Thứ Năm, 4 tháng 4, 2013

Ba mươi năm "Chỉ thị Z30"- MỘT CHỈ THỊ BÍ HIỂM

 

30 năm trước, tháng 6 năm 1983, một vụ sai phạm nghiêm trọng mang tên “chỉ thị Z30” gây nhiều chuyện bi thảm cho một số gia đình có nhà cao tầng ở Hà Nội, đe dọa lan rộng sang các tỉnh thành khác, đã được chặn đứng. 
Z30 là một “chỉ thị” vô cùng bí hiểm. Bí hiểm từ hình thức ban hành đến nội dung chỉ thị: truyền miệng chứ không có văn bản nên không rõ nội dung chính xác đến đâu. Bí hiểm từ nguồn “phát hành” (không biết tác giả thực cự của chỉ thị Z30 là cơ quan nào) đến “người” chỉ đạo, đôn đốc, điều hành thực hiện. Cuối cùng, sai phạm nghiêm trọng do cái chỉ thị bí hiểm này gây ra, tuy rất may là đã được chặn lại, nhưng “trách nhiệm” thuộc về ai, tổ chức nào, thì không có “địa chỉ”! 
Sau 30 năm, bây giờ thử cùng điểm lại một số diễn biến của vụ việc:
Theo ông nguyên chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An (qua lời kể của nhà báo Bùi Hoàng Tám đăng trên báo Pháp luật TP HCM đầu tháng 3/2008), “… một buổi chiều, ông An (lúc ấy đang làm bí thư tỉnh ủy Hà Nam Ninh) nhận được công văn từ Công an thành phố Nam Định gửi sang trình bí thư tỉnh ủy duyệt phương án kiểm tra hành chính và tịch thu tài sản bất minh. Kèm theo công văn là một bản danh sách gồm hơn 200 gia đình nằm trong diện phải ra quyết định tịch thu tài sản. Tiêu chí để lập danh sách là những đối tượng có nhà từ hai tầng trở lên và được xếp thứ tự ABC”. Bùi Hoàng Tám kể tiếp: “Mới nhìn qua bản danh sách, Bí thư tỉnh ủy Nguyễn Văn An tái mặt”. Ông Nguyễn Văn An tâm sự: “… rất hoang mang không biết xử trí thế nào cho phải. Nếu không ký quyết định triển khai thì biết đâu lại làm trái ý chỉ đạo của trên mà ký thì không có cơ sở pháp luật.”. Sáng sớm hôm sau, ông An lên Hà Nội “ nghe ngóng”, ông kể: “Ông định vào thẳng Văn phòng Trung ương Đảng để hỏi cho ra nhẽ nhưng lại thôi vì nghĩ mình là cán bộ trẻ, mới nhậm chức chưa lâu nên cũng có phần rụt rè, e ngại” (http://bhoangtam.vnweblogs.com/).
Ông Đoàn Duy Thành (nguyên bí thư thành ủy Hải Phòng) nói: “Hồi đó nghe cấp dưới trình bày, lãnh đạo nhiều tỉnh, thành cũng phân vân nhưng là phân vân thế thôi chứ không ông nào dám lên gặp lãnh đạo trung ương hỏi cho ra nhẽ. Thế nên cứ tỉnh này gọi điện thoại dò hỏi tỉnh kia. Ông Thành nhớ là vào tháng 3, tháng 4 gì đó, ông nhận được cuộc điện thoại từ TP.HCM của ông Bảy Dự (Nguyễn Võ Danh) - Phó Bí thư Thành ủy hỏi là “Hải Phòng có làm không?”. Sau đó thì ông Mười Cúc (nguyên Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, lúc đó là Bí thư Thành ủy TP.HCM) cũng không cho TP.HCM làm,” (báo đã dẫn, kì 3).
Hôm sau, ông An cùng ông chủ tịch tỉnh đã bí mật ra Hải Phòng tìm hiểu xem ngoài đó thực hiện thế nào. Nguyên bí thư Hải Phòng kể lại (báo đã dẫn, tác giả Phan Lợi và Lê Kiên): “Lúc đó, tôi phân tích rất kỹ rồi nói với anh An rằng: “Tôi biết chú ra đây hỏi chuyện tôi là chú cũng có ý định không thực hiện nên anh em mình phải quyết tâm, cho dù có mất chức bí thư, mất vị trí ủy viên Trung ương thì tôi cũng không thực hiện “Z30”.”. Ông Đoàn Duy Thành còn kể với hai tác giả nói trên rằng: “Trước hội nghị Trung ương, báo Đảng đăng sáu bài phê phán các tỉnh không thực hiện “Z30” thì một bài phê phán Bắc Giang, năm bài còn lại phê Hải Phòng. Ông Thành gặp tổng biên tập nói thẳng là báo có đăng một trăm bài thì cứ đăng nhưng không có chỉ thị thì Hải Phòng vẫn không thực hiện”.
Quyết tâm không thực hiện chỉ thị Z30 của ông bí thư Hải Phòng còn thể hiện qua tâm sự của ông với bà vợ: “Bữa đó về đến nhà đã đúng nửa đêm. Tôi trằn trọc không ngủ được, đem chuyện kể hết với nhà tôi. Nhà tôi nói: “Anh định đương đầu đến bao giờ?”. Tôi trả lời: “Tôi sẽ đương đầu đến khi còn cái đầu này”. Trước đó, ông Thành sau khi động viên ông An cùng ông quyết không thực hiện chỉ thị Z30, còn nói trước cho ông An biết: “Đến tháng 6 họp hội nghị Trung ương, tôi sẽ phát biểu về vấn đề này”. Và ông Đoàn Duy Thành đã làm đúng như ông đã tự hứa. 
Với tiêu đề “Độc thoại” ở hội nghị Trung ương, hai nhà báo Phan Lợi và Lê Kiên đã viết trên báo Pháp luật Tp. HCM: “Bữa sáng khai mạc hội nghị Trung ương, Phó Thủ tướng Phạm Hùng điều khiển phiên họp. Bao nhiêu trăn trở, suy tư bấy lâu, nay có điều kiện lên tiếng giãi bày trước các đồng chí trong Ban Chấp hành Trung ương, ông Thành đã nói một mạch hai tiếng đồng hồ.
Ông nhớ lại: “Anh Phạm Hùng chỉ định tôi phát biểu đầu tiên. Tôi chỉ dành 15 phút đầu để nói về kế hoạch sáu tháng cuối năm. Sau đó, tôi nói rằng bây giờ tôi phải đề cập ngay đến vấn đề đang sôi nổi và bức xúc của xã hội, đặc biệt là Hải Phòng, là chuyện Z30.
Trong lúc phát biểu, tôi kể tường tận sự việc tôi được chứng kiến tại ba gia đình bị tịch thu ở Hà Nội, họ than khóc thế nào, ai oán ra sao... Sao lại làm thế được? Sao anh không chứng minh được tài sản người ta là bất minh mà vẫn vô cớ tịch thu? Sao anh không giải thích rõ ràng lý do tịch thu đó? Tôi nói thẳng rằng làm như thế là trái đạo lý, làm mất nhân tâm, cản đường xây dựng, phát triển, trái với cả tư tưởng kinh tế của Mác...”.
Nói đến đây, ông Thành trầm ngâm, nhấp một ngụm nước rồi tiếp lời: “Tôi phải nói căng như thế vì hội nghị Trung ương là cơ hội duy nhất. Nếu ở hội nghị Trung ương mà không ngăn được thì coi như muộn mất rồi, người dân sẽ phải gánh chịu một trận “bão táp” mới mà hậu quả chắc chắn là hết sức nặng nề. Tôi nói xong, anh Phạm Hùng đứng bật lên, nói: “Sáng tạo, rất sáng tạo, tôi ủng hộ anh Thành.”.
Ông Đoàn Duy Thành kể tiếp: “không khí hội trường im bặt. Tổng Bí thư Lê Duẩn đứng lên, chậm rãi nói: “Còn đồng chí nào phát biểu nữa không? Còn đồng chí nào nói đạo lý hơn đồng chí Thành nữa thì cứ phát biểu”. Sau gợi ý của Tổng Bí thư, ông Quất (Bí thư Bắc Giang), rồi đến một đồng chí ủy viên Trung ương phía Nam đứng lên nói ngắn gọn, bày tỏ sự ủng hộ đối với ý kiến của tôi”. “Khó hiểu nhất là không có ai đứng lên bảo vệ “Z30”, thành ra ý kiến phản đối trở thành “độc thoại” một chiều” - ông Thành trầm ngâm. Rồi ông kể tiếp: “Lúc anh Ba Duẩn nói xong, tôi nghĩ bụng “Thế là ổng đã ủng hộ mình rồi!”. Tôi rỉ tai anh Nguyễn Văn Linh (nguyên Tổng Bí thư, lúc ấy là Bí thư Thành ủy TP.HCM): “Anh phát biểu đi để góp thêm tiếng nói mạnh mẽ, Nam bộ cũng phản đối “Z30” mà. Anh Linh bảo: “Ông nói thế là đủ lắm rồi!”.”.
Ông Nguyễn Văn An cũng kể với nhà báo Bùi Hoàng Tám (blog đã dẫn): “Lần ấy, ông Thành đã nói liền 2 tiếng đồng hồ về những sai lầm của Chỉ thị Z30. Ông ấy cho rằng Chỉ thị Z30 là sai lầm, là trái pháp luật và phi đạo lý. Việc vô cớ tịch thu nhà cửa của người dân khi họ không vi phạm pháp luật, không bị pháp luật xử mà chỉ bằng một quyết định của chính quyền là xông vào đuổi người ta ra đường là vô lý... Thấy ông ấy càng phát biểu càng hăng, tôi cũng thoáng lo lo. Nhất là những lúc ông ấy thống thiết nói rằng đã trực tiếp xem tịch thu 3 căn nhà ở Hà Nội. Ông ấy tả thảm thiết lắm. Khi đội công tác đẩy họ lên xe chở đi, họ kêu khóc, họ đội khăn tang. Rồi ông ấy đặt câu hỏi: Chúng ta làm cách mạng để làm gì? Người Cộng sản là phải hy sinh suốt đời vì nhân dân, đem lại hạnh phúc cho nhân dân. Những việc chúng ta làm như thế này là trái đạo lý, là vi phạm pháp luật. Ông ấy còn kể thời ông ấy làm Bí thư Quận uỷ Ngô Quyền, đã nói với người dân rằng khi kháng chiến thắng lợi, bà con sẽ hết cảnh nghèo khổ, không còn phải chui rúc trong cái nhà tranh, vách đất, dột nát quanh năm mà sẽ ở nhà xây to đẹp, họ đã vỗ tay hoan hô không ngớt mà giờ đây, hơn 30 năm sau khi thắng Pháp, chúng ta không có tiền xây nhà cho dân, nay dân xây, ta lại tịch thu thử hỏi còn đâu là đạo lý”. Nhà báo Bùi Hoàng Tám hỏi Ông Nguyễn Văn An: “ Khi ông Thành nói thế, bác có lo không ?- Lo chứ. Chuyện này hệ trọng lắm, chỉ cần sơ xảy là hỏng cả một sự nghiệp chứ không đùa nên tôi luôn liếc nhìn sang chỗ Tổng bí thư Lê Duẩn và Phó Thủ tướng Phạm Hùng, thấy cả hai ông đều nghe rất chăm chú và có chiều đăm chiêu lắm. Nhất là đến đoạn ông Thành yêu cầu khi nào có ý kiến chính thức của Bộ Chính trị, Ban bí thư và Thủ tướng Chính phủ sẽ thi hành nghiêm túc còn điện thoại nhắc nhở "theo Hà Nội mà làm" để có phong trào thì ông ấy không làm và xin chịu trách nhiệm trước Đảng, trước nhân dân, tôi thấy Phó Thủ tướng Phạm Hùng hườm hườm vài cái, cười rồi nói: "Sáng tạo, rất sáng tạo. Tôi ủng hộ ý kiến của anh Thành".”.
“Như vậy là câu chuyện về “Z30” đã kết thúc một cách không trống, không kèn. Từ đó về sau này, không ai nhắc lại nữa, không nơi nào thực hiện, cũng không ai nói thêm gì nữa”. Báo Pháp luật Tp.HCM kết luận. 
Như vậy là đã 30 năm trời trôi qua, cái gọi là “chỉ thị Z30”, ra đời đầy bí hiểm, sau khi đã gây điêu đứng cho một số gia đình,
 đã kết thúc trong âm thầm và bí hiểm. MỘT VỤ SAI PHẠM NGHIÊM TRỌNG ĐÃ KHÔNG CÓ “ĐỊA CHỈ CHỊU TRÁCH NHIỆM”.

Không có nhận xét nào: