Thứ Sáu, 19 tháng 10, 2012

Trung Quốc sẽ thúc đẩy cải cách chính trị?


 Sau hơn 30 năm cải cách/mở cửa, Đảng Cộng sản Trung Quốc (CPC) bước vào giai đoạn then chốt, điều khiển trận đánh quyết định: cải cách thể chế chính trị.
Trong những ngày tới, giới quan sát kinh tế dự đoán Trung Quốc sẽ công bố các số liệu chính thức về tăng trưởng kinh tế của nước này trong quý 3 giảm xuống còn 7,3%. Kết quả này sẽ ảnh hưởng tới mục tiêu tăng trưởng cho cả năm 2012 mà Bắc Kinh đã đề ra trước đó là 7,5%. Số liệu này sẽ giúp những người nghi ngờ mô hình tăng trưởng từng giúp Trung Quốc vươn lên trở thành nền kinh tế đứng thứ hai thế giới. Kết quả này dường như khẳng định thêm "nhu cầu rất cấp bách" đối với công cuộc cải cách cơ cấu chính trị cũng như hệ thống lãnh đạo Đảng và Nhà nước mà Thủ tướng Ôn Gia Bảo từng tuyên bố lâu nay.
Ba làn sóng cải cách/mở cửa...
Truyền thông những này này tràn ngập các khảo cứu về đời sống mọi mặt ở TQ. Tờ "Thời báo Học tập" thuộc Trường Đảng Trung ương trong bài "Di sản chính trị của Hồ Cẩm Đào và Ôn Gia Bảo"[1] đã điểm lại 10 thành tựu to lớn của công cuộc phát triển, đồng thời cũng nêu lên 10 vấn đề tồn tại, mà theo bản báo, các vấn đề ấy có khi còn lớn hơn thành tựu! Một trong những vấn đề cấp bách nhất đó là, khi TQ bước lên con đường khá giả, khoảng cách giàu nghèo đã không ngừng mở rộng, vấn nạn tham nhũng, ô nhiễm môi trường và bần cùng hóa xã hội ngày càng nghiêm trọng. Một số người từng hưởng lợi từ cải cách, nay vì lợi ích phe nhóm, lại chuyển sang đối lập với cải cách, trở thành lực cản giải quyết các vấn nạn này!
Khẳng định tầm quan trọng của Đại hội 18 CPC sắp tới, trong một phát biểu nhân dịp quốc khánh Trung Quốc vừa qua, Thủ tướng Ôn Gia Bảo đã phân tích tầm quan trọng của việc củng cố thành quả đạt được và triển vọng tương lai của đất nước. Nhân dịp này, thủ tướng Ôn Gia Bảo đã đưa ra lời kêu gọi: Trung Quốc cần đẩy mạnh cải cách trên các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội... Giới quan sát cũng cho rằng, nếu thành công trong cải cách chính trị, TQ sẽ tiếp cận con đường phát triển hài hòa; nếu thất bại, toàn bộ hệ thống có thể gặp nguy hiểm. Và đấy sẽ là thảm họa, không chỉ đối với TQ, mà còn đối với toàn bộ nền kinh tế-chính trị thế giới.
Tạp chí "Viêm hoàng Xuân thu"[2] thuộc Hội hội nghiên cứu văn hóa Viêm Hoàng trong một bài viết mới đây chỉ ra rằng, nút thắt trong chuyển đổi mô hình kinh tế TQ hiện nay chính là do thể chế chính trị lạc hậu. Phó giám đốc Học viện Khoa học Công nghệ Phòng vệ Lục Đức, tác giả của bài viết đã tổng kết "ba giai đoạn cải cách lớn" trong hơn ba mươi năm cải cách/mở cửa của TQ. Xuất phát từ "thực tiễn là tiêu chuẩn kiểm nghiệm chân lý" (hội nghị TW3, 11/1978), làn sóng mở cửa đầu tiên là hình thức cải cách theo hướng tăng số lượng, khoán sản phẩm. Giai đoạn mở cửa/cải cách lần thứ hai tiếp tục năm 1992, sau khi Liên Xô-Đông Âu sụp đổ, kinh tế TQ đã trải qua thời kỳ tăng trưởng cao, nhưng rồi các mặt trái của phát triển bắt đầu đẻ số. Những vấn đề về khoảng cách giàu nghèo, chuyển đổi mô hình, vấn nạn tham nhũng... xuất hiện nhiều từ thời kỳ đó.
Thật ra, ngay từ các năm 1986, 1987, Đặng Tiểu Bình đã 76 lần nhắc đến cải cách thể chế chính trị. Ông Đặng nói: "Mọi cải cách có thành công được hay không, cuối cùng được quyết định bởi cải cách thể chế chính trị"[3]. Trọng tâm của hai làn sóng cải cách trước đây là đã trả lại một phần quyền lợi cho người dân, còn lần này tập trung cải thiện môi trường chính trị dân chủ cho toàn xã hội. Xuất phát từ đặc thù của TQ, làn sóng thứ ba này cần được tiến hành từ trên xuống. Cải cách chính trị không giống cải cách kinh tế. Kinh doanh và quan lý là một tế bào đơn nguyên, nên đổi mới trong kinh doanh có không gian tương đối tự do. Cải cách chính trị từ dưới lên là khó, làm từ trên xuống sẽ phải trả giá thấp hơn!
Thúc đẩy cải cách chính trị còn là đề phòng cách mạng văn hóa tái diễn. Trong một sinh hoạt chính trị cuối mùa hè vừa qua, Tổng Bí thư Hồ Cẩm Đào và người kế nhiệm ông là Phó Chủ tịch Tập Cận Bình đã chủ trì một cuộc họp giữa Bộ Chính trị và lãnh đạo các tỉnh thành. Hội nghị thống nhất đẩy mạnh các định hướng đã quyết, khích lệ lãnh đạo địa phương thực sự lắng nghe quần chúng đang bất mãn vì tình trạng bất công ngày càng gia tăng và nạn tham nhũng ngày càng lộng hành. Nhưng cải cách chính trị đòi hỏi nhiều hơn thế! Khi phải đối mặt với các giới hạn về kinh tế, chính trị và xã hội, CPC liệu có thể tạo ra được những động năng mới lấy cảm hứng từ sự mạnh dạn và nhãn quan của Đặng Tiểu Bình trước đây hay không? CPC liệu có bị lôi cuốn vào các cuộc tranh cãi vì lợi ích thiển cận và cục bộ? Câu trả lời sẽ được hé lộ tại Đại hội 18 sắp tới!

Xuất phát từ đặc thù của TQ, làn sóng thứ ba này cần được tiến hành từ trên xuống. Ảnh minh họa



Cuộc tranh luận về mô hình
Vấn đề của mọi vấn đề hiện nay, theo Francis Fukuyama (Viện các vấn đề quốc tế Freeman Spogli, Đại học Stanford/Mỹ) chính là: TQ chưa phát triển được thể chế chính trị pháp quyền cũng như định chế giải trình và chịu trách nhiệm chính trị công khai. Thừa nhận trên thực tế hệ thống TQ có một số ưu điểm, nhưng Fukuyama hoài nghi về tính bền vững của nó. Sau khủng hoảng tài chính 2008, TQ quả là đã hành động hiệu quả, còn Mỹ thì trầy trật với thâm hụt ngân sách. Thế nhưng Fukuyama vẫn dự báo rằng hệ thống của Mỹ sẽ vượt trội hệ thống TQ. Tuy nhiên, Trương Duy Vi (Zhang Weiwei, Đại học Ngoại giao Genève/Thụy Sĩ) lại không đồng ý như vậy[4]!
Về tính giải trình và chịu trách nhiệm, Trương Duy Vi cảm nhận rằng định chế giải trình và chịu trách nhiệm chính trị của Mỹ/phương Tây cũng không hiệu quả. Theo ông Trương, hệ thống chính trị Mỹ có cội rễ từ thời kỳ tiền công nghiệp hóa cho nên nhu cầu cải cách chính trị ở Mỹ hiện nay cũng cấp thiết như ở TQ. Thực tế là hệ thống đó đã bất lực không ngăn cản được cuộc khủng hoảng tài chính gần đây. Sự phân quyền ở Mỹ cũng có nhược điểm, có những nhóm lợi ích bất di bất dịch như các tổ hợp công nghiệp-quốc phòng sẽ chi phối nhiều thứ và sẽ cản trở các sáng kiến cải cách mà chính Mỹ cũng đang cần.
Khi so sánh những mô hình khác nhau, theo Fukuyama, nên tách chính sách ra khỏi các định chế. Phải nhìn thấy sự khác nhau giữa những chính sách cụ thể do một vài cá nhân lãnh đạo đưa ra với cả hệ thống định chế nói chung. Những người ra quyết định ở Mỹ đã từng phạm nhiều sai lầm. Tuy nhiên, những lỗi lầm trong chính sách là điều có thể xảy ra với mọi chế độ. Khó tin rằng, các chế độ dân chủ có xu hướng đưa ra những chính sách sai lầm nhiều hơn các nhà nước toàn trị.
Khi thế hệ thứ tư của CPC rời sân khấu chính trị, họ tự hào TQ đã thay thế Mỹ để trở thành nước đóng góp lớn nhất cho tăng trưởng toàn cầu, chiếm 17%  tăng trưởng sản lượng hàng hóa thế gới năm 2010 và tăng lên thành 30% năm 2011. Là nền kinh tế lớn thứ hai, TQ trở thành một trong các "cổ đông" chính đặt ra luật chơi của "trò chơi toàn cầu" trong tiến trình tái cấu trúc. Là quốc gia giàu nhất về dự trữ ngoại hối (3200 tỷ usd), TQ cũng là quốc gia sản xuất/xuất khẩu ô tô lớn nhất và có hệ thống đường sắt cao tốc dài nhất thế giới.
Tuy nhiên, cái giá của phát triển là trong 20 thành phố ô nhiễm nhất hành tinh thì 16 thành phố ở TQ. Để góp vào 5,5% GDP thế giới, TQ tiêu hao 40% than đá, hơn 50% xi-măng, khoảng 60% gang thép, trên dưới 70% dầu/khí đốt tự nhiên của thế giới. Bản thân ở TQ, sản lượng dầu mỏ và quặng sắt chỉ còn đủ dùng trên dưới 10 năm, khí đốt tự nhiên chỉ còn được 39 năm! Các nhà nghiên đã chỉ ra: ăn uống, đi lại và du lịch hàng năm của các quan chức "xài tiền chùa" (nạn tam công) tốn hơn 1.000 tỷ NDT, chiếm hơn 1/3 thu nhập thuế. Mỹ là nước chi tiêu chính phủ cao 9,9%, TQ là 37%, gấp khoảng 4 lần Mỹ!
Hoàng Dũng Nhân

[1] "Di sản của TBT Hồ Cẩm Đào và Thủ tướng Ôn Gia Bảo"; TTXVN, Bắc Kinh 19/9/2012
[2] "Thể chế chính trị lạc hậu..."; TTXVN, Bắc Kinh 5/10/2012
[3] "Thể chế chính trị lạc hậu..."; TTXVN, Bắc Kinh 5/10/2012
[4] "A Dialogue between Francis Fukuyama and Zhang Weiwei"; New Perspective Quarterly, quý 3/2011

Không có nhận xét nào: