Theo khẳng định của giới di truyền học, giống cái xuất hiện đầu tiên trên trái đất và phải tới 84 ngàn năm sau giống đực mới xuất hiện do “hậu quả” của sự đột biến nhiễm sắc thể giống cái. Vừa nhỏ bé hơn, ít ỏi hơn, lại thêm đặc tính luôn xuất hiện đơn lẻ trong tế bào nên nhiễm sắc thể Y – yếu tố đặc trưng cho “chất đàn ông” đang ngày một thoái hóa và rơi rụng dần. Trong tương lai, có thể sẽ không còn bóng dáng của đàn ông!
Giống đực - Sản phẩm của sự đột biến!
Từ lâu, giới khoa học đã quan tâm đến câu hỏi điều gì quyết định sự khác biệt giới tính và vì sao nhiễm sắc thể (NST) Y không tồn tại ở phụ nữ. Mãi tới năm 1923, các nhà sinh học mới phát hiện ra rằng, chúng ta kế thừa giới tính từ “cuộc chơi” của hai NST: X kép dành cho bé gái, X và Y - trường hợp bé trai. Từ thời gian đó, các nhà khoa học không ngừng săn lùng gen quyết định sự hình thành cơ quan sinh dục của phôi thai từ tuần thứ 5 của thai kỳ. Sau nhiều thất bại, đến đầu thập kỷ 90, tập thể các nhà khoa học thuộc Đại học Stanford, Anh mới nhận dạng được ứng viên quan trọng vốn “đồn trú” trên NST Y. Gen này được đặt tên là sex determing region of Y (SRY) - chính là chìa khóa của đàn ông tính. Nó hoạt động không khác gì ngòi nổ, khởi động vô số sự kiện liên quan đến hormon và kết quả cuối cùng dẫn đến sự hình thành cơ quan sinh dục đàn ông.
Do được “khai sinh” từ sự đột biến NST giống cái nên NST giống đực không còn khả năng tái phối hợp thông qua sự trao đổi gen với NST song sinh. Thêm vào đó, trong tế bào, NST Y luôn xuất hiện đơn lẻ, vì vậy sự rò rỉ thông tin di truyền là không thể tránh khỏi. Một khi có sự sai sót xảy ra trong quá trình sao chép, nếu ở phụ nữ, gen bị hỏng ở một NST của cặp nào đó có thể bị loại ra và được thay bằng gen tốt hơn ở NST “cặp” với nó. Nhưng với cặp NST X-Y ở giống đực, chẳng may một gen nào đó ở NST Y hỏng, coi như “đứt” vì nó không còn NST “anh em” nào để thay thế và tái kết hợp như với giống cái. Vì thế, trải qua một quá trình dài tiến hóa, NST Y ngày càng trở nên nhỏ hơn và cũng ít được dự trữ trong gen hơn.
Theo nghiên cứu của GS. Bryan Sykes, nhà di truyền học thuộc Đại học Stanford, hiện NST Y chỉ chứa số lượng nhỏ hơn 100 gen, trong khi đó có tới hơn 1.000 gen trong NST X. So với kích cỡ NST Y của các cụ tổ cách đây 250.000 năm, NST Y của nam giới ngày nay chỉ còn bằng 1/3 (khi ấy NST Y mang khoảng 1.400 gen nhưng giờ đây chỉ còn 78 gen). Điều đáng sợ hơn là quá trình suy thoái vẫn tiếp tục diễn ra. NST Y ngày một mang thêm nhiều đột biến có hại chưa từng thấy ở các thế hệ cha ông. Mỗi thế hệ đàn ông tiếp theo lại tích thêm một số lỗi về gen. “Cứ cái đà này, đàn ông có thể sẽ bị tuyên án tuyệt chủng trên con đường tiến hóa của giống nòi mình” - GS. Steve Jones - tác giả cuốn sách nổi tiếng Về nguồn gốc đàn ông nhận định. Trong tác phẩm này, GS. Steve Jones cũng đưa ra dự báo rằng, sau 125.000 năm nữa, chúng ta sẽ cạn kiệt nguồn gen trên NST Y, tức khoảng 5.000 thế hệ sau, đàn ông sẽ biến mất.
Phụ nữ sẽ là tương lai của nhân loại?
Trong khi NST Y đang phải đối mặt với nguy cơ suy thoái và biến mất thì NST X lại có tương lai đầy hứa hẹn. Loại NST dùng chung cho cả hai giới này còn mang theo vô số gen được kết nối vào chức năng của não bộ. Cho đến nay, người ta vẫn tin rằng, ở phụ nữ - đối tượng được trang bị hai NST X, chỉ có một hoạt động còn NST thứ hai sẽ bị “ngủ quên”. Thế nhưng, những nghiên cứu gần đây lại phủ nhận kết luận như vậy. Sự thực có tới 25% số gen ở cả hai NST X cùng hoạt động tích cực - yếu tố cho phép tế bào sửa chữa gen hư hỏng. Đặc điểm “co giãn” di truyền này tạo cho phái yếu khả năng tự vệ hữu hiệu hơn cũng như phạm vi mô phỏng rộng lớn hơn. Nó cũng cho phép nữ giới né tránh không ít bệnh tật kế thừa liên quan đến gen di truyền qua NST X, vốn chủ yếu đổ lên phái mày râu - từ hói đầu, đến thiếu máu; từ tự kỷ đến hội chứng rối loạn cơ bắp.
Có một điều chắc chắn là trong suốt thời kỳ dài tiến hóa, nghiễm nhiên nữ giới được ưa chuộng hơn - bao gồm cả khâu sinh nở - công việc ngày nay là một trong những địa hạt cuối cùng, nơi tính biệt lập của hai giới vẫn còn được xác định rõ ràng. Mặc dù cho đến nay, nam giới vẫn góp phần quan trọng trong việc duy trì nòi giống thế nhưng trên thực tế, sự “trượt dốc”, suy thoái của những NST Y cùng với sự tiến bộ của khoa học công nghệ đang khiến cho vị thế của cánh đàn ông ngày một yếu dần đi. Ngay bây giờ, nhà triết học kiêm sinh học Henry Atlan đã tiên đoán rằng: đàn ông sẽ tuyệt chủng.
Nhưng, sự kết thúc của đàn ông không đồng nghĩa với sự kết thúc của loài người. Ngày càng có nhiều bằng chứng chứng tỏ rằng loài người có thể tồn tại mà không cần đến các ông bố. Việc chú cừu Dolly ra đời không cần đến giống đực hay việc các nhà y học sinh sản tuyên bố rằng họ đã “chế tạo” thành công tế bào sinh sản người bằng phương pháp nhân tạo cho thấy vai trò cuối cùng của đàn ông trong thụ tinh có khả năng trở thành không cần thiết. Theo dự báo của các nhà di truyền học, trong tương lai, khoa học sẽ đưa tự nhiên về với trạng thái giống như nguyên thủy của nó, tức là đàn ông sẽ biến mất. Và như vậy, cuộc sống sẽ ra sao?
Kiên Trung(Theo Spiegels)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét