Thứ Sáu, 24 tháng 8, 2012

Nhà văn Nguyễn Quang Lập viết về "Kẻ thù của Hai Bà Trưng là kẻ thù nào":



(TSYG xin cảm ơn Bọ Nguyễn Quang Lập đã cất lên tiếng nói trung thực, thẳng thắn, tuy cô đọng nhưng đầy đủ ý nghĩa. Thiết nghĩ sự việc đã rõ như ban ngày. Việc không có từ "giặc Hán" trong bài Hai Bà Trưng là "không chuẩn". Mà đã "không chuẩn thì phải chỉnh". Thế thôi! )

Kẻ thù của Hai Bà Trưng là kẻ thù nào? Đó là câu hỏi của một phụ huynh khi đọc chuyện Hai Bà Trưng trong sách giáo khoa lớp 3 của  Nxb Giá Dục: “Phe ta” có các nhân vật: Trưng Trắc, Trưng Nhị, Thi Sách, đoàn quân khởi nghĩa. “Phe địch” được liệt kê theo thứ tự trong bài: giặc ngoại xâm, quân xâm lược, tướng giặc Tô Định, kẻ thù, giặc, quân thù và cuối cùng lại là ngoại xâm. Đanh thép tố cáo tội ác của giặc ngoại xâm nhưng không muốn cho các cháu biết đó là giặc nào? Rồi ‘lòng dân oán hận ngút trời’, các cháu cũng không được quyền biết lòng dân oán hận ai?”

Chúng tôi đã đọc lại chuyện Hai Bà Trưng trong sách giáo khoa lớp 3 và thấy quả nhiên là như vậy. Không rõ tác giả và nhóm soạn giả SGK vô tình hay hữu ý nhưng bất luận lý do gì điều đó cũng không chấp nhận được. Nhất là ta đang sống trong khoảng thời gian lịch sử “ rất nhạy cảm”, khi mà, nói như nhà báo Huỳnh Ngọc Chênh, 2 lần VTV xảy ra sự cố cờ 6 sao, trang web Du lịch Hà Nội ghi biển Đà Nẵng là China Beach, sách giáo khoa của nhà Xuất bản Giáo Dục lại in bản đồ của Trung Quốc ngoài bìa, ở đó biển Việt Nam không có Hoàng Sa và trường sa…

  Không ai có thể chấp nhận được câu mở đầu như thế này: “Thuở xưa nước ta bị giặc ngoại xâm đô hộ”. Đó là lối viết vừa mơ hồ về lịch sử vừa tù mù về văn cách. Biên tập cuốn sách, Ths Đào Tiến Thi giải thích: “Trong khi học, nếu học sinh có hỏi ( giặc ngoại xâm nào?), cô giáo cũng không khó trả lời”. Còn chủ biên cuốn sách, Gs Nguyễn Minh Thuyết thì bảo: “Bởi vì đối với lớp 3 phải rất hạn chế các thông tin không cần thiết. Vì nếu chỉ cần nói “giặc Hán” thì lại phải chú thích Hán là triều đại nào, điều đó rất trừu tượng với học sinh lớp 3”. Những giải thích nói trên không thể  nói khác hơn là lối phân bua chống chế .

Tại sao không viết ngay “giặc nhà Hán” , phải đợi khi học sinh hỏi cô giáo mới trả lời? Ở phần Gợi  ý cảm thụ của bài đọc, các soạn giả cuốn sách đã viết: “Những năm đầu công nguyên, nước ta bị nhà Hán đô hộ, dưới ách tham tàn của chúng, dân ta vô cùng cực khổ…”, thiết nghĩ đó là câu mở đầu chuẩn không cần chỉnh, tại sao không dùng nó? Còn như giải thích như GS Nguyễn Minh Thuyết thì tại sao cũng trong sGK lớp 3 đó chuyện Lê Lai cứu chúa lại ghi là giặc Minh, chuyện Trần Bình Trọng lại ghi là giặc Nguyên? Phải chẳng nói giặc Minh, giặc Nguyên ít ai biết  còn nói giặc Hán người ta biết ngay là Trung Quốc?*

Ở đây không phải là chuyện có bé xé ra to. Ngày nay để cho các em học sinh phải hỏi “kẻ thù của Hai Bà Trưng là kẻ thù nào?” thì thật là chua xót, chuyện đó quyết không là chuyện nhỏ. Đã sai phải công nhận đó là sai và nhanh chóng sửa chữa, chớ có phân bua chống chế, nhất là những trí thức đáng trọng như Gs Nguyễn Minh Thuyết và Ths Đào Tiến Thi. Các ông đã dám cất cao tiếng nói trung thực và khẳng khái trước cái ác và cái xấu làm nức lòng dân chúng. Để cho tiếng nói của các ông tiếp tục làm nức lòng dân chúng, hà cớ gì phải phân bua chống chế trước một sai sót?
Nguyễn Quang Lập
………
* Ngay phần ghi nhớ cuối chuyện đã chống lại lý lẽ của gs Nguyễn Minh Thuyết: “Dưới ách đô hộ của nhà Hán, dân ta trăm đường cực khổ. Hai Bà Trưng phất cờ khởi nghĩa, đánh đuổi hết quân giặc về nước.” Đừng bảo đã có ở phần ghi nhớ rồi nên trong bài không có cũng được nhé. Chúng tôi đang bàn đến chuyện Hai Bà Trưng với tư cách một tác phẩm độc lập.

Không có nhận xét nào: