Trần Đăng Khoa
Trần Đăng Khoa gọi việc vi phạm rồi ngạo mạn coi thường pháp luật là “Chuyện thường ngày ở huyện”. Bởi những vụ việc như thế nhan nhản và diễn ra hàng ngày…Có một vụ việc vừa nổi cộm trên tất cả các phương tiện truyền thông, báo chí. Đó là chuyện một gã trọc phú, đi chiếc xe BMW X6 hạng sang, có giá gần bốn tỷ đồng, chở bốn người, không có biển số và bằng lái, bị đội CSGT4 yêu cầu dừng lại để kiểm tra, đã không những không chấp hành, mà còn ngạo mạn coi thường pháp luật, lại ngông nghênh tự giới thiệu là người nhà của một vị quan chức cao cấp trong ngành công an, rồi mang tên tuổi vị cán bộ đó ra hù dọa những người thi hành công vụ.
Tôi gọi đó là “Chuyện thường ngày ở huyện”. Bởi những vụ việc như thế có thể nhan nhản diễn ra hàng ngày, không phải chỉ ở khu vực Hà Nội. Thì cũng đã từng có những kẻ ngông cuồng, cậy thế ông quan bố, đua xe ô tô trên đường Hòa Lạc, đâm chết một lúc cả mấy cháu học sinh, mà cứ nhơn nhơn như chẳng có chuyện gì. Hay như cách đây không lâu, một gã cũng hống hách không những đã chống lại người thi hành công vụ, mà còn múa kiếm trước trạm kiểm soát sân bay Tân Sơn Nhất, để lại nỗi kinh hoàng và kỳ dị trong con mắt bạn bè quốc tế và đồng bào trong nước, cùng khách vãng lai.
Rồi những gã không đội mũ bảo hiểm, bị cảnh sát giữ lại, thay cho việc xuất trình giấy tờ, là rút điện thoại gọi cho người thân đến “giải cứu”. Những chuyện tương tự như vậy thì nhiều lắm, không thể kể xiết, vì vậy, một vụ việc nổi cộm đến như vậy giờ cũng không còn là việc nổi cộm nữa, mà đã hóa nhàm, đã thành chuyện vụn vặt, như “chuyện thường ngày ở huyện”.
Cái chúng ta quan tâm là hiện tượng của vụ việc này, hoặc những việc tương tự như thế này. Đó là thái độ nhơn nhơn, coi thường pháp luật, đang có nguy cơ trở thành một căn bệnh “nhờn thuốc”. Nguyên nhân nào đã dẫn đến những căn bệnh trầm kha ấy?. Liệu có thang thuốc nào điều trị được không?
Bàn về những hiện trạng phản cảm, đã trở nên phổ biến này, Tiến sĩ Xã hội học Trịnh Hòa Bình cho rằng, đó là sự hiện hình của văn hóa Tiểu nông cố hữu, “một người làm quan cả họ được nhờ”. Bởi thế có những kẻ, chẳng có người “làm quan”, cũng mạo nhận cháu ông nọ bà kia, một cách “mượn hùm beo dọa khỉ”. Sở dĩ có chuyện đó, cũng vì một vài người thi hành công vụ nể nang, sợ hãi, nên xuê xoa, việc nặng thành việc nhẹ, rồi cho qua. Từ đó dẫn đến chuyện người nọ mượn danh người kia hù dọa lẫn nhau. Kẻ thi hành công vụ “tránh voi chẳng xấu mặt nào”, tốt nhất là không nên cà khịa với sếp, cũng chẳng dại động đến cái ô của người thân sếp. Từ đó dần hình thành thói quen, rồi thành tâm lý lây lan khắp cộng đồng.
Để chấm dứt vấn nạn cứ vi phạm giao thông lại mượn oai hùm giải cứu, dọa nạt, cần tôn trọng pháp luật. Con cái cán bộ trong ngành hoặc ở cấp cao hơn nữa, cũng phải bị trừng trị. Ta hiểu vì sao Bộ trưởng Công an Trần Đại Quang trong phiên họp Quốc hội ngày 23/11 vừa rồi, đã phải lên tiếng kêu gọi: “Tôi đề nghị nghiêm cấm lãnh đạo các cấp và cán bộ công chức nhà nước can thiệp vào những vụ việc xử lý an toàn giao thông, để mọi vi phạm đều phải được xử lý nghiêm minh…” Đó là một việc làm đúng đắn và cần thiết. Nhiều khi con cái hư hỏng lại vì các bậc cha mẹ.
Tôi chợt nhớ đến một ông già cựu chiến binh. Thi thoảng vào những lúc rỗi rãi, ông cụ hay sang nhà tôi chuyện phiếm. “Tại sao chỉ có mấy cái việc lặt vặt đua xe, vi phạm giao thông, với trộm cắp, ma túy, mà ta cứ để lây nhây mãi. Tội phạm mỗi năm không thuyên giảm mà lại còn tăng lên. Tôi nghĩ đã đến lúc chúng ta cần phải có một bàn tay sắt anh ạ. Cứ triệt để nghiêm khắc rồi đâu sẽ vào đấy hết. Chẳng biết anh nghĩ thế nào chứ cứ như tôi, tội đâu phải xử đấy. Ngay cả bọn trọng tội cũng chẳng giam nhốt làm gì. Cơm gạo đâu mà nuôi bọn chúng. Dân mình vẫn còn nhiều người thiếu ăn. Ta cứ giải tán quách hết nhà tù đi, lấy đất xây trường học”.
Tôi hỏi: “Bỏ nhà tù thì bọn tội phạm nhốt ở đâu hả cụ?”. “Ta giam chúng tại gia. Hình như ở nước ngoài, người ta làm thế đấy. Một cách làm hay như vậy tại sao mình lại không tham khảo họ?”. “Mỗi nước có một cách xử lý riêng cụ ạ. Vả lại, chuyện giam tại gia ấy, hôm nay tôi mới nghe cụ nói đấy…”. “Còn tôi thì lại nghe dân đồn. Nếu ở nước ngoài không có chuyện như thế thì biết đâu đó lại là nguyện vọng của dân. Kẻ nào mắc tội, cứ nhốt vào cũi giam ngay tại nhà. Gia đình phải nuôi nấng phục dịch. Cũi cứ để chềnh ềnh giữa nhà hay giữa phòng khách. Thế thì đứa nào không khiếp. Tiền đóng cũi gia đình phải chịu. Công an chỉ đóng dấu niêm phong, rồi thi thoảng qua lại kiểm tra. Ai vi phạm qui định thì phạt thêm nữa. Nếu kẻ tội phạm có bố mẹ là những vị có chức có quyền thì ngay lập tức các vị quyền chức ấy phải bay khỏi chức vụ…”.
“Ấy chết! – Tôi kêu lên. – Ai có tội thì người đó phải chịu chứ. Sao lại bắt người khác phải chịu thay…”. “Thế chả nhẽ bố mẹ không phải chịu trách nhiệm gì về những hành vi càn quấy bậy bạ của con cái sao?- Ông già bỗng sừng sộ. – Nhiều kẻ chỉ ỷ vào bố mẹ hoặc có thế lực hoặc có nhiều tiền bạc để rồi càn quấy, chứ con cái nhà nghèo như con tôi, con anh, làm sao chúng dám bậy bạ. Một người đã không dạy nổi con mình thì cũng đừng nghĩ rằng họ có thể lãnh đạo được một cơ quan, một nhà máy hay một xã hội. Tôi chẳng bao giờ tin những anh như thế”…
Ông già bỗng trầm ngâm: “Mà sao bây giờ, có nhiều cán bộ hư thế. Họ hư đã đành, còn tạo điều kiện cho con cái hư. Nhiều đứa cũng chỉ tầm tầm mà đưa vào hết ghế này, ghế nọ. Ngày xưa có như thế đâu. Bản thân cán bộ là những tấm gương sáng. Con cái họ cũng là tấm gương sáng, cũng vào sinh ra tử. Nhiều người đến nay cũng vẫn chẳng tìm thấy được hài cốt. Tôi cùng đơn vị với con Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Anh ấy giỏi và tốt lắm, nhưng chức vụ cũng mèng mèng, còn thua cả cái chức của tôi. Mà tôi chỉ là con một ông lão thợ cày. Anh có biết ông Hồ Ngọc Đại không?”. “Tôi có nghe tên…”. “Ông Hồ Ngọc Đại là con rể Tổng Bí thư Lê Duẩn. Một Giáo sư Tiến sĩ Triết học rất giỏi, rất nổi tiếng ở Nga. Người ta mời ông ấy về làm Thứ trưởng Bộ Giáo dục, rồi từ đấy có thể làm Bộ trưởng, vào Trung ương. Một con đường lụa đỏ đã được trải sẵn. Nhưng ông ấy lại chỉ xin được làm một ông giáo dạy lớp 1. Giáo sư Tiến sĩ lại đi dạy lớp 1. Anh thấy lạ không?
Hình như hồi ấy, còn sớm lắm, từ những năm 80 của thế kỷ trước, ông Đại đã nhận ra cái cách giáo dục của mình có vấn đề. Và ông ấy muốn làm lại, bắt đầu từ cái nền móng. Thế rồi ông dựng trường thực nghiệm, với cách dạy và học hoàn toàn mới. Thày không dạy những con vẹt mà đào tạo những con người, bày cho các em một phương pháp tư duy chứ không phải chỉ thụ động lặp lại những gì thày đã nói trên lớp. Nhờ thế chúng ta mới có được những Ngô Bảo Châu. Ngay cả lúc đăng quang, khi đã trở thành một nhà toán học lỗi lạc thế giới, Giáo sư Ngô Bảo Châu vẫn nhớ đến thày Hồ Ngọc Đại, vẫn ám ảnh về một ông thày đúng là một ông thày. Và ông thày ấy cho đến nay, vẫn bình dị một ông giáo dạy tiểu học. Chúng ta đã từng có những lớp người như thế, những cán bộ như thế. Và cùng với họ là một xã hội dường như không có tội phạm. Một xã hội sạch sẽ và trong trẻo”./.
Trần Đăng Khoa
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét