Thứ Tư, 30 tháng 1, 2013

TÌNH HÌNH TƯ TƯỞNG CỦA LAO ĐỘNG XUẤT KHẨU VIỆT NAM TẠI HÀN QUỐC RẤT CÓ VẤN ĐỀ !

Mình vừa đọc xong bài mới trên báo Người Lao động có tựa đề Hàn Quốc “cấm cửa” lao động Việt Nam, lòng bỗng thấy vô cùng xót xa và buồn rười rượi đến vô hạn.
Bài báo cho biết mặc dù hạn ngạch tuyển dụng lao động nước ngoài của Hàn Quốc năm 2013 là 62.000 người, tăng 8% so với năm 2012, nhưng Hàn Quốc tiếp tục loại Việt Nam khỏi danh sách các nước được phân bổ chỉ tiêu hồ sơ.
Chẳng phải vì lao động Việt Nam yếu sức khỏe và kém chuyên môn, cũng không phải vì lười biếng, hay thường nhậu nhẹt gây sự đánh nhau hoặc hay ăn cắp vặt… Nếu có thế thì đã đi một nhẽ.
Đằng này lại vì một cái lý do không thể chấp nhận được về đạo lý, tinh thần và ý thức chính trị công dân dưới chế độ xã hội chủ nghĩa. Đó là: mặc dù đã được chính quyền hết lòng yêu thương tin tưởng, gửi gắm sang Hàn Quốc làm việc dưới danh hiệu vô cùng cao quí là “Lao động xuất khẩu”, nhưng một bộ phận không nhỏ trong số này không ý thức được trách nhiệm cao cả mà chính quyền và nhân dân giao phó, không “tiết chế được lòng tham” đối với bơ thừa sữa cặn của chủ nghĩa tư bản mà đành đoạn bỏ trốn, không chịu về lại mảnh đất quê hương, nơi đã nuôi nấng dạy dỗ họ nên người, cũng là nơi đã chắt chiu dành dụm nhiều mùa lúa, bán lấy vài ba chục triệu để chạy chọt đút lót cho họ có một suất được đi lao động xuất khẩu ở Hàn Quốc.
Bạc bẽo với quê hương đến thế là cùng. Thiếu chung thủy với gia đình, bố mẹ, vợ con, bồ bịch gái gú … đến thế, cũng là cùng.
Ở đây cũng cần phải nói thẳng rằng, cái bộ phận ấy không phải là bộ phận nhỏ nữa đâu, mà thực chất đã là một bộ phận rất, rất to. Theo một quí ông chuyên ngành môi giới cò mồi cho biết trong bài báo, tỉ lệ người lao động thân yêu của chúng ta đang tâm bỏ trốn ở lại Hàn Quốc là hơn 60%. Cái bộ phận này như vậy là quá, quá to.
Mình đã phải xót xa đến trào hai hàng nước mắt và nước mũi khi đọc những dòng dưới đây của báo Người Lao động nói về những hậu quả, hệ lụy khủng khiếp mà cái bộ phận rất to này đem lại: “Không chỉ khiến hàng chục ngàn người mất cơ hội dự kiểm tra tiếng Hàn mà còn khiến hơn 10.000 lao động đã có hồ sơ dự tuyển từ 2 năm qua không được chủ sử dụng lao động Hàn Quốc lựa chọn, ký hộp đồng”.
Ôi, thật là đau xót biết bao nhiêu khi hàng chục ngàn người mất cơ hội dự kiểm tra tiếng Hàn. Và đau buồn làm sao kể xiết, khi hơn chục ngàn người đã có hồ sơ nhưng không được những ông chủ Hàn Quốc ký hợp đồng.
Một cảm giác chua chát đến nghẹn ngào dâng lên khi nghe những lời phân trần của vị cò mồi môi giới: “Dù rất nỗ lực, triển khai hàng loạt biện pháp nhưng chúng ta không ngăn chặn được lao động bỏ trốn ở lại Hàn Quốc, dẫn đến phía bạn chưa đồng ý nối lại hợp tác lao động”.
Hỡi những con người trong cái bộ phận rất to kia! Đã bao giờ các người tự hào về bản thân là người con của dân tộc Việt Nam, một dân tộc đã từng đánh thắng hai đế quốc to là Pháp và Mỹ chưa? Để đến bây giờ các người đã khiến bao nhiêu con người nộp hồ sơ xin được lao động cho Hàn Quốc - thằng chư hầu nhãi nhép ngày xưa của Mỹ, rồi bị chúng nó lạnh băng gạt phắt. Chính các người, chứ không phải ai khác, đã làm cho danh dự của người Việt Nam bị xúc phạm.
Thôi, nói với cái bộ phận rất to như thế là đủ rồi. Mà chẳng biết bọn họ có hiểu và có thấm hay không nữa.
Ở đây, qua sự việc vô cùng đau xót này, rõ ràng nguyên nhân chính nằm ở khâu tư tưởng. Tư tưởng của lao động xuất khẩu Việt Nam tại Hàn Quốc là rất có vấn đề.
Mình xin được hiến kế sách gồm 3 điểm cốt lõi tới các cơ quan chức năng, ngõ hầu cứu vãn tình trạng trên:
Một là, ra sức tuyên truyền vận động, động viên khuyến khích anh em khi đã hết hạn hợp đồng thì nên mau chóng trở về quê hương. Anh em sẽ được bố trí vào làm xã đội, dân phòng, tổ xe ôm tự quản ở các bến xe, bến tàu hay ở các ngã tư có đèn xanh đèn đỏ.
Hai là, tuyên truyền và giáo dục mạnh mẽ, khẳng định rằng trước sau Hàn Quốc vẫn là một nước tư bản. Mà đã là tư bản thì việc chúng đang giãy chết là tất yếu. Anh em hãy mau chóng trở về trong vòng tay thân yêu của dân tộc trước khi bọn tư bản lăn ra chết hẳn kẻo hết đường về quê.
Ba là, đối với những anh em nào do điều kiện công tác hoặc hoàn cảnh cá nhân chưa thể về nước ngay được, thì khuyến khích anh em tìm mọi cách trốn sang định cư tại Bắc Triều tiên, là nơi tương đồng ý thức hệ nên dễ ăn dễ nói. Nơi đó cũng đang bừng lên ánh sáng chói lòa vô cùng hiếm hoi của Chủ tịch Kim Jong Un vĩ đại.
Bốn là, đối với những anh em do hậu quả của việc bộ phận rất to bỏ trốn, mà chưa được dự kiểm tra tiếng Hàn thì sẽ mời các chuyên gia Bắc Triều tiên sang đánh giá chấm điểm để có thể lên đường sang Bình nhưỡng đầu năm 2014. Đối với các anh em đã nộp hồ sơ, cần mua gấp vé máy bay của hãng hàng không xe bò Triều Tiên để anh  em bay thẳng sang Bình Nhưỡng, từ đó tỏa về các nông trang giúp bà con thu hoạch rễ khoai, rễ sắn và vỏ cây để có cái cho vào mồm, chống đỡ qua năm 2013.
Hy vọng những dòng tâm huyết trên đây sẽ được các nhà hoạch định chiến lược xuất khẩu lao động quan tâm.
Sự nghiệp xuất khẩu lao động muôn năm !

Thứ Ba, 29 tháng 1, 2013

MỜI CÁC DƯ LUẬN VIÊN LÊN TIẾNG VỀ VIDEO: THỦ TƯỚNG ĐỨC ANGELA MERKEL LÀM LƠ CHỦ TỊCH CUBA RAUL CASTRO


Hội nghị thượng đỉnh CELAC-EU diễn ra hôm 26, 27-1-2013 tại Santiago, Chile. Đoạn video sau ghi lại một khoảnh khắc có một không hai của Hội nghị: Thủ tướng Đức Angela Merkel đi ngang qua mặt Chủ tịch Cuba Raul Castro, đồng thời là Chủ tịch Cộng đồng các nước Mỹ Latinh và Caribbean, đã làm lơ, không chào hỏi và không bắt tay. Vị Chủ tịch của Cuba cúi nhẹ đầu chào và dường như đang trông chờ một cử chỉ ngoại giao nào đó của bà Merkel nhưng không được đáp ứng, đành lặng lẽ bỏ đi. Người chứng kiến là Tổng thống Honduras Porfirio Lobo đã nhìn theo ông Raul Castro với một nụ cười đầy vẻ ngượng ngùng ái ngại:


Nếu mình là một dư luận viên của Cuba, mình sẽ "bấm nút", "phản ứng nhanh" với sự kiện này, và sẽ "tuyên truyền miệng" nhằm tẩy chay bà Merkel.
Đề nghị chủ tịch Raul từ nay về sau không thèm bắt tay bà Merkel nữa.

Người Việt Nam có câu: Một miếng giữa làng hơn một sàng xó bếp. Cần phải cho bà Merkel này một bài học về giao tiếp nơi công cộng !

Nguồn video: ABC

Thứ Hai, 28 tháng 1, 2013

VIỆT NAM CÓ ĐỊNH NGĂN CHẶN KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN “TAM SA” CỦA BÀNH TRƯỚNG TRUNG QUÔC ?

 Tờ Nhân dân nhật báo của Trung Quốc hôm nay 28-1-2013 ngang nhiên đăng bài “Thành phố trẻ Tam Sa bận rộn chuẩn bị cho du lịch”.
Theo đó, trong phiên họp Hội đồng nhân dân tỉnh Hải Nam hôm Chủ nhật, Xiao Jie, “thị trưởng của cái gọi là thành phố Tam Sa đã tuyên bố trong vòng một năm sẽ kết thúc giai đoạn đầu tiên xây dựng các cảng mới của đảo Phú Lâm của Việt Nam, một nhà máy khử muối nước biển có công suất 1.000 mét khối nước biển một ngày, một nhà máy xử lý nước thải và một hệ thống thu gom và vận chuyển rác thải. Một con tàu vận chuyển mới có tên gọi là Tam Sa 1, dài 120m, rộng 20m, trọng lượng 8.100 tấn sẽ được hoàn thành đầu năm 2014 để giúp vận chuyển các vật liệu cần thiết ra các đảo.
Vào tháng 9-2012, cái gọi là chính quyền thành phố Tam Sa công bố rằng 28 dự án cơ sở hạ tầng đầu tiên tại đây trị giá 3,81 tỉ USD.
Xiao cho biết y và các « quan chức » khác đang cố gắng để được chính quyền trung ương hỗ trợ về chính sách và tài chính. Bọn chúng đang bận rộn lập kế hoạch phát triển và kế hoạch bảo vệ môi trường cho Tam Sa.
Tỉnh Hải Nam sẽ tiếp tục “phát triển kinh tế biển” ở Biển Đông bên cạnh việc xây dựng cơ sở hạ tầng cho “thành phố Tam Sa”. Một đội tàu đánh cá Biển Đông sẽ được thành lập với 200 tàu thuyền đánh bắt cá trong vùng biển xung quanh “thành phố Tam Sa”.
Một nhân vật khác là Lu Zhiyuan, giám đốc du lịch tỉnh Hài Nam khẳng định rằng “du lịch ở Tam Sa là rất quan trọng đối với việc tăng trưởng kinh tế của tỉnh. Chúng tôi đang bận rộn để mở du lịch trong Tam Sa, và các tour du lịch sẽ là lựa chọn chính. Các tuyến hành trình đã được vạch ra”.
Ngoài du lịch, cái gọi là « thành phố Tam Sa » cũng đã có kế hoạch phát triển các ngành  công nghiệp dầu mỏ và khí đốt để điều khiển nền kinh tế
Để kết thúc, bài báo của Nhân dân nhật báo đã hết sức láo xược khi tuyên bố rằng: “Tam Sa được thành lập vào cuối tháng bảy để quản lý hơn 200 đảo nhỏ, bãi cát và rạn san hô ở quần đảo Hoàng Sa, trung Sa và Trường Sa, và 2.000.000 km vuông biển xung quanh”.
Rõ ràng là không chỉ dùng lời nói, bọn bành trướng đã và đang dùng đủ mọi cách cực kỳ nham hiểm, thâm độc và cũng hết sức trắng trợn nhằm tiến tới nuốt trọn Biển Đông cùng với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam.
Từ việc xây dựng xong cái gọi là "thành phố Tam Sa" đến việc bọn bành trướng chiếm trọn Biển Đông chỉ là gang tấc. Ấy thế nhưng thật lạ lùng, chưa bao giờ nghe ai nói về việc ngăn chặn Bắc Kinh "xây dựng và phát triển thành phố Tam Sa".
Ngoài thuật ngữ nhàm chán đến mức nguy hiểm là dùng “biện pháp hòa bình”, có cách nào để ngăn bước tiến của bầy quỉ dữ bành trướng, trước hết là làm phá sản kế hoạch “phát triển thành phố Tam Sa” của bọn chúng hay không?
Lần này, chẳng biết người phát ngôn có bước ra: “Phản đối, phản đối, phản đối!”, để rồi cuối cùng mọi thứ lại rơi vào im lặng hay không?
Chịu. Và chẳng dám hy vọng.

Chủ Nhật, 27 tháng 1, 2013

THƯ DZÃN: DINH-LẮC XIN-VẮT, CHỊ LÀ AI?


Người bạn nghịch ngợm thời niên thiếu của mình hôm qua bảo: Mày về tra Google xem Dinh-lắc Xin-vắt cho ra những kết quả nào nhé.
Mình về gõ y chang như thế vào cái cửa sổ của trang Google, enter một cái thật to, thì rất bất ngờ: những kết quả đều chỉ ra rằng đây là tên gọi của những tờ báo “nhớn” của nước ta, gọi tên đương kim Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra.
Ôi, tên gọi của vị nữ Thủ tướng xinh đẹp kiều diễm của Thái Lan, người mà mình rất ngưỡng mộ cả về tài năng và nhan sắc, lại bị biến thành những âm thanh ngô nghê và khô khốc như thế sao?
Có lẽ mấy tay nhà báo xứ ta tinh nghịch thế nào đó, chứ làm sao lại gọi là Xin-vắt? Xin vắt là xin vắt cái gì, vắt cam, vắt chanh hay là vắt … sữa?
Nhưng cũng không loại trừ, đây là cách phiên âm tiếng nước ngoài của một số tờ báo nhớn, vì mình thấy một số tờ chuyên phiên âm theo kiểu như thế.

Chị Dinh-lắc Xin-vắt đang tươi cười bắt tay anh Ô-ba-ma

Nhiều tờ báo đã gọi tên vị Chủ tịch Quốc hội Thái Lan một cách rất oai phong ngạo nghễ là Ngài Sổm-sặc Kiệt-sụ-ra-nôn nữa kia. Mới hôm qua, có báo đăng tin Đoàn Bộ Ngoại giao, Thương mại và Hội nhập nước Cộng hòa Ê-cu-a-đo do Thứ trưởng M.An-bu-ha dẫn đầu sang thăm Việt Nam. Chẳng hiều sao không gọi luôn là Ăn-bú-hả cho nó nên thơ, mà lại để An-bu-ha ngang phè phè như thế?
Rõ ràng, cách phiên âm như thế là chỉ có ở Việt Nam, vừa hiện đại lại vừa đậm đà bản sắc dân tộc. Nó hết sức đặc biệt, và cũng cực kỳ ấn tượng. Duy chỉ có điều khi đọc theo cách phiên âm này, cần phải cẩn thận vì nếu không may gặp phải làn gió độc, lơ mơ là bị méo miệng suốt đời.
Kể lại kết quả tra Google cho anh bạn, hắn cười khè khè rồi bảo: Ấy là ông còn chưa biết, bên Ru-ma-ni toàn cu không à, có một đồng chí tên là Xê-ra-tau-xét-cu nữa.
Nghe mà kinh! Nhưng mình vẫn mơ được sang thăm cái xứ sở Ru-ma-ni này, để được diện kiến đồng chí Xê-ra-tau-xét-cu một lần xem sao.

Thứ Sáu, 25 tháng 1, 2013

VẪN KHÔNG DÁM ỦNG HỘ PHILIPPINES


Thế là rõ rồi!
Câu chuyện đình đám Philippines kiện Trung Quốc ra tòa án Liên Hợp Quốc về đường lưỡi bò 9 đoạn, vẫn chỉ là chuyện riêng của Philippines. Chuyện này chả hề liên quan gì đến chủ quyển biển đảo thiêng liêng của Việt Nam gì sất, nhá !
Bản tin lúc 20h24 tối nay 24-1-2013 của Thông tấn xã VN (và rất nhiều tờ báo điện tử đã đăng lại nguyên xi, chắc là được định hướng cẩn thận) có nội dung cực kỳ lạnh lùng và vô cảm như sau:
Ngày 24/1, trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết phản ứng của Việt nam trước việc Philippines khởi kiện Trung Quốc ra tòa Trọng tài được thành lập theo điều 287 và Phụ lục VII của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS), Phó Chủ nhiệm Ủy ban Biên giới Quốc gia Bộ Ngoại giao Nguyễn Duy Chiến nêu rõ:
“Lập trường nhất quán của Việt Nam là các vấn đề liên quan đến Biển Đông cần phải được giải quyết bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982.
Việt Nam cho rằng các quốc gia hoàn toàn có quyền lựa chọn các biện pháp hòa bình để giải quyết các tranh chấp phù hợp với Hiến chương Liên Hợp Quốc, luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982”.”
Ông Nguyễn Duy Chiến còn khẳng định việc Trung Quốc vừa mới phát hành bản đồ “thể hiện thông tin sai lệch về chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt nam ở Biển Đông là phi pháp và vô giá trị”.
Ở đây, cần phải làm rõ mấy việc:
1) Không mấy ai biết ông Nguyễn Duy Chiến là ông nào. Vì sao bỗng dưng ông Chiến với chức danh Phó chủ nhiệm Ủy ban Biên giới xuất hiện, rồi trả lời quá sức vô hồn vô tâm vô cảm về việc Philippines kiện Trung Quốc? Người có thẩm quyền trả lời về việc này, chỉ có thể là người phát ngôn Lương Thanh Nghị, chứ không bao giờ và không thể nào là ông Chiến.
2) Ông Chiến sao dám thay mặt cả đất nước Việt Nam, trả lời với một thái độ cực kỳ vô trách nhiệm đến như thế? Cứ như thể rằng câu chuyện tranh chấp Biển Đông là ở đâu xa lắc, là của ai đó ở tận đẩu tận đâu chứ không phải là việc Trung Quốc đang xâm chiếm toàn bộ quần đảo Hoàng Sa và một phần quần đảo Trường Sa của Việt Nam, tiến tới chiếm toàn bộ Biển Đông bằng việc khoanh Biển Đông bởi đường lưỡi bò 9 đoạn.
3) Đây là  cách trả lời của ai, nếu không phải là của kẻ cơ hội chỉ chờ chực sự thành công trong việc anh bạn Phi kiện tụng Trung cộng, vừa là của kẻ hèn hạ cố đám ăn xôi đã bị anh bạn 4 tốt bắt thóp?
4) Vì sao không để bác Lương Thanh Nghị, người phát ngôn chính thức của Bộ Ngoại giao, trả lời thẳng mấy ông phóng viên rằng: Việt Nam ủng hộ lập trường của Philippines trong việc kiện Trung Quốc ra Tòa án quốc tế, mà lại đưa một người không đủ tư cách và thẩm quyền như ông Chiến ra nói những câu dzô dzuyên và ma giáo như trên ?
Chán, không còn gì để bán !

Thứ Tư, 23 tháng 1, 2013

BIỆN PHÁP HÒA BÌNH CỦA TA KHÁC VỚI BIỆN PHÁP HÒA BÌNH CỦA PHILIPPINES

Sự kiện Philippines chính thức đưa vấn đề Trung Quốc cùng với đường lưỡi bò chín đoạn ra Tòa án quốc tế đang làm nóng các mặt báo, không chỉ ở ta mà còn trên toàn thế giới. Đồng loạt, các hãng tin nổi tiếng, hàng đầu của truyền thông quốc tế như CNN,  VOA, BBC, RFI, WSJ, ABCnews …đều đã đăng tải, cho thấy bộ mặt hung hãn và nhơ nhớp của bọn bành trướng Bắc Kinh bị phơi bày ra ánh sáng trước toàn thế giới như thế nào.
Qua vụ này, không biết sự bẽ mặt, ê chề của Trung cộng đối đối với quốc tế có làm “tiết giảm lòng tham” của bọn chúng được chút nào không, chỉ biết là cho đến giờ này, Bắc Kinh hầu như chưa có phản ứng gì. Tân Hoa Xã chỉ đăng lại lời nói của Đại sứ Trung Quốc tại Philippines, còn các tờ báo khác của Đảng và chính phủ TQ chưa thấy lên tiếng. Chắc là vì quá bất ngờ và xấu hổ.
Xấu hổ quá đi chứ, một nước đông dân nhất với nền kinh tế đứng hàng thứ hai thế giới, cùng với những lời nói xoen xoét đầu môi chót lưỡi “TQ hành xử có trách nhiệm với cộng đồng quốc tế”, lại bị một nước thường thường bậc trung kiện ra Tòa án Liên hợp quốc. Cứ tưởng rằng là kẻ anh hùng hảo hán, có sứ mệnh giúp đời giúp người, thì bây giờ mặt nạ bỗng rớt xuống, lộ rõ là kẻ cướp đường, cướp ngày thứ thiệt, với bao thủ đoạn bần tiện, ác độc và bỉ ổi nhất thiên hạ.
Bờ lốc của Bọ Lập có ngay bài Việt Nam khi mô đây? Cái tựa của Bọ làm mình liên tưởng ngay đến câu “Trời ơi em biết khi mô, thân em hết nhục giày vò năm canh” của Tố Hữu. Bọ khẳng định cách làm của Philippines là cách tốt nhất để bảo vệ chủ quyền bằng biện pháp hòa bình, Việt Nam ta nên hưởng ứng cùng với các nước khác, tạo nên sức mạnh tổng hợp chống lại tham vọng bành trướng. Cuối bài, Bọ nghi ngờ: “Miệng thì nói phải bảo vệ chủ quyền bằng phương pháp hòa bình, khi có cách bảo vệ chủ quyền bằng phương pháp hòa bình hay rứa lại không làm. Thật lạ quá”.
Thưa Bọ, cho nhà em nói một câu cho nó mau, để Bọ đừng mất công nghĩ ngợi làm gì cho mệt óc: Biện pháp hòa bình của ta nó khác hẳn với biện pháp hòa bình của Philippines. Là bởi vì anh bạn Phi làm gì có“vinh dự” tương đồng ý thức hệ với bọn bành trướng, cũng làm gì có "may mắn" được khoác vào cổ mấy cái của nợ “4 tốt”, 16 chữ vàng” của bọn chúng.
Nó khác, khác lắm, khác hẳn, Bọ ạ.


Thứ Ba, 22 tháng 1, 2013

Mỹ - Nhật sẵn sàng đánh chìm tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc

Trong trường hợp xảy ra chiến tranh với Trung Quốc liên quan đến quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư trên biển Hoa Đông, Bộ Quốc phòng Nhật Bản có kế hoạch phối hợp với quân đội Mỹ đánh chìm tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc.

Mỹ - Nhật sẵn sàng đánh chìm tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc

Tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc
Tờ Want Daily (Đài Loan - Trung Quốc) dẫn thông tin đăng tải trên tờ Sankei Shimbun, tờ nhật báo của Nhật Bản có trụ sở tại Tokyo, cho biết, kịch bản chiến lược được đặt ra là Nhật Bản sẽ sử dụng các chiến đấu cơ F-15J với sự hỗ trợ của không quân Mỹ để “loại khỏi vòng chiến đấu” máy bay tiên tiến của Trung Quốc. Nhật Bản sau đó có thể sẽ dùng máy bay chiến đấu F-2 tấn công các chiến hạm cỡ lớn của hải quân Trung Quốc. 

Theo nhà phân tích quân sự Trung Quốc Trần Quang Văn, nếu không có không quân yểm trợ, thì tàu sân bay và tàu đổ bộ tấn công của hải quân Trung Quốc sẽ trở thành “miếng mồi ngon” của máy bay chiến đấu Nhật Bản và Mỹ. Tuy nhiên, điều kiện tiên quyết không thể thiếu là phải có sự hợp tác của Mỹ, Nhật Bản mới có thể giành thắng lợi trong cuộc chiến tiềm tàng với Trung Quốc. Một mình Nhật Bản không thể đánh bại được lực lượng không quân Trung Quốc. 

Trong khi đó, một chuyên gia phân tích quân sự khác của Trung Quốc, Quách Tuyên thì cho rằng, tàu sân bay Liêu Ninh dường như là mục tiêu chính của Nhật, việc đánh chìm biểu tượng sức mạnh trên biển của Trung Quốc sẽ khiến quốc gia này khuất phục.    

Cũng liên quan đến vấn đề tranh chấp quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, ngày 18-1, phát biểu tại buổi họp báo chung với người đồng nhiệm Nhật Bản Fumio Kishida ở Washington, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton khẳng định Mỹ công nhận quyền quản lý của Nhật Bản đối với quần đảo Senkaku/Điếu Ngư và quần đảo này nằm trong phạm vi điều chỉnh của Hiệp ước an ninh Nhật - Mỹ. “Mỹ phản đối bất cứ hành động đơn phương nào nhằm làm suy yếu hay phá hoại quyền quản lý của Nhật Bản với quần đảo Senkaku/Điếu Ngư”, bà Hillary nói nhưng không đề cập trực tiếp đến Bắc Kinh. Mặc dù vậy sau đó Trung Quốc đã lên tiếng phản đối và chỉ trích Mỹ “bội tín” khi ủng hộ Nhật về quần đảo tranh chấp trên.
Hoàng Cường 
Nguồn: News.go.vn

Thứ Bảy, 19 tháng 1, 2013

Hoan hô Báo THANH NIÊN



Đã lâu lắm rồi, lần đầu tiên được đọc một bài báo hết sức xúc động bởi những dòng chữ hào hùng, bi tráng khi ôn lại trận hải chiến Hoàng Sa năm 1974. Đó là bài Quyết liệt vì Hoàng Sa trên báo Thanh Niên ngày hôm nay 19-1-2013. Bài báo đã nói lên tinh thần anh dũng hy sinh của các chiến sĩ Hải quân VNCH nhằm bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ Quốc đối với quần đảo Hoàng Sa. Bài báo cũng đã điểm mặt, chỉ tên đích danh Trung Quốc là KẺ ĐỊCH (2 lần), là kẻ XÂM LƯỢC, XÂM LĂNG (3 lần), là kẻ CƯỠNG CHIẾM, XÂM CHIẾM, ĐÁNH CHIẾM… (13 lần).  
Thời buổi gì mà lạ thật. Một bài báo phản ánh một sự thật lịch sử hiển nhiên như thế lại được coi là hiếm hoi, là dũng cảm. Nhưng cũng chính điều đó đã làm cho mình xúc động đến cay khóe mắt.
Xin cảm ơn Báo THANH NIÊN. Hoan hô Báo THANH NIÊN !


Quyết liệt vì Hoàng Sa

THANH NIÊN


Ngày này cách đây đúng 39 năm, Trung Quốc dùng vũ lực cưỡng chiếm toàn bộ quần đảo Hoàng Sa. Hành động phi pháp ấy đã vấp phải sự kháng cự mãnh liệt của người Việt Nam và sự lên án mạnh mẽ của thế giới.

Ngày 25.11.2011, trong phát biểu trước Quốc hội, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đề cập tới hai thời điểm Trung Quốc xâm chiếm quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam: “Năm 1956, Trung Quốc đã đưa quân chiếm đóng các đảo phía đông của quần đảo Hoàng Sa. Đến năm 1974, Trung Quốc dùng vũ lực đánh chiếm toàn bộ quần đảo Hoàng Sa trong sự quản lý của chính quyền Sài Gòn, tức chính quyền Việt Nam Cộng hòa (VNCH). Chính quyền VNCH lúc đó đã phản đối, lên án việc làm này và đề nghị Liên Hiệp Quốc can thiệp. Chính phủ lâm thời cách mạng miền Nam Việt Nam lúc đó cũng ra tuyên bố phản đối hành vi chiếm đóng này”. Thủ tướng cũng cho biết Chính phủ Việt Nam sẽ kiên trì đòi lại Hoàng Sa bằng biện pháp hòa bình.
Phát biểu của người đứng đầu Chính phủ của một đất nước Việt Nam thống nhất đã nhắc chúng ta nhớ tới một ngày bi tráng của 39 năm về trước, khi đất nước còn chia đôi. Đó là ngày 19.1.1974, Trung Quốc nổ súng cưỡng chiếm quần đảo Hoàng Sa. Các chiến hạm cùng quân nhân VNCH đã chiến đấu quyết liệt, nhưng cuối cùng với một lực lượng mạnh hơn, Trung Quốc đã chiếm được cụm phía tây của quần đảo Hoàng Sa, sau khi đã chiếm cụm phía đông hồi thập niên 1950, qua đó chiếm đóng phi pháp toàn bộ quần đảo này từ đó đến nay.
Xâm lăng
Trận hải chiến Hoàng Sa diễn ra trong khoảng 30 phút vào ngày 19.1.1974, nhưng trước đó nhiều ngày, Trung Quốc đã bắt đầu những chuyển động cho hành trình xâm lược của mình. Ngày 10.1, tàu Trung Quốc bắt đầu xuất hiện trong khu vực cụm tây quần đảo Hoàng Sa. Sau đó một ngày, Bộ Ngoại giao nước này phát đi từ Bắc Kinh tuyên bố rằng Hoàng Sa và Trường Sa là của Trung Quốc và VNCH đang chiếm đóng phi pháp. Ngay lập tức, Tổng trưởng Ngoại giao Vương Văn Bắc của chính quyền Sài Gòn đã bác bỏ luận điệu ngang ngược này và lên án hành động xâm lăng gây hấn của Trung Quốc.
Lúc bấy giờ, về mặt quân sự, phía Việt Nam chỉ có một trung đội địa phương quân thuộc Chi khu Hòa Vang trú đóng trên đảo Hoàng Sa. Để tăng cường sức mạnh bảo vệ biển đảo, Tư lệnh Hải quân Vùng 1 Duyên hải vào ngày 15.1 đã ra lệnh cho tuần dương hạm Lý Thường Kiệt (HQ-16), do trung tá Lê Văn Thự làm hạm trưởng, trực chỉ Hoàng Sa. Tiếp theo, khu trục hạm Trần Khánh Dư (HQ-4) do trung tá Vũ Hữu San chỉ huy đang tuần tra vùng biển ngoài khơi Quảng Ngãi cũng được lệnh tức tốc tới bảo vệ Hoàng Sa. Sau đó, do diễn biến phức tạp, tuần dương hạm Trần Bình Trọng (HQ-5) và hộ tống hạm Nhật Tảo (HQ-10) cũng đã được điều động. HQ-5 là soái hạm, với hạm trưởng là trung tá Phạm Trọng Quỳnh; còn HQ-10 do thiếu tá - Hạm trưởng Ngụy Văn Thà chỉ huy. Ban Chỉ huy công tác trên biển của chiến dịch bảo vệ Hoàng Sa được đặt trên tàu HQ-5, với đại tá Hà Văn Ngạc thừa lệnh Tư lệnh HQ Vùng 1 Duyên hải làm chỉ huy trưởng.
Trong thời gian này, phía Trung Quốc đã cho tàu cá chở quân lính giả dạng ngư dân tiến chiếm một số đảo. Công điện 50.356 của Tư lệnh Hải quân Vùng 1 Duyên hải gửi HQ-4, HQ-5 và HQ-16 cho biết: “Trung Cộng đã bất thần tiến chiếm các đảo Robert (Cam Tuyền - NV), Duncan (Quang Hòa), Drummond (Duy Mộng) và Money (Vĩnh Lạc) thuộc quần đảo Hoàng Sa kể từ ngày 10.1.1974. Hiện có 2 tàu loại 100 tấn neo đậu tại đảo Robert... Trên đảo Duncan có 1 chòi quan sát... Tại đảo Money có 1 hầm còn mới...”. Công điện còn cho biết phi cơ của Sư đoàn 1 Không quân đang trực ở sân bay Đà Nẵng. Nhiệm vụ được giao cho lực lượng bảo vệ Hoàng Sa là trước hết sử dụng đường lối ôn hòa, yêu cầu kẻ địch rút khỏi lãnh thổ Việt Nam, trong trường hợp địch khai hỏa thì “tập trung khả năng để tiêu diệt địch”, lệnh từ văn phòng chỉ huy ở Đà Nẵng truyền ra cho HQ-5 nêu rõ.
Lúc bấy giờ, lực lượng chiến đấu của phía Trung Quốc có 11 tàu, trong đó có 2 tàu chống ngầm Krondstadt, 2 tàu quét lôi, vài tiểu đoàn thủy quân lục chiến và một số tàu chở quân. Bên cạnh đó, Trung Quốc còn có một đội quân dự phòng ở Hải Nam, trong đó có nhiều tàu tên lửa Komar và Osa.
Nổ súng
Sáng sớm 19.1, một toán Biệt hải từ HQ-4 và một đội Hải kích từ HQ-5 chia làm hai mũi dùng bè cao su đổ bộ lên tái chiếm đảo Quang Hòa. Một cuộc đọ súng xảy ra giữa quân VNCH và quân Trung Quốc đã chiếm đảo này từ trước cùng với số mới đổ bộ từ các chiến hạm gần đấy. Cuộc giao tranh này khiến 2 quân nhân VNCH tử thương và sau đó, do quân số ít hơn rất nhiều, hai toán đổ bộ của VNCH đã phải rời đảo, trở lại tàu.
Lúc này, các tàu chiến trên biển đã di chuyển theo đội hình chiến thuật, bộ chỉ huy trên soái hạm HQ-5 chỉ định mục tiêu cho từng chiến hạm thành viên để tiêu diệt. Theo đó, HQ-5 đối đầu tàu Krondstadt 274; HQ-4 đối đầu Krondstadt 271; HQ-10 đối đầu trục lôi hạm 396; HQ-16 đối đầu trục lôi hạm 389. Lúc 10 giờ 22 sáng 19.1.1974, lệnh tác xạ đồng loạt vào các chiến hạm Trung Quốc được ban hành từ HQ-5. Thông tin công khai trước đây cho rằng tàu Trung Quốc đã nổ súng trước. Tuy nhiên, mới đây, nguyên Hạm trưởng HQ-4 Vũ Hữu San xác nhận rằng, lúc bấy giờ, tàu chiến của VNCH đã “chủ động khai hỏa”. Ngay trong những phút đầu, một chiếc Krondstadt đã bị trúng đạn bốc cháy. Sau đó, chiếc Krondstadt thứ hai cũng hư hại và phải ủi vào rạn san hô gần đó để khỏi chìm. Phía VNCH cũng chịu tổn thất khi HQ-4 và HQ-5 đều trúng đạn nhưng vẫn còn chiến đấu được; HQ-16 bị hư hại nặng hơn và phải dần rút khỏi vòng chiến. Riêng HQ-10, là tàu nhỏ nhất, bị bắn chìm và Hạm trưởng Ngụy Văn Thà tử trận.
Đến gần 11 giờ, có tín hiệu cho thấy Trung Quốc đang tăng viện với các tàu tên lửa Komar xuất hiện từ phía xa. Nhận thấy tình thế bất lợi, chỉ huy trưởng Hà Văn Ngạc đã ra lệnh cho toàn bộ lực lượng rời vùng giao tranh. Trong cuộc chiến này, theo con số thống kê chưa đầy đủ, 53 quân nhân VNCH đã bỏ mình vì nước; một số quân nhân và nhân viên khí tượng bị bắt làm tù binh và đã được trao trả sau đó. Phía Trung Quốc có 4 tàu bị bắn hỏng và 18 binh sĩ chết.
Sau trận chiến ngắn ngủi nhưng ác liệt, Trung Quốc đã chiếm trọn quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Dù thế, trận hải chiến 1974 một lần nữa khẳng định ý chí bất khuất của người Việt Nam trong sứ mệnh bảo vệ chủ quyền. Trước một kẻ thù mạnh hơn và trong một tình hình chính trị chung có nhiều diễn biến bất lợi, các quân nhân đã kiên cường nổ súng vào kẻ xâm lăng. Cuộc chiến đó cũng một lần nữa làm nổi rõ tính phi nghĩa của Trung Quốc tại Hoàng Sa và trên toàn biển Đông về sau, như tuyên cáo của Bộ Ngoại giao VNCH số 015/BNG sau trận hải chiến 1974 đã vạch rõ: “Các hành động quân sự của Trung Cộng là hành vi xâm phạm trắng trợn vào lãnh thổ VNCH”. Hành động dùng vũ lực để chiếm lãnh thổ của nước khác đi ngược lại với Hiến chương LHQ, và vì thế, dù cho đã chiếm đóng toàn bộ Hoàng Sa gần 40 năm qua, Trung Quốc mãi mãi vẫn không có được một tư cách hợp pháp đối với vùng lãnh thổ này.  
Tư liệu cho bài viết này được lấy từ Tài liệu Hải chiến Hoàng Sa (Vũ Hữu San, Trần Đỗ Cẩm), qua trao đổi với ông Vũ Hữu San và một số cựu quân nhân tham gia trận hải chiến cũng như tham khảo nhiều tài liệu khác.
Đỗ Hùng




Thứ Tư, 16 tháng 1, 2013

XÃ LUẬN ĐẦU TAY CỦA MỘT DƯ LUẬN VIÊN: CỰC LỰC PHẢN ĐỐI TÒA ÁN TỐI CAO RA LỆNH BẮT THỦ TƯỚNG Ở … PAKISTAN

Mình đã viết đơn xin được làm Dư luận viên, nhưng chưa co kết quả. Trong thời gian chờ đợi, mình “bấm nút”, “phản ứng nhanh” bằng bài viết ngắn gọn và súc tích này, coi như thêm một tài liệu minh chứng cho cái “lăng nực” nhỏ bé của mình, nhằm làm cho hồ sơ xin việc của mình tăng thêm phần giá trị. Cũng có thể coi đây là bài Xã luận đầu tay trong cuộc đời làm Dư luận viên của mình. Kính mời bà con góp ý, mình xin cảm ơn “nắm nắm”.
Quả thật, rằng thì là không thể nào tin được. Một chuyện vô cùng động trời vừa xảy ra ngày hôm qua, thứ ba 15-1-2013: Tòa án tối cao ra lệnh bắt Thủ tướng về tội tham nhũng, ở … Pakistan.
Do thời gian gấp gáp, chưa có điều kiện tìm hiểu nên chưa biết Chánh án tòa án tối cao Pakistan là ai cũng như vị Thủ tướng tên là gì. Nhưng việc Chánh tòa tối cao ký lệnh bắt Thủ tướng là một việc làm không thể nào, không bao giờ có thể được đông đảo nhân dân ta, ấy lộn, nhân dân Pakistan chấp nhận và dung thứ. Đây là một việc làm hết sức nóng vội, hấp tấp, cho thấy một bản lĩnh chính trị cực kỳ non kém và non nớt, chẳng khác gì vác gậy chống trời. Thông qua sự kiện này, Tòa án tối cao (đương nhiên là của Pakistan) đã giáng một cú thôi sơn vào uy tín của Đảng Nhân dân Pakistan, của Nhà nước Pakistan đối với toàn thể nhân dân (Pakistan), làm cho thị trường chứng khoán ngay trong ngày 15-1-2013 bị sụt giảm 500 điểm.
Mà, Thủ tướng (Pakistan) có tội tình gì kia chứ. Lệnh bắt ghi rõ tội danh tham nhũng, nhận lại quả trong các dự án điện, khi ông còn làm Bộ trưởng Bộ Nước và Năng lượng. Rõ ràng Tòa án tối cao đã có một cái nhìn hiết sức thiên kiến đối với Thủ tướng, việc nào đã qua thì cứ để nó qua, chứ cày xới lại chuyện cũ như thế phỏng có ích gì, cũng đâu có làm cho ai vui. Vả lại, mấy đồng lại quả vặt vãnh có đáng là bao, mà cứ thích làm cho lớn chuyện. Giá trị kinh tế của vụ việc là rất nhỏ, nhưng thiệt hại về chính trị mà Tòa án tối cao gây ra trong việc này lại quá lớn. Đây là kết quả của một cung cách làm việc nguyên tắc, máy móc, cứng nhắc và cứng đờ, không khoa học và linh hoạt, biết người biết ta. Nó là hệ quả của một lối tư duy yếu kém về bản lĩnh chính trị, dốt nát về chuyên môn luật pháp. Đặc biệt quyết định sai trái này rất dễ bị những thế lực thù địch lợi dụng nhằm chống phá nhà nước Pakistan.
Việc ban hành quyết định một cách hồ đồ của Tòa án tối cao không phải là lần đầu. Mới cách đây chưa đầy một năm, Tòa án này cũng đã ban hành quyết định, yêu cầu Thủ tướng (tiền nhiệm) từ chức. Rõ ràng, những sai phạm của Tòa án tối cao Pakistan là có hệ thống. Không thể loại trừ khả năng có bàn tay tình báo của nước ngoài trong những quyết định tai hại nói trên.
Đảng cầm quyền, Nhà nước và toàn thể nhân dân Pakistan cực lực phản đối, và yêu cầu Tòa án tối cao Pakistan rút lại ngay lập tức quyết định bắt Thủ tướng, một quyết định hết sức tào lao vô nghĩa trong bối cảnh chính trị Pakistan hiện nay. Không thể nào chấp nhận một quyết định coi thường hiến pháp, luật pháp và đặc biệt là coi thường lãnh đạo đất nước Pakistan.
Kẻ nào gây gió, ắt phải gặt bão !

Thứ Ba, 15 tháng 1, 2013

KHI BÁC LƯƠNG THANH NGHỊ TIẾP TỤC PHẢN ĐỐI TRUNG QUỐC

 Theo TTXVN trong bản tin phát lúc 19h52’ ngày 14-1-2013, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lương Thanh Nghị tiếp tục phản đối ông bạn “4 tốt, 16 chữ vàng” (nội dung phía cuối bài) .
Ngược thời gian, chỉ riêng năm 2012 , qua những thông tin được công bố chính thức, bác Lương Thanh Nghị đã lên tiếng phản đối Trung Quốc tại các cuộc họp báo mới chỉ có … 9 lần:
- Ngày 20-1-2012: phản đối Trung Quốc đơn phương ban hành lệnh cấm đánh bắt cá  ở Biển Đông.
- Ngày 21-3-2012: phản đối Trung quốc bắt giữ tàu và ngư dân Việt Nam khi đang hoạt động trong vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam.
- Ngày 15-5-2012: tiếp tục phản đối Trung Quốc công bố lệnh đánh bắt cá ở Biển Đông.
- Ngày 24-5-2012: phản đối Trung quốc bắt giữ 2 tàu cá và 14 ngư dân tỉnh Quảng Ngãi.
- Ngày 24-7-2012: phản đối Quân ủy trung ương Trung Quốc lập “Cơ quan chỉ huy quân sự” của “thành phố Tam Sa”, tổ chức bầu đại biểu hội đồng nhân dân của “thành phố” này.
- Ngày 31-8-2012: phản đối Trung Quốc mời thầu quốc tế tại lô dầu khí 65/12 thuộc vùng biển Việt Nam.
- Ngày 11-10-2012: phản đối một loạt các hoạt động của Trung Quốc xâm phạm chủ quyền Việt Nam tại 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa: sẽ dùng máy bay không người lái để giám sát vùng biển Hoàng Sa và Trường Sa, tổ chức lệ kéo cờ mừng quốc khánh tại đảo Phú Lâm – Hoàng Sa, Hạm đội Nam Hải tổ chức diễn tập tại vùng biển quần đảo Hoàng Sa, thành lập Phòng khí tượng “thành phồ Tam Sa”.
- Ngày 22-11-2012: phản đối Trung Quốc in đường lưỡi bò lên hộ chiếu.
- Ngày 4-12-2012: phản đối Trung Quốc “gây đứt cáp” tàu Bình Minh 2, thông qua bản sửa đổi “Điều lệ quản lý trị an biên phòng ven biển tỉnh Hải Nam”, cho xuất bản bản đồ “Tam Sa”.
Và lần này, ngày 14-1-2013,  bác Nghị tiếp tục phản đối Trung Quốc về những hành động vi phạm chủ quyền của Việt Nam: công bố chính thức và đưa vào hiệu lực “Điều lệ quản lý trị an biên phòng ven biển Hải Nam”, tổ chức tập trận tại đảo Quang Hòa thuộc quần đảo Hoàng Sa. Tổ chức khai thông và cung cấp dịch vụ 3G, CDMA tại đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa, phê duyệt “Qui hoạch phát triển du lịch tàu khách thành phố Tam Á 2012-2022 trong đó có các tuyến đi tới các đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa.
Bác Nghị khẳng định: “Những hoạt động nêu trên của phía Trung Quốc đã xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam tại Biển Đông và hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, làm cho tình hình Biển Đông thêm phức tạp, trái với tinh thần DOC, không có lợi cho hòa bình ổn định trong khu vực và quan hệ Việt Nam – Trung Quốc”.
Rồi nhấn mạnh: “Việt Nam kiên quyết phản đối và yêu cầu Trung Quốc hủy bỏ ngay các hoạt động sai trái đó”.
Không cần phải tưởng tượng nhiều, cũng có thể thấy ở phía bên kia, bọn bành trướng đang cười giễu cợt như thế nào: “Chúng mày thích phản đối thì cứ phản đối. Chúng mày có phản đối 100 lần, 1000 lần thì cũng chỉ để chúng mày nghe với nhau thôi. Chúng mày quên rằng quan hệ chúng ta là song phương à? Làm cho tình hình Biển Đông thêm phức tạp hả? Đấy là vì bọn tao muốn như thế. Tinh thần DOC hả? Bọn tao đek cần biết DOC là cái quái gì. Không có lợi cho hòa bình ổn định trong khu vực và quan hệ Việt Nam – Trung Quốc hả? Ấy là do bọn mày cứ thích nói thế, chứ bọn tao đâu cần, mà cũng chẳng quan tâm. Đối với bọn tao, điều tối thương là lợi ích cốt lõi của nước mẹ Trung Hoa, nghe chửa? Nhân đây, bật mí cho chúng mày rõ: Lợi ích cốt lõi của bọn tao bao gồm một phần, hoặc tốt nhất là tất cả lãnh thổ bọn mày đấy. Cứ làm quen dần đi, nhá!”
Qua hàng loạt sự kiện trên, có thể thấy bác Nghị đã mất nhiều công sức để phản đối bọn bành trướng, nhưng bọn chúng coi những lời phản đối của bác chẳng xi-nhê gì. Bác càng phản đối, thì bọn chúng lại càng lấn tới, nhằm chiếm trọn Biển Đông của Việt Nam.
Vậy, hà cớ gì cứ phải gọi cái bọn bành trướng vô cùng hung hãn và nham hiểm này là “người bạn 4 tốt” nhỉ?
Gọi là giặc, cũng còn chưa đủ !

Thứ Hai, 14 tháng 1, 2013

Trung Quốc quá trắng trợn!

Theo Người Lao động

Chủ Nhật, 13/01/2013 22:31

TS Trần Công Trục, nguyên trưởng Ban Biên giới Chính phủ, đánh giá như vậy về việc Trung Quốc chuẩn bị xuất bản bản đồ mới nêu tên 130 đảo ở biển Đông, trong đó có nhiều đảo thuộc chủ quyền Việt Nam

* Phóng viên: Ông nhìn nhận như thế nào về việc truyền thông Trung Quốc công bố nước này sẽ xuất bản bản đồ mới nêu tên 130 hòn đảo, trong đó có nhiều đảo thuộc chủ quyền Việt Nam?

- TS Trần Công Trục:
Trước hết, phải khẳng định việc Trung Quốc sắp xuất bản bản đồ mới nêu tên 130 hòn đảo là quá trắng trợn. Nhiều học giả gọi đây là chiến tranh bản đồ, dùng bản đồ với mưu đồ chứng tỏ họ có bản quyền với những vùng đất, vùng biển nào đó.
Hành động này nằm trong tham vọng “đường lưỡi bò” nhằm biến biển Đông thành ao nhà của Trung Quốc. Cụ thể là họ đã sử dụng những tên mà các triều đại trước đã dùng để đặt cho các đảo như Cam Tuyền, Vĩnh Lạc, Thái Bình… nhằm để người dân Trung Quốc và thế giới nhầm tưởng trong lịch sử, nhà nước Trung Quốc đã quản lý những đảo này.
Việc một nhà nước độc lập, có chủ quyền lập ra và chỉnh sửa các bản đồ là chuyện bình thường. Thế nhưng, hàng loạt hành động có ý đồ bành trướng trên biển Đông của Trung Quốc thì rõ ràng không bình thường, nhất là lại vẽ bản đồ trên đảo của nước khác mà họ dùng vũ lực để chiếm. Đây là âm mưu của Trung Quốc nhằm hợp thức hóa sự xâm chiếm bất hợp pháp bằng thủ tục hành chính dân sự.
Thời gian gần đây, Trung Quốc liên tiếp áp dụng các biện pháp hành chính, dân sự như tăng cường thêm lực lượng hải giám, ra quy chế an ninh biên phòng bên bờ Hải Nam, hô hào tàu cá tiến vào biển Đông thuộc chủ quyền nước khác, đầu tư cái gọi là TP Tam Sa... và đặc biệt mới đây là hộ chiếu in hình lưỡi bò. Mục đích của tất cả những hành động trên nhằm hợp thức hóa yêu sách “đường lưỡi bò” trái với Hiến chương Liên Hiệp Quốc, Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982 và đánh lừa người dân Trung Quốc cũng như thế giới.
Các “công dân nhí” xã đảo Song Tử Tây, huyện Trường Sa - Khánh Hòa
vui chơi dưới cột mốc chủ quyền thuộc Việt Nam. Ảnh: PHAN ANH
* Bản đồ này có giá trị pháp lý không, thưa ông?
- Đúng là bản đồ thì không có giá trị pháp lý vì chủ quyền không căn cứ trên bản đồ đối với các quần đảo, hòn đảo đã có chủ quyền mà chỉ có giá trị khi ra đời một cách chính thức đối với những vùng lãnh thổ vô chủ. Còn 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thì đã thuộc chủ quyền Việt Nam từ thế kỷ XVII.
Tuy nhiên, nếu chúng ta và những nước bị ảnh hưởng không lưu ý “bài vở” mà Trung Quốc sắp xếp hết sức thâm hiểm thì rất nguy. Vì từ những chiêu trò này, Trung Quốc sẽ kích động người dân của mình hiểu nhầm về chủ quyền không có thực đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
* Trước hành động của Trung Quốc, Việt Nam và những nước bị ảnh hưởng cần có hành động gì?
- Người dân và cơ quan Nhà nước Việt Nam cũng như các nước phải hết sức chú ý khi sử dụng các tài liệu mà Trung Quốc lồng ghép sự xâm chiếm như bản đồ, hộ chiếu để không mắc bẫy “công nhận” sự phi lý, vô căn cứ mà nước này giăng ra. Về phía Nhà nước Việt Nam, cần có sự phản đối mạnh mẽ đối với nhà nước Trung Quốc và gửi văn bản đến các tổ chức quốc tế như Liên Hiệp Quốc.
 
Bên cạnh đó, tăng cường tuyên truyền để cộng đồng thế giới và chính người dân Trung Quốc hiểu rõ yêu sách, tham vọng phi lý này. Với tham vọng của mình, chắc chắn Trung Quốc sẽ không dừng lại mà còn nhiều hành động khác từ pháp lý, dư luận, quốc tế, kinh tế, dân sự... để đạt được mục tiêu “đường lưỡi bò” và điều này là hết sức nguy hiểm.
Thâm hiểm
Theo ông Dương Danh Dy, nguyên tổng Lãnh sự Việt Nam tại Quảng Châu - Trung Quốc, thế giới đều biết rõ từ khi thành lập nước CHND Trung Hoa (năm 1946), Trung Quốc không hề có chỗ đứng nào trên biển Đông. Đến tháng 6-1956, Trung Quốc chiếm một nửa quần đảo Hoàng Sa từ Pháp, khi đó chưa kịp bàn giao cho chính quyền Sài Gòn. Tháng 1-1974, Trung Quốc chiếm nốt nửa còn lại của quần đảo Hoàng Sa từ chính quyền Sài Gòn. Tháng 3-1988, Trung Quốc tiếp tục chiếm 6, 7 đảo thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Từ chỗ không có gì, Trung Quốc đã ngang ngược lấn chiếm toàn bộ quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, nay lại âm mưu gom hết các đảo trên biển Đông. “So với việc in đường lưỡi bò trên hộ chiếu, hành động trên là hết sức thâm hiểm bởi hộ chiếu có đường lưỡi bò chỉ in loại phổ thông dành cho người dân bình thường, còn bản đồ là tài liệu quốc gia nên có giá trị trên toàn thế giới” - ông Dy nhận định.
THẾ DŨNG thực hiện

Chủ Nhật, 13 tháng 1, 2013

ANH TRAI CỦA HUGO CHAVEZ TỪ CHỐI NÓI VỀ SỨC KHỎE CỦA NGƯỜI EM

TSTG: Ở những chế độ độc tài, sức khỏe của lãnh tụ được chính quyền giấu như "mèo giấu ... cá". Sức khỏe của ông Chavez cũng vậy, chính quyền Venezuela coi đây là "bí mật quốc gia", ai công bố trái ý chính quyền đều bị coi là "bẩn thỉu", "phá hoại", "gây mất ổn định"... Nhưng nếu như ông Chavez đã hồi tỉnh, thì đâu có sự im lặng hết sức không bình thường như nhiều ngày qua. Ngược lại, chính quyền Venezuela sẽ ghi âm, ghi hình rồi phát lên phương tiện truyền thông khổng lồ của nhà nước nhằm "đập tan âm mưu phá hoại" ngay "niền tắp nự" chứ đâu chịu để im ắng như bấy lâu, phải không bà con ?

Ông Adan Chavez, anh trai của tổng thống Hugo Chavez khi đến Havana hôm Chủ nhật (6-1-2012)  cho biết ông Hugo Chavez đang có “tiến bộ trong quá trình phục hồi”, phủ nhận người em đang trong tình trạng hôn mê và gọi đó là “cuộc chiến bẩn thỉu” do các phương tiện truyền thông tạo ra nhằm gây ảnh hưởng đến môi trường sức khỏe của tổng thống.

Thứ Bảy, 12 tháng 1, 2013

TRUNG QUỐC ĐỘT NGỘT TÍCH TRỮ GẠO, SỮA BỘT, VÀNG VÀ SẮT THÉP NHẰM CHUẨN BỊ CHIẾN TRANH ?


Theo báo cáo của các chuyên gia nông nghiệp Liên Hợp Quốc, năm 2012 Trung Quốc đã nhập khẩu 2,6 triệu tấn gạo, tăng gấp 4,5 lần so với 575.000 tấn trong năm 2011.

Hiện tại các của  hàng, siêu thị trên toàn nước Úc bị người Trung Quốc vơ vét mặt hàng sữa bột dành cho trẻ em đến mức các gian hàng sữa đều trống trơn.

Chỉ trong tháng 8-2012, Trung Quốc đã nhập khẩu để dự trữ một lượng vàng nhiều hơn toàn bộ số vàng trong kho của Ngân hàng trung ương châu Âu. Người ta cho rằng hiện tại, Trung Quốc có thể được coi là nước tích trữ vàng lớn thứ hai thế giời, sau Mỹ.

Trung Quốc còn tung tiền thu mua quặng sắt với giá cao 153,90USD/tấn  liên tục trong 15 tháng. Reuters đã đưa tin rằng Trung Quốc đã có một nguồn cung ứng sắt cao quá mức. Nhiều kho hàng, bãi đậu xe đã được sử dụng để chứa sắt thép. Tại cảng Thanh Đảo, hàng trăm đống quặng sắt, mỗi đống cao như tòa nhà ba tầng đã tràn qua các nhà kho, lan ra tận các đường phố. Còn tại Thượng Hải, người ta đang sử dụng các bãi đậu xe làm nơi dự trữ đồng.

Trung Quốc có những động thái hết sức bất thường với việc tích trữ lương thực với số lượng gấp 4 lần năm 2011, vơ vét sữa bột cho trẻ em, dự trữ vàng, thu mua dự trữ kim loại với số lượng cực lớn. Để làm gì ?

Nhiều ý kiến cho rằng Trung Quốc đang âm thầm chuẩn bị cho một cuộc chiến tranh. Chẳng hiểu cái "Tương đồng ý thức hệ" có giúp cho Việt Nam ta tránh được cắp mắt cú vọ và bàn tay đầy móng vuốt của con quỉ bành trướng bá quyền đại Hán hay không.

Nguồn: INFOWARS

NHÂN TÍNH

Trên chuyến bay từ thành phố Nam Ninh đến Bắc Kinh (Trung Quốc) tháng giêng năm ngoái, anh Vũ Ân, giảng viên của trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn thành phố Hồ Chí Minh, ngồi cạnh tôi. Trong khi tôi thiu thiu ngủ thì anh cầm một tờ tạp chí chăm  chú đọc.
                   Bỗng anh đập vai tôi, nói:
                    - Nhìn này Minh Diện !
                    Anh  chỉ trang báo in hình một bà già, cưởi tít mắt, tay cầm  tờ giấy ghi công trạng. Dưới tấm hình ghi: “Mẹ chiến sỹ Lee”.

Thứ Sáu, 11 tháng 1, 2013

ĐƠN XIN NÀM DƯ NUẬN VIÊN

  
Kính gửi: Ông HỒ QUỐC NỘC, Đội trưởng Đội dư nuận viên thành phố.
Em tên nà Nê Thất Nghiệp, lăm lay tròn ba mươi năm tuổi, hộ khẩu trường trú tại phường Trung Niệt, ấy quên, phường Trung Liệt, quận Đống Đa, Hà Nội. Em vừa đọc báo Lao Động, thấy thành phồ ta có một Đội gồm 900 dư nuận viên trên toàn thành phố thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền miệng, tham gia vào các vụ việc nhạy cảm; bên cạnh đó còn có một số phóng viên của báo chí thủ đô bấm nút, phản ứng nhanh; thậm chí còn tổ chức nhóm chuyên gia đấu tranh trực diện, tham gia bút chiến, xây dựng 19 trang tin điện tử và hơn 400 tài khoản trên mạng.

Thứ Năm, 10 tháng 1, 2013

ĐOÀN TÀU HẢI QUÂN TRUNG QUỐC : KHÔNG MỜI MÀ ĐẾN ?

Theo bản tin của TTXVN lúc 20h33 ngày 9-1-2013 :
“Biên đội tàu hải quân Trung Quốc gồm 2 tàu khu trục và 1 tàu hậu cần đã thực hiện chuyến thăm hữu nghị kéo dài 4 ngày tại thành phố Hồ Chí Minh.

Thứ Ba, 8 tháng 1, 2013

CÕNG RẮN … THĂM VƯỜN NHÀ

 Sự kiện 3 tàu chiến Trung Quốc cập cảng Sài Gòn ngày 7-1-2013 đã bị cư dân mạng phát hiện, và nhất loạt báo chí nhà nước đều im thin thít. Kỳ cục quá!

Thứ Hai, 7 tháng 1, 2013

BÍ MẬT VỀ SỨC KHỎE CỦA ÔNG CHAVEZ VÀ NHỮNG BÀI BÁO CỦA ABC

Ngày 23 tháng 1 năm 2012, báo ABC của Tây Ban Nha đăng bài nói rằng ông Hugo Chavez chỉ còn sống được khoảng 12 tháng nữa, theo báo cáo bí mật từ các bác sĩ, và nếu ông Chavez tiếp tục từ chối việc điều trị đúng cách thì ông ta sẽ phải tử bỏ chức vụ tổng thống giữa chừng. Khi đó ông Chavez đã chế nhạo những thông tin này “từ một tờ báo Tây Ban Nha”.

Thứ Năm, 3 tháng 1, 2013

TỔNG THỐNG HUGO CHAVEZ VÀ HIẾN PHÁP VENEZUELA

Còn đúng một tuần nữa là đến thời điểm ông Hugo Chavez phải làm lễ tuyên thệ nhậm chức trước Quốc hội, theo như Hiến pháp Venezuela qui định là vào ngày 10 tháng 1 năm đầu tiên của nhiệm kỳ. Tuy nhiên cho đến hôm nay, các thông tin về tình trạng của ông Hugo Chavez dường như đang bị nhiễu loạn và đầy mâu thuẫn.

Thứ Tư, 2 tháng 1, 2013

ÔNG HUGO CHAVEZ BỊ HÔN MÊ SÂU

Mấy ngày gần đây, tổng thống Hugo Chavez đã rơi vào tình trạng hôn mê sâu. Bệnh viện Havana đang duy trì sự sống cho ông bằng những trợ giúp nhân tạo. Nhà nước Venezuela đã lên kế hoạch nhằm kéo dài sự sống cho ông Chavez. Nếu ngắt kết nối với các thiết bị y tế, ông Chavez sẽ chết.