Chủ Nhật, 26 tháng 2, 2012

Tâm lý không bị trừng phạt

 

Theo BauxiteVietnam

Hôm nay tình cờ được đọc bài của Cụ Phạm Toàn, một nhà giáo lão thành và tâm huyết với các v/đ  của nước nhà, TSYG cảm nhận đây là bài viết chứa đựng nhiều ý nghĩa rất sâu sắc. Xin mời bà con.

Phạm Toàn

Mở đầu chủ nhật lan man
Suốt năm ngoái cho tới hôm nay, mình hiệu đính cả thảy 8 hoặc 10 cuốn gì đó trong bộ sách Triết học cho trẻ em của nhà xuất bản Tri thức.
Bản thảo mới xong vừa gửi lại ban biên tập có chủ đề tính ác và cái ác của con người (không phải tính ác của con vật) – con vật không ác, ai không tin, xin cứ coi lại đoạn băng cưỡng chế đầm của anh hùng nông dân hiện đại Đoàn Văn Vươn. Trong đoạn băng này, có cảnh một người mấy lần đùn đẩy chú cảnh khuyển, nhưng chú không chịu tiến lên.
… sang một câu hỏi triết học
Trong cuốn sách mới hiệu đính, nhan đề Cả ngàn lý do để mà ác, có đoạn đối thoại dài của Platon trong cuốn Nền Cộng hòa, một trong những người đối thoại nêu quan điểm riêng về việc con người ta làm điều thiện và làm điều ác.
Người đối thoại này kể câu chuyện về một anh chăn cừu tên là Gygès, vốn là một người tốt bụng. Tình cờ Gygès nhặt được một chiếc nhẫn thần giúp anh trở nên vô hình. Khi đó anh ta làm gì? Anh ta không cưỡng được: anh ta vào trong cung điện, lên giường của hoàng hậu, rồi giết vua để thế chỗ ông ta. Khả năng vô hình tạo cho anh ta tình trạng không bị trừng phạt; và với tình trạng không bị trừng phạt, tất cả đức hạnh, tất cả thiện ý đều tan biến.
Tác giả viết như người vừa bắt được vàng, chỉ vì đã có vũ khí cho luận điểm mới của mình – tác giả nêu câu hỏi : “Nào, bây giờ giả dụ là chắc chắn bạn sẽ không bao giờ bị bắt quả tang, sẽ không bao giờ bị trừng phạt, liệu bạn sẽ không bao giờ làm điều ác chứ?
Lập luận của người đối thoại là như sau : khả năng tàng hình là gì? Đó là cách diễn đạt đồng nghĩa của khả năng không bị bắt quả tang làm điều ác, như vậy là khả năng không thể bị trừng phạt.
Một khi kẻ thủ ác có được cơ chế thần linh hoặc chính trị để không bị trừng phạt thì … thì chuyện gì sẽ xảy ra? Khi đó, chắc chắn là chỉ có chú cảnh khuyển của Công an Hải Phòng là còn có… tính người.  
… và một lời kính thưa
Kính thưa một ông nào đó vẫn đang thực lòng tin tưởng hoặc giả vờ tin tưởng vào nền đạo lý dựa trên phê bình và tự phê bình để sửa chữa cái xấu, cái ác trong xã hội.
Liệu đó là kết quả của một trình độ lý luận hay đây chỉ là việc thuận miệng ghép phê bình và tự phê bình vào với nhau, rồi coi như đó là một chân lý hiển nhiên?
Phê bình và tự phê bình là hai phạm trù không gắn được với nhau.
Cơ chế của phê bình là công khai và ngoại hướng, khéo tổ chức sẽ dấn đến những thiết chế dân chủ hóa xã hội con người. Các thiết chế dân chủ đó bao gồm ba thành phần tham gia vào “công tác phê bình” (nhại thế cho vui): có một thành tố A phạm lỗi một thành tố B vạch lỗi và một thành tố C kiểm soát. Các thành tố A, B và C có thể là cá nhân hoặc tổ chức. Các sai phạm có thể là lỗi (mang tính dân sự) hoặc tội (mang tính hình sự). Công thức hoạt động của mô hình này là công khai – minh bạch – hiệu quả. Công khai, đó là không dấm dúi. Minh bạch, đó là làm cho mọi ý đồ dấm dúi thành mất khả năng dấm dúi, thành công khai. Hiệu quả, đó là không ai bịp được ai, không có một thằng dẻo mỏ nào chiếm diễn đàn nói nhăng nói cuội rồi cả hệ thống cứ nói một đằng làm một nẻo.
Còn tự phê bình? Tự phê bình thuộc cơ chế riêng tư và nội hướng. Tự phê bình là hành vi cao cả của con người có văn hóa. Văn hóa cao tới đâu thì khả năng tự phê bình cao tương ứng tới đó. Thơ của Trần Việt Phương tự phê bình về sự ngây thơ chính trị của mình và thế hệ mình. Và thơ Chế Lan Viên tự phê bình về sự dính líu vô trách nhiệm về chính trị của cá nhân ông. Đó là hai dẫn chứng cho tự phê bình và cái tầm suy tưởng triết học hoặc xã hội học của chủ thể tự phê bình. Trình độ cao có thể là sám hối, là tỉnh ngộ, là chia sẻ. Không ai có quyền bắt người khác tự phê bình – đó là cơ chế của tự phê bình. Tự phê bình kiểu Mao Trạch Đông làm nhục con người vì lý do nào đó và lừa cho chủ thể bộc bạch tâm tư ra cho cả lũ Hồng vệ binh đấu đá dưới cái vỏ “phân tích đúng sai”, vờ vịt “giúp đỡ” nhau, thực chất là xúi giục đấu đá. Có lúc việc khuyên nhủ diễn ra theo cung cách “lưu manh chân tình” như thế này: “người nói (đấu đá) không có tội người nghe (phân tích sau khi tự phê bình) phải sửa mình”.
Liệu ông chủ xướng biện pháp phê bình và tự phê bình có nghĩ rằng cả cái khối cường hào ác bá ở Tiên Lãng và Hải Phòng sẵn lòng công khai tâm điạ của chúng ra qua tự phê bình? Có tin nổi chúng sẽ thành khẩn tự phê bình và khai ra những tài khoản đang gửi ở nước ngoài để tự nguyện chuyển tiền vào Quỹ giúp đỡ đồng bào nghèo?
Lan man chủ nhật một chút thôi
Bọn người xấu được đặt vào diện phải chỉnh đốn biết rõ hơn ai hết rằng không giải pháp nào (hiện đang dùng) lại đủ sức động chạm tới chúng.
Chúng rất sợ tam quyền phân lập – thì chính cái đó lại không có trên đất nước này. Từ đó mà bọn xấu thấy chúng không bị trừng phạt.
Bọn người xấu cũng rất sợ một xã hội dân sự tham gia vạch mặt chúng. Tự do báo chí là điều chúng rất sợ. Nhưng cái nền tự do ngôn luận này cũng rất mong manh trên đất nước ta.
Bọn người xấu cũng rất sợ các hội đoàn ra tay. Nhưng thử xem đoàn thể thanh niên chẳng hạn đã làm gì để giải pháp phê bình và tự phê bình có tác dụng tốt? Và ta đã thấy cái xã hội dân sự èo uột đã củng cố niềm tin bệnh hoạn của bọn xấu thấy chúng không bị trừng phạt.
Đã đén lúc những ai chủ trương phê bình và tự phê bình để chỉnh đốn những điều hư đốn đủ sức dẫn đến mất nước hãy thực tâm đứng ra phê bình và tự phê bình một chút coi! Các ngài sẽ thấy mình đúng hay sai? Chân tình hay giả dối? Đầu óc lành mạnh hay đang u mê?
Hay chính các ngài cũng thấy mình mang tâm lý không bị trừng phạt?
P. T.

Không có nhận xét nào: