khám trung bình cho 80-90 bệnh nhân. Tình trạng này đã diễn ra từ nhiều năm nay nhưng vì sao vẫn chưa có biện pháp khắc phục?
- Câu hỏi của ông rất có lý và cũng là nỗi trăn trở của ngành. Còn biện pháp khắc phục thì như tôi đã nói. Nhiều cơ sở đã mở hết cỡ các chỗ khám bệnh, không thể mở thêm. Như BV Bạch Mai, khoa Ung bướu quá chật, Bộ Y Tế sẵn sàng sử dụng ngân sách của Bộ chứ không phải là từ trái phiếu để “cấp cứu khẩn cấp”, xây thêm 50, 70 giường bệnh nữa, không thể để tình trạng 4, 6 bệnh nhân nằm một giường. Tuy nhiên, tìm khắp nơi không có chỗ trống, nên họ đề nghị xây dựng chồng thêm tầng. Tôi hỏi nếu thế thì các giường bệnh hiện tại phải ngừng hoạt động, nhưng phía bệnh viện nói bên xây dựng sẽ có cách.
- Việc đầu tư xây dựng bệnh viện như hiện nay là quá ít, trong khi đó, đầu tư xây dựng dành cho các công trình thương mại, chung cư...ngày càng nhiều. Phải chăng lợi ích kinh tế được coi trọng hơn việc chăm lo sức khỏe cho người dân?
- Trong thời gian qua, nền kinh tế thị trường phát triển, nhưng chính sách của Đảng và Nhà nước vẫn nhất quán là ưu tiên cho y tế, giáo dục, Nhà nước đóng vai trò chủ đạo. Tuy nhiên, trong thực hiện, dù đầu tư cho y tế có tăng dần nhưng vì ngân sách quá hạn hẹp nên ngân sách cho y tế vẫn còn khiêm tốn so với nhu cầu.
Thứ hai, theo thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường, quỹ đất dành cho y tế và giáo dục là khiêm tốn nhất. Đây là vấn đề thuộc về quy hoạch của từng địa phương. Để có đất dành cho y tế, các địa phương cần dành quỹ đất trong quy hoạch, mà phải là đất sạch, nếu không chi phí cho giải phóng mặt bằng sẽ rất lớn.
Thứ ba, việc xã hội hóa, kêu gọi các thành phần kinh tế xây dựng bệnh viện rất được khuyến khích, nhưng số doanh nghiệp đầu tư xây bệnh viện chắc sẽ ít hơn số lượng doanh nghiệp đầu tư vào chung cư. Lý do là xây bệnh viện khó hơn xây chung cư rất nhiều, đòi hỏi kỹ thuật, nhân lực, chưa kể trách nhiệm rất nặng nề với sinh mạng, sức khỏe con người… Vừa qua, các địa phương, nhất là các thành phố đã có quy hoạch đất. Hà Nội đã dành 5 khu đất ở ngoại thành để mở rộng, di dời, mở cơ sở 2 cho các bệnh viện…
Tuy nhiên, như tôi đã nói, đất quy hoạch phải là đất sạch và phải có kinh phí thì mới xây dựng được bệnh viện. Còn nếu kêu gọi xã hội hóa, phải có lợi nhuận và như thế người dân sẽ khó tiếp cận dịch vụ. Do đó, với y tế, giáo dục, Nhà nước đầu tư là chủ yếu.
- Tôi vừa nghe Bộ trưởng trả lời về đề án giảm quá tải bệnh viện. Vậy Bộ trưởng có thể cho biết, thời điểm nào hết quá tải?
- Chúng tôi mong muốn càng sớm càng tốt, phụ thuộc vào đề án giảm tải bệnh viện với ý chí quyết tâm của toàn ngành Y tế nhưng cần sự đồng thuận của các bộ, ngành khác cũng như sự đồng thuận của nhân dân (như không cần thiết thì không vượt tuyến, lên tuyến trên khám chữa bệnh…).
Ngoài ra, phải có nguồn đầu tư, sau khi xây xong bệnh viện phải có trang thiết bị đáp ứng yêu cầu. Bên cạnh đó, chúng tôi hy vọng thời gian tới đội ngũ cán bộ y tế sẽ đáp ứng tốt hơn nhu cầu.
- Vừa qua, Bộ Y tế có chủ trương tăng viện phí. Xin hỏi mức tăng cụ thể là bao nhiêu, được tính toán như thế nào? Sau khi tăng giá thì chất lượng khám, chữa bệnh sẽ được cải thiện đến đâu ?
- Việc tăng giá là do chúng tôi điều chỉnh Thông tư 14 từ năm 1995 và Thông tư 03 từ năm 2006. Chúng tôi vẫn dựa trên quy định của các thông tư đó, tức là trong 7 yếu tố tạo nên giá, thì giai đoạn này chỉ tính 3. Cụ thể, các chi phí trực tiếp (máu, dịch truyền, bơm kim tiêm…), chi phí điện nước, chi phí sửa chữa một số trang thiết bị, tức là những phần tối thiểu nhất.
Về mức tăng, ví dụ công khám trước đây 3.000 đồng một lượt, sau khi tăng sẽ là: Hạng đặc biệt (trên Trung ương) là 20.000 đồng, hạng 2 (tuyến huyện) là 15.000 đồng, hạng 3 là 10.000 đồng, hạng 4 (ở trạm y tế xã và phòng khám đa khoa khu vực chưa phân hạng) là 5.000 đồng.
Căn cứ để điều chỉnh công khám bệnh là tình hình trượt giá và mức lương cơ bản. Mức lương cơ bản 830.000 đồng cũng đã tăng 6,9 lần so với khi bắt đầu áp dụng mức viện phí cũ. Thu nhập bình quân đầu người cũng đã tăng từ 500 USD lúc đó lên trên 1.000 USD hiện nay.
Về điều chỉnh giá giường bệnh, hiện nay tại các chuyên khoa cao cấp là 20.000 đồng một ngày, còn thông thường từ 10-18.000 đồng. Mức thu này không thể nào đáp ứng được chi phí khám chữa bệnh. Có những bệnh viện đến nay bệnh nhân vẫn nằm chiếu và chăn chiên, hỏi thì họ bảo làm gì có tiền mà mua. Sau khi điều chỉnh, các giường nội khoa (trước đây là từ 1.500 đồng đến 10.000 đồng) dự kiến sẽ tăng lên 20.000 đồng đến 80.000 đồng, tùy điều kiện trang bị.
Còn giá các dịch vụ kỹ thuật, trước là 330 dịch vụ, nay chúng tôi bỏ đi 130 dịch vụ, vì đã lạc hậu hoặc trùng, 222 dịch vụ còn lại được rà soát và điều chỉnh thành 277 dịch vụ. Khoảng 70% dịch vụ tăng giá dưới 5 lần, chúng tôi thấy mức tăng này phù hợp vì mức lương cơ bản đã tăng 6,9 lần, mệnh giá bảo hiểm y tế cũng tăng từ 3% lên đến 4%. Với mức tăng đó, giá dịch vụ sẽ tương xứng hơn với chi phí, dịch vụ cũng sẽ tốt hơn.
Một điểm đáng chú ý, trước đây chúng ta không quy định giá giường nằm đôi, nằm ba... nhưng với quy định mới, giá sẽ giảm xuống còn 50% với nằm đôi, còn 30% nếu nằm ba. Và sắp tới chúng tôi sẽ đưa vấn đề hạn chế nằm ghép vào tiêu chí thi đua, dĩ nhiên là phải có thời gian và phải tiến hành dần dần.
Cán bộ y tế hết sức mong mỏi vấn đề này, nhiều người cho rằng nếu không tăng viện phí thì một số bệnh viện tuyến huyện, tuyến tỉnh không thể hoạt động được.
- Ba cháu bị bệnh thận và tiểu đường, năm nào cũng vài lần vào viện điều trị, mỗi lần như vậy, má cháu lại phải đôn đáo vay mượn để có đủ hai, ba triệu đồng lo tiền viện phí, thuốc men. Cháu rất lo rằng, rồi đây, khi viện phí tăng, những gia đình nghèo như gia đình cháu sẽ trông cậy vào đâu để có tiền chữa bệnh?
- Hiện nay chúng ta đang thực hiện đẩy nhanh lộ trình bảo hiểm y tế toàn dân. Nếu như gia đình cháu ở địa phương được xếp diện nghèo, Nhà nước gần như trả hết chi phí mua bảo hiểm y tế, gia đình cháu chỉ phải đồng chi trả 5%. Ngay cả việc cùng chi trả 5%, hiện quỹ khám bệnh cho người nghèo 139 Bộ Y tế đã trình, sắp ban hành, đối với phần chi trả 5% đó, nhà nước sẽ chi trả luôn trong trường hợp đó là những bệnh hiểm nghèo, chạy thận nhân tạo, mổ tim... Còn thuộc hộ cận nghèo, Bộ Y tế trình Chính phủ, Quốc hội năm tới hỗ trợ 70%, chỉ bỏ ra 30%. Còn nông dân, dân diêm, học sinh nghèo được hỗ trợ 30-50%. Một giải pháp nữa là tham gia bảo hiểm tình nguyện, mua thẻ mệnh giá chưa đến 500.000 đồng, tất cả chi phí trong bệnh viện sẽ được trả hết. Người dân sẽ được chăm sóc.

Thứ Sáu, 6 tháng 1, 2012

CHỐNG THAM NHŨNG Ở BRASIL: 7 THÁNG SA THẢI 7 BỘ TRƯỞNG

Mấy hôm nay, sự kiện nhà báo Hoàng Khương – người đã viết khoảng 50 bài báo chống tiêu cực và tham nhũng – bị bắt đã tạo ra một cơn sốt hiếm có trong cộng đồng mạng. Chưa biết câu chuyện sẽ kết thúc thế nào, nhưng dù sao sự kiện này đã là một cú đòn chí mạng giáng vào đội ngũ các nhà báo chuyên viết về đề tài chống tiêu cực và tham nhũng. Rồi đây, chắc sẽ không còn bao nhiêu nhà báo dám dấn thân trong mảng thông tin đầy hiểm nguy này.  Mình bỗng thở dài xót xa khi nhìn sang đất nước bên kia bán cầu: đất nước Brasil.
Sau khi ông Lula da Silva hết nhiệm kỳ 2  làm Tổng thống , bà Dilma Rousseff đã trúng cử và trở thành nữ Tổng thống đầu tiên của Brasil. Ngày 1/1/2011 bà  làm lễ tuyên thệ nhậm chức. Kế thừa thành quả do người tiền nhiệm để lại, cuối năm 2011 bà đã đưa nền kinh tế Brasil vượt qua Anh Quốc trở thành nền kinh tế thứ 6 thế giới (theo Bloomberg) và Tổ chức Tiền tệ thế giới dự báo năm 2016 Brasil sẽ qua mặt Pháp để trở thành nền kinh tế thứ 5 thế giới. Hiện nay bà được 72% dân chúng tín nhiệm theo kết quả thăm dò dư luận mới nhất. Và ấn tượng mạnh nhất mà bà Rousseff để lại trong năm đầu tiên của nhiệm kỳ là: trong 7 tháng từ tháng 6/2011 đến tháng 12/2011 bà đã sa thải 7 Bộ trưởng, 1 Thứ trưởng và hàng loạt quan chức  Chính phủ vì những cáo buộc liên quan tới tham nhũng. Mình sẽ điểm theo thời gian để hầu bà con:
Ngày 7/6/2011, sa thải Chánh Văn phòng Tổng thống Antonio Palocci sau khi ông này bị báo Folha de Sao Paulo phanh phui scandal liên quan đến tài sản tăng gấp 20 lần trong 4 năm.
      
Ông Antonio Palocci: luôn sát cánh cùng Tổng thống 

Cùng Tổng thống cổ vũ Đội tuyển Brasil
Ngày 6/7/2011 sa thải Bộ trưởng giao thông Alfredo Nascimento và sau đó sa thải tiếp 20 quan chức của Bộ này vì tham nhũng.

Ông A. Nascimento: đau đầu mà chưa tính được
bao nhiêu tiền cho đoạn đường này

Rồi thì cũng tính ra
Ngày 4/8/2011 sa thải Bộ trưởng quốc phòng Nelson Jobim vì tham nhũng trong các thương vụ mua máy bay chiến đấu và mạt sát đồng sự.

Ông N. Jobim: lái được máy bay nhưng không lái được Tổng thống

Nhà báo nào hay nhòm ngó vụ mua bán máy bay,
tao sẽ cho xuống hố cả nút!
Ngày 10/8/2011 cảnh sát Brasil bắt Thứ trưởng Bộ du lịch Frederico Silva da Costa cùng 37 quan chức khác thuộc bộ này vì các cáo buộc tham nhũng.

Ông F. Costa: mấy thằng kia đâu cả rồi,
sao để tao một mình thế này?

Ngày 18/7/2011 sa thải Bộ trưởng nông nghiệp Wagner Rossi vì ông này tham ô tài sản lớn của nhà nước để lập công ty gia đình.

Ông W. Rossi: sao mình lại toát mồ hôi trước Ủy ban điều tra thế này?

Thôi đành về vui thú điền viên
Ngày 14/9/2011 sa thải Bộ trưởng Du lịch Pedro Novais vì lạm dụng công quĩ cho việc riêng: trả lương cho người giúp việc và cho tài xế của vợ trong thời gian ông này làm nghị sĩ từ 2003 đến 2010.

Ông P. Novais: Anh tuy 81 tuổi nhưng còn máu lắm em nhá!

Đồng sự vỗ vai: Từ chức đi ông ạ!
Ngày 26/10/2011 Sa thải Bộ trưởng thể thao Orlando Silva vì ông này bỏ túi 23 triệu USD “lại quả” trong các dự án xây dựng sân vận động chuẩn bị cho WORLD CUP 2014 và OLYMPIC 2016.

Ông O. Silva: 23 triệu USD chỉ có chừng này,
vậy mà mấy ông cũng cứ làm cho lớn chuyện!


Định lấy tay che mặt trời, nhưng ...
Ngày 5/12/2011 sa thải Bộ trưởng lao động Carlos Lupi vì ông này nhận lại quả từ các tổ chức từ thiện và phi chính phủ là những tổ chức đang cần tiền từ Bộ lao động. Ông này còn nhận 2 đầu lương vừa của Quốc hội liên bang vừa của Quốc hội bang Rio de Janeiro trong 6 năm.

Ông C. Lupi: mấy chú vào bia ôm thì phải thế này thế này!

Anh đã nói rồi mà mấy chú đâu chịu nghe,
giờ đổ bể hết trơn hết trọi!

Mới qua một năm cầm quyền, bà Dilma Rousseff đã được mệnh danh là “Bà đầm thép” của Brasil. Còn bà thì tự nhận mình là “Người đàn bà dữ tợn nhất Brasil”.
Ông Lula da Silva và bà Dilma Rousseff: Chiến thắng


Bà Dilma Rousseff trong lễ nhậm chức


Xúc động trong tin cậy
Mình rất khâm phục quyết tâm làm trong sạch bộ máy nhà nước của bà, và càng khâm phục hơn khi thấy bà không hề lo sợ nguy cơ “không còn cán bộ để làm việc”. Xin nhắn riêng với bà Dilma Rousseff kính mến: Khi nào bà hết nhiệm kỳ bên đó, mời bà sang Việt nam làm việc bà nhé! He he!

Mời đọc lại: ĐỈNH CAO VÀ KẾT CỤC (Phần 1, Phần 2)