Thứ Hai, 15 tháng 4, 2013

TỔ QUỐC VIỆT NAM hay là TỔ QUỐC VIỆT NAM XÃ HỘI CHỦ NGHĨA ?

Chưa khi nào mình đọc xong một bài báo lại có cảm giác bị tra tấn theo kiểu “loa phường” như khi đọc bài Tổ quốc không thể không gắn với chế độ xã hội trên báo QĐND của cặp tác giả Bắc Hà – An Huy. Mấy lâu nay, gặp những bài viết theo phong cách “loa phường” như thế, mình chẳng quan tâm nữa, dù biết rằng có những tờ báo tồn tại bằng tiền thuế của dân nhưng không đem lại điều gì hay ho bổ ích mà chỉ tổ làm cho người đọc “inh tai nhức óc”,  “hoa mắt hoa mũi” mà thôi.
Nhưng đối với bài viết của cặp Bắc Hà – An Huy nói trên thì khó có thể ngồi yên, bởi nó đã đụng đến một khái niệm vô cùng thiêng liêng đối với mọi người, đó là Tổ quốc.
Nhìn chung, bài viết nói trên có đủ các yếu tố để coi như là phần nhai lại, trả bài chính trị của một cậu sinh viên lười biếng: nhạt nhẽo, sống sượng và cả kệch cỡm.
Tuy nhiên, có một đoạn rất “nguy hiểm” mà mình xin trích lại ở đây:
Thực tiễn cho thấy, trong lịch sử nhân loại không hề có Tổ quốc phi lịch sử, không gắn với một chế độ xã hội nào, không gắn với một lực lượng cầm quyền nào. Tổ quốc mà không gắn với xã hội, không gắn với dân cư thì đó chỉ là hoang đảo. Dân tộc mà không gắn với xã hội với truyền thống thì chẳng khác nào nói đến một cộng đồng dân cư còn ở thời kỳ hoang dã hoặc rơi vào chứng mất trí nhớ như trong phim ảnh mà người ta dựng lên nhằm mục đích giải trí. Tương tự như vậy, nói đến Tổ quốc mà không nói đến chế độ xã hội, không nói đến lực lượng cầm quyền chẳng khác nào nói về sở hữu mà không nói đến chủ thể sở hữu là ai.
Đối với dân tộc ta, một dân tộc với hàng ngàn năm lịch sử, Tổ quốc bao giờ cũng gắn với một chế độ xã hội, một lực lượng cầm quyền nhất định nào đó. Chẳng hạn: Thời Lý, Tổ quốc ta là nơi “Vua Nam ở” (Nam quốc sơn hà, Nam đế cư - Thơ Thần - Lý Thường Kiệt); Thời Trần, Tổ quốc trước hết là “thái ấp”, Nhà Trần là “xã tắc tổ tông” (Hịch tướng sĩ của Trần Hưng Đạo)… Tổ quốc Việt Nam ngày nay là đất nước do ông cha để lại, đã là một quốc gia độc lập, thống nhất do nhân dân ta làm chủ
Thật là một kiểu lý luận quàng xiên, lừa mị, đánh tráo khái niệm đến mức lố bịch, chỉ nhằm đạt được mục đích: Tổ quốc phải gắn với thể chế chính trị, gắn với lực lượng cầm quyền.
Theo Từ điển Tiếng Việt 1992 của Viện Khoa học Xã hội Việt Nam, Tổ quốc là “Đất nước, được bao đời trước xây dựng và để lại, trong quan hệ với những người dân có tình cảm gắn bó với nó”.
Như vậy, Tổ quốc Việt Nam từ trước đến nay, và mãi mãi về sau là chỉ có một. Hơn nữa, Tổ quốc và quốc gia là hai khái niệm gần nhau chứ không đồng nhất. Nói Tổ quốc Việt Nam ngày nay đã là một quốc gia độc lập, thống nhất do nhân dân ta làm chủ” là đã cố tình đánh tráo khái niệm nhằm gài vào đó yếu tố chế độ chính trị và lực lượng cầm quyền.
 Bên cạnh đó, không thể nói một cách hồ đồ và hỗn láo rằng có Tổ quốc Việt Nam thời Lý, Tổ quốc Việt Nam thời Trần, Tổ quốc Việt Nam ngày nay… Các chế độ chính trị, các lực lượng cầm quyền chỉ là những miếng ghép bé nhỏ so với sự vĩ đại và thiêng liêng của khái niệm Tổ quốc. Những chế độ chính trị hay lực lượng cầm quyền nào gắn bó với Tổ quốc, coi Tổ quốc là trên hết, coi lợi ích của dân tộc và của nhân dân trên lợi ích của giới cầm quyền thì sẽ được lịch sử trân trọng và ngợi ca. Bằng như ngược lại, chỉ có thể nói về chế độ chính trị và lực lượng cầm quyền đó là của lũ người như Lê Chiêu Thống, Trần Ích Tắc … bị đời đời nguyền rủa mà thôi. Hà cớ gì cặp tác giả Bắc Hà – An Huy lại láo xược đòi hỏi “Tổ quốc phải gắn với chế độ xã hội, phải gắn với lực lượng cầm quyền” ?
Cặp tác giả này đưa cái gọi là "chủ thể sở hữu" ra để ví von rất kệch cỡm và trịch thượng: “Tương tự như vậy, nói đến Tổ quốc mà không nói đến chế độ xã hội, không nói đến lực lượng cầm quyền chẳng khác nào nói về sở hữu mà không nói đến chủ thể sở hữu là ai.” Ở đây, phải nói thẳng với cặp tác giả này rằng: cái kiểu ví von cùng những cái “chẳng khác nào” của quí vị là vô cùng phản cảm, đến mức “không thể nào ngửi được”.   
Đã thế, cặp tác giả BH-AH lại còn hỗn hào trích dẫn từ những áng hùng văn của Lý Thường Kiệt và Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn để minh chứng cho những ý niệm bệnh hoạn có chủ đích về Tổ quốc: Thời Lý, Tổ quốc ta là nơi “Vua Nam ở” (Nam quốc sơn hà, Nam đế cư - Thơ Thần - Lý Thường Kiệt); Thời Trần, Tổ quốc trước hết là “thái ấp”, Nhà Trần là “xã tắc tổ tông” (Hịch tướng sĩ của Trần Hưng Đạo)…
Trong Hịch Tướng sĩ, chỉ có một đoạn nói về thái ấp và xã tắc tổ tông: “Chẳng những thái ấp của ta không còn mà bổng lộc các ngươi cũng thuộc về tay kẻ khác; chẳng những gia quyến của ta bị đuổi mà vợ con các ngươi cũng bị kẻ khác bắt đi; chẳng những xã tắc tổ tông ta bị kẻ khác giày xéo mà phần mộ cha ông các ngươi cũng bị kẻ khác bới đào”.
Cũng theo Từ điển Tiếng Việt nói trên: “Thái ấp là phần ruộng đất của quan lại, quí tộc hay phong thần được nhà vua phong cấp”, còn  “xã tắc tổ tông là đất nước, nhà nước”. Trong ngữ cảnh của Hịch Tướng sĩ thì xã tắc tổ tông chính là đất nước.
Ấy thế mà cặp tác giả này lại nhơn nhơn, coi trời bằng vung khi viết rằng: Tổ quốc trước hết là thái ấp, còn nhà Trần là xã tắc tổ tông ! Coi Tổ quốc chỉ là đám ruộng đất của quan lại quí tộc, còn gì hỗn hào hơn ? Hỗn với tiền nhân, hỗn với Đức Thánh Trần Hưng Đạo, và hơn hết hỗn là với Tổ quốc Việt Nam. Chỉ có những kẻ tâm thần mới có thể viết ra những câu dị hợm, quái đản như vậy mà thôi !
Cứ theo cái tư duy bệnh hoạn nói trên, sẽ không lạ khi một ngày nào đó, cặp tác giả nói trên sẽ tung ra một định nghĩa mới: Tổ quốc trước hết là cái sổ hưu !
Người đọc dễ dàng nhận ra ý đồ của bài viết là: không được nói trống không “Tổ quốc Việt Nam”, mà phải nói rằng “Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa”.
Các văn kiện cũng như các giáo trình chính trị đều thừa nhận nước ta đang ở trong chặng đường đầu tiên của thời kỳ quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội. Mới đây, mình hỏi một ông thầy dạy chính trị kỳ cựu rằng: Bao giờ nước ta kết thúc chặng đường đầu tiên? Khi nào nước ta sẽ hoàn tất thời kỳ quá độ ? Ông này lí nhí trả lời: Tao cũng chẳng biết nữa, mày hỏi vậy tao biết nói sao !
Cặp tác giả này đã cố đem một khái niệm, một tính chất mơ hồ, không rõ ràng và không hiện thực (vì chưa có, và cũng chẳng biết bao giờ mới có) để gắn vào làm cái đuôi cho Tổ quốc Việt Nam, thật là nực cười.
Nực cười giống hệt như bắt buộc công dân Pháp phải gọi Tổ quốc  là Tổ quốc Pháp tư bản chủ nghĩa, bắt công dân Nhật Bản phải gọi Tổ quốc là Tổ quốc Nhật Bản phong kiến chủ nghĩa, rồi thì bắt công dân ở những xứ độc tài như Bắc Triều Tiên phải gọi Tổ quốc là Tổ quốc Bắc Triều Tiên độc tài chủ nghĩa …!
Cứ đem công thức này áp dụng cho mọi nước trên thế gian thì chắc là phải cười đến vỡ bụng mất thôi.
Với mình, chỉ có một Tổ quốc thân yêu vô vàn, một và chỉ một mà thôi. Đó là nơi kết tinh của quá khứ, hiện tại và tương lai, của tình cảm và lý trí, của sự thiêng liêng và sự vĩ đại . Mình xin được gọi là: TỔ QUỐC VIỆT NAM !


3 nhận xét:

Nặc danh nói...

Thật chí lý trong tim chúng ta hay trên đầu chúng ta chỉ : TỔ QUỐC VIỆT NAM

Nặc danh nói...

Đúng như vậy. Trong chính trị học, Tổ quốc/dân tộc (nation) hoàn toàn khác với nhà nước/quốc gia (state). Chỉ có những ai thiếu hiểu biết, hoặc muốn đánh tráo khái niệm mới cho rằng 2 khái niệm này là đồng nhất.

Unknown nói...

Quá hay