Dựa vào nguyên nhân sinh bệnh, theo quan niệm mới, các nhà khoa học phân loại bệnh đái tháo đường (ĐTĐ) thành các týp ĐTĐ như sau:
Ðái tháo đường týp 1Đặc trưng bởi tế bào β tụy bị phá hủy, có 2 nhóm:
- Qua trung gian miễn dịch hay còn gọi là ĐTĐ týp 1a: Dấu ấn của ĐTĐ qua trung gian miễn dịch bao gồm: các tự kháng thể kháng tế bào tiểu đảo, kháng insulin (IAAs), kháng glutamic acid decarboxylase (GAD), kháng tyrosine phosphatases IA-2 và IA-2ß.
Bệnh thường gặp ở người châu Âu, xuất hiện ở trẻ em và thiếu niên, nhưng có thể xuất hiện ở bất kỳ tuổi nào. Một số bệnh nhân, đặc biệt là trẻ em và thiếu niên, có thể khởi phát bệnh với tình trạng tăng đường huyết nhiễm ceton acid. Bệnh nhân có thể trạng gầy, nhưng đôi khi có thể có béo phì. Những bệnh nhân này có thể cũng có các rối loạn miễn dịch khác như bệnh Basedow, viêm giáp Hashimoto và bệnh Addison.
- Không qua trung gian miễn dịch, còn gọi là ĐTĐ không rõ nguyên nhân, hay ĐTĐ týp 1b. Thường gặp hơn ở người gốc Phi và người gốc châu Á.
Sự sản xuất insufficien bình thường (trên) - Sự sản xuất insufficien trong bệnh đái tháo đường (dưới). |
Đặc trưng bởi tình trạng đề kháng insulin và khiếm khuyết bài tiết insulin. Mỗi yếu tố nêu trên, tùy trường hợp có thể đóng vai trò chủ yếu, nổi trội hơn yếu tố còn lại. Cả hai yếu tố này đồng thời hiện diện khi bệnh ĐTĐ được chẩn đoán trên lâm sàng.
Đái tháo đường týp 2 chiếm khoảng 90 - 95% các trường hợp ĐTĐ. Tần suất mắc phải rất khác nhau giữa các nhóm chủng tộc/sắc tộc. Bệnh thường có tính gia đình.
Các yếu tố đã được xác định là yếu tố nguy cơ của ĐTĐ týp 2: tuổi cao, béo phì, ít vận động, rối loạn chuyển hóa lipid, tăng huyết áp, sử dụng lâu dài các loại thuốc corticoid, lợi tiểu…
ĐTĐ týp 2 thường được chẩn đoán muộn hoặc không được chẩn đoán trong nhiều năm vì tình trạng tăng đường huyết phát triển một cách âm thầm. Do đó bệnh nhân thường có biến chứng ngay từ khi mới được chẩn đoán.
Mặc dù ĐTĐ týp 2 ở người da trắng thường xuất hiện sau 50 tuổi, nhưng hiện nay, ở các chủng tộc có tỉ lệ bệnh ĐTĐ týp 2 cao, bệnh có thể khởi phát ở tuổi sớm hơn khoảng 20 - 30 tuổi và thậm chí đã có những trường hợp ĐTĐ týp 2 ở trẻ em đã được báo cáo.
ĐTĐ týp 2 có thể điều trị bằng chế độ ăn, tăng cường vận động đơn thuần hoặc phối hợp với thuốc hạ đường huyết uống. Tuy nhiên người bị ĐTĐ týp 2 có thể cần insulin để điều trị trong một số tình huống.
Một số trường hợp người trưởng thành bị tăng đường huyết giống như ĐTĐ týp 2, nhưng có kết quả xét nghiệm kháng thể kháng tế bào tiểu đảo dương tính, người ta gọi là ĐTĐ thể LADA. Những người này có HLA giống ĐTĐ týp 1a. LADA xuất hiện ban đầu giống như ĐTĐ týp 2, nhưng sẽ diễn tiến nhanh đến giai đoạn cần insulin trong vài tháng hoặc vài năm.
Ở bệnh nhân ĐTĐ týp 2, nhiễm ceton acid không thường gặp, nhưng có thể phát sinh khi bị stress như nhiễm trùng nặng cấp, chấn thương, phẫu thuật...
Ðái tháo đường thai kỳ
Đái tháo đường thai kỳ được định nghĩa như là sự rối loạn dung nạp glucose ở bất kỳ mức độ nào với khởi phát/ghi nhận lần đầu tiên trong thời kỳ có thai. Nó không loại trừ tình trạng rối loạn dung nạp glucose có thể có từ trước khi mang thai nhưng đã không được biết đến. Những phụ nữ đã biết bị ĐTĐ trước khi mang thai thì không phải là ĐTĐ thai kỳ mà là ‘‘ĐTĐ và thai kỳ” hoặc ‘‘ĐTĐ trước khi có thai”.
Việc chẩn đoán và điều trị ĐTĐ thai kỳ và điều trị những phụ nữ bị ĐTĐ có thai là khác nhau. Để ổn định đường huyết trong thai kỳ, cần phải được điều trị bằng chế độ ăn và /hoặc insulin.
Các tình trạng tăng đường huyết đặc biệt khác:
Giảm hoạt tính insulin do khiếm khuyết gen, bao gồm: đề kháng insulin loại A; Leprechaunism; Hội chứng Rabson - Mendenhall; ĐTĐ thể teo mỡ...
Bệnh lý tụy ngoại tiết: viêm tụy; chấn thương/cắt bỏ tụy; ung thư tụy; xơ kén tụy; bệnh nhiễm sắc tố sắt; bệnh tụy sơ sỏi...
Bệnh nội tiết: to đầu chi; hội chứng Cushing; u tiết glucagon; u tủy thượng thận tăng tiết catecholamin; cường giáp; u tiết somatostatin; u tiết aldosteron...
Tăng đường huyết do các loại thuốc, hóa chất: vacor; pentamidin; acid nicotinic; corticoid; hormon tuyến giáp; diazoxid; thuốc đồng vận giao cảm ß; thiazid; dilantin; interferon alpha...
Nhiễm khuẩn: Rubella bẩm sinh; Cytomegalovirus …
Các thể không thường gặp của ĐTĐ qua trung gian miễn dịch: hội chứng người cứng; kháng thể kháng thụ thể insulin …
Một số bệnh gen đôi khi kết hợp với ĐTĐ: hội chứng Down; hội chứng Klinefelter; hội chứng Turner; hội chứng Wolfram; thất điều vận động Friedreich; múa vờn Huntington; hội chứng Lawrence-Moon - Beidel; loạn dưỡng cơ; porphyria; hội chứng Prader Willi...
Dự án quốc gia phòng chống bệnh đái tháo đường
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét