Theo VietnamNet, ngày 2/3, Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 của Quốc hội làm việc với TP.HCM về việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân về dự thảo sửa đổi Hiến pháp. Tại buổi làm việc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng khẳng định: “Nhiều người nói để dân phúc quyết thì đây, Đảng đang để dân góp ý. Vậy là họ quyết định Hiến pháp này”.
Không dám tranh luận với ngài Chủ tịch, nhưng mình thấy câu khẳng định mang tính lập luận của ngài Chủ tịch ngộ quá nên phải viết ít dòng để chia sẻ với bà con:
1) Mình rất tán đồng với một ý của ngài Chủ tịch trong câu này, đó là thông qua quan hệ bắc cầu thì phúc quyết Hiến pháp cũng là quyết định Hiến pháp. Và đây hiển nhiên là quyền của (nhân) dân.
2) Tuy nhiên có hai ý sai đến mức lộ thiên (không hiểu là vô ý hay cố tình) mà mọi người đều dễ dàng nhận thấy. Đó là ngài Chủ tịch đã đồng nhất : phúc quyết = góp ý và góp ý = quyết định. Mình tự hỏi làm sao mà ngài Chủ tịch lại có thể liều lĩnh trong lĩnh vực ngôn ngữ đến như thế?
3) Và một điều rất hệ trọng trong khẳng định của ngài Chủ tịch, đó là: “Đảng đang để dân góp ý” . Có thể thấy đây là một câu vô cùng ý nghĩa. Và mình xin triển khai cái sự sâu thẳm của câu này dưới dạng Hỏi – Đáp như sau:
- Ai cho dân góp ý về Hiến pháp?
- Đảng cho, chứ còn gì nữa !
- Đảng cho dân góp ý về cái gì?
- Về Hiến pháp, chứ còn gì nữa !
- Như vậy, Hiến pháp là của dân hay của Đảng?
- Là của Đảng, chứ còn gì nữa !
4) Cuối cùng, cần nói thêm về thuật ngữ phúc quyết. Chữ phúc trong phúc quyết cũng chính là chữ phúc trong các thuật ngữ phúc tra, phúc khảo, phúc án, phúc thẩm…Phúc quyết là một loại quyết định về một vấn đề hết sức quan trọng, sau khi đã có một quyết định do một cấp nào đó ban hành trước đó. Nhân dân phúc quyết Hiến pháp, như nhiều nước trên thế giới đã thực hiện, là người dân được quyền bỏ phiếu thông qua Hiến pháp trong một cuộc trưng cầu dân ý.
Còn nếu nói phúc quyết = góp ý như lời của ngài Chủ tịch, thì có một câu hỏi là Hiến pháp sẽ được phúc quyết bao nhiêu lần, qua những giai đoạn nào? Có lẽ ở ta, lộ trình sẽ là: Sau khi được nhân dân “phúc quyết” lần đầu, tức là nhân dân góp ý, Ủy ban dự thảo Hiến pháp sẽ “phúc quyết” lần hai, rồi trình lên Thường vụ Bộ Chính trị “phúc quyết” lần ba, sau đó đưa ra Ủy ban trung ương Đảng “phúc quyết” lần bốn. Và Quốc hội mới là nơi “phúc quyết” lần năm, cuối cùng.
Quá trình này được thằng bạn thân của mình mô tả lại cho nó ngắn gọn: Phúc… Phúc…Phúc…Phúc…Phúc quyết !
Nhưng cho dù là bạn thân, thì mình vẫn cương quyết, kiên quyết và hết sức quyết liệt, quyết tâm, quyết chí phản đối cách mô tả phúc quyết “cho nó ngắn gọn này”.
Bởi lẽ, nói thế hóa ra cà…cà…cà… lăm à ?
1 nhận xét:
Ai soạn ra Hiến pháp? đảng chứ còn ai vào đây nữa!
Ai tổ chức cho dân góp ý Hiến pháp? đảng chứ còn ai vào đây nữa!
Ai định hướng/lãnh đạo việc góp ý Hiến pháp? đảng chứ còn ai vào đây nữa!
Ai quyết định lắng nghe ý kiến này và loại bỏ/lên án ý kiến kia? đảng chứ còn ai vào đây nữa!
Và ai luôn tuyên truyền: dân quyết định Hiến pháp? đảng chứ còn ai vào đây nữa!
Đăng nhận xét